SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

Hành Trình Của Một Chiếc Bánh Chưng

(Châu Về Hiệp Phố tân biên)

Nguyễn Văn người phố Ga, bẩm sinh tư chất phi phàm, tay phải thành thạo ngôn ngữ Ăng Lê, tay trái nhuần nhuyễn ngôn ngữ Giao Chỉ (đôi khi có thể sử dụng một ngôn ngữ bằng cả hai tay và toàn thân), học một biết trăm, lên nét chơi ghêm nào cũng toàn thắng. Chẳng may huyên đường mất sớm, Nguyễn phải một thân tự chủ tự lực tự cường. Năm 18 đã tốt nghiệp phổ thông Trung học, nên người cùng chung cư thường gọi là Tú tài Nguyễn. Thực ra bấy giờ thiên hạ tốt nghiệp Cấp Ba nhiều như rươi, nhưng không ai được vinh danh thế trừ Nguyễn, đủ biết riêng Nguyễn được trọng vọng dường bao!

Gặp thời buổi khủng bố khủng bu, kinh tế tuột dốc, xăng nhớt leo thang, dù có thực tài nhưng bằng cấp chưa đủ đô, lại không rờ- đít (credit) để mượn vốn ngân hàng làm bị- xì- nẹt (bussiness), Nguyễn ra công tích lũy kiến văn thêm nữa, mong vớt được Cử Nhân Bảng Nhãn hầu câu được dóp thơm. Vừa học vừa làm bạt- tai (part time), không rảnh để o mèo, Nguyễn  chỉ giao lưu liu riu cùng các nàng em- trật- nết (internet).

Cùng phố Ga có nàng Trần Thị dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường, vừa đến tuổi rửng mỡ, nghe tiếng Nguyễn Văn đem lòng mến mộ, lân la kết bạn tâm tình. Như đồng hạn gặp mưa, Nguyễn Văn sa ngã ngay tức khắc! Trai tài gái sắc, lửa rát rơm khô, mới tương ngộ có mười hôm mà như nợ nần nhau mười kiếp trước! Tuy nhiên vì tiềm lực tài chánh eo xèo, Nguyễn Văn chỉ dám đèo Trần Thị đến những địa điểm kém linh thiêng như Mạt- đổ- nợ (Mac Donald), Quơ- mạt (Wal Mart)... để thề non hẹn biển. Nơi nào cũng đầm đìa chữ Mạt!

Mà có lẽ những nơi ấy không được thiêng thật (chắc hãm tài bởi chữ mạt) nên thề thốt không linh, duyên vừa se bỗng đứt, tình mới bén lại lìa. Một tối bên ngoài tuyết rớt lai rai, Trần Thị báo cáo cùng Nguyễn Văn rằng nàng phải vâng lệnh song đường lên xe hoa cùng kẻ khác.

Nguyễn Văn nghe qua suýt ngất. Phẫn lắm, bèn hạch:

-Hơn tuần nay ta đã vì ai mà cà cháy thẻ, há nàng chưa rõ bụng ta ư? Đột xuất nói lời từ biệt mà nàng nghe thuận nhĩ à?

Trần Thị đầm đìa châu lệ mà rằng:

-Hương lửa ba sinh nguyện kiếp tái lai sẽ ơn đền oán trả. Kiếp này thiếp không cáp với đại gia kia e sẽ xơi tuồng bạo lực của hai bậc sinh thành.

Càng nghe càng nổi xung thiên, Nguyễn Văn thét rống lên tợ Kim Mao Sư Vương sử dụng công phu Sư tử hống:

-Ta thật không ngờ thiên niên kỷ này vẫn còn tuồng ép uổng tơ duyên. Lại không ngờ song thân nàng là những kẻ khủng bố. Từ nay ta sẽ liệt họ vào danh sách những nhân vật chà đạp nhân quyền! Cha chả, thật là quá chướng, sống đất này bao năm mà không biết rằng ngăn cản con người ta săn tìm hạnh phúc cá nhân là tè lên hiến pháp!

Trần Thị hãi quá, xoe xoe vạt áo Nguyễn Văn một hồi rồi mới dám thưa:

-Xin chàng hãy dằn nộ khí, chớ gây hấn cùng song thân thiếp. Một phần lỗi là do thiếp tự nguyện xung phong. Đại gia ấy nguyên là đại ân nhân đã giúp đỡ gia đình thiếp từ những ngày đầu tiên cắm dùi đất này. Nay thiếp không về với đại gia thì e sản nghiệp nhà thiếp đi đứt...

Trở lại chung cư buồn nẫu ruột, Nguyễn nhờ người ta... tu (tatoo) thích ngay vào cánh tay hình quả tim nhỉ máu, dưới lại phụ đề Việt ngữ Giận Đời Đen Bạc- Hận Kẻ Bạc Tình. Bức xúc hoài, trằn trọc miết, nửa đêm Nguyễn bèn bò dậy lấy bút bi thay bút lông, giấy napkin thay giấy hoa tiên, âm mưu sản xuất thi ca. Chưa tàn nửa điếu xì gà, Nguyễn đã chế tạo được bài thơ tuyệt mệnh trường phái Bút Tre như sau:

      Nàng về vâng lịnh... xuất gia (xuất giá)
Tình mười hôm thoắt bỗng là... tình cu (tình cũ)
      Yêu nhau không nỡ thốt ... đù
Thôi đành... chơi lấy tiếng ngu với người
      Ta về... cắt cái nợ đời
Kiếp lai sinh hẹn thành đôi... uyên ường (uyên ương)

Đọc đi đọc lại miết, Nguyễn Văn lấy làm tâm đắc ý đắc lắm, dặn lòng thể nào cũng gặp Trần Thị phen nữa để trao huyết lệ thư. Sợ Trần Thị xa xứ kinh niên chỉ  thạo Ăng Lê mà không thông tiếng Mít rồi hiểu méo mó chăng, Nguyễn bèn chuyển dịch thêm từ Việt ngữ ra... quốc ngữ, rằng: “Nay nàng nghe lời bu bố đi lấy chồng, vậy là tình mới mười hôm bỗng hóa ra tình cũ. Vì yêu nàng ta không nỡ oán trách, đành tự xử, chết vì tình, cho dù có bị ô danh. Vĩnh biệt, hẹn kiếp sau sẽ làm chim liền cánh.” Đoạn, Nguyễn Văn bấm mô- bai hẹn Trần Thị ra tiểu lộ Ả- Ra- Bờ- Hồ (Arapaho Road?).

Bấy giờ tiết đang Xuân, thời đang Tết, người thiên hạ hồ hởi biếu nhau bánh tét bánh chưng. Nguyễn Văn không qua thói ấy, bèn dốc túi bê ngay về một chiếc bánh chưng. Bóc tờ nhãn đỏ lói có thương hiệu và hàng chữ Cung Chúc Tân Xuân, Nguyễn giấu bài thơ tuyệt mệnh bất hủ dưới nhãn rồi gấp lại như cũ, nhìn qua đố ai biết đã xảy ra sự cố gì. Nguyễn Văn mãn nguyện lắm, nghĩ thầm rằng vừa biếu bánh vừa tặng thơ, tác động tình cảm sẽ thập phần hiệu quả. Ấy chẳng qua Nguyễn tuân lời Thánh dạy, rằng Con đường ngắn nhất đến với trái tim là con đường đi qua bao tử.

Buổi tạ từ nơi Ả- Ra- Bờ- Hồ tiểu lộ hôm ấy lâm ly không kém buổi chia tay nơi Nam Sơn tiểu lộ năm nào giữa Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài. Gió lớn làm tốc cả váy Trần Thị nhưng Nguyễn không huỡn để tưởng tượng xa xôi nên mặt mày không hề biến sắc. Còn Trần Thị thì cảm động lắm, cầm bánh mà không cầm được lệ, sụt sịt hồi lâu mới rỏn rẻn:

-Thiếp đã rõ tình chàng sâu nặng, không hề lợn cợn chút dã tâm. Thiếp chỉ thắc mắc một điều, mong chàng đả thông tư tưởng: thường thì quà cáp có đôi, cớ sao chàng chỉ biếu có một?

Không thể thố lộ rằng đó là những đồng bạc vét túi, Nguyễn hùng hổ lý giải:

-Trộm nghĩ quà cáp có cặp có đôi là do duyên may tốt lành tròn trịa. Nay tình vỡ duyên tan, nàng ra đi, ta ở lại mình ên, một chiếc bánh là để mô tả sự đơn chiếc ảm đạm ấy mà thôi.

Trần Thị lại lấn cấn:

-Vậy chứ tình vỡ duyên tan, bánh nào lại ý nghĩa hơn... bánh tét! Học cao hiểu rộng, há chàng không hiểu được tính từ... tét bét hay sao?

Tuy biết Trần Thị giở trò “Đố Vui Để Chọc”, Nguyễn Văn vẫn không hề nao núng:

- Nàng ở bên ta đã mười hôm nhưng xét ra chẳng lây nhiễm được tí thông thái nào. Người thiên hạ không gọi bánh tét suông mà gọi đó là đòn bánh tét. Nàng muốn ăn đòn... bánh tét ư? Ta học chữ Thánh hiền, đối với nữ lưu không xài bạo lực. Vả, Tết nhất đầu năm cũng nên có đôi điều úy kỵ, không chơi ẩn ngữ ăn đòn.

Trần Thị không dằn được nữa, ngửa mặt lên trời rống to:

-Hỡi cao xanh, tình ta đang tột cùng công suất, trách ai xui keo rã hồ tan!

Nguyễn Văn can:

-Khuyên nàng chớ nên bi lụy ồn ào thế, mấy cớm kia đang tuần tra công lộ, tưởng ta ức hiếp chi nàng, trăm điều phiền toái.

Can xong lại dặn thòng:

-Đến lúc xơi bồi dưỡng bánh chưng này, nàng sẽ rõ thêm cấp độ tình ta! Nhớ xơi khẩn trương lên nàng nhá!

Trần thị gục gặc đầu:

-Thiếp sẽ xơi vô tư thôi ạ!

Đoạn này thiết nghĩ kể đã dài, xin ngưng tại đây, chỉ cần biết rốt cuộc cả hai bịn rịn chia tay, người đi rất tâm trạng, kẻ ở lại cũng đầy hoàn cảnh.

Nguyễn Văn về ốm tương tư mất mấy ngày Tết, nhưng nghĩ kỹ thấy chết đi là... ngu thật, thôi thì xem như... dọa thế cho vui! Biết đâu đọc tuyệt mệnh thư, Trần Thị lại chẳng động lòng, nài nỉ chàng bỏ ý định quyên sinh đi rồi... gương vỡ lại lành? Một khuya đang nằm mê man xảy có một đạo sĩ nách kẹp phất trần cưỡi mây sà xuống bên giường mà bảo:

- Tên Tú tài thối tha kia, nhà ngươi định tuẫn tiết vì tình thật ư?

Nguyễn Văn lật đật đáp:

-Thú thật là không! Vãn sinh hù dọa tí thôi chứ không hề ngu thế! Chỉ mong sao đảo ngược được cục diện chiến trường!

Đạo sĩ vuốt râu cười hăng hắc:

-Hỏi là để Tú tài mày có dịp tự xác định lập trường chứ lòng dạ ngươi ta đã rõ. Đừng có lo, rồi... châu về hiệp phố mà thôi!

Nguyễn Văn toan hỏi thêm thì dường như đạo sĩ đã đoán trước được, quẩy phất trần mấy phát rồi lái mây dông tuốt, chỉ để lại một câu rổn rảng:

- Bất khả lậu! Thiên cơ bất khả lậu... lậu... lậu... lậu...

Âm vọng lậu... lậu... lậu... làm Nguyễn Văn giật mình tỉnh giấc, nằm nhớ lại điển tích Châu Về Hiệp Phố: Hiệp Phố thuộc tỉnh Giao Châu xưa, nay là Quảng Đông (Tàu). Vùng biển nầy có rất nhiều ngọc trai. Thời xa xưa ấy quan lại tham ô, bắt dân phải đi mò ngọc trai để dâng nộp. Ngọc trai vì sợ tuyệt chủng nên di tản hết. Sau có người tên Mạnh Thường về làm quan, thanh liêm và thương dân rất mực nên bỏ tục bắt nộp ngọc trai. Ngọc trai lại trở về tái định cư trong vùng biển Hợp Phố. Điển tích ý nói về sự đoàn tụ sum vầy.

Quán triệt đến đây Nguyễn Văn cả mừng, định bụng khi lời phán kia thành sự thực rồi sẽ cúng đạo sĩ nải chuối.

Mấy ngày Xuân Nguyễn Văn bất an trong dạ, nghe tiếng xe đỗ xịt dưới bãi thì tức tốc tung chăn, thò đầu xuống mong nhận ra người ngọc... gái! (Cần nói là Nguyễn Văn không phê ngọc... trai!). Nghe tiếng máy sưởi tái khởi động đánh khịt một phát lại giật mình tưởng dáng hoa đẩy cửa bước vào. Cứ thế ngày mong đêm ngóng, biếng ngủ quên ăn, thùng mì gói mua đón Tết Mậu Tí không màng sờ tới. Đến mồng ba, chịu không thấu, Nguyễn Văn mò dậy, xảy thấy trên bàn còn cái bánh chưng đồng hương biếu hôm giao thừa, bèn bổ ra lót dạ cầm hơi chờ... ngọc gái!

Bổ cái bánh chưng làm hai, Nguyễn Văn giật mình kinh hoảng, rú lên một tiếng hãi hùng. Dưới tờ nhãn thương hiệu Bánh Chưng Ngon Thơm Rẻ và hàng chữ Cung Chúc Tân Xuân là bài thơ tuyệt mệnh rành rành thủ bút của chàng!!! Quái! Thế này... là thế chó nào chứ? Bức bối cực kỳ, Nguyễn chộp ngay mô- bai bấm lia lịa. Chợt nghe tiếng Trần Thị thổn thển:

-Hé lộ... Hé lộ! Ai gọi giờ này?

Giọng oanh vàng xưa sao nay nghe như dùi đục, Nguyễn Văn giận cành hông, rủa ngay:

-Khốn nạn thay... cái bánh chưng ta đã biếu nàng! Ta nay đã biết nàng không hề mó tới!

Trần Thị ngập ngừng:

-Chàng quả thông tuệ khác thường, biết cả mọi việc. Thôi thì em báo cáo rành mạch ạ. Tết nhất quà cáp nhiều quá, chủ lực là bánh chưng. Bánh chưng chất đầy tủ đá, em mang cái bánh chưng của chàng đi Tết người hàng xóm. Quả nhiên em không rớ tới thật! Nhưng sao chàng biết? Họ tiết lậu lại với chàng chăng?

Nguyễn Văn càng điên tiết:

-Lại lậu với chẳng lậu! Nay ta đã rõ lộ trình của cái bánh chưng tội nghiệp: nàng biếu thằng hàng xóm, thằng hàng xóm lại tặng cho bè bạn nó, bè bạn nó tặng lại cho người thân của chúng, người thân chúng lại biếu lại cho tên hàng xóm của ta, tên hàng xóm của ta bê đến nhà ta... Thật quả là cái bánh chưng... có mắt!

Bèn cúp mô- bai cái cạch rồi than: Hỡi ôi hóa ra Châu Về Hiệp Phố là vậy! Than xong lại nghĩ mà cả mừng vì chưa ai đọc được tờ thư tuyệt mệnh của mình, có tiếp tục sống nhăn răng cũng chả sợ lời gièm pha rằng tham sanh úy tử. Nghĩ miên man, xơi hết cái bánh chưng lúc nào chẳng hay, no cành hông, ba ngày sau vẫn không rớ nổi một cọng mì ăn liền.

Sau, cả người phố Ga biết chuyện. Rồi từ đó, cả thiên hạ đều biết chuyện. Nên mỗi dịp Xuân về có người mang biếu bánh chưng mà lòng phân vân khôn tả. Nhận bánh lại càng hãi hơn, chỉ lo... Hợp Phố Châu Về! Lại có thơ rằng: Bánh sáp đi bánh quy về/ Sao bánh chưng lại... ê hề bánh chưng?

Tầm Xuân
(trích Bước Xuống Vườn Cà, NXB Trẻ, 2012)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012