SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

TÌNH CŨ

Phạm Hồng Ân

   Ông Sáu về hưu, sau 23 năm làm việc cho các hãng Mỹ. Ông như vừa trút bỏ gánh nặng trên vai, như vừa bước qua một lối sống khác, thoát khỏi mọi ràng buộc đời thường. Nhưng lối sống khác là lối sống thế nào? Có phải là trở về quê hương hưởng thú điền viên chăng? Về quê hương trầm đời dưới chế độ mà ông đã từ bỏ ra đi, có nghịch lý lắm không? Với lại, không có cục đất chọi chim bên đó, khả năng đâu để mua nổi tấc đất tấc vàng mà đòi điền viên hưởng thú? Vài bạn già khác khuyên nên lên núi cao tìm căn nhà nhỏ ngắm cảnh trời mây uốn lượn. Sáng sáng lòng vòng ngao du sơn thủy. Tối tối vác cần câu ra bờ hồ chờ sao rơi trăng rụng. Rồi cõi lòng trộn lẫn với thiên nhiên... để nghe tâm thân an lạc, hồn sẽ liêu phiêu về hướng vô cùng. Ôi cha! Với một ông già sắp sửa “chầu Trời”, liệu cơ quan nào có điên cho mượn nợ 30 năm để mua căn nhà tuốt trên đỉnh cao mà đòi hái sao hứng trăng?

Chỉ còn cách tìm một mobile home tàm tạm nào đó dành riêng cho senior. Nơi đó cũng tĩnh lặng, thanh nhàn - vì toàn là ông già bà lão trú ngụ. Sáng sáng chiều chiều kéo nhau đi bách bộ trong khu. Trưa về chăm sóc các chậu hoa, các liếp rau cải nho nhỏ. Hứng chí, mướn xe bus đi rong chơi đó đây hoặc dẫn nhau vào casino kéo máy. Đó cũng là thú vui . Thú vui của người Mỹ cao niên, cũng như của lão niên Việt Nam và các lão niên dân tộc khác định cư trên đất Mỹ.

Ông Sáu không độc thân. Ông có gia đình đàng hoàng. 23 năm vùi đầu vào công việc để nuôi bầy con học hành thành tài. Nhìn lại, ông rất danh dự và hãnh diện. Bây giờ, mỗi đứa đã có gia đình, đã có mái ấm riêng của nó. Ông không muốn chen vào, không muốn là viên gạch cũ làm xấu đi những viên gạch mới trong ngôi nhà của người chủ thời thượng. Sự suy nghĩ của các con cũng trái ngược với sự suy nghĩ của ông. Tụi nó suy nghĩ theo kiểu Mỹ, ông suy nghĩ theo cách Việt Nam. Ông luôn luôn hoài cổ, tụi nó chỉ vươn vai theo hướng tương lai. Ông đào xới gốc rễ, các con đâm chồi nẩy lộc từ ngọn cây. Ông làm tính theo cửu chương đã nằm lòng từ thời con nít, tụi nó làm tính bằng cách bấm nút, kết quả hoàn toàn dựa theo máy móc hiện đại. Ông và các con không hạp. Tốt hơn, tự tìm kiếm cho ông một chỗ riêng để an thân.

Chẳng lên được núi cao hứng trăng hái sao thì xuống thung lũng nhìn chim bay hoa nở cũng thú vị biết bao! Mobile Home “trăng sáng” mùa thu lã chã lá rơi. Nó nằm lọt thỏm giữa những dãy núi hình thiếu nữ có bộ ngực chỉa thẳng lên trời. Thiên nhiên nguyên thủy hợp cùng với bàn tay sáng tạo của con người làm thành một khung cảnh lãng mạn và thơ mộng vô chừng. Ông Sáu bằng lòng với chỗ ở mới. Ông bằng lòng với láng giềng. Ông bằng lòng với những thú vui do ông cố gắng chọn lựa.

Một trong những thú vui của tuổi về hưu là ngồi xe bus lên casino kéo máy. Đầu tiên, ông Sáu chưa cảm nhận được điều này. Ông cứ nghĩ đó là chốn cờ bạc đỏ đen chỉ dành cho trai tráng, cho những tay ăn chơi thừa tiền lắm của. Nhưng khi đến nơi, vào khu “play machine”, thấy đa số là ông già bà lão (có người đang ngồi xe lăn) chăm chú bên máy, ông mới chợt hiểu ra, phàm là con người, dù trẻ hay già...cũng đều có hy vọng để sống còn...cũng đều khó thoát khỏi mọi ràng buộc đời thường. Từ đó, casino là nơi giải khuây thú vị của ông Sáu. Những lúc buồn, cảm thấy cô đơn, ông thường đến đây để nhìn ông đi qua bà đi lại, hoặc tìm người đồng hương chuyện trò, và cuối cùng... để test lại trái tim của ông - coi nó có còn chịu nổi cảnh hồi họp qua những trận ăn thua đỏ đen trên máy.
Một hôm, ông Sáu đang loay quay tìm chỗ ngồi kéo máy, bỗng có tiếng đàn bà bên tai.

- Excuse me! Are you Vietnamese?

Ông Sáu quay lại. Người đàn bà trước mặt ông vừa lúng túng với tấm thẻ member.

- Chào chị. Có chuyện chi không chị?
- Tôi muốn chơi máy này, nhưng không biết đặt thẻ member vào chỗ nào?

Ông Sáu hướng dẫn cách đặt thẻ, rồi định bỏ đi. Nhưng cái nốt ruồi ở giữa nhân trung trên khuôn mặt người đàn bà đã đập vào mắt ông một cách mãnh liệt. Nốt ruồi đã đưa ông về quá khứ, 45 năm về trước, lúc ông còn là cậu học trò nghèo ở tỉnh lỵ Cà Mau.

- Xin lỗi. Chị có phải là dân Cà Mau?

Người đàn bà lại trố mắt nhìn ông Sáu.

- Anh cũng là dân Cà Mau?

Lúc này, ông Sáu mừng rỡ và không ngăn được xúc động.

- Có phải... đây là...Thuyên không?
- Đúng rồi. Còn ông... ông là ai?

Trái tim ông Sáu chợt đập vội vã. Rồi, không ngăn được tình cảm xa xưa, ông nhào tới ôm bà Thuyên vào lòng.

- Sáu...Sáu đây! Trời ơi! 45 năm mới gặp lại nhau. Thuyên có...nhớ ...anh không?

Bà Thuyên gỡ tay ông Sáu ra, thầm thì.

- Ở đây đông quá. Chúng ta tìm một chỗ khác...nói chuyện.

Ông Sáu đưa bà Thuyên ra hành lang Hotel. Hotel của Casino cao vời vợi. Vài chiếc bàn lác đác. Vắng vẻ. Ghế ngồi, ngó xuống swimming pool phía dưới, có vài cặp lửng lơ trong dòng nước xanh lơ.
Ông Sáu mang đến 2 cup cà phê, bốc khói thơm lừng.

- Chúng ta có duyên mà không nợ, phải không Thuyên?
- Tôi nghĩ, anh đã quên. Anh còn nợ tôi nhiều điều lắm chứ!

Nợ? Ông Sáu bỗng nhớ đến xấp tiền trong tấm bao thư ngày xưa - ngày ông Sáu từ Cà Mau lên Cần Thơ thi tú tài. Bà Thuyên tiễn ông đến bến xe đò, rồi nhét vào túi ông một bao thư dày cộm.

- Bao thư này là thư em gửi cho anh. Nhưng khi xe chạy, mới được xé ra coi. Nhớ nghen!

Lúc tà áo bà ba của cô nữ sinh bé bỏng khuất dần sau dãy phố, ông Sáu mới đọc được những dòng chữ nồng nàn tình nghĩa.

Anh thương yêu.
   Em có chút ít tiền dành dụm, xin tặng anh làm lộ phí trong chuyến thi này. Hãy an tâm đi đến nơi, về đến chốn. Ở đây, em sẽ chờ anh cho tới khi nào mang "áo gấm về làng".
   Hôn anh
   Thuyên

- Ồ, Tôi còn nợ Thuyên một số tiền đi thi ngày xưa, phải không?
- Không. Tiền đó tôi tặng anh, nào phải là nợ đâu! Nếu tính nợ, 45 năm qua, cả vốn lẫn lời, làm sao anh trả nổi?
- Vậy chớ nợ gì?
- Nợ tình. Anh còn nhớ bài thơ đầu tiên mà ngày xưa anh viết tặng tôi không? Tới bây giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng. Để tôi đọc anh nghe.
Em từ tiền kiếp về đây
         Bắn ta một mũi tên ngay huyệt tình
               Đành ôm thương tích vô hình
         Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình trăm năm
              Phải chăng...em ngọn dao găm
        Đâm ta những nhát vô tâm trong đời...
- Đúng rồi. Bài thơ đầu đời tôi viết tặng cho tình yêu đầu đời. Cho tới bây giờ...Thuyên vẫn còn nhớ?
- Thời đại chúng ta lãng mạn quá! Chỉ là những lời tỏ tình vu vơ, thế mà tôi chờ đợi đến mỏi mòn. Chờ đợi đến nỗi...tuổi xuân xanh nhanh chóng trôi qua lúc nào không hay. Anh tỏ tình, rồi anh đi biền biệt. Không một lời giã từ. Không một ước hẹn cho sự trở lại.
- Lúc đó, chiến tranh dồn dập, anh phải vào lính. Còn em thì trôi giạt tứ phương. Khi học ở Cà Mau. Khi về Providence Sóc Trăng. Khi vào Sư Phạm Vĩnh Long. Khi ra Đà Lạt. Anh tìm em khắp nơi, nào có gặp đâu?
- Tháng tư năm 1975 kết thúc cuộc chiến. Tôi vẫn chờ anh ở Cà Mau. Sao anh không trở về?
- Anh bị bắt và bị đưa đi tù đày ngoài Bắc. Chưa một lần có dịp trở lại Cà Mau.
- Thấy chưa . Tôi đã nói rồi, anh đã nợ tôi nhiều điều lắm. Ngoài cái món nợ tình ra, anh còn nợ tôi những lời giã từ, nợ tôi những ước hẹn cho sự trở lại.
- Bây giờ, Thuyên muốn anh phải làm sao để đền đáp món nợ đó?
- Bây giờ, chúng ta già rồi, nên xí xóa nhau đi. Tôi chỉ hy vọng gặp lại anh để nói cho vơi đi những khổ đau mà mấy chục năm qua tôi gánh chịu.

Ông Sáu thấy ray rức trong lòng. Hình như ông chưa bao giờ ôm hôn bà Thuyên. Chưa bao giờ ban tặng cho bà một nụ hôn nồng nàn và đắm đuối. Tình yêu giữa hai người vẫn trong sạch. 45 năm qua như một tờ giấy trắng, chưa đẫm vết nhơ. Nhân cơ hội này, ông muốn đền đáp tấm chân tình đó, muốn trả món nợ tình mà bấy lâu nay ông đã vay mượn. Ngó tới ngó lui một cách cẩn thận, ông liền kéo bà Thuyên vào lòng. Vừa định đặt một nụ hôn say đắm nhất lên gò má bà Thuyên, bỗng bất thần ông bị một tát tai nẩy lửa, khiến ông lảo đảo giây lát.

- Anh nên đàng hoàng một chút. Đừng quan niệm dễ dãi rằng "tình cũ không rủ cũng tới". Tôi là đàn bà Việt Nam, khác với đàn bà Mỹ. Tình yêu không phải muốn đến muốn đi lúc nào cũng được. Hơn nữa, tình yêu giữa anh và tôi đã chết lâu rồi. Chúng ta chỉ còn tình nghĩa. Nếu còn tưởng tiếc đến nhau, hàng năm vào ngày này, chúng ta sẽ hẹn gặp nhau tại casino này. Bây giờ, xin chào anh.

Ông Sáu vuốt má, bồi hồi nhìn theo dáng đi của bà Thuyên. Tự dưng, như tiếc rẻ điều gì, ông gục đầu vào vai, khóc rấm ra rấm rức như con nít.

PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido, 17/06/2012)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012