SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

BÀI ĐIẾU-VĂN KHÔNG ĐỌC

Tâm-Phương-Đăng

1 - Thọ đã đi rồi.

Đồng hồ treo tường vừa điểm 5giờ 30 sáng, cũng là lúc nghe tiếng gõ dồn dập cộp, cộp, cộp... lên bàn làm việc, bà y-tá trực nhà Dưỡng-lão Mission De La Casa - San Jose, người gốc Mexico mệt mỏi vùng dậy khỏi chiếc giường nhỏ trong văn phòng, hớt hơ hớt hải chạy theo ông Mễ lao công lau chùi phòng ốc, bởi vừa được ông ta thông báo có người chết tại phòng 106 A, khi ông vào lau chùi sàn nhà.
Chạy vội vào phòng, bật đèn sáng, vén tấm màn xanh ngăn cách hai giường ngủ, bà thốt lên :

- Oh My God ! Mr. Nuen To ( Nguyễn Thọ ).

Không ai bảo ai, hai người tự động khiêng xác chết đã cứng đơ, từ sàn nhà lên nằm lại ngay ngắn trên giường. Bà tháo gỡ ống dây oxy gắn trên mũi Thọ, rút kim và dây chuyền nước biển từ cánh tay, đắp lại tấm dra trắng, nhìn ông Mễ nói :

- Đêm qua tôi đi check từng phòng, tạt qua đây khoảng 11 giờ 30 thấy ông ta vẫn ngủ bình thường. Có lẽ trước khi chết đã bị cơn đau nhức hành hạ, quằn quại lăn xuống sàn nhà mà không ai hay biết.

Phòng này cho hai người, nhưng thời gian gần đây dành cho một mình ông ta ở, bởi ông thường hay rên la to tiếng  mỗi khi lên cơn đau nhức, nên không ai ở chung được.

Rồi bà vội vã về văn phòng điện thoại thông báo Bác-sĩ giám đốc, đồng thời gọi xe cứu thương đưa đến nhà xác của nhà quàn Lima Family Milpitas đã ghi trong hợp-đồng tuần trước, và tiếp tục lật sổ sách tìm thân nhân thông báo.
Xong xuôi, trời đã sáng,  sắp sửa bàn giao công việc hằng ngày, bà ngồi buồn bã thở dài, thì thầm nói nhỏ :

- Thế là xong một kiếp người …

 2 - Đoạn đời sau cùng với bạn bè trước khi thành tro bụi.

Sáng nay mây trời âm u, không nắng không gió. Vòm trời cuồn cuộn mây xám, vội vã trôi về nơi vô định. Nhìn cảnh vật ảm đạm như mùa thu đang tới, nhưng không phải, bởi bây giờ là giữa tháng sáu, còn đang mùa hè. Có lẽ ảnh hưởng những cơn mưa tháng sáu kéo dài mấy ngày trước. Lòng buồn vời vợi, nhìn cảnh vật thê lương, tôi tự nhủ thầm : Hôm nay đưa tiễn nó về bên kia thế giới, chắc trời đất buồn thương ….

Giữ thẳng tay lái, liếc nhìn sang Thiêm, cả hai chúng tôi cùng im lặng, mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng tư, đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?

Trên đường đến nhà quàn, nơi sẽ an táng và hỏa thiêu người bạn Nguyễn Thọ vừa trút hơi thở cuối cùng hai hôm trước.Tôi cố moi móc tâm trí mình để nhớ lại quãng đời hơn hai mươi năm từ khi gặp lại Thọ trên đất Mỹ đến nay và hỏi Thiêm :

- Trong số bạn bè mình, có đứa nào biết và liên lạc được bà con thân nhân nó hay không ?.

Thiêm vẫn nhìn thẳng phía trước trả lời

- Hình như nó có cô em, gia đình cô ta ở Sacramento nhưng không ai biết địa chỉ và điện thoại để liên lạc.
Cũng như thằng con trai nay đã gần bốn mươi, hai cha con không hạp nên xa nhau gần ba chục năm trời từ khi qua Mỹ, chính nó cũng chẳng biết bây giờ con nó ở đâu, đang làm nghề gì để mưu sinh đời sống. Xưa nay tôi chưa bao giờ thấy ai có cuộc sống lang bạt và tắc trách như bố con nó. Chỉ có hai bố con nơi xứ người mà vẫn không sống chung hòa bình được.

Tôi hỏi Thiêm :

- Có phải thằng nhỏ lúc lên mười, tánh tình ngang bướng, phá phách không chịu học hành, đêm hôm bị nó chở lên free way bỏ rơi hay không ?.
- Ừ … chính thằng nhóc đó, nhưng bây giờ đã gần bốn mươi, lẹ thật, và hình như thường xuyên vào tù ra khám, có lần nghe nó nói vậy.
- Hôm trước tôi nghe ai nói,em gái nó cũng thế, sau những lần gây gổ chuyện gia đình nên không muốn tiếp xúc nhau từ lâu rồi, có thể vì chuyện thằng nhỏ run away phải không ?.

Thiêm thở dài trả lời :

- Ôi !Chuyện gia đình nó hình như rất phức tạp, nhưng mấy tháng trước bạn đã thường xuyên thăm viếng, và có phỏng vấn tìm hiểu đời tư nó, sao bây giờ không viết bài điếu văn đưa tiễn ?.
– Tôi đã viết, nhưng nghĩ rằng những bạn đứng ra tổ chức tang lễ như Võ, như Hữu không muốn liên hệ đến tôi bất cứ điều gì, nên không mang theo bài điếu văn. Hôm nay tôi chỉ đến thắp nén hương tiễn biệt chứ không ở lại chờ hỏa thiêu. Hơn nữa, chủ trương của tôi xưa nay là tận tình giúp người còn sống, lâu dài và cần thiết hơn, chứ người chết thì chỉ một lần mai táng là xong nên để cho các bạn khác lo. Cũng như thằng Kim ở Nam Cali. Thời gian nằm bệnh, vợ chồng tôi thường xuống thăm. Lúc nào thấy khỏe tôi chở vợ chồng nó ra nhà hàng ăn uống chuyện trò. Có lần nó kể tiểu sử và nhờ tôi viết bài điếu văn cho ngày khâm liệm nó. Nhưng vì một số bạn bè gièm pha sao đó, nên lần kế tiếp, vợ chồng tôi xuống thăm trong thời gian hấp hối. Khi gọi điên thoại thông báo thì vợ nó lấy lý do không tiện để vợ chồng tôi đến thăm lúc này.

Rồi bà còn khoe rằng vợ chồng Đổ và vợ chồng Vỏ vừa mới đến thăm.Tôi rất buồn và trở về Bắc Cali..
Gần một tuần sau, giấc chiêm bao kỳ quái làm tôi giựt mình khi trời chưa sáng. Tôi đánh thức bà xã và cho hay : “ Xưa nay anh chưa bao giờ nằm mơ, tự nhiên bây giờ thấy chuyện kỳ quặc. Nghe tiếng ai gõ cửa, anh vội ra mở, bất chợt thấy Kim mặc áo quần trắng tiểu lễ của Hải quân, đứng dưới mưa tầm tã. Nét mặt nhìn anh rất buồn.

Anh to tiếng trách móc, tại sao mưa lớn, mày không mau vào nhà ?. Kim vẫn nhìn anh với ánh mắt buồn và không nói năng gì. Anh chạy ra định kéo nó vào, nhưng nó quay lưng đi nhanh rồi nhảy xuống hố sâu. Anh chạy theo kịp nắm tay nó lôi lên, nó trì kéo lại. Hai thằng giằng co dưới mưa cho đến lúc anh mệt lả người, mở mắt ra, mồ hôi ướt áo và thở mệt nhọc. “ Nghe xong, bà xã thốt lên trong sợ hãi : ” Như vậy chắc anh Kim không ổn rồi.” Vợ chồng tôi nằm thao thức đến gần bảy giờ sáng mới dám gọi phôn xuống nhà Kim. Bà Kim cho hay ông vừa trút hơi thở cuối cùng lúc gần 05 giờ sáng.  Thiêm ngắt lời tôi rồi trách móc :

- Bạn bè chỉ có năm ba đứa vùng này nhưng sao lại thích chia bè kết nhóm, chán thật.

Hay có lẽ vì bạn thừa khả năng tinh thần lẫn vật chất giúp đỡ bạn bè, nên một số bạn khác nghĩ là hành động phô trương nên ganh ghét tỵ hiềm ?.

Cũng giống như cộng đồng VN ở Bắc Cali, Nam Cali, Houston TX hoặc Washington DC  Nơi đâu cũng chia năm xẻ bảy thì làm sao nói chuyện quang phục quê hương ?.
Tôi mỉm cười trả lời :

– Quang phục quê hương xem như chuyện đội đá vá trời. Chỉ cầu mong tình hình thế giới đổi thay để làn gió cách mạng hoa lài thổi về tới Việt nam may ra các lãnh tụ thân Trung quốc sáng mắt đứng về phía nhân dân bảo tồn nước Việt.

Nhưng thôi, hôm nay đi đám tang, không nên bàn luận “ chính chị chính em “ làm gì.
Bây giờ còn sớm, ta vào Mc Donald ăn lót bụng và uống café ngồi chờ nhà quàn mở cửa à Vừa mang thức ăn ngồi xuống bàn, Thiêm lên tiếng :

- Trở lại chuyện các bạn ta ở đây ganh ghét bạn,có khi nào bạn tìm hiểu lý do tại sao ?.

Tôi nhìn Thiêm lắc đầu trả lời :

- Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có lần đã nói : “  Rất nhiều người trong cuộc sống này, một khi tình yêu thương trong tâm mất đi, họ sẽ xem người khác như kẻ thù  “. 

Đối với tôi, không nên mất thì giờ tìm hiểu những điều vớ vẩn. Buồn giận thương ghét... thuộc thất tình của con người ( Hỷ Nộ Ai Cụ Ái Ố Dục ), dù ở đây hay ở Việt nam cũng đều xảy ra. Trăm người trăm tánh, bạn bè muốn nghĩ sao về tôi cũng được, tại sao phải bận tâm ?.  Mặt khác, giúp người nghèo khó sa cơ, tôi cảm thấy tâm mình an lạc và sống thoải mái như có được niềm vui cuộc đời.

Tôi quan niệm rõ ràng về cuộc sống tôi, nếu bạn cũ không hợp tánh tình mình mất đi, sẽ có bạn mới thích hợp tánh tình mình đến. Cũng như ngày cũ qua đi, ngày mới sẽ đến. Điều quan trọng là mình sống với một tình bạn có ý nghĩa, một ngày có ý nghĩa.
Việc chia bè kết nhóm là chuyện thường tình, xảy ra bất cứ nơi đâu. Ngay trong một gia đình đông con, đôi khi cũng phe này nhóm nọ làm cha mẹ nhức đầu.   Thiêm nhẹ gật đầu nói :

- Không biết bạn có tin vào kiếp số hay không chứ tôi thì rất tin tưởng. Trước mắt tôi nhìn thấy nhiều gia đình khá giả ở xứ này, con cái thành công nhưng không mấy đoái hoài, lo lắng cho cha mẹ. Con cái lo cho chính gia đình chúng nó, Cha Mẹ có chính phủ lo, mạnh ai nấy sống, không ai xen vào đời sống gia đình riêng tư của ai.
Ngược lại, có những gia đình, các con lúc nào cũng chia phiên chăm sóc, lo lắng cho Cha Mẹ già yếu từ miếng cơm manh áo, từng viên thuốc, từng giấc ngủ, từng bước đi.
Đúng là tùy vận mạng kiếp số, tùy nghiệp chướng của mỗi người. Hiểu theo giáo lý Đức Phật. Rồi cũng có những trường hợp khi cha mẹ già yếu, rất muốn sống chung để con cái chăm nuôi, nhưng con cái viện đủ lý do bận rộn gia đình, trở ngại công ăn việc làm để từ chối, bắt buộc phải gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Nhưng khi cha mẹ vừa trút hơi thở cuối cùng thì anh chị em trong gia đình bắt đầu cãi vã, tranh giành khâm liệm phụng thờ bởi biết được cha mẹ có để lại Life insurance.So với cuộc sống phụng dưỡng cha mẹ già yếu tại quê nhà Việt nam thì khác xa một trời một vực.
Nếu thằng con của Thọ hiểu được điều hiếu thảo con đối với cha thì phúc đức cho nó biết mấy.

Tôi bằng lòng ý kiến của Thiêm và nói :

- Khi còn sống, nếu Thọ gặp ông thầy bói-toán giỏi, chắc chắn được nghe hậu vận cuộc đời nó : Sống cô đơn, chết hiu quạnh.

Có ai ngờ một người như nó, thời trai trẻ, đi đến đâu là có đào, có vợ, có con rơi, con rớt... không biết bao nhiêu mà kể. Đến cuối cuộc đời thì sống thui thủi một mình, nằm bệnh cô đơn, chết không ai hay biết. Có lần tôi hỏi Thọ, có khi nào anh nghĩ đến chuyện tìm kiếm những bà vợ và con cái của anh đang làm gì và sống ở đâu không ?. Thọ trả lời không cần suy nghĩ hay để lộ lên mặt một chút lo lắng quan tâm :

- Bây giờ tôi không lo nổi cho bản thân tôi, thì tìm kiếm làm gì. Hơn nữa, biết chúng nó ở đâu, sống chết ra sao mà tìm kiếm. Chỉ biết được một thằng đang ở Mỹ nhưng mất liên lạc đã lâu, hai đứa ở sài gòn cũng không liên lạc được, còn mấy đứa của mấy bà khác thì chịu.

Rồi Thiêm xen vào :

- Cho đến bây giờ, mình vẫn không hiểu tại sao sau năm 75, hầu như người Việt nào đã sống dưới chế độ Cộng sản một thời gian dù lâu hay mau, khi sang đây, tánh tình họ thay đổi hoàn toàn. Nhất là vấn đề tiếp xúc, xã giao, lúc nào cũng rào trước đón sau, gần như nghi ngờ, dè dặt mọi thứ ngay cả với bạn bè.Thọ cũng thế, sau hơn mười năm trong các trại tù, khi qua được đất Mỹ thì cá tánh và cuộc sống thay đổi một cách kỳ lạ, có vẻ bất cần đời.

Tôi góp ý với Thiêm :

- Bất cần đời là bản tánh cố hữu của Thọ, bạn bè mình ai mà không biết bản tánh đó của anh ta  ?  Còn vấn đề con người thay đổi bản tánh, tôi có đọc qua một vài bài viết của những tác giả khác nhau, tác giả nào cũng đổ thừa ảnh hưởng trào lưu văn hóa, sinh hoạt xã-hội, kinh tế chi phối nên bản tánh nương theo cho phù hợp cuộc sống đương thời. Nhưng không ai phủ nhận “ Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện “  cả.
Cá nhân Thọ cũng không đến nỗi nào, có nghĩa là xưa kia nó vẫn tốt với bạn bè. Còn chuyện gia đình nó, mình làm sao hiểu nổi.

Thiêm ngắt lời và nói :

- Không phải như thế. Điều mà mình muốn nói là xã hội cộng sản đã làm thay đổi mau lẹ bản tính con người thật là kinh khiếp. Như anh đã biết, hậu quả cuộc nội-chiến VN để lại bao đau thương.
Xã hội đảo điên, mất hết tình người, nên đã sản xuất hàng trăm Bùi-Đình-Thi bất nhân bất nghĩa, hành hạ bạn bè, đồng-đội cho đến chết, đánh đập Cha Lễ một cách tàn nhẫn để lập công trong các trại tù. Mấy chục năm qua người VN vẫn sống trong lọc-lừa dối trá, nuôi mãi mối hận thù quanh đời mình : Thù Cộng-sản, thù Quốc-gia, thù bà con anh em, thù bạn bè đồng-đội, thù tình chiến-hữu, căm thù với muôn vàn lý do, có những trường hợp gần như ngu-xuẩn bởi ganh ghét chuyện riêng tư, nhỏ nhoi, không thể chấp nhận được.
Lại còn đáng trách hơn nữa, ngay cả những người đã vượt thoát khỏi ngục tù  cộng sản, được sống và hít thở không khí tự do đã hơn chục năm nay, đã được bạn bè, đồng đội cứu giúp buổi ban đầu khi còn đói khổ trên hải đảo, rồi khi vừa bắt đầu có đời sống hơi tạm ổn định  lại bắt đầu ganh ghét tị-hiềm với người đã từng cứu giúp mình. Đúng với câu ca dao :
Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly.
Thật là buồn cười cho  Nhân-tình Thế-thái.  Anh có thấy điều đó không ?.

Tôi chậm rãi trả lời :

- Thật sự tôi chỉ thấy một phần nhỏ, chỉ xảy ra trong số bạn bè mình mà tôi là nạn nhân như Thiêm đã biết và Thọ là người đã khuấy động cuộc sống tôi không ít.

Hồi tưởng lại đoạn đời sau cùng của nó, dù ai có bản tánh cứng rắn lạnh lùng tới đâu cũng phải băn khoăn quan tâm, đôi lúc gần như bực bội ghét bỏ.

Gần ba chục năm trước, khi vừa định cư tại đây, nghe theo lời khuyên bạn bè đến trước, Thọ đi học cán sự điện vài tháng, sau đó có được việc làm vững chắc.

Ngỡ rằng sẽ có cuộc sống tốt, xây dựng sự nghiệp trở lại. Nào ngờ khi có tiền rủng rỉnh, sinh ra tật ghiền cá độ đua ngựa. Trường đua ngựa lúc đó là nơi đáp ứng mọi nhu cầu đời sống vui thú tuổi già của nó hơn là hội-hè đình đám, góp công sức làm đại cuộc hoặc họp mặt ái-hữu, vui chơi bạn bè nên thời gian này không ai tìm gặp được anh ta.
Vắng đi thời gian khoảng vài ba năm, một chiều đi làm về, tôi chưa kịp vào nhà thì Thọ xuất hiện ngay cổng, với thân xác trông bệ rạc đen đúa như lúc mới đến Mỹ, nở nụ cười gượng gạo nói :

- Tao bị hãng cũ cho nghỉ việc mấy tháng rồi, bây giờ sắp đi làm hãng mới nhưng kẹt cái xe này quá cũ, hư hỏng hoài. Do đó đến mượn mày vài ngàn để mua cái xe khác khá hơn. Tao sẽ trả lại từ từ, có gì trở ngại không ?

Bởi vì đã nghe qua bạn bè nói về cuộc sống hiện tại của nó, nên tôi cố tình nói chuyện dong dài để có thời gian suy nghĩ chín chắn nên giúp hay không. Sợ rằng đồng tiền làm lụng khó nhọc của mình sẽ theo anh ta vào trường đua ngựa.
Tôi cười hỏi nó như đùa giỡn :

- Nghe bạn bè nói mày bây giờ ghiền cá độ đua ngựa hơn đi làm việc để dựng lại cuộc đời phải không ?. Tao nghĩ nếu mày có nhiều thì giờ tại sao không tham gia sinh hoạt các hội đoàn như hội cựu học sinh trường học của mày thời trung học, hội Bạch-đằng Hải quân, hoặc hăng máu trách nhiệm hơn nữa thì hội kháng chiến, v.v...
Thực tế hơn, tại sao không cố gắng giữ jobs tốt, dành dụm tiền bạc  mua nhà cửa ?. Mày phải nhớ “ An cư - Lạc nghiệp “ cho chính bản thân mình chứ. Cuộc đời mày và tao còn dài mà.

Thọ có vẻ giận, đỏ bừng mặt đáp lại :

- Đừng nghe tụi nó nói bậy. Tao đã tham dự vài hội đoàn, nhưng chẳng có hội nào thích hợp với ý tưởng của tao. Mày nên nhớ tao là thằng sống với Việt công lâu nhất, hiểu Việt cộng nhiều nhất. Những hội đoàn chống cộng không thực tế, làm sao thích hợp với tao ?. Mặt khác, các tướng tá của mình ngày xưa hầu hết ít học, chỉ có thời thế đưa đẩy, sống lâu lên lão làng chứ tài năng chẳng có là bao.
Kể từ tháng tư 1975, các Sĩ quan trẻ chạy sang đây, gặp được nhiều cơ hội cùng  với bản tính trẻ trung năng động cầu tiến nên chăm chỉ học hành. Nhiều người tốt nghiệp Bác sĩ, Kỹ sư hoặc Tiến sĩ về mọi lĩnh vực khoa học, xã hội, chính trị à
Do đó, làm sao nghe lọt tai khi các ông lớn thuyết trình  ?.
Khổ nỗi, hội đoàn nào cũng do các ông lớn làm lãnh tụ.

Tôi cắt ngang lời nó :

- Tại sao mày có vẻ hằn học hội đoàn quá vậy ?. Tao chỉ muốn mày tham gia để giải khuây tuổi già. Đỡ tốn tiền cho sòng bài, trường đua ngựa mà thôi à. Ý tưởng mày vừa nói hoàn toàn không đúng. Không ai chối cãi cội nguồn những tư tưởng lớn của những người gánh vác đại cuộc, thường xuất phát từ trường học nhưng cũng rất nhiều xuất phát từ trường đời. Đất nước ta xưa kia các ông lớn trong quân đội tuy học ít trong trường học, nhưng họ đã học được rất nhiều ở trường đời, cho nên binh chủng nào cũng có những tay xuất chúng, khỏi cần nêu ra chắc mày đã biết.Tuy nhiên, bây giờ không phải lúc mày và tao tranh luận vấn đề này. Trở lại chuyện mượn tiền, nói thực cho mày hay, tao không có vài ngàn cho mày mượn lúc này nhưng có một ít tặng mày. Mày nên hỏi thêm vài đứa bạn mình, thế nào tụi nó cũng giúp cho mày đủ tiền mua xe ….

Kể từ khi Thọ nhận tiền tôi giúp là biệt tăm biệt dạng, cho đến hơn năm năm sau. Một chiều mùa đông, nghe Dương mời gọi ra nhà hàng ăn uống. Hình như hôm đó có bốn đứa : Anh, tôi, thằng Đổ, thằng Dương tham dự phải không ?. Những gì xảy ra chắc anh còn nhớ ? Dương thông báo tình trạng thằng Thọ bây giờ bi đát lắm, tiền thất nghiệp không còn, trợ cấp xã hội không thể xin được bởi trông có vẻ khỏe mạnh và có khả năng làm việc. Nhưng quan trọng hơn, là không có địa chỉ vì đang homeless ở những parks San Jose. Hôm đó thực sự tôi bàng hoàng ngẩn ngơ như từ trên trời rơi xuống.Bởi hơn một năm trước nghe đồn Thọ trúng cá ngựa ba trăm ngàn dollars, số tiền lớn như vậy bây giờ ở đâu ?.Nên biết rằng một Kỹ sư với đồng lương trung bình, dành dụm bao lâu mới có được số tiền như thế ?.
Dương thở dài nói : Thì của Caesars trả lại Caesars thôi.

Chuyện số tiền thắng ba trăm ngàn dollards đua ngựa, cách đây mấy tháng lúc Thiêm và tôi vào Viện Dưỡng lão thăm, chính Thọ nằm trên giường bệnh xác nhận :
“  Ừ, đúng vậy. Tao đã thắng được ba trăm ngàn dollards, nhưng chỉ vài tháng sau thua lại hết. Lý do mấy thằng tài phiệt Mỹ tổ chức rất quy mô và hấp dẫn. Tao đã nghiên cứu và tính kỹ còn hơn cá độ đá gà lúc còn ở Việt nam, nhưng cũng không lại tụi nó.Tụi bây biết có những thằng Mỹ đã bỏ ra trên một triệu dollards để mua ngựa đua thì làm sao mình tính hơn tụi nó được ?. Suy nghĩ được điều này và tiền bạc trắng tay nên tao từ giã đua ngựa “.
Trở lại buổi tối ăn uống tại nhà hàng, khi ra về không có đứa nào lên tiếng tìm phương cách cụ thể giúp Thọ. Do đó, trước khi lên xe, tôi đã đưa cho Dương một ít tiền và dặn : “ Dương từ từ đưa cho Thọ khi nó thực sự cần và đừng nói tiền này là của tôi.”.

Dương làm đúng lời yêu cầu, cho đến mùa đông năm sau, một lần nữa Dương thông báo : Thằng Thọ rất cần tiền mua vé máy bay qua Texas, vì năm nay mùa đông Cali lạnh quá, dân homeless không thể ngủ ngoài park ban đêm. Texas ấm hơn nên phải qua bên đó. Nghe xong tôi bảo Dương :

- Anh hỏi lại cho rõ, ngày giờ nào nó muốn đi để chúng ta mua vé máy bay chứ không nên giao tiền cho nó.

Gần một tuần sau, nghe Dương trả lời :  Thọ cho hay đã có vé máy bay do em nó mua cho. Bây giờ chỉ cần tiền đi đường và sinh sống bên đó.
Tôi nói với Dương trong cơn bực bội vì nghĩ rằng Thọ không thành thật :

- Vậy thì các bạn lo tiền cho nó, tôi không hứng thú để giúp nó nữa đâu. Nó có em sao lâu nay không ai hay biết ?.

Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn để tâm theo dõi. Kết quả như tôi nghĩ trong đầu, mấy tháng sau, Dương cho hay Thọ đã hủy bỏ đi Texas và đang share phòng sống tại đây bởi mượn được tiền GA ( General Assistance ) của chính phủ và được trợ cấp bảo hiểm y-tế. Hy vọng từ nay sẽ không còn làm Homeless nữa. Có lẽ tất cả bạn bè chúng ta, rất mừng cho nó đã thoát được cảnh đời tối tăm à Nào ngờ, trở lại yêu đời được vài tháng thì bệnh tình bộc phát, kết quả thử nghiệm y-khoa cho biết nó đang bị : Ung thư phổi, cao máu, tiểu đường, ho suyễn à Tóm lại, tim gan phèo phổi đang trên đà bất khiển dụng và đang ở thời kỳ chót. Thọ nói kết quả này nó đã biết khi khám sức khỏe ở Thái lan trước khi qua Mỹ, là hậu quả lao động khổ nhọc, ăn uống thiếu dinh dưỡng, ăn côn trùng, chuột, rắn giun dế … cùng với khí hậu độc địa ở rừng già heo hút trong hơn mười năm tù đày. Một hôm xem xong tờ kết quả y-chứng tôi hỏi đùa nó :

- Vậy thì còn có bệnh nan y nào mày tránh được ?.

Nó nhếch mép cười trong niềm đau khổ tuyệt vọng, lắc đầu trả lời :

- Tao bị bá bệnh đã lâu...tránh làm sao được...sống đến tuổi này chết cũng vừa rồi.

Tôi cũng mỉm cười theo nhưng thật sự đau nhói trong lòng vì nghĩ rằng, bệnh hoạn như vậy chắc không còn sống được bao lâu à.

Những tháng ngày sau đó Thọ nằm bệnh liệt giường, tuy nhiên,mỗi lần tôi đến thăm, nó cũng ráng ngồi dậy nhờ dìu ra hành lang nói chuyện.

Tôi hỏi tại sao phải ra hành lang, không sợ cảm lạnh hay sao ?. Nó đưa ngón tay lên miệng xì xì bảo nói nhỏ và thì thầm trả lời :

- Sợ chủ nhà nghe biết bệnh tình của tao sẽ chết bất đắc kỳ tử trong nhà, xui xẻo cho họ. Họ sẽ đuổi tao dọn đi nơi khác. Biết dọn đi đâu bây giờ với tình trạng bệnh hoạn thế này ?.

Suốt thời gian nằm bệnh ở nhà, bạn bè mình thăm viếng thế nào tôi không rõ, nhưng riêng tôi như Thiêm đã biết, lúc đầu mỗi tuần một lần, thời gian sau này thì thăm viếng hằng ngày, lúc nào thấy nó khỏe thì chở ra ngoài ăn sáng hoặc đi chợ mua thức ăn cho nó.

Một hôm bịnh nặng quá, chủ nhà gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện, điều trị gần hai tuần,sau đó, Bệnh viện đưa thẳng về nhà dưỡng lão này đã hơn một năm nay.

Những tháng ngày gần cuối đời, bất cứ bạn bè nào đến thăm cũng chỉ hỏi nó một câu : - Mày nhận ra tao không Thọ ?.

Đôi mắt Thọ vẫn nhắm, cố nhướng lên nhưng không mở ra được, miệng thì ú ớ rên la.. Đau..quá,...chịu.. hết...nổi...rồi, Chắc...không...qua...khỏi...

Mỗi lần thăm nó ra về là không khỏi cay cay lòng mắt, nghĩ lại thân phận mình bên cạnh vợ con, sống hạnh phúc hơn nó nhiều.

Tháng trước tôi đến thăm cựu Tư lệnh Hải quân, khi đề cập tình trạng Thọ, ông ta nhờ tôi đưa đến thăm, tôi đã cản ngăn và nói không nên, nhưng có hứa lúc nào đám tang nó tôi sẽ đưa Tư lệnh đến tham dự.

Lý do Thọ bây giờ đã mất hết trí nhớ, mắt nhắm nghiền không mở lên nổi, không ngồi dậy được, không nói chuyện được, phòng ốc quá hôi hám, có những lần đến thăm tôi không thể vào phòng vì mùi thối xông lên nồng nặc, tôi phải gọi nhờ y tá làm vệ sinh xong mới vào được.

Một lần tôi khiếu nại,  được họ trả lời là chỉ có vài ba y tá nhưng phải trông coi hơn hai chục lão ông lão bà, gồm việc tắm rửa, thay quần áo, đút cơm cháo, cho uống thuốc, từng người, từng người... Có lúc gặp các cụ ông cụ bà khó tánh thì mất nhiều thì giờ hơn. Tuy nhiên phải lo xong cụ này mới qua cụ khác.

Được biết mỗi cụ ở đây phải trả trên năm ngàn dollars một tháng. Tiền hưu già mỗi tháng hơn bảy trăm bắt buộc giao cho viện dưỡng lão lãnh. Sự sai biệt, chính phủ trả trực tiếp cho viện dưỡng lão, nên các cụ lúc nào cũng trắng tay. Thực sự thì các cụ có biết gì nữa đâu mà cần tiền tiêu xài.
Ôi ! một ngày nào đó cũng đến lượt chúng ta thôi. Tôi nói tiếp :

- Tuy nhiên nó cũng còn may mắn là có Thiêm và tôi thăm viếng thường xuyên. Bây giờ nó ra đi,  tụi mình  thương tiếc  nhưng không còn bận tâm thăm viếng hằng ngày một người bạn bất hạnh, không thân nhân bà con, đã mấy năm trời thường xuyên ra vào bệnh viện. Khi xin vào được nhà dưỡng lão thì đã sức cùng lực kiệt, quằn quại rên la, vật lộn với những cơn đau nhức hành hạ, tâm trí lúc tĩnh lúc mê.

Than ôi ! Cuộc đời nó giờ đây như bóng chim bay qua khung cửa, chợt hiện chợt mất. Là ánh sáng vàng vọt của tà dương chìm dần cuối chân trời.  Sau cùng buông xuôi số phận, sức sống lịm dần vào tối tăm như mặt trời chìm khuất vào lòng biển cả. Thiêm nhìn đồng hồ bảo :

- Đã tới giờ nhà quàn mở cửa, ta đi....

Kinh nghiệm đi dự đám tang nhiều lần, bất cứ nhà quàn nào cũng nồng nặc mùi hương khói nếu có người Á-châu khâm liệm. Nhang trầm ngoài việc cúng vái theo tôn giáo, có lẽ để làm mất đi mùi tử khí, lạnh lẽo của người chết. Nhưng khi bước vào nhà quàn này sao cảm thấy hơi rờn rợn ớn lạnh của buổi sáng chưa có người tới lui.

Hai chúng tôi đi thẳng vào cuối dãy nhà theo bảng chỉ dẫn, ngang qua phòng khách thấy ba bốn bà ngồi thì thầm chuyện trò, tôi chẳng buồn để ý và chào hỏi, rẽ vào bên trong nơi  để quan tài của Thọ, thấy có vài ba bạn từ Nam Cali. lên.

Bắt tay chào hỏi vài câu, nhìn lên phía quan tài chỉ thấy độc nhất một vòng hoa lớn của tôi và Thanh, người bạn ở Pháp và bó hoa nhỏ để trên quan tài.  Bên trên hai chiếc bàn nhỏ, một bàn đặt lư nhang và bức hình Thọ. Bàn kia đặt lư nhang và hình Đức Phật. Nhưng cả hai lư nhang đều lạnh tanh, chưa có cây nhang nào. Tôi hỏi Võ :

- Tại sao chưa thắp nhang ?.

Võ đứng gần đó, quay sang tôi trả lời :

- Đợi Thầy chùa đến làm lễ và thắp nhang luôn.

Tôi tự động đến rút ba cây nhang thắp lên và khấn vái. Xong về ngồi trò chuyện cùng các bạn Nam Cali.Họ thắc mắc không biết hôm nay cựu Tư lệnh / HQ có đến làm lễ phủ cờ hay không ?.

Thông thường các quân nhân HQ vùng Bắc Cali. qua đời, cựu TL/HQ và toán dàn chào HQ được mời đến làm lễ phủ cờ đưa tiễn. Nhưng hôm nay cộng đồng VN tổ chức kỷ niệm ngày quân lực nên toán dàn chào cũng như TL/HQ không đến được.

Tôi buồn bã nói với các bạn tham dự : Kiếp số của Thọ là như thế, giai đoạn cuối đời sống cô đơn, chết âm thầm và đám tang lặng lẽ à.
Trở về nhà tôi lấy bài điếu văn ra ngồi đọc một mình.

3 - Điếu văn thương tiếc.

Thọ ơi !
Ngàn năm mây vẫn còn bay,
Trăm năm kiếp số đọa đày xác thân,
Phải chăng con tạo xoay vần ?.
Một lần giáng thế, một lần thăng thiên.
Khóc thương xóa nổi ưu phiền,
Nén nhang tiễn bạn về miền hư vô.

Tao và mày sinh nhầm thế kỷ, và cũng sinh nhầm vào đất nước Việt nam.
Một đất nước làm nơi tranh giành xâu xé của ngoại bang.
Suốt một ngàn năm giặc Tàu xâm chiếm.
Một trăm năm dày xéo, lũ giặc Tây.
Ba mươi  năm nội chiến đau thương mãi đến ngày nay,
Vừa được thống nhất,
Chưa kịp tự do,
Bọn vô thần bất lương đem đất nước hiến dâng cho giặc,
Bán đất dâng biển cho Tàu.
Hận thù này,
Tủi nhục này uất nghẹn đớn đau.
Làm sao ngửa mặt ngẩng đầu nhìn Tổ tiên  ? …

Nhớ lại năm xưa,
Mày, tao, cùng một trăm ba mươi bạn đồng trang lứa,
Giã từ sách vở, tuổi học trò và bao chuyện tình luyến nhớ vấn vương,
Vào quân trường nung đúc chí làm trai bảo vệ quê hương,
Trường Hải quân là nơi chúng ta rèn tâm luyện chí.
Gian khổ bao năm, nuôi mộng ước vẫy vùng khắp năm châu bốn biển,
Ngày xa quân trường mẹ, mỗi đứa một phương,
Trách nhiệm nặng vai,
Hằn lên đời lính,
Ngày đêm lùng địch,
Bảo vệ từng nhánh sông,
Từng hải cảng,
Từng vùng biển đánh cá nuôi sống ngư dân,
Tuần tiễu cận duyên, tuần dương viễn xứ.
Tiếp tế nuôi dân hải đảo muôn trùng,
Ôi chiến công hiển hách ghi dấu anh hùng.
Hoàng sa, Trường sa xứng danh Hải quân ta bất diệt.
Ai ngờ đâu, có một ngày oan nghiệt,
Đồng minh trói tay ta tháo chạy, buộc chúng ta phải quy hàng,
Quê hương đổi đời, tan nát lầm than,
Dưới nanh vuốt ác tăng loài quỉ đỏ.
Bạn bè ly tán như đàn ong vỡ tổ.
Đứa chạy thoát thân, đứa bị bắt vào tù.
Sống đời tủi nhục trong ngục tối âm u,
Ngày ngày lao động như trâu cày ngựa kéo,
Dãi nắng dầm mưa làm thân thể gầy gò khô héo,
Bởi phần ăn hằng ngày chỉ lưng bát bo bo,
Ốm đau bệnh hoạn chẳng có người lo,
Đồng đội chết dần mòn, mày vẫn sống, có lẽ nợ trần chưa trả hết.
Sống lây lất hơn mười năm không chết,
Ngày ra tù thân xác tựa thây ma.
Nhưng quyết tâm rời bỏ quê nhà, tìm tự do vượt biển.
Còn chút máu anh hùng luân lưu trong huyết quản.
Cố sức mang theo ba trăm mạng người vô tội vượt biên.
Mày là anh hùng không tuổi không tên,
Tánh khí ngang tàng như năm xưa xông pha trận mạc,
Đã một lần chiếc đầu mày treo giá cao bởi quân giặc,
Chúng tao nghe mà hãnh diện vô cùng ….
Dĩ vãng giờ xa rồi, anh hùng đã từ giã kiếm cung,
Đến đất tự do, bệnh hoạn phát sinh bởi những tháng năm lao tù đày ải.
Đã biết trước không thuốc thang trị nổi,
Đành buông xuôi để số phận an bài,
Bạn bè ta giờ còn lại những ai,
Bên cạnh quan tài mày hôm nay, chúng tao chỉ còn năm ba đứa,
Vợ con mày đâu, sao không về đây quấn khăn tang khóc thương tiếc nhớ,
Dù chỉ một lần để trọn tình trọn nghĩa thế nhân,
Kể từ nay mày không còn trách nhiệm nặng gánh giang sơn,

Nhưng bọn tao đang dõi mắt nhìn về quê hương đổ lệ,
Bởi tóc đã bạc, mắt đã mờ, thân đã già, bước đi chống gậy.
Sức lực này làm gì được cho đất mẹ Việt nam ?.
Thế hệ chúng ta, đến ngày nhắm mắt vẫn chưa trả hết nợ trần gian,
Âu đó là do đất trời định đoạt.
Chừ mày nằm đây, chúng tao nguyện cầu cho linh hồn siêu thoát.
Cát bụi đã trở về, thôi đành hẹn kiếp sau,
Bái tạ lần cuối cùng để nhớ mãi đến nhau.
Khấu đầu khấn tế - Thượng hưởng.

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012