SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

16.

Cơn mưa nhiệt đới nghiêng xám khoảng trời chiều phi trường Sài Gòn. Từng hạt nước thô tháp rơi lộp độp xuống mặt đường nóng nảy bốc hơi, quyện vờn trên mặt nhựa đen loáng nước. Hai người công nhân phi cảng vui mừng với món tiền lớn lăng xăng làm việc. Họ vội vã phủ tấm bạt nhựa lên chiếc quan tài bọc kẽm rồi đứng chắn mưa cho chủ bằng hai chiếc dù căng lớn như lọng.

Người đàn bà Việt kiều ngồi im lặng giữa đống hành lý trên băng ghế gỗ đặt cạnh quan tài. Bàn tay thon thả trắng xanh vịn hờ lên mặt nhựa đen phủ trên cổ áo quan lấm tấm nước. Khoảng đường bay sướt mướt im lìm trong màn mưa giăng như khúc xa lộ buồn lặng lờ nỗi nhớ. Nhìn bầy bong bóng nước thoắt vỡ tan bà nghĩ đến những đóa hoa nở vội từ một bài hát cũ, lòng hụt hẫng nỗi buồn của thoáng chốc lìa tan, mông lung tạm bợ nẻo về. 
Đã gần phần tư thế kỷ, đây là lần đầu tiên vợ chồng trở về quê hương từ sau một ngày cuối tháng Tư lìa bỏ tất cả, trốn tìm tự do. Chuyến đi không định, lụp chụp bất ngờ để làm tròn lời hứa với người mẹ chồng lúc trối trăn.
Có tiếng reo vui của cô gái làm công.

-Ai như ông đang đi ra đó cô Hai !

Người đàn bà quay nhìn chồng đang vội vã đi về phía mình. Ông tươi cười lay lay hai thẻ nhập cảnh trước mặt vợ.

-Đã lấy được visa rồi em.
-Họ có làm khó dễ, hỏi han gì anh nhiều không ?
-Thì... ngoài lệ phí hai tấm visa, anh dúi thêm năm chục đô nữa nên ai cũng dễ tính và lịch sự.

Người công nhân lớn tuổi nói chen vào.

-Ông cho vậy là nhiều quá rồi đó.

Cô gái chép miệng.

- Mấy thằng chả. Cha nào cha đó giàu sụ...

Người đàn bà cầm tấm visa, đứng dậy trao chai nước lọc cho chồng.

- Anh ăn đỡ mấy cái snack bars mình bới theo cho đỡ đói. Em vô tìm chỗ gọi điện thoại về Hội An để biết chừng mà tính chuyện xe cộ. 
- Về tới Sài Gòn mà còn phải nhai oatmeal của thằng cha Quaker, ớn quá hè!

Bà vợ lườm chồng đang lục tìm thức ăn trong xách.

- Thì chờ gặp người nhà rồi tính. Em cũng đâu có biết quán xá ở đây ra sao.

Người đàn ông dõi mắt ngó mông lung những mái vòm bê-tông hoang phế đổ nát nằm rải rác dọc theo phía bên kia phi đạo. Trong thời chiến tranh đó là nơi cất chứa chiến đấu cơ phản lực, giờ đây cỏ tranh cao quá đầu người mọc lan kín lối đi.

Trời dứt mưa, bất chợt như lúc đến. Mây tan từ phía cuối phi đạo nhường chỗ cho ánh mặt trời rọi chiếu lên những vũng nước đọng lóng lánh trời xanh. Mưa vẫn đến rồi đi vào buổi chiều ở Sài Gòn, bất chợt, thủy chung. Mưa Sài Gòn. Nào ai đổi thay được cơn mưa nắng Sài Gòn... Những hạt mưa lóng lánh kỷ niệm, mát mặt ướt lòng. Từng giọt nặng đau thương mà cần thiết cho cuộc trở về. Lòng ông vun lên nỗi xúc động gặp lại niềm thân thiết tang thương cũ. Từ trong ngút ngàn kỷ niệm, lãng đãng những mảnh đời phung phá hoa niên và một mùa chinh chiến đã xa, người đàn ông bắt gặp mình trên nẻo về, rủ bụi phong trần sau cơn mưa chiều bất chợt, ngồi lại lắng nghe những bồi hồi xưa cũ trong từng nhịp đập tim mình.

Ông đăm chiêu nhìn cổ áo quan phủ bọc hình hài người mẹ. Vì thương con cháu nên phải chịu đời lưu dân nhưng trong lòng mẹ vẫn mãi quay quắt một cõi về vĩnh cửu bên chồng. Ông bồi hồi nghĩ đến những người chết trong đoạn đời chiến binh ông đã đi qua. Bao nhiêu chiếc quan tài phủ quốc kỳ được người sống sắp thành hàng chờ đưa lên máy bay ở quãng phi đạo ngoài kia? Chiếc quan tài lẻ loi ở phi trường Đà Nẵng một sáng tháng Ba bảy lăm. Cái chết muộn màng của Chánh ở cuối dòng sông Thu Bồn. Lần vĩnh biệt quá sớm cho hai hàng nước mắt tiếc thương trên má hồng non thiếu nữ. Ngôi mộ bạn cùng bao nhiêu nấm mồ chiến binh khác trong khu nghĩa trang có tượng người lính ngồi buồn bên xa lộ lối vào thành phố giờ đã lưu tán phương nào? Muôn vạn hồn oan lạc nẻo quê nhà, long đong bóng ma trơi cuối trời hư huyễn. Người còn sống vẫn phải đọa lạc lưu đày trên chính quê hương mình hay mãi loay hoay tìm sống trên vùng đất tạm dung bên kia vời vợi biển xa. Còn ông? Có phải ông đang trở về? Hay chỉ là một chợt tỉnh phù du giữa cơn mê chiều bởi giọt nước mát đọng trên ngón tay ông lay buồn gõ nhịp lên nắp cổ quan tài.
Quê hương một thuở lớn lên. Vẫn mãi trong lòng ông hình ảnh chiếc chiến hạm chập chùng trên vùng biển phía ngoài phá Tam Giang. Bãi cát xuôi dài về phương Nam nhẫn nhục nằm yên nghe cơn cuồng nộ của biển. Quê cha trong đó, sau độn cát hoang vu gợn theo gió trời, lặng dài kỷ niệm.

Tháp chuông nhà thờ Thanh Hương cao vút trong nắng chiều cuối năm. Tiếng chuông vọng bay quyện bước chân người xuống tận bến đò Đại Lược chào đón cháu con về quê ăn Tết. Chưa hết háo hức sau chuyến xe đò từ Bến Ngự về Đông Ba, bầy trẻ nhỏ đứng bên cha chờ xuống ghe ở bến đò Gia Hội. Đứa bé ngập ngừng từng bước chân nhỏ trên tấm ván hẹp để vừa kịp rơi vào tay mẹ đang đứng chờ dưới lòng thuyền. Đò đi cả nửa ngày sông mới về tới làng. Dọc theo đường quan tiếp nối những ngôi nhà thờ họ lớn nhỏ, lăng mộ ôm quanh. Hoa cỏ may bay đùa trong gió thơm quyện khói hương.

Đã bao năm rồi mộ cha nằm giữa quê làng mà vẫn quạnh quẽ lạc loài. Ông xúc động mường tượng tới lúc đưa mẹ về sum họp với cha trên bờ đất tổ trắng phau triền cát.  Hồ như có tiếng chuông nhà thờ ngân vọng trên bến đò loáng ánh trăng xưa.

Người đàn ông ngờ ngợ nhìn cô gái tươi cười đứng cạnh vợ trong giây lát rồi vụt òa lên tiếng vui mừng.

- Dì Nữ!  Bé Nữ “chân voi” đây rồi!? Dì Nữ nhìn trẻ đẹp hơn trong hình làm anh suýt nhìn không ra.

Nữ thân mật chào người anh rể, trêu chọc.

- Ở đó mà trẻ, gần “over the hill” rồi anh ơi. Còn anh thì có phần phì nhiêu hơn trong hình làm em cũng suýt nhìn không ra. Gặp ngoài đường chắc em phải né liền, sợ bị cán giẹp.

Thục Nhi ôm vai em gái.

- Hai anh em từ từ rồi choảng nhau cũng chưa muộn... Còn hai chị em tui đã ôm nhau khóc một hồi nơi quầy điện thoại rồi. Em đang hỏi thăm người làm việc ở quầy thì vừa lúc dì Nữ tới cũng tính gọi về Hội An.
- Nói chuyện với chị Nhi qua điện thoại, biết được ngày giờ chuyến bay là em mượn xe đi ngay.  Không dám lái ban đêm nên em nghỉ ở Nha Trang.  Tới phi trường đã khá lâu, hỏi thăm chuyến bay hãng Northwest của anh chị đã đáp mà tìm loanh quanh hoài không thấy đâu, em bắt đầu lo. Đã rứa, còn bị mừng hụt. Em gặp một xe cũng chở quan tài nhưng của một ông già Việt kiều về thăm nhà, qua đời bất ngờ vì bệnh tim, trối trăn con cháu phải mang ngược về mai táng bên Mỹ.
- Sống. Chết. Kẻ đi người về, riết rồi chẳng biết ai đi ai về... Anh Dõng chép miệng, rồi chợt tỏ vẻ ngạc nhiên.  Ủa, mà Dì Nữ biết lái xe hồi nào? Lại dám một mình lái vô tới Sài Gòn, gan quá vậy!?
- Em được hợp đồng làm việc cho nhóm đại diện UNESCO ở Hội An hơn năm nay. Họ tốt bụng dạy em lái xe, giúp thi lấy bằng. Việc chính là thông dịch cho nhóm  lúc chở họ đi công tác quanh vùng Hội An, di tích Chàm Mỹ Sơn, hoặc ra tận Huế.  Vì mối lợi du lịch, ngoại giao nhà nước đang cố gắng vận động để được UNESCO công nhận Phố Cổ Hội An là di sản thế giới vào năm tới. Hi vọng nhờ chuyện này mà phố quê mình may ra được bảo vệ, trùng tu.

Mọi người thở phào nhìn cổ quan tài bọc kẽm được đặt ngay ngắn trên sàn xe. Anh Dõng xoay người vịn hờ tấm hình mẹ đặt trên cổ áo quan lúc Nữ lái vòng xe qua khoảng sân rộng trước nhà khách phi cảng rộn rịp người xe qua lại, đưa đón, khóc cười.
Chị Nhi cúi đầu khấn vái rồi cắm nhang vào chiếc bình nhỏ mấp mé vốc đất lấy bên gốc mộc lan người mẹ chồng trồng ở vườn sau nhà bên Mỹ. Chị lắc đầu nhìn chồng.

- Mới mấy tháng trước đây thôi Mạ còn vui, đòi dẫn đi thăm sinh phần ở nghĩa trang Tịnh Thủy (Stillwater). Mạ đâu có nói chi tới chuyện mộ phần ở Việt Nam. Bây giờ về quê nằm một mình. Con cái có giỏi lắm thì mỗi năm về thăm được vài ngày.

Anh Dõng ôm vai vợ vỗ về.

- Mạ về quê nằm bên cha, với làng với nước, như vậy là ấm cúng mãn nguyện rồi.

Sài Gòn sau cơn mưa tươi mát như cô gái vừa tắm gội xong. Dãy phố bán cây kiểng phía ngoài cổng phi trường rực rỡ từng hàng chậu hoa dọc hai bên đường nhộn nhịp người xe. Vợ chồng sau gần phần tư thế kỷ xa quê hương mải mê nhìn cảnh phố phường lạ lùng trước mặt. Trong bấc giác ngón tay người vợ khẻ lay động như muốn bấu víu chút hiện hữu khẽ khàng vừa quen vừa lạ, cùng lúc với cảm giác bâng khuâng về một nỗi buồn không tên ùa đến bủa vây. Dòng xe cộ tất tả vội vàng như đám rước nhấp nhô, chìm lẫn, huyên náo chẳng ngơi.

Len lách loanh quanh cả tiếng đồng hồ xe mới qua khỏi Thủ Đức. Xa lộ vắng hơn, thỉnh thoảng vài chiếc xe đò qua mặt bóp còi inh ỏi.

- Dì Nữ hay thật. Xe cộ đông đúc, chạy bất kể lề luật giao thông như thế thì anh chịu thua.

Nữ lắc đầu thở phào.

- Anh chị đâu có biết em bị đã lạc mấy lần. Chạy loanh quanh, may sao xe qua

Ngã Tư Hàng Xanh em mới định hướng được xa lộ Thủ Đức.  Sáng sớm nay lúc mò mẫm chạy tìm đường vô phi trường, em định bụng cố gắng chú ý, rứa mà vẫn bị lạc lúc trở ra.
Nữ mở tape nhạc cũ, tiếng hát Lê Uyên Phương nấc lên khàn đục đam mê.

- Tape nhạc em lượm được trong lô-cốt ở căn cứ giang đoàn của anh đó.

Nữ bồi hồi quay nhìn đôi vợ chồng im lặng bên nhau. Mắt khép. Trở về. Tiếng động cơ xa vời, lòng xe chùng xuống xoáy sâu vào trùng ngộ ấm lòng của thời gian nơi chốn, mơ hồ giăng mắc nhân sinh. Bãi cát vương màu lụa. Người lính trẻ đứng trên chiến thuyền giữa đầm sông nối biển. Buổi sáng. Buổi chiều. Phố cổ đèn lồng soi. Chẳng hề rời xa, màu trăng lơi lên giếng khơi vườn nhà vẫn sáng mãi lòng em một giấc ba sinh.

- Mình về lại Phố Cổ chắc vừa kịp Rằm tháng Tám.

Giọng người vợ nhẹ như hơi thở quyện trong ánh mắt ngước nhìn long lanh màu trăng sáng. Âm ba khẽ rung từ cung bậc khác với tiếng đời đang rộn ràng kéo đuổi ngoài kia, mong manh mà gần gũi như bờ môi đang run chạm vào nhau. Người đàn ông cầm tay vợ, tươi cười gật đầu trong thảng thốt bàng hoàng của nỗi hạnh phúc vẫn mãi tinh khôi đang rào rạt lòng mình.

Dõng ngồi dưới mái hiên ngôi từ đường, tần ngần nhìn trăng khuya tròn vạnh tỏa chiếu ánh vàng qua tàng cây sầu đâu trước sân.  Trăng rớt từng mảnh sáng lên nền gạch lót vụng về tạo nên những đường bóng tối đứt quãng, gãy góc không đều. Mắt chưa kịp quen với múi giờ bỏ quên từ gần phần tư thế kỷ trước nên cứ chừng hai giờ sáng là anh thức giấc nằm đếm canh trường. Trong gian từ đường im lặng, anh không ngớt suy nghĩ về những ngày tất bật vừa qua.

Trên chuyến bay đưa di hài mẹ về nước, vợ chồng bàn với nhau sẽ đưa tiền nhờ bà con trong làng xây mộ cho mẹ. Từ nhiều năm nay mẹ vẫn gom góp gởi về nhờ họ xây lăng đắp mộ chồng và dựng từ đường. Chưa kịp vui với niềm vui trở về thăm lại làng xưa, vợ chồng đã sững sờ nhìn mộ cha thiếu người chăm sóc, xây đắp sơ sài nứt rạn và ngôi từ đường đắp vá tiêu điều. Nhìn đám người bà con đon đã nói cười trên thềm nhà khang trang cao ráo của họ xây giữa mẫu vườn trồng cây bạc hà, vợ chồng Dõng hiểu ra.

- Tội nghiệp mẹ. Bà mừng mỗi khi gởi đồng tiền tằn tiện của mình về, yên bụng tưởng đã lo được cho chồng có mồ yên mả đẹp, từ đường tiên tổ yên ấm khói hương.

Thục Nhi nhìn chồng, quay hỏi em gái.

- Dì Nữ liệu thử mình có thể xây xong mộ trong vòng năm, ba ngày không? Đưa tiền nhờ họ xây coi bộ “tiền mất, tật mang” quá.
- Welcome to Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ladies and Gentlemen!  Rứa là ôn mụ Việt Kiều ni chưa thấm đòn cọng sản rồi!  Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng ăn “chùng” mà thôi. Nữ cười chua chát...  Anh chị để em tính. Mình cần xong việc và không muốn bị cướp cạn.  Trước nhất là anh cứ giữ thái độ vui vẻ, tỉnh bơ như người ngoại quốc. Mọi việc để em lo. Anh Hai mà dính vô, họ nuốt sống ba ngày, lôi ra, nuốt vô lại mấy lần cũng được! 

Dõng vui vẻ quàng vai cô em vợ.

- OK! All yours!  Hai ngày qua anh Hai đã chứng kiến được tài sức của cô rồi.

Vợ chồng Dõng thán phục sự quyền biến và khả năng khéo dùng người của cô gái đang nói cười trước mắt họ. Con bé Nữ “chân voi” chưa tròn mười lăm, ham ăn ham uống, chưa đi đã chạy của họ ngày nào đó! Cô gái lớn lên một mình, trưởng thành qua bao khổ nạn khó khăn vẫn xông xáo sống với lòng tử tế, thương đời.

Nữ mỉm cười nháy mắt nhìn anh chị lúc nhóm thợ nhận làm công khoán hoàn thành xây ngôi mộ trong vòng bốn ngày. Ý nghĩ được làm việc với một phụ nữ  là giám đốc một công ty thiết trí nội thất ở Hội An, đồng thời còn “thông ngôn” cho Liên Hiệp Quốc khiến họ cảm thấy quan trọng, ngồi nghiêm trang chờ tới phiên mình ký vào hợp đồng. Lúc nhóm thợ chào kiếu từ dợm bước ra cửa, Nữ bất ngờ gọi họ lại. Nàng trao cho mỗi người một phần ba số tiền công lẽ ra phải “thi công” tới ngày thứ hai mới được trả. Quá bất ngờ và mừng rỡ với số tiền trên tay, họ quýnh quáng không nói nên lời.

- Chú mô được phân công đi mua vật liệu thì sáng mai tới sớm để tui chở ra Mỹ Chánh, còn lại cứ ra thẳng mộ chờ làm lễ hạ huyệt xong thì mình bắt đầu ngay.

Người chủ nhà lên tiếng góp chuyện, có lẽ để nhắc nhở về sự hiện diện của mình.

- Ôn Mụ với O đừng lo chi cho mệt. Tay nghề họ cao lắm, với lại có tui tới lui đốc thúc, chi chớ bốn ngày thì dư sức xong.
- Cũng may có dượng làm thôn trưởng. Nhờ dượng lo giúp chuyện trà nước với công an, làng xã. Dượng làm răng đó thì tùy cơ ứng biến. Anh chị Hai cháu đây bận rộn chuyện mồ mả không muốn bị phân tâm vì mấy chuyện phiền phức khác. Tới đây trước khi về lại Mỹ, anh chị cháu thế nào cũng còn nhờ tới dì dượng chuyện chăm sóc mộ phần và nhang khói lâu dài cho người khuất mặt. Phần cháu hay đi công tác Huế, thế nào cũng ghé ra thăm mộ thường hơn.

Nữ trao phong bì cho người chủ nhà rồi quay qua tươi cười với bà vợ đang đứng cạnh chị Nhi.

- Chỉ có anh Hai hơi mệt, phải phụ với thợ suốt bốn ngày để “đảm bảo chất lượng lao động”. Còn hai chị em mình thì chỉ việc lái xe Mỹ chở dì ra chợ Đại Lược ăn hàng, sau đó thì lo chợ búa về nấu cho thợ ăn no làm khỏe.

Vợ chồng người bà con chủ nhà nhìn nhau an lòng. Họ ôm nhang đèn te te ra xe đậu trước sân sì sụp khấn vái quan tài người chị họ từ bao năm nay đã bị lợi dụng, chắt chiu từng đồng gởi về cho họ.

Bốn ngày làm việc nặng nhọc rồi cũng qua nhanh. Buổi chiều lúc đứng thắp nhang khấn vái trước lăng mộ mẹ cha vừa sửa xây xong, lòng Dõng nhẹ nhàng vừa hoàn thành được việc lớn trong đời. Cùng lúc là cảm giác buồn buồn trôi dài trong trí tưởng. Tâm trạng mất mát cứ theo anh suốt buổi tối. Anh nói với vợ muốn nghỉ qua đêm một mình trong từ đường lần cuối với mẹ cha trước ngày đi.

Tiếng chim lẻ loi sột soạt đâu đó dưới mái hiên ngoài khiến anh tỉnh hẳn. Khêu cao ngọn đèn dầu trên bàn thờ, anh thở dài phủ một phần khăn điều lên hình mẹ cha lờ mờ soi dưới ánh đèn leo lắt. Dõng lưỡng lự nhìn bóng điện câu treo lơ lửng giữa trần nhà rồi mở cửa bước ra ngoài. Trăng vời vợi khuya, thoát vượt và thanh thản. Có bóng chim vừa vỗ cánh bay bỏ lại lằn dây điện còn chao động, rũ chùng qua màu trăng bàng bạc buồn thiu. Chỉ còn vài giờ ngắn ngủi nữa con đành để mẹ ở lại với cha trên vùng quê hương mà suốt những năm cuối đời mẹ luôn thăn thỉ muốn về. Chút nôn nóng bỏ đi và nỗi buồn sắp rời xa mẹ khiến lòng anh cũng chênh vênh lơ lửng như trăng.

Dõng đứng trên đỉnh đèo Hải Vân. Buồn phiền trong lòng anh chợt tan biến nhường chỗ cho cảm giác phiêu linh, phiếu diễu lúc lâng lâng nhìn mây nước quyện nhau từ chốn lưng trời. Nỗi xúc động lạ lùng mà quen thuộc từ bao đêm xa xứ lăn trở chiêm bao rần rật trở về theo tiếng gió trời mênh mang kỷ niệm. Anh bàng hoàng nghe trong nắng đèo gió núi câu thơ cũ bồi hồi. Tôi về ngậm ngải tìm mơ. Trầm em hương vọng cuối bờ thơ ngây. Bóng tà huy đọng mây ngàn. Đèo xa quán lú sương bàng hoàng rơi...Nỗi lòng bối rối bâng khuâng như thuở nào thanh xuân có lần đứng trên đỉnh đèo mưa giăng nhìn về phía núi vừa đi qua mà tự hỏi lòng. Đi đến hay đi về, phần còn lại của cuộc hành trình vẫn là con đường đi xuống. Hạnh phúc có phải đang náu mình đâu đó dưới truông xa hay thả hong ước mơ theo gió, thất lạc kiếm tìm?

Sự luân chuyền của mùa theo thời gian trôi xuôi cùng thinh sắc ảnh hình khiến nơi chốn dồn đọng vào trong từng nỗi nhớ, im lìm mà bền chặt như những tảng màu lạnh của một bức tranh tĩnh vật. Người đứng nhìn đọt núi vói trời rồi vọng theo ngàn mây trôi mà mãi hoài tìm kiếm cho mình giấc mộng trùng khơi.  Tự nghìn năm xưa, người thì về biển xanh, người ở lại đầu non, nên người vẫn mãi phân ly, ngoái vọng đợi chờ, dắt díu ra đi.  Trên đá cũ lũy thành cheo leo quan ải, có lẽ gió núi vẫn thổi chạnh lòng người lính thú hiu hắt nỗi lòng trấn thủ lưu đồn, đợi chờ một tin nhạn, một bóng quần thoa từ tuốt ngoài tê xa xôi truông phá. Hằng trăm năm sau, hôm nay cũng có người lưu xứ trở về qua ải quan xưa lộng gió, mường tượng lại đời mình và những giấc mơ xưa...

Cậu học trò Huế hiền lành, chăm chỉ sống theo ước vọng của cha mẹ. Mạ vẫn thường thăn thỉ, con phải ráng học vô cho được cái trường ở khu Morin rồi ra làm thầy người ta thì mới thoát được cái cảnh ngày hai buổi cong lưng đạp xe đi làm thợ may ngoài phố như cha.

Chiến tranh và biến cố tết Mậu Thân đã đưa đẩy cuộc đời của chàng sinh viên năm thứ hai đại học vào ngả rẽ không ngờ và mối tình đầu vừa ươm tưởng sớm héo tàn. 

Đường Trần Thúc Nhẫn, ngả về chợ Bến Ngự, gập ghềnh bước chân cậu học trò vô tư chợt thơm lựng mùi bông trang, bông bưởi trong khu vườn Viễn Đệ đưa hương vào những đêm trăng từ ngày có cô học trò Quảng Nam ra trọ học. Tình đầu rộn ràng cơn lốc cuộn xoay bốn mùa của đất trời vào trọn một mùa tình đơm mật ngọt. Mùa hoa yêu đương rộn rã môi cười. Dáng em ngồi học bài, tóc ngắn rơi hờ lên trang sách để nghiêng nghiêng hàng dậu ướp hương đêm mắt ai đăm đắm tự tình. Không gian lắng đọng, thời gian ngừng trôi, chỉ còn bước chân sè sẹ vườn đêm, mơn đọng hương mùi ngải cứu. Còn lại bát ngát đêm và mắt em ngước nhìn lai láng trăng sao. Cô học trò xứ Quảng níu tà áo lụa Duy Xuyên bước xuống đò ngang, cuống quít buổi chiều Thừa Phủ. Cô gái nhìn dòng sông Hương lặng lờ uốn khúc lòng nghe nhịp đậm con tim hòa điệu với chàng trai hàng xóm buổi hẹn đầu.

Huế sau tết Mậu Thân rõ mắt nhìn tang thương đổ nát, phân tán chia lìa. Không còn những ngày sinh viên hào hứng la cà ở Trương Định hay phố Trần Hưng Đạo. Cà-phê Lạc Sơn rộn ràng lớp người gươm súng, áo trận rằn ri. Một số đông bạn bè đã vào Đà Nẵng hay Sài Gòn để trốn lính hoặc đi lính. Một số thì ngưỡng mộ quyền năng sinh sát của nhóm người từ núi về, tay lỡ nhúng chàm để thỏa chút bồng bột oan khiên của một thời tuổi trẻ cũng đã kéo nhau vào núi. Chỉ còn anh và nhóm nhỏ bạn bè ở lại thành phố. Từng chiều rời rạc bước chân qua triền dốc đoạn đành của chiếc cầu gãy nhịp. Vai cầu cong oằn buồn chúi vào nhau như lòng người đi trên cầu lo lắng về một tương lai không lối thoát.

Lệnh động viên nhập ngũ hối thúc bên lưng, ba mạ thương con đã đồng ý gởi anh vào vùng giải phóng qua sự móc nối của người quen để tạm lánh một thời gian chờ hòa bình đến. Anh từ giã ra đình bỏ phố ra đi, lòng ngổn ngang bao nỗi buồn lo cho cuộc sống xa lạ sắp tới và nỗi thương nhớ người yêu không biết bao giờ gặp lại. Sợ hãi điếng người khiến anh nằm co quắp suốt chuyến đò chèo từ Văn Thánh lên Tuần. Tiếng nước vỗ mạn đò dồn dực theo từng mái dầm chèo quảy ngược dòng khiến anh có cảm giác tất cả đang bỏ anh trôi xa dần theo dòng nước về xuôi. Ý nghĩ buồn bã khiến anh hoảng hốt, chới với ôm mặt khóc.

Cuộc sống ở khu giải phóng không như anh tưởng tượng. Sinh hoạt đoàn thể khắt khe, ngoài giờ canh tác, đào hầm vót chông vất vả là hội họp, phê bình, kiểm điểm liên miên. Bạn bè sinh viên dưới phố thỉnh thoảng gặp nhau, ai nấy đều giữ khoảng cách, nhìn nhau bằng ánh mắt nghi ngại. Chẳng tìm đâu ra hình ảnh hào hùng của người thanh niên bỏ phố lên rừng đi làm cách mạng, chỉ là những gã du kích dốt nát, lầm lì biết cầm súng AK lên đạn lảy cò.  Sau lần suýt chết vì bom và lính Quốc gia càng quét, anh rùng mình ớn sợ nhìn thi thể người bạn học quen cũng như anh bỏ trường, bỏ nhà trốn lên tưởng tìm được chỗ sống an thân. Sự thất vọng càng khiến anh nhớ thành phố, nhớ nhà rồi quay quắt nhớ người yêu. Trong những cơn mưa chiều từ một đầu sông xa lạ, hình ảnh Thục Nhi tóc ngắn, áo lụa vàng đạp xe tới trường mỗi sớm mai hiện ra rõ rệt khiến anh ngồi đứng không yên.

Trong một lần được giao công tác làm giao liên đón người ra bưng, anh và một bạn học thân bỏ trốn về Huế qua ngã Nguyệt Biều. Những ngày về với gia đình, với Thục Nhi qua nhanh trong lúc tương lai anh vẫn mờ mịt bế tắc.  Trường lớp vắng vẻ buồn hiu. Thượng nguồn sông Hương bơ phờ dáng núi không phải là chỗ dung thân. Quán cà phê nhỏ gần cầu Bến Ngự dưới chân con dốc đi về Từ Đàm anh thường ngồi vào những buổi tối là nơi anh đã quyết định chọn hướng tương lai.  Ngã đời anh lựa trong lúc cùng đường trở thành cuộc sống sôi nổi anh chẳng hề biết mà mơ. Anh vào Hải quân, đi du học, về nước, hải hồ đầu sông cuối biển vẫy vùng. Không lâu sau ngày Thục Nhi ra trường về dạy học ở phố nhà Hội An, anh cũng dừng bước giang hồ xin chuyển về đơn vị đóng ngay Cửa Đại để “xin em chỗ trọ hiên ngoài lạnh sương”. 

Thế rồi dòng nước sông Thu cuối tháng Ba bảy lăm lại đẩy người vào cuộc truân chuyên, trôi tuốt khơi xa qua bên kia biển. Còn chi đêm trăng Thuận Tình hoang mờ cát vàng Xuyên Thọ. Vùng đầm sông nối biển, trộn nước nguồn với nước biển Đông là dấu mốc oan khiên mặn xát hồn lưu xứ. Người lính đứng trên con tàu di tản ngoái nhìn doanh trại bốc cháy mà lòng tơi bời mối chung cuộc nhục vinh. Đôi vợ chồng son vừa cưới nhau xong hai ngày trước ở Hội An. Cô giáo trẻ Thục Nhi vội vàng lạy tạ mẹ cha trong ngày cưới để kịp theo chồng. Hai đứa em nhỏ đứng khóc dưới mái hiên nhà, trông theo bóng anh chị biền biệt khuất xa. Cuộc tùng phu định mệnh dài suốt kiếp lưu vong, khóc ròng những ngày đầu xa xứ.

Tiếng cười giòn tan của Nữ khiến Dõng ngoái nhìn về phía hai chị em đang bị một nhóm phụ nữ bán hàng bu quanh. Thục Nhi muốn mua tấm bản đồ Việt Nam bán rong trên đỉnh đèo. Dõng bật cười nhìn nàng lúng túng đối phó với cả ba chị bán hàng ai cũng tranh bán cho bằng được món hàng của mình. Cuối cùng thì “bà Việt Kiều” đành phải mua cả ba tấm với giá “cắt cổ” để khỏi phải bị nghe rỉa rói vì đã rờ hàng “me xưa” mà không mua. Những tấm bản đồ được in từ nhiều năm trước, tấm nào cũng có đủ Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Chi Lăng, thác Bản Dốc, suối Phi Khanh. Rồi ai sẽ “liệu bồi” mảnh giang san gấm vóc này ?

Xe về tới Ngã Ba Đi Huế, qua Phước Tường lúc trời vừa quá trưa. Dõng nhìn dãy quán ăn dọc theo phố chợ, gạ gẫm.

- Tô cháo cá ăn ở Lăng Cô, dì Nữ lái xe qua đèo xóc qua xóc về tiêu hết rồi. Có ai muốn dừng lại ăn trưa không hè? Tui bao!

Thục Nhi nhìn chồng, cười châm chọc.

- Thân 180 pounds của anh, làm lụng vất vả mấy bữa ni sụt xuống được 179, ráng nhịn ăn bớt thêm vài pounds nữa nhìn cho đẹp lão.  Về lại Mỹ, tha hồ được mấy cô làm cùng sở chạy theo khen.

Nữ biết chị rất nôn nóng về Hội An, nàng nhấn ga cho xe chạy nhanh hơn.

- Hay là mình chạy thẳng về Cẩm Hà cho anh tha hồ ăn mì Quảng.

Xe qua những địa danh quen thuộc mà cảnh thì ngơ ngẩn, lạ lùng. Cẩm Lệ. Cầu Đỏ. Miếu Bông... Vừa vào tới thị trấn Vĩnh Điện, Nữ vội vã tấp xe bên lề đường theo lời chị. Thục Nhi xuống xe đứng nhìn con phố vắng. Ngôi trường trung học nằm nhỏ nhoi bơ phờ bên bờ quốc lộ. Sân trường lặng lẽ hàng cây mới trồng, chói chang mấy hàng khẩu hiệu. Kỷ niệm một phần đời son trẻ ùa tới vương víu bước chân cô giáo mới ra trường ngày khai giảng năm dạy học đầu làm mắt chợt cay.

Cơn mưa tầm thu đón người về như sương giăng lối vào Hội An. Từ quán ăn nhỏ nhìn qua bên kia con lộ những liếp cải vừa trổ bông vàng nhạt xa xăm sau màn mưa bụi. Con  đường vắng ngấm mưa, thỉnh thoảng vài chiếc xe thồ chạy qua, tiếng máy xe cũng còm cõi như người. Dõng trầm ngâm, mường tượng con đường trong mưa vắt qua trí nhớ đơn độc bóng người từ ba mươi năm cũ. 

Những ngày cuối năm sáu tám, gã sinh viên bỏ nhà, bỏ Huế mà đi. Dõng dự định ghé Hội An thăm từ giã Thục Nhi rồi vào Sài Gòn tìm cách sống trong đó, kẹt lắm thì mới đi Thủ Đức. Anh lo bấn ruột lúc chiếc xe đò chặng đường Ngã Ba Đi Huế vào Hội An bị chận lại. Không xa ngã ba từ Vĩnh Điện rẽ vào thị xã là trạm kiểm soát của cảnh sát và quân cảnh. Chỉ phụ nữ và người lớn tuổi được ngồi lại trên dãy xe đò sắp hàng đợi, còn đàn ông thanh niên phải lần lượt chờ tới phiên lo ngại bước qua khung cửa hẹp của một cái hộp sắt lớn đen ngòm. Gã lính Mỹ ngồi sau ô cửa tò vò, bận bịu với những nút bấm điều chỉnh trên chiếc máy trước mặt. Anh ta cố làm ra vẽ thân thiện nhưng nụ cười nấp sau bộ râu vàng hoe xồm xoàm và dáng người to lớn chỉ làm sự lo sợ hiện rõ hơn trên cặp mắt cúi gằm lúc bàn tay lấp ló run rẩy thò qua cửa tò vò, rụt rè áp lên mặt kim loại mát lạnh.

Dõng bước ra khỏi chiếc hộp sắt. Anh ngại ngần đi vào trạm kiểm soát theo dấu tay của người cảnh sát cầm súng đứng gác bên ngoài. Trong góc trạm một nhóm thanh niên nét mặt đầy vẻ lo âu, đứng ngồi lố nhố. Sau vài phút nhìn người nữ sĩ quan cảnh sát ngồi sau bàn giấy bận rộn với sổ sách và những câu nói bằng tiếng Anh ngắn gọn qua điện thoại, Dõng lo lắng đoán ra. Tùy theo kết quả nhận được từ chiếc hộp sắt, người nữ sĩ quan sẽ ra hiệu để người bị xét được cho đi thẳng hay phải vào ngồi chờ trong trạm. 

Dõng nghe gọi tên, đến ngồi trước bàn giấy. Cô gái xinh đẹp trong bộ quân phục màu thiên thanh, hoa mai thiếu úy vàng rực cầu vai. Nàng chăm chú nhìn thẻ sinh viên của Dõng rồi khoanh tay trước ngực thẩm chừng dáng dấp thành phố của người thanh niên ngồi đối diện .

- Tui vô dự bị trước anh hai năm. Học dốt quá bị ông Hai đuổi, phải đi lính.

Giọng cười hiền sau câu nói đùa qua giọng Huế ngọt ngào của người sĩ quan giúp Dõng bớt lo lắng đi nhiều.

- Chắc chị thích chớ con gái đâu có bị động viên mô mà phải.

Người nữ sĩ quan liếc nhanh về phía nhóm thanh niên ngồi ở góc phòng, thấp giọng nói nhỏ.

- Hộp sắt anh mới đi qua thật ra là máy nghe mạch, đọc nhịp tim. Sau chừng nửa giờ, chỉ ai đo lại mà nhịp tim vẫn quá cao mới bị đưa vô Hội An để điều tra thêm. Ôn sinh viên cứ ngồi bình tĩnh, hít thở cho đều, một hồi nữa đo lại chắc sẽ bình thường. Còn nếu hồi Tết Mậu Thân lỡ có theo hai ôn họ Hoàng hay ngồi sau xe Honda mụ Đoan Trang ôm AK bắn giết lung tung trong Chợ Xép thì chừ ráng mà chịu.
- Chị nói chơi mà nghe bắt sợ.

Thời gian chờ đợi trì trệ trôi qua. Nhóm thanh niên trong trạm mắt chạm nhau thèm thuồng lúc họ thấy những người được cho đi, hớn hở rảo bước qua trạm.  Dõng hoang mang nhìn những quân nhân phóng xe gắn máy trên đường ra vào thị xã. Anh chợt ước sao mình là một người như họ để giờ này không phải ngồi chờ đợi, lo âu về một bất trắc không lường. Dõng nghĩ tới bạn bè đã nhập ngũ một đôi năm trước, đứa nóc trời cuối biển, đứa truông phá đèo xa sống hiên ngang chẳng sờn lòng lúc phải chạm mặt số phần. Anh nhớ lại tháng ngày làm thân cỏ mọn nhỏ nhoi trong vùng giải phóng, tuy ngắn ngủi cũng đủ để anh nhận ra sự lầm lẫn và vô ích của nó. Dõng nghĩ tới cuộc sống chui rúc, trốn tránh sắp tới. Anh muốn được an thân, nhưng có thể nào gọi đó là cuộc sống bình yên ? Cô gái dáng vóc thon thả ngồi sau bàn giấy, mái tóc nửa-con-trai duyên dáng dưới chiếc nón calo màu da trời. Người nữ sĩ quan nhỏ nhắn mà nghiễm nhiên với trách nhiệm và quyền lực có thể quyết định tương lai của bầy đàn ông trong đó có anh đang thấp thỏm đứng ngồi chờ đợi.
Người sĩ quan cảnh sát ngoắc tay ra hiệu một thanh niên ngồi sâu trong góc phòng đứng dậy.

- Các anh sẽ lần lượt được xét nghiệm lần thứ hai. Cái máy “bắt Việt cọng” ngoài kia sẽ dò ra thực sự các anh là ai. Đây là cơ hội cuối cùng, ai xin ra đầu thú ngay bây giờ sẽ được hưởng xử theo chính sách chiêu hồi của chính phủ.

Từng người miễn cưỡng bước vào chiếc hộp sắt nhưng rồi ai nấy đều được “máy” thả cho đi, vui mừng bước mau qua khỏi trạm kiểm soát.  Một lúc sau trong trạm chỉ còn Dõng ngồi giữa hai thanh niên có lẽ đã qua độ tuổi động viên. Lúc một người vừa bước khuất vào hộp sắt thì người kia vụt đứng dậy chạy bương qua khoảnh ruộng phía sau trạm. Dõng hoảng hồn nghe tiếng súng nổ rồi chỉ vài phút sau người chạy trốn đã bị hai cảnh sát vũ trang bắt lại.  Tay bị còng chặt, anh ta ngồi bệt giữa trạm khóc lóc phân bua. Người nữ sĩ quan đứng trước mặt gã đàn ông lắc đầu.

- Nếu không hoạt động cho Cọng sản, tại sao anh lại tìm cách chạy trốn? Trong lúc anh dại dột bỏ chạy thì người vào xét nghiệm trước anh đã được thả cho đi. Đúng là anh đã tự chuốc khổ vào thân.
- Oan cho tui quá! Tui chỉ lo làm ăn nuôi vợ con. Nhà tui ở tuốt trong Điện Ngọc, mấy ổng về thu thuế hay thỉnh thoảng bắt mua thuốc tây, tui phải làm thì mấy ổng mới để yên.

Xe cảnh sát áp giải người bị tình nghi vừa lăn bánh thì một chiếc jeep nhà binh cũng vừa thắng gấp trước trạm.

- Chào người đẹp Thiên Nga. Muốn về Đà Nẵng thăm nhà không?
- Người chi mà chưa thấy người đã nghe tiếng... Dặn rồi mà cứ quên hoài.

Một sĩ quan Hải quân bước vào trạm, cười giả lả.

- Đúng là quên thiệt! Người đẹp Thiên Thanh, hay là Thanh Nga!?
- Không Thanh Minh, Thanh Nga chi hết, ông anh họ thiệt là khỉ ni! Tui phải làm việc tới chiều, đâu có phải ai cũng như mấy ông quan tàu thủy, mới nửa ngày đã kiếm chuyện đi rông.

Người nữ sĩ quan nghiêm mặt nhìn Dõng đang ngồi chờ ở góc trạm.

- Anh vô đo lại đi. Nhớ hít thở vài hơi thật sâu và đều trước khi áp tay lên máy.

Khoảng cách giữa trạm kiểm soát và cái hộp sắt chỉ là mảnh sân nhỏ vài chục bước chân vậy mà Dõng tưởng chừng xa lắm. Anh bước đi, đầu óc trào trộn từng khuôn mặt lạ quen và tiếng khóc cười thật gần tưởng còn rung vang âm vọng. Thế rồi sự mát lạnh của không khí điều hòa trong cái hộp sắt bất chợt giúp anh tỉnh táo đến lạ lùng. Hình ảnh, âm thanh mới chừng hỗn độn chợt chìm xuống mất tăm. Giữa vùng cát mịn của trí tưởng Dõng chợt thấy chính mình hiện ra rất lạ và anh cảm thấy hài lòng. Dõng cười với người lính Mỹ có khuôn mặt non choẹt nấp sau bộ râu cá chốt xồm xoàm. Anh bập bẹ câu tiếng Anh.

- Tôi sắp sửa vào quân đội, lần tới qua đây chắc tôi không cần phải đi qua cái hộp sắt này.

Anh chàng lính Mỹ cười lớn, chúc mừng. Lúc Dõng về lại trạm kiểm soát, người nữ sĩ quan cũng vừa gác máy điện thoại. Cô tươi cười trả lại thẻ sinh viên cho Dõng.

- Ôn sinh viên lần này thi đậu rồi. Chắc anh vào Hội An thăm bà con?
- Dạ, định ghé Hội An thăm một người bạn thân nhưng chắc là không cần nữa. 

Dõng quay nhìn viên sĩ quan Hải quân vẫn còn đứng chuyện trò với cô em họ.

- Tôi muốn nộp đơn đi Hải quân. Nhờ trung úy chỉ giùm đường đi tới chỗ làm đơn. Tôi đoán chừng là bên Tiên Sa nhưng không rõ ở mô.
- Có người tình nguyện muốn ôm xô, lắc lư con tàu đi rồi!  Anh ta cười lớn... Hên cho anh! Cô em tôi chê không đi Đà Nẵng. Tôi để anh quá giang, có bạn đường nói chuyện cho vui. Tôi đi họp ở Bộ Tư Lệnh, sẽ chở anh thẳng tới phòng tuyển mộ trong căn cứ.

Anh Trương tốt nghiệp trường sĩ quan Hải Quân ba năm trước, mới thuyên chuyển về căn cứ Cửa Đại sau thời gian đi tàu tuần dương. Anh Trương vui tính, dí dỏm kể về những vui buồn của tháng ngày hải hồ. Dõng vui lây, san sẻ cuộc sống sinh viên và những khó khăn về quyết định tương lai.
Anh Trương cười rộ lên lúc Dõng không ngăn được tò mò hỏi về câu trách cứ của người nữ sĩ quan lúc anh Trương mới bước vào trạm kiểm soát.

- Chú mày nhớ đừng có sớn sác với mấy O Thiên Nga. Nhất là O em họ của moa. Đai đen judo đó! Bé hạt tiêu, chọc O giận là từ chết tới bị thương. Thiên Nga là một biệt đội tình báo của Cảnh sát. Anh Trương nhìn Dõng cười, nửa đùa nửa thật... Bí mật bị tiết lộ, chắc niên trưởng phải giết chú mày để bảo vệ an ninh quốc gia!

Tiếng cười anh Trương trong trí nhớ lồng lộng dọc dài ba mươi năm kỷ niệm kéo Dõng rớt về với hiện tại. Sau lần gặp gỡ tình cờ, hai người trở thành bạn thân qua tình đồng đội trong thời gian chung đơn vị ở Cửa Việt. Dõng nghĩ tới lần gặp lại anh mấy tháng trước đây trong cuộc họp mặt của Hải quân ở Nam California. Vẫn một giọng cười hào sảng qua bao nổi trôi dâu biển đổi dời.

- Anh làm sạch hết hai tô mì Quảng, bộ chưa no sao mà nãy giờ anh ngồi bần thần như người mất hồn rồi chợt cười khan?

Dõng cầm tay vợ, mắt không rời con đường cũ kỹ như trong những giấc chiêm bao.

- Không biết đời mình đã như thế nào nếu không gặp phải chuyện tình cờ năm đó?

Bắt gặp ánh mắt xa xăm của chồng, Thục Nhi lại nghĩ tới kỷ niệm dễ thương vẫn luôn nằm sẵn trong trong trí nhớ nàng.

- Chuyện ngày đầu tiên ra Huế học, bị đứt quai guốc ở chợ Bến Ngự tình cờ gặp anh?
- Phải đó em. Dõng nhìn vợ, chậm rãi gật đầu... Phần số đời người là chuỗi dài tiếp nối của những tình cờ.  Rất may vốn liếng hạnh phúc của tụi mình toàn là chuyện vui vầy.

Thục Nữ nhìn anh chị, nói ba hoa để ngăn cơn xúc động.

- Rứa mà mấy chục năm ni em cứ tưởng mối tình của anh chị là chuyện tình một trăm đôi dép Nhật. Té ra tới một trăm lẻ một đôi. Anh Dõng ơi, em nói thiệt đừng buồn. Xét cho cùng thì anh có số xách dép ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc tình lãng mạng này.
- Không sao! Đây quen rồi.  Anh vẫn cho mình là người may mắn. Nhà ở bên Mỹ mấy chục năm ni chị Nhi vẫn chưa nuôi chó.

Nhìn em tỏ vẻ chưa hiểu, chị Nhi lườm chồng.

- Ở bên Mỹ và các xã hội Tây Phương, phụ nữ được xếp hạng đầu, kế đến là chó, sau cùng mới tới đàn ông. 

Cô em vợ rủ ra cười, chưa chịu buông tha ông anh rể.

- Vậy thì anh rể của em may mắn thật! Không phải giành với chú chó trong nhà.
- Thôi, cho tui can anh em hai người. Choảng nhau, tui vừa mất người xách dép vừa mất tài xế thì phiền quá.

Thục Nhi vịn vai chồng đứng dậy. Nàng trìu mến nhìn đứa em gái cách xa nhau gần phần tư thế kỷ mà những ngày qua nhờ chuyến trở về không định, chị em có dịp tâm sự vỗ về nguôi ngoai phần nào nỗi lòng xa cách nhớ thương.

- Chị muốn đi thiệt mau cho hết con đường này. Về lại Phố, thăm lại nhà xưa.

Người chị nghe giọng em gái mình chùng xuống, buồn thiu. Chị ráng giữ hình ảnh căn nhà thời thơ ấu trong ký ức mình. Cảnh cũ bây giờ chẳng thể nào nhìn ra. Đã hai năm nay họ cho mướn làm quán cà phê vườn. Cây vú sữa bị đốn, giếng khơi khô cạn, vách tường sơn kẻ đỏ xanh dựng quanh đám cây kiểng đỏm dáng trồng xén lung tung.

- Dù sao chị cũng muốn trước tiên ghé lại nơi đó để thấy mình đang thật sự trở về.

Ngoài đường mưa bụi thôi bay từ lúc nào. Cô em gái nói như reo.

- May quá! Đêm rằm Trung Thu, trời không mưa, đèn lồng treo khắp phố thi sáng với trăng, anh chị tha hồ mà ngắm. 

Chiếc xe từ từ lăn bánh vào lòng Phố. Ý nghĩ trở về mái nhà xưa giữa đêm trăng đèn chợt làm Thục Nhi thảng thốt. Đã biết bao mùa nắng mưa hưng phế vậy mà mái phố tường rêu vẫn còn đó, tưởng xanh hơn. Sức mạnh nào đang cầm giữ được nét trường tồn của Phố?  Hay chính là tình yêu từ trái tim chân thành của con người phố Hội mảnh mai mà quyết liệt như dì Chức, dì Nơi, Thục Nữ...Những người biết giữ gìn Phố Cổ với tấm lòng nâng niu quá khứ, trang trọng hài hòa. Mơ màng phố cũ hoang liêu. Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An. Tờ mây chan chứa mộng vàng. Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa. Mừng vui giọt tuổi chan hòa. Bước đi từ đó gió xa bay về...(Bùi Giáng)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012