SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

Người thời đại

Có những sự việc mà xưa nay thật bình thường, bình thường như thể đó là lẽ tất nhiên, là điều kiện ắt phải có trong cuộc sống hàng ngày vậy.  Nhưng rồi chỉ một sớm một chiều bỗng nhiên lại trở nên hết sức “không-bình-thường” đến độ... nhức nhối.

Này nhé, hãy làm một vòng loanh quanh theo gót nhân tình thế thái trong ngày sẽ thấy ngay cái lẽ “biến thể” làm đau lòng, nhói tim của một số sinh hoạt quen thuộc đó.

I

Đầu tiên hãy theo ông A – cứ tạm gọi là như vậy đi – để khởi hành.  Ông A đến Mỹ vào lúc tuổi hơi xế chiều nên mọi việc đều lỡ ngắn lỡ dài.  Đi học lại thì dư tuổi, mà đi làm thì khả năng chưa đụng tới đâu.  Ông bèn ở nhà giúp con cái, trông chừng bầy cháu cho bố mẹ chúng đi làm kiếm sống.  Công việc mỗi ngày của ông là đưa cháu đi học sáng sớm và đón chúng về vào khoảng xế trưa.  Còn lại khoảng trống dài trong ngày ông hay làm những chuyện vặt vãnh như vào thư viện mượn vài quyển sách hay phim bộ về xem với bà.  Có khi bà nhờ ông đi chợ mua hộ vài bó rau, cọng hành, củ tỏi..., luôn tiện nhặt báo rơi về đọc chơi cho biết chuyện thời sự với thiên hạ.  Những công việc này ông xem như một bổn phận phải làm đồng thời lại là một phương tiện giải trí thú vị. 

Thật vậy, chưa bao giờ ông cảm thấy nhàm chán trên con đường công tác thường nhật cả.  Nhà ông ở khoảng giữa đường mà đầu trên là khu có đông dân cư người Việt và đầu dưới là chợ búa, thư viện.  Nên muốn đến những nơi cần thiết này thì ông phải leo lên một đoạn xe buýt, mà trên đó sau chín giờ sáng thường rất trống và luôn có sự hiện diện của vài người Việt.  Gặp nhau thường xuyên họ trở thành quen thân, rồi chuyện trò xí xô xí xào trên xe một cách hết sức là... tự nhiên.  Lâu ngày thành thói quen, không gặp lại thấy nhơ nhớ và hỏi thăm nhau.  Thí dụ ông Cam hỏi ông Quít: “Ơ hay, bà Ổi đâu mà mấy hôm nay tôi chả gặp trên xe nhỉ”.  Hoặc ông Mít hỏi ông Xoài: “Gớm, lâu không gặp cứ ngỡ ông đã đổi chỗ ở rồi chứ”.  Thế rồi những câu chuyện chẳng đầu đuôi cui nheo sẽ kéo dài hơn cả đoạn đường trước mặt và nổ lốp đốp như bắp rang cho đến khi họ cùng đổ xuống chợ hoặc thư viện.

Giờ thì thời thế đã xoay chuyển hẳn.  Gặp nhau trên xe họ chào nhau một cánh ân cần vội vã.  Rồi bà Ổi kê sát cái điện thoại di động vào bên tai mà miệng nói không ngừng không nghỉ, còn tay kia khoa tới khoa lui hay chỉ chỏ lung tung như đang đàm thoại với người vô hình trước mặt.  Có lúc mải nói bà quên cả xuống xe.  Còn ông Xoài thì tai mang một ống nghe nối dài xuống cái MP3 giắt ngang lưng quần.  Gặp ông A ông chỉ kịp khoát tay chào, miệng giải thích: “Đang nghe đọc chuyện.  Hay lắm ông ạ.  Cháu nó mới cho cái MP3 đấy”.  Rồi ông lim dim cặp mắt chăm chú nghe, chẳng còn để ý đến mọi thứ chung quanh nữa.  Đại khái là những chuyện đổi thay một cách khó chấp nhận như vậy đó.

Và ông A lẻ loi, cô độc giữa đám người đồng hương của mình trên những chuyến xe buýt mà ông đã một thời hết sức thích thú, say mê tiêu khiển cho hết ngày dài, đời già.

II

Bây giờ là chuyện bà B.  Bà được cái may mắn sang Mỹ mà không phải vật lộn, bươn chải kiếm sống.  Như bao người đàn bà Việt Nam gương mẫu khác, bà ở nhà lo việc cơm nước, nhà cửa, chăm sóc cho chồng cho con.  Niềm hạnh phúc gia đình và giây phút quý báu nhất trong ngày của bà là những bữa ăn tối, vợ chồng con cái cùng quây quần bên nhau.  Cơm nóng, canh sốt bốc khói lại thêm những mẩu chuyện chồng kể hấp dẫn về việc vui trong sở sùng, con cái háo hức phác họa ra sinh hoạt nhộn nhịp sắp đến của mùa khai trường mới...  Mọi người tranh nhau nói, chòng ghẹo nhau cười.  Chuyện cứ liên tục giòn như pháo tết.  Niềm vui cứ đong đầy theo thức ăn ngon miệng.  Bức tranh gia đình hạnh phúc của bà B tưởng chừng như được treo vĩnh viễn trong căn phòng ăn ấm cúng mà bà đã vun đắp, bảo tồn lâu nay.

Rồi kỹ thuật điện tử càng ngày càng phát triển, nhanh và lên cao vút như phi thuyền phóng vào không gian.  Rồi liên hệ gia đình dường như ngày một xa cách bằn bặt như con tàu đang đi vào Hỏa tinh.  Chồng bà B từ đam mê computer trong phút khởi đầu nay lại đến laptop, notebook, tablet, ebook... Rồi tiến lên mấy bước ông học sang sửa chữa, cắt ghép hình ảnh, xâm lấn vào website, facebook, blog... để giải trí.  Ông say đắm trong trong những học hỏi, khám phá mới.  Thường khi ông quên ăn quên ngủ, bỏ cả những thói quen sinh hoạt hàng ngày.  Rồi con bà mải miết với những cái Ipad, Iphone đời mới.  Ôi thôi, hàng ngàn những tên lạ hoắc lạ huơ và vô nghĩa đối với bà.  Chồng và con bà cắm cúi, miệt mài chạy theo những thứ mà bà nghĩ sẽ không bao giờ cùng, không bao giờ tận.  Bà thấy chạnh lòng, thương tâm giùm cho họ.  Chung chung thì cũng chỉ toàn là mối đe dọa thực sự cho bức tranh hạnh phúc gia đình mà bà đã dày công tạo dựng.

Những bữa ăn tối đã bắt đầu rời rạc, lỏn chỏn, so le.  Mạnh người nào người nấy ăn tùy theo giờ giấc thuận tiện của mình.  Bà có kêu réo gọi mời riết thì ông gạt ngang: “Bà và các con cứ ăn trước đi.  Tôi đang bận download cái program mới này một lát.  Nó mắc lắm, để huốc rất uổng”.  Các con bà có buộc chúng vào ăn chung thì cũng chỉ vơ và vài miếng rồi buông đũa và trở về dán mắt vào cái Iphone đời mới nhất.  Dường như đối với chồng và con cái của bà, không có gì quan trọng và hấp dẫn hơn những món đồ điện tử vô tri vô giác đó.

Bà B ngồi một mình chơ vơ, lặng lẽ bên mâm cơm nguội lạnh y như bà đang đứng đơn độc, chênh vênh bên dòng kỹ thuật tân tiến đang cuồn cuộn chảy xiết không ngừng nghỉ.  Nước mắt bà lưng tròng.

III                 

Lại thêm cái chuyện “bình thường” bao năm qua trong hãng của cô C.
Đã kề cận sát tuổi về hưu mà cô C vẫn còn cố nắm níu công việc hiện tại của mình thêm một vài năm nữa rồi mới chịu nghỉ luôn.  Nhờ vây nên khi thiên hạ đua nhau chạy theo cái “Hi-Tech” thì cô cũng ráng ì ạch bò lần theo, dù bị bỏ rơi xa lắc xa lơ dọc đường.  Cô tự nhủ: “Rùa bò riết rồi cũng có lúc theo kịp thỏ thôi”.  Và cô yên phận rùa.

Thế nhưng, lại có những cái “bất thường” đã không để cho cô yên được.  Mà cô xốn xang con mắt.  Cô xót xa trong lòng.  Chung qui cũng chỉ tại cái tật nhanh mồm lẹ miệng, cái tánh hay nói xởi lởi, bải bui nó làm phiền cô.

Một ngày như mọi ngày.  Sáng nào cũng thế, vừa bước chân vào hãng thì điểm dừng dầu tiên của mọi người là phòng ăn trưa.  Họ để túi, bọc hay hộp thức ăn vào tủ lạnh hoặc các bàn trống quanh đó.  Nơi đây giờ này dường như là chỗ quy tựu nhiều nhân viên nhất trong ngày.  Gặp cô họ thường chào hỏi đon đả, cười nói niềm nở, săn đón nhiệt tình, đôi khi còn trêu ghẹo cô một cách lém lỉnh.  Vì một phần cô là người làm việc ở đây lâu đời, quen biết hầu hết.  Phần khác có lẽ họ là những nhân viên nam nữ mong muốn được sống già đến trăm tuổi, đến răng long tóc bạc, nên họ đã hết lòng thực thi câu “kính lão đắc thọ” cũng không chừng.  Dẫu thế nào thì không khí buổi sáng vẫn luôn làm cô vui vẻ, hăng hái trong suốt một ngày dài làm việc. 

Đến buổi ăn trưa chung thì đầy sự ồn ào, sôi nổi và hấp dẫn.  Có những tin tức nóng bỏng bên Ta, bên Tàu, bên Tây, thời sự lạ lùng trên toàn thế giới, chuyện gà qué rồng rắn bên đường... đều được đem vào bữa ăn.  Để thông tin cũng có; để làm đề tài phiếm luận cũng nên; để chọc phá, đùa bỡn nhau không chừng.  Nói chung trong giờ ăn trưa mọi người đều được hưởng những giây phút thoải mái, vui vẻ và tạm quên mọi căng thẳng trong lúc làm việc.
Rồi, không biết bắt đầu từ lúc nào, không khí trong phòng ăn bổng trở nên yên tĩnh hơn, êm đềm hơn, những lời chào hỏi thưa thớt hơn.  Cho đến khi cô C - người luôn chậm chạp trong mọi tình huống - nhận ra được cái sự thay đổi lớn lao, cái bất thường trầm trọng này thì tất cả đã thành thói thành lề.

Đây là những lời đối thoại rời rạc, lõm bõm vào mỗi buổi sáng sớm trước giờ làm việc trong phòng ăn:

“Lại đổi phone mới?”
“Ừ.”
“Gì đó? Apple? / Samsung hả?”
“Ừ. / không.”
“Ipod? / Iphone 5? / Galaxy 3? / Smartphone?”

Câu trả lời thật ngắn gọn.  Rồi lại rơi vào im lặng.  Mọi người còn đang mải vừa đi vừa nhấn nhấn, kéo kéo, rạch rạch, rà rà vào mặt phone.
Hoặc:

“Hello anh D”.  Cô C lên tiếng.
“Hi... cô”.  Câu trả lời hờ hững, nhẹ hều, không thấy ai ngóc đầu lên hết.
“Tin tức có gì lạ không anh?”  Cô kiên nhẫn hỏi tiếp.
“Da... dà... cũng có.” 

Câu trả lời miễn cưỡng, lạnh nhạt.  Đương sự còn đang bận rộn dán chặt mắt vào mặt phone.
Tiếp tục yên lặng.

Giờ ăn trưa mỗi người ngồi một góc.  Một tay xúc thức ăn một tay nhận lia lịa, xoay xoa vào mặt phone.  Họ đang ăn những gì nằm gọn lỏn trong màn ảnh nhỏ xíu đó chứ không phải thực phẩm bên ngoài.  Có hôm cô C bước trờ vào phòng ăn để lấy nước và gặp hai đứa trẻ một nam một nữ còn độc thân ngồi cạnh nhau.  Cô cứ ngỡ chúng thủ thỉ thù thì tâm sự nên định bước ra.  Nhưng cô chẳng nghe một âm thanh nhỏ nào phát ra từ miệng chúng.  Thắc mắc cô vuột miệng hỏi:

“Ủa, bộ hai đứa giận nhau rồi hay sao mà thấy im re vậy?”
“Dạ đâu có.  Con đang gửi text cho ảnh đó chứ.”  Đứa con gái trả lời tỉnh bơ, làm như đứa con trai đang ở nghìn trùng xa cách vậy.

Trời đất!  Những câu nói ngọt ngào, bóng bảy, văn vẻ để tán gái biến đâu mất tiêu rồi?  Những lời nũng nịu, luyến thoắng làm duyên, những cái liếc mắt gợi tình, cái nhìn e ấp gợi nhớ đã tuyệt gốc tự thuở nào chăng? 

Âm vang đàm thoại sôi nổi, rộn ràng trong đám đông; câu nói êm ái, dễ thương trao đổi giữa đôi trai thanh gái lịch; lời đối thoại thông minh, lịch lãm, hoạt bát; mẩu chuyện tếu kể một cách duyên dáng, tế nhị, bén nhạy... đã không còn tồn tại trên thế gian nữa.  Mọi người đang sử dụng một loại “ngôn ngữ chết”, một thứ “tiếng nói câm” trong sinh hoạt hàng ngày.  Cô tự hỏi thời vàng son của ngôn từ, của tiếng nói có âm thanh đẹp đẽ đã chấm dứt từ đây thật sao?   Đau đớn biết bao!  Vì cô C vẫn còn chưa muốn quên câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi... từ khi mới ra đời...”  Dù chữ “tiếng” ở đây - theo ý cô C - là bất cứ loại ngôn ngữ gì có thể phát thành âm thanh, thành tiếng nói để đối thoại, để hàn huyên như mọi khi thì đúng hơn.

Cô C thấy mình lạc lõng giữa khu rừng chết, đầy những xác khô còng khô queo đang lặng lẽ múa may theo sự điều khiển của kỹ thuật điện tử tối tân tột đỉnh.  Cô chỉ muốn quay trở về cái thuở xa xưa của mình (chỉ mới đây thôi chứ có lâu lắc gì mà cô cứ tưởng chừng như đã hàng nghìn hàng triệu năm qua vậy) – thời đầy sinh động – thời mà người ta sử dụng tất cả tinh hoa của ngôn từ, của cử chỉ, hành động và trí óc để diễn đạt tâm tư, tình cảm, để duy trì mối tương quan người với người.  Cô đang cố bơi con thuyền đời mỏng manh tròng trành trên dòng nước ngược.

Ôi!  Thảm thương thay những tâm hồn vẫn còn vấn vương “ngày xưa Hoàng thị...” mà phải sống bên cạnh những bóng ma đang mê mẩn chạy theo sát nút cái văn minh điện tử quá ư là máy móc này.

Cỏ Hoang

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012