SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

Về qua sông rộng (*)

Trưa tan học giống như thường lệ Phương Liên rủ tôi qua bên chùa Xá Lợi, nhỏ thì chờ xe hiệu đoàn còn tôi chờ bà chị tan giờ học sau để cùng về, nhưng lần này tôi lắc đầu :

- Hôm nay chị ta nghỉ học nên ta phải về một mình mi ạ.

Chờ cho cổng Phan Thanh Giản bớt đông tôi mới lững thững đẩy xe ra khỏi cổng trường dắt bộ ngược về phía đường bà Huyện Thanh Quan. Kể từ khi ba mua cho hai chị em tôi chiếc Honda là ngần ấy năm quen ngồi phía sau cho chị tôi chở nên ít khi nào tôi chạy xe, một phần do lười cầm lái còn lại do tay lái tôi yếu nhất là khi phải chở ai đó. Tôi thích ngồi đàng sau vì được người khác chở vẫn sướng hơn, tha hồ ngắm nhìn mọi thứ, nhởn nhơ quay phải rồi quay trái. Đến ngã tư chẳng cần căng mắt nhìn đèn xanh đỏ, chỉ chú mục vào cây muồng già cỗi bên trong khuôn viên căn biệt thự ở góc đường, thả đầy những chùm hoa rực rỡ, lê thê, vàng óng vào mùa cây ra hoa, hay ru hồn theo bầy ve reo inh ỏi dọc hàng sao đường Hồng thập Tự.

Không biết do tôi đãng trí hay thói quen hàng ngày đã khiến tôi quên mất mình đang là người cầm lái, đến lúc nhận ra phía trước là một ngã tư và bên tay phải đèn xanh vừa bật lên tôi mới giật mình đạp thắng. Chiếc xe quái quỷ bổng trở chứng “phản chủ !” Chắc nó biết tôi là tài xế “nghiệp dư” nên không tuân theo lệnh ngừng lại tức khắc vẫn cứ lừng lững hiên ngang tiến tới, ghì chặt tay lái tôi mở to mắt chờ đợi hậu quả; vừa lúc ấy một chiếc xe hơi Volkswagen màu xanh cẩm thạch vượt lên, cái gờ sắt nhô ra bên hông chạy dài bên dưới cánh cửa hứng trọn cú húc của xe tôi.

Khi tôi hoàn hồn lồm cồm đứng lên đã thấy chiếc xe hơi ngừng lại, đậu sát lề đường. Người lái xe là một thanh niên trẻ măng có lẽ chỉ lớn hơn tôi vài tuổi tiến đến hỏi :

- Em ơi, em có sao không.

Trong khi anh chàng nhanh chóng đẩy chiếc Honda vào lề và dựng lên, tôi khập khễnh bước theo. Quay sang tôi anh ta ân cần hỏi lại một lần nữa :

- Em có bị thương ở đâu không ? Có thấy đau ở đâu không ?

Ngồi bệt xuống ven đường, bặm môi tôi lắc đầu mặc dù đau muốn khóc. Anh này nhìn quanh chiếc xe của tôi xem có bị hỏng chỗ nào không và hỏi một câu làm tôi “quê một cục “

- Đèn đỏ bộ em quên thắng lại hả ?

Thẹn quá tôi cố chống chế :

- Có chứ, có thắng lại mà, tại đèn chớp nhanh quá nên...!

Thường thì xe hơi đụng xe gắn máy, đàng này tình trạng của tôi ngược lại khiến tôi muốn “độn thổ ”. Anh thanh niên thử đạp giùm máy xe rồi nói :

- Xe vẫn nổ bình thường,

Ngồi im cho cơn đau qua đi tôi đứng lên sắp xếp chiếc cặp bỏ vào giỏ phía trước xe trong khi anh chàng hí hoáy ghi vài dòng và trao cho tôi :

- Đây là địa chỉ của anh, em có thể ghi cho anh số nhà của em không ?

Hơi ngạc nhiên tôi định hỏi lý do nhưng trực nhớ mình đụng vào xe người ta, không biết có trầy trụa, móp méo gì không. Chắc là anh muốn sau này bắt đền nếu phát giác ra có gì hư hại của xe mình. Bối rối nhưng tôi không thể nào không ghi xuống địa chỉ của mình, óc tôi chợt lóe lên ý nghĩ láu lỉnh : “ đừng hòng bắt tui đền, tui cho anh địa chỉ ma, tết Congo mới tìm được tui.”

Nói thế nhưng để có một cái địa chỉ “ ma” nhưng rõ ràng ngay tức khắc thì không dễ, tôi bỗng nhớ đến địa chỉ nhà Phương Liên, nhỏ bạn ở dưới “xóm nhà lá” cuối lớp, nhà nó tận bên kia bờ Thủ Thiêm, anh ta khỏi lái xe đến được để bắt đền.

Anh chàng lên xe đi rồi, tôi vuốt ngực thầm nghĩ " Hú hồn, hôm nay mình ra ngõ gặp “giai” đâm phải xe hơi, chứ nếu xô vào dàn xe gắn máy, xe đạp chạy phía trước xe anh ta; nhẹ nhất phải móc túi đền, còn nặng hơn thì … ! " thôi tôi không dám tiếp tục nghĩ đến hậu quả của nó nữa ! Mà anh chàng này tử tế quá đi chứ. Theo lẽ thường người khác sẽ sừng sộ bỏ đi sau khi thấy mình không hề hấn gì, hoặc chối leo lẻo ngay nếu có thiệt hại xảy ra cho phía bên kia : " Tại cô đâm vào xe tôi chứ tôi đâu có đụng cô, tôi còn chưa bắt đền cô là may lắm rồi ". Phải chăng vì tôi là con gái nên anh chàng dễ động lòng tội nghiệp không nở làm khó tôi ?

Hôm nay thứ bảy sau giờ học buổi sáng, trường tổ chức đi ủy lạo thương bệnh binh ở quân y viện và bọn tôi đã ghi tên xin đi từ tuần trước, đầu giờ học Phương Liên kéo tôi ra gốc mít ngoài sân nói :

- Kim Âu nè, tự nhiên có một lá thư gửi đến nhà ta mà lại ghi tên mi “chi mà lọa rứa ? hỉ ”.
- Ủa, của ai vậy tên gì ?
- Trần Đông Hải, lính Hải Quân.

Tôi vắt óc suy nghĩ :

- Lại càng vô lý ta đâu có quen ai có tên này mà là lính nữa, mi đưa thư cho ta xem.
- Ban sáng đi học vội quá ta quên mang theo rồi, trưa nay đi ủy lạo về mi ghé nhà ta chơi sẵn lấy thư luôn.

"Mùa hè đỏ lửa" Miền Bắc xua quân ào ạt vượt sông Bến Hải giẫm lên hiệp định Genève tiến chiếm địa đầu giới tuyến, khiến các chiến sĩ VNCH phải anh dũng ngăn chận, vất vả giành giật từng tấc đất để cắm lại lá cờ thân yêu trên cổ thành Quảng Trị. Chiến trường sôi động từng giờ, thương bệnh binh vì vậy không ít ! Đám nữ sinh chúng tôi chia nhau đến từng giường bệnh tặng quà, có đứa nhận viết thư giùm, đứa thì rót giùm ly nước, đứa thì hỏi chuyện gia đình.

Quân y viện có nhiều dãy nhà chạy dọc thành hàng, mỗi dãy là một hình chữ thập, bên trong giường bệnh đặt san sát cạnh nhau, một nhóm văn nghệ du ca giúp vui đang đứng ngay chính giữa chữ thập.

" Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu … Cờ bay, cờ bay... Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu Quảng trị ơi ngày quê ta giải thoát... Hồi sinh rồi này mẹ, này em ta hôm nay nhìn thấy ánh mặt trời à.. "

Lần đầu tiên đi ủy lạo thương bệnh binh khi ra về lòng tôi mênh mang nỗi buồn nặng trĩu, dù bên tai đã quen nghe nhiều về đau thương xảy ra từ cuộc chiến; giờ đối diện thực tế cảm thấy xúc động khôn nguôi ! Niềm tin hy vọng một ngày nào đó đất nước sẽ hết chiến tranh sao thấy xa vời! Đến khi nào người phương bắc bỏ đi tham vọng tràn qua vĩ tuyến với khí giới Nga, Tàu áp đặt chế độ Cộng sản xuống miền Nam ? Có lẽ ngày ấy mới thấy được hòa bình về trên quê hương.

 Xoay bức thu trong tay chưa vội mỏ ra xem vì trên bì thư ngay góc trái chỉ vẻn vẹn hàng chữ người gửi à KBC3328. Tôi hỏi Phương Liên :

- Nhỏ, người ta ghi chỉ có ngần này chữ sao mi biết là lính Hải quân ?
- Xời ơi, nhà ngươi quên chàng của ta là lính “hải hồ ôm mộng” à ? Nhìn KBC là ta biết ngay chóc không sai. Ê, mở ra xem anh chàng nói gì.

Đọc thư tôi vỡ lẽ đây là anh chàng bị tôi đụng vào xe hơn tháng trước, nội dung hỏi thăm tôi có khỏe không, xe cộ ra sao ? Riêng anh chàng thì về lại đơn vị tận duyên hải miền Trung sau khi hết phép, cái xe hơi cũng hoàn trả cho người anh rể trong tình trạng không sứt mẻ kể cả một chút bụi bám ngoài xe.

Tôi thuật lại chuyện vì sao có lá thư này đến nhà của nhỏ, lúc ấy tôi đã kẹp tờ giấy ghi địa chỉ của anh ta vào cuốn sách nào đó rồi quên mất.Ngồi chơi một chút tôi ra về theo lời chỉ dẫn của Liên; thay vì đi bộ ra bến phà xa hơn, xuống bến đò ngang gần nhà nó sẽ sang bờ bên kia và lên bến nằm cạnh cột cờ Thủ Ngữ gần nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.

" Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm."

Câu thơ truyền tụng nói về cô lái đò chèo tay xinh đẹp, mỹ miều đưa rước khách qua lại bến sông tôi vừa đọc được trong cuốn Saigon năm xưa của cụ Vương Hồng Sển. Quyển sách kể về lịch sử thành phố Saigon, về đất Gia Định và con sông Bến Nghé thời khẩn hoang lập ấp xa xưa, lòng tò mò khiến tôi náo nức bước xuống chiếc cầu ván ọp ẹp lên đò.

Lần đầu tiên xuống ghe và đi một mình, tôi thấy thất vọng vì cô chèo đò ngây thơ trong thi phú chẳng thấy đâu ! chỉ có ông lái đò mặt mũi rỗ chằng đen thui khoảng năm mươi và một phụ nữ luống tuổi với chiếc áo bà ba bạc màu cầm chiếc dầm chèo phụ. Khi chiếc xuồng ra giữa sông gặp một chiếc tàu lớn vừa đi qua, con nước đang lên nên sóng lớn từ chiếc tàu xô con thuyền bập bềnh chao lắc, nước mấp mé sát mạn chiếc đò đang chở khẳm khiến tôi xanh mặt bởi tài bơi lội của tôi đang xếp vào hạng “tập sự” . Ở hồ bơi trong trường, tôi chỉ mới bám hai tay vào thành hồ bơi tập đập chân, sáng chủ nhật nếu đi hồ Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi chỉ dám bơi trong cái hồ nhỏ dành cho trẻ con bên cạnh hồ lớn. Giờ ở giữa mênh mông " Hoa trôi nước chảy " tôi chỉ biết nhắm mắt than thầm " Trời ơi ! lỡ mà thuyền chìm mình sẽ thành một con “ma da” dưới sông, bi thảm quá ! Mình còn đi học lại chưa biết yêu, mình sẽ trở thành “ ma trinh nữ” giống trong tiểu thuyết ! …"

Nhắm mắt miên man suy nghĩ không lẽ mình bị “gậy ông đập lưng ông” chỉ vì muốn cho anh ta địa chỉ ma giờ tôi trở thành ma thật ! May mắn thay vừa hé mắt thấy thuyền sắp cập bến, quên mất hai chân run rẩy từ nãy giờ lòng mừng khấp khởi tôi hiên ngang mạnh mẽ bước lên bờ. Nhìn xa xa về phía tượng Đức Trần Hưng Đạo bắt chước ngài tôi chỉ tay xuống sông nhưng lại thề sẽ không bao giờ bước xuống chiếc ghe nhỏ xíu đi ngang sông một mình như thế này nữa. Ý định sẽ hồi âm cho bức thư vừa mới nhận bỗng tan biến, giống như viên sỏi ném xuống dòng sông mất hút..

oOo

- Thưa Ngoại con về,
- Ừ, con dìa đi, cẩn thận xe cộ nghen con.

Tôi hí hửng nổ máy xe ra về, cái giỏ trước đầu xe đầy một bịch xoài nặng trĩu. Mọi khi hai chị em mang đồ của má gửi cho ngoại, lần này chị tôi có hẹn với bạn, tôi lại không muốn đợi đến tuần sau thế nên tôi đi một mình. Nhà ngoại ở phía dưới chợ Giồng trên đường đi Cát Lái. Ngày tôi còn nhỏ mỗi lần về thăm ngoại, ít khi đi được cả gia đình. Khi thì ba má chở một mình chị hoặc tôi bằng xe gắn máy, sau này lớn lên chỉ có hai ông bà thường xuyên về, chị em bọn tôi đến Tết mới về thăm. Từ khi có thêm chiếc Honda khỏi cần nói hai chị em tôi gần như thay cho ba má về thăm ngoại.

 Thú thật tụi tôi nhớ ngoại thì ít mà thương cây trái vườn nhà nhiều hơn bởi lúc nào về thăm ngoại chị em tôi cũng “ních” đầy một bụng trái cây trước khi mang về. Nhiều nhất là xoài, nhãn, mãng cầu. Đu đủ thì có quanh năm, rồi khế ngọt, chùm ruột, dừa xiêm, ổi xẻ. Mùa xoài ngoại sai mấy đứa nhỏ làm cỏ mướn, lượm hết những trái xoài non bị gió thổi rụng đầy gốc mang vào, ngoại gọt vỏ ngâm đầy cả lu nhỏ, chao đường trong mấy keo thủy tinh to chờ bọn tôi vể nhâm nhi, qua bàn tay của ngoại mớ xoài non trở thành giòn giòn, ngọt ngọt, chua chua chấm thêm chút muối ớt ăn quên thôi. Vừa hết mớ xoài non thì lứa xoài đầu cũng vừa lớn. Xoài nhà ngoại tôi rất đặc biệt vì ăn sống không thấy chua, chỉ thấy vị giốt giốt ngọt ngọt ngon hơn xoài tượng nhiều.

Nhớ bà ngoại hay kể mỗi lần đọc báo thấy tin xa lộ Saigon Biên Hòa bị đụng xe ngoại nói tại Tổng thống Ngô Đình Diệm khánh thành xa lộ đúng vào ngày sát chủ nếu tính theo âm lịch. Mỗi lần thăm ngoại lượt đi chúng tôi chạy ngõ xa lộ quẹo phải, lượt về đi ngã phà Thủ Thiêm. Không bao giờ chị em tôi dám băng ngang ngã ba Cát Lái để về Saigon.

Mãi nghĩ ngợi tôi chạy đến ngả rẽ đường về bến phà lúc nào không hay, vội vã quẹo trái nên tôi quên ngoái nhìn phía sau, lúc nhận ra bên trái mình đang có chiếc gắn máy chạy cạnh bên, tôi chỉ kịp lách đầu xe về bên phải và la lớn " Ê, Ấy tránh ra, tránh ra ". Người lính mặc bộ đồ xám, đầu đội chiếc nón kê pi quả là một tay lái xe cừ khôi, anh ta nghiêng đầu khi nghe tôi la và chỉ cần lạng đánh võng một cái là né được tôi liền. Riêng tôi thảm thương thay bởi vì ngoặc đầu xe qua phải bất thình lình nên ngã chổng kềnh bánh xe sau xoay tít vì máy vẫn nổ, bịch xoài đầu xe rơi ra mấy trái xoài lăn tung tóe. Cũng may vào ngày nghỉ và buổi trưa đường vắng chỉ vài chiếc xe qua lại. Thấy tôi té người lính dựng chiếc xe mình vào bên đường gom mấy trái xoài đang lăn lông lốc và hỏi tôi :

- Em té có sao không ?

Tôi tắt máy xe chống tay ngồi dậy, bàn tay ôm đầu gối rướm máu nhìn thấy được qua lỗ thủng của cái quần rồi cà nhắc đi vào lề đường không trả lời. Tôi đau chân thì ít mà tiếc cái quần mới may thì nhiều. Tôi phải tiết kiệm tiền ăn sáng cả tháng để dành may cái quần theo “mốt” thời thượng của ý thích. Mode các cô gái bây giờ may quần áo bằng hàng “laminium” của Pháp mềm rủ, khi ủi thì bóng láng ánh lấp lánh như lụa. Áo dài tơ đen mỏng nhẹ mặc với quần trắng. Người ta không biết ý tưởng phát sinh từ đâu, nhưng có thể vì không may có người yêu hy sinh trên chiến trường nên cô gái ấy phải mặc áo dài màu đen để tang cho chàng ? Bỗng dưng những người khác thấy đẹp, một vẻ đẹp “não nùng” nên đua nhau may mặc, tình cờ lại thành mode vì dạo phố Lê Lợi tôi thấy độ tuổi tôi họ mặc rất nhiều. Tôi không dám may áo đen theo phong trào sợ bị gia đình la rầy, nhất là gặp xui xẻo nếu gặp người tôi yêu sau này là lính chiến, nên tôi chỉ dám lén may quần đen bằng loại hàng này để mặc với áo dài trắng.

- Chân em bị thương chảy máu rồi kìa, có đau lắm không ? Cạnh bàn tay trái cũng vậy !

Nói xong anh rút trong túi quần chiếc khăn buộc đỡ bàn tay rướm máu của tôi. Cảm động trước cử chỉ tôi thầm nghĩ anh này thật dịu dàng và galant hết ý :

- Cám ơn anh, tại em quẹo mà không nhìn trước, nhìn sau.
- Em về đâu mà bất thình lình đổi hướng vậy ?
- Dạ về Saigon vì em không dám băng ngang xa lộ qua ngã ba Cát Lái. Em muốn đi qua phà Thủ thiêm nhưng quên nên chạy lố.

Trông thấy vẻ mặt bí sị, thê thảm của tôi anh lính thương hại hỏi tiếp :

- Tay chân em bị thương, em chạy xe về nổi không ?

Thói quen nũng nịu của con gái khiến tôi ai oán rên rỉ :

- Hỏng biết đi dọc đường có gì không ! nhưng đi không nổi cũng phải về !
- Anh cũng về Saigon, anh có thể đưa em về giùm, nhà em ở vùng nào ?
- Dạ khu ngoại ô bên quận Tám.

Đứng dậy tôi mới nhìn rõ mặt người lính, bụng nghĩ thầm " Sao nhìn mặt anh này mình thấy hình như đã có quen biết từ lâu rồi, chắc là quen từ kiếp trước. "Tôi nói đùa một câu nhưng không thốt ra lời, cá tính lanh chanh, xí xọn của hầu hết các cô gái tầm tuổi tôi lại nổi lên khiến tôi quên mất vết thương đau đớn.

Trên cầu tàu trong khi chờ chiếc phà bên kia bờ chạy sang, gió trên sông thổi cuốn mớ tóc phủ mặt, xòe bàn tay không bị thương giữ tóc tôi len lén nhìn anh lính đang đăm chiêu hướng đôi mắt về chiếc tàu nhiếu tầng giống như một khách sạn nổi, đang neo gần bộ tư lệnh Hải quân. Cái bảng tên bằng nhựa đen với hàng chữ màu trắng gắn phía trên miệng túi áo ghi ba chữ : “Trần Đông Hải” làm trí nhớ tôi bỗng quay ngược lại, ấn tượng ngày đi bằng đò từ nhà Phương Liên về sau khi nhận lá thư ghi tên người gửi được giảng giải nghĩa tiếng việt là “biển đông” . “A có phải là anh chàng lái xe hơi hồi cuối năm ngoái mình tông trúng vì cái tên lại trùng hợp quá, thảo nào mình trông quen quen”.

Lòng rộn rã một niềm vui bất ngờ, tôi chớp mắt nhớ lời bài hát phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên
"Người từ trăm năm, về khơi tình động.... Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân." (*) Trái tim tôi giống như quả chuông vừa động vào lắc lư không cưỡng được.

oOo

 "Tình là tình nhiều khi không mà có …" Ai cũng bảo sao con nhỏ Âu dạo này vui vẻ quá chừng. Dĩ nhiên thôi, tình yêu làm người ta yêu đời, tình yêu làm con người đổi thay đời sống và vị tha với tất cả. Tình yêu làm người ta nhìn đời bằng đôi mắt nồng nàn chan chứa màu hồng tươi vui. Tôi say sưa với mối tình đầu trong đời như say men rượu ngọt. Có lần đọc trong đâu đó ví von " tình yêu giống như điếu thuốc ngon khi đang cơn ghiền, tình đẹp mang mang như làn khói thuốc "Đem chuyện này hỏi anh, anh cười :

- Anh chàng phát ngôn ra câu này chắc là một đệ tử lâu đời của “ tương tư thảo” .

“Nàng trao tôi nhúm tương tư thảo,
Và dặn những chiều xuống nhớ nhung.
Đốt cỏ tương tư bằng lửa ảo
Hồn bay theo khói đẹp vô cùng.”

Bài thơ này rất tiếc anh đã không nhớ rõ tên tác giả.
- Cỏ tương tư ? Thật có loại cỏ này nữa sao.
- Em đúng là còn ngây thơ thật. Nhà em chắc không có ai hút thuốc.
- Dạ đúng, ba em không hút thuốc bao giờ, mấy đứa em trai thì còn nhỏ xíu.

Anh chở tôi đi dạo chầm chậm dọc theo đường Cường Để về hướng Bộ Tư Lệnh và dừng lại gian nhà thủy tạ cạnh bờ sông. Gió từ mặt sông thổi vào lành lạnh, giơ tay chỉ cho tôi đám mây xa xa bên kia sông, ở phía dưới đám mây là khung trời u ám hơn hai bên, anh nói ở vùng đó trời đang mưa và hỏi tôi có cảm nhận hơi nước mưa thổi từ phía ấy đến tận nơi này không ? Hiện tượng này sẽ thấy rất rõ ràng khi đang lênh đênh trên biển. Cũng như khi mình sắp đi đến biển sẽ nghe trong gió vị mặn mà của trùng dương.

Đứng ở đây gợi tôi nhớ trong chương sách cụ Vương có viết “Thủy các và Lương tạ là tên nhà tắm của vua ở sát cạnh bờ sông Bến nghé. Nơi này người thời ấy gọi là Bến Ngự, ven sông dành riêng cho vua tắm vào thời miền Nam khai đất cách đây gần ba thế kỷ. Tôi bổng tự hỏi, có phải nhà Thủy tạ bây giờ là “nền củ lâu đài bóng tịch dương” một thời in dấu bước chân vua ngự đến.

Tôi so hai vai than lạnh, ngả đầu nép vào vòng tay anh. Hơi ấm của anh ủ cho trái tim tôi đập nhịp bình yên. Ở đây nụ hôn đầu đời của tôi không có “ những con ve nhỏ hết hồn kêu vang” (**) mà chỉ có nước sông róc rách vỗ bờ. Tôi tin mình đã tìm được một bến đỗ cho tình yêu. Dạo này ai nhìn thấy cũng cho rằng trên khuôn mặt tôi luôn tràn đầy sắc hồng rực rỡ, bởi người con gái nào đang đắm chìm trong tình yêu cũng đều trở nên xinh đẹp hết. Chúng tôi cứ đứng ôm nhau như thế cho đến khi cơn mưa từ bên kia sông kéo đến. Tôi chỉ vào chiếc tàu lớn đang neo gần bên bờ hỏi anh :

- Hôm gặp anh lúc em bị té xe, anh đưa em về. Khi đứng trên phà sang sông em thấy anh toàn nhìn về phía này,
- Anh nhớ lại kỷ niệm ngày xưa lúc mới vào quân chủng, bọn anh trú ngụ ở đây chờ đi Mỹ. Nhìn chiếc APL này anh nhớ lại những kỷ niệm thời mới vào lính, Niềm vui ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức.
- Khi yêu những người lính hải quân của các anh chắc thường hay cùng người mình yêu ra bờ biển hoặc cạnh dòng sông nào đó để tâm sự phải không ?
- Anh không biết có phải tất cả đều như thế không, nhưng có thể khi yêu, ai cũng chọn một góc thiên nhiên nào đó trong trời đất để chứng kiến cho tình yêu của họ.

Tự nhiên tôi có ý nghĩ dòng sông này đang chứng kiến cho mối tình của hai chúng tôi, không cần phải thề thốt, tình yêu của tôi và anh đã có dòng sông chứng nhận. Ký ức về dòng sông nơi đây trong những ngày yêu nhau sẽ là dấu ấn sâu đậm không bao giờ tàn phai theo năm tháng trong tôi.

 Một hôm tôi bỗng rủ anh về nhà ngoại cho biết và giới thiệu anh với bà. Cũng giống như bao cặp tình nhân khác, hễ gặp nhau là ríu rít như đôi chim trên cành dù chỉ là nói với nhau những chuyện thật trẻ con :

- Anh có nhớ chỗ này em bị té xe không ?
- Ha ha, nhớ chứ sao không ! Cuối tuần hết phiên trực từ căn cứ về ngang, đến đây lúc nào anh cũng nhớ cảnh mặt em bí sị ngồi ôm đầu gối trầy sướt. Dù bị té đau những vẫn không quên bịch xoài bên cạnh.

Một tay đấm vai một tay nhéo vào hông anh tôi vùng vằng :

- Dám chế nhạo em hả, cho anh chết nè.
- Ê, nhột, coi chừng té bây giờ.

Anh lắc hông né qua làm chiếc xe lạng quạng khiến tôi phải hai tay ôm chầm lấy anh, tôi nghe tiếng anh cười khoái trá. Nới lỏng vòng tay tôi phụng phịu :

- Lợi dụng “thừa nước đục thả câu” hả, nghỉ chơi anh ra.Không thèm nói chuyện với anh nữa.

Vừa nói xong chưa kịp giữ im lặng tôi lại phải kêu lên :

- Anh chạy qua khỏi nhà ngoại rồi, tài xế gì mà hỏng biết đường hỏng thèm trả tiền xe.
- Không cần lấy tiền, chỉ cần trả bằng những nụ hôn là đủ.
- Nữa lại giở trò ăn gian nữa rồi !

Tôi thẹn quá không dám nói tiếp vì đã vào tới sân nhà.

 Mùa này không còn xoài, bà ngoại kêu đứa nhỏ bà hay sai vặt hái đu đủ, khế ngọt cho tôi.Tôi dẫn anh đi một vòng thăm khu vườn, cuối ranh đất tiếp giáp với một con rạch nước chảy lững lờ. Anh khen khu vườn rộng và thoáng đãng. Tôi nói nhờ bà ngoại thường xuyên mướn người làm cỏ dọn vườn. Ngoại bảo tôi xẻ trái đu đủ ra làm hai lấy muỗng cho anh múc ăn. Tôi chỉ cho anh cây khế ngọt cạnh giếng và cây bưởi đang cho trái to hơn trái cam một chút. Ngoại nói :

- Vài tháng nữa bưởi lớn con chở em về, ngoại cắt cho nửa chục bưởi làm quà.

Và bà chỉ qua khu vườn bên tay trái nói tiếp :

- Hồi năm ngoái lúc đó ngoại nghe nói nhằm bữa ký hiệp định lập lại hòa bình gì đó, họ về treo cờ trên cây dừa kia kìa.

Tôi thấy anh hơi giựt mình, nét mặt bổng trở nên căng thẳng trong khi ngoại kể tiếp :

- Bà có biểu, ra đi, mày ra đi con, bên ngoài lính bao vây hết rồi, vậy mà nó không chịu ra. Ngoại biểu có bà ở đây lính không dám bắn vô đâu. Tới chừng lính vô dắt ngoại đi ra đường, ngoại khóc nói với mấy chú lính rằng “Bà biểu nó ra đầu hàng mà nó không chịu “Nhưng mà nó chạy qua rào nhà bên kia mới bị bắn, may mà xác nó nằm bên ranh đất nhà người ta, không phải đất mình.

Bàn tay anh sờ vào bụng, dưới lần vải áo thường phục tôi biết anh có giấu khẩu súng tùy thân, anh nhìn quanh e dè nói với tôi :

- Mình xin phép ngoại về sớm đi em.

Ngoại nói :

- Ủa, sao về mau vậy, trời chưa tắt nắng mà.
- Dạ tụi con về còn có việc khác.

Hai chúng tôi ra về, trên đường anh im lặng không nói tiếng nào chỉ chạy một mạch, qua cánh đồng trống trải, vượt khỏi chợ đến đầu ngã ba tôi mới thấy anh bớt căng thẳng.
Ngần ngại một chút tôi hỏi :

- Có chuyện gì vậy anh ?
- Anh hơi chủ quan, khi nghe ngoại kể chuyện mới giựt mình. Em không tưởng tượng được những nguy hiểm đang chập chờn chung quanh có thể xảy ra cho hai đứa lúc ấy đâu.
- Căn cứ của anh cũng ở gần vùng này mà.
- Em thật là ngây thơ. Bên ngoài bất cứ căn cứ nào cũng có kẻ địch rình mò. Chúng trà trộn vào dân chúng, lén lút chực chờ hễ mình lơ là một chút là chúng ra tay.

Tôi rùng mình khi nghĩ chuyện ban nãy, tưởng tượng đến một mũi súng từ bụi rậm nào đó bên kia thò ra nhắm vào anh, may mà anh mặc đồ civil; nếu có chuyện xảy ra chắc tôi ân hận không sống nổi. Tôi ngửa mặt nhìn trời than thầm ! Tại sao tuổi trẻ chúng tôi luôn gặp nhiều trắc trở, không dám đặt ước mơ và hy vọng trọn vẹn cho một điều gì đó, kể cả tình yêu trong thời buổi chiến tranh này ! Quanh chúng tôi chỉ có nước mắt của chia ly và chết chóc. Yêu nhau bây giờ không dám nghĩ thêm điều gì xa xôi. Ước mơ hạnh phúc trăm năm hoặc răng long đầu bạc có khi nào trở thành không tưởng ?

Sau Tết anh về nhà ít hơn, dĩ nhiên chúng tôi gặp nhau không còn nhiều như trước. Tin tức chiến sự tràn về dồn dập kể từ ngày mất tỉnh lỵ Phước Long. Khi gặp nhau chỉ vui vẻ, hồn nhiên trong thoáng chốc, anh lại trầm ngâm ưu tư. Anh nói với tôi với giọng đăm chiêu :

- Sắp tới mình có thể sẽ không được gặp nhau như thế này nữa !.

Tôi thảng thốt :

- Sao vậy anh ? Bộ anh bị chuyển đi đơn vị khác xa SaiGon hở ?
- Không phải, lâu nay đã cắm trại 100% rồi, cấm phép nhưng anh vẫn có thể mỗi tuần về nhà được một buổi tối. Bây giờ tình hình căng thẳng anh phải trực tại đơn vị 24/24 giờ.

Tôi cúi mặt buồn thiu, hỏi nhỏ :

- Vậy anh có biết chừng nào mình gặp nhau, xa nhau em buồn và lo lắng lắm, chỉ muốn lúc nào mình cũng ở cạnh nhau.
- Anh cũng vậy, cầu mong cho tình hình sáng sủa hơn, cuối năm nay mình cưới nhau nhé em ?.

Bất cứ người con gái nào khi nghe người yêu thốt lời muốn làm đám cưới với mình đều cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Mặc cho viễn ảnh tương lai chưa biết là tươi sáng hay u tối, bỏ mặc những hình ảnh đau thương của một góa phụ trẻ với áo đen, khăn tang trắng tôi cũng nguyện làm vợ anh, theo anh đến cùng trời cuối đất.

 Bây giờ là tháng tư, gần một tháng không gặp cũng như không có tin tức về anh, nỗi nhớ làm trái tim quay quắt không thể chờ đợi nữa, tôi băng qua phà Thủ Thiêm đón xe lam xuống nơi căn cứ anh đóng quân. Cuối bến xe lam là bến phà Phước Lý, đối diện bờ bên kia là thành Tuy Hạ.Không cần qua phà tôi xuống bến xe đi dọc theo con lộ tìm cổng vào căn cứ, nằm phía trước cổng là xóm nhà của dân khá đông đúc.

Qua mấy lần rào phòng thủ mới đến được vọng gác hỏi tên anh. Người lính gác gọi máy cho biết không có anh trong đơn vị, bảo tôi chờ để anh ta liên lạc cho người đi tìm, có thể anh đi xuống trại gia binh. Trong khi chờ đợi tôi xoay người nhìn qua bên kia đường phía trước cổng ra vào, đột nhiên tôi trông thấy chiếc xe Honda dựng trước gian quán. Dụi mắt nhìn kỹ rõ ràng là xe của anh bởi anh có thói quen quàng sợi dây xích khóa vào cổ xe và sợi dây này đối với tôi đã quen mắt. Tôi reo lên và chỉ cho người lính gác :

- Xe ông Trung Úy Hải đang đậu bên kia đường kìa.

 Chở tôi vào gian phòng trong cư xá sĩ quan độc thân anh lăng xăng dọn dẹp quần áo vứt bừa trên giường trước khi tôi ngồi xuống, anh cảm động nói trong hơi thở :

- Em nhớ anh nên xuống tìm anh hả.

Tôi không thể trả lời vì đang bận rộn đón nhận một trận mưa hôn say đắm, khi trấn tĩnh và đang vùi mình trong vòng tay anh, tôi tha thiết

- Em nhớ anh quá, nhớ từng giây từng phút nên em đánh bạo một mình đi tìm anh.

Không một lời nói nào diễn tả đầy đủ nỗi nhớ mong của hai kẻ đang yêu phải xa nhau nay gặp lại; dù say sưa tận hưởng những gì ngọt ngào nhất của tình yêu nhưng lằn ranh đạo đức vẫn được duy trì tuyệt đối giữa hai chúng tôi. Khoảnh khắc thời gian âu yếm trôi qua nhanh quá trong nuối tiếc. Trời đã về chiều anh nói để anh chở tôi về. Trên đường anh buồn buồn nói :

- Căn cứ của anh đang đầy đặc tàu bè của các vùng ngoài di tản về, một số mang theo cả gia đình vợ con.

Tự nhiên trong tôi một nỗi lo sợ mơ hồ dâng lên, tôi nhủ thầm “Có khi nào...anh cũng phải rời nơi này như họ à! Còn tôi chưa phải danh nghĩa vợ chồng, hai chúng tôi sẽ ra sao ! ” Cố trấn tĩnh tôi nói với anh bằng giọng cứng cỏi, ráo hoảnh :

- Nếu đơn vị di tản chiến thuật chắc chắn anh phải theo đơn vị rồi, Vùng chiến thuật có thể lui về chỉ còn lại vùng Bốn. Nhưng em tin Saigon vẫn còn, mình sẽ cố liên lạc sau khi đơn vị anh đã ổn định tình hình.

Những giây phút ngắn ngủi trên đường về tôi vòng tay ôm chặt, áp má vào lưng anh giống như muốn hai đứa gắn bó cộng sinh từng tế bào không thể tách rời.

Anh dừng xe trên cầu tàu, khi chiếc phà tách bến về lại Saigon chỉ có một mình tôi đứng trên đó. Tôi bỗng có cảm giác đất trời chung quanh đều trở nên thê thảm, dáng anh đứng chơ vơ giữa trời nước in màu hoàng hôn tím sẫm. Anh vẫy tay với tôi trong khi tôi đứng ở một khung cửa trên chiếc phà dần lùi xa với nước mắt nhạt nhòa. Bài hát lại vang trong tôi :

"Người từ trăm năm. Về qua sông rộng. Ta ngoắc mòn tay. Trùng trùng gió lộng.
... Nào hay đời cạn ! …. Nào có hay cạn đời ! (*)

oOo

" Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào. Khi đôi ta bên nhau, ân tình không thể dài lâu... "
Bài hát đứt đoạn nửa chừng bởi viết từ lâu lắm nên tôi không thể nhớ hết lời. Cũng như nhiều quyển tiểu thuyết đã viết, tất cả ca tụng những chuyện tình đẹp đều có đoạn kết dở dang. Lâu lắm tôi mới lại về đây, đứng bên bờ sông ngày nào nhưng lần này chỉ có một mình. Nào đâu đã đến trăm năm để “Người từ trăm năm. Về khơi tình động, ” Người hơn ba mươi năm lại về qua sông rộng, thảng thốt khi nhìn thấy con đường hầm chúc xuống lòng sông, nuốt gọn cũng như thải ra từng đoàn xe xuôi ngược phun khói ngập ngụa để qua bên kia sông. Bến đò xưa, chiếc phà trăm năm giờ thành chuyện cổ tích của thế kỷ trước, chỉ nghe nói không còn nhìn thấy nữa. Xóm nhà của bạn tôi trước kia đã mất tăm, nơi này giờ trở thành khu quy hoạch đô thị mới. Những kỷ niệm đã thành quá vãng, cũng giống như thân xác của cô bạn tôi đã trở thành nắm tro lưu lạc đâu đó trên dòng chảy con sông theo lời trăng trối,.

Quá bước đi gần hết bờ sông, đứng cạnh công viên vừa tân tạo lại nhìn nắng trải trên mặt sông tôi chờ buổi chiều dần tắt. Đứng đây để nhớ cho riêng mình dáng dấp người yêu ngày cũ trong buổi chia tay đâu ngờ là ly biệt. Chiến tranh làm chúng tôi thất lạc, lỡ làng; để giờ này dù mái tóc pha sương trở lại chốn xưa trái tim tôi vẫn còn nguyên vẹn xúc cảm nụ hôn ngày nào. Chúng khiến tôi có những phút giây chạnh lòng khi nhớ đến tình yêu đầu đời thời mới lớn.

Cỏ Biển
Mùa thu 2012
---------------------------------------------------------
(*) Khúc Tình Buồn thơ Nguyễn Tất Nhiên.
(**) Thơ Trần Dạ Từ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012