SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

 Vốn liếng yêu thương

Hà Bạch Trúc
Vu Lan 2012

Một người bạn hỏi tôi “có điều gì muốn nói với mẹ mà chưa kịp nói hay không?”  Câu hỏi làm tôi suy nghĩ nhiều. Tôi có điều gì chưa kịp nói trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời? Ðiều gì quan trọng nhất và tôi đã nói điều đó với mẹ chưa? Có thật tôi đã nói hết với mẹ những điều muốn nói?

Năm 18 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe bài hát Bông hồng cài áo (1). Tôi thích lắm và tự nhủ phải hát cho mẹ nghe. Hôm đó, hai mẹ con đang nằm ngủ trưa, tôi hỏi mẹ:

- Mẹ có muốn nghe con hát không?

Mẹ trả lời mà mắt lim dim:

- Có chứ, con hát đi.

Tôi hát đến nửa bài vẫn không thấy mẹ mở mắt. Tôi hỏi:

- Mẹ ngủ hả, mẹ có nghe con hát không?

Vẫn nhắm mắt, mẹ trả lời:

- Có chứ, con hát nữa đi, mẹ nghe mà.

Tôi hát hết bài, rồi ôm mẹ vào lòng và hôn mẹ thật lâu. Mẹ vẫn nằm yên nhắm mắt nhưng tôi thấy mắt mẹ nhè nhẹ chớp, miệng nỡ nụ cười sung sướng. Ðó là lần duy nhất tôi hát cho mẹ nghe.

Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"

Ngày tôi đi lấy chồng, tôi không được ăn bữa cơm cuối cùng với mẹ, như người chị của thầy Nhất Hạnh đã được nghe mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác" (2), rồi hai mẹ con cùng khóc.

Nhưng thay vào đó tôi được ngủ với mẹ đêm cuối cùng trước khi lên đường rời bỏ quê hương. Suốt đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, tôi cảm thấy có bàn tay mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và nắn nót từng ngón tay tôi. Tôi biết mẹ có ngủ được đâu, mẹ khóc thầm suốt đêm. Còn tôi thì thản nhiên tận hưởng hơi ấm thân quen và vòng tay an toàn của mẹ.

Ngày mẹ qua đời, tôi ở xa nửa vòng trái đất. Chỉ kịp ra phi trường mua vé may bay đi ngay, mong kịp về đưa tiễn mẹ lần cuối cùng. Con tôi dù chỉ mới 10 tuổi mà cũng biết nói: ”Ði đi, mẹ không đi thì mẹ sẽ không tới đâu”. Lời nói của trẻ con hồn nhiên vô tư mà chứa đầy chân lý. Tôi khóc suốt cuộc hành trình. Bầu trời như sụp đổ, người tôi yêu thương và kính phục nhất không còn trên thế gian này nữa.

Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

 Lúc mới xa mẹ, mỗi dịp Vu Lan được nhận đóa hoa màu hồng, tôi không biết vui mà cứ tiếc phải chi được ở gần mẹ. Bây giờ mẹ đã vinh viễn ra đi, mỗi dịp Vu Lan về tôi được cài bông hồng trắng nhưng tôi không tủi thân và tôi không buồn. Tôi chỉ nhớ mẹ và cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên vì tôi có một người mẹ tuyệt vời đã cho tôi biết thế nào là tình thương vô bờ bến.

Sau ngày 30 tháng tư đen tối, cuộc đời của mẹ cũng một sớm một chiều thay đổi như đại đa số người dân miền Nam. Ngủ một đêm sáng dậy trắng tay, mẹ phải lặn lội mua bán để kiếm sống hàng ngày. Mọi khổ cực mẹ gánh hết để bảo vệ chồng, để che chở con. Miếng ngon nhường con, áo đẹp con mặc, mẹ không so bì ai sướng mình khổ, chỉ lẵng lặng làm. Tôi được ăn no mặc ấm, được thảnh thơi cấp sách đến trường nào biết đâu mẹ trằn trọc hàng đêm vì không biết ngày mai phải xoay xở ra sao. Mẹ quên mình, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và tương lai các con. Mẹ tôi đó, người suốt đời tận tụy và hy sinh vô điều kiện cho chồng, cho con.

Tôi có thể kể hàng giờ về công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ, về những nỗi nhọc nhằn cùng sự hy sinh to lớn của mẹ, nhưng đó đâu phải là điều mẹ muốn nghe. Ðiều duy nhất mà mẹ tôi cũng như tất cả những bà mẹ trên đời đều muốn nghe con mình nói, đó là “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm”. Mà điều đó tôi đã nói với mẹ rồi, năm tôi 18 tuổi.

Còn bạn, bạn đã nói hết cho mẹ nghe những điều muốn nói hay chưa?


1. Bông hồng cài áo, thơ Thích Nhất Hạnh, Phạm Thế Mỹ phổ nhạc
2. Tùy bút Bông hồng cài áo, Thích Nhất Hạnh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012