SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

16. 
Chiếc xe từ từ lăn bánh vào lòng Phố. Ý nghĩ trở về nhà xưa giữa đêm trăng đèn làm Thục Nhi thảng thốt bồn chồn. Đã biết bao mùa nắng mưa hưng phế vậy mà mái phố tường rêu vẫn còn đó, tưởng xanh hơn. Sức mạnh nào đang cầm giữ được nét trường tồn của Phố?  Phải chăng là tình yêu từ trái tim chân thành của người phố Hội, mảnh mai mà quyết liệt như dì Chức, dì Nơi, Thục Nữ... Những người biết giữ gìn Phố Cổ với tấm lòng nâng niu quá khứ, trang trọng thủy chung. Mơ màng phố cũ hoang liêu. Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An. Tờ mây chan chứa mộng vàng. Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa. Mừng vui giọt tuổi chan hòa. Bước đi từ đó gió xa bay về...(Bùi Giáng)
Cảnh bài trí xa lạ trong vườn khiến Thục Nhi khựng chân lúc bước qua cổng nhà mở toang, trống vắng giàn bông giấy đỏ cả giấc mơ những lần thức giấc giữa đêm buồn nhớ cố hương, gia đình. Trong một thoáng giây nàng ngờ vực trí nhớ mình rồi lòng hẩng chùng vào thực tại buồn hiu.  Sân vườn gạch cũ không còn. Trên nền xi măng ố xám, từng bộ bàn ghế xếp rải rác dưới những chiếc dù nhiều màu. Nắng chiều dọi bóng những chậu cây kiểng nằm sóng soài nghiêng xế trên sân. Thục Nhi tiếc nhớ nền gạch râm mát ngày xưa, rười rượi chân trần bầy chị em nô đùa dưới tàng cây vú sữa. Tiếng phong linh khẻ đong đưa réo rắt tiếng nhạc chuông lúc cha đi làm về mở cánh cổng vào nhà. Tiếng mẹ cười bên bờ giếng vào những sớm mai. Nàng ngước nhìn tàng lá vươn cao từ thân cây được trồng vào chỗ cây vú sữa đã bị đốn bỏ. Cây lạ mắt, lá xòe từ mỗi đốt dài đan xen vào nhau như bàn tay mở ra hứng từng chùm nụ vừa ươm phơn phớt trắng.

-  Cây hoa sữa đó chị. Bông bắt đầu nở vào mùa Thu cho tới cuối năm. Bông chỉ thơm về đêm, nồng gắt lắm. Nhiều người khen nhưng em không chịu nổi. Thơm nồng quá, tưởng như bị thúi mũi. Người ngoài Bắc vô, họ đem theo cây hoa sữa, cây bàng, cây bằng lăng trồng tứ tung. Màu tím bằng lăng đẹp lắm chị, nhưng trồng nhiều quá nên không còn quí nữa.  Cô em gái cười...Đã rứa rồi trên đài, trên truyền hình, trong quán xá lúc nào cũng ra rả “ta còn em mùi hoa sữa”, nghe bắt mệt!

Anh Dõng gật đầu nhâm nhi ly cà phê phin sữa đá đầu tiên sau hơn một tuần về lại quê hương. 

-  Ồ, thì ra là nó! Anh có người bạn trước khi qua Mỹ theo diện HO sống ở Nha Trang cũng đồng ý như vậy. Anh ta xui xẻo dính một cây do “công ty hoa kiểng và cây xanh thành phố” trồng ngay trước cửa nhà. Cây lớn nhanh, tới mùa trổ bông ban đêm ngủ trùm mền mà mùi nồng vẫn len lỏi qua. Chịu không nổi, anh ta phải xâm mình lén đổ acid cho cây chết dần.                   

Quán vắng khách. Từ hiên nhà bài trí đỏm dáng để “cô hàng cà phê” ngồi thâu ngân, tiếng nhạc vọng ra rập rùng theo lời ca tình tứ ngô nghê của một bài hát lạ tai. Vài cô gái phấn son uể oải đứng ngồi quanh quầy chờ giờ khách đông lúc đêm tới.
Nữ đứng lên, nhìn về phía gian nhà chính.

-  Thôi để em vô tìm cháu Hà, nếu cháu có ở nhà thì bảo ra chào anh chị.  Chị nhớ đừng “cô cô, cháu cháu” với bé Hà rồi lại khó xử. Cháu nó không biết.  Khó lòng lắm nhưng em đành cắn răng mười mấy năm nay. Thế nào rồi cũng có được ngày nói cho cháu biết cha ruột của mình là ai, nhưng bây giờ thì phải đành.  Em sẽ bảo bé Hà mai mốt tới trường Anh văn để chị chuyện trò thăm cháu lâu hơn.

Họ rời cà phê “Hoa Sữa” lúc quán bắt đầu đông khách. Đèn màu giăng quanh vườn và trong những chậu cây kiểng vừa bật lên chớp tắt chẳng kịp chờ đêm. Thục Nhi bùi ngùi ngoái nhìn cảnh cũ đổi thay, lòng quặn đau nỗi niềm dâu biển của đứa con xa trở về bị lay thức sau giấc mơ dài. 
Nữ dừng lại trước nhóm đông xe thồ, xe xích lô đang ồn ào chào mời trước cổng quán cà phê.

-  Xe hơi không được vào Phố Cổ. Em gọi xích lô cho anh chị chở hành lý cho tiện. Em đi trả xe rồi về sau. Cô em gái cười nhìn ông anh rể... Anh muốn thử trí nhớ của mình hay là để em chỉ đường họ đi cho đúng?
-  Cô giáo khỏi phải chỉ đường. My Fair Lady English House ở Hội An thì ai mà không biết... Giọng nói của người đạp xích lô chợt òa lên mừng quýnh... Ủa! Có phải Ông Thầy đó không!?  Em là Đức Đen đây!

Dõng ngờ ngợ nhìn khuôn mặt phong trần. Anh moi móc trí nhớ cố kết nối giọng nói quen quen vừa nghe với một trong nhiều khuôn mặt thân thiết từ quá khứ,  rồi chợt nghe chính miệng mình cũng  buột lên mừng rỡ.

-  Đức Thuyền Trưởng phải không!?

Hai người lính miền Nam tay bắt mặt mừng gặp nhau trong tình cờ sau gần phần tư thế kỷ ly tán.  Người lính Ngụy đạp xích lô niềm nở chào chị em Thục Nhi.

-  Chị vẫn đẹp như ngày xưa. Còn cô giáo thì giống chị như đúc. Nhiều lần tui muốn ghé Anh văn Thục Nữ hỏi thăm Ông Thầy nhưng sợ bị mang tiếng đường đột nên thôi. 

Thục Nhi liếc nhìn chồng, mỉm cười.

-  Mấy ôn Hải Quân ni thiệt đúng là rập một khuôn. Tui nghe “Tám điệp khúc” ni hoài, coi chừng ép-phê ngược nghe!
Đức lúi húi đẩy xích lô qua bên kia đường nơi Nữ đậu xe.
-  Thiệt đó Bà Chị! Trước bảy lăm tui có theo trung úy vô nhà gặp chị mấy lần. Hồi đó tụi tui mỗi đứa đều được ổng “tặng” ít nhất là hai đôi dép nên thằng nào cũng rành về chuyện tình “một trăm đôi dép Nhật”.  Còn nhớ lần Trung úy tổ chức tắm biển Cửa Đại, tụi này giúp ổng lấy điểm với chị bằng cách rời vùng công tác mang tàu về nằm sát nhà lồng chợ Phước Trạch để gọi là bảo vệ bãi tắm. Ông Hân phía Duyên Đoàn thì điều động hai ba chiếc Yabota lảng vảng suốt buổi chiều để chận... cá mập.

Thục Nhi thiện cảm nhìn nét tinh anh hiện rõ dần sau khuôn mặt lam lũ phong trần của người lính Hải quân.

-  Cảm ơn anh... gần hai mươi lăm năm sau!  Đúng là hồi đó ổng đã lấy được rất  nhiều điểm, xài mấy chục năm rồi vẫn chưa hết. Giờ thì tui xả nước ấm đầy bồn, gọi mời đôi ba lần ổng còn chưa chịu rời cái tivi đi tắm.

Đức mời Thục Nhi ngồi vào xích lô rồi nhanh nhẹn phụ Dõng chất hành lý lên càng xe. Họ vẫy chào Nữ lúc nàng quay xe chạy về  ngã văn phòng UNESCO. Đức đạp xích lô thật chậm cho người chỉ huy cũ kịp bước theo.  Dõng thân mật hỏi thăm về cảnh sống của gia đình người thuộc cấp suốt bao tháng năm qua.

-  Tôi nhớ chú mày hồi đó có đưa một cô ở Cẩm An theo tàu giang đoàn di tản vào Cát Lở, Vũng Tàu mà?
-  Thì thằng em binh theo đường của Ông Thầy.  Cuối tháng Ba cưới vợ gấp, dắt nhau đi.  Cuối tháng Tư, tan hàng, bả lại nhớ nhà khóc quá chừng, đành dắt díu nhau về. Hội An nhỏ như lỗ mũi, lính Ngụy khó sống, thằng em đành “thoát ly” theo thanh niên xung phong lên miệt núi Thường Đức, Tiên Lãnh “lao động vinh quang” gần ba năm. Bị sốt rét nặng, được tống về. Thân tàn ma dại nhưng vui mừng gặp lại vợ con...

Thục Nhi lắng nghe chuyện đời của người lính, thương tưởng tới đứa em trai vắn số của mình.

-  Phần đời chú Đức lúc đó nghe chẳng khác chi cậu em tôi.  Đất nước chi mà ai cũng khổ quá.
-  Đã nhiều năm qua nhưng dân Ngụy tụi em vẫn luôn kính trọng cái chết của chú Niên vào một ngày sau Tết năm đó.  Tuy không rõ ẩn tình, chi tiết nhưng chắc là Niên đã hi sinh thân mình cứu em. Điều cảm động là giữa khoảnh khắc nguy kịch nhất của người thân, Niên đã bừng tỉnh khỏi cơn u mê tâm thần để bảo vệ được em gái khỏi bị ô uế. Có lẽ tình gia đình, lòng thương em đã cho Niên đủ tỉnh táo và sức mạnh lôi được tên cán bộ lợi dụng quyền thế rắp tâm hãm hại em mình ra xa khỏi nhà. Niên đã không cho phép hắn chết trong căn nhà của họ và không để liên lụy tới em. 

Đức trầm ngâm hồi lâu, anh lặng lẽ đạp xe cố giấu cơn xúc động len lấn trong lòng.

-  Không hiểu sao cái chết của Niên đã giúp em bớt bi quan về cuộc sống. Vợ chồng lam lũ làm việc, cùng nhau nuôi nấng đứa con duy nhất ăn học nên người. Tụi em mới có rể năm nay. Cũng nhiêu khê lắm!  Hai đứa nhỏ thương nhau từ thời trung học. Anh chàng theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Năm ngoái vừa có quốc tịch là bay về xin làm đám cưới. Giấy tờ thủ tục xin cho vợ nhập cảnh coi bộ không có chi trở ngại.  Tụi em không trông mong chi hơn là con cháu được sống tự do. Có tương lai hơn đời cha mẹ là phước đức lắm rồi.

Dõng bùi ngùi nhìn người lính cũ, gương mặt khắc khổ nấp dưới chiếc mũ cũ sờn thoáng hiện nét vui. Anh hỏi thăm Đức về những chiến hữu cùng giang đoàn ngày trước và nhờ Đức thu xếp để anh em gặp nhau trong vài ngày tới trước khi vợ chồng về lại Mỹ.

-  Vài ba đứa tụi em ở Hội An vẫn gặp nhau thường. Hai thằng ở Đà Nẵng thỉnh thoảng mới thấy mặt, còn lại mấy thằng trong Nam ngoài Huế thì mất bặt tin tức từ lúc “đứt phim”. Để em liên lạc, mình hẹn nhau ở Cửa Đại lai rai nói chuyện xưa một bữa cho đã đời.

Chiếc xích lô dừng lại trước dãy phố tiệm của Thục Nữ gần như cùng lúc cô gái vừa về tới đang lúi húi dựng chiếc xe gắn máy trước gian hàng treo đầy đèn lồng đủ màu sặc sỡ. Đức liếc nhìn tờ dollar Mỹ người chỉ huy cũ vừa trao cho, anh mừng rỡ cảm ơn.

-  Ông Thầy cho thằng em nhiều quá! Cuốc xe tối nay còn hơn đạp hốc hác cả mấy tháng.
-  Gần ba mươi năm mới gặp lại, so ra thì chẳng là bao. 

Vợ chồng Dõng nhìn theo người lính đạp xích lô khuất vào góc phố rồi theo em gái bước vào bên trong tiệm. Dì Chức tươi cười đứng trước nhóm nhân viên đang tề tựu bên bàn ăn chào đón chị em Nữ. Mọi người trò chuyện, ân cần thăm hỏi nhau trong bữa cơm đầm ấm gia đình. Dì Chức thú vị nghe Dõng luôn miệng hít hà khen những món ăn Quảng Nam không cầu kỳ mà ngon. Dì cười nhìn Thục Nhi.

- Mấy bà vợ Việt kiều bên đó thiệt khéo nuôi chồng. Ông nào ông nấy phương phi tốt tướng quá! Hai ông con của tui trong hình coi cũng không thua chi anh Dõng.
-  Ý Dì là khen anh Dõng rất mập mạnh phì nhiêu, phải không Dì?

Mọi người thấm ý cười sau câu bông đùa của Nữ.

-  Mẫn và Tiệp cũng ớn ăn uống kiêng cữ lắm rồi. Hai anh chàng đang chờ Dì qua bển để được ăn mì Quảng, cao lầu... Nghe vợ Mẫn nói là giấy tờ đang tiến hành tốt đẹp. Hi vọng Dì sẽ sớm nhận được giấy mời phỏng vấn của tòa Đại Sứ.
-  Dì gần đất xa trời rồi. Nhớ con, nhớ cháu qua bển thăm vài tháng thì được chớ dì không muốn ở luôn mô. Như má cháu đó!  Tới lúc chết  cũng trăng trối đem xác về lại quê cha đất tổ. Dì Chức tươi cười cầm tay Nữ... Với lại dì còn o con  gái Thục Nữ ni thì đâu thể nào bỏ đi luôn được.

Nữ ôm dì Chức làm bộ nhỏng nhẻo làm ai nấy lại cười vang. Thục Nhi cảm thấy yên tâm  nhìn em tươi tắn quanh cận giữa người thân quen. Và cả với người đã chết. Nhi nghĩ tới câu chuyện về Niên do người lính đạp xích lô kể lại rồi hiểu ra vì sao câu trả lời của em cũng tương tự như dì Chức khi nàng hỏi Nữ về chuyện bảo lãnh qua Mỹ vài năm trước. Bằng mọi cách em phải lấy lại cho được căn nhà của cha mẹ. Nhi thấu hiểu được câu nói của em gái trong  sân quán cà phê lúc ban chiều, chẳng phải là tiếng chắc lưỡi về một hoài niệm mà là một lời nguyền nàng cũng có trách phần thực hiện.

Cơm nước xong,  nhân viên lần lượt chào ra về, căn phố trở nên tỉnh lặng dưới ánh nến lung linh tỏa ra từ những chiếc đèn lồng treo.

-  Anh chị đi dạo một vòng Phố Cổ đêm rằm cho biết, sau đó cứ tản bộ tới thẳng bến đò. Dì Chức sẽ nhờ người mang hành lý xuống, anh chị khỏi phải lo. Em coi ngó sổ sách một chút xong sẽ chờ anh chị ở bến để cùng đi ra nhà.
-  Dạo này có tàu chợ chuyến đêm nữa sao? Hồi đó mỗi ngày chỉ có hai chuyến sáng, chiều thôi mà?

Dì Chức nhìn anh Dõng cười hóm hỉnh.

-  Chuyến tàu này đặc biệt do “đại gia” Thục Nữ lo. Ông bà ra tới nhà ngoài cửa biển còn có nhiều ngạc nhiên đang chờ nữa đó.
-  Sau hơn một tuần với “em bé” của mình, cháu không còn ngạc nhiên nữa dì ơi! Chỉ là thán phục tới cỡ nào mà thôi.
-  Hết cỡ !!!

Nữ đấm vào vai Dõng.

-  Chị Hai tui tung chưởng, ông anh rể ni còn đánh bồi thêm. Coi chừng tui nghe!

Lúc vợ chồng Thục Nhi ra khỏi tiệm thì trăng cũng vừa lên. Mặt trăng tròn vành vạnh vừa nhô lên khỏi phố rêu.  Không có ánh đèn đường, chỉ tuyệt một ánh vàng tan quyện lặng lờ trôi trên nếp phố chập chùng, lửng lơ đèn lồng soi. Phố hồ như tan lặng vào gạch ngói hàng trăm năm thâm trầm rêu phủ. Nhang trầm từ những bàn thiên cúng rằm thoảng bay vương vấn bước chân ẩn hoặc bóng thời gian. Người lặng nghe nhịp thở mình quyện vào hơi thở của từng dãy phố xưa, thoảng tàn tro mà thơm như hương sớm ban mai. Họ nắm tay nhau như thuở hẹn hò theo dòng người qua Chùa Cầu, Phước Kiến giữa sắc màu lung linh của đèn lồng. Dọc bờ sông Hoài hoa đăng lấp lánh dưới ánh rằm Trung Thu phố Cổ khiến lòng người cũng ngây ngất theo trăng.

Vợ chồng về tới bến Bạch Đằng chỉ thấy dì Chức và một cô bé đứng cạnh Nữ đang đứng chờ trên bến đò.  Cô bé lí nhí chào lúc Nữ vồn vã giới thiệu bé Hà đến anh chị.

-  Hà đi học về nghe nhắn vội tìm tới lúc anh chị đang đi dạo. Em có gọi, bác gái đã cho phép Hà ra Xuyên Thọ chơi.

Mừng vui xúc động trào tới, Thục Nhi không ngớt hỏi han đứa cháu côi cút của mình quên cả tiếng dì Chức mời xuống tàu. Trong một giây Dõng ngờ ngợ nhìn chiếc ca nô độc nhất đậu trên bến, nhưng khi dòng chữ “My Fair Lady” ở mũi tàu đập vào mắt thì anh sực đoán ra.

-  Đúng là tàu của “đại gia” Thục Nữ như dì đã nói. Thấy rồi mà vẫn chưa tin mắt mình. Ở bên bển cháu có chiếc xuồng đi câu chỉ đủ chỗ cho hai cha con ngồi. Chiếc này lớn gần bằng giang đỉnh của cháu ngày trước.
-  Thôi mời ông Hải quân Trung úy xuống lái tàu cho. Thử xem anh còn nhớ nghề không?  Đầu năm ngoái sau khi quyết định tìm mua một chiếc ca nô, em may mắn được người giới thiệu tới chủ nhân chiếc tàu cũ này. Không hiểu sao họ giữ được sau mấy đợt kiểm kê, đánh tư sản thời bảy mươi. Thấy giông giống chiếc tàu của anh ngày xưa, em thích ghê! Sửa sang hơn một năm mới xong, gần như làm mới lại hoàn toàn. Nữ cười... Mấy tháng nay em tha hồ muốn về nhà lúc nào cũng được, không phải sợ trễ tàu chợ.

Dòng sông loáng ánh trăng. Tiếng máy trầm đều ru con tàu trôi vào cơn mộng dài suốt đời người. Trong ánh sáng dạ quang mờ ảo của phòng lái, Dõng bồi hồi nhìn tay mình vuốt khẽ khàng lên vành gỗ thô ấm của bánh lái tàu. Bàn tay tưởng đã xa lạ với quá khứ một thời sông nước chợt rùng lên cảm giác êm ái mà mãnh liệt lay kéo Dõng trở về với tâm trạng hồi hộp lần đi “ca” đầu tiên trong đời lính biển và nỗi xúc động vỡ òa theo ý nghĩ đang trở về với dòng sông của riêng mình. 

Kỷ niệm dồn về chan hòa theo ánh trăng đêm nay lung linh bóng thời gian lẩn khuất. Tất cả tưởng đã xa xôi chợt trở về tan nhập vào từng hơi thở  phiêu bồng thống lộng căng tràn lồng ngực. Trăng xưa. Liễu ngàn. Ngọn hải đăng lãng đãng sương mù. Cánh hải âu chới với bay ngược gió. Bờ lau. Bến nước. Dòng kinh. Đêm Cửu Long văng vẳng điệu hò.  Thành phố biển nửa đêm về sáng lạc loài bước chân xúc động người về. Tháng ngày chinh chiến cũ lặng lẽ lớp trầm phiến một thời tưởng xanh rêu chợt trở mình, máy động lắng nghe niềm ray rức trong từng nhịp bi ca của nửa dòng luân sinh chưa trọn.  Hay chăng là tiếng gọi trở về của dòng sông và tiếng lòng đang cùng rung lên một nhịp.
Chiếc ca-nô chạy vào vùng sông rộng. Trăng lai láng trên mặt nước sóng gợn làm nhấp nhô mũi thuyền.  Nữ bỏ chỗ ngồi bên chị Nhi bước vào phòng lái.

-  Hạm trưởng có biết “chiến hạm” của mình đang ở mô không?

Dõng do dự nhìn quầng sáng dọc bờ tả ngạn và chòm đèn giăng mắc xa xa về phía trước.

-  Nếu bên trái không phải là cù lao Cẩm Thanh thì hạm trưởng này xin chào thua. Còn đèn xóm nhà trên cao trước mặt mình có lẽ là vùng Xuyên Phước, Xuyên Thọ.
-  Trí nhớ ông anh tui không tệ chút mô hết! Cẩm Thanh bây giờ là khu du lịch Thuận Tình. Bên kia cù lao, dọc theo bờ sông Đế Võng ra cho tới căn cứ Hải quân cũ của anh đã mọc lên nhiều khách sạn rất sang trọng.  Đồi cát Xuyên Thọ thì vẫn vậy.  Nhà mình trên đỉnh dốc nhìn xuống đầm sông.  Ban ngày tàu chợ từ Phố về chưa tới cù lao Thuận Tình đã thấp thoáng bóng nhà.

Dõng nhớ lại những đêm tuần tiễu vùng sông Ô Lâu, Trường Giang. Ngồi trên nóc giang đĩnh nhìn về phía Cẩm Thanh, toàn vùng đầm sông thăm thẳm màn đêm chỉ le lói vài ngọn đèn câu buồn hiu hắt.

-  Anh trông cho tới sáng mai để nhìn xem cảnh cũ thay đổi tới mức nào. Ngày trước, tàu đêm qua đây lúc nào cũng tối như mực.

Chiếc ca-nô vừa cập vào cầu tàu, trên bến đã lố nhố một nhóm người đứng chờ tự lúc nào.  Dì Chức cười nhìn Thục Nhi.

-  Một ngạc nhiên nữa cho cháu đó tề !

Thục Nhi lom lom nhìn rồi vụt reo lên mừng rỡ chào hỏi mọi người. Từng khuôn mặt quen thuộc qua thư từ hình ảnh giờ đây tay trong tay ấm áp. Dì Chanh. Cậu Chấn. Dì Nơi. O Đà nước mắt giọt ngắn giọt dài, ôm chầm lấy Thục Nhi.

-  Nghe cháu Nữ gọi điện thoại cho hay vợ chồng cháu về là O hẹn ngày thu xếp đi liền. Thời may đúng vào lúc khu mộ anh chị và cháu Niên vừa xây lại xong.  Mấy chục năm trước, hồi O ở giữ bé Niên mới chập chững biết đi, còn cháu thì chừng tám, chín tuổi. Hiền khô!

Con đường nhỏ trải nhựa lượn như  rắn bò ẩn hiện dưới ánh trăng chiếu xuyên qua hàng cây ôm dọc bờ dốc cát. Chiếc xe gắn máy chở hành lý cồng kềnh, cậu Chấn bóp còi inh ỏi vụt chạy qua, chẳng mấy chốc đã biến dạng sau đỉnh dốc. Nhóm bà con tay xách tay ôm, nói cười râm ran nối bước nhau. 

Dõng đứng lặng dưới trăng. Mặt đầm như phủ lụa ngà, cơ man mơ hồ từng con sóng nhỏ vờn vợi vô thường. Anh ngoái nhìn vùng ánh đèn rực rỡ bên kia cửa biển lòng bâng khuâng nỗi buồn vui khó tả. Niềm vui rộn ràng của đứa con đi xa lâu ngày vừa về tới đầu ngõ ngôi nhà xưa. Nỗi buồn canh cánh nhiều năm vẫn tơi bời nỗi nhục vinh của người lính thất trận đứng trên chiến thuyền di tản nhìn một lần cuối cùng doanh trại bốc cháy. 
Nghe tiếng dì Nơi, Dõng sực tỉnh dòng suy nghĩ hoang mang, nhập bước theo người đàn bà đang đứng chờ.

-  Họ mới xây khách sạn bốn năm sao chi đó trên chỗ đất của Hải thuyền Cọng hòa ngày trước. Chỗ cầu tàu nghe nói sắp sửa làm bến cho tàu du lịch “cao tốc” ra cù lao Chàm... O dượng có thường gặp vợ chồng Việt và cháu Huy không? Tụi nó hay gởi quà cáp về, còn hỏi ý kiến làm giấy tờ để dì qua Mỹ chơi.  Dì thì chỉ  muốn tụi nó về thăm một chuyến là mãn nguyện rồi.
-  Dạ, tụi cháu năm nào cũng gặp nhau. Cháu Huy vừa vào năm đầu đại học. Thằng bé ngoan lắm. Cháu có nghe Nương nói chuyện với Thục Nhi là sẽ thu xếp cả nhà  về thăm quê vào dịp hè. Tụi cháu đứa nào cũng bận rộn với việc làm, chuyện học hành của con cái cho nên nhiều khi muốn lắm mà khó thu xếp được ngày giờ để cả nhà cùng đi. Vợ chồng cháu chuyến này về cũng là ngoài dự liệu.
-  Rứa mà được việc đó Dượng ơi!... Như tối ni, mọi người gặp nhau. Làm răng mà có được một dịp như ri lần thứ hai nữa!? 

Cậu Chấn sắp ngay ngắn mấy chai nước lọc trên chiếc bàn đặt ở đầu hiên nhà đèn thắp sáng choang. Ông tươi cười nhìn dì Chanh và bé Hà dẫn đầu cả nhóm về tới nhà. Dì Chanh ngồi xuống ghế thở phào.

- Rứa mới biết mình già. Lỡ dại nghe lời bé Hà đi theo sát nó, mệt hết hơi. May có đường trải nhựa mà đi chớ lội cát như hồi xưa thì chắc phải nằm vạ con Nữ chờ người khiêng vô.

Nữ cùng chị Nhi và dì Chức vừa bước vào sân nhà.

-  Cháu nghe hết rồi. Lần tới dì xuống, cháu bảo đảm có xe đưa rước tới tận nhà.

Mọi người ham vui tề tựu dưới hiên nhà, tíu tít trò chuyện cả hồi lâu cho đến khi O Đà sực nhớ ra.

-  Khách Việt kiều về thăm, mà O chủ nhà nãy giờ cứ bắt đứng ngoài hiên.

Dì Nơi niềm nở kéo tay Thục Nhi.

-  O chủ nhà đi theo khách cả tuần, tạm thời coi như là khách luôn.  Vợ chồng cháu vô nhà trong, dì chỉ chỗ tắm rửa nghỉ ngơi. Còn khách Hội An, Quế Sơn thì khỏi chỉ, mấy người ni còn rành hơn dì gấp mấy lần.

Khấn vái xong Dõng cắm nhang vào bình rồi chắp tay xá dài, đứng lùi ra nhường chỗ cho Thục Nhi cúng lạy cha mẹ và em trai. Anh ngước nhìn tấm hoành phi sơn son thếp vàng treo bề thế trên trần thượng giữa gian nhà.  Bàn thờ đặt trên tủ chè làm bằng gỗ sơn chi lên nước đen bóng càng làm sắc sảo thêm nét khảm chạm của xa cừ lánh ngời ánh bạc. Ba tấm hình chân phương rọi lớn của cha mẹ và Niên đặt ngay ngắn dưới bệ thờ Quán Thế Âm Bồ Tát nghi ngút khói hương. Anh nhìn nét mặt người thân trong hình lung linh xa vời sau ánh nến rồi nghĩ tới những ánh mắt đoanh lệ buồn bã nhìn theo lúc vợ chồng từ biệt gia đình xuống tàu di tản để rồi lưu cư biền biệt gần phần tư thế kỷ. 

Tiếng cười tươi tắn giòn tan từ hiên ngoài vọng vào lúc Dõng quay nhìn ánh mắt ngời vui đầy tin yêu của Thục Nữ.  Đôi mắt duy nhất sống còn qua bao khổ nạn.  Triết lý học lóm của em là chấp-hết-và-sống-thương-đời.  Dõng nghĩ tới câu trả lời của cô gái trên đỉnh đèo Hải Vân gió lộng với lòng cảm phục.

Quãng đường hẹp lát đá nối từ sân nhà chạy phẳng phiu giữa hai hàng cây kiểng trồng tỉa công phu thành dãy rào chắn cát rất tự nhiên. Thục Nhi dừng lại bên chồng dưới chiếc cổng xây phảng phất kiến trúc cổng torii của Nhật.  Nàng có cảm giác đang đứng trên lằn ranh giữa hai thế giới, sau lưng là cõi trần tục và trước mặt mình là chốn thanh tịnh,  linh thiêng.  Quầng sáng từ hai chiếc đèn lồng nhỏ treo dưới mái cổng “điểu cư” soi rạng màu sơn đỏ còn tươi.  Tường gạch xây quanh khu mộ đắp mái ngói âm dương.  Bức tường rào chỉ cao vài gang tay, ngoài việc giúp ngăn chắn cát lùa còn khuôn vây khu lăng phần vào nét kiến trúc riêng, đơn giản mà trang trọng.  Bên ngoài, xương rồng sim dại đọng bóng đêm thành những hình thù quái dị nằm hỗn mang trên mặt cát xám trải mịt mờ sâu hút vào cánh rừng phi lao chỉ còn là vệt đen dài ở cuối tầm mắt.  Trong vườn, trăng bàng bạc khắp sân gạch rải rác tượng Chàm cổ đứng nằm bên cây kiểng. Trăng chiếu lên mái nhà mát nhỏ nhắn ở góc vườn. Trăng len lỏi qua tàng cây soi bóng xuống bể cạn lờ mờ ngọn giả sơn. Trụ đá chạm rồng đội đèn khiêm cung đứng giữa vườn hứng trăng. Thục Nhi nhìn ngọn đèn đá dựng, ánh nến hắt qua những mắt cửa lắt lay huyền bí khiến nàng liên tưởng đến ngọn hải đăng canh giữ  ba ngôi mộ đắp sa thạch nằm bên nhau như cụm cù lao quây quần giữa đại dương lặng lờ màu trăng hoang đường. 
Thục Nhi quay người quàng vai bé Hà lúc con bé níu chéo áo nàng.

-  Cô bé này coi vậy mà nhát gan quá hè!?
-  Không phải mô chị. Tự nhiên em nhớ tới hồi còn nhỏ xíu. Ngày đó đang giữa đám ma của bố rất đông người, chị Nữ bồng em bỏ đi, rồi đạp xe chèo đò dắt em ra đây thắp nhang mộ anh Niên giữa trưa nắng.  Em chẳng biết chi, thấy chị Nữ khóc em sợ quá cũng khóc theo...  Hồi đó mộ còn xây trên cát. Cả những năm sau này, những lần theo chị Nữ và bà con ra thăm mộ, đi không để ý là bị xương rồng đâm xước vô da liền, nhức lắm.

Thục Nhi nghĩ tới những tấm hình cũ qua năm tháng sắp đầy trong album gia đình. Hình ảnh em gái đứng đơn độc bên mộ phần cha mẹ và em trai hoang dã màu hoa sim tím trên cát trắng đã khiến nàng bao lần sa nước mắt.  Thế nhưng bây giờ đứng trước vườn trăng thấp thoáng người thân nói cười trong nhà mát sửa soạn cúng mộ, lòng Thục Nhi rưng rưng nỗi vui được ôm ấp bảo bọc. Nàng đứng nán lại dưới chiếc cổng torii nhìn bé Hà bước theo anh Dõng về phía nhà mát. Thục Nhi nhắm mắt trấn tĩnh lòng hồi hộp, tưởng như mình vừa mở cánh cửa nhà xưa lung linh vòm bông giấy, trang trọng từng bước trở về với mẹ cha. Thục Nhi ngồi im lặng dưới chân mộ. Nàng mường tượng vòng tay mẹ ấm áp vỗ về, ánh mắt nghiêm trang mà hiền từ của cha. Tiếng đàn tây ban cầm vụng về của đứa em trai vọng từ mái hiên nhà.  Hạnh phúc ấm êm trong phút giây trào tới ôm choàng lấy nàng làm lệ tuôn rơi, và cũng chính giọt nước mắt mặt môi đã khiến nàng sực tỉnh giấc mơ mòng.  Thục Nhi bước tới tường rào phía đầu mộ trổi cao thành bức bình phong xây bằng sa thạch, mái choàng ra chở che ba tấm bia mộ đứng im lìm.  Hình cha mẹ và em in trên đĩa men Thục Nhi gởi về năm trước khảm lên bia đá sáng lấp loáng dưới trăng.  Nàng ôm choàng tấm bia mộ mẹ, ấp ủ đá nghìn năm ấm áp vỗ về.

-  Bia mộ O chùi sạch sáng ni rồi, cháu Nhi khỏi phải lấy nước mắt mà rửa nữa!

Câu nói đùa của O Đà làm tiếng cười lại vang lên. Mỗi người một tay bày biện bánh trái dưới chân mộ sửa soạn cúng vái. Giữa đêm trăng trời đất giao hòa,  mùi trầm hương lắng đọng vào không khí trang nghiêm làm bước chân người cũng chợt rón rén. Hình như ai nấy đều sợ cho dù một chút tơ động cũng khiến vùng biên ngưỡng mong manh giữa hai thế giới, nơi người sống kẻ chết cảm nhận được nhau sẽ tan biến đi.

Cúng mộ xong mọi người trở về nhà mát đứng quây quần bên bàn trà bánh Trung Thu trò chuyện, lắng nghe cậu Chấn hào hứng kể chuyện xây lăng mộ. 

-  Răng? Vợ chồng O Nhi mi đã hết ngạc nhiên chưa?

Thục Nhi lắc đầu nhìn dì Chức  .

- Dạ chưa. Vườn đẹp quá. Hồi nãy cháu đứng sững sờ trước cái cổng Nhật cả hồi lâu vẫn còn chưa tin nơi mắt mình.  Năm ngoái có nghe Nữ nói tính sửa sang lại phần mộ, nhưng rồi không nghe tin chi thêm, cứ tưởng bên nhà đã bỏ ý định.

Cậu Chấn đặt tách trà xuống bàn, cười ha hả.

-  Chờ tới ngày hai vợ chồng lên máy bay rồi hãy trả lời cho chắc. Mấy tháng ni hễ lần nào đương giữa ngày mà tao thấy con Nữ bỏ việc ở Phố xăm xăm về nhà là y như rằng có chuyện ngạc nhiên.  Cậu đắc ý nhìn Nữ rồi chỉ ra vườn... Mà toàn là ngạc nhiên tốt. Con ni hắn “liệu việc như thần”.

O Đà gật đầu cười, đồng ý.

- Vậy là anh “biết ý” cháu mình rồi đó. Hai con nghê đồ gốm của Thành Lễ, Bình Dương tui công kỷ đem lên máy bay còn trong thùng gỗ chưa lấy ra. Ngày mai anh tha hồ mà ngạc nhiên.

Nữ nhìn cậu, đỡ lời.

-  Dạ, mấy tuần trước cậu có ý đặt hai con lân ở chân tường chỗ bình phong.  Cháu không thích lân kiểu Tàu,  Xuyến gợi ý hay là tìm nghê đúc theo kiến trúc Việt Nam.  Sẵn dịp O Đà ra thăm chị Thục Nhi nên cháu nhờ mua.
-  Xây vườn mộ đẹp thế này chắc tốn kém lắm, răng không nghe dì Nữ nhắn nhe chi để anh chị phụ vô với.
- Em tính để anh chị về lại bên Mỹ nhận hóa đơn ngạc nhiên luôn thể.
-  O Dượng đừng lo! “Đại gia” Thục Nữ đốt hết bà con mình cũng còn tiền mà.  Dì Nơi nhìn O Đà làm bộ ra vẽ đắn đo Còn nếu cháu Nữ muốn tìm người hùn đốt thêm đợt nữa thì hỏi O Đà.

Vợ chồng Dõng vui vẻ nhìn mọi người cười vang sau câu bông đùa nhưng vẫn không khỏi tò mò nhìn O Đà.

-  Thì mồ hôi nước mắt mình đổ ra hàng chục năm giờ lấy lại. Một phần nhờ vào cái liều lĩnh của cháu Lai, một phần tới lúc ông trời ngó lại... như chuyện ông gì đó mất ngựa.
-  Tái Ông thất mã. Cậu Chấn đặt ly trà xuống bàn, pha trò... Nhưng O mất một con mà được tới cả chục con chạy về. Lời quá!
-  Ở đó mà lời với lỗ. Chồng thì bị du kích ám sát, nhà cửa ở Sài Gòn bị lấy, mẹ con bị đuổi ngược lên rừng sống cực như trâu ngựa hằng chục năm trời. Có cái chi mà  bù đắp được đây anh... Chắc cháu Nữ còn nhớ cảnh mẹ con O sống nghèo khổ như thế nào lần cháu ghé thăm hai em trên khu kinh tế mới gần Bình Dương chín mười năm trước.  

O Đà quấn lại chiếc khăn rằn, bâng khuâng hồi tưởng lại chuyện “ông già mất ngựa”.
Hồi đó nhà nước hò hét rân trời chính sách “đổi mới” rứa mà cả mấy năm sau hợp tác xã ở địa phương mới chịu trả đất lại cho xã viên. Mẹ con O Đà ngày trước siêng năng phá rừng dọn rẫy, nhất là sau khi có thêm cháu Lai đi bộ đội bên Miên sống sót trở về nên đất cát được chia về cũng khá, tròm trèm ba mẫu. Cả nhà gắng sức trồng tỉa, thu hoạnh. Chưa kịp vui với vụ mùa thứ hai thì cán bộ đội nón cối về hô hào, học tập việc đất đai sắp “được qui hoạch” để làm hãng xưởng công nghệ.  Mỗi gia đình trong vùng qui hoạch được chỉ định mảnh đất mới đủ để làm nhà và một số tiền gọi là của nhà nước “mua” lại đất nên đa số những người nông dân bất đắc dĩ đã đồng ý.  Mẹ con O Đà đang phân vân thì tình cờ cháu Lai gặp lại người bạn bộ đội đồng ngũ ngày trước hiện đang làm tài xế cho một công ty ngoại quốc.  Anh ta cho hay nhiều công ty đang điều đình với chính quyền địa phương để mua đất xây cất nhà máy với giá cao hơn số tiền cán bộ đang trả cho dân hàng mấy chục lần.  Trên bản đồ qui hoạch, vị trí vùng rẫy của mẹ con O Đà nằm ngay nơi công ty dự trù xây dựng nhà máy chính. Vừa mừng vừa tức vì suýt bị bọn cán bộ nhà đất toa rập nhau ăn giựt mồ hôi nước mắt của mình, cháu Lai bàn với mẹ cùng vài gia đình hàng xóm dứt khoát không chịu đi. Sau một thời gian vừa bị dọa dẫm vừa được ve vãn với số tiền lớn hơn, những người bạn láng giềng đã để gia đình O Đà ở lại một mình đương đầu với đám cán bộ nhà đất. Tuy đã đồng ý với con, nhất quyết “cùi không sợ lở” nhưng ba mẹ con O Đà vẫn phải sống qua những ngày phập phồng lo lắng. Thỉnh thoảng cháu Lai và O Đà lại bị công an gọi lên “làm việc”, bỏ đói cả ngày. Cuối cùng rồi ông Trời đã ngó lại. Ban đại diện công ty mất kiên nhẫn vì chờ đợi quá lâu đã đích thân xuống tận nơi để tìm hiểu. Anh bạn tài xế của cháu Lai giúp tạo điều kiện cho những người thay mặt công ty gặp ba mẹ con O Đà trên mảnh đất đã thấm đượm biết bao mồ hôi nước mắt của họ qua bao mùa dầm mưa dãi nắng. 
O Đà hớp miếng trà nóng thấm giọng sau khi nhâm nhi miếng bánh đậu xanh.

-  Cũng là đậu xanh với nếp đường mà răng bánh đậu xanh Hội An ăn vô cứ nhớ hoài...  Cho tới chừ  cháu Lụa vẫn còn nói giỡn với anh đã thắng được đám cán bộ nhà đất là nhờ cái biểu ngữ bằng tiếng Anh con nhỏ cắm ở đầu miếng đất ngày ban nhà đất địa phương phải cùng đại diện công ty tới điều đình với ba mẹ con.  Cháu Lai mang về số tiền xứng đáng với công sức, mồ hôi nước mắt của hai anh em đổ ra cả chục năm trời, nhưng chẳng thể nào bù đắp được tháng ngày hoa niên của tuổi thanh xuân trôi qua trong tội nghiệp, khô cằn.  Cũng may đứa nào rồi cũng nhà cửa cơ ngơi, gia đình con cái. Tui chừ ở nhà giữ cháu, mỗi năm một lần ra thăm quê Quảng là tui vui rồi.

Cậu Chấn bóc chiếc bánh đậu xanh nhân thịt đưa cho bé Hà.

-  Ăn đi cháu! Bánh dì Chanh làm trên Quế Sơn đem xuống đó. Ngon lắm...
-  Tui mừng cho O Đà. Còn “Tái Ông” của tui mất ngựa mà tìm hoài không ra, “mất dạy” từ sau bảy lăm cho tới giờ vẫn “giữ mãi sự nghiệp” mất dạy. Thời may, mấy năm ni làm “giám đốc” cửa hàng đồ cổ Lâm Ấp của cháu Nữ nên cũng coi như có ngựa trở lại.
-  “Dám xúi” thì có!?... Dì Chanh nhìn anh trêu chọc. Tui thấy mấy ông cứ lòng vòng hết Trà Kiệu, Mỹ Sơn lại về Đại Lộc, Quế Sơn. Rùng tới nhà ai , thấy cục đá mô cũ cũ cũng dòm ra đồ cổ Chàm. Mấy cậu thanh niên theo anh còn mặc đồ kaki, đội nón rộng vành, mang ba lô rồi nói là giống cái ông gì trong mấy phim Mỹ... Dì cười lúc anh Dõng đỡ lời... Dạ, phim mạo hiểm của Indiana Jones về khảo cổ ở Ai Cập, Nam Mỹ, Ấn độ. Cháu Bờm ở bên nhà mê lắm!

Nữ phì cười nhìn nét mặt bị “quê” của cậu Chấn.

-  Cháu còn biết họ đi coi múa Chàm Apsara tuốt trong thánh địa Mỹ Sơn nữa tề. Nhưng mà cứ đem “lợi nhuận” về cho cửa hàng là cháu xí xóa hết.

Mọi người say sưa trò chuyện quên cả trăng đã chót vót trên trời khuya cho tới khi dì Chức ngáp dài ngái ngủ.  Chuỗi cười nối bước chân nhóm bà con theo lối nhỏ về nhà. Nữ ngoái nhìn bé Hà còn đứng một mình trước mộ. Nàng gọi chị Nhi cùng quay lại đứng bên cháu.  Tiếng bé Hà nghẹn trong trong âm thanh cố giữ để khỏi trào ra tiếng khóc.

-  Bà con mình ai cũng vui ghê!

Thục Nhi vuốt tóc cháu.

-  Coi bộ có người không vui. Chuyện chi rứa?
-  Bà con ai cũng thân thiện làm em nghĩ tới Mẹ không hiểu vì sao lúc nào cũng gắt gỏng với em.

Nữ vỗ về lên vai bé Hà.

-  Chắc tại em làm biếng học Mẹ la là phải rồi.
-  Phải chi mà em được Mẹ mắng vì biếng học. Bà chỉ luôn gắt gỏng về chuyện tiền nong.  Nhất là sau khi Mẹ mất chức trưởng cửa hàng vào tay người khác, phải về hưu sớm. Bà vẫn chê “con chết tiệt giành chức chủ nhiệm của bà” nào đó học tại chức một năm nhảy hai ba lớp để tốt nghiệp cấp ba mà quên đi trình độ chưa xong cấp hai của mình.  Em có nghe nói người mới này là vợ ông cán bộ trưởng phòng thương nghiệp ở ngoài Bắc đổi vào.

Bé Hà bổng quay lại nhìn chị em Nhi Nữ tần ngần hỏi.

-  Có phải bố mẹ em ngày trước từ ngoài Bắc vào đã giật nhà của gia đình chị và đẩy chú thím ra ngoài cửa biển này?

Nữ gật đầu ôm bé Hà vào lòng. 

-  Chuyện đã qua lâu lắm rồi em.  Thế hệ cha chú chém giết, lật lọng nhau thời chiến tranh. Người thắng thì làm anh hùng, quơ quào chiến lợi phẩm. Bên thua làm giặc thì mất hết tự do, gia đình, nhà cửa quê hương, dắt díu long đong.  Điều em cần nhớ là thế hệ con cháu của em không nợ nần chi với chuyện buồn này. Trong tương lai cho dù bất cứ bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, căn nhà em đang sống vẫn mãi là nhà của em. Mãi mãi là căn nhà của chị em mình sống tử tế với nhau. 

Nữ phân vân những điều vừa nói có phải là lời khuyên lơn cho cháu hay tự nhủ cho mình nhưng cảm giác tuôn trào của từng tiếng thở dài đã giúp nàng nguôi ngoai nhẹ lòng.

Hai chị em ôm chặt đứa cháu gái mồ côi dưới trăng khuya. Bóng họ nhập vào nhau  đổ dài lên mộ chí như nỗi im lặng thật gần níu chặt vào hơi thở nghẹn ngào.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012