SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Có Những Mùa Xuân

Lê Ngọc Trùng Dương

Bây giờ là mùa đông, tôi ở phương này trời viễn xứ.  Mùa Giáng Sinh lại trở về với hoa đèn giăng mắc như vạn vì sao lấp lánh trên mấy hàng cây, đường  phố.  Xuyên qua khung cửa sổ,  tuyết trắng trải dài trên mặt đất, mấy tia nắng long lanh phản chiếu long lanh trên những mãng tuyết trắng bám trên những cành cây trơ trụi.  Trên trời cao, vài cụm mây trắng đang vật vờ, lơ lửng bay về phương đông.  Tôi chợt nhớ,  chỉ còn một tháng nửa là đến tết.  Giờ nầy, người quê tôi chắc hẳn đang chuẩn bị đón xuân về.  Trong những ngày thanh bình, tết quê tôi vui và đẹp như huyền thoại.

Nơi đây có phải trời đang xuân,
Lấp lánh rừng thông tuyết trắng ngần
Nhặt xác hồng vương trên cỏ úa
Ngậm ngùi thương tiếc một thời xuân.  (1)

Dù phiêu bạt ở phương người xứ lạ,  nhưng nhiều người Việt tha hương  không bao giờ quên được tết với những hình ảnh thân quen:  Nhánh mai vàng, cành đào tươi, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, và pháo nổ rộn ràng trong đêm đón giao thừa    

Thầm nhớ về những mùa xuân xưa.  Những ngày chưa có chiến tranh, quê hương còn thanh bình,  mỗi độ xuân về, mùa gặt hái đã xong.  Trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ;  trời xuân thắm tươi, trên cao bầy én tung bay.  Vườn nhà ai, hoa mai vàng thắm nở,  hoa xuân  tỏa hương ngào ngạt,  nắng xuân về cho đẹp má em thơ, hồng môi thiếu nữ.  Gió  xuân về mơn man cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa trái đầy cành, ngát hương thơm ngào ngạt, quyến rũ những cánh bướm muôn màu  vờn lượn, đùa giỡn với ngàn hoa.

Hai hàng cây nghiêng mình khoe áo mới,
Trong  nắng lung linh rộn rã tiếng cười,
Đàn chim sẻ xuyên cành mời gọi
Nhựa sống mùa xuân mang đến cho người.  ( 2)

Hằng năm, cứ vào ngày hăm ba tháng Chạp, người ta đi tảo mộ, quét dọn mồ mả, và đưa ông Táo về trời,  tường trình cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế, những  chuyện trần thế đã xảy ra trong năm.  Những ngày cuối năm, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng  lên bản thượng,  nhà nhà rộn rịp, chuẩn bị đón xuân.  Người ta hân hoan, rộn ràng mua sắm.  Vui xuân, đón tết để quên đi những nhọc nhằn vất vả trong năm... Ai ai cũng  nóng lòng mong đợi ba ngày tết.  Đêm ba mươi thật  đầm ấm.  Ngồi quanh bếp lửa hồng,  canh chừng nồi bánh tét,  anh chị em, bạn bè kể cho nhau nghe chuyện củ, tích xưa.  Thích nhất là được nghe tiếng than hồng tí tách hòa lẫn cùng tiếng pháo giao thừa.  Ngày mồng một, trẻ con vui sướng mừng tuổi ông bà và hân hoan được tiền lì xì.  Bàn thờ gia tiên chưng dọn bộ lư đồng sáng choang.  Hương đăng trà quả,  ngạt ngào hương khói.  Rồi người ta thăm viếng, chúc tết thân bằng quyến thuộc.  Hội hè nhộn nhịp vui chơi thỏa thích,

Tháng Giêng là tháng ăn chơi. (3)
...Nhớ Lục tỉnh người dân vui nhộn,
Nơi Sài thành bận rộn chợ hoa,
Bô Na Đồng Khánh la cà,
Chen nhìn cúc quất, rộ ra đủ màu. (4)

Rồi cũng có một mùa xuân còn vọng lại bao kinh hoàng, hãi hùng  trong trí nhớ.  Xuân Mậu Thân năm 1968., lợi dụng ngày tết thiêng liêng trọng đại của dân tộc,  giặc đã tràn qua bên bờ sông vĩ tuyến, tổng tấn công từ thành thị đến thôn quê, gieo bao đau thương, kinh hoàng, tang tóc cho đồng bào.

Tôi đứng trên lầu cao tháng giêng,
Giặc về, bom đạn réo hai miền (5)

Từ đó, ''Loạn ly về khắp cả sơn  hà ''  (6).  Thành phố tan hoang, nhà cửa ruộng đồng tiêu điều, xơ xác.  ‘’Và bom đạn, và thân người ngập máu.  Và em thơ dòng lệ nóng rạt rào.''(7) Máu và nước mắt quê hương tuôn đổ triền miên.

Quê hương tôi chịu chinh chiến bao năm
Dân làng tôi khóc thầm đêm tăm tối,
Ai xót thương người dân nghèo vô tội
Sống nhọc nhằn, đói rét của dân tôi. (8)              

Trước sự tồn vong của quốc gia dân tộc, thế hệ  chúng tôi đã hiên ngang đúng  lên nhận lãnh trách nhiệm của người thanh niên thời tao loạn.  Lên đường nhập ngũ.  Tuổi trẻ chúng tôi thực sự không có mùa xuân :

Chiều ba mươi tết ở Tiên Sa
Rượu uống mềm môi vẫn nhớ nhà!
Mồng một lái tàu ra cửa Thuận,
Thả neo ngoài biển đợi nàng xuân. (9)         

Chỉ tội nghiệp cho những người vợ  (tình) trẻ có người thân yêu dấu dấn thân vào vùng lửa đạn, hay lênh đênh trên sóng nước muôn trùng:

Xuân tình lai láng ước mơ,
Phòng không gối chiếc ơ hờ lắm khi,
Thanh xuân lỡ độ xuân thì,
Tình xuân vẫn mãi, có gì ngóng trông  (10 )

Biết bao bà mẹ, tiễn con lên đường chinh chiến,  vẫn mỏi mắt trông chờ đứa con qua mấy độ xuân về:

Những ngày nắng chưa lên đầy thành phố
Có mẹ già vẫn ngồi đợi tin con
Bao năm qua tóc bạc chẳng mỏi mòn
Chuyến đi đó người con hứa trở lại. (11)

Số phận của người đi chinh chiến thật xót xa,  nhiều người đã trở về với thân hình tàn phế, với hòm gỗ cài hoa hay biệt tích vĩnh viễn không trở lại:

Những ngày nắng chưa lên đầy thành phố,
Có người chị ra bán chợ hàng bông,
Nuôi đàn em -thế cha xưa chết trận,
Mẹ khóc mù đành lỡ phận chồng con. (12)

Rồi biến cố đổi đời 30 tháng năm 1975.,  đưa cả nước vào bóng tối mịt mùng sâu thẳm.  Từ đó đến nay, người Việt Nam chúng tôi chưa hề có được một mùa xuân đúng nghĩa.  Trại tù, trại học tập, khu kinh tế mới được dựng lên nhiều nơi trên quê hương Việt Nam thống khổ.  Hàng triệu người bất chấp mọi hiểm nguy, gạt nước mắt bỏ nước ra đi tìm tự do;  biết bao người đã bị cướp bóc, hãm hiếp, hay chết tức tưởi oan khiên dưới tay bọn hải tặc tham tàn.
Người ở lại phương trời lận đận, sống kiếp lầm than, tù đày, khốn khổ.
Người may mắn đến được bến bờ tự do, với phố mới người vui,  nhưng lòng vẫn luôn hoài vọng về những mùa thanh xuân cũ.

Bao giờ nước lại về nguồn,
Bao giờ vơi được nỗi buồn xót xa.  (13)

Ở phương này trong kiếp đời lưu lạc, ngày tháng qua đi thật nhanh.  Cuộc sống vô cùng vội vã đã làm tôi như quên hẳn ngày xuân.  Nhìn tuyết trắng với cái lạnh tê dại của miền đông bắc, tôi chỉ biết thở dài, để hồn xuôi về dĩ vãng nhớ vô cùng về mùa xuân thanh bình xa xưa ở quê nhà.
Mừng tết nơi quê người,  chắc có lẽ chúng tôi sẽ hợp mặt với vài thân hữu để cùng nhau chia xẻ buồn vui:

Bọn chúng mình xưa hải hồ ôm mộng,
Thoắt giờ đây, tóc đã điểm hoa râm
Giờ gặp lại, hơn nửa đời luân lạc
Mắt nhìn nhau, mừng không nói nên câu.  (14)

Ước vọng  một mùa xuân vinh quang  sẽ về cùng giống nòi dân tộc .
Con đường đầy nắng ấm, có mai vàng, pháo đỏ, và chim én tung bay trên trời xanh mang mùa xuân hạnh phúc đến mọi nhà Việt Nam.  

Lê Ngọc Trùng Dương


GHI CHÚ:
1,9,13  Thơ Bùi Thạch Trường Sơn.
2/ Thơ  Nguyễn Xuân Vời.
3/  Đồng dao  Khuyết danh.
4/  Thơ Ngọc Bình.
5/ Thơ  Trần Thanh Sơn.
6/ Thơ  Không nhớ tên ( Nguyệt San Phụng Sự ).
7/  Thơ Hoài Tuyết Trang.
8/  Thơ Hiệu Ngôn.
10/ Thơ Nguyễn Phú An.
11&12  Thơ Nguyễn Thi Ân.
14/ Thơ Hoàng Mộng Lương.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012