SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Đăng Cai Tết

Nguyễn Thế Hoàng    

Gia đình tôi vui ba ngày Tết cũng có cái hơi khác thường hơn thiên hạ. Con cái luân phiên đăng cai tổ chức Tết. Cái quyết định đó đã được thông qua và đã khởi sự đi vào nề nếp. Trai, gái, dâu, rễ đồng thanh tương ứng rồi buộc vợ chồng tôi phải theo. Làm cha làm mẹ ở cái đất tự do này con cái bảo sao nghe vậy, đánh mất truyền thống cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó. Bà nhà tôi thì cũng thích thôi...vì đỡ bớt lo, còn giảm thiểu việc mở hầu bao của bà. 

Chuyện thì cũng đúng thôi, chẳng là từ cái ngày đầu đặt chân lên xứ Mỹ văn minh này hai vợ chồng mỗi người làm hai jobs mới đủ sức nuôi bốn đứa con ăn học. Đã vậy vợ chồng còn phải nhín chút thì giờ học thêm tiếng Anh cũng chỉ vì cái accent được tiếp nhận từ trong nước không mấy thích nghi khi tiếp xúc với người bản xứ. Trong những năm đó việc Tết nhất của gia đình tôi cũng tạm gọi là đầy đủ để vui vẻ với mọi người khi xa quê hương lánh nạn cộng sản. Nói thật, chứ cũng bấn củ kiệu, quay mòng mòng để nuôi các cô các cậu đoạt bằng này bằng nọ, rồi cái nhà, cái xe, điện nước, ăn uống, chi tiêu...mọi thứ khiến cũng ngất ngư con tàu.

Nhờ trời thương rồi đâu cũng vào đó không đến nỗi tệ. Con cái khôn lớn nên người, lo vợ lo chồng tạo dựng nhà cửa, nghề nghiệp ổn định. Chúng ngày mỗi lớn đủ lông đủ cánh tung bay khắp bốn phương trời, còn mình già càng lúc càng cô đơn trong xế bóng hoàng hôn.

Cô con gái đầu lòng của vợ chồng tôi là Dạ Thảo một hơi theo chồng về Boston, Massachusetts mở beauty shop ăn nên làm ra. Chồng là Viễn Thái làm manager cho một công ty. Vợ chồng tôi mừng một bước. Kế tiếp là cậu trai trưởng Miên Duy tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, không chịu ở Florida cưới vợ, cố năn nỉ mấy cũng không chịu nghe, bay một vèo lên mãi Philadelphia, Pennsylvania cưới Anh Thy, con nhỏ đẹp dễ thương ra phết đang làm kế toán ngân hàng. Còn cậu trai kế là Nhật Tân cũng kỹ sư điện toán bỏ cha bỏ mẹ dọt qua Houston, Texas cưới Diệp Nhan, con gái của một ông H.O. cũng là bạn quen của tôi đang có mấy tiệm nails. Cuối cùng là cô nàng út cưng nhất nhà Dạ Hương theo chồng là Hữu Nhân về Westminster, California cả hai cô cậu làm chung một ngân hàng. Thật cũng khổ cho mấy đám cưới người Đông kẻ Tây gần muốn sạt nghiệp, ngất ngư một thời. Cho đến lúc cả hai vợ chồng thở phào nhìn nhau đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu trong nụ cười hoàn thành trách nhiệm. Đấy!... chỉ mới bốn đứa thôi đó, rủi ro mà bà nhà tôi cứ cho ra thêm chừng vài mụn nữa thì không biết phải tính sao đây ?! Con cái xứ này là như vậy đó, đủ lông đủ cánh thì tìm đường bay,  không bay dọc thì cũng bay ngang để tự do sống theo ý muốn. Cuối cùng thì chỉ còn hai vợ chồng già coi như không con cái chẳng khác nào vừa mới cưới nhau lúc son trẻ, hẩm hiu sớm tối trong ngôi nhà hai tầng với 7 phòng ngủ rộng thênh thang, đứng đầu trước hú, đầu sau không nghe mà cả hai vợ chồng cùng vui vẻ đi làm vài năm nữa để mới trả dứt điểm vay ngân hàng.

Ông Trời cũng thương xót hai vợ chồng già của tôi cho dù con cái có ở riêng xa lơ xa lắc nhưng không quên cha mẹ. Ở xa vậy đó nhưng chúng thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ. Nhà tôi thì mừng lắm, thỉnh thoảng bà cầm trong tay những cái checks khá nặng ba bốn con số của các con gởi. Bà đem đến ngân hàng deposit tích cốc phòng cơ những lúc họa vô đơn chí. Nhà tôi thì lo xa ghê lắm vì hằng năm những lần Tết đến nhà tôi buộc con cháu phải về trước thăm cha mẹ, nhà cửa, sau sum họp ăn Tết với gia đình. Trước cả tháng trời mới đến Tết nhà tôi đã phải tất bật không kịp thở chuẩn bị mọi thứ cho cái Tết gia đình. Món nào nhà tôi cũng làm một số lượng lớn không những ăn tại chỗ mà còn để cho chúng "to go" sau Tết. Kết thúc một cái Tết với số con cháu đông, nên sau Tết vợ chồng tôi mệt thở phải nghỉ ngơi nhiều ngày mới lấy lại sức, còn tiêu pha một số tiền không nhỏ.

Dường như lũ con nhà tôi nhìn thấy được điều đó, nên vào dịp Tết vừa rồi trước khi chúng chia tay vợ chồng tôi để trở về nhà mỗi đứa,  chúng đã có cuộc  "họp mặt bỏ túi" đưa việc ra bàn thảo.
Đứa con gái đầu đàn Dạ Thảo nêu lý do:     

- Hôm nay cha mẹ già rồi, cần nghỉ ngơi nhiều để có thêm tuổi thọ sống hạnh phúc bên cạnh con cháu. Hơn nữa tiền bạc hạn chế, già yếu làm đâu được bao nhiêu, lại cáng đáng lo toan trong mấy ngày tết để con cháu tụ họp về vui Tết như mấy năm vừa rồi, chị cảm thấy áy náy lắm lắm đó các em. Mỗi người sống mỗi nơi cũng có thể tự lo Tết của mình, nhưng ý cha mẹ là nên sum họp tại nhà trong dịp Tết. Hôm nay, chị có ý kiến, ai cũng ăn nên làm ra, chúng ta nên luân phiên đứng ra đăng cai tổ chức Tết hằng năm tại nhà cha mẹ mình để chúng ta cùng qui tụ về ăn Tết chung. Sao? Các em nghĩ thế nào? Nên làm đãy chứ các em?

Bà nhà tôi nghe con gái đầu lòng vừa nói xong, dường như bà không mấy ưng ý cho tấm lòng cha mẹ luôn vì con, cho con, bởi con, nên bà muốn nói điều gì đó. Tôi bèn chặn lại ngay, bảo hãy để cho các con tự do nói hết ý nghĩ của chúng nó xem sao?      Nghe bà chị cả nói trúng ý, Miên Duy thằng con trai trưởng của tôi thao diễn bổ sung:        

- Suy nghĩ của chị Dạ Thảo em nhận thấy thật là hay. Mỗi người tự đứng ra đăng cai Tết cho gia đình, có nghĩa là đứng ra lo toàn bộ công việc và chịu tất cả mọi chi tiêu. Mỗi người tức là mỗi gia đình luân phiên đăng cai một năm một lần. Hãy để cha mẹ yên tâm nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già và cố vấn công việc cho con cái mà thôi.
Những lời của Dạ Thảo và Miên Duy nói tôi nhìn thấy đứa nào cũng tỏ ra vui vẻ đón nhận. Tôi quay nhìn bà nhà tôi, bà cũng lộ vẻ vui vui, nhưng dường như nổi vui của bà cũng chưa vững vàng cho lắm cũng vì lòng thương con thương cháu không nỡ để chúng khổ cực.

Hữu Nhân thằng rễ út của tôi trịnh trọng nói, giọng trọ trẹ đặc sệt :      

- Em đồng ý! đồng ý trăm phần trăm! Mỗi năm mỗi gia đình lấy vacation về đây trước nửa tháng lo công việc. Còn chi tiêu thì chừng vài chục ngàn thôi cho một cái Tết kể cả tiền lì xì. Người đăng cai coi như chủ xị, những người khác là khách tham dự. Okay!

Cuộc bàn thảo càng lúc càng hấp dẫn. Tôi thấy chưa cần có ý kiến gì, lòng bảo lòng hãy để con cái chúng nó xử trí với nhau xem sao? Còn nhà tôi thì lúc này ngồi im, hình như bà cảm thấy thấm ý. Có tiếng xì xào to nhỏ của mấy nàng dâu và con gái ở một góc nhà.

Thằng trai kế Nhật Tân tính nóng như Trương Phi khi nghe bàn qua tán lại lăng nhăng, nó ứng khẩu một cái rụp ra đây có điều muốn độc quyền giành hết việc:

- Thôi, không bàn tính gì cả. Tổ chức Tết để mình em lo trọn gói mỗi năm. Các anh các chị cứ Tết đến là bay về đây vui vẻ như ý của cha mẹ. Gì chứ, em đủ sức lo mà. Đừng có lo!

Nàng dâu trưởng Anh Thy phản đối:   

- Ai mà không biết vợ chồng chú dồi dào lắm mà. Chỉ cần mấy tiệm nails của Mặc Nhan là dư sức bao giàn chưa kể tới công việc kỹ sư của chú. Mà chị nói Nhật Tân nghe nè, chuyện là chuyện chung, ai ai cũng có phần trách nhiệm, em đâu được độc quyền cơ.    

Mặc Nhan phụ họa với chồng:  

- Hãy để vợ chồng em lo. Gần Tết là em đóng cửa các tiệm nails, từ Houston em  bay về đây lo Tết bên cạnh mẹ. Các anh chị an tâm, cứ việc thong dong mà về vui Tết.  

Ông con rễ đầu đàn Viễn Thái chuyên nghiệp manager, có tài quản lý công việc và nhân sự phát biểu ý kiến như đinh đóng cột, hễ nó nói là ai cũng nghe:   

- Chuyện bà xã của anh nói là hợp tình hợp lý, mỗi người có trách nhiệm báo hiếu và tạo tình thương gắn bó anh chị em trong nhà trong tình thương yêu của cha mẹ. Chuyện này để anh chị lo trọn mỗi năm, vì anh chị là con lớn nhất trong nhà kia mà.

Dạ Hương đứa con gái út của vợ chồng tôi cưng nhất nhà, ngồi nghe anh chị nói tới nói lui, líu lo giành nhau tổ chức Tết, nó thấy khó chịu, nói tỉnh bơ :

- Không ai tranh giành nhau chi cho mệt. Hằng năm em đề nghị bốc thăm, ai trúng người ấy lo công việc. Đó là giải pháp hay nhất.   

Dạ Thảo chen vào:     

- Chị nghĩ, ai lớn tuổi lo trước, rồi luân phiên người kế tiếp.       

Nàng dâu trưởng Anh Thy nói: 

- Để cha mẹ chỉ định hằng năm là hay nhất.   Tôi thấy "cuộc hội thảo bỏ túi" có phần gây cấn, dự định có ý kiến dàn xếp, nhưng bà nhà tôi lúc này như đắc ý can tôi là đừng có nóng. Thôi thì vợ nói chồng phải nghe là thượng sách.

Chàng Viễn Thái, manager tiếp tục ca:

- Mấy ý kiến của các em nghe cũng được, nhưng anh thấy chọn cách của anh là hay nhất. Này nhé ! Ai thuộc tuổi con gì, năm đó có trách nhiệm lo. Ví dụ như em Dạ Hương tuổi Tuất  mà gặp năm Tuất là Dạ Hương có phận sự lo. Mà hễ Chó berger là đi với Ngựa vằn và Chúa sơn lâm, vậy thì năm Ngọ và Dần vợ chồng Dạ Hương lo tuốt. Còn bà xã của anh tuổi Sửu, Trâu đi cày  thì phải đi với Gà trống  và Heo nái. Những năm Dậu, Hợi, Ngọ là Dạ Thảo đăng cai.  Cậu Nhật Tân tuổi Mùi , Dê xồm chơi chung với Rắn nước và Mèo mun  hạp lắm phải không nào? Riêng Miên Duy tuổi Thìn,  Rồng vàng  thì thường làm bạn thân thiết với Chuột nhắt  và Khỉ đột  trên rừng.  Ai gặp năm nào đăng cai năm đó. Tính chung ra bốn đứa con của cha mẹ mình cầm tinh đủ mười hai con giáp, nên không ai mất phần, đừng có lo.     

Viễn Thái dứt lời, bà nhà tôi cười lê lết, cười ơi là cười!! Lũ con đứa nào cũng cười ngã nghiêng sặc sụa  về cái ý kiến kỳ cục và tiếu đó.
Dạ Hương nói :     

- Em nghe anh Viễn Thái nói gì Chó berger, Rắn nước, Dê xồm...ghê quá...! Riêng em nhắc lại ý kiến của em lúc nãy là “bốc thăm”. Ai được xem như là điều may, ai không được là chờ năm tới, không có buồn.  Ai đồng ý, xin lên tiếng.         

Tôi nghe thấy các con nhao nhao lên và gật đầu đồng ý...bốc thăm...bốc thăm..! Dường như đứa nào cũng dành phần trúng thăm để đăng cai Tết. Dạ Thảo liền làm bốn cái thăm cho bốn anh chị em ruột bốc, còn mấy chàng rể và nàng dâu chỉ đứng ngoài chầu rìa làm nhiệm vụ phụ họa với phối ngẫu của mình. Cuộc bốc thăm diễn ra rất ư là thú vị. Đứa nào cũng cầm cái thăm măng măng trong tay, miệng lâm râm như đọc thần chú xin hộ trì cho mình bốc được thăm trúng đăng cai Tết. Thật tội nghiệp đứa nào cũng muốn tỏ ra là mình hiếu thảo với cha mẹ và tình nghĩa với anh chị em. Lúc này thì thật sự tôi và nhà tôi tràn ngập hạnh phúc nhìn nhau cười chẳng còn ý kiến gì khác. Nụ cười trọn vẹn niềm vui. Hai người như muốn nói với nhau câu nói ngọt ngào thân thương, đó anh có thấy không, em có thấy không, con cái mình hiền, ngoan, hiếu thảo và dễ thương biết chừng nào!

Một phút trôi qua, cô cậu nào cũng cầm chắc cái thăm trong tay, miệng lẩm nhẩm, lầm bầm, dường như đang chờ người khác tuyên bố kết quả rủi... rủi... rồi mình mới mở thăm ra. Đột nhiên Dạ Hương la lớn trong nổi vui mừng, hân hoan nghểnh mặt nhìn mọi người:        

- Em thắng các anh các chị rồi! EmàNăm tới em trọn quyền đăng cai tổ chức Tết tại nhà cha mẹ. Các anh chị về đông đủ nhá, dứt khoát không được vắng mặt. Em nói thêm nè, năm tới em có quyền cho bốc thăm hoặc với một điều kiện nào khác, em sẽ thông báo sau.

Mọi người vỗ tay tán thưởng, chúc mừng. Bà nhà tôi nhìn đứa con gái út mà bà cưng nhất, nói nhỏ vừa đủ nghe:      

- Có mẹ đây. Mẹ sẽ hỗ trợ hết mình cho con, Dạ Hương hỉ!      

Miên Duy, trai trưởng nam căn dặn :     

- Ngoài chi phí lo Tết, còn phải lo toàn bộ mục lì xì nhé. Mà lì xì không phải là chỉ hai số, phải là ba hay bốn số trở lên, người thụ hưởng lớn nhỏ đồng đều đấy nhé!     
- Okay ! chuyện nhỏ mà. Em còn đề nghị phải có thêm mục nào vui cho không khí Tết được nhộn.

Đó chính là cái luật bất thành văn mà con cái của chúng tôi đứa nào cũng hăm hở muốn làm. Thật sự, chúng nó thích cũng vì không để phiền lòng cha mẹ vất vả tỏ rõ lòng hiếu thảo và tình nghĩa anh chị em cùng huyết thống.

* * *

Giờ đang giữa tháng chạp ta. Còn hơn nửa tháng nữa đến Tết, vợ chồng Dạ Hương cùng đứa con trai bảy tuổi lấy vacation ba tuần từ Cali  bay một lèo về nhà cha mẹ lo chuẩn bị Tết theo kết quả bốc thăm kỳ Tết năm ngoái. Tôi phải đi đón chúng nó tại phi trường với những thùng hành lý nặng. Dạ Hương đã mua nhiều thứ cần cho Tết tại Little Saigon đưa về. Trước đó nhà tôi cũng đã làm một số bánh mứt, củ cải, củ kiệu...Bây giờ con gái út về, bà trao công việc cho con và trợ giúp nó những điều cần. Chính cũng để con cái phát triển khả năng đảm đang quán xuyến công việc nội trợ gia đình phải giỏi giang như bà. Cái gì chứ việc tề gia nội trợ nhà tôi cũng chẳng thua kém ai. Tôi cưng chiều và yêu bà ghê lắm tài nữ công gia chánh bài bản của bà nhà tôi. Mấy ông chồng đàn ông nào vụng về như tôi có được bà vợ nấu ăn ngon thì thường hểnh lỗ mũi khen rối ra rối rít đâu còn gì hạnh phúc cho bằng trên cõi đời này. Bởi công việc gia đình, con cái, tiệc tùng, giỗ chạp, cưới hỏi, tết nhất...gì gì là chỉ trông cậy vào khả năng quán xuyến bà nhà tôi đâu vào đó, không còn phải lo lắng gì, đảm bảo chất lượng từ A đến Z.  Giờ đây Dạ Thảo, Dạ Hương và hai nàng dâu ngoan cũng được học hỏi “rèn cán chỉnh quân” đâu thua gì mẹ. Mẹ nào con nấy là nhà có phước trong các gia đình người Việt Nam, để không còn chán ớn nay ăn nhà hàng, mai ghé quán ăn khiến chai mặt, mà đâu có gì là vừa bụng đâu.

Nhà tôi bắt đầu giao tiệm nail cho người làm trông nom hộ. Nghỉ một hai hôm cho sảng khoái tâm hồn và sức khỏe, sau hai mươi ba tháng chạp cúng đưa ông táo về trời, Tết đang đến gần kề cạnh cửa, hai mẹ con bắt tay vào việc. Cơ cực, hai mẹ con làm ngày làm đêm cho đến khuya mới ngơi tay. Thỉnh thoảng rảnh rỗi thằng rễ út Hữu Nhân cũng lăn xả vào công việc tiếp tay với vợ và mẹ. Tôi dọn một căn phòng thật rộng để rim nấu và chứa các "sản phẩm sản xuất". Loại nào làm ít, tăng gia sản xuất thêm. Khởi đầu các loại mứt gừng, bí, hạt sen, nhân quả, dừa, khoai, me, hồng, chùm ruột, cà chua... Gừng thì có lát, có củ trắng tinh, nhìn thấy mà thèm. Me dẻo ngọt lịm thoáng vị chua thanh ăn hoài ăn nữa chưa ớn. Me sống dầm chua ngọt hợp khẩu vị mùi bia đưa hơi. Loại nào cũng phải mươi mười lăm cân mới thỏa mãn nhu cầu. Rồi củ cải dầm nước mắm - Củ kiệu ngọt - Củ kiệu chua điểm những lát cà rốt màu đỏ gạch trông bắt mắt. Tất cả cho vào những thẩu lớn hong nắng cho trong. Nhìn chẳng khác nào cửa hàng thuốc bắc của mấy chú ba Tàu.       

Nhà tôi hướng dẫn Dạ Hương chuẩn bị lá đem sương nắng, dây lạt bánh tét, bánh chưng, bánh mật. Bánh mật cũng lắm công, không ngọt lắm, lại dẻo mà chắc, không dính, để lâu không ẩm. Nhà tôi làm hai loại, bánh mật chay và bánh mật nhân thịt có đậu, có để lâu bột nếp không lại, vừa giỗ vừa thơm. Rồi đổ su sê cũng thêm công sức vừa cứng vừa giòn ăn hấp dẫn. Đến dộng cốm, cái này tôi phải lăn xả vào phụ trợ. Nếp vỏ khô rang nóng, hạt nếp nổ bung như popcorn trắng tinh truyền, đem ngào với đường cát khô trộn pha với nước gừng cay đậm đặc thơm hừng hực cho vào hộc gỗ vuông nén cứng. Một khối gỗ vuông vừa miệng hộc có cán, dùng dùi đục đóng mạnh, vừa đóng vừa cho thêm nếp nổ vào cho viên cốm cứng đơ như đá, hạt mè trắng, đậu phộng rang giòn giã nhỏ rắc lên mặt tiếp tục ép cứng, lấy ra đem hong vài nắng, gói giấy ngũ sắc, chưng lên bàn thờ ngày Tết rất ư là cổ truyền Việt Nam. Ra giêng, đôi ba tháng sau, hương vị Tết đi qua, với chung trà sen bốc khói thơm diệu kỳ giữa tiết trời lành lạnh đầy sương mai đầu ngày, cắn khẻ miếng cốm giòn rụm phảng phất mùi nếp thơm ngọt lịm chất đường, the the vị gừng thơm len lỏi trong hốc họng, chiêu ngụm trà sen đưa hương, khiến tâm hồn diệu vợi lâng lâng cảm giác rất riêng tư của dân mình. Người bản xứ làm sao có được cảm giác hoài niệm này. Ta vẫn hơn người nhiều thứ.        

Nhà tôi lại tiếp tục hướng dẫn Dạ Hương làm bánh tổ bằng bột nếp với đưòng mật vàng tươi dẻo nhẹo có thể để lâu hằng tháng đem chiên lên bếp khiến mắt mủi thèm nhỏ dãi. Chính là loại bánh cần hiện diện trên bàn thờ không thể thiếu. Rồi chỉ dẫn giã gói cột giò lụa, giò thủ, làm nem chua phải tìm cho được lá dông, chiếc nem mới đầm và khô mặt. Ở các nơi trên xứ này không biết có loại lá này không? Chứ vùng tôi ở đã tìm được mấy cây dông đồng mọc theo bờ hồ hoang dã tận trong rừng sâu trổ hoa đỏ thắm, ai cần, tôi mách chỉ cho.

Không năm nào nhà tôi quên nấu nồi măng. Măng khô ngâm, luộc xả nước nhiều bận trong nhiều ngày, nước trắng nhờ nhờ, chờ 30 Tết nấu nồi xương lấy cốt cho vào nồi lớn cùng măng riu lửa, sôi ùng ục, chặt giò từng khúc cho vào, cứ thế nhỏ lửa ninh nhừ nhiều giờ cho măng thấm thịt nhừ ra, thả vào lọn bún trắng trong, củ hành tươi bóc vỏ trắng....được múc ra bát lớn, nước măng sóng sánh mỡ trong nhờ, thêm cọng hành xanh, rau thơm điểm hoa, bốc hương ngào ngạt thành bát canh măng bún giò thật đã thần khẩu. Ngày Tết bàn thờ Tổ Tiên được hiện diện truyền thống bát canh măng bún giò, đĩa bánh tổ, khay cốm hoa ngũ sắc, quả bánh chưng và mâm ngủ quả. Gia đình tôi kết hợp hai dòng Bắc Nam, cha Nam, mẹ Bắc, tôi lại sắm lễ hai mâm ngũ quả tượng trưng hai miền dòng tộc. Miền Nam có dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhánh sung. Miền Bắc có chuối xanh, bưởi, cam, hồng, quất. Ngũ quả là lộc trời ban, tượng trưng ý niệm con người mong ước được đầy đủ, sung túc trong gia đình suốt năm. Trong tâm thức người Việt Nam Tết bao giờ cũng trang trọng và thiêng liêng nhất. Ngày sum họp của gia đình dù sống nơi nào cũng tìm cách trở về nguồn cội. Tôi sửa soạn trang hoàng nhà cửa. Ngôi nhà rộng lớn có lầu thênh thang, tôi và thằng con rể út quét dọn, lau chùi, dọn dẹp phòng ốc để có chỗ cho lũ con nơi xa về họp mặt Tết. Cắt cỏ, tưới nước, rải phân các thảm cỏ mênh mông xung quanh nhà tươm tất. Đặt người chặt tre dựng nêu. Chăm sóc, chắt chiu cành đào, khóm mai vàng óng ánh mà tôi đã trồng được trước nhà trong mấy năm về trước. Xuân miền Bắc rợp trời anh đào đỏ thắm. Xuân miền Nam ăm ắp cánh mai vàng óng ánh. Tôi kết hợp dáng Xuân hai miền thân yêu trong ngôi nhà thân thương giữa đất nước người.  Đào, Mai biểu tượng phước lộc tràn đầy đầu năm trong gia đình Việt Nam. Tôi lại khệ nệ từ chợ hoa mang về chậu quất chi chít oằn những trái vàng mướt mọng đặt giữa phòng khách đậm đà ấn tượng nét sung mãn mọi điều may mắn,  long lanh hạnh phúc tươi mát gia tộc vuông tròn.

Tôi treo đèn ngũ sắc, kết hoa, tranh liễn, câu đối đỏ ối cân phân trang trọng mặt tiền bàn thờ lớn được đặt giữa căn phòng trước của ngôi nhà. Chân nến, lư hương đánh bóng. Chăm chút những giỏ hoa tươi căng nụ đặt ở những nơi trang trọng trong nhà, chính yếu tố tinh thần cao quí, thanh khiết dân Việt mình trong ngày đầu Xuân - Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ....Nêu cao, tràng pháo , bánh chưng xanh ! ấn tượng mùa Xuân, còn gì hơn nữa cho ngày Tết cổ truyền Việt Nam có từ nghìn đời, điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, chu kỳ vận hành giữa đất trời, con người, vạn vật muôn loài....tiếp nối trên quả địa cầu cưu mang dân Việt tha hương sinh sống...!

* * *

Điện thoại reo ơi ới ! từ các nơi gọi về ngày 29 qua 30 Tết. Tôi lại phải đón con cháu tại phi trường trên đường về từ Boston, Philadelphia, Houston...lỉnh ca lỉnh kỉnh những thùng quà nặng. Ngôi nhà suốt năm buồn tênh im vắng, giờ rộn ràng náo nhiệt chan hòa tình thương gia tộc. Dạ Thảo, Anh Thy, Mặc Nhan ào vào “xưởng sản xuất” chứa đầy bánh mứt, thực phẩm la liệt trầm trồ khen ngợi cô em gái Dạ Hương tuổi trẻ giỏi giang hết nói. Cô nào cũng nhón thử món này món khác chiêm ngưỡng hương vị ngon lành đặc biệt ngày Tết do bàn tay khéo léo, năng nổ của cô út làm ra. Mấy cậu trai cũng nhập bọn hỏi han rối rít khiến nàng Út trả lời ngộp thở. Anh chị nào cũng như muốn thi tài mình hơn nữa, hơn nữa trong dịp đăng cai Tết tới, Tết tới. Cháu Nội, cháu Ngoại được dịp gần nhau nhận ra máu mủ ruột rà, làm thân, này anh, này chị, này em... chụm năm, chúm ba đùa vui cười cợt, tò mò tẳn mẳn những món đồ chơi lạ, chạy nhảy rượt nhau khóc la inh ỏi.     Nghe các anh chị khen ngợi nồng nhiệt, Dạ Hương phân trần: - Mẹ chỉ dẫn em làm hết đó các anh các chị ơi!!... Mẹ đã thấm mệt, còn em thì...ngất ngư con tàu, ăn cơm hết nổi mấy ngày nay. Thế nhưng, nhờ vậy, em học mẹ rất nhiều. Tết sang năm em sẽ làm ngon hơn, khéo hơn nữa đó, nhất định mà, mỗi ngày mỗi tiến bộ mà lị!
Nghe Dạ Hương tranh công tranh việc, cả bọn nhao nhao lên :   

- Đâu có được Dạ Hương. Tụi này quyết bốc được thăm trúng để thi tài chứ ! Em thì chờ Tết khác đi.      

Hơn tuần lễ mệt mỏi nhà tôi vui lắm khi thấy con cháu trở về đông đủ. Bà cười nói huyên thuyên:        

- Đứa nào đăng cai, mẹ sẽ chỉ dạy làm cho bằng được để sau này mà lo cho gia đình các con chứ!

Đứa nào đứa nấy ôm tay, bá vai, bá cổ mẹ, "Mẹ tuyệt vời của chúng con". Các cậu trai thì ậm ừ mấy cô vợ, ráng mà học nhen em, có vợ biết nấu ăn ngon, thành thạo bếp núc là nhất trên đời không gì bằng. Nghe bọn trai trẻ  nịnh đầm sao mà hợp gu tôi quá. Tụi bay an tâm, mẹ nào con nấy, không giống đằng đầu cũng lân đằng đuôi tuốt luốt hết mà. Các con đừng có”no”.
Bà nhà tôi nói:      

- Công việc tạm xong. Hôm nay 29 Tết, cơm nước xong, mình gói bánh tét, bánh chưng, làm bánh mật. Dây, lạt, lá chuối, nếp. đậu, thịt...đã sẵn sàng.  Tất cả hơn nửa tạ nếp đấy các con.

Nghe số lượng đứa nào cũng lè lưỡi. Thế là một đêm không ngủ rồi đây. Mấy cậu con trai vừa phụ cột bánh, vừa coi lửa củi, vừa châm nước bốn lò nấu bánh tôi đã dàn dựng sẵn phía sau nhà. Căn phòng dành gói bánh tôi tiếp ba ngọn đèn 100 watts sáng bưng. Nhạc Xuân vui tươi rỉ rả suốt đêm trường. Cuộc họp mặt làm bánh râm ran bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển thật vui nhộn rạo rực như ngày Tết. Mà đang là ngày Tết thật đây. Tết truyền thống Việt Nam. Tết về trong khu gia cư  đầy đặc người dân bản xứ, cuộc sống của họ âm thầm kín cửa, nào đâu có ai hay ai biết gia đình tôi đang chuẩn bị đón Xuân truyền thống của dân tộc tôi. Xuân đang đến cận kề rồi, e ấp trong đêm tối giá rét căm căm áp vào ngọn lửa bập bùng của bốn lò nấu bánh nước sôi ùng ục. Mấy cậu trai rỉ rả bên lò bánh, phì phèo điếu thuốc trên môi, nhâm nhi tách cà phê nửa đêm bốc hơi, lăn xăn gò nắn, phụ cột khuôn bánh chưng, đòn bánh tét. Thật vui, thật ấm áp tình thương và cũng rất ư là riêng tư của gia đình tôi lạc lõng  giữa xứ sở người.

Nhà tôi vừa làm, vừa chỉ dẫn mỗi đứa con. Tội nghiệp cho hai bàn của chúng nó mềm mại yếu ớt phải làm công việc nặng nhọc không kém phần thẩm mỹ trông cũng khó khăn và ì ạch. Vậy mà không đứa nào nỉ non than thở, cố làm để không phải bị mắng là không làm được. Tôi có trách nhiệm đi vòng ngoài tuần tra, trông chừng, trong nhiệm vụ tiếp ứng pha trà, cà phê, sẵn sàng tiếp sức mọi “dịch vụ” cần thiết cho vợ con mãi đến ba giờ sáng mới xong. Ai ai cũng đều thấm mệt ngất ngư lăn vùi ra ngủ.

Sáng hôm sau 30 Tết, ngoài trời tắm sương mù trong gió bấc se se lạnh buốt. Cảnh vật ngày cuối năm âm lịch đang chìm lắng giữa tiết trời cuối đông xám xịt ở xứ người, đâu ai nhìn thấy được ánh nắng Xuân hồng len trong chòm cây đang đâm chồi nẩy lộc xanh tươi giữa bầu trời cao trong sáng lững lờ cánh én liệng vòng rực rỡ ở những mùa Xuân quê hương xa xưa.

Mất ngủ đêm qua, tiết trời buốt lạnh, mọi người vẫn thức dậy sớm chuẩn bị cúng kính cuối năm.Trách nhiệm đăng cai của vợ chồng Dạ Hương trong công việc với sự tiếp tay mỗi người mỗi việc. Nhà tôi với mấy cô gái lăng xăng lít xít bếp núc. Bà phải tiếp sức với Dạ Hương nồi canh măng bún giò đặc biệt, nồi thịt trứng kho tàu sóng sánh màng mỡ đang sôi nhỏ lửa trên hai lò than. Trong căn bếp la liệt thịt cá, rau quả, kẻ xắc người gọt, kẻ chiên người nấu, mùi thơm mỡ hành, gia vị đánh thức khứu giác ào ạt. Lũ con trai đàn ông lo thanh toán số gà vịt sống. Tiếng vịt cạp cạp, giật cánh xoành xoạch, tiếng gà ọc ọc đang được cắt tiết xụ lông rùng mình. Ngôi nhà sáng lên từ trước ra sau, nhạc Xuân cuồn cuộn tươi vui len lỏi vào lòng người những âm vang gợi nhớ.  Các cháu Nội Ngoại đạo mạo trong những bộ quần áo mới còn thơm tho mùi hồ thẳng nếp, vui đùa ở một góc phòng, lẩn quất bên mẹ bên cha vòi vĩnh này nọ.

Đến trưa, nấu nướng hoàn tất. Bàn thờ đèn nến sáng choang, cỗ bàn dọn sẵn đầy ắp thức ăn, trầm hương thơm ngát. Tôi lên áo dài, khăn đóng, trịnh trọng đứng giữa bàn thờ cung thỉnh hương linh cữu huyền thất tổ, tổ tiên ông bà về đoàn tụ hưởng Xuân cùng con cháu. Lần lượt mỗi người khấn lạy trước bàn thờ. Bên ngoài mấy cậu trai đang dựng nêu, đốt pháo reo vui ầm ĩ. Dây pháo dài từ ngọn nêu xuống đất nổ giòn đánh thức thính giác những gia đình người bản xứ bên cạnh và khu xóm tò mò nhìn xem.  Lũ con tôi được dịp giải thích và được đón nhận những lời chúc tốt đẹp. Bữa cơm chiều cuối năm diễn ra thật ấm cúng và toàn vẹn lạ thường. Cũng cá thịt rau dưa như mọi ngày, nhưng hôm nay dưa rau thịt cá được chế biến thành nhiều thức ăn, được ngon miệng hơn, được vui tươi ấm cúng hơn và được sum họp trong tình liên đới ruột thịt như chất keo gắn chặt từng người.
Đang trong bữa cơm, Dạ Thảo đột nhiên hỏi em:   

- Dạ Hương, hôm nay em có dự tính mục gì vui không?        

Con nhỏ mũm mĩm cười:

- Vợ chồng em "chủ xị" Tết này, đương nhiên là có chị ạ. Ăn xong, vợ chồng em làm cái xóc Bầu Cua Cá Cọp. Đã dự bị đầy đủ đồ nghề. Mọi người hân hoan mại dô nhé!

Mặc Nhan, cô dâu kế hỏi đùa:  

- Dạ Hương dự tính lấy vốn lại phải không?
- Không đâu chị. Vốn liếng gì. Xóc Bầu Cua, ai thắng xuất hành dẫn ra Nhà hàng làm một chầu đầu năm lấy hên. Chủ đăng cai có quyền quyết định mà, chị quên rồi sao?

Mọi người tán thưởng ý kiến số một của Dạ Hương. Tôi lại có trách nhiệm chuẩn bị địa điểm trong một phòng khác cho sòng Bầu Cua. Con cháu lớn nhỏ bu quanh, tay cầm tiền, mắt chủ mục chòm nhom vào tấm vải bạc màu trắng lớn vẽ hình Bầu Rắn Cua Cá Nai Gà đầy màu sắc lòe loẹt. Thỉnh thoảng Dạ Hương reo lên, tiếng reo ngân dài náo nức tươi vui "hai...Bầu...Cua...nè...!!!”. Rồi " ba Nai...nè !!!" Lại " Bầu...Cá...Nai....nè..!!!"mại dô !!! mại dô !!!bà con ơi....đánh 1 trúng 3 nè...!! nè..!! Cân đều...! Lấy tay...!! Mở nè..!!! Vợ thì lắc...còn chồng thì có nhiệm vụ dùa tiền ăn và chung những con trúng. Sòng bạc cãi nhau ỏm tỏi, càng lúc càng sôi động ồn ào. Đứa đánh trúng nét mặt rạng rỡ, cười nói huyên thuyên vui như ngày Tết. Đứa thua nét mặt bí xị, trầm ngâm, chau mày dự đoán con trúng để đặt tiền vào. Tôi cũng lai rai một vài con, hết cá, lại cua, rồi gà... lại gà... gà... gà nè...!! đánh  khát nước, vậy mà nó không ra, ác thật..! Cái con gà mắc toi..! Thằng cháu Nội chín tuổi rành ghê, nó bảo, gà bị cúm chết toi hết rồi Nội ơi ! nó đâu còn sống mà ra. Nội đánh bầu theo con đi. Vậy mà...tôi vẫn khát nước con gà...mắc dịch...đến mấy trăm bạc. Còn bà nhà tôi đang hên như ra đường... gặp đàn ông buổi sáng. Bà loay hoay mấy nồi chè trong bếp để chuẩn bị cúng giao thừa, thỉnh thoảng bà xáp vào con nào là dính chóc con nấy thật tài ghê!

Sòng bầu cua kéo lê thê đến gần nửa đêm mới rã. Rốt cuộc chủ xị Dạ Hương thu dọn chiến trường trong chiến thắng vinh quang. Ngôi nhà im vắng giữa đêm trừ tịch. Con cháu yên giấc sau một ngày thấm mệt thật vui nhộn. Vợ chồng tôi lo bày biện lễ vật cúng Giao Thừa, rồi ngồi tỉ tê với nhau bên tách trà sen bốc khói, cán hạt dưa lách cách, lai rai bánh mứt...lòng lắng nghe sự chuyển vận giao hòa của đất trời đang thay cũ đổi mới mang đến niềm vui và nguồn hy vọng tốt lành cho đất trời, con người và muôn loài vật. Tôi nhớ đến  “Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng lại đạp thằng bần ra khỏi cửa- Sáng mùng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.” (Nguyễn Công Trứ), và nữ sĩ Hồ Xuân Hương càng sâu sắc, thâm thúy hơn lúc vạn vật, đất trời đang giao hòa “Tối ba mươi khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới - Sáng mùng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào”

Sáng hôm sau, mùng một Tết cổ truyền uy nghi trang trọng trong khuôn viên gia đình. Ngoài kia, mọi nơi người dân bản xứ đang hối hả đua chen cuộc sống bình thường trong ngày chẳng có gì là Tết. Trong phòng khách thơm tho ấm cúng của ngày đầu năm tràn ngập niềm vui sum họp, gia đình tôi quây quần bên nhau chúc Tết. “Sơn thủy thanh tao Xuân bất tận - Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh”. Ai ai cũng áo quần tề chỉnh nề nếp để đón nhận mọi điều lành trong đầu năm mới. Vợ chồng Dạ Hương chủ đăng cai Tết thay mặt các anh chị, các cháu trịnh trọng thưa:

- Sang năm mới, vợ chồng chúng con thay mặt các anh các chị các cháu chúc mừng cha mẹ được an lành, dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, thương yêu, hướng dẫn chúng con nhiều hơn nữa trên đường đời. Chúc mừng cha mẹ được thêm một tuổi thọ đầu năm mới. Đồng thời chúng con chúc mừng gia tộc mình ”Tân niên hạnh phúc bình an đến – Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”.

Dứt lời, Dạ Hương trao cho nhà tôi cái dĩa có hai phong bì đỏ, chút tài lộc đầu năm con cái dâng tặng song thân. Bà nhà tôi tranh lời trước tôi, ứng khẩu chúc mừng:     

- Cha mẹ cám ơn các con nhé. Chúc mừng các con thành đạt trong cuộc sống. Chúc các con tài lộc song toàn và hạnh phúc tràn đầy trong năm mới.   

Nói xong, bà lì xì mỗi đứa cháu một phong bì đỏ. Đến lượt các con chúc lẫn nhau với những lời chúc đậm đà thắm thiết.
Sau màn chúc Tết mừng tuổi, Miên Duy, trai trưởng nam giới thiệu :    

- Thưa cha mẹ, anh chị em, vợ chồng Dạ Hương đăng cai Tết có tiết lộ sẽ có một màn gì đó vui vui hôm nay, hai em hãy cho gia đình thưởng thức đi.

Hữu Nhân nhanh nhảu:    

- Dạ. Sẵn sàng!     

Anh chàng vừa nói vừa kéo tay Dạ Hương cùng thằng con trai bảy tuổi, bé Tâm, vào phòng ngủ đóng chặt cửa trước sự ngơ ngác của những người đang có mặt. Nhưng chỉ chừng một thoáng chốc cửa phòng ngủ mở rộng. đi đầu là ông Địa mặc chiếc áo dài đỏ thắm rộng thình, tay cầm quạt phe phẩy. Mặt ông Địa trừng qua nhếch lại, lại ngúc ngắc cái đầu quấn khăn điều, chống nạnh nhìn trời, miệng cười toe toét đem nguồn vui và điều may mắn đến cho mọi người. Tiếp đến là con Lân nhào tới lượn vòng bên phải, bên trái, đầu Lân hục hặc, gằn gằn, ngẩng lên, thụp xuống theo điệu vũ sapa của tàu. Mọi người có mặt cười nghiêng ngửa bò càn bò lê, sặc sụa nước mắt nước mũi...trước cái vui ngộ ngộ của gia đình Dạ Hương. Viễn Thái, rễ trưởng cao hứng tìm thau nhựa vổ bình bịch giả nhịp trống múa Lân càng làm cho Lân hào hứng nhào lộn tới tấp trông rất đẹp và rất ư là thiện nghệ. Thật tội nghiệp cho bé Tâm nắm đuôi Lân phóng tới phóng lui, sàng trái sàng phải đến ngất thở. Vậy mà thằng cháu ngoại luồn lách nhào lộn nhanh ra phết.

Hơn mười phút con Lân thấm mệt nằm bò càn ra giữa phòng khách. Còn ông Địa nhà ta thì...thành cô gái út dễ thương nhất nhà....đang cúi đầu chào khán giả. Mấy cô chị thích quá, quàng cổ Dạ Hương cười khen hỏi han rối ra rối rít. Dạ Hương ư ử lên tiếng: 

- Tụi em sắm đồ nghề và tập dượt hơn tháng nay đó.

Dạ Hương tiếp tục chương trình:        

- Đến mục chọn người đăng cai Tết năm tới. Em là chủ nhân đăng cai em có quyền du di hoặc sửa đổi điều lệ. Kỳ này miễn bốc thăm, nhưng phải kể chuyện. Ai kể được sẽ thành chủ nhân đăng cai Tết năm tới. Nếu không có ai kể thì bốc thăm. Anh chị đồng ý?      
- Tùy em. Anh chị làm theo ý em.      

Dạ Hương đặt câu hỏi:    
- Chiều hôm qua các anh dựng nêu trước nhà mình phải không "
- Đúng rồi.  
- Vậy các anh chị ai biết sự tích cây nêu ngày Tết ? Kể được là làm chủ đăng cai Tết tới.  
Nghe cô em út dễ thương ra điều kiện ai ai cũng lắc đầu tiu nghỉu như đang bị vỡ mộng làm chủ đăng cai Tết năm tới. Đâu có ai ngờ Dạ Hương chơi ngẳn thế này. Anh này ngó chị kia, chị kia ngó anh nọ như tìm kế giải quyết để được đăng cai.
Đột nhiên cô giáo Anh Thy nàng dâu trưởng lên tiếng:     

- Chị kể nhé ! Vì chị cũng đã kể cho học sinh nghe vài lần. Đây này...Ngày xưa, Đức Chí Tôn ngự trên tòa sen ở cõi Trời cao thăm thẳm. Ngài nhìn xuống thế gian nơi người dân Việt sinh sống trong cảnh khốn khổ bần cùng, thiếu ăn thiếu mặc, còn bị bọn ma quỷ phá phách chèn ép, áp bức bóc lột, và nhiều thú dữ quấy phá. Động lòng từ bi nhân hậu, Đức Chí Tôn liền xuống thế gian đến vùng đất người dân Việt đang sinh sống. Bọn ma quỷ liền chận và bao vây Ngài không cho Ngài xâm phạm vùng đất này. Ngài phán rằng Ta cần chỗ đất này. Bọn ma quỷ từ chối không chấp nhận. Ngài liền xòe đôi bàn tay ra, tức thì châu báu vàng bạc phũ đầy vô số chung quanh nơi Ngài đứng. Đức Chí Tôn bảo, Ta mua chỗ đất này và trả số châu báu vàng bạc đang có trước mặt cho các ngươi. Bọn ma quỷ tham của, chấp nhận liền. Chúng hỏi Ngài, khoảng đất rộng bao nhiêu ? Ngài nói khoảng đất ấy chỉ bằng chiếc áo của ta trải ra mà thôi. Nơi nào áo ta phủ lên là đất của ta, bọn ngươi không được chiếm giữ quấy phá nữa. Bọn ma quỷ đồng ý.  Đến  khi Ngài trải áo ra, chiếc áo càng lớn càng rộng mênh mông vô tận đã đẩy bọn ma quỷ ra tuốt ngoài biển khơi đến tận chân trời. Đức Chí Tôn liền gọi người dân Việt đang quá sợ hãi và đang núp trốn khắp nơi đến mà bảo rằng : Ta giao đất này cho các người và hãy gìn giữ lấy đời đời. Hãy nhớ, hằng năm vào ngày 30 Tết các người hãy dựng cây nêu cao trước nhà và treo ở đầu ngọn nêu cái khánh hình bát giác có ghi dấu ấn của ta trước khi cúng rước ông bà về vui Xuân với con cháu, thì bọn ma quỷ sẽ không dám trà trộn tràn vào nhà quấy phá nữa khi chúng nhìn thấy cái khánh có dấu ấn của ta. Đó là sự tích cây nêu ngày Tết tuy hoang tưởng nhưng vẫn là truyền thuyết đang lưu truyền trong dân gian, ai ai cũng biết.

Dứt lời kể, Anh Thy tuyên bố:  

- Vợ chồng chị đã đạt được điều kiện đăng cai Tết năm tới.       

Mọi người đồng thanh chấp nhận. Dạ Hương tiếp lời:       

- Chúc mừng! chúc mừng anh chị! Giờ vợ chồng chúng con kính mời cha mẹ, anh chị, các cháu chuẩn bị xuất hành đầu năm và cùng du Xuân đến Nhà hàng dự party đầu năm bằng “ngân quỹ yểm trợ” của Bầu Cua Cá Cọp tối hôm qua.

Mọi người vui vẻ ra xe cho kịp giờ lành tháng tốt với nhiều cuộc vui khác tiếp diễn trọn vẹn ba ngày Xuân.
Đấy! gia đình tôi ăn Tết trên xứ người là như thế đó bà con ơi! Dù chưa trọn vẹn cái Tết truyền thống muôn đời của người Việt Nam, có chút "tiếu ngạo giang hồ", hơi khác đời, nhưng giềng mối gia đình được hợp nhất trong những năm tháng lánh nạn cộng sản vô thần,  lang thang trên đất khách đó mà! Cũng vui vui đó chứ!?

Xuân Quý Tỵ - 2013
Để nhớ Những mùa Xuân Tha Hương xứ người                                                                         
Nguyễn Thế Hoàng

                                                                                                                                       

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012