SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Gò Nổi Xuân  Xưa

Hoàng Định Nam

 
Năm 1954, sau Hiệp Định Genève, Pháp rút lui, nước Việt Nam bị chia đôi. Cán bộ, bộ đội Việt Minh tập kết ra Bắc. Đảng cộng sản và Hồ Chí Minh đưa miền Bắc Việt Nam băng qua địa ngục u tối xã hội chủ nghĩa, đi tìm thiên đường cộng sản không bao giờ có thật.

Miền Nam, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Ngô Đình Diệm, bắt đầu xây dựng một chế độ dân chủ tự do. Sự thái bình, no cơm ấm áo từng bước được thực hiện. Hình ảnh những ngày đó còn ghi mãi trong tôi, một chú bé được sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, quê hương được mệnh danh là đất địa linh nhân kiệt.

Tuổi thơ của tôi bình yên, êm ả rong chơi trong những thôn làng có tên gọi đẹp như thơ: Thôn Hà Mật, An Trường, Thi Nhơn, Phương Trà, La Qua... Làng Phú Bông, Đông Bàn, Cẩm Lậu... Những địa danh hành chánh thời Đệ Nhất Cộng Hòa đặt cho vùng quê tôi, cũng đẹp không kém: Xã Phú Tân, Phú Phong, Phú Mỹ, Phú Hưng, Phú Lộc...

Những địa danh tôi vừa kể, nằm trên một cái gò, được hình thành bởi dòng sông Thu Bồn. Sông Thu Bồn chảy xuyên qua những vách đá sừng sững của dãy Trường Sơn hùng vĩ, xuôi về đồng bằng, chia hai nhánh tạo thành Gò Nổi, hội tụ lại ở Câu Lâu, trước khi vào cửa Đợi.

Xuân-Hạ-Thu-Đông cùng với dòng sông quê hương, đưa tuổi thơ của tôi vào cổ tích. Ở đó, mỗi vụ mùa dâu tằm, đường mía, ngô khoai, hay lúa thóc đều để lại những hình ảnh đẹp đẽ. Trong bức tranh ký ức đầy màu sắc diệu kỳ của lòng tôi, màu xanh là màu của nương dâu thăm thẳm, trải dài theo ven sông. Những thiếu nữ, lưng mang gùi đựng đầy lá dâu, huyên thuyên trò chuyện trên đường về, nơi các nong tằm đang ăn lên đang chờ đợi.(1)

Màu vàng là màu của lúa chín mọng trên cánh đồng Phuơng Trà, La Qua. Người bù nhìn giữ lúa, những hình nộm bằng rơm được dựng lên để hù dọa bầy chim, trông ngộ nghĩnh như tranh hoạt họa. Chiều xuống, mặt trời từ từ lặn, sau những ngọn núi xa xa. Trong gam màu tím thẩm của hoàng hôn, từng đàn chim bay qua ruộng mía, tìm nơi trú ẩn về đêm. Đèn dầu bắt đầu được thắp sáng, trong nhà của cư dân đồng nội.

Làng quê ở thập niên 50, 60 không có điện, cũng không có bất kỳ một thứ máy móc tối tân gì khác. Nhà nào khá giả lắm, mới có một cái radio chạy bằng pin. Trong làng chẳng mấy ai có xe đạp, hay biết đi xe đạp. Tôi cũng không thấy có một quán nước nào có bán cà phê. Chỉ có quán mì quảng và nước chè lá.

Nói đến miền Trung, hay nói đến Quảng Nam, người ta thường nhớ đến làn điệu ca dao được truyền tụng:

Quê tôi nghèo lắm ai ơi
Mùa Đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn.

Cho dẫu là như vậy, hai câu ca dao này, không thể bao gồm cả Gò Nổi. Vì Gò Nổi đất đai trù phú, có nghề trồng dâu nuôi tằm. Làng quê nghèo, nhưng không có ai đói.

Thuở đó, trẻ em nhà quê không biết đến nước đá, hay cà rem cây. Chưa có ai đi dạo, rao bán cà rem trong làng quê. Nếu có, con nít cũng chẳng có tiền mua. Riêng tôi, nhờ ba má có cửa tiệm bán hàng ngay tại bến phà Câu Lâu, nên tôi đã cảm thấy mình sung sướng hơn các bạn khác, vì được thưởng thức cái lạnh mát dịu lạ lùng của nước đá và cà rem cây. Tôi còn nhớ hình ảnh bến phà Câu Lâu ồn ào, tấp nập, có những hàng quán nằm khít khao liền với bến. Phà Câu Lâu đưa xe cộ qua lại, nối tuyến quốc lộ số 1. Khách qua phà dừng chân trong các quán, nhắp bát nước chè nóng hổi, hút điếu thuốc rê cay nồng, uống ly nước trà đá mát lạnh, hoặc ăn một cây cà rem ngọt ngào có màu xanh đỏ, tím .v.v....

Vì bận rộn với hàng quán, ba má nhờ ông bà ngoại chăm sóc tôi. Tôi ở với ông bà ngoại, đi học tại trường tiểu học Phú Lộc cho đến lớp Nhất. Nhà ông bà ngoại có nhiều ruộng đất, nhưng không có người làm. Ông bà cho người ta làm rẻ (2). Vườn nhà ngoại có đủ loại cây ăn trái: Mít, thơm, chanh, cam, quít, ổi... Trái chín được hái xuống, mang ra chợ bán lấy tiền mua muối mắm, thực phẩm.

Cũng giống như tất cả những nhà ở thôn quê miền Trung, dù không thiếu thốn, khi mùa đông đến, nồi cơm của gia đình ngoại vẫn nấu độn khoai sắn khô. Những nhà nghèo ít ruộng đất, thời gian lập đông sẽ phải ăn độn nhiều hơn. Mùa lúa tháng Mười chấm dứt, người ta âm thầm ngồi trong nhà, nhìn mưa gió bay đầy trời, chờ lũ lụt đến.

Người lớn sợ lũ lụt. Trẻ em thì khác. Lũ lụt cũng đem đến cho chúng tôi niềm vui. Nước ở trước ngõ. Nước ngay ngoài sân. Tha hồ bơi sải với bè chuối thả trôi. Tha hồ lùng bắt những con dế cơm mập ú bám đầy trên ngọn cỏ, rồi xỏ xâu mang về cho mẹ làm món dế cơm nhét đậu phộng, chiên mỡ. Chỉ khi nào nước vào tới trong nhà, phải chồng hai cái giường lên nhau mới có chỗ ngồi, nằm, ngủ, lúc đó trẻ em mới thấy buồn bực, vì phải bó chân ngồi một chỗ, không được chạy nhảy. Ôi! Những ngày mưa gió lụt lội! Chén cơm độn khoai khô, sắn khô bốc khói, ăn với muối mè, dưa mắm, hay mắm cái, mới ngon làm sao!

Người lớn rảnh rỗi, đội áo tơi qua hàng xóm, uống nước chè nói chuyện xưa. Trẻ em như tôi tròn xoe mắt, thinh lặng ngồi nghe. Vẫn chuyện chạy giặc Tây, vẫn chuyện sống cực khổ thiếu thốn trong vùng Việt Minh. Chuyện Tây lùng. Chuyện máy bay Tây khủng bố. Chuyện ông bà ngoại tản cư lên vùng thượng du, Quế Sơn Tuyên Phước. Sau đó, bà ngoại xuống vùng thị trấn mua đá lửa, dầu lửa, xà bông cây, alcool.v.v.., mang vào vùng Việt Minh bán. Bà ngoại phải trốn chui trốn nhủi, phần sợ máy bay Tây trên trời bắn trúng, phần sợ trên đường đi, Việt Minh tung những toán “trật tự” ra lùng bắt, tịch thu. Chuyện người lớn kể đi kể lại, năm nào cũng giống nhau. Nhưng chúng tôi, những đứa bé thơ dại, vẫn say mê theo dõi, không thấy chán.

Mùa đông mưa gió lạnh lùng lê thê rồi cũng qua đi. Tháng Chạp trời quang mây tạnh. Nhà nhà chuẩn bị ăn tết. Năm nào bà ngoại của tôi cũng để dành vài ba con gà, dự trữ vài ang nếp, đậu xanh để gói bánh tét, bánh rò, bánh ít, đổ bánh tổ, bánh nổ...v.v..

Có lẽ qua bao nhiêu năm phiêu bạt, được hưởng dụng nhiều loại thức ăn của thành thị, những phẩm vật dân gian kia không còn hấp dẫn khẩu vị của tôi nữa. Tôi chỉ còn cảm nhận hương vị thơm tho của tấm bánh quê xưa, từ trong kỷ niệm. Kỷ niệm là linh hồn của Đất, như một người bạn của tôi nói. Linh hồn của Đất, đã kết thành tình yêu quê hương trong lòng tôi.

Tình yêu quê hương trong lòng tôi, làm sống dậy những ngày chuẩn bị đón tết thuở xưa. Tôi vẫn còn nhớ, khoảng mười lăm tháng Chạp, bà ngoại bắc cái ghế cao, tỉa hết lá trên cội mai già trước sân. Cội mai già cao hơn bốn thước, nơi con chim gõ kiến hàng ngày vẫn kiên trì mổ vào thân cây khúc khuỷu, tạo ra những âm thanh buồn buồn giữa trưa, bỗng thật thanh xuân, khi những lộc non nảy mầm, chờ hoa vàng hé nụ.

Khu vườn óng ả, tươi sáng hơn, vì giồng thược dược ngoại trồng đã kết nụ. Những cánh hoa màu trắng, màu hồng, màu tím nở rộ vào tết, cũng là những gam màu đậm đà, trong bức tranh ký ức của tôi. Hoa được tưới bằng urê thiên nhiên, ngâm với lá cây keo pha loãng với nước. Mỗi sáng, tôi được ngoại giao cho việc tưới hoa. Những bụi thược dược đã cao quá đầu của tôi.

Trẻ em nào cũng nôn nao, đếm từng ngày chờ Tết. Cái nôn nao rất thần tiên của tuổi thơ. Để được mặc quần áo mới. Để được đi đôi dép mới. Để được ăn ngon hơn ngày thường. Để được nhận tiền mừng tuổi. Để được rong chơi, trong không khí đầy khói hương của nhang và pháo. Được miễn tất cả mọi sự la mắng, đòn phạt của người lớn. Thích nhất là được nghỉ học gần hai tuần.

Những ngày chuẩn bị tết, là những ngày vui rất rộn ràng. Mọi người đều thấy lòng hân hoan, phơi phới. Bàn thờ ông bà được quét dọn lau chùi bụi bặm. Lư nhang, chân đèn bằng đồng cũng được mang xuống đánh bóng bằng tro. Các loại bánh ngọt như bánh in, bánh thuẫn, v.v..., bà ngoại tôi đã làm xong từ mấy ngày trước. Chỉ nấu nồi bánh tét, bánh rò, bánh ú là hoàn tất công việc. Người lớn cũng như trẻ em không buồn ngủ. Cả nhà vừa gói bánh, vừa nghe dì tôi, ở Sài Gòn về quê ăn tết, kể chuyện thành phố. Cái gì với tôi cũng hấp dẫn lạ thường. Ngoại tôi lại kể những cái tết chạy giặc Tây. Những cái tết trong vùng Việt Minh thiếu thốn, cực khổ, đói ăn.

Đêm giao thừa thiêng liêng, ai cũng thức khuya, nhưng sáng mùng một tết, cả nhà đều dậy sớm. Ngoại và dì, không biết thức giấc từ bao giờ, đã nấu nước pha trà, mang bánh mứt bày lên bàn thờ. Ông ngoại khăn đóng áo dài, phong thái uy nghiêm thành kính, sửa soạn đốt nhanh đèn cúng đầu năm. Trẻ em, chẳng đợi ai bảo ai nhắc, tự động lấy bộ áo quần mới nhất ra mặc, rồi tự ngắm nhìn chính mình. Trẻ em ngày xưa ở quê, tết được mặc quần áo mới, có lẽ cũng sung sướng như trẻ em ở Mỹ, tới tuổi có bằng lái xe, được cha mẹ mua cho xe mới.

Quê nghèo không có phương tiện giải trí, không sách báo, không tivi, không phim ảnh. Trò chơi của trẻ em, là những trò chơi muôn đời không thay đổi: Nhảy cò cò. Đánh đũa. Nhảy dây. Đếm năm-mười-mười lăm chơi trốn tìm. Bịt mắt bắt dê. Hay ra đồng đào dế, đá gà bằng cọng cỏ chỉ. Nếu có đá banh, banh cũng làm bằng dây chuối khô quấn lại. Thời ấy, chưa có những sản phẩm bằng plastic, nylon, không có trái banh nhựa. Ngày tết, trẻ em được tham dự những trò chơi của người lớn như: Đặt bầu cua, xóc dĩa, tam hường, chơi bài chòi, lô tô.v.v...

Mùng hai tết, tôi về nhà nội ở xã Xuyên Trường, quận Duy Xuyên. Đường vào quê nội, băng qua thôn Hà Mật, băng qua những con đường râm mát dưới bóng tre đầy người qua lại. Tiếng giày guốc khua vang không gian. Tiếng người chào hỏi cười nói làm náo động lũy tre xanh. Sắc hoa đủ màu in trên quần áo mới của mọi người, làm tăng thêm niềm vui của năm mới.

Đi tới đò Gặp, là đến nhánh sông tạo thành Gò Nổi, của hai nhánh sông Thu Bồn. Nhánh sông này nhỏ, cạn hơn nhánh kia. Bến đò Gặp rất vắng khách. Đến đó, tôi phải gọi đò, ngồi chờ ở bờ sông rất lâu. Bên kia là bãi cát vàng rất rộng, thoai thoải chạy từ mé nước, đến tận rặng tre của đầu xóm. Chỉ có ngày tết, may ra mới có thêm nhiều khách qua đò. Bến đò Gặp, những ngày mùa xuân, những ngày nắng hạ, thường thấy tôi, chú bé học trò tiểu học, ngồi chơ vơ một mình, đợi đò sang sông. Chung quanh quạnh vắng. Sông bãi mênh mông. Lòng chú bé cũng mênh mông. Cuối sông tre xanh lã ngọn.

Tết ở bên nhà nội có khác bên nhà ngoại đôi chút. Bên nội, tôi là đứa cháu đích tôn, được cưng chiều, được chú ý nhiều hơn. Ở đây đông vui, vì các cô, các chú dẫn con của họ về. Tôi có nhiều anh chị em để vui đùa.

Tại ngã tư đường lớn của xã Xuyên Trường, là nơi các sòng bầu cua, lô tô, xóc dĩa, bài chòi được dựng lên, trong những ngày tết. Không khí vui nhộn khác hẳn ngày thường. Trong lòng ai cũng có mùa Xuân, nên dù giàu hay nghèo, trẻ hay già, sự rạng rỡ, tươi cười đều hiện rõ trên nét mặt của họ. Sự nhọc nhằn, lam lũ ngày thường, tạm thời biến mất. Họ chỉ lo tới mùng năm mùng sáu, không biết còn chi để tiếp tục ăn tết, vui chơi hay không thôi.

Mỗi năm, tôi đều đón tết giống nhau, nhưng chưa bao giờ ngưng đợi Tết. Những mùa xuân thanh bình như vậy, những sinh hoạt đồng quê êm đềm như vậy, sẽ còn tiếp diễn triền miên ngàn đời, nếu như không có một ngày chiến tranh được mang từ núi rừng Trường Sơn âm u tới, gây bao khốn khổ cho dân lành. Tết năm 1965, là cái Tết yên bình cuối cùng của Gò Nổi.

Việt Cộng từ đâu tràn tới. Chiến tranh ngự trị trên Gò Nổi. Ngôi trường tiểu học Phú Lộc giải tán. Chỉ còn học sinh lớp Nhất của tôi, được thầy giáo Quế gom lại, mượn một lớp học của trường tiểu học Thanh Chiêm đã nghỉ hè, dạy cho hết niên khóa. Để học sinh nào có điều kiện, sẽ thi vào lớp đệ thất của trường Nguyễn Duy Hiệu ở Vĩnh Điện, hay Trần Quí Cáp ở Hội An. Trường Thanh Chiêm không nằm trên đất Gò Nổi, mà nằm bên kia sông, trên quốc lộ 1, gần cầu Câu Lâu.

Những học trò không còn trường, như những con chim không còn tổ. Giờ ra chơi, chúng tôi ngồi buồn hiu. Sân trường Phú Lộc mênh mông, với hàng dương liễu nhu mì thì thầm trong gió, với hai bãi cỏ xanh tươi trước cổng trường, giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Học trò lớp Nhất chạy giặc, tứ tán khắp nơi, còn hơn mười đứa. Sau niên học đó, tôi được đưa vào Sài Gòn.

Chiến tranh đã san bằng Gò Nổi, đã đẩy người dân Phú Lộc ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi, chú học trò tiểu học ngày xưa, theo dòng sóng đời, trôi xa trôi khuất, ra khỏi cửa Đợi sông Hoài. Dòng sông Thu Bồn, dòng sông quê hương, từ đó chỉ còn trong trí tưởng.

Bao nhiêu năm lưu lạc cùng trời cuối đất, tôi vẫn cảm nhận: Hình ảnh cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, canh chừng nồi bánh tét cuối năm, là bức tranh gia đình đẹp nhất, qúy giá nhất của đời tôi. Bếp lửa hồng thơ ấu, bùng cháy mãi ngọn lửa tình yêu đất nước, làm ấm lòng tôi, người con lưu lạc tha hương. Không bao giờ có thể được sống lại những giây phút huyền diệu ấy, dù chỉ một lần. Đời sống như dòng sông cứ xuôi chảy, mỗi ngày một xa nguồn cội. Những bến bờ càng xa, càng thấm lạnh:

Bến chiều nay, bến chiều nay thấm lạnh
Chuyện bếp hồng là cổ tích xa xưa
Có còn ai ngồi quanh bên lửa ấm
Kể nhau nghe về những tối giao thừa.
” (3)

Mười tám năm sau, tôi trở về cố hương. Đứng trên cầu Câu Lâu, nhìn qua bên kia Gò Nổi, nhìn vùng tuổi thơ đã mất dấu, nhìn mùa Xuân đã không còn nữa. Một thoáng gió vào làm mắt cay.

Hoàng Định Nam


   Chú thích:
(1) Ăn như tằm ăn lên: Tục ngữ Việt Nam
(2)  Làm rẻ : Cho người không có đất, làm trên ruộng của mình, sau khi gặt lúa đôi bên cùng chia quyền lợi với nhau
(3) Thơ Hoàng Định Nam

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012