SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

KHU ĐẤT HOANG

nhìn ra đời sống ở đây
rành rành dấu vết những ngày lưu vong

                                      Tử Hà

Thị xã Hawaiian Gardens tại Nam California có con đường Carson nối liền đường Lincoln tại chiếc cầu biên giới giữa quận Los Angeles và  thị xã Cerritos, quận Cam. Dưới lòng cầu là  sông Los Angeles. Từ cầu chạy hướng về đường Carson khoảng hai trăm thước thì gặp ngã ba với con đường Hawaiian rẽ sang trái. Cách ngã ba này chừng 20 thước, hướng về chiếc cầu biên giới nói trên là một khu đất hoang, rộng khoảng một phần tư mẫu tây, chung quanh có hàng rào lưới gà, loại có cài những nẹp gỗ thẳng đứng, bên trong cỏ hoang  mọc đến ngang vai Người lớn đến sát bên hàng rào này, vói tay lên không tới.. Cứ khoảng mỗi sáu tháng thì có người mang dụng cụ làm vườn đến cắt cỏ, gom đống rồi mang đi. Khi đó thì mặt bằng của khu đất bày ra, thấy toàn sỏi đá, trông trống vắng lạ lùng.

Bên ngoài khu đất hoang này, dọc theo lộ Carson, là một trạm chờ xe buýt, bên cạnh có một thùng rác công cộng. Tuy xe cộ trên đường Caron lúc nào cũng đông đúc gần như toàn thời; nhưng cái trạm cùng cái thùng rác rỗng kia và khu đất phía sau hàng rào ngày ngày dường như bị thiên hạ bỏ quên, xem chúng như không có. Nhưng thật ra là những thứ đó vẫn hiện diện, nhìn lâu một chút thấy phảng phất một thứ trông như  rỗng không, nhưng không phải vô hồn.

Từ nhiều năm nay, các xe buýt đi hướng về thị xã Cerritos không còn ghé trạm này: Nó nằm cách một trạm khác, chưa quá 100 thước, nằm ở gần cầu Biên giới nơi có bóng mát từ  những tàng cây to che bên trên. Khách đi xe thích đến đó ngồi chờ hơn là đến ngồi ở cái cạnh khu đất hoang. Không biết nó bị đời hất hủi như thế từ bao giờ. Khi chúng tôi dọn đến khu này tám năm qua thì thấy nó đã thành nơi ngồi nghỉ chân cho khách bộ hành qua lại. Trong số khách này có tôi và một ông bạn láng giềng. Cái trạm là nơi hai tôi thường ngồi nghỉ chân trong khi đi bộ thể dục hàng ngày.

Một hôm khi hai tôi đang ngồi ở trạm này bỗng nghe từ trong đám cỏ phía sau lưng có tiếng hai người, một giọng nam và một giọng nữ như đang cười nói nho nhỏ với nhau. Ông bạn tôi ngoái cổ nhìn phía lưng rồi quay lại nhìn tôi, hai bộ lông mày đụng vào nhau, cho thấy ông đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Ông nói:

“Có ai trong đám cỏ bên trong hàng rào.” Rồi tiếp:
“Họ mà có cây chĩa dài, từ trong thọt ra trúng mình thì là nguy lắm.”

Lời ông bạn nói nghe chưa biết đúng sai, cũng khiến tôi cảm thấy có hơi lo. Nhưng tại xứ Hoa Kỳ lúc thanh thiên bạch nhật này mà có chuyện đó xảy ra hay sao? Ông bạn tiếp:

“ Cẩn tắc vô ưu. Anh ngồi đây. Tôi đi xem cửa rào khu đất này có mở hay không. Nếu có thì chắc đó là những người vào dọn cỏ rác.”

Không thể ngồi yên, tôi đứng lên theo ông ta. Đến nơi có lối ra vào thì thấy cổng còn khóa. Vậy thì người ta vào bên trong bằng lối nào?
Tôi nói:

“Ma cỏ thưởng thích chốn hoang vu lạnh lẽo. Hay là bọn ma trong đó đang cười với nhau hả?”

Một làn gió mát từ đâu lan tới. Cây bên đường, cành lá nhẹ đong đưa. Một vài chiếc lá khô theo gió bay về phía chúng tôi rồi đáp xuống trước mặt. Bỗng anh bạn “lẩy”hai câu Kiều: Trông ra ngọn cỏ lá cây - Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Lời thơ vận vào hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi một cách ghê ghê. Tôi liên tưởng đến đoạn Kiều thăm mã Đạm Tiên xong về nhà nhớ đến người nữ tài hoa bạc phận, rồi bỗng chốc nàng cảm thấy rùn mình vì cơn gió lạnh đột xuất rồi tưởng như hồn người chết hiện về.

Ông bạn nhìn cái hàng rào, phần sát đất, sát một cây cột sắt, rồi chỉ cho tôi thấy nơi đó có dấu kẽm bị cắt một đường thẳng từ mặt đất lên cao khoảng năm tất. Thì ngay lúc đó, từ đám cỏ bên trong, có dấu động  đậy. Hai tôi vội rời nơi đó. Đi một khoảng chừng ba mươi thước, tôi giả bộ ngồi xuống cạnh mấy cái thùng rác vệ đường, buộc dây giày;  anh bạn thì lẹ tay rút khăn mù soa... chậm chậm ở trán, một con mắt nhìn chòng chọc cái hàng rào. Trên đường lúc đó không thấy ai khác ngoài những chiếc xe hơi đang chạy.

Từ bên trong khu đất, một bàn tay người thò ta, kéo phần lưới nơi bị cắt lên cao thành một lỗ trống hình tam giác. Rồi một đầu người xuất hiện, nhìn dáo dác, theo sau là cả thân mình trườn ra bên ngoài: một thanh niên trên dưới 30 tuổi, nước da ngăm ngăm, mặc quần jean, áo in hình chim cò, đầu tóc bồng bềnh. Anh ta đứng lên, hai tay phủi phủi áo và quần. Tiếp sau anh là một phụ nữ không đoán được tuổi nhưng có sắc đẹp với thân mình thon gọn, mái tóc dài chấm vai, láng như thoa mỡ. Cô ăn mặc cũng thời trang, duy có áo quần, giống như của chàng thanh niên kia, nhăn và như không mấy khi được chăm sóc về mặt vệ sinh. Khi ra bên ngoài rồi thì cả hai dắt nhau đi đến đầu đường Hawaiian, rẽ sang mặt, hướng về trạm xe buýt. Họ vừa đi vừa cười nói với nhau với thứ tiếng gì nghe giống tiếng Mễ, hay tiếng miệt Á Đông.

Với hiếu kỳ đầy đầu, hai tôi quay lại rảo bước xem họ đi đâu. Đến trạm xe buýt nơi hai tôi vừa ngồi với nhau khi rồi thì thấy cặp nam nữ đang đứng chờ đèn xanh bật lên để băng sang bên kia đường. Không biết chàng trai nói gì mà cô bạn hất mặt lên trời, cười thoải mái. Phía đối diện nơi họ đang đứng là một mini mall bán chủ yếu là thức ăn. Ngoài ra còn có tiệm 99, một tiệm bán quần áo và đồ cũ, quán Hamburger, quán ăn Trung Hoa, quán ăn sushi người Đại Hàn, v..v....  Họ sẽ đi đâu, làm gì trong những nơi đó? Kiếm gì để ăn? Đi làm lao công bán thời trong tiệm bán đồ cũ?  Từ đó hai người trẻ này như luôn ám ảnh tôi.

Buổi sáng hôm sau, hai tôi cùng ngồi nghỉ chân tại trạm xe buýt bỏ hoang đó. Ngồi lâu hàng nửa giờ mà không nghe tiếng cười tiếng nói. Họ đã bỏ đi nơi khác? Bỗng ông bạn khều vai tôi, rồi ông niễng đầu về phía hàng rào như nghe ngóng. Rồi nghe có tiếng nói rù rì, giọng nữ nghe như tiếng chim hót. Sau đó là tiếng lắc cắc, lắc cắc. Tiếng vang vang nhè nhẹ, rồi ngưng, rồi lại tiếp tục. Tôi giương mắt nhìn qua mấy cái khe hở, chỉ thấy bên trong cỏ mọc xanh rì. Từ trên mấy cây cọ bên khu nhà xe (Mobile Home) của mấy cụ già, bỗng có một bầy chim se sẻ phóng ra rồi bay sà xuống khu đất hoang đó. Rồi vài bầy khác xuống theo. Bên trong nghe có tiếng ai cười cười thích thú, thứ tiếng cười của người bị cù vào nách. Sau đó, vài con chim quạ màu đen từ phía bên kia chiếc cầu cũng bay đến, đáp xuống. Quạ là thứ chim ăn tạp. Tiếng động bên trong khu vườn cũng im bặt.

Ngồi khoảng ba mươi phút, nhìn ra bên đường xe cộ từng đợt chạy qua, không nghe đến một tiếng còi. Tôi nghiêng đầu về phía sau, cố nghe lại tiếng lắc cắc vừa rồi để thử đoán xem đó là thứ tiếng gì. Nhưng chỉ nghe toàn yên lặng. Nhìn sang bên thấy ông bạn co một ngón tay rồi dùng nó cào cào nơi trán hói của ông ta, nơi chân tóc, trong khi hai mắt ông chớp chớp ra điều đang nghĩ ngợi điều gì. Bỗng từ ngã ba, cặp thanh niên và thiếu nữ  chúng tôi thấy hôm qua, tái xuất hiện trong y phục và dáng dấp y như cũ; chàng trai cho hai tay vào túi quần, miệng nối tai này với tai  kia. Cô gái đi bên mặt của chàng ta, một tay bá vai người bạn, một tay xách một túi vải rỗng không. Khi ngang nơi chúng tôi đang ngồi thì cả hai dừng lại. Chàng trai dùng tiếng Mỹ xin phép được ngồi trên cùng chiếc băng của trạm xe buýt. Tôi mời cả hai ngồi xuống. Lúc bấy giờ nhìn rõ thấy nếu bỏ đi cái bề ngoài bụi đời thì cả hai cũng đẹp dáng, có thể được chọn làm người mẫu, đặc biệt là hai cặp mắt của họ rất sáng và đầy nhựa sống. Thấy họ thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, tôi nói nếu họ muốn chờ xe buýt thì hãy đến trạm phía đàng kia, theo ngón tay tôi chỉ. Nghe tôi nói, cả hai cười cám ơn rồi đứng dậy, vừa đi vừa cười cho sự nhầm lẫn của mình hay cười vì biết ở trên đường Carson có một trạm xe buýt bỏ không.
Khi họ đi rồi, ông bạn tôi nói:

“ Anh có thấy hai người đó có nét gì lạ không?”
 “Thấy có gì không bình thường. Quần áo thì vừa với khổ người, nghĩa là có được chọn lọc chứ không phải có gì mặc nấy. Hai là cái cách sống bờ sống bụi đó quả là có khó khăn, nhất là cho cô gái,” tôi nói.

Ông bạn tiếp lời:

“Đồng ý. Đàn ông bọn mình thì không sao. Khi đi lính trước kia, nhiều lần quân liên miên nhiều ngày, không tắm rửa mà có sao đâu. Nhưng phụ nữ thì không thế. Một ngày họ không tắm thì còn ra cái gì nữa! Mà trông cô gái khi nãy moa đâu thấy có có vẽ gì gọi là ...bầy hầy.”
“Anh quan sát cô ta hơi quá kỹ đó nhá. Khi nãy tôi thấy thấy anh cứ nghiêng đầu anh về phía cô ta, mũi thì luôn động đậy. Bộ anh muốn....?” tôi hỏi lại.

Ông ta nói giọng khẳng định:

“Thằng đàn ông nào ngồi gần gái đẹp mà... không hít? Nhưng cô ta không dùng nước hoa mới lạ chứ lị.”
“ Người thơm sẵn thì cần chi nước bông,”

Tôi nói như để chấm dứt câu chuyện. Nhưng anh bạn cũng cố gỡ gạc một câu:

“ Cô nường đó dáng người Á Đông, tay chân dài. Nếu cô ta khoát một áo xường xám vào thì Jennifer Jones vai nữ bác sĩ Hàn Tố Ân (Han Suyin) trong phim Tình Yêu Muôn Màu  (Love Is a Many Splendored Thing)  phải buồn thiu, buồn chảy ngay!”

Độ mươi hôm sau, đi ngang khu đất hoang đó một buổi gần giữa trưa, tôi thấy của rào mở toang, bên trong có một người đàn ông đang gom cỏ thành từng đống. Tận cùng ở góc bên trái của khu đất vừa được dọn trống, có cái lều loại cắm trại, dùng cho một người, và một cái nệm hơi loại nhỏ. Gần bên lổm ngổm vài ba chai nhựa, bình sữa rỗng, một cái lò cồn, hàng chục lon thịt hộp, rau cải hộp, cái rỗng, cái còn nguyên. Muốn xem kỹ hơn, tôi xin phép bước vào. Đến nơi thấy hàng đống báo cũ, báo hàng ngày, báo hàng tuần, giấy vụn có đầy chữ viết vò thành từng cục. Thức ăn thì vứt đó đây như để nhử chim chóc.

Tôi hỏi người cắt cỏ về chủ nhân của cái lều vải và tấm nệm đó. Ông ta nói cả hai là sinh viên, một Nam Mỹ, một Đài Loan. Chàng muốn học tiếng Đài Loan, nàng học tiếng Mễ. Họ kết họp nhau thành đôi nghiên cứu sinh cùng nhau đi tìm tài liệu sống cho luận án “Ành hưởng của Tiến hóa đối với Nhân Chủng học thế kỷ 21.”

“Ông biết rõ họ?” tôi hỏi.
“Hôm kia tôi đến cắt cỏ, tôi có nói chuyện với cả hai.  Họ nói sẽ đi Trung Hoa, Tây Tạng rồi một vài nước Nam Mỹ tìm hiểu về dân tộc Inca.”
“Sao họ không thuê phòng ở motel mà lại sống trong khu đất hoang này?”
“Họ thích gần thiên nhiên, tự do như gió. Cũng để tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy đó thôi,” ông ta nói một cách rất tự nhiên.
“Nay họ ở đâu?”
“Họ rời đây hôm kia. Chỉ biết thế thôi. Trước khi đi cả hai có đưa tôi chút tiền, nhờ tôi thu dọn ba thứ linh tinh họ bỏ lại.”

Tôi bước ra khỏi khu đất đó, nhìn bóng mình nhểu xuống bàn chân thì biết mặt trời đang qua đỉnh đầu. Đó là giờ thủy thủ ngày xưa khi đi biển là giờ phải xác định vị trí con tàu của mình trong cái mênh mông của trời đất.  Không biết giờ này đôi bạn trẻ kia có nhớ định vị biết mình ở đâu, hay đã tạm “chấm dứt máy lái” ở một khu vườn hoang nào rồi cũng không biết nữa!

Tiểu Đĩnh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012