SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Truyện ngắn căn cứ 60% vào sự thật:

MỘT NGÀY CỦA KIM

Vương Đằng

Mùa hè năm nay không nóng lắm bởi vì có nhiều áp thấp nhiệt đới và thỉnh thoảng chịu ảnh hưởng của mưa bão từ miền Nam kéo lên hay biển Đông kéo vô.  Trong một làng tương đối đông dân thuộc thành phố Hồ Chí Minh, một ngày của Kim, xuất thân từ một cô nhi viện ở Thủ Đức, bắt đầu vào 4 rưỡi sáng.  Như thường lệ, sau khi súc miệng sơ sài, Kim nhìn hai đứa con thơ-bé Gái 4 tuổi và cu Tý 22 tháng-trong cái mùng vá víu trên đi-văn xập xệ đang chơi vơi trong giấc mộng trẻ con nhà nghèo với chén cơm đầy thịt cá, những đồ chơi và áo quần mới... Kim thở dài rồi rón rén mở cửa, nhẹ nhàng dẫn chiếc xe đạp cũ rích ra khỏi căn nhà tồi tàn.

Trời mờ sương.  Đường im vắng.  Thay vì tỉnh táo, hăng hái như những sáng trước đây, hôm nay Kim mệt mỏi đạp xe bởi vì đêm qua, Kim không được một giấc ngủ ngon:  Thằng chồng tên Đức, thường say xỉn và thiếu trách nhiệm với gia đình, đã vồ Kim như con cọp đói rồi bỏ lững nửa chừng khi ma men xâm chiếm trọn vẹn châu thân và trí óc của hắn. Từ nhà Kim nằm miết ở cuối hẻm đường làng ra đến khu vực có thể gom rác hơn cây số.  Mỗi ngày, lợi dụng hai con còn ngủ, Kim đạp xe một mình đi kiếm ăn cho đến khoảng 6 giở rưởi thì Kim ghé chợ chổm hổm để mua bậy bạ vài ba món để nấu hai bữa cơm chỉ cho ba mẹ con mà thôi bởi vì thằng chồng hầu như không ăn cơm nhà; mỗi ngày làm tiếp viên xe buýt hắn ăn uống hay nhậu nhẹt ngoài đường.  Và Kim không quên mua ba món mỗi ngày mỗi khác nhau trong số khoai lang nấu, bắp nấu, xôi, bánh tét, bánh ú, bánh mì ngọt, bánh bò, v.v., cho bữa ăn sáng của ba mẹ con.  Thằng cu Tý dù chưa đầy 2 tuổi cũng đã bị dứt sữa vì Kim ốm yếu, thiếu ăn nên hai bầu vú đã cạn khô và không tiền để mua sữa bình nên Kim chỉ cho con ăn cháo hay bất cứ món gì mà nó có thể nhai và nuốt được.
Vừa về gần nhà, Kim đã nghe tiếng khóc re ré của cu Tý; Kim vội vã dựng xe áp vách cửa trước, mở cửa chạy vô nhà và đến bồng cu Tý lên và dỗ dành ngọng nghệu:

- Nín!  Nín!  Nín! Má thương!  Má có mua bánh mì ngọt bơ sữa hột gà cho con nữa!

Nghe đến món ăn ưa thích, cu Tý ngưng khóc liền và bập bẹ:

- Đâu?  Đâu?

Kim bỏ cu Tý xuống, chạy ra cửa, lấy bọc đồ mới mua đem vô để ngay dưới đất, ngồi xuống lựa được liền cái bánh mì ngọt mềm mềm và đưa cho cu Tý đang ngồi bệt dưới đất như con chó chực xương. Nó đút bánh vô miệng, giựt đứt  phần đầu và miệng nhai lia lịa như thằng bé Châu Phi đói bụng ba ngày.
Thấy em có phần ăn, bé Gái bắt đầu nhăn nhăn hỏi mẹ:

- Con đâu?

Kim tiếp tục lục bọc đồ, lấy ra khoai lang và bắp nấu để trên cái bàn long chân, thấp chũm và nói:

- Mầy muốn ăn gì thì ăn!

Bé Gái lấy một trái bắp và củ khoai lang trắng mập.  Kim lột vỏ trái bắp và củ khoai lang bí.  Rồi hai mẹ con ngồi trên ghế đẩu ăn ngon lành như được đi Á Đông tửu lầu lần đầu tiên...

oOo

Mười giờ bốn mươi lăm sáng. Tiếng hát trầm ấm Sĩ Phú với bài “Bến Cũ” của Anh Việt chan hòa trong không gian. Trời mát mẻ, không nắng, gió thoang thoảng mùi thơm. Thím Tương—chủ cửa hàng bán sách và dụng cụ văn phòng ở Đà Lạt, xuống Sài Gòn trước để sáng mai dự đám cưới thằng cháu kêu bằng cô ruột, con của người anh thứ ba—đang đứng trong vườn căn nhà lầu của đứa em út để ngắm mấy chậu hoa lài, nguyệt quế, mai chiếm thủy và xương rồng bát tiên thì bỗng nghe tiếng con nít la thét hoảng hốt ở ngoài cổng rào; thím nhanh nhẹn chạy ra mở cổng để xem chuyện gì đang xảy ra.  Thì ra:  Một con chó hoang từ đâu đó chạy tới, táp vô miếng bánh mì ngọt trên tay của cu Tý khiến nó và bé Gái kinh sợ, ré lên như bị ma chụp; rất may con chó không táp trúng ngón tay của thằng cu và nó đã chạy mất khi Kim bỏ thùng rác vừa đuổi hét vừa chạy như tên bắn đến hai con. 

Thím Tương nhìn kỹ ba mẹ con ăn mặc vừa nghèo nàn lẫn hơi chướng mắt.  Người mẹ thì đen thui như người sắc tộc Khmer, tong teo, thấp lè tè, tóc cột sau ót, mặc chiếc áo đỏ chói chang và chiếc quần rộng thùng thình dài chấm đất-có lẽ của ai đó cho hay lượm được từ thùng rác nào đó, chân mang dép lẹp xẹp, đầu đội nón vải màu trắng.  Trắng hơn mẹ một chút nhưng cũng như cây tăm, đứa bé gái độ 4 tuổi mặc chiếc áo đầm cũ cũng màu đỏ chói lói như mẹ, đầu đội nón bông đỏ, đi chân không.  Còn thằng bé ốm nhom, mặc bộ đồ con gái màu trắng lẫn hoa hồng, quần ngắn, đầu đội nón nhỏ màu hồng tím lẫn vệt đen, chẳng mang giày dép gì cả.
Động lòng trắc ẩn, thím Tương hỏi:

- Cháu nó có bị gì không?

Kim trả lời liền:

- Không sao, con chó chỉ giựt bánh rồi chạy.  Hôm nay hên, không bị cắn.

Thím Tương cảm thấy ái ngại nên hỏi tiếp:

- Sao cháu đem hai con theo?  Không gởi ai được sao?

Kim thở ra, trả lời lí nhí:

- Chồng cháu đi làm, có nhiều bà con bên chồng ở kế bên nhưng không ai chịu cho gởi.  Ông già chồng chết vợ cũng không luôn vì ổng thích rảnh rỗi cỡi Hông-đa đi uống cà phê, nhậu nhẹt hay...

- Chồng cháu làm nghề gì, không đủ tiền lo cho gia đình hay sao mà để cháu đi lượm rác với hai con như vậy?  Nguy hiểm và hại sức khỏe của hai cháu lắm.

Bấy giờ, như trúng mối thương tâm giấu giếm trong lòng từ lâu, Kim nghẹn ngào, nước mắt như sắp ứa ra:

- Ảnh đi làm kiếm mỗi tháng cũng được bốn năm triệu, nhưng mỗi tháng nhiều nhứt là đưa cháu chỉ ba trăm ngàn, còn bao nhiêu thì ăn xài, nhậu nhẹt ngoài đường. Có khi ảnh còn...

Lắng nghe câu chuyện giữa hai người lớn từ nãy giờ, bé Gái xía vô:

- Ba say, còn đánh má nữa!

Thím Tương không thể giữ nổi miệng mình:

- Trời!

Trong khi thím Tương chưa hết cơn xúc động thì Kim bảo hai con:

- Chào bà đi con!

Bé Gái khoanh tay chào bà.  Cu Tý chưa hoàn toàn tỉnh hồn sau khi bị con
chó giựt mất cái bánh ngọt nên nó vẫn còn ôm chân mẹ chưa muốn rời ra và đầu gục xuống.  Kim nắm hai tay của cu Tý, đẩy nhẹ cu Tý ra và vỗ về:

- Con chó chạy mất rồi!  Hổng sợ nữa!  Vòng tay, cúi đầu ạ bà đi con!.

Như cảm thấy an tâm, bấy giờ cu Tý mới ngước lên nhìn thím Tương.  Kim dịu dàng nhắc nhở:

- Ạ bà đi con!

Cu Tý chấp hai tay dưới bụng, khòm đầu xuống và phát âm lọng ngọng:

- Ạ!

Thím Tương thấy thương ba mẹ con đứt ruột.  Trong xã hội hiện tại, bà già, ông già, đàn bà, con nít đi gom rác đủ loại để kiếm sống nhan nhản khắp nơi từ thành phố xuống làng quê; nhưng chưa bao giờ thím chứng kiến cảnh một mẹ đem hai con thơ theo trong khi bươi thùng rác và có lẽ đây là một trường hợp đặc biệt mà thím cảm thấy không thể làm ngơ.  Thím nói lớn:

- Cháu chờ bác chút nha!
- Dạ.

Thím chạy mau vô nhà, lục lọi, rồi mang ra cổng một bọc ny-lông trong đó có ba gói bánh lạc AFC, ba gói bánh ngọt Choco-Pie và ba cây chả lụa nho nhỏ mà thím và chồng đã mua theo để ăn dọc đường, rồi âu yếm nói với Kim:

- Cháu giữ lấy cho các cháu nha!

Kim cảm thấy xúc động trước tấm lòng của thím Tương, đưa hai tay nhận lấy bọc quà và cúi đầu:

- Cám ơn bác!  Cám ơn bác!

Thím Tương vẫn chưa thỏa mãn với điều mình đã làm, nên thím hỏi thêm:

- Mỗi ngày đi như thế nầy, cháu kiếm được bao nhiêu?
- Nếu trời không mưa thì cháu kiếm được ba bốn chục ngàn.  Bữa nào trời mưa thì cháu chỉ có thể đi gom sáng sớm hay buổi trưa không có hai cháu đi theo.  Vậy mà thằng cu Tý lâu lâu cũng bịnh.  Nó mới nhập viện 3 ngày cách đây hai tuần.

- Cháu gái có đi học chưa?
- Chưa!
- Sao không cho nó đi học mẫu giáo?
- Cháu có đem đến trường, nhưng họ bắt cháu phải đóng tiền vì theo gia cảnh, chồng cháu có công ăn việc làm đàng hoàng. 

- Cháu có đem hoàn cảnh của cháu trình bày với làng xã và hội phụ nữ để họ giúp đỡ hay bắt buộc chồng cháu phải đưa tiền nuôi con không?

- Có chớ!  Nhưng họ cứ hẹn lần, hẹn hoài dù đã ba năm nay chồng cháu vô trách nhiệm và thỉnh thoảng còn say sưa đánh đập cháu.  Riết rồi cháu phải tự mưu sinh như thế nầy.

- Cháu có cầu cứu với gia đình chồng không?
- Xin bác đừng nhắc tới họ!  Gởi con để đi kiếm sống mà họ còn từ chối dù chỉ gởi khi trời mưa lớn thì hết nước nói!  

Thím Tương chau mày, tỏ ý phẫn nộ với gia đình bên chồng, nhứt là ông già
chồng chết vợ không thương cháu nội mà chỉ biết sống theo ý mình theo lời của Ngọc đã nói ban nãy.  Thím nghĩ mình phải làm thêm gì để giúp ba mẹ con khốn khổ nầy nên hỏi:

- Nhà cháu ở gần đây không?
- Thưa bác gần đây!

Thím Tương nghĩ bụng mình nên đến nhà để biết thực hư và nhân tiện gặp ông già chồng của Kim nói vài câu xem sao, bởi thế thím hỏi Kim:

- Vậy bác đi theo cháu đến nhà liền bây giờ được không?
- Dạ được!
- Vậy cháu chờ để bác vô lấy xe đi nha!
- Dạ!

Thím Tương đi vô nhà gặp đứa em út và mượn chiếc Honda của nó.  Tế dẫn xe ra ngoài cổng, giao cho chị và hỏi:

- Chị đi chừng nào về?
- Chừng một tiếng thôi!
- Về ăn trưa nghe chị! Tụi em chờ!
- Ừ!

Tế trở vô, khóa cổng trong khi Kim lấy chiếc xe đạp, đầy nhóc bìa cạc-tông và giỏ đựng lon chai và đủ thứ linh tinh, nắm tay cu Tý đến bên xe; Ngọc đưa chân trái lên và lòn qua bên kia, tay mặt cầm ghi-đông rồi kêu bé Gái phụ ẵm thằng cu Tý lên cho Kim bồng nó bằng tay trái của mình.  Rồi bé Gái tự động leo lên yên sau, hai tay ôm lưng mẹ nó.  Và Kim bắt đầu đạp xe tiến tới. Thím Tương nhìn thấy cảnh đó không thể nào cầm được giọt mắt:  “Trời ơi!  Xuống đây mà coi! Sao khổ vậy?  Sao người ta có thể để cảnh nầy tiếp tục bấy lây nay?”…

Trời nắng hừng hực khi thím Tương đến nhà của Kim-giống như một chiếc hộp thiếc hình chữ nhựt khổng lồ được lợp và che với những tấm tôn, cạc-tông, phên tre, và đôi tấm bạt vải ka-ky và ny-lông.  Kim mời thím Tương vào nhà và rót nước trong chai vào cái ly nhựa mời thím uống.  Tuy cảm thấy ngài ngại, nhưng thím cũng uống hết phân nửa vì một phần cũng khát nước và một phần thím e Kim tủi thân. Trẻ con bên chồng của Kim thấy khách lạ nên tò mò, chạy đến, đứng bu ngoài cửa khiến Kim phải xua tay đuổi:

- Đâu có gì để mà coi!  Về đi! 

Bọn trẻ bấy giờ mới tản đi.  Kim hỏi vói theo một đứa lớn:

- Ông nội có nhà không?  Mời ổng qua đây có khách!

Thằng bé trả lời:

- Hổng có!  Ổng đi từ sáng đến giờ!

Thím Tương hơi nóng ruột trong khi ngồi chờ thêm một chút nữa. Chỉ trong mười phút ngồi trong nhà Kim mà thím Tương đã đổ mồ hôi hột.  Thím không có đem khăn ướt theo nên đành phải lấy tay quẹt trán cho mồ hôi nhểu xuống nền đất.  Thấy khó thể chờ lâu trong không khí quá nóng nực, một phẩn vì thím Tương quen khí hậu Đà Lạt mát lạnh, một phẩn không biết chừng nào ông già chồng của Kim về nên thím Tương móc túi quần lấy tờ giấy năm trăm ngàn dúi vào tay của Kim rồi hai bàn tay thím nắm hai bàn tay của Kim, bóp bóp nhiều lần như san sẻ thương yêu và thông cảm cho một người bất hạnh như Kim:

- Cháu cho bác số điện thoại và địa chỉ để bác liên hệ trong tương lai!

Ngọc đi kiếm viết và xé tờ giấy lịch để viết địa chỉ mà không có số điện thoại bởi vì nhà Kim không có điện thoại bàn trong khi chồng có số di động nhưng cấm vợ không được quyền cho bất cứ ai.  Viết xong thì Kim xếp tờ giấy lại và đưa cho thím Tương.  Thím mở ra, liếc qua, không thấy số điện thoại nhưng ngại hỏi vì sợ Kim tủi phận mình.

oOo

Một giờ bốn mươi lăm.  Trời vẫn nắng chói.  Kim rời nhà khi hai con thơ ngủ trong mơ dưới mái tôn đổ lửa.  Chiếc xe đạp như con ngựa già gồng gánh hai bao tải đồ nhựa to tướng và chục tấm cạc-tông ở yên sau và năm sáu bọc để, treo tòn ten ở phía trước.  Dưới ánh nắng gay gắt ban trưa và với sức nặng cơ thể chỉ non 40 ký, Kim toát mồ hôi đạp xe, nhắm hướng chỗ thu mua vật liệu phế thải quen thuộc trong làng nằm bên kia quốc lộ.  Quang cảnh chung quanh và mọi người trên đường vẫn như mọi ngày—chỗ ít người thì tiếng xe nghe rõ hơn; nơi đông đảo quán tiệm thì đủ mọi xáo động, âm nhạc ồn ào—dường như chẳng mấy người để ý đến Kim và Kim cũng chẳng quan tâm đến ai mà chỉ cắm đầu đạp xe cho mau đến nơi để rồi trở về nhà trước khi cu Tý thức dậy khóc sưng mắt khiến bịnh sưng cuống phổi của nó có thể tái phát.  Mười lăm phút sau thì Kim đến nơi.

Đây là một căn nhà tường rong rêu, mái ngói âm dương được cất ít nhứt 30 năm trước; tuy nhiên nó có cổng rộng để xe tải vào được và chiều dài khoảng 40 thước, chứa đủ thứ vật liệu phế thải khiến mùi hôi gây khó chịu cho những ai không quen nghề móc bọc, lượm rác.

Kim è ạch dẫn xe vô trong sân.  Hôm nay Thứ Bảy và vào giờ trưa nầy, chỉ có một người đến trước Kim.  Năm phút sau thì đến lượt Kim. Người ta cân, đếm,  biên, tính rồi trả cho Kim 63 ngàn đồng.  Kim ràng mấy cái bao tải và ny-lông đằng yên sau rồi lẹ làng đẩy xe ra cổng.

Bầu trời thay đổi đột ngột.  Mây đen vần vũ.  Gió hiu hiu.  Kim lính quýnh nhảy lên xe vì sợ cơn mưa ập tới. Nhưng khi vừa gần đến ngã tư thì một hai hột mưa bắt đầu rớt lên lưng Kim.  Vì ỉ y trời nắng tốt, Kim đã không đem theo áo mưa nên cứ tiếp tục đạp xe. Cảnh dọc quốc lộ nhốn nháo, người thì ngừng xe máy hay xe đạp để mặc áo mưa, người thì tăng tốc độ để mau về nhà.  Tiếng kêu réo và kèn xe inh ỏi.  Kim tìm cách đạp băng qua quốc lộ một cách vội vã và nguy hiểm dưới cơn mưa nặng hột làm áo quần Kim gần như ướt hết.  Khi Kim băng qua được bên kia đường thì những giọt mưa rào tuôn xối xả, làm mờ mắt Kim. 

Về đến nhà thì Kim ướt như con chuột lột.  Kim bỏ xe áp vách trước rồi mở lẹ cửa khi nghe tiếng cu Tý bắt đầu khóc đòi mẹ.

oOo

Chín giờ rưỡi tối.  Bé Gái và cu Tý mới ngủ.  Với số tiền của thím Tương, Kim đang nằm trên giường, dự định sẽ mua cho hai con mỗi đứa một đôi dép và trả nợ bạc mười phân cho chị Năm Bình, thuộc xã hội đen, tiền mượn gấp khi cu Tý nhập viện hai tuần trước.  Đang chợp mắt, Kim nghe tiếng gõ cửa dồn dập của chồng.  Kim nghĩ bụng:  “Chắc xỉn rồi!”.  Rồi tung mùng, bật đèn nê-ông nhỏ, đi ra mở cửa.  Áo xốc xếch, Đức loạng choạng bước vô, miệng nồng nực mùi rượu.  Chưa kịp nói gì thì Đức đã lè nhè:

- Tiền đâu?  Đưa tao ba trăm coi!

Kim chối đây đẩy:

- Làm gì có tiền!
- Xạo!

Và hắn cung tay, hăm he:

- Tao đánh chết ông nội mầy bây giờ!
- Em chỉ có sáu mươi ba ngàn mới bán đồ thôi! Còn phải ăn uống, đi chợ ngày mai.

- Xạo ke! 
- Thiệt mà!
- Vậy chớ tiền con mẹ nào cho mầy trưa nay đâu?

Thì ra ai đó bên chồng của Kim đã báo cáo.  Biết không thể dấu thằng chồng vô trách nhiệm đang say, Kim đành phải kiếm cớ khác:

- Em đem trả nợ cho chị Năm rồi!
- Con c..!  Nói dóc!

 Đức hùng hổ sấn tới.  Kim lui ba bước, cố gắng tìm cách nói cho chồng tin:

- Thiệt mà!  Hổng tin mai anh đi hỏi chị Năm đi!

  Lắc lắc cái đầu, Đức gằn giọng:

- Muốn chết phải không con?

 Kim chấp tay vái chồng:

- Em lạy anh!  Thiếu nợ xã hội đen, có tiền thì lo trả liền để mỗi ngày khỏi phải trả tiền lời cao.  Anh không tin; em xin thề...

- Thề cái thằng cha mầy! không đưa, tao giết mầy bây giờ!

Nói hết câu, không đợi phản ứng của Kim, Đức nhảy xổ tới.  Kim xoay người chạy ra sau, nhưng bị túm lại ở cửa.  Hai vợ chồng giằng co.  Kim cố vùng vẫy trong khi cu Tý và bé Gái hoảng hồn thức dậy và khóc vang nhà.  Hai bàn tay   to bành của Đức đã xoắn vòng quanh cổ của Kim:

- Đưa không?  Đưa không? Chịu đưa không?...

Càng nói hai bàn tay của Đức càng siết vô khiến Kim gần như nghẹt thở.  Bấy giờ, Kim phải gật gật cái đầu tỏ ý đầu hàng.  Đức buông bàn tay mặt ở cổ Kim để chụp lấy tay trái của vợ; rồi đi vòng ra sau lưng Kim.  Bàn tay mặt vẫn còn ở cổ Kim và tay trái ở tay trái Kim, Đức hỏi vợ:

- Giấu ở đâu?

Kim mếu máo:

- Ở dưới bếp.

Đức đẩy vợ đi tới chỗ giấu tiền.  Kim ngồi xuống, dùng tay mặt bươi trong bọc ny-lông lớn và lấy ra bọc xốp nhỏ màu đen đưa lên.  Tay mặt Đức chụp liền, bóp bóp để chắc có tiền bên trong không rồi mới mở bọc.  Khi Đức thấy được tờ năm trăm ngàn đồng xếp làm tư thì hắn mới buông tay mặt của mình từ cổ của Kim rồi chạy vội ra cửa trước mặc kệ bé Gái khóc thút thít, cu Tý kêu mẹ vang rân và Kim, tóc tai rũ rượi, ngồi ôm đầu khóc rống.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012