SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Qua rồi cái thuở...

Vào cái thời tui còn bé - khoảng năm một ngàn chín trăm... lâu lắm rồi - gần như mọi gia đình tầm tầm trung bình cũng đều được hưởng đầy lộc phúc trời ban.  Cho nên, ít thì có năm bảy đứa con mà nhiều thì chín mười hay cả một tiểu đội dư để đếm... “phước”.   Thường là ông bố làm việc vất vả, xoay xở tận lực để kiếm tiền nuôi ăn cho bày con còn chưa đủ no, có đâu thêm chuyện se sua này nọ.  Bà mẹ thì nghiễm nhiên phải ở nhà lo trăm bề trong ngoài, trên dưới với số tiền giới hạn mà ông bố giao cho mỗi ngày hoặc mỗi tháng.  May thì ông giao cho gần trọn vẹn.  Chẳng may bị ông cắt xén, chia bớt đầu này đầu nọ thì chỉ cho vừa vặn đủ mua gạo rau, mắm muối, tương chao đắp đổi qua ngày.  Còn lại những chuyện linh tinh cần thiết khác thì đều nhờ vào tài tháo vát, bóc ngắn cắn dài, vặt đầu cá vá đầu tôm của bà mẹ ở nhà mà thôi.

Đương nhiên bày con nheo nhóc cũng phải tuân theo cái định luật bất di bất dịch “khéo ăn thì no, khóe co thì ấm”, hay “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” đó.  Và tui là một trong những đứa con chẳng may rơi vào cái “Thế Chiến Quốc...” này, nên đành miễn cưỡng chấp nhận trạng huống “ở vào thời thế, thế thời phải thế” vậy.

oOo

Thuở ấy tui cũng vừa choai choai.  Nghĩa là đúng cái tuổi để biết ngắm nghía đầu cổ, tóc tai và quần áo của mình trong gương, để biết đau khổ khi thấy dẫu có đến 36 con giáp thì mình cũng vẫn chưa kịp giống con nào.  Lại thêm xui xẻo làm sao, cứ đứng xếp hàng một thì tui tới số thứ ba lận, sau hai bà chị gái và trên một đám nhóc toàn con trai.  Phải chi tui được đổi “hệ” làm con trai đứng đầu nhóm tụi nó thì quần áo của tui đã hoàn toàn đổi kiểu và may mới rồi.  Bây giờ thì tui chỉ thừa hưởng những gì đã trải qua hai đời từ tay bà chị Hai, xuống bà chị Ba rồi mới tới tui.  Tức là rất chính xác và đúng nghĩa với hai chữ “secondhand” mà con tui - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tiếng Việt ăn đong chưa lửng bụng - dịch là “quần áo hai tay”.

Dĩ nhiên tui bất bình, tui chống đối, tui phản kháng... ngấm ngầm.  Ai đời trong lúc mấy đứa con gái cùng lớp với tui đều mặc áo dài trắng bóc, thướt tha ôm sát eo ếch, quần lãnh sa ten bóng láng, cắt vừa vặn bó khít rịt cái lưng còn ngay đon với đôi mông mới nhấp nhô của tuổi nhổ giò.  Thì tui - vốn tự hào có dáng dấp “cây sậy” thông thái của Pascal - phải trùm cái áo dài thênh thang y như áo chùng của mấy bà phước đã đổi từ màu trắng sang ngà ngà từ thuở nào và cái quần rộng rinh như cái cũng bùng rền, có thể dấu mấy quyển vở vào lưng cũng không ai hay.  Khóc lóc, cự nự, than phiền thì mẹ tui phán rằng: “Chờ khi mẹ bán con heo vào mùa tựu trường sang năm rồi sẽ may áo mới cho”.  Bây giờ hình như niên học vừa mới bắt đầu được vài hôm!  Và tui chờ...

Bao năm qua, một bày chị em tui đi học nhờ vào trường công lập, không tốn một đồng xu nhỏ.  Còn lại áo quần, sách vở, bút nghiên đều trông cậy vào con heo mẹ tui nuôi bằng cơm thừa cá cặn trong cả một năm trời và chỉ bán vào dịp khai trường đầu niên học để sắm sửa.  Thường thì tiền bán heo chỉ vừa vặn trang trải những thứ tối cần thiết, những thứ chẳng đặng đừng.  Còn thì áo quần, giầy dép, bút vở, cặp sách... thải xuống theo hàng dọc với điều kiện bắt buộc là đứa nào xài được thì khỏi phải sắm cái mới.  Đây là luật lệ bất thành văn mà con nhà nghèo nào cũng phải tuân theo.

Năm đó tui lãnh phần thưởng xuất sắc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm lận.  Tui vốn nổi tiếng học giỏi nhứt trường rồi bây giờ càng nổi tiếng hơn lên.  Đích thân thầy cô và Hiệu trưởng gặp Bố tui mà ca ngợi con ổng quá chừng quá đỗi làm ổng cũng phổng mũi, rồi bạn bè tâng bốc xã giao thêm làm ổng càng hãnh diện.  Bố tui về kể hết cho mẹ tui nghe.  Mẹ tui xem bề khoái chí, hả hê lắm.  Bà tự hào tui thông minh giống bà nên quyết định phá luật và may cho tui một bộ áo dài và quần tây mới cho theo... kịp chúng bạn.

Kể cũng tội.  Mẹ tui tối ngày ngồi cặm cụi vá vá, sửa sửa, cắt cắt, may may quần áo cho một bày chín mười đứa con bên cái máy may hiệu Singer cũ xì cũ rích từ hồi Tây rút về nước để quên lại.  Chiếc máy may loại này có một bàn đạp nặng nề và to tổ chảng ở dưới chân, được nối liền bởi một cần sắt với bánh xe cũng bằng sắt to gần bằng bánh xe đạp.  Rồi bánh xe này lại nối với một bánh xe nhỏ ở đầu máy bên trên bằng một sợi dây da bò lớn bằng nửa ngón tay út để kéo cho nguyên dàn máy chạy tới hay lùi.  Mỗi lần đạp hết hơi hết sức thì đầu máy vừa to vừa thô kệch bên trên mới chạy cà rịt cà tang và đan những mũi kim chỉ vào miếng vải mỏng manh đặt dưới cái chân vịt xấu xí, rỉ sét.  Đạp không đủ sức thì mũi kim cứ nằm ì ra đó, mà ráng quá độ thì sợi dây da đứt phực ngay chỗ nối như chơi.  Đây là sản phẩm đặc sắc do Bố tui mang về từ một người bạn của ông đã thải ra sau khi mua được cái máy may hiện đại hơn. 

Mỗi khi mẹ tui bày ra may cắt cái gì mới mẻ cho đứa nào thì công việc tối ư trọng đại của đứa đó là ngồi kề cạnh bên mẹ để mè nheo, thương lượng, bàn thảo, khiếu nại, cò kè bớt một thêm hai... sao cho cái áo hay cái quần đó hợp ý mình, hợp thời trang.  Đầu tiên là nài nỉ:

“Mẹ cho chỗ này nhỏ lại chút nữa đi.”  Rồi tới yêu sách:
“Mẹ, con muốn chỗ kia ngắn hơn, chỗ nọ dài hơn.”
“Mẹ, con thích cổ khoét rộng ra hơn nữa cơ.”

...v.. v… Và mười lần như một mẹ tui trả lời:

“Được rồi cứ để mẹ tính cho.”

Rồi thước tấc rộng hẹp, dài ngắn, to nhỏ gì bà đã có sẵn trong đầu, bà cứ thế mà làm.  Kết quả là thế nào cũng có đứa khóc thút thít hay mặt xụ một đống như đưa đám và cự nự, trách móc, than phiền mẹ may không đúng ý mình.  Kết quả là, nhẹ thì bị mẹ bố cho một trận, đại khái như:

“Tụi bay ngủ đêm tới sáng là cao ngồng như cây tre miễu, dài ngoằng như ngọn rau muống ngo ngoe đầu mùa nước ngập.  May vừa vặn rồi mai mốt lên cao tới đầu gối coi sao được?” 

Hay:

“May bó sát rồi vài bữa mập ra thì tiền đâu mà may cái mới?” 

Hoặc:

“May rộng một tí thì tới phiên em mày nó lớn như thổi may ra mới còn mặc được chứ.” 

Nặng thì bị đòn nếu cứ tiếp tục khóc lóc, giận dỗi, bỏ ăn... Cuối cùng đứa nào cũng phải nghe những lời than vãn muôn thuở của mẹ mà tụi tui đều nhớ không thiếu một chữ:

“Thiệt là một bày ăn chưa no, lo chưa tới, chỉ biết đòi hỏi thôi.  Chẳng đứa nào hiểu cái khổ của cha mẹ hết.”

Rồi bà kết luận:

“Tụi bay là một lũ “con nhà lính tính nhà quan” mà.  Khổ hết sức là khổ.”

Thiệt tình lúc đó cái khổ của mẹ tui ra sao đố đứa nào biết.  Chỉ biết là cái áo hay cái quần mẹ may xong mặc lên thì cái khổ của tụi tui nó chồng chất, nó ứ đọng lâu dài đến não nề.  Tự thấy mình không giống ai hết.  Co eo thì mất tiệt.  Vóc dáng giống như cây chuối hột sau hè.  Tiêu biểu là cái áo dài mới nhứt của tui - do sự học giỏi tột cùng mà có được - mặc lên vào đầu niên học mới trông tui cứ dài thậm thượt, thướt tha, yểu điệu thục nữ, mười phần giống mấy ni cô mặc áo thụng hết chín.  Trong khi đó thì đám bạn tui nó đã chạy theo mốt mới, vạt áo ngắn cũn cỡn tới đầu gối rồi.  Còn chiếc quần tây của tui trông mới càng thảm hại hơn.  Sau khi tốn hết nước bọt để van xin mẹ bơn bớt vải đi cho tui nhờ, thì nó vẫn còn rộng thùng thình thùng thà và dài lê thê phết gót.  Lũ bạn ghẹo tui:

“Chiếc quần của mày may được hai cái quần của tụi tao rồi.” 

Mà thiệt vậy, mắc gì mà đúng lúc đó thiên hạ lại điên khùng đổi kiểu quần tây đang dài và rộng tênh bỗng trở nên bó rọ, ôm mông, ôm đùi và ngắn tới nửa ống quyển hết ráo.  Tui chỉ còn nước tự an ủi là nếu mình mà mặc quần ống chẽn như vậy thì chắc chắn hai cái chân tui trông nó giống như hai que củi khô hay hai cẳng gà giò ốm yếu thôi.  Đẹp đẽ gì mà ham.

Mẹ tui chưa kịp hết chuyện nhức đầu với đám con gái thì lại quàng thêm chuyện chộn rộn của lũ con trai.  Càng lớn chúng càng biết phấn đấu quyết liệt cho cái quyền ăn mặc theo thời theo mốt một cách chí thiết hơn cả đám con gái.  Thật là một nhóm giặc chòm nhốn nháo nhộn nhạo vây quanh mẹ tui để càm ràm mỗi khi bà may quần áo cho chúng.   Đứa này cộng trừ, thêm bớt kích thước theo ý kiến riêng của mình.  Đứa kia vẽ vời, bày biện kiểu cọ mới lạ... Cho đến khi mẹ tui điên đầu lấy thước quơ cho tụi nó chạy tán loạn bà mới được yên thân.  

Tình cờ một hôm có ông cậu tui tới chơi, thấy tình cảnh hỗn loạn, gây cấn như vậy ổng động lòng thương thương đám cháu đang tuổi lỡ con nít lỡ người lớn, ổng bèn chêm vô khuyên mẹ tui một câu gọn bâng:

“Chị Ba à, hay là chị cứ may thật dài, thật rộng cho chúng đi, để rồi khi nào chúng lấy vợ thì mặc luôn thể cho tiện, chị khỏi phải may thêm cái khác.”

Nói xong cậu tui phóng một cái ào ra khỏi cửa trước khi kịp hứng cây thước to bảng mẹ dùng để đo vải vóc khi cắt may và cũng để đét vào mông tụi tui mỗi khi bà xử phạt.  Không biết việc may “trừ hao” của mẹ cho lũ con trai còn kéo dài tới khi nào nữa vì sau này tui đã đi học xa nhà rồi.

Từ phương xa xính vính chuyện học hành, quay quắt chuyện nơi ăn chốn ở vỏn vẹn trong số tiền học bổng nhỏ nhoi mỗi tháng, tui không còn thì giờ nghĩ đến chuyện đua đòi thời trang nữa.  Ai cho gì ăn cái nấy, lượm được cái gì mặc cái đó.  Ăn còn chưa đủ no lấy đâu se sua này nọ.   Lòng miên man ôm ấp giấc mộng “sau này ra trường có lương cao rồi sẽ...”  Những lúc thương thân tủi phận ngồi nhớ về con heo mỗi đầu mùa học của mẹ tui mà thấy cay xè con mắt.

Rồi từng đứa từng đứa em theo tui đi học xa.  Bỏ lại Bố Mẹ tui với căn nhà mênh mông cô quạnh, với chiếc máy may cũ rích, im lìm, buồn tênh.  Chúng tôi mang theo bên lòng những bộ quần áo “trừ hao” của mẹ, đủ để bao trùm ngày tháng tha hương cầu học gian nan.  Rồi chị Hai tui nhảy vào đúng lúc để làm đầu tàu mạnh mẽ, kiên trì kéo theo những chiếc toa nặng chình chịch trong suốt nhiều năm, nhiều nơi.  Đoàn tàu cứ thẳng một lèo mà chạy tới phía trước, không ngó ngang liếc dọc, không đua đòi thời thượng với ai.  Cứ thế chị em tui đàn đúm, dắt díu nhau vào đời. 

Ra trường mới 22 tuổi, chưa kịp xum xoe ăn mặc cho thỏa lòng mong đợi bấy lâu nay thì nghề nghiệp buộc tui phải làm ra vẻ đạo mạo, chững chạc nên cũng đành tạm làm “người lớn” để chờ thời.  Đùng một cái “trời đất nổi cơn gió bụi”.  Một nửa số dân tộc mang “nhiều nỗi truân chuyên”.  Chị em tui không khoác “chiến bào” mà khoác vào người những bộ quần áo may “trừ hao” quá khổ, lỗi thời của mẹ để ngụy trang hòng tìm đường lén lén lút lút ra biển.  Lần này mẹ đính thêm vào bâu áo, gấu quần những đồng tiền đô la Mỹ hoặc những khoen vàng nho nhỏ để cho đám con phòng thân.  Mẹ gửi chị em tui đi tìm đường sống qua ngõ chết.

Rồi cũng sống sót.  Bước chân lên đảo tui chỉ mặc vỏn vẹn có một bộ quần áo duy nhất của mẹ trên mình: chiếc áo nâu ngắn ráp tay cổ vuông bạc màu và chiếc quần bà ba đen rộng rinh cũ xì, cả hai đều bằng vải thung rẻ tiền.  Chẳng là tui đã giả dạng làm dân buôn bán ngược xuôi, chạy lên chạy xuống theo xe đò Sài gòn lục tỉnh để qua mặt Công an.  Thời may bất ngờ gặp lại vợ chồng người bạn đồng nghiệp cũ trên đảo, họ chạy đôn chạy đáo tìm được cho tui một cái áo sơ mi trắng và quần jean xanh giốt giốt, coi tạm vừa vặn được mắt để mặc lên đường đi định cư, cùng với chiếc giỏ bằng cói chưa kịp rách để tui chứa bộ đồ bất hủ của mẹ mà mang theo qua nửa vòng trái đất.  Đó là tất cả hành trang trên con đường thiên lý của tui.

Nơi xứ lạ quê người, áo đời tui xộc xuệch, rách tươm.  Không có mẹ vá víu giùm.  Không có mẹ may áo mới cho.  Một mình tui may mãi may hoài chiếc áo vẫn còn dang dở, kích thước vẫn chưa đủ dài phủ kín nắng sương đoạn trường, chưa đủ rộng để che nốt gót chân mòn mỏi phong ba bão táp phũ phàng, chưa đủ dầy cho ấm áp cõi lòng trong cơn buốt giá cuộc đời...

Lẩm rẩm rồi tui cũng có gia đình, có chồng con như người ta.  Những năm tháng con tui còn nhỏ, dường như tui mua lộn sữa voi hay sữa hưu cao cổ cho con tui uống hay sao đó mà nó cứ dài ngoằng ra thật nhanh chóng.  Cứ vài tháng là phải đổi cỡ của quần áo, giầy dép, nón niết...  Ôi thôi!  Hàng trăm thứ phải chạy theo cho kịp sức lớn của chúng đến bở hơi tai.  Ấy là mọi thứ đều được làm sẵn, chỉ vác tiền đi mua thôi mà tui đã chóng mặt, đuối sức, muốn chào thua giữa đường rồi.  Vậy mà mẹ tui ngày xưa phải ngồi may từng đường kim mũi chỉ bên sự nhằng nhện, cự nự của một bày con, bên ngân sách gia đình eo hẹp thiếu trước hụt sau!  Hỏi sao không bực chứ?  Bây giờ tui mới thấy được cái khổ của mẹ ngày đó.

Loay hoay chuyện nhà cửa, con cái, chuyện học hành, nghề nghiệp của mình thét rồi tui chẳng còn nhớ mình là ai, mình bao nhiêu tuổi nữa.  Cho đến khi con cái vào đời tui mới chợt thấy áo đời tui may cho con vẫn luôn luôn còn thiếu sót thước tấc, không đủ dài choàng tới con đường công danh sự nghiệp cho chúng, không đủ rộng để làm nền ấp ủ cho tương lai rực rỡ tui hằng mong mỏi.  Tui miệt mài may mãi mà vẫn chưa thấy mình giỏi bằng mẹ.  Vẫn chưa biết tính toán trừ hao chính xác tầm lớn của nhân sinh, tầm dài của thế sự.  Và rồi tuổi thanh xuân vuột qua mất hồi nào tui cũng không hay biết.

Tui chưa kể thêm là dọc theo suốt cuộc hành trình đầy gió bụi của đời tui, bao nhiêu ước vọng chạy theo thời trang tui chưa kịp thực hiện, chỉ mới nằm trong dự tính thôi thì đã bị ông xã kỳ đà cản mũi, dập tắt mất rồi.  Đại khái như khi tui vừa lăm le muốn sắm bộ nữ trang hột xoàn, cẩm thạch hay ngọc trai cho giống chị giống em, ông xã tui hăm he ngay:

“Bà sắm những thứ đó làm gì, chỉ tổ để chết tiền nằm một chỗ, mua mười khi cần chỉ bán được một”. 

Và thêm:

“Bộ bà muốn cho trộm cướp vào nhà hả?  Hay muốn bị giật của ngoài đường?”

Tình thiệt tui cũng hơi ớn cảnh “đầu không phải phải mang tai” nên xụi lơ mà nghe ấm ức óc ách.
Khi thấy tui hay chú ý đến chiếc xe BMW hay Mercedes thì ông vội trổ tài máy móc cơ khí của ổng ra ngay:

“Mua mấy loại xe đó khi bị hư sửa mắc tiền lắm, lại uống săng nhiều.  Có mua thì mua loại Toyota hay Honda vừa bền, vừa ít hao xăng và ít hư bậy.”

Ai không biết chuyện đó.  Nhưng chữ Toyota chắc chắn không giống chữ Mercedes rồi.  Ổng làm như đàn bà nhìn xe nào cũng giống y chang nhau hết ráo.  Vậy mà tui nghe hơi... có lý và xuôi tai mới chết chứ.  Chán ghê.

Một lần thấy tui hay chúi mũi vào những chiếc áo đầm kiểu mới nhất, đầy hấp dẫn khêu gợi thì ổng lại lôi tui qua tiệm bán áo dài.  Rồi tui lui cui lựa khúc vải màu mè sáng sủa, đẹp đẽ để may thì ông xí ngay khúc màu đơn thuần mà phê phán:

“Màu trơn và thanh nhã như vầy mới đẹp nè bà”.

Ôi!  “Binh” đường nào cũng không xong.  Tui thất vọng não nề.  Chán nản chuyện trang sức, xe cộ, áo quần, tui đi cắt tóc ngắn, làm đẹp tân trang cái nhan sắc cuối đông của mình.  Nhè đâu vừa bước chân vô nhà bị ông xã cằn nhằn dữ dội.  Tui làm lơ, vì cái đầu là đầu của tui mà.  Chẳng dè đến chiều thằng con trai về nhà nó la ó lên như bị đẻn cắn.  Rồi cằn nhằn:

“Mẹ làm gì kỳ cục vậy?”
“Mẹ có làm gì đâu?”
“Sao mẹ lại cắt tóc ngắn?”
“Ờ, thì cắt cho coi trẻ một chút.”
“Mẹ cắt tóc ngắn coi... tức cười quá à.”

Lúc này ông xã tui được dịp nhẩy chồm vô:

“Mẹ để tóc dài rồi có đi đâu thì bới lên coi đẹp hơn, há con há?”

Thánh thiềng ơi!  Từ lúc nào tui đã không phải là tui nữa rồi?  Chẳng lẽ suốt kiếp tui cứ phải luộm thuộm, lôi thôi, búi tó, ăn trầu xỉa thuốc như mấy bà già nhà quê hồi nẳm mãi sao?  Thiệt tình tui không chắc là tui già hay tại ông xã tui ổng già rồi nên cứ hết lòng lùa tui vào vai tuồng “lão bà bà” hoài cho xứng đôi với ổng cũng nên.

oOo

Đường đi không tới đích, trở lui chẳng đặng.  Tui để lại sau lưng tất cả những ngày tháng son trẻ của đời mình.  Bỏ lỡ mọi cơ hội có thể chạy theo thời thượng với người ta.  Thôi!  Thế là thôi!  Thế là hết rồi!  “Mộng tưởng” hột xoàn, chuỗi ngọc, xe hiệu đời mới, áo đầm hở ngực hở tay, xiết o xiết eo, bùng rền chật bùng rền hẹp, vạt dài phết gót hay cũn cỡn khoe cẳng khoe đùi gì đành phải xếp lại từ đây.  Xin giã biệt.  Xin vẫy tay chào. 

Bây giờ thời trang mốt miết gì tui cũng phải quên hết để thay thế bằng chiếc áo dài cổ lỗ sĩ - thậm thượt và suôn đuột y như áo mẹ may cho năm nào - với cái đầu tóc búi bánh tiêu giẹp lép vào mỗi dịp cưới hỏi.  Vì tui còn phải đóng vai “bà già trầu” trong những ngày tháng còn lại để may ra có ai bằng lòng chọn tui làm sui gia không.
Đành chịu!  Thế thời phải thế thôi.

Cỏ Hoang

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012