SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Thằng Nèm

Thiếm Tư ngồi trên chõng ngó chung quanh, căn nhà chợt vắng vẻ sau khi ngoai con út, giáo Hoach và con Đẹp theo đò ra chợ để đón xe về Ô Môn. Nghe tiếng lụt đụt phía sau, Thiếm Tư cao giọng :

- Dì Ba ! lên đây tui với dì tính toán chuyện mai hậu một chút. Không có ai nên dễ cho tui trang trải với dì
- Chờ một xíu ! tui lên liền

Thiếm Tư đưa mắt nhìn ra sông mặt chợt phảng phất chút nào bâng khuâng. Từ nhà trong tiếng guốc của dì Ba vọng ra :

- Mợ lại nghĩ tới chuyện dìa Cái Dầu, phải không ?
- Dì biết tỏng rồi. Tui càng nghĩ thì càng bối rối, chẳng biết tính sao cho tiện. Chị nghĩ coi thoáng một cái con Mẫn lao đao lận đận ngày nào tuy có cơ khổ nhưng đâu có phải suy đi tính lại như bây giờ ; tuy là ăn sung mặc sướng hơn ngày xưa nhưng tình thiệt với dí tui hổng ham đâu. Đau đầu nhức óc hoài. Nhìn mấy đứa nhỏ tui thiệt không dám nghĩ trở lại như ngày nào cho nhẹ nhàng đầu óc..
- Thôi hơi sức đâu mà mợ lo mợ tính, chuyện bữa nay phải lo bữa nay dù mợ tính có giỏi mấy đi nữa cũng không làm sao qua được ông trời.
- Biết vậy, nhưng không lo cũng không được chuyện nó tới liền liền mình cứ lo, lo miết. Chắc tui phải theo thằng Nèm quá hà dì Ba. Con ở đâu mẹ ở đó. Dù là Ông bà nội thân thích nhưng núm ruột của tui làm sao mà giao cho được, thêm một con Út nữa, lâu ngày chày tháng tui cũng mến chân mến tay của nó. Rồi thêm cái nhà nữa, vốn liếng mà tía thằng Nèm để lại cho mẹ con tui.. Dì nghĩ coi tui làm sao mà tính cho xui.
- Rồi thì mợ cũng tính xui cho mà coi, cái tính toán đó nó còn kẹt đâu đó trong đầu mợ ; chưa tới lúc nó vọt ra.

Thiếm Tư bật cười :

- Tui cũng mong được như dì nói. À mà nầy dì Ba, con Sen đâu sao không thấy bóng thấy dáng?
- Chắc cũng đâu đó mà thôi.
- Dì Ba ! Dì còn con cháu gì có thể hụ hợ dì không ?
- Mợ lại tính toán gì đây ?
- Tui coi gì như thể chị em của tui. Nói ngay cho dì nghe ! chẳng phải cả đời dì cứ làm thuê làm mướn hoài sao ? Ở đây sẵn mình có công ăn việc làm, mối lái cũng sẵn đó, nếu tui đem con Út theo thằng Nèm lên Châu Đốc thì nhà nầy để lại cho dì ở, tiếp tục buôn bán ; vừa làm chủ lấy mình vừa giúp tui gìn giữ cái nhà. Dì tính sao ? à con Sen có thể phụ giúp dì khi chưa cưới hỏi chứ tụi nó làm đám xong là nó phải ra chợ trông chừng quán nước cho chệt Lường. Nếu mà dì tính như vậy coi phải lẽ thì mọi người dìa đây đủ mặt thì dì dìa lại Cái Dầu coi con cháu đứa nào tin được thì đem nó xuống Mỹ An.
- Tui đã nói... bây giờ mợ vọt ra thình lình tui hông biết tính sao ? Cho tui từ từ.
- Tui chỉ dọ ý dì chứ đâu có bắt dì tính liền đâu. Phần ngoại con Út tui chắc chắn là bả thương con nhỏ côi cút nên thể nào cũng theo tui đi Châu Đốc.
- Cái gì thì còn hỏi lại chớ ngữ nầy là chắc như bắp, dễ gì bả bỏ con nhỏ.
- Lúc đầu tui tính lo cho thằng Nèm trước rồi mới tính tới con Út nhưng coi bộ không dễ gì tui đi một mình với thằng Nèm nên tới lui chỉ có nước là cùng nhau đi hết.

Sen từ ngoài ngò tay bưng rổ tôm bước vào cười ỏn ẻn :

- Thấy mớ tôm tươi quá nên con mua, chiều đem kho tàu cho ông bà nội thằng Nèm ăn.
- Cha à bữa nay con nhỏ này hiếu thảo dử đa. Chớ không phải nghe hồi sớm hai ông bà rủ nhau ra chợ rồi ghé kéo chệt Lường vô đây phải không.

Thiếm Tư vừa cười tay chỉ vô mặt Sen :

- Con nầy coi vậy chứ cũng biết tròng tréo lắm.

Sen ngun ngẩy đi thẳng vào trong ;

- Út nói oan cho con rồi.. con có ý tốt mà.

Dì Ba bồi thêm :

- Thôi, chị nhỏ ơi. Tuồng nầy xưa lắm rồi. Cứ ừa đại đi..Tình chàng ý thiếp mà. Có ai mà cười bây đâu.

Thiếm Tư chợt nhỏ giọng:

- Hai chị em cùng cha cùng mẹ nhưng con Đẹp chẩm rải, ý tứ nên vừa mắt giáo Hoạch trong khi con Sen nầy thì miệng bằng tay, tay bằng miệng nên số phải coi tiệm nước với chệt Lường. Dì Ba thấy đó làm gì làm mọi việc đều được sắp đặt trước,nối nào úp vun đó.

Đắn đo giây lát Thiếm Tư lại tiếp :

- Dì Ba dì có tưởng được là cái hận trong lòng của tui với ông bà chủ Ruộng nó cũng tan biến lúc nào không rõ, Trước mắt tui chỉ nhìn thấy hai người là ông và bà nội của tụi nhỏ mà thôi. Mấy câu nói ngày nào mà tía tui khi còn sống thỉnh thoảng lại vang vang bên tai ( Ở đời hễ bây thương người thì được người thương lại, mà hễ bây thương ai thì bây cũng phải thương luôn những người mà người đó thương ).

Dì Ba gật gù :

- Chữ nghĩa tui mù tịt nhưng mà nghe cũng thắm thía lắm. Tánh tình mợ như vậy nên trời đất đãi ngộ mợ cũng phải.

Hai người mải mê nói mà không hay ông bà chủ Ruộng tay xách nách mang đã về

-Tao ghé qua nói dóc với chệt Lường ba đổi, có gặp tía của y nữa. Ổng có nói sơ là đám của chệt Lường có lẻ phải hai tháng nữa. Tao cũng nói rõ là mình chỉ muốn tiện cho tụi nó chứ người lớn có gấp gáp gì đâu ; chiều chiều nó sẽ vô đây ăn cơm với tụi mình.
- Mẫn nè ! Tao thấy mấy cái quần Sẹt kin nầy chắc sẽ vừa cho thằng Nèm khi nó lên Châu Đốc học. Trường nhà nước họ buộc phải mặc quần tây xanh, áo tay ngắn trắng, Tao chưa thấy cái áo nào vừa ý, từ từ kiếm nếu không thì mua vải kêu thợ may cho nó mấy cái.

Thiếm Tư cảm động vô cùng ; nhìn hai ông bà một lúc rồi chừng như thu hết can đảm Thiếm ngước nhìn hai người rồi nói :

- Tình thương của ông bà với mấy mẹ con tui đã làm cho tôi thay đồi hồi nào tui cũng không rõ. Người mà khi xưa tui oán hận tưởng chừng như không bao giờ dứt bây giờ chọt trở nên thân thiết khôn cùng. Tía thằng Nèm với tui tuy không duyên không nợ, không tình nhưng lại vướng víu cái nghĩa. Thôi thì bây giờ tùy ông bà muốn coi tui như thế nào cũng mặc tui sẽ thay thế cha của thằng Nèm mà phụng dưỡng ông bà để trả hiếu cho ổng.

Nói đến đây thì hai mắt của Thiếm nước mắt chảy nhỏ giọt. Ông bà chủ Ruộng mắt mở tròn không kịp tiếp nhận hạnh phúc mà từ lâu họ hằng mong ước.

- Thiệt hả Mẫn, bây làm tao với bả tưởng như trúng số không bằng. Thằng Lành ở trên kia chắc cũng mãn nguyện lắm. Một nhà thật sự là đoàn tụ rồi. Má thằng Lành ! tui vui mừng quá mạng.
- Tui cũng vậy. Nhà mình thiệt là có hậu mà. Bây giờ bây vừa là dâu, vừa là con ai muốn gọi gì cũng được hết. Mèn ơi con Ba mầy làm gì mà khóc ngon lành vậy.
- Dạ, thì con mừng chớ sao. Mừng cho Ông bà, mừng cho cậu Lành, mừng cho mợ với mấy đứa nhỏ

Ông chủ Ruộng giọng quan trọng :

- Trước khi đi thì tao với giáo Hoạch đã tính. Xuống gặp tía má con đẹp thì xin cưới hỏi một lần, tuần nầy bỏ tuần sau là cưới để tụi nó kịp dọn dìa Châu Đốc. Con Mẫn với hai đứa nhỏ sẽ xuống sau. Ruộng đất hương hỏa của thằng Hoạch đã bán hết rồi, đủ để cho nó mua chiếc xe hơi và làm vốn. Mình có lý do lo cho đám cưới gấp nên không ai dị nghị gì hết. Cha mẹ hai bên đồng ý, với lại tụi nó không còn nhỏ nhít gì ; thằng Hoạch lại là người có ăn học.
- Tía má con Đẹp gả được nó vô nhà nề nếp đàng hoàng, họ mừng còn chưa hết chớ sức đâu mà lo người nói nầy nói nọ. Thiếm Tư tiếp.
- Thằng Hoạch lo xong xuôi cái đám cưới tao với má thằng Lành cũng yên được một bề. Để nó ngang dọc một mình không nói chớ tụi tao cũng lo ngay ngáy.

Dì Ba thấy đứng đó cũng dư thừa nên xin phép lui ra sau bếp phụ với Sen chuẩn bị cơm chiều. Thiếm Tư nhìn tới nhìn lui rồi lẩm bẩm :

- Cũng xế rồi mà hai đứa nhỏ còn chưa về. Chắc lại ghé đâu đó.
- Cũng còn sớm mà.

Vừa lúc đó Út Lép hớt hải chạy vô, mọi người thấy vậy lính quýnh ; Thiếm Tư giọng hoảng hốt

- Anh hai bây dâu ?

Út Lép vừa thở vừa trả lời :

- Ngồi ngoài đình đó. Cái quần rách.
- Từ từ nói cho ông nội biết, cái gì quần rách..
- Quấn anh Hai rách đáy hồi nào ảnh hổng hay. Mấy đứa đi sau nó thấy rồi xúm nhau cười. Ảnh ngồi ngoài đình biểu con dìa lấy cái khác đem ra cho ảnh mặc thêm thì mới dìa được.
- Ngặt nỗi là quần đi học nên tui không may đáy lá nem nên dễ tét đáy lắm.

Nói xong Thiếm tới tủ lấy cái quần dài khác đưa cho Út Lép, con nhỏ tay cầm nhưng chân đã chạy u ra ngoài.Mọi người cùng ngó ra cửa chờ đợi. Mọt lúc sau hai anh em nắm tay nhau bước vô nhà. Thằng Nèm mặt đỏ rần bước vô thưa lí nhí :

- Thưa ông bà nội, thưa má con đi học mới dìa.

Bà chủ Ruộng kéo thằng nhỏ tới bên :

- Bộ con liến khỉ dử lắm sao mà tét đáy quần vậy.

Thằng Nèm chống chế

- Đâu có bà nội. Con kéo Út Lép chạy lẹ dìa nhà đâu có làm gì khác đâu.
- Thôi bỏ đi. Mai chiều má rảnh má dắt bây ra chợ Sa Đéc mua vải may thêm cho bây mấy cái quần nữa, mai mốt vô trường nhà nước phải ăn mặc cho giống với người ta.

Thằng Nèm chạy vô trong thay quần xà lỏn rồi hai anh em ra nhà sau kiếm coi có gì bỏ bụng trước buổi cơm chiều.

(còn tiếp)
Trần Phú Mỹ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012