SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

XUÂN HẠNH NGỘ

Trung thức giấc, hốt hoảng khi thấy mình đang nằm trên chiếc giường lạ, cả căn phòng cũng hoàn toàn lạ lẫm. Chàng đưa tay dụi mắt thì thấy tay bị băng bó, trên mũi có gắn ống nylon để chuyền dưỡng khí oxygen, nhướng mắt lên cao Trung thấy có một bịch nước biển lớn đang nhỏ từng giọt chậm chạp xuống ống nylon và đi theo chiếc kim để vào mạch máu của mình. Trung cố gắng định tâm, lục soát trí nhớ xem chuyện gì đã xảy ra. Ồ! Trung nhớ ra rồi. Đám cháy nhà!

"Ông Trung! Ông đã tỉnh lại rồi, tôi mừng quá. Ông đang nằm trong khu ICU của bệnh viện Memorial Hermann. Tôi tên Thu Hương, y tá bên khu nhi đồng, được bổ sung qua đây săn sóc những nạn nhân của đám cháy nhà sáng nay. Cũng may ông thức giấc khi mấy ông nhà báo đã đi hết cả, nếu không họ chẳng để cho ông nghỉ ngơi. Họ kéo tới đây để phỏng vấn ông về tai nạn cháy nhà trong khu chung cư ông ở. "

Ngừng một giây như dò xét khuôn mặt vẫn còn ngớ ngẩn của Trung. Người y tá nhoẻn miệng cười, và đặt ống nghe áp huyết vào tay Trung. Vẫn giọng nói dịu dàng, cô tiếp:

"Ông biết không? Hôm nay ông trở thành người hùng của thành phố rồi đó! Trên radio, nhiều đài đã loan tin ông, người anh hùng đã cứu được nhiều người trong trận hỏa hoạn! Ông không thể tưởng tượng được có bao nhiêu người đã mang hoa đến thăm ông vì cảm khích nghĩa cử của ông. Hoa để đầy cả phòng khách đó ông. Chúng tôi giữ tất cả ngoài ấy, vì sợ ông bị dị ứng. - Cười thật tươi, cô hồn nhiên nói:- Tôi thích nhất là bình hoa tím ông ạ, những đóa oriental lilly tím xen lẫn với những chùm hoa forget me not trắng, nhỏ li ti, trông thật đẹp. Tôi đem vào cho ông xem nhé? "

Trung cảm thấy vui vui vì cách nói chuyện tự nhiên và duyên dáng của Hương, chàng mỉm cười gật nhẹ.

"Vâng! Phiền cô Hương cho tôi xin bình hoa mà cô thích nhất. "

Trung bắt đầu chú tâm tới người y tá đang săn sóc chàng. Mái tóc suông dài mầu nâu đen được cột gọn sau ót. Cặp mắt màu hạt dẻ, mở to trên khuôn mặt thon dài, đôi cánh môi hồng trên làn da trắng mịn. Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng cô là người Việt Nam. Nhưng cái tên Thu Hương, và giọng nói tiếng Việt trôi chảy của cô thì Trung biết chắc là mình đang đối diện với người đồng hương. Trung chợt thấy mắc cỡ vì tính hiếu kỳ của mình, chàng cười khỏa lấp. Hương cũng vui vẻ cười theo. Sửa lại tấm chăn đắp trên người Trung cho ngay ngắn, Hương nhanh nhẹn bước ra và nhanh chóng trở lại với bình hoa tuyệt đẹp trên tay, những đóa lilly đài các với những cánh trắng mượt mà xen lẫn với những cánh mầu tím nhớ nhung tỏa hương thơm dìu dịu khắp phòng. Sau khi khoe với Trung, nàng đặt bình hoa lên bệ cửa sổ. Ngắm hoa, Trung cũng phải thầm khen người cắm hoa có mắt nghệ thuật. Bỗng dưng Trung lại thấy Hương còn đẹp hơn cả những đóa hoa trong bình! Trung muốn ngỏ ý khen, nhưng ngập ngừng mãi cũng không biết phải nói sao. Hình như ánh mắt của Trung đang tìm ngón tay áp út trên bàn tay trái của Hương và mắt chàng rạng rỡ khi thấy ngón tay không có gì vướng bận. Trung lại cười khỏa lấp.

"Nãy giờ tôi ít nghe ông nói mà chỉ thấy ông cười. Ông có chuyện gì vui muốn chia sẽ không? Chắc ông đói lắm rồi, để tôi gọi xuống nhà bếp mang thức ăn lên cho ông dùng. "
"Không, tôi không đói, cảm ơn cô. Tôi muốn biết có ai bị thương nặng không? Còn em bé và ông bà cụ già thì sao? "

Hương ngồi xuống chiếc ghế để cạnh giường, chậm rãi kể cho Trung biết, tất cả những nạn nhân chỉ bị phỏng nhẹ, hay bị chóng mặt vì hít nhiều thán khí, nên sau khi điều trị đều đã được xuất viện. Ngoại trừ em bé hai tuổi vì còn nhỏ nên họ muốn giữ lại qua đêm để biết chắc chắn em đã hoàn toàn bình phục. Duy chỉ có Trung, vì hít quá nhiều thán khí nên đã bị ngất xỉu và bàn tay trái bị phỏng. Bác sĩ đã chích cho Trung một liều thuốc an thần nên Trung đã ngủ một giấc đến xế chiều. Theo lời bác sĩ, Trung có thể xuất viện vào chiều mai nếu vết thương không làm độc. Đại diện công ty nơi Trung làm việc cũng gọi điện thoại thăm hỏi và cho Trung biết chàng có thể nghỉ một tuần để dưỡng bịnh. Trung chăm chú nghe lời người y tá kể. Rồi chàng kể lại cho nàng nghe về chậm hỏa hoạn.

Như thường lệ, buổi sáng Trung thức dậy thật sớm. Sửa soạn xong, chàng pha một ly cà phê, rồi ra trước cửa lấy tờ Nhật báo Houston Chronicle lướt qua vài tin tức quan trọng trước khi đi làm. Chàng thanh niên trẻ có cuộc sống rất ngăn nắp và đúng giờ. Nhưng sáng nay, khi bước chân ra cửa, qua tấm kiếng cửa sổ gian phòng khách của căn chung cư đối diện, Trung thấy ngọn lửa khổng lồ đang phừng phực bốc cháy. Khói và mùi khét bắt đầu lan rộng. Trung đập cửa ông cụ hàng xóm bảo gọi 911 cho biết có cháy nhà. Băng qua đường, chạy nhanh qua nhà đang phát ra ngọn lửa, tay đập cửa miệng hô to: "Fire, fire, nhà cháy, nhà cháy... " Sống ở đây đã hơn một năm, Trung biết trong chung cư này không những có những người Mỹ, mà còn có cả người Mễ Tây Cơ và người Viết Nam cư ngụ tại khu chung cư này.  Nghe Trung la hét có cháy nhà, hàng xóm ùa ra ngoài đường. Phần lớn là các ông bà cụ già và trẻ con, người lớn đã đi làm từ sớm. Đập cửa không thấy trả lời, Trung phá cửa vào nhà, ngọn lửa hầu như bắt nguồn từ chiếc lò sưởi, ngọn lửa đã bám vào màn cửa và cháy lên tầng trên. Trong khoảnh khắc, ngọn lửa lên quá cao không còn cách nào dập tắt được. Chàng vội vã xét qua từng phòng, nhưng không thấy ai trong nhà, Trung chạy lên lầu hai, giúp những ông bà cụ đang lục tục mò mẫm kéo nhau xuống thang lầu, chàng chuyền nhanh những đứa trẻ ra ngoài, có vài cụ vì quá già yếu và hoảng sợ nên không bước được, Trung phải cõng ra. Tất cả đã ra được hết bên ngoài, ngọn lửa vẫn phừng phực cháy, lan rộng và bốc cao hơn. Trung đã nghe thấy tiếng xe cứu hỏa vọng lại từ xa. Chàng chợt nhớ đến ông bà cụ già và đứa cháu ở dẫy C cuối đường sao không thấy? Giật vội hai tấm chăn đã nhúng nước ướt sũng trên tay bà hàng xóm, Trung vội vã trùm tấm chăn lên đầu, nhanh như chớp chàng lao mình vào đám khói đen kịt, chỉ trong phút chốc chàng đã trở ra với đứa bé trên tay, và kéo theo bà cụ cũng tấm chăn ướt trùm kín. Cũng như vậy Trung chạy ngược trở lại và cứu được ông cụ. Xe cứu hỏa đã đến. Trung thấy choáng váng và không còn biết gì sau đó.

"Ông thật can đảm! Tôi phục ông thật đấy. Tự nhiên tôi cảm thấy hãnh diện vì ông. Có lẽ tại ông là người Việt Nam nên tôi thấy gần gũi hơn. "
"Cảm ơn cô quá khen, tôi chỉ làm bổn phận của tôi. Bổn phận con người đối với con người trong lúc nguy nan. Nếu là cô, cô cũng làm những việc như tôi đã làm thôi. "

Hương nhìn đồng hồ, nàng cho Trung biết đã đến giờ đổi ca, một người y tá khác sẽ săn sóc cho Trung đêm nay, nàng hỏi Trung có cần liên lạc với người nhà không vì hình như chưa thấy ai là người nhà của Trung vào thăm hay gọi điện thoại. Trung bảo, chàng mới dọn qua Texas được hơn một năn, ba mẹ chàng vẫn còn sống bên Connecticut để chờ đứa em trai học xong thì cả gia đình sẽ dời sang Texas ở cho ấm áp. Trung không muốn báo tin cho người nhà biết, vì ba của Trung rất thương con và hay lo lắng, còn mẹ thì sức khỏe không mấy khả quan, tin Trung đang nằn điều trị trong bệnh viện sẽ làm ba mẹ thên âu lo. Mắt Hương dường như ướt buồn khi nghe Trung nhắc đến ba mẹ chàng. Hương nói:

"... Anh có phúc hơn Hương. Anh còn đủ cha mẹ. ..."

Sau khi đo áp huyết, và nhiệt độ cho Trung, Hương bảo áp huyết và thân nhiệt của Trung bình thường, nàng rất mừng vì không có dấu hiệu nhiễm trùng. Rót cho Trung ly nước lạnh, nhắc chàng nhớ uống nước thường xuyên. Hương chúc Trung ngủ ngon, vẫy tay, cười từ giã. Sau khi Hương ra khỏi phòng, đột nhiên Trung cảm thấy một cảm giác lạ lùng đang xâm chiếm hồn chàng, hình như trống vắng, hình như nhớ nhung. Một cảm giác thật lạ lẫm nhưng cũng thật dễ thương. Chàng nhắm mắt và hình dung lại người nữ y tá dịu hiền mà hình như tim chàng đang rạo rực đón chờ.

Có tiếng chân bước vào phòng, nghĩ là người y tá trực đêm đến thăm sức khỏe bệnh nhân nên Trung vờ như đang ngủ. Tiếng chân dừng lại bên giường một hồi lâu. Một bàn tay mát lạnh êm ái đặt lên trán Trung như nghe ngóng. Trung mở mắt nhìn. Ô kìa! Là Hương à! Điều mà Trung đang mong ước, Trung buột miệng thốt:

"Hương! ... Hương đi rồi tôi thấy căn phòng thật trống vắng... tôi, tôi muốn nói căn phòng này quá xa lạ đối với tôi. "
"Vậy mà tôi tưởng ông đang ngủ, tôi lại sợ ông đang lên cơn sốt... tôi quay trở lại để... để xem ông có cần gì không. Nhà tôi chỉ cách đây khoảng 20 phút lái xe. Tôi đã về nhà dùng cơm chiều với mẹ tôi, nghỉ ngơi một chút, tôi nghĩ đến ông nên trở lại. Tôi có ghé phố Bellaire mua cho ông tô cháo gà đây, ông cố gắng ăn một chút để lấy lại sức. "

Vừa nói, Hương vừa sớt cháo ra chiếc chén nhỏ và dục Trung ăn. Cử chỉ săn sóc chu đáo của Hương làmTrung thực cảm động, muốn nói lời cảm ơn nhưng mỗi lần định mở lời thì chàng lại lúng túng không biết phải nói sao cho đúng. Cố gắng lắm Trung mới nói được một câu rất ngô nghê:

"Cảm ơn Hương, nếu Hương không trở lại chắc tôi sẽ nhịn đói hôm nay. "

Nhìn tô cháo với những cọng hành ngò xắt nhỏ cộng mùi thơm của gảo thơm và hạt tiêu bốc lên làm Trung cảm thấy đói. Trung ăn gần hết hộp cháo. Vừa ăn Trung vừa nghe Hương nói chuyện.

"Nghe tôi kể về ông, mẹ tôi rất mến ông, người trẻ tuổi có lòng nhân từ, bà gửi lời chúc ông mau bình phục. Tôi có mấy cuốn báo Xuân, đem đến ông đọc cho đỡ buồn. "
"Cảm ơn Hương, cô vừa dịu hiền, tốt bụng lại chu đáo. Tôi thật may mắn được quen biết cô. "

Hương cúi thấp đầu, mỉm cười và lập lại lời Trung nói ban chiều:

"Hương chỉ làm một việc rất tầm thường, tình đồng hương, tình con người đối với con người. "

Trao cho Trung mấy cuốn báo Xuân, Hương nói, trước đây nàng đọc tiếng Việt hơi chậm nhưng thích đọc văn thơ trên mấy tờ báo Xây Dựng, Đẹp, Hương Quê, Đất Mẹ..., do đó nàng đọc Việt ngữ ngày càng khá hơn. Trung bảo, vốn liếng Việt Ngữ của chàng rất khiêm nhượng, cần phải học nhiều nơi Hương. Hương kể thật nhiều về người mẹ khả kính của nàng. Hương kể mẹ của Hương rất thích làm thơ, bà viết nhiều bài thơ hay, nhưng không thấy chia sẻ với bạn bè. Nhất là từ khi ba nàng qua đời thì người mẹ gửi tâm hồn mình nhiều hơn vào những áng văn. Hương vẫn thỉnh thoảng thấy mẹ trầm tư, lấy những bài thơ cũ ra đọc, xem lại xấp hình đã phai mầu của thời còn là cô học trò nhỏ bên quê nhà, rồi lại cẩn thận cất kỹ vào ngăn tủ. Một hôm mẹ làm rớt bài thơ trên ghế salon phòng khách, Hương nhặt được, tình cảm chứa đựng trong bài thơ làm Hương xúc động nhiều. Bài thơ khá dài, nhưng nàng còn nhớ bốn câu, nàng đọc cho Trung nghe. Giọng nàng ngọ ngào tha thiết:

Ta đã yêu nhau tự thuở nào,
Một lần hạnh ngộ tựa chiêm bao.
Tình ta sâu kín, duyên tiền kiếp,
Ước nguyện muôn đời tựa trăng sao.
( Lê Ngọc Trùng Dương).        

Cảm xúc về bài thơ, Hương chép lại rồi gửi đăng trên tờ báo Xuân Hương Quê. Lúc báo phát hành, thấy bài thơ đăng trên báo, sợ mẹ rầy, nên Hương vội vàng mang báo về thú tội cùng mẹ. Mẹ chỉ nói:

"Đó là một kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Tuổi trẻ có nhiều kỷ niệm khó quên con ạ. Thuở đó mẹ còn trẻ hơn con bây giờ! Những người lớn tuổi như mẹ thường hay chắt chiu kỷ niệm và sống với kỷ niệm. Kỷ niệm đôi lúc làm mình khổ đau, nhưng lắm khi cũng là liều thuốc hồi sinh cho tâm hồn đang chết dần trong khô cằn. "

Hôm ấy mẹ của Hương như muốn trút hết niềm tâm sự với người con gái của bà. Từ đó Hương mập mờ hiểu tại sao mắt mẹ thường ướt buồn khi nghe bản Tình Khúc Buồn của Ngô Thụy Miên:

Em như một nụ hồng.
Cầu mong chẳng lạnh lùng.
Em như một ngày mộng,
Mà ta hằng ngại ngùng,
Sẽ ru ta niềm nhớ,
Một ngày thoáng mây đưa,
Chuyện tình đã như mơ. ...

Trung cũng kể về gia cảnh của chàng. Ba mẹ Trung quen và cưới nhau trong trại tỵ nạn Songkla. Cha chàng hiền lành, ít nói, ông rất thương và hy sinh nhiều cho vợ con. Hai cậu con trai là niềm vui lớn nhất của ông. Ngoài những giờ làm việc tại sở, ông dành phần lớn thì giờ còn lại cho con, chở con đi học đàn, học võ, ông không bỏ một cơ hội giúp mở mang kiến thức cho anh em Trung. Trung thương ba thật nhiều mỗi khi thấy ba khập khễnh đến bên cửa sổ nhìn nắng nghiêng nghiêng đổ trên vườn hoa sau nhà, mắt buồn xa vắng như nhớ về một thưở xưa oai hùng. Những lần thấy ba nhìn mông lung ra màn trời mưa lất phất bay, mặt đăm chiêu suy nghĩ, Trung thường đến gần gợi chuyện để ông khuây khỏa. Có lần ông nói:

"Đời người có lắm thăng trầm, ba mong các con luôn là những người thanh niên can đảm và biết tự trọng. ..."

Riêng mẹ Trung thì rất điềm đạm và vui vẻ, bà không học cao nhưng hiểu rộng. Bà chăm chỉ, cần mẫn và rất thương yêu chồng con, niềm vui của bà là nấu được nồi canh ngọt, là đĩa cá chiên đượm mùi quê hương mà chồng bà thích, là những bộ quần áo bà may cho anh em Trung mà bà đã để hết tình thương vào đường kim mũi chỉ. Tội cho bà, sau lần bị nghẽn tim, bà yếu hẳn đi, tuy trí óc vẫn minh mẫn, nhưng bà không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Đó là một phần lý do mà Trung đã nhận lời làm việc cho công ty dầu hỏa Shell ở Texas, vì ba mẹ Trung muốn về hưu tại vùng ấm áp và có nhiều người đồng hương.

Chỉ trong vài giờ mà Hương và Trung đã như một đôi bạn thân, họ tâm sự với nhau về gia đình, cuộc sống, và các trường mà họ đã theo học. Họ đã đổi cách xưng hô từ lúc nào mà chính họ cũng không biết. Hương bảo, nàng muốn mời Trung đến nhà ăn tết với gia đình Hương, nhưng Trung đã định về nhà thăm ba mẹ nên đã mua vé máy bay sẵn. Trung hứa sẽ đến thăm mẹ Hương trước khi về Connecticut, nơi ba mẹ chàng đang sống. Trung cảm thấy thật hạnh phúc, lòng lâng lâng một niền vui khó tả, tim nhen nhúm một tình cảm mới lạ, nhẹ nhàng như một áng mây, du dương như điệu nhạc buồn, thoảng như làn gió xuân và dịu dàng như bàn tay êm ái của người nữ y tá đã đặt trên trán Trung ban nãy. Hương chào từ giã khi nhà thương đã hết giờ thăm viếng.

"Ngày mai được nghỉ làm, Hương sẽ trở lại thăm anh. Nếu không có người đưa rước, Hương sẽ tình nguyện làm tài xế đưa anh về căn nhà trọ. "

Nghe Hương hứa hẹn Trung mừng rỡ, nói như reo.

"Ngày mai Hương trở lại! Anh mừng quá, được Hương chở về nhà thì nhất rồi. Mẹ anh thường nói: Ở hiền gặp lành. Chắc kiếp trước anh có tu! "

Hương cười, lém lỉnh nói:

"Vì anh đau tay không lái xe được, vì cặp kiếng cận của anh đã bị gẫy gọng, nên người ta mới tình nguyện đó, nếu không, để cho anh về một mình được rồi. Người ta đâu thích làm tài xế cho ai đâu. "

Trung vui vẻ đùa theo:

"Anh hứa sẽ không quên ơn, và anh sẽ đền ơn bằng một chầu mì ăn liền. Món thường nhật nên anh nấu rất ngon. Chỉ cần một bình nước sôi là xong ngay! Bảo đảm không ngon không lấy tiền." Cả hai cùng cười vui

oOo

Lái xe vào đến cổng của ngôi biệt thự gạch đỏ, bao bọc bằng hàng rào sắt với những bụi hoa giấy có hoa tim tím đan kín hàng rào. Hai cây dừa xanh lá nằm hai bên cổng, tô thêm nét Á Đông cho hai cánh cổng hình vòng cung. Bà Thủy và Hương đón Trung tận ngoài cổng. Thấy Trung, Hương mừng rỡ, chớp mắt làm duyên, nàng nói như reo mừng:

"Chào anh Trung. Anh đúng giờ quá. Hương với mẹ mới rảo ra vườn đã thấy xe anh quẹo vào ngõ. "

Quay sang bà Thủy, Hương giới thiệu.

"Anh Trung, đây là mẹ Hương. "

Nhìn người phụ nữ đứng trước mặt, nếu Hương không giới thiệu thì Trung khó tin đây là mẹ của Hương, bà nhìn còn rất trẻ. Đôi mắt bà to tròn giống như mắt Thu Hương, nhưng đượm nhiều nét buồn. Mái tóc cắt ngắn hơi kiểu cách ôm gọn khuôn mặt hiền từ. Bộ quần áo nhung đen làm bà nhìn có một chút đài các, một chút duyên dáng. Trung nghiêng mình kính cẩn chào:

"Cháu kính chào bác. Cháu đã nghe Thu Hương nói nhiều về bác, hôm nay cháu mới hân hạnh được gặp bác.."

Quay sang Hương, Trung nói khẽ:

"Hôm nay Hương đẹp quá! "

Bà Thủy sững sờ nhìn Trung chăm chú từ lúc Trung xuống xe. Bà có cảm tưởng như đã biết Trung thừ thưở nào xa xưa lắm. Từ khuôn mặt cho đến dáng người. Khi nghe Trung chào, bà vội mỉm cười, đáp:

"Chào cháu. Chúc mừng cháu tai qua nạn khỏi. Bác cũng nghe Hương và báo chí nói nhiều về cháu. Cháu thực là người tuổi trẻ, tài cao lại có lòng bác ái. "

Trung trở lại xe lấy cây kim quất mà chàng đã mua ở tiệm hoa trong chợ Hồng Kông sáng nay. Chàng đã cẩn thận nhờ cô bán hoa chọn cho cây sai trái nhất để biếu mẹ Hương. Chàng chúc bà và Hương một năm mới vui vẻ và gặp nhiều may mắn. Bà mời Trung vào phòng khách, một căn phòng khá rộng với lối trang trí thanh lịch, tao nhã. Giữa phòng là bộ trường kỷ bằng gỗ mun cẩn xà cừ. Trên bàn có hộp mứt thập cẩm và hạt dưa đỏ đựng trong chiếc chén thủy tinh. Bà Thủy bảo con gái pha trà mời khách. Bà nói, bà rất thích uống trà nên chồng bà bỏ công sưu tầm và mua về cho bà nhiều loại trà rất lạ. Chợt mắt Trung để ý đến bức hình lộng trong chiếc khung cũng bằng gỗ mun đen, treo trên tường, bức hình chụp đám cưới. Chú rể người Mỹ có mái tóc hung vàng mặc quốc phục Việt Nam, cô dâu lộng lẫy trong chiếc áo gấm đỏ và khăn đóng cùng mầu. Bây giờ thì Trung đã hiểu tại sao Hương nhìn không giống một cô gái Việt Nam thuần túy. Nhìn theo ánh mắt Trung, bà Thủy kể:

"... Ông nhà tôi tuy không cùng xứ sở, nhưng sau khi quen biết tôi, ông đã tìm hiểu phong tục tập quán của người Đông Phương, ông còn học nói và viết tiếng Việt rành rẽ, tên Thùy Hương là tên ông tự đặt cho con gái..., do đó, tôi cũng không cảm thấy quá lạc lõng nơi xứ người... "

Nhìn lại tấm hình, Trung phải công nhận thuở còn trẻ, bà Thủy rất đẹp. Bà có nét đẹp kín đáo và duyên dáng, ánh mắt của bà nửa như huyền bí nửa như thiết tha. Sau ly trà nóng, bà mời tất cả sang phòng ăn, trên bàn đã bày biện bánh chưng, củ kiệu, dưa món được tỉa hoa rất khéo, món soup măng cua, bún chả giò.., lần lượt được Hương dọn lên, món nào cũng hương vị đậm đà. Trung khen:

"Bác nấu ăn khéo quá! "

Hương nhanh miệng hỏi:

"Còn Hương thì sao? Hương cũng có công chiên chả giò chứ! "

Nghe hai người trẻ tuổi đùa giỡn, bà Thủy cũng vui lây, bà cười luôn miệng. Trong bữa ăn, bà hỏi nhiều về gia đình Trung và tên của cha mẹ Trung, khi nghe Trung bảo ba của chàng là mốt cựu sĩ quan Hải Quân, bà có vẻ bối rối gần như thảng thốt. Nhưng chỉ một phút, bà đã lấy lại được bình tĩnh, bà nói:

"... Tên cha mẹ cháu bác nghe rất quen, nhưng có lẽ chỉ là sự trùng hợp...".

Sau bữa ăn, Hương mời Trung đi dạo quanh vườn với nàng và mẹ nàng, vì đó là thói quen của hai người. Khuân vườn sau nhà là một cảnh thiên nhiên rất nên thơ với những chiếc ghế gỗ nhỏ đủ hai người ngồi để cạnh bờ tường, chiếc ghế xích đu nơi Hương thường nô đùa với cha. Quanh nhà là hàng cây đu đủ, lá đã úa mầu vì tiết lạnh mùa đông, nhưng cây chanh, khóm trúc còn tươi xanh, bụi Trà Mi vẫn còn những bông đỏ nhụy vàng làm tươi thắm một góc vườn. Hương hồn nhiên khoe:

"... Đây là hồ cá có hòn non bộ ba xây cho mẹ, mùa hè sen nở đầy hồ... Đó là cây cầu bắt ngang hồ cá ba làm cho Hương. Những đêm trăng sáng Hương thường ra đây ngắm trăng..."

Bà Thủy đi giáp một vòng rồi vào nhà trước, bà bảo sẽ chờ Hương và Trung trong phòng khách. Hương tung tăng bên hồ cá và chỉ cho Trung xem con cá vàng đang lội, đó là quà sinh nhật thứ 20 của nàng và cũng là món quà cuối cùng của ông tặng cho con gái. Hương cho cá ăn và kể cho Trung nghe về người cha đáng kính của nàng, nàng bùi ngùi nói:

"Anh còn ba, anh có diễm phúc hơn Hương. Ước gì ba còn sống để Hương giới thiệu anh với ba."

Trung thương cảm:

"Anh sẵn sàng chia sẻ tình phụ tử của ba anh với em. Ba không có con gái, gặp em chắc ba mừng lắm. "

Dựa vào vai Trung, Hương cảm động thốt:

"Anh phải là người bạn tốt của Hương mãi nghe Trung. "

Ôm vai Hương siết nhẹ, Trung gật đầu.
Hai người trở vào nhà khi bà Thủy đang ngồi đọc báo trong khòng khách, ba người quây quần bên bình trà mới pha và những lát mứt dừa, mứt bí thơm ngon. Bà kể cho Hương và Trung nghe những mùa xuân trên Quê Hương Việt Nam trong những ngày còn thanh bình. Hai người trẻ say sưa nghe bà kể như chuyện cổ tích huyền hoặc. Bên ngoài trời đổ mưa tầm tã. Hương hỏi mẹ mời Trung nghỉ lại qua đêm, nhà có một phòng ngủ cho khách. Hương và Trung lại giục bà kể lại những chuyện về quê hương Việt Nam cho họ nghe.

Nửa đêm, Trung giật mình vì tiếng nhạc vọng vào phòng, tiếng nhạc rất nhỏ có lúc nghe được có lúc không, nhưng cũng đủ cho chàng nhận ra bản nhạc quen thuộc, Bản Tình Cuối của Ngô Thụy Miên,

... Ta đã yêu và ta đã mơ.
Mơ trăng sao đưa đến bên người.
Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào,
Một lần gặp gỡ nhưng tình đã xa xưa. ...

Trung thức dậy ra khỏi phòng và đi về hướng phát ra tiếng nhạc. Thì ra bà Thủy đang nghe nhạc ngoài phòng khách. Nghe tiếng động bà ngửng lên:

"Trung đó hả? "
"Cháu xin lỗi bác, nghe tiếng nhạc cháu tưởng trời đã gần sáng. "
"Bác xin lỗi, đã làm cháu thức giấc. Dạo sau này bác thường hay mất ngủ nên bác hay nghe nhạc để dỗ giấc ngủ. "
"Nhạc Ngô Thụy Miên phải không bác? "
"Cháu cũng thích nhạc Ngô Thụy Miên? "
"Dạ, ba má cháu thích thì đúng hơn. Nhất là ba cháu, ông có những băng cassette thu nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, tuy cũ nhưng ông rất quý. "
"Dạo ấy chúng tôi rất thích nhạc của NTM, TCS. Những dòng nhạc này đã trở thành một phần đời sống của tôi bây giờ. "
"Bác trai quen biết bác từ bên Việt Nam? "

Bà Thủy xích lại đầu chiếc xa lông, ra dấu mời Trung ngồi vào chiếc ghế đối diện. Bà chậm rãi kể:

"Không, tôi quen nhà tôi từ trường đại học Rice nơi nhà tôi dậy. Tôi là học trò của ông. Ông chỉ lớn hơn tôi bảy tuổi nhưng lúc nào ông cũng như người anh cả của tôi. Ông che chở lo lắng cho tôi từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Ông là một người bạn tốt, một người chồng lý tưởng và là một người cha gương mẫu. Nhà tôi mê tà áo dài của phụ nữ Việt Nam. Mỗi lần đi dự tiệc với ông, ông thường ngỏ ý muốn tôi và con gái mặc áo dài. - Bà thở dài - Chỉ tiếc ông qua đời quá sớm, không được chia sẻ niềm vui thành đạt của con gái. "

Dừng lại một lúc, mắt đăm chiêu xa vắng, bà nói tiếp:

"Người tập cho tôi biết yêu những dòng nhạc trữ tình là người tình đầu đời của tôi. Lúc đó tôi còn trẻ hơn cả Thu Hương bây giờ. Chúng tôi quen nhau ở bãi biển Vũng Tàu, nơi anh ấy đóng quân. Hôm đó ba chị em gái chúng tôi đi tắm biển, tôi đạp nhằm một mảnh vỏ ốc, cắt sâu vào lòng bàn chân của tôi, anh đã đến băng bó cho tôi nhưng không thể lấy mảnh vỏ ốc cắm sâu trong chân tôi ra. Tôi níu chặt tay áo anh, khóc vì đau đớn. Anh chở tôi vào Bệnh Viện Hải Quân gần đó. Vị bác sĩ đã lấy được mảnh vỏ sò ra. Hôm đó anh đã chở ba chị em tôi về tận nhà bà cô, nơi chúng tôi đang nghỉ hè. Trước khi ra về anh xin phép cô tôi cho anh trở lại thăm, cô tôi vui vẻ nhận lời. Ngày hôm sau anh trở lại đúng theo lời hẹn. Chúng tôi quen nhau từ đó, như một tiếng sét ái tình, chúng tôi yêu nhau tha thiết. Tình yêu đầu đời đơn sơ, trong trắng. Chúng tôi chỉ biết yêu nhau, không một toan tính cho tương lai. Tôi vui mừng những lần anh về phép, áo dài trắng tôi tha thướt dạo phố bên anh. Anh đến rồi đi, không hạn kỳ, không định trước. Những lần anh đến mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc, những lần anh đi để lại cho tôi cả một trời nhớ nhung. Tình yêu của chúng tôi đẹp như một vầng trăng, thắm thiết keo sơn tưởng không bao giờ tan vỡ."

Bà Thủy thở nhẹ, hai bàn tay bà đan chặt vào nhau, vẫn ánh mắt xa xôi, bà tiếp:

"Vậy mà anh ấy lại vội xa tôi. Anh đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Tôi đau đớn và bỏ mặc tất cả. Tôi như chiếc lá úa giữa dòng đời vội vã, tôi lạnh lùng như một tảng băng. Cho đến khi tôi gặp nhà tôi, tình yêu của anh ấy như một luồng hơi ấm, nhẹ nhàng nhưng kiên trì, dần đà đã làm tiêu tan băng giá trong tôi, nhưng rồi nhà tôi lại cũng bỏ tôi mà đi. "

Bà Thủy bỗng dưng im bặt, một giọt nước mắt lăn dài xuống má. Trung bối rối tìm cách nói lời an ủi;

"Cháu thật có lỗi đã vô tình khơi lại chuyện buồn. "

Bà Thủy lấy lại bình tĩnh, bà cười nhẹ:

"Ồ! Người có lỗi là bác, đã bắt tội khách phải nghe những chuyện không vui. Nhưng không biết tại sao từ lúc gặp cháu bác đã thấy mến cháu ngay, bác có cảm tưởng như đã quen cháu từ lâu.

Bà cười mà mắt còn long lanh ngấn lệ:

"Hôm nay có thêm một người hiểu về mảnh đời quá khứ của bác nhiều hơn cả Thu Hương! "
"Cảm ơn bác đã tin tưởng cháu. Cháu rất quý mến bác. Nghe bác kể chuyện, cháu nghĩ những người của thế hệ bác có lẽ là những người giàu tình cảm, và thích chắt chiu kỷ niệm. Cháu có thể thấy điều này qua ba mẹ cháu. "
"Cháu không những thông minh mà còn nhạy cảm. Nhưng thôi để bác tắt máy cho cháu ngủ, bác cũng cần phải cố gắng ngủ một chút. Chúc cháu ngủ ngon. "

Nói rồi bà đứng lên đi về phòng của bà, Trung chào bà rồi trở về phòng mình. Vầng trăng tròn trên đỉnh ngọn cây tùng chiếu ánh sáng mờ ảo vào căn phòng làm Trung cảm thấy dễ chịu. Nhìn tấm hình đen trắng chụp bóng đổ dài trên bãi cát của hai thiếu nữ mặc áo dài Việt Nam được phóng lớn treo trên tường trông rất nghệ thuật. Trung bật đèn lên để thấy rõ hơn. Có lẽ đây là hình chụp hai mẹ con bà Thủy! Đã có lần Hương khoe với Trung là ba nàng có thú chụp ảnh nghệ thuật, chắc hẳn đây là một trong những sáng tác của ông. Trung cảm thấy quý mến bà Thủy nhiều hơn, càng gần bà, Trung càng thấy Hương có nhiều nét giống mẹ, chàng thầm cảm ơn Thượng Đế đã cho chàng cơ hội quen biết Hương. Trung nhớ cha mẹ thật nhiều, nhất là người cha tật nguyền, suốt một đời tận tụy cho vợ con. Chỉ ngày mai, bằng giờ này Trung đã có mặt bên cạnh cha mẹ, chàng sẽ đưa đứa em trai đi chợ tết sắm ít quà cho ba mẹ. Tội nghiệp mẹ có chiếc áo dài may đã lâu, mỗi lần có đình đám, hội hè của người Á Đông là mẹ lại mang ra mặc. Trung mỉm cười nhớ lại những lời mẹ nói trên điện thoại hôm qua:

"Ba mẹ mới sơn lại căn phòng của con để đón con về ăn tết đó... Cái thằng Nghĩa đểnh đoảng, chẳng gọn gàng như con. Ôi cái phòng của nó mẹ dọn hoài cũng dơ hoài, quần áo sách vở vứt cả trên sàn nhà... Nó với ba con, hễ có giờ rảnh là hai cha con lại la cà ở thư viện lôi về một đống sách. Trên bàn, dưới sàn chỗ nào cũng có sách vở, báo chí con ơi! Ừa! Mà thằng Nghĩa khoe con có bạn gái hả? Sao không cho ba mẹ biết! Nhớ mang hình về cho ba mẹ xem mặt nghe...."

Trong giấc ngủ muộn, Trung mơ thấy những khuôn mặt thân thương và đôi bàn tay êm ái của Thu Hương.

Giấc ngủ không đến với bà Thủy dễ dàng. Định tìm một quyển sách đọc với hy vọng giấc ngủ sể đến, nhưng mắt bà lại lướt qua những tấm hình chưng trên đầu tủ. Ánh mắt bà dừng lại thật lâu trên tấm hình ba thiếu nữ trẻ đẹp trong ba tà áo dài chụp trước sân nhà thờ Đức Bà. Hình ba chị em bà đã được Quân chụp trong ngày lễ Giáng Sinh năm nào. Tấm hình đưa bà trở về với vùng trời quê hương, nơi bà có cả một kho tàng kỷ niệm dấu yêu.

Sau chuyến nghỉ hè tại Vũng Tàu, Thu Thủy không còn là cô bé hồn nhiên hay vòi vĩnh mẹ cho tiền đi coi ciné, hay nũng nịu đòi ba chở cả nhà đi ăn cơm Tầu bên chợ lớn, đòi phần bánh gateau thật lớn, ly chè đậu đỏ thật to. Từ ngày quen Quân, Thủy đã bắt đầu biết thẹn thùng làm duyên, biết bâng khuâng mong nhớ. Trở lại Sài Gòn, Thủy nhớ những ngày hè ở Vũng Tàu đến ngẩn ngơ, nàng nhớ Quân quay quắt. Thủy thẹn đỏ mặt mỗi lần nhớ đến lúc ở bãi biển bị mảnh vỏ sò đâm vào chân, Quân đã phải vỗ về dỗ dành để Thủy thôi khóc. Trên đường chở ba chị em Thủy về nhà cô Năm, Quân luôn miệng hỏi: "Thủy hết đau chưa? " Mỗi lần như thế thì hai cô em gái, Hồng và Hạnh lại nhéo vào tay Thủy rồi khúch khích cười. Quân kể chuyện những lần bị phạt hít đất trong những tuần lễ huấn nhục, những lần chàng đi biển "ôm sô" của những ngày tập tành hải nghiệp. Quân kể chuyện rất vui làm ba chị em cứ ôm bụng cười và Thủy quên cả đau. Đêm hôm ấy hai đứa em gái tinh nghịch luôn miệng chọc ghẹo:

"Bà Thủy có ma lực hớp hồn ông sĩ quan Hải Quân. Ê bà Thủy! Chàng cũng khôi ngô tuấn tú không kém Kim Trọng của Kiều. Eo ơi! chàng có cặp mắt đa tình đến rợn người, bà mà cặp ông ấy thì tiêu đời. Khiếp! chàng có nụ cười phong trần gớm, coi chừng cảnh phòng không gối chiếc.... ".

Ba ngày nghỉ hè còn lại là ba ngày thật vui. Ngày nào Trung cũng trở lại thăm Thủy, nhưng vì vết thương nơi chân Thủy chưa lành nên cô Năm không cho ba chị em ra ngoài. Ngày cuối cùng cô Năm thấy tội nghiệp nên không còn cấm túc. Sáng sớm ba chị em đã có mặt tại bãi biển, tung tăng nô đùa với nước và sóng biển cho đến gần trưa, khi Quân đến đưa họ đi thăm cảnh Vũng Tàu. Một ngày qua đi thật mau. Quân bịn rịn chia tay cùng Thủy và hẹn ngày tái ngộ.

Trở lại thành phố, Thủy mong đợi ngày đi phép của Quân để được chàng đến thăm. Thủy hãnh diện giới thiệu Quân với bạn bè mỗi lần Quân đến đón ở cổng trường. Cành me, chùm phượng vĩ trong sân trường dường như cũng miên man chia xẻ niềm hân hoan của Thủy mỗi khi Quân đến. Thủy duyên dáng bên Quân trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Tuy không phải là con chiên ngoan đạo, nhưng Quân vẫn thích theo Thủy đi lễ để nghe nàng thì thầm cầu nguyện:

"Xin cho tình yêu được nồng nàn, bền vững keo sơn. "

Tình yêu lớn dần theo những lần Quân về phép. Mẹ Thủy lo lắng:

" Ngày xưa ông bà ngoại không cấm cản má khi ba cầu hôn với má, thì ngày nay má cũng không cấm cản con yêu Quân. Hơn nữa, Quân cũng là người có nhiều đức tính tốt, con sẽ tìm được hạnh phúc bên người con yêu. Má chỉ muốn nhắn nhủ với con: Có người yêu hay chồng là lính thì con phải can đảm khi có những bất trắc xảy ra. "

Thủy vui như bước vào thiên đường hạnh phúc những ngày Quân về phép. Nàng buồn bã như cành hoa héo úa khi vắng Quân. Hồng và Hạnh lại đe dọa:

"Ai bảo bà thích làm người yêu của lính.., thì bà phải chấp nhận thương đau... "

Và thương đau đã thực sự đến với Thủy. Một buổi chiều từ trường trở về, người bạn của Quân, đang chờ Thủy trong phòng khách. Anh báo cho Thủy một hung tin:

"... Anh Quân đã mất tích trong trận hải chiến Hoàng Sa! Có lẽ anh ấy đã tử trận! ... ".

Thủy không còn nghe được những gì người bạn nói. Thủy chạy vào phòng nằm vật xuống giường khóc nức nở. Kể từ đó Thủy trở thành lầm lì, ít nói, ít cười. Thiên đàng hạnh phúc đã khép cửa bỏ quên Thủy bên ngoài. Thủy chìm dần xuống vực sâu đau khổ. Người bạn đã trở lại nhiều lần nhưng Thủy không tiếp. Quá thất vọng, Thủy giam mình trong bóng tối cô đơn và thinh lặng.

Biến cố 30 tháng tư năm 75 đã đưa gia đình Thủy đến Hoa Kỳ. Hồng và Hạnh cũng lần lượt lập gia đình. Ba Thủy rồi cũng đã qua đời, mẹ nàng lo lắng cho đứa con gái đã lớn tuổi mà không nghĩ đến chuyện chồng con. Nhưng rồi tình yêu chân thật và bền bỉ của người đàn ông bản xứ đã mang lại sức sống cho trái tim tưởng như đã chết mòn trong đau khổ của Thủy. Hương ra đời mang lại cho Thủy bao niềm vui, nàng gần như quên hết dĩ vãng. Công việc hàng ngày cộng thêm bổn phận làm vợ và làm mẹ đã làm Thủy thêm bận rộn, nàng vui với niềm vui của chồng con. Cuộc sống ấm êm thanh bình bên cạnh chồng con tưởng như vô tận. Nhưng dường như định mệnh của Thủy được gắn liền với những thảm họa, với những mất mát lớn lao. Người thân của Thủy lại một lần nữa bỏ nàng ra đi! Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa, Thủy đã ở bên cạnh chồng khi ông trút hơi thở cuối cùng sau tai nạn đụng xe khủng khiếp. Lại một lần nữa Thủy rơi vào tận cùng của cô đơn và tuyệt vọng. Dòng đời vẫn trôi và kỷ niệm là chốn nương tựa cho tâm hồn đầy thương tích của Thủy.

oOo

Trời mới lờ mờ sáng bà Quân đã thức giấc. Bà nhẹ nhàng ra khỏi giường để ông Quân ngũ, bước thật nhẹ ra ngoài phòng khách thấy hai cậu con trai, cuốn gọn trong chăn, mỗi đứa một chiếc ghế salon đang say sưa ngủ. Cũng căn nhà trọ, hai phòng này, hơn hai năn trước khi Quân dọn vào, đồ đạc vỏn vẹn có cái giường nhỏ, một cái bàn học, một cái ghế gỗ mà ông Quân đã sắm vội cho con trước khi để con ở lại Houston một mình, vậy mà nay khi bà trở lại đã có đầy đủ. Phòng ngủ giường tủ ngăn nắp, chiếc phòng lớn một bên là nhà bếp có bộ bàn ăn nhỏ, một bên là nơi tiếp khách cũng có bộ salon trang nhã. Nhà bếp có đầy đủ dụng cụ làm bếp và chén, đĩa kiểu... Nhìn quanh nhà, cách trang trí với những bức tranh nghệ thuật trên tường, màn cửa kiểu cách, bà gật gù mãn nguyện, bà nói với chính bà: "Nhà nhìn cứ như có bàn tay người vợ hiền, thằng Trung thế mà khéo. " Bà nôn nóng mong sao trời mau sáng đến giờ hẹn với đàng gái để bà nhìn thấy cô con dâu tương lai của bà. Khuôn mặt xinh đẹp dịu dàng trong hình, giọng nói ngọt ngào nhỏ nhẹ trên điện thoại không đủ thỏa mãn lòng mong muốn một cô con dâu với đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh cho đứa con trai đầu lòng. Bà muốn tận mắt thấy cô con dâu mà bà đã mong đợi cả năm nay để nhìn thấy mặt. Bà săm soi lại cặp rượu, hai hộp trà tàu, hai hộp bánh. Tất cả được bà cẩn thận gói trong giấy bóng đỏ để lát nữa đây đem qua nhà bà Thủy để "dạm ngõ Thu Hương cho con trai bà. Cả tháng nay bà đã bàn định với chồng về lễ hỏi, lễ cưới cho con trai, bà vẫn nói với chồng: "Giấy rách phải giữ lấy lề, dù ở phương trời nào thì mình vẫn phải giữ phong tục tập quán của người Việt Nam... "

Còn bà xui nữa, bà Quân rất thích cách nói chuyện cởi mở thân mật của bà Thủy, dù chưa một lần gặp gỡ mà hai người đàn bàn như đã quen thân, có lần trên điện thoại bà Quân đã thân mật nói: "... Chị cứ gọi em bằng tên Hằng cho thân mật, mình cũng cùng tuổi tác với nhau mà..."
Tiếng chân ông Quân cắt ngang dòng tư tưởng, ngẩng nhìn chồng, bà nói:

"Anh thức dậy rồi hả? Còn sớm lắm sao anh không ngủ thêm một chút cho lại sức, ngồi cả buổi trên máy bay, rồi đêm qua còn thức khuya nói chuyện với hai con, chắc anh mệt lắm. Để em pha cho anh ly trà nóng..."

Thực ra suốt đêm rồi ông không hề chợp mắt, ông suy nghĩ mông lung về định mệnh của một kiếp người. Đúng ra, cả gần năm nay, sau ngày Trung về thăm nhà vào dịp tết năm ngoái, bỏ quên quyển đặc san xuân có bài thơ mà ông đã viết tặng người yêu đầu đời. Cho đến ngày nay bài thơ lại được đăng trong đặc san Xuân Quê Hương! Ông đã nhiều đêm thao thức băn khoăn. Dĩ vãng của thời thanh xuân tưởng đã theo tháng năn ngủ yên trong tiềm thức nay chợt sống lại mãnh liệt trong lòng ông, chợt hiện về thật rõ nét trong ký ức ông. Những tấm hình của Thu Hương mà Trung đã gửi về cho vợ chồng ông. Ông đã ngạc nhiên đến sửng sốt khi nhìn thấy hình Thu Hương. Đôi mắt ấy làm sao ông có thể lầm lẫn được. Còn cái tên "Thu Thủy", mẹ của Thu Hương, chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu quả thực như điều ông suy nghĩ thì đã đến lúc ông phải đối diện với thực tế. Bưng tách trà nóng bà Quân mới pha, ông uống từng ngụm nhỏ. Nhìn đồng hồ mới hơn sáu giờ sáng, ông bảo vợ:

" Hằng à! Em nên nằn nghỉ một chút, hôm nay mình có cả một ngày dài, sợ em chịu không nổi. Lát nữa các con thức dậy, anh đưa cả nhà xuống phố ăn phở. Thằng Trung nói gần đây có tiệm phở Đà Lạt mới mở, khá ngon. "

Bà Trung kéo ghế ngồi sát bên chồng, bà mở hộp nữ trang khoe:

"Anh thì lúc nào cũng lo lắng cho mẹ con em, thân mình thì không lo. Này anh coi, cái vòng bạch kim này đẹp không? Của má em cho ngày em còn con gái đó. Mình không có con gái, hay để em tặng cho Thu Hương nghe anh. Với em, con dâu con ruột gì em cũng thương hết. "

Ông Quân ôm vai vợ siết nhẹ. Vợ ông lúc nào cũng thế, hồn nhiên, vui vẻ và tốt bụng. Ông thương vợ vì những đức tính tốt. Ông còn thương vợ vì nàng là người mẹ tuyệt diệu của hai đứa con trai của ông.

oOo

Nhà bà Thủy hôm nay trang hoàng thật lộng lẫy, khăn bàn trắng ủi hồ thẳng nếp, hoa hồng đỏ thắm chưng giữa bàn. Cây mai Trung và Hương mua cách nay mấy tuần trổ bông tuyệt đẹp. Bà Thủy treo trên ấy mấy phong đỏ có chữ Cung Chúc Tân Xuân. Bà Thủy trang hoàng nhà cửa không hẳn chỉ để chào đón ba ngày tết mà còn để chào đón gia đình Trung đến xin "dạm ngõ con gái bà. Bà Thủy nhìn quý phái trong chiếc áo dài màu xanh rêu và quần satin chằng. Hương sau bao lần đổi ý, cuối cùng nàng chọn chiếc áo màu vàng hoàng yến. Chiếc áo dài cổ truyền của phụ nữ Việt Nam làm Hương thêm thùy mị duyên dáng. Biết Trung rất đúng giờ nên mẹ con bà đã chuẩn bị trước và ra đón tận ngoài ngõ. Chỉ vài phút sau thì gia đình Trung đến. Bà Quân cũng xinh xắn trong chiếc áo dài mầu nâu đỏ. Ba cha con ông Quân trịnh trọng trong bộ Âu phục. Hôm nay ông Quân không chống gậy. Ông chỉ dùng chiếc chân giả bằng gỗ, ông đứng thẳng người và bước những bước thật vững. Hôm nay là ngày trọng đại của con trai ông hay của chính ông? Chỉ mình ông biết! Dù đã chuẩn bị tinh thần, ông cũng không khỏi sửng sốt khi gặp bà Thủy. Ông nhìn người xưa mà lòng dâng lên một nỗi xúc động ngập tràn. Bà Thủy dường như cũng nhận ra người đàn ông đối diện, bà mất tự chủ, nhưng chỉ trong khoảnh khắc bà lấy lại bình tĩnh. Trung và Hương giới thiệu hai bên gia đình với nhau. Bà Thủy thăm hỏi từng người và vồn vã mời mọi người vào nhà. Bà Quân vừa gặp Hương là mến ngay, bà thầm khen Trung khéo chọn người bạn trăm năn, vừa hiền ngoan, vừa duyên dáng lại vừa đẹp. Bà Thủy cố tránh ánh mắt của ông Quân khi bà châm trà mời khách. Đỡ mâm sính lễ trên tay Nghĩa, ông đặt lên bàn và trịnh trong nói với bà Thủy mục đích của cuộc thăm viếng ngày hôm nay: "... Vì tình yêu của hai cháu Trung-Hương. Xin phép chị cho con trai chúng tôi, Trung, được lui tới gia đình bà để hai cháu có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau..." Hai bên đối đáp rất cẩn trọng. Bà Quân vốn không thích quá câu nệ, khách sáo, nên bà tíu tít hỏi han, cười nói luôn miệng làm không khí bớt căng thẳng. Chẳng mấy chốc mà ba người phụ nữ đã trở thành thân thiện. Trong lúc mọi người chuyện trò vui vẻ. Nghĩa hỏi Hương:

"Chị Hương, nghe anh Trung nói chị có hồ cá tuyệt đẹp, đưa em đi coi được không? "
"Lát nữa đi Nghĩa, mình bỏ ra ngoài bây giờ không được đâu, mẹ la chết. "
"Em thích nuôi cá đá, chị có cá đá không? "
"Không, nhưng em thích thì hôm nào chị mua tặng em một cặp. "
"Chị hứa rồi nhé, em sẽ không để chị quên đâu. "

Nghe câu chuyện ngây ngô của hai người trẻ, ông Trung thấy lâng lâng niền vui. Bà Thủy mời tất cả sang phòng ăn, thức ăn còn nóng hổi đã được chị giúp việc dọn sẵn. Bà Thủy mở bọc giấy bóng đỏ, lấy ra cặp rượu, trao cho ông Quân một chai và nhờ ông mở và rót giùm ra những chiếc ly pha lê. Mọi người nâng cao ly rượu chúc mừng cho tình yêu của Trung và Hương. Bà Quân lấy chiếc vòng bạch kim mang vào cườm tay cho Hương, bà nói:

"... Một chiếc vòng, hai thế hệ! Bác cầu xin ơn trên cho các con luôn thương yêu nhau và hai bên gia đình luôn thuận thảo. ..."

Sau bữa cơm thân mật, mọi người ra phòng khách. Bà Thủy châm thêm trà và mọi người thưởng thức mứt thập cẩm do chính tay bà làm. Sợ bà Thủy theo thói quen mời ông bà Quân đi dạo, lợi dụng lúc bà Thủy trở lại nhà bếp, Trung vội nói nhỏ với bà là cha chàng bị cụt mất một bàn chân trong chiến tranh Việt Nam, do đó sự đì đứng không được bình thường, có lẽ không đi dạo được. Bà Thủy mở tròn mắt, sửng sốt nói:

"Cháu mới nói ba cháu bị cụt mất một chân ở Việt Nam? Trận hải chiến Hoàng Sa phải không? Tại sao anh ấy lại không cho tôi biết? Tại sao lại dấu tôi? "

Sợ bà Thủy coi thường ba mình, Trung vội bào chữa:

"Ba cháu rất tự trọng, không muốn làm người khác phải bận tâm về chuyện bất hạnh của mình, nên ba cháu ít khi nói cho người khác biết, ngược lại ba cháu luôn tỏ ra là một người bình thường. "
"Cháu ra tiếp ba mẹ, có hạt bụi rơi vào mắt bác, bác về phòng một chút sẽ trở lại ngay. "

Bà Thủy đi vội về phòng, sau khi cánh cửa đã khép, bà để nước mắt tự do tuôn chảy. Bà đã hiểu tấm lòng cao thượng của người yêu đầu đời. Vậy mà bấy lâu nay bà cứ ngỡ thân xác Quân đã vùi sâu trong lòng biển cả. Bà lau vội nước mắt, rồi trở ra phòng khách. Giữ vẻ mặt tươi cười, bà tránh không nhìn ông Quân, nhưng hình như ánh mắt của Quân và Trung đều đổ dồn về bà.

Bà Quân đang vui vẻ, bỗng ôm đầu nhăn nhó, ông Quân biết là vợ lại bị cơn nhức đầu kinh niên hành, ông vội đứng dậy đỡ vợ, ông lấy ống thuốc để sẵn trong túi, đưa cho vợ, bà uống ngay một viên. Trung hỏi bà Thủy cho mẹ nằn nghỉ trong phòng thật tối và không có tiếng động, sau khi uống viên thuốc bà sẽ ngủ một vài giờ và khi thức dậy sẽ hết nhức đầu. Hương và bà Thủy đỡ bà Quân vào phòng. Hương gói bịch nước đá nhỏ vào chiếc khăn lông và đặt lên trán bà Quân, kéo chăn đắp lên tận cổ bà, nàng nói:

"Bác nằm nghỉ, nếu cần gì bác cứ gọi cháu, cháu sẽ trở lại thăm chừng bác. "

Bà Quân cố gắng mở đôi mắt đã bắt đầu nặng trĩu, nắm tay bà Thủy và Hương, bà nói:

"Chị và cháu cứ an tâm, tôi chỉ cần nghỉ một chút sẽ trở lại bình thường. Gia đình tôi đã quen với chứng bịnh kỳ quặc của tôi. "

Siết nhẹ tay bà Quân, bà Thủy nói:

"Chị Hằng! Chị cứ an tâm nằn nghỉ, chúng tôi sẽ không gây tiếng động. Hương là y tá, cháu sẽ biết cách săn sóc chị. "
"Cảm ơn cháu, cảm ơn chị Thủy, chúng tôi thật có phúc đã quen... biết..."

Bà Quân đã chìm vào giấc ngủ khi chưa nói hết câu. Khi mẹ con bà Thủy trở ra, ba cha con ông Quân vẫn đợi ngoài phòng khách. Trung đề nghị Hương và Trung đưa Nghĩa ra xem hồ cá. Bà Thủy và ông Quân cũng đi theo ra vườn Bà Thủy mời ông Trung ngồi xuống chiếc ghế gỗ dưới giàn dạ lý hương, bà ngồi xuống chiếc ghế gần đó. Hai người đều nhìn vu vơ về một khoảng chân trời không cố định. Một lúc lâu, bà Thủy lên tiếng:

"Tội nghiệp chị Quân! "

Ông Quân hững hờ đáp:

"Vâng! Nhà tôi dạo sau này hơi yếu, chứng nhức đầu luôn làm khổ vợ tôi. Xin lỗi đã làm phiền lòng bà trong ngày vui của con chúng ta. "
"Anh Quân! Xin đừng khách sáo"

Hai người lại im lặng. Một lúc sau ông Quân nói:

"Thu Thủy! Em..., Ồ! không,... Chị Thủy, chị nhìn vẫn như dạo nào! Chị vẫn bình an chứ? Cháu Trung cho tôi biết ba của Hương đã qua đời. -Ngừng một lát, ông thở dài- Thật tội nghiệp chị, Cháu Trung còn nói em,... ô... chị thường hay mất ngủ, lòng tôi đau như cắt. Đã từ lâu anh... ơ... tôi đã nghi ngờ Trung đang yêu con gái của người yêu đầu đời của tôi. Cặp mắt trong tấm hình của Thu Hương nhìn rất giống chị ngày xưa, rồi bài thơ anh.. tôi viết tặng Thủy đăng trên tờ báo Xuân Hương Quê ký tên TT. Thu Thủy! Tôi đâu thể lần lẫn được. Con trai tôi đã vô tình cho tôi biết tất cả.

Bà Thủy nghẹn ngào.

"Tại sao anh lại dối Thủy? Thủy cứ tưởng anh đã tử trận. Anh có biết Thủy đau khổ như thế nào không? "
"Tôi không thể ích kỷ, Tôi không thể bắt một người con gái ngây thơ, phải chịu chung số phận với tôi. Em đẹp như một nàng tiên, lộng lẫy kiêu sa như một nụ hồng. Lúc đó tôi thật tuyệt vọng và đau khổ. Tôi đã hy vọng em sẽ quên tôi, và sẽ có người xứng đáng hơn tôi sẽ thay chỗ tôi. Đã nhiều lần, thật nhiều lần, tôi đến cổng trường đợi em giờ tan học. Nhìn em tiều tụy làm tìm tôi đau đớn. Tôi đã định gọi tên em, tôi đã định gặp em và nói thật tất cả. Nhưng nhìn lại bàn chân tật nguyền! Bàn chân tật nguyền của tôi sẽ làm khổ đời em. Tôi không đủ can đảm. Tôi không thể ích kỷ! Tôi âm thầm gọi tên em trong trái tim đang rướm máu của tôi"

Bà Thủy ngậm ngùi, rồi bật thành tiếng nấc nhỏ, nước mắt như con nước vỡ bờ, tuâm chảy dạt dào. Ông Quân chua xót nhìn người yêu, ông đến gần bà, ông muốn đưa tay ôm đôi vai run rẩy của bà và hôn lên đôi mắt mà ngày xưa ông đã từng đắm đuối si mê. Nhưng ông đã dừng lại, vì ông biết chỉ bước thêm một bước nữa thì ông sẽ không tự chủ được và ông sẽ thổ lộ lòng mình, ông sẽ bảo ông vẫn còn yêu bà tha thiết, không một ngày qua đi mà ông không nghĩ đến bà. Rồi chuyện gì xảy ra? Ông không thể lường được. Ông đã sai lầm một lần, ông không thể sai lầm thêm lần nữa. Ông đau khổ khập khễnh trở lại ghế ngồi. Mắt ông cảm thấy ướt và mũi ông cay. Ông rút khăn tay trao cho bà Thủy thấm nước mắt.

"Thủy! Cho anh ngàn lần xin lỗi, hãy tha lỗi cho anh đã làm khổ em. Yêu em, anh chỉ mong ước em được hưởng trọn vẹn hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Anh chỉ muốn em có một người chồng xứng đánh hơn anh. Mọi tủi buồn khổ đau anh sẵn sàng hứng chịu, miễn sao người anh yêu được ấm êm hạnh phúc.."

Lau khô ngấn lệ, bà Thủy run run đáp:

"Anh Quân! Đừng xin lỗi Thủy, anh không có lỗi gì cả. Anh là người thanh niên có nhiều đức tính tốt, mẹ Thủy đã có lần nói như vậy. Anh đã hy sinh tình yêu vì nghĩ đến Thủy. Anh thật cao thượng. Cháu Trung rất giống anh, cả về khuôn mặt, dáng người lẫn tính tình. Hương rất có phước, hãy chúc lành cho con cái chúng ta."

Bà Thủy mỉm cười, giọng bà nhỏ lại, dường như giọng nói của thuở xa xưa:

"Bây giờ hai cuộc đời! Hai ngả rẽ! Chúng ta còn trách nhiệm, còn bổn phận. Chúng ta còn Trung, còn Hương. Hai người con của chúng ta sẽ cùng nhìn về một hướng tương lai. Âu cũng là định mệnh! Cảm ơn Thượng Đế anh vẫn còn sống, để Thủy gặp lại. Cảm ơn ngài đã cho Trung và Hương gặp gỡ và yêu nhau. Hình ảnh Hoàng Quốc Quân của hơn 30 năm về trước vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tim Thủy. "
"Thu Thủy, anh mong cả hai chúng ta hãy coi quá khứ là kỷ niệm đẹp mà chúng ta hằng trân quý. Anh sẽ yêu mãi những bản nhạc của thời xa xưa. Phải chăng tình chỉ đẹp khi còn dang dở?"
"Anh Quân, từ nay ta sẽ là  sui  gia của nhau. Kể từ nay chúng ta sẽ thôi thao thức, băn khoăn. Chúng ta sẽ được ngủ những giấc ngủ bình an!"
"Thu Thủy! Chúng tay hãy chung vui cho một mùa Xuân Hạnh Ngộ."
"Vâng ! Chúng ta hãy vào rủ chị Hằng và các con cùng chung vui với chúng ta. Hai tâm hồn đã được giải thoát."

oOo

Buổi xế chiều mùa xuân ấm áp. Mặt trời nghiêng nghiêng, thả vạt nắng vàng loang loáng trên may hàng cây. Dưới bóng cây sồi  cổ thụ sau nhà, mọi người đã tề tựu  đông đủ. Vừa dàn dựng máy hình Trung vừa nói:

"Cũng may con vừa học xong lớp nhiếp anh nghệ thuật. Con sẽ chụp tấm hình gia đình tuyệt đẹp để làm kỷ niệm."

Ông Quân cao nhất, Trung xếp đứng giữa, bên phải là bà Quân, bà Thủy đứng cạnh bà Quân, Nghĩa đứng bên phải của ông Quân, kế là Hương. Trung bấm máy chụp tự động và bước vội đến đứng bên Hương. Mọi người cười vui vẻ. Tiếng động nhỏ phát ra từ chiếc máy ảnh báo hiệu hình đã chụp xong. Trung vui cười chúc:

"Nhân dịp Xuân về, xin chúc mọi người được toại nguyện với những điều mong ước. Con cũng xin riêng chúc ba mẹ và bác Thủy được dồi dào sức khỏe, khang an, trường thọ."

Cơn gió thoảng đầu xuân rì rào trên ngàn lá, như mang câu ca dao đáp lời chúc tụng:

Mình về ta chúc đôi lời
Chúc cha, chúc mẹ, chúc người bạn thân,
Chúc cho đôi lứa thanh tân
Đẹp  như trăng tỏ đêm xuân ngày rằm.

Lê Phạm Kim Phượng
01/17/2003

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012