SỐ 58 - THÁNG 4 NĂM 2013

 

Huế Vẫn Thơ

Thái  Bạch Vân

Mưa... mưa mù mịt cả đất trời
Hồn thơ chùng xuống... Huế... Huế ơi 
Khiến ta nhớ quá thời xưa ấy
Cảm xúc trào dâng đến nghẹn lời.

Qua cửa sổ phi cơ, tôi thấy trời một màu trắng đục, mịt mờ... Trong phi cơ vang vang lời thông báo” Không phận Huế... không phận Huế nhiêt độ bên ngoài đang là 0 độ C “ Tôi chợt thấy lạnh buốt, vội mặc thêm áo len rồi khoác luôn cái manteau đã mang theo sẵn. Lời thông báo lại vang vang...” Máy bay sắp đáp xuống phi trường Phú Bài “... nhiệt độ bên ngoài ... 10 độ C...”

Nghe mấy tiếng “Phi Trường Phú Bài” tôi chợt thấy  bồi hồi, vội nhoài người tới khung cửa sổ máy bay nhìn xuống . La liệt nhiều dãy đèn mờ mờ... tỏ tỏ nhấp nháy dưới màn mưa trắng.Tôi như  đang thấy cái dáng  buồn xưa và cái nét  chịu dựng cũ của Huế đô muôn thuở...

Huế ơi!  vẫn buồn xưa
Hắc hiu... ngày tháng cũ

Âm thầm trải gió mưa     
Thật vậy, cái nét buồn đó, cái dáng âm thầm chiu đựng đó của Huế là cái  đặc thù của Huế khiến cho những con người xứ Huế lòng vẫn dằng dặc khó quên Huế thân thương, Huế dấu yêu.cho dù ở tận góc bể, chân trời... điều này làm cho Huế đã thơ càng nên thơ hơn chăng, hỡi các nhà thơ của đất Huế!!

Phi cơ  đáp xuống sân êm ái mặc dù trời vẫn mưa nặng hạt... hành khách  ra khỏi máy bay, xuống đất,bằng thang sắt rồi lên xe buýt, xe rời sân bay đưa hành khách vào phòng nhận hành lý... mọi người co ro, trẻ dắt già... mẹ bế con thơ dưới cơn mưa với cái  lạnh giá  10 độ C của Huế... Huế ơi, Huế vẫn nghèo... vẫn cơ cực... thật  thương quá là thương.

Hành khách không có thân nhân đón tại chỗ, muốn về trạm hàng không chính trên phố Huế thì lại lên xe buýt. Tôi cùng cô cháu chậm chân nên không kịp lên xe buýt đó; đành phải đi taxi trả gấp đôi tiền để về khách sạn khi trời sập tối... và Huế ơi Huế vẫn mưa và vẫn thêm lạnh... như thách đố người từ xứ lạnh trở về. Huế nào có biết đâu là tôi đã khổ sơ biết bao nhiêu bởi một tuần lễ bi thiêu đốt dưới cái nóng “ác ôn” bụi bặm của Sài Gòn!.

...Rồi thì điện thoại viễn liên lời lời nhắn nhủ từ bên kia nửa vòng trái đất dặn dò, nhắc nhở đủ điều... rồi thì điện thoại bà con bạn bè tai Huế thăm hỏi, mừng vui tíu tít, hẹn hò ngày mai.chương trình gặp mặt,sau đó là giấc ngủ muộn đầy mộng mị.buồn vui khóc cười lẫn lộn...

Ngày đầu tiên trên đất Huế của tôi hôm ấy  là vào bệnh viện Huế thăm Họa sĩ Thái Bá cậu em con ông chú ruột tôi đang điều tri bệnh phổi nan y ở đây... Ôi chao ! ngày đầu tiên tôi đã gặp chuyện buồn rồi !! Thấy cậu ta gượng vui chào đón bà chi phương xa về ma lòng tôi nhói buốt  tuy miệng làm vui mở lòi hỏi han an ủi...

Sau Tết mới sáu ngày... Cây Nêu Tết chưa hạ... Huế chưa ăn Tết xong ! Tôi và bà O cùng năm tiểu Nữ họ Thái, bảy O cháu họ Thái già trẻ ra khỏi bệnh viện  kéo nhau lội mưa đi tảo mộ ôn mệ trên núi Nam Giao... Nhũng ngôi mộ đã được vun xới chăm sóc trước Tết nằm tươi tắn nhìn đàn hậu duệ thắp hương khấn vái... Có phải ông bà tiên tổ từ chín suối đang thân thương mỉm cười vói chúng tôi. 

Trước khói hương tỏa ngát... mưa nhẹ bay bay  nghe thoảng đâu đây tiếng chuông chùa xa ngân vọng lại... lòng tôi bỗng thanh thản nhẹ nhàng... Tối cúi xuống nhổ mấy cây cỏ dại mới mọc trên ngôi mộ bà nội và như thoáng thấy trong cõi mơ hồ cái vẫy tay của bà... trong khi mấy kiều nữ họ Thái của tôi đang chia nhau đi cắm nhang ở các ngôi mộ láng giềng của ôn mệ chúng tôi.

Không biết dến khi nào mới trở về  thăm lại nơi đây nên tôi đã chụp thật nhiều hình mặc dù trời mù mù dưới mưa bay... trông cảnh vật chung quanh dường như đang ngái ngủ... với tôi thì trông cảnh vật, cỏ cây, mộ bia trùng trùng...tiếp nối... thấp thóang bóng dáng các cô các bà đi tảo mộ khiến cảnh trở nên  thoáng chút liêu trai... mộng mị...

Trên đường về, bà O bảo xe taxi chạy chầm chậm, đưa  tay chỉ những nơi có di tích lịch sử; cho mấy cô cháu thấy : nào đây là cổng vào chỗ tế trời, kia là Đàn Nam Giao chỗ nhà... Vua lập đàn tế tròi mỗi năm một lần.

Về tới nhà cô cháu út, một bàn đầy thức ăn đặc sản Huế đã được bày sẵn ; bánh bèo, banh lá chả tôm, bánh ít kẹp bánh ram, bánh chưng Nam Phổ, bánh bột lọc, bánh ít tôm thịt; dĩ nhiên là rất đặc biệt Huế vì loại bánh nào cũng được làm nhỏ xíu và gói rất đẹp, mới nhìn thôi cũng đã thấy ngon rồi.

Hôm sau là ngay giỗ bà thím,bà mẹ của bà O... đám giỗ khá lớn, bà O mời bà con rất đông...Mấy chị em tôi ăn vừa xong bấm nhau chào ra về để còn đi thăm mộ nơi dãy đồi sau chùa Linh Mụ. Nơi đây là nơi an nghỉ của ba tôi, các chú  và một số các em  tôi.

Tôi vẫn còn mấy em sống ở Huế nên các ngôi mộ này được chăm sóc chu đáo. Nhìn mộ ba, tôi  không sao cầm được nước mắt… nhớ ngày nào... trước khi đi xuất cảnh tôi về thăm, ba tôi đã nắm lấy tay tôi ngậm ngùi nước mắt lưng tròng nói “con đi mô cho ba đi với“... Ôi ! ba ơi làm sao con mang ba đi dễ dàng vậy được !!! Bây giờ thì ba đâu cần  đi với con nữa rồi phải không ba ?? Con tin là nơi ba đang ở vui hơn chốn ta bà này của con nhiều!!   

Nhìn thấy tôi nước mắt ràn rụa mấy em tôi cũng cúi đầu  thương cảm...

Bày biện bánh trái hoa quả, mấy chị em thắp nhang  thì thầm khấn vái  từng ngôi mộ. Trời cũng lại mưa lất phất... chiều sụp xuống, cảnh đồi núi  trở nên âm u, chúng tôi vái lạy lần nữa rồi xuống đồi...

Ngang qua ngọn đồi thứ hai tôi bỗng sựng lại... Đây rồi, đồi sim cũ... nơi hò hẹn tình xưa… nơi  tôi với chàng - người xưa của tôi - thuở ấy đã từng bên nhau, nàng làm thơ, chàng  kéo đàn vào nhạc khi trời ngả chiều, mây tím bềnh bồng loang xuống đồi sim... Tôi còn nhớ lúc đó “: Tôi cùng chàng ngước nhìn phía chân trời, vài cụm mây trắng đang dần pha hồng rồi sắc tím chợt loang tới... Ôi chao huyền ảo... giờ đây trời mây như xuống thấp, rất gần với chúng tôi... Đồi sim như biến dạng chỉ còn là một thảm nhung tím ngát... và trời... và mây... và hoa... và hương... và sắc đang quyện lấy hai chúng tôi...  chàng khẻ nắm tay tôi rồi như chúng tôi đang dìu nhau nhẹ bay lên trời...” (1)

Thoáng một cái đã qua gần năm mươi năm... tôi bừng tỉnh khi trược chân nơi một vũng nước, cô em đi bên cạnh đang níu lấy tay tôi …     Bây giờ thì nơi đây đã có khá nhiều  ngôi mộ rải rác ở ven đồi... và chàng xưa của tôi cũng đã đang soạn ''nhạc tình'' ở nơi xa xăm nào đó trên trời... bên cạnh những tiên ông tiên bà... tiên cô xinh dẹp... suốt ngày chỉ ca hát… không chút lo âu muộn phiền...

Chúng tôi rời đồi núi, đi vòng về phía trước chùa Linh Mụ, tháp Phước Duyên phía trước chùa, cao sừng sững, nơi đây cũng có rất nhiều kỷ niệm với tôi ; khi còn nhỏ thì dắt đàn em bảy tám đứa lên chơi... khi thành thanh thiếu nữ thi đi cắm trại, chơi trò chơi lớn...leo lên lưng chú rùa lớn bằng đá đọc chữ khắc trên tấm bia đá được dựng trên lưng rùa, khi thì vào tháp chuông lấy guốc gõ nhẹ vào chuông rồi ghé sát vào để nghe tiếng u u  u vọng ngân nho nhỏ rờn rợn bên tai, thỉnh thoảng lại mang hoa dại hái hai bên vệ đường đặt lên bệ thờ ông Thiện ông Ác được thờ như thần giữ chùa nơi tam quan chùa nằm giữa tháp bảy tầng và cái sân rất rộng trước điện Phật chính.

Ôi  kỷ niệm... kỷ niệm tuyệt vời của thời hoa mộng mà ai cũng có và luôn mang theo trên đường đời đế trang trải... chống đỡ an ủi và cũng để làm vui cho mình trước những  đắng cay những âu lo muộn phiền... những thất bại não nề trong trường đời... cuộc sống.

Dưới bến chùa nay có khác xưa, nơi trước kia là mấy khóm trúc thả bóng xuống nước ven sông lung linh gợn sóng... gợi thi hứng cho thi nhân :.

“ Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương”*

Chỗ này nay sạch sẽ, sáng trưng  nổi bật 3 chiếc thuyền rồng (2) túc trực ở đó ý chừng để du khách thuê đi chơi trên sông Hương hoặc ngồi trên đó để chụp hình. Mấy chị em chúng tôi cũng chụp vài tấm... nhưng đứng trên bờ cho thuyền rồng ké vào sau lung làm cảnh chơi thôi vì chúng tôi không có nhiều thì giờ lên thuyền và để đỡ tốn tiền...- Việt kiều này nghèo quá mà …

Từ giã bến chùa Linh Mụ, bốn cô cháu chị em chở nhau trên hai chiếc "Honda ôm" trở về phố Huế... Huế vẫn mưa bay bay chúng tôi trùm khăn và phải đội “mũ an toàn” đúng luật giao thông hiện tại ở Việt Nam... Tôi bảo hai cô em chạy xe chầm chậm để ngắm cảnh.

Nước sông Hương lăn tăn sóng gợn và nay đã trở lai trong trẻo sau mấy năm nước đục và đỏ ngầu vì đất núi  phía trên nguồn bị phá lở...Vài chiếc đò dọc, chèo khua nước, thảnh thơi trôi. Chợ Kim Long đã họp nơi khác nay chỉ còn trơ lại cái đình đứng chơ vơ buồn tênh.

Cầu Bạch Hổ im lìm  nằm dọc bên canh cầu Dã Viên ngang qua sông Hương vẫn... tư lự với màu sơn đen muôn thuở  mặc mưa bay gió cuốn.

Ngang qua Vườn Ương nơi ương và trồng các loài cây và hoa giống giờ đây không còn như xưa, nay được gọi là Công Viên Cây Xanh vắng vẻ...đìu hiu... hoa kiểng lơ thơ mươi chậu hoa Thược dược, vài chậu hoa Vạn thọ khiến tôi không khỏi ngậm ngùi; thuở trước tôi cũng có nhiều kỷ niệm nơi đây, tôi đã có rất nhiều ảnh đẹp của một thời xuân sắc. Tôi còn nhớ tấm hình tôi được chụp; mặt kề bên đóa hoa hồng nhung màu vàng thắm mà “chàng của tôi” đã thu hình rất đẹp và đã đem ra khoe rồi ra luôn câu đối 

“Mặt hoa lồ lộ, hoa bên hoa”

và bắt tôi phải đối lại.Tôi nhớ đã đối lại:

“Mộng tình tỏ tỏ,tình bên tình “

Kỷ niệm nào mà chẳng đẹp nhưng mà đối với tôi kỷ niệm nào cũng mang nặng nỗi niềm...
Trên con đường   xuôi xuống Huế đó tôi đã ghé Phu Văn Lâu nơi đã phát sinh câu hò bất hủ

“ chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai  thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.
Thuyền ai thấp thóang bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non“ **

...đã vang bóng một thời nơi đã có các vì Vua Chúa ngự ra đó ngồi câu cá giải sầu
Sau bến Văn Lâu  còn một nơi tôi phải ghé lại - Bến đò Thừa Phủ - Phải, nơi đây tôi đã cùng bạn bè bao nhiêu năm trên chuyến đò ngang cắp sách đến trường có biết bao là kỷ niêm thương mến thiết tha... cái kỷ niệm khó quên nhất của tôi là vụ tôi bị “té sông“ được “người hùng Khải Định”  nhảy xuống nước ẵm lên (câu chuyện dài dòng này tôi đã ghi lại trong bài hồi ký “Đôi Mắt Quỷ Quái “...ở tập Thơ Văn Mây Tím của tôi xuất bản năm 2002)... Cho nên tới khúc đường  ngay bến đò Thừa Phủ, cô em tôi dừng xe... tôi vội vã đi nhanh xuống mé sông... nhưng than ôi! nơi đây chẳng còn một dấu tích gì, cây phượng vỹ hoa đỏ rực mùa hè trên bến năm xưa chẳng thấy đâu... Ở đây bây giờ là bãi đất bồi cao, cách mé nước vài mét là một căn lều bán cà phê và nước giải khát xập xệ, vài bộ bàn ghế lỏng chỏng vắng khách. Cô em tôi nói “ từ khi xây cầu Mới thì bến đò này dẹp bỏ luôn rồi chị ơi “ Tôi nhìn về hướng cầu Tràng Tiền thì thấy  cây cầu Mới này cách bến đò xưa không xa…

Trước khi về khách sạn  tôi còn xuống bến Thương Bạc ngồi ở đó nhìn ghe đò chầm chậm chèo  trên sông và kia là cầu Tràng Tiền vẫn sáu vài mười hai nhịp như  thuở nào, vẫn trắng bạc mơ màng dưới mờ mờ mưa bay, nằm vắt ngang tình tứ trên dòng Hương giang lăn tăn gợn sóng 

… Ôi ! chiếc cầu thân thương...chiếc cầu yêu dấu nơi mà sáng sáng...trưa trưa...chiều chiều đàn thiếu nữ Đồng Khánh chúng tôi đi học qua đó...  áo trắng tung tăng, đi đi về về … phải chăng đây là nét nổi bật, và sinh động  biết bao cho cảnh sắc Huế đô. Cho Huế muôn đời,                                           
Huế Vẫn Thơ !!

Tràng Tiền ơi, bao nỗi nhớ !
Hương Giang ơi,làm sao quên
Và Đồng Khánh ơi, áo trắng thân thương
mà giờ đây đã muôn phương lạc lõng...          

và  

“Huế xưa, ôi ! Huế xưa còn đó
Sao người xứ Huế lạc phương xa
Tràng Tiền mấy nhịp hoài trăn trở     
Bến cũ Hương Giang tím đợi chờ ”***

Thật vậy... với thi nhân... và ít nhất với tôi, HUẾ  VẪN  THƠ  !  


Thái Bạch Vân

Ghi Chú:

  1. Trong “ Màu Tím Hoa Sim “
  2. Thuyền có chạm trổ đầu mình rồng hai bên mạn thuyền.

*  Ca dao

** Thơ của cụ ƯNG BÌNH THÚC DẠ THỊ và những chữ Ai ở trong bài là để chỉ Vua Duy Tân (theo lời bạn tôi - nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con của cụ Ưng Bình thì cụ thân sinh bạn đã vô cùng xúc động nên viết thành  câu hò bất hủ trên khi nghe được tin Vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phu Văn Lâu, chờ gặp Trần cao Vân để bàn quốc sự ...)

*** Thơ  Lê Hữu Minh Toán

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012