SỐ 59 - THÁNG 7 NĂM 2013

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

16.  (tiếp theo)

Căn phòng nhỏ trơ trọi chiếc bàn gỗ và hai cái ghế đẩu. Ngọn đèn ống trên trần nhà chói dội màu sáng trắng đến nhức mắt. Dõng ngước mặt tưởng để tránh nhìn thấy nền xi măng cáu bẩn thì mắt lại chạm phải câu khẩu hiệu nằm dưới tấm chân dung hồng hào, phương phi râu tóc.  Câu nói nghe mà muốn chửi thề, như lời mỉa mai cho người vô cớ bị giam cầm.  Tiếng nói cười rổn rang của gã công an về buổi nhậu sắp tới vọng qua lỗ tò vò trên cánh cửa đóng kín khiến Dõng liên tưởng tới bộ mặt lầm lì của anh ta lúc đẩy Dõng vào phòng.

- Anh nhớ mà thành thật khai báo về thái độ phản động chống phá nhà nước của mình. Lãnh đạo công an sẽ có quyết định xử lý thích đáng.

Dõng không ngờ những việc khó khăn, tức tối cho Việt kiều về thăm quê anh chỉ đọc trên báo chí, trên mạng lại thật sự đang xảy đến cho mình. Anh hoang mang không biết mình đang ở đâu. Lúc chiều, mấy tên  công an chìm giả làm người chạy xe ôm không qua cầu Phước Trạch về phía thị xã mà lòng vòng chạy qua ngã khác khiến anh không nhận ra. Trong vòng ba ngày tới anh và Thục Nhi phải có mặt ở Sài Gòn cho kịp chuyến bay về lại Mỹ. Anh không ngớt lo lắng nghĩ tới những khó khăn chưa lường được.

Tiếng quát nạt của gã công an và giọng nói van nài của của một bé gái khiến Dõng bước đến gần cửa lắng nghe.

- Hết giờ thăm rồi, về nhà đi! Sớn sác đứng đó làm ồn, tao rấn cho một bạt tai sặc máu mũi chừ.

Dõng ngạc nhiên nghe ra giọng nói của con bé bán đậu phụng rang ở bãi biển lúc chiều.

- Chú thông cảm. Hồi nãy ở Cửa Đại, ông Việt kiều đó nhờ tui đi mua nước và đậu phụng rang nhiều lắm. Chú cứ lấy bớt mấy gói nhâm nhi rồi cho tui đưa mấy thứ này tới tay ổng xong đi liền... Thông cảm đi chú. 

Nghe tiếng cằn nhằn trả lời của gã công an, Dõng vội vàng quay lại ghế ngồi. Cánh cửa lẹt kẹt hé mở. Con bé bán đậu phụng rang lách mình bước vào.

- Ông Hai uống đỡ chai nước. Đậu phụng rang còn trên bàn nhậu lúc chiều, cháu có đem theo đây. Con bé lấm lét ngó về phía cửa, suỵt nhỏ giọng... Ông Hai có cần nhắn người nhà thì cho cháu biết.

Con bé mắt rạng lên, cố ngăn tiếng mừng lúc nghe Dõng nhờ về lại Phước Trạch tìm tới quán ăn của cô Lợi để nhắn tin cho Nữ. Con bé ghé sát tai Dõng.

- May quá! Ông Hai khỏi lo. Cháu được học Anh văn miễn phí ở trường My Fair Lady của cô Nữ mà.

Đêm mất ngủ chờ sáng dài như vô tận. Trong căn phòng tạm giam tăm tối kín bưng, đêm vật vờ theo tiếng muỗi vo ve lẩn quẩn bên tai. Hết đếm bước tới lui giữa hai vách tường, Dõng lại loay hoay xoay trở ngồi chán lại nằm trên chiếc ghế lỏng chỏng hay mặt bàn thô cứng. Mắt nặng ríu theo cơn buồn ngủ nhưng đầu óc vẫn ráo hoảnh chuyện lo nghĩ không rứt ra được. Lúc đầu đêm,Thục Nhi theo em gái mang thức ăn đến cho anh. Nàng phải năn nỉ cả hồi lâu mới được phép gặp chồng. Nữ trấn an anh chị, hứa tìm lo mọi cách để anh được thả ra ngay ngày hôm sau. Dõng nhớ tới ánh mắt rưng rưng Thục Nhi nhìn theo lúc chồng bị đẩy vào phòng, trong lòng trào dâng lên nỗi lo sợ chia lìa anh không hề nghĩ tới bao giờ. Từ rất lâu, suốt gần phần tư thế kỷ an cư trên quê hương mới, vợ chồng chưa hề xa nhau một ngày thế mà chỉ sau hơn một tuần trở về thăm quê nhà họ lại bị ném vào cảnh sống bất trắc, kềm kẹp.

Dõng thiếp đi một lúc nào đó, tỉnh ra anh chợt thấy mình đang nằm co quắp trên bàn. Căn phòng tạm giam hiện lờ mờ trong ánh sáng đầu ngày. Dõng cảm thấy khát khô cổ họng, người ráo rốc cạn kiệt. Anh quơ chai nước, uống một hơi dài rồi dội phần nước còn lại lên mặt bơ phờ mất ngủ.

Chờ đợi suốt buổi sáng, đến gần trưa Dõng mừng rỡ lắng nghe tiếng Thục Nhi và Nữ thỉnh thoảng xen vào cuộc trao đổi tiếp xúc giữa một người có lẽ là công an khu vực ở Xuyên Thọ và người sĩ quan công an đã bắt anh chiều hôm trước.
Cánh cửa sực mở, viên sĩ quan công an hất hàm ra hiệu cho Dõng bước ra phòng trước.

- Lãnh đạo quyết định cho anh được thả. Đồng chí công an khu vực nơi anh tạm trú sẽ quản lý chặt chẽ cho tới ngày anh rời khỏi nước.

Họ theo nhau bước nhanh qua cổng đồn công an. Thục Nhi cầm tay chồng, miệng cười mà mắt còn dấu lệ.

- Em lo muốn chết từ hôm qua tới chừ. Mặt mày bơ phờ rứa chắc tối qua anh không ngủ được.
- Chị Hai cũng chẳng chi hơn, cứ lăn trở suốt đêm.  Nữ cười... Chị nếm chút mùi cho biết cảnh sống vợ mấy ông HO đã trải qua như thế nào, chẳng phải một đêm mà nhiều tháng, nhiều năm.

Nữ nhìn người học trò cũ.

- Đồng chí công an muốn cô chở về Xuyên Thọ hay còn có việc ở đây?

Người thanh niên lắc đầu từ chối.

- Em còn phải gặp lãnh đạo phòng công an thị xã. Ổng biểu sau khi ghé đồn công an Cẩm Châu lãnh người xong thì ghé báo cáo cho ổng hay. Anh ta quay nhìn vợ chồng Dõng tươi cười... Chú Hai và Cô cứ yên tâm ở chơi thăm gia đình cho tới ngày đi. Đừng phản động hơn cô giáo cũ của em là được rồi.

Mọi người cùng cười theo câu nói đùa, chào nhau từ giã. Nữ nhìn theo người học trò cũ vừa phóng xe khuất dạng sau ngả rẽ.

- Tay thượng úy trưởng đồn công an có vẽ không vui vì mất cái mối Việt kiều. Anh ta chần chừ mãi cho tới khi gọi kiểm chứng đành phải nhả mồi... Nữ nhìn ông anh rể châm chọc... Mấy ôn ngày trước đánh giặc như rứa, thua cũng đáng tội. Nghe nói ông phó công an thị xã thời trước bảy lăm mới mười mấy tuổi đầu đã nằm vùng trong giang đoàn của anh.

Chị Thục Nhi vui vì chồng được bình an, tiếp lời.

- Còn thời giờ mô mà đánh giặc. Một ôn ăn rồi lo đi mua dép Nhật, mấy ôn khác thì sáng mô cũng ra bệnh viện Hội An xếp hàng chờ mấy cô y tá đẹp như hoa thử máu, sau đó thì quây quần ngoài quán cà-phê của mấy chị em nhà họ Sử cho hết ngày.
- Ông Xuân này, từ sau ngày đổi mới, lên như diều gặp gió. Tuy là phó phòng công an nhưng lại đặc trách vùng khách sạn mới dọc theo Cửa Đại, tha hồ hoạnh họe làm giàu. Ông ta cũng thuộc loại có chí, theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Trình độ chỉ biết đọc biết viết khi gia nhập công an, sau đó đi học tại chức một năm nhảy hai ba lớp, chỉ vài năm sau là tốt nghiệp phổ thông. Gần đây nghe đồn đang ngấm nghé học đại học tại chức, biết đâu ông ta đã có bằng cử nhân Luật làm bùa hộ mạng thăng quan tiến chức.

Dõng cười theo câu bông đùa của chị em Nhi mà trong đầu mãi trầm ngâm nghĩ tới điều Nữ nói về người đã ra lệnh thả tự do cho anh.  Trong trí nhớ Dõng chợt lảng vảng hiện về hình ảnh thằng Xu ít nói,  suốt ngày cắm cúi làm việc. Thằng nhỏ gánh nước ngọt, giặc áo quần kiêm nấu nướng cho nhóm sĩ quan độc thân trong nhà bếp sĩ quan. Thương tình thằng Xu mồ côi cha, mẹ thì đau yếu, các sĩ quan giang đĩnh mướn về trả lương hậu hĩ có khi còn nhường cho luôn các phần thực phẩm tiếp liệu hàng tháng.

Những ngày cuối tháng Ba hỗn loạn chẳng ai có thì giờ để ý tới thằng Xu đã bỏ đi tự lúc nào.  Sau đó có lẽ chẳng có ai còn nhớ tới thằng Xu trong cảnh đời tan tác sinh ly của chính mình. Cũng thế, chuyện bí mật giữa trung úy Dõng và thằng Xu tưởng đã trôi tuốt chìm sâu theo bao cơ man dòng đời. Chỉ là chút tình của một người đối với một người trong chiến tranh - tưởng quên, thế mà bất chợt hình dung rồi thảng thốt nhớ lại.

Trong một cuộc hành quân phối hợp lục soát mật khu Cẩm Thanh, duyên đoàn bạn đóng chung căn cứ với Dõng bắt giữ vài người bị tình nghi là cán binh cọng sản. Một buổi tối đi ngang qua phòng giam, Dõng tình cờ bắt gặp thằng Xu đang lén lút tiếp tế cho tù nhân. Bị bắt quả tang, thằng Xu khóc lóc khai thật một trong những người bị tình nghi là cha ruột của hắn. Ông ta là du kích giao liên trên đường công tác từ Chợ Được về Điện Ngọc đã bị quốc gia bắt trong lúc dừng chân ở mật khu Cẩm Thanh. Thương thằng bé chất phác siêng năng và có hiếu với mẹ, Dõng không nói cho ai hay và đứng ra xin thả tự do cho người cha.

- Có lẽ anh biết ông công an Xuân này là ai rồi.  Ngày trước ở giang đoàn, tụi anh có hùn mướn một thằng nhỏ bên làng Thuận Tình lo việc bếp núc.  Nó tên là thằng Xu.

Dõng đắn đo.

- Mà nếu đúng là vậy thì chẳng lẻ..

Nữ nhìn người anh rể, lắc đầu cười.

- Nếu với lợi, chẵn với lẻ chi nữa anh Hai!? Anh có biết ở Sài Gòn có mấy con đường mang tên liệt sĩ chống Mỹ cứu nước, tên họ gom lại thành Bánh Đậu Đường. Thằng Xu của anh coi rứa mà cũng còn chút máu tiểu tư sản và học tại chức có thêm chút chữ nghĩa nên đổi tên từ Xu thành Xuân nghe cho có chút văn chương... Ở bên thắng cuộc, thằng Xu chỉ muốn “biểu dương lực lượng” cho anh biết họ muốn bắt ai thì bắt thả ai thì thả, vậy thôi!

Có tiếng điện thoại reng. Nữ trả lời, gật đầu lắng nghe.

- Cơ hội để xem lại nếu với lợi của anh đây, anh Hai. Công an khu vực vừa gọi báo cho hay, ông phó phòng công an thị xã mời anh ba giờ chiều nay đến khách sạn mới nhất vừa xây xong trên vùng đất cũ của giang đoàn. Chị Quế hẹn sẽ lén đến thăm chị Nhi và mộ mới của anh Niên. Em đưa anh qua bên bển gặp người ta rồi ngồi canh chừng bảo vệ anh luôn thể. Nữ cười... Thiệt ra thì em có buổi họp với một đoàn doanh nhân Nhật Bản, hi vọng sẽ ký được hợp đồng làm thông dịch cho họ.

Tuy đã ngờ ngợ và được cô em vợ dự báo trước, Dõng vẫn ngạc nhiên lúc bước vào phòng khách lớn của tòa khách sạn đã thấy “thằng Xu” đang ngồi chờ. Người sĩ quan công an mang lon thiếu tá ra vẽ niềm nở đứng dậy bắt tay chào hỏi.

- Anh còn nhớ tôi không?

Dõng nhìn bảng tên trên nắp áo người công an.

- Xu thì tôi nhớ còn Xuân, phó phòng công an thị xã, một tay bắt nhốt tôi đêm qua một tay thả tôi ra sáng nay thì đây là lần gặp đầu tiên. 

Thằng Xu đốt thuốc, phả hơi khói dài rồi nhìn Dõng cười cợt.

- Là một thôi. Còn chuyện bắt thả, anh muốn hiểu thế nào thì nó là thế ấy. Tôi chỉ muốn tạo điều kiện thăm chào một người quen cũ với tư cách là kẻ chiến thắng đã giải phóng đất nước này.

Người sĩ quan công an chỉ tay ra khoảng sân vườn thiết trí sang trọng công phu, nơi Nữ đang ngồi họp với một nhóm người Nhật.

- Chắc anh còn nhớ cái lô-cốt đúc bê-tông các anh thường ngồi hát nhạc vàng trên nóc?  Cái lô-cốt Mỹ xây ngày trước ở đó, ngay nơi cô Nữ đang ngồi. Còn chính chỗ này đây hai mươi lăm năm trước là cái xó bếp của thằng Xu, bây giờ là tôi đang ngồi với anh. Chúng tôi đánh giá cao những người như cô Nữ, cùng lúc đề phòng cảnh giác họ. Còn với các anh, những kẻ vẫn còn ngủ mơ trên dĩ vãng, cần được nhắc nhở nhiều ai là người chiến thắng.

Dõng nhìn quanh chốn cũ đổi thay, lòng bâng khuâng kỷ niệm dâng trào. Chinh chiến. Nhục vinh.  Nhân bản. Tình người. Thằng Xu gầy còm, nước mắt đầm đìa van xin cho cha được thả tự do. Nước mắt cô y tá lăn dòng trong đau đớn tận cùng bên xác người yêu vừa chết theo tàu đêm trước trong vùng đầm sông nối biển oan nghiệt kiếp người.  Dõng lắc đầu nhìn người sĩ quan công an bệ vệ, hồng hào màu bia rượu.

- Tôi nghe nói anh từng là một chiến sĩ cách mạng xuất sắc, từng nằm sâu trong đất địch lúc vừa mới tuổi mười lăm. Và dĩ nhiên cũng là người chiến thắng như anh vừa nhắc nhở nhiều lần. Có lẽ tôi biết câu trả lời của anh sẽ như thế nào nhưng vẫn muốn hỏi một lần với hi vọng anh sẽ thành thật với lòng mình về những giọt nước mắt đầm đìa trên má thằng Xu vào một đêm hơn hai mươi lăm năm trước ngay chỗ chúng ta đang ngồi bây giờ. Nước mắt thằng Xu thương mẹ, khóc xin cho cha khỏi tù đày hay chỉ là màn kịch của thằng Xu du kích nằm vùng để cứu đồng chí của mình. Phần mình, tôi đã động lòng mà hành xử theo nhân bản tình người. Cho dù thế nào tôi vẫn luôn tin tưởng vào những giọt nước mắt.

Nữ ghé ngồi xuống ghế bên anh Dõng mà mắt vẫn không rời đám nhân viên khách sạn khúm núm chào ông thiếu tá công an đang rảo bước ra phía bến tàu.

- Hình như cuộc gặp mặt giữa hai ông lính quốc gia, cọng sản không được vui mấy?
- Thắng bại, nhục vinh, tàn tro quá khứ thì có chi vui.  Dõng chép miệng... Có điều lúc nghe ông thiếu tá Xuân vẫn mê sảng trong lớp hào quang chống Mỹ cứu nước rồi nhớ ra thằng Xu hai mươi mấy năm trước, anh tự trách mình đã ngờ vực lời cảnh báo của O.

Dõng chăm chú nhìn chiếc ca-nô vừa rời bến.

- Nhưng mà O nên cẩn thận để ý. Chiếc “My Fair Lady” của O xem chừng có phần bề thế hơn ca-nô của ngài phó phòng công an đó!
- Anh đừng lo! Sống sót đối đầu với ma quỷ em đã thành “tinh” lâu rồi. Ngày nào còn làm cho UNISCO, chiếc ca-nô vẫn còn hợp đồng chuyên chở cho cơ quan Liên Hiệp Quốc này. Tới đây em sẽ tìm hợp đồng mới với công ty Nhật Bản. Họ có muốn tìm cách làm khó dễ thì cũng khó.

Nữ chỉ tay ra phía sân ngoài.

- Mình ra ngồi chỗ lô-cốt cũ nói chuyện đời xưa đi anh. Em bao anh chầu cà-phê uống mừng em vừa ký hợp đồng làm thông dịch cho công ty địa ốc Nhật. Họ sắp xây dựng khu khách sạn giải trí chiếm một phần lớn đất cát bên Xuyên Thọ mình.
- Rứa rồi nhà cửa, phần mộ gia đình mình sẽ ra sao?
- Chị Quế có cho em biết qua qui hoạch giải tỏa nhà và nghĩa trang ở Xuyên Thọ nên em cũng không lo lắm. Em cố gắng có hợp đồng làm việc với công ty Nhật cũng để tạo điều kiện sau này dễ thương thảo với họ.

Giữa chiều trôi và sóng biển rạt rào, họ ngồi với nhau mà lòng tan vào kỷ niệm đời riêng. Vùng kỷ niệm chẳng có thằng Xu, chẳng có ông bác họ tập kết bệnh hoạn với cặp mắt rình rập âm mưu lóe lên sau làn khói sặc sụa thuốc lào, chẳng có gã cán bộ phòng giáo dục thâm hiểm đã hại chết anh Niên.

Dõng nhắm mắt bồi hồi, lòng mênh mang tiếng sóng. Hình ảnh sướt xát của một phim thật cũ, xem từ ngày còn trai trẻ độc thân chợt hiện về trong trí nhớ. Căn phòng nhìn ra biển chiều vắng ngắt, người đàn bà ngồi chìm trong bóng tối, buồn bã nhìn theo bóng người bỏ đi khuất xa theo bờ nước. Cuối cùng chỉ còn lại bóng tối và tiếng sóng trào dâng vỗ bờ nhịp đau miên viễn, chìm lịm tiếng nấc nghẹn ngào. Bàng hoàng theo tiếng sóng kỷ niệm, Dõng thấy mình cùng những người bạn lính ngật ngà say trên nóc lô cốt. Sóng quyện vào đêm, tiếng đàn tây ban cầm quyện theo tiếng hát của Tiến lãng đãng bay theo gió... long lanh tiếng nguyệt cầm. “Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh... ”  Cũng đêm và tiếng sóng, cũng nơi này, Nữ đã nằm nghe thân xác mình thơ trinh căn rợn như tơ đàn. Tiếng sột soạt của lá dừa hong một nắng làm chỗ lót nằm khiến Nữ nín thở, thẹn thùa nhìn chị Quế anh Niên đang hân hoan chìm vào nhau trong biển sóng.  Nữ đã chìm vào giấc mơ dài, từng cơn ước muốn bơ vơ theo bước chân trên đồi cát đẫm sương, váng vất giấc mộng du bước về tuổi mười lăm có hồ như một nỗi tình riêng.  Nữ đã sống, quay quắt máy động bên cạnh nhịp đời với niềm an ủi vỗ về của mộng mơ, mong manh mà thật thà, bền chặt nỗi hạnh phúc lang thang vào mỗi đêm xuống ngày lên. Tình yêu Tuân đã lay Nữ ra khỏi giấc mộng du dài. Nàng sống hết mình, sống thương đời để chịu đựng cho cam cuộc sống lẻ loi mà không cảm thấy cô đơn.

- Anh Dõng vẫn còn ức thằng Xu hay răng mà có vẽ đẫn đờ rứa! ?
- Không có chỗ trống cho thằng Xu chen vô mô O ơi!... Anh lắng nghe tiếng sóng vỗ rồi chợt nhớ tới vài kỷ niệm không ăn nhập vào nhau. Có lẽ vì tiếng sóng. Anh nghĩ tới một cảnh trong phim rất cũ, hình như Marlon Brando đóng với Maria Schneider. Ngờ ngợ tới phim “Bản Tango cuối cùng ở Paris”, nhưng có lẽ là không đúng... Rồi nghĩ tới đám bạn lính hay xỉn rồi đàn hát với nhau ở ngay chỗ này đây trên nóc lô cốt. Nữ còn nhớ anh Tiến không? Hát hay tuyệt... nhất là lúc hát nhạc Cung Tiến... Còn em thì răng? Mặt mày không đờ đẫn nhưng có vẽ thẫn thờ đó O ơi!
- Em nghĩ về những giấc mộng rất cũ của mình. Có anh trong đó, đó nghe.
- Vậy chắc là giấc mộng về những lần anh dẫn con bé chân voi và đám bạn đi ăn chè Cồn rồi.
- Không phải mô, nhưng coi như vậy đi. Chè thì ngọt, và những giấc mộng của em về anh thì luôn ngọt ngào.

Họ cùng cười, nhìn ra biển sóng.

- Anh thấy em còn treo bức tranh “Trích Nữ” ở nhà. Tuân vẽ phải không?
- Lần cuối cùng em tìm gặp anh Tuân ở Cà Mau. Sống với nhau một tuần trong U Minh, em trở về với bức tranh Trích Nữ  và những cành sen khô héo. Đã mười năm...
- Tuân nó thương em thật lòng. Trong nhà Tuân, phòng trước treo bức Trích Nữ vẽ hai chị em Lục Hà, Lục Bình. Còn trong phòng riêng thì Tuân treo bức Trích Nữ vẽ cô gái trong đầm sen từa tựa như bức em có. Dõng cười... Chỉ khác là  cô gái trong bức tranh này không chịu mặc quần.
- Cha già dịch nớ thiệt ! 
- Không sai! Ngày trước Tuân sống bạt mạng, bạ đâu yêu đó. Hắn đúng là một thứ Trương Vô Kỵ... Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Triệu Minh, Hân Ly ai cũng yêu tuốt. Thế nhưng Tuân vẫn còn yêu em. Anh chàng vẫn tự trách đã bỏ đi chỉ vì chút hiểu lầm... Nhưng mà ai đời đương giữa lúc gay cấn, nàng lại rên rỉ kêu tên người khác, lại là tên ông anh rể thì có oan ông địa không chớ!? May mà anh rể đã di tản lưu vong cả chục năm trước.

Nữ  mắc cỡ đỏ cả mặt, phân bua với anh rể.

- Cũng tại anh thôi. Thời gian đó, sống lẻ loi buồn lắm, chỉ một mình với kỷ niệm và những giấc mơ giữ cho đời thơm. Một buổi tối đứng trên bao lơn nhà dì Chức, em thấy một bà mẹ trẻ dẫn đứa con nhỏ gánh hàng đêm về nhà. Nhìn mẹ con lúc thúc bên nhau trong đêm vắng, em bổng thôi thúc cảm giác muốn có một đứa con. Không cần lấy chồng, chỉ mẹ với con hôm sớm có nhau.  Rồi một lần em nằm mơ có con với anh, sáng ra vui suốt ngày. Giấc mơ ở lại với em lâu lắm, riết rồi thành một phần của cuộc sống như cơn mộng du kéo dài không muốn bị lay kéo, cho tới khi tình cờ gặp anh Tuân.  Sau đó thì toàn là trắc trở, chia lìa.

Dõng nghĩ tới bạn. Mỗi lần gặp nhau, những đêm cạn, rượu uống ngật ngà say, Tuân  luôn nhắc nhớ, nuối tiếc tới người hắn mãi yêu thương đã nghìn trùng xa cách. Dõng trầm ngâm.

- Anh có nghe Tuân kể lại đêm đầu tiên hai người gặp nhau đã phải bương mình chạy trối chết mới khỏi bị công an bắt.  Hai đứa bây thiệt hết biết. Dõng cười... Nhưng anh đành phải đồng ý với chị Nhi, nhờ gặp em rồi xa em mà Tuân sống đằm lại và biết nghĩ tới người khác. Chị Nhi nói nếu suôn sẻ, hai người sớm chung sống với nhau thì thế nào em cũng khổ vì anh chàng lang bang đó, lúc nào cũng dốc lòng sống cho tình cảm của mình. Lục Hà khổ vì Dõng không ít nhưng cô ấy chịu đựng được nhờ bản tính chất phác, không suy nghĩ nhiều.

Nữ lặng nghe khoảng đời sôi nổi của Tuân. Những nơi chốn, tháng năm nàng chẳng thể nào mường tượng nhưng luôn thiết tha trong nỗi nhớ của mình phảng phất bóng người thương.

Thời gian mới thuyên chuyển về Phú Quốc, Tuân thường theo tàu tuần duyên vào Hà Tiên cùng bạn bè quàng xiên quán xá. Anh tình cờ gặp lại Lục Bình theo mẹ về quê ngoại ở Thới Bình rồi được gởi qua Rạch Giá ở trọ đi học lại năm cuối trung học.  Tuân hăm hở hẹn hò, luyến ái với cô gái xinh đẹp dạn dĩ mới ngày nào còn hiền thục, ngập ngừng bước chân lần hẹn đầu bên bờ Thảo Giang, Vàm Cỏ.  Lục Bình lúc đó đã lún sâu vào các công tác của Việt Cọng giao phó. Ngoài việc kinh tài, cung cấp thuốc men, lương thực vào mật khu Lục Bình đã nhờ Tuân thăm nuôi một người bà con bị giam trong trại Cửu Sừng. Chuyện đổ bể, người bà con cũng là gã cán binh dưới quyền của người cha tập kết đã tử thương ở Mộc Hóa của Lục Bình.  Tuân bị ‘đày” thuyên chuyển ra tận giới tuyến Cửa Việt vào năm cuối cùng của cuộc chiến. 

Những năm sau, lúc đã gặp Thục Nữ ở Hội An rồi bỏ đi, Tuân vào Năm Căn tìm người bạn lính thuộc quyền ngày trước để tìm đường vượt biên.  Định mệnh khiến anh gặp lại Lục Bình đã là vợ của người trưởng công an huyện Trần Văn Thời cũng chính là gã cán binh mà Tuân không ngờ đã tiếp tế thăm nuôi trong trại tù binh Phú Quốc ngày trước.  Họ lén lút nối lại mặn nồng. Chẳng ai hay ngoài cô em Lục Hà vẫn thầm thương hình ảnh hào hoa của người sĩ quan Hải Quân ở Mộc Hóa những ngày nàng chớm lớn.

Sau vài lần vượt biên không thành, rồi bị bắt, Tuân được hai chị em lén thăm nuôi và chạy lo để anh được thả sau một năm dài trong tù. Lục Hà đưa Tuân về xin làm nhà gần nhà mẹ bên bờ kinh Quan Năm ở U Minh, rồi yên ổn làm việc trong nông trường mía. Mẹ qua đời, hai chị em Lục Hà càng giành lấn nhau để được thương yêu, đoái hoài. Lục Hà mang thai. Thua nước cờ chiếu tướng cuối cùng, chị Lục Bình đành nhường cho em người đàn ông đã bao lần đưa nàng qua biên ngưỡng của tận cùng cảm giác trong chăn  gối mặn nồng từ thuở còn son.

Nữ ngồi lắng nghe. Anh Dõng đã dứt câu chuyện kể đời của Tuân, Nữ vẫn còn nghĩ tới Lục Hà, mắt sáng nụ cười tươi, mừng rỡ đón nàng trên cầu sông Thới Bình.  Như nàng, người đàn bà đó đã sống hết cho tình yêu của mình.  Nữ bất chợt cười với điều phiếu diễu vừa thoáng qua đầu.  Nữ vắn tắt cho anh Dõng nghe chuyến đi Thới Bình hơn mười năm trước của mình.

- Chẳng lẻ Lục Hà đã mang cái bụng bầu ra để chiếu tướng cả em sao?  Chắc là không. Mà nếu có thì cũng chẳng được chi, vì lúc đó em đã dọn một bàn cờ cho chính mình rồi. Em đã thua. Có ai mà thắng được định mệnh. Mười năm... Chỉ còn lại cho mình những cành sen khô khốc thời gian.

Có tiếng điện thoại chị Nhi gọi cho hay Quế đã chào về lại Phố. Giọng chị Nhi còn sũng nước mắt. Thôi thì để chị Nhi nghe tin không vui về sự hư hỏng của con trai đầu anh Niên do chính chị Quế nói ra.  Suy nghĩ về những đứa con của anh Niên khiến Nữ im lặng suốt thời gian ca-nô chạy qua đầm sông. Anh Dõng cũng đăm chiêu ngoái nhìn vùng doanh trại cũ. Nữ chợt thấy anh già hẳn đi.

Chiếc máy bay rời phi trường Tân Sơn Nhất cất cánh băng mình vào khoang trời bay đầy mây trắng. Trong tiếng động cơ rập rềnh, lòng Dõng vui vui với ý nghĩ đang trở về nhà.

Bỗng dưng anh háo hức nghĩ tới chuyến đi hàng năm lên vùng biên hồ gần biên giới Canada vào mỗi đầu thu. Vần quanh trong trí nhớ  bầy lục bình giạt trôi trên mặt hồ bát ngát, câu hát cũ  bồn chồn nẻo về yên ổn hiên nhà. Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ để dừng đôi cánh mỏi.  Tiếng reo cười của con cháu về gần theo bóng dáng chiếc xuồng đang lách qua từng mảng lục bình chèo về phía lều, nơi bếp lửa bập bùng.  Quê nhà. Ra đi. Trở về. Mississippi. Sông Tiền. Sông Hậu. Sông Hương...

(còn tiếp)
Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013