SỐ 59 - THÁNG 7 NĂM 2013

 

Cuộc Tình Không Chân Dung

Nguyễn Thế Hoàng

Đang mải mê ghi nhanh những ý kết thúc bài viết, có tiếng điện thoại reo...Hơi  bực mình tôi thẫn thờ cầm ống nghe:     

- Alô!  Alô!
- Alô ! Anh đó hả? Em đây.   
- Phúc đó hả?  Anh đây nè. Có gì không em?     
- Anh đang làm gì đó?  
- Viết bài.   

Giọng của Phúc nhõng nhẽo ướt nhè vang lên trong máy:      

- Anh cứ lo viết. Lúc nào cũng viết...viết...viết...chẳng còn thì giờ đâu để nghĩ đến em có phải không?
- Có chứ! Anh đang nhớ em,  em đâu có biết?!   
- Nhớ em sao không gọi điện thoại cho em. Em giận anh rồi đó! Anh có biết không?  Em bắt đền anh. Hì...hì...hì...Em bắt đền anh! Anh Thế! Anh đâu có biết nỗi nhớ của em? Em không chơi với anh nữa đâu!

Tiếng Phúc khóc nhè trong máy. Tôi cảm thấy vui mỗi lần Phúc làm nũng hết sức đáng yêu.   - Anh xin lỗi em. Đừng khóc nữa. Anh sẽ đền bù! Lỡ quên một lần, đừng giận anh nhé.   Tiếng Phúc lại lè nhè trong máy: - Mấy lần rồi anh có nhớ không? Lúc nào anh cũng nói với em như thế, nhưng chẳng thấy gì. Anh chỉ lo viết bài mà không viết thư cho em đọc. Anh lấy cớ là anh đã bẻ gẫy cây viết của anh rồi!  Vậy mà anh vẫn viết. Em ghen mấy tờ giấy mà anh đang viết đó, anh có biết không hở Thế của em?

Tôi cười hòa dịu: 

- Em biết là cây viết anh đã bẻ gẫy, giờ nó lại tái sinh như cũ rồi. Để làm gì, em biết không? Để viết thư cho em đọc.       
- Ừa! Phải như vậy em mới yêu anh! Anh phải nhớ lời và viết thư cho em đi. - Anh viết. Em đang làm gì vậy?    
- Đang nằm trên giường trùm chăn. Đọc thư của anh. Gọi điện thoại cho anh xem anh đang làm gì cho biết.     

Tôi cười ngất trong máy:        

- Em kiểm soát anh....kỹ ghê đi.       
- Ơ! chuyện của người ta, khéo nói! Thả lỏng anh là có chuyện ngay.       
- Ai bảo em không dọn về ở với anh. Nhiều lần anh nhắc, em nói chờ bán được nhà. Mấy năm rồi, anh nhắc chừng em biết không, từ ngày chúng mình quen nhau ?         Tiếng Phúc thở dài:       
- Anh cứ nhắc mãi chuyện ấy. Anh biết không, em đang lo, bực bội muốn ngộp thở rồi đây.  

Được thể, tôi dọa:

- Em thả lỏng anh có ngày thiên hạ bắt cóc anh, chừng đó em đừng nhảy đổng, la hoảng nhé.  
- Ghê thế à! Mà ai dám bắt cóc anh, anh thử cho em biết có được không?

Tôi đùa :   

- Khi họ bắt cóc anh đem nhốt kín  một chỗ thì làm sao em biết được.     

Phúc xẵng giọng: 

- Em cấm anh không nói với em những cái lẩn thẩn đó nữa nhé! Em đang buồn lắm đây. Anh thích ghẹo em không phải lúc.  
- Buồn gì vậy, nói anh nghe.  Mới gặp nhau hôm qua, trông em vui nhộn lắm mà.     
- Thôi không nói nữa. Em hỏi nè.  Tối nay rảnh, anh đến em nhé. Em làm cơm chờ anh. Dẫn bé Thư đến cho em, em nhớ con bé quá.      
- Mấy giờ anh đến được?        
- Bảy giờ. Em có chuyện muốn nói với anh. Thôi nhé. Em đi chợ đây. Bye! anh.

Tôi gác điện thoại. Nhìn đồng hồ, mới bốn giờ chiều. Sắp sửa đến trường đón bé Thư, rồi tắm rửa, nghỉ ngơi. Chiều nay không phải lo cơm nước. Hôm nào mệt và lười tôi và bé Thư ra tiệm mua fast food về hai cha con ăn tạm cho qua bữa.

Tôi ngồi thẫn thờ trước tập bản thảo đang viết dở dang, đầu óc loay hoay suy nghĩ về "có chuyện muốn nói với anh‘’của Phúc trong điện thoại. Mới hôm qua, hai đứa ở bên nhau vui vẻ trò chuyện thoải mái đâu có gì cần phải nói. Gần ba năm tôi và Phúc quen nhau, yêu nhau, chờ ngày sống chung với nhau. Tính Phúc thẳng thắn, có sao nói vậy, nói ngay, không chờ đợi, dù nửa đêm, Phúc cũng gọi điện thoại để nói. Thế mà, bây giờ lại...vẫn có chuyện muốn nói, sao lắm chuyện thế!

Tôi quen Phúc trong tiệc cưới tại một nhà hàng năm ấy. Không hiểu vô tình hay cố ý người bạn mời tôi và Phúc đứng chụp hình chung với cô dâu chú rể trong lúc hai người chưa hề quen biết. Đến lúc vào bàn tiệc, tôi lại được xếp ngồi cạnh nàng.. Đêm đó Phúc thật vui trong những câu chuyện trao đổi rất chân tình. Tôi đã bị cuốn hút bởi nhan sắc đậm đà kiều diễm, và phong cách thanh lịch của Phúc từ giây phút đầu tiên. Đến lúc dạ vũ tôi thử mời Phúc ra sàn nhảy và được nàng chiều ý ngay. Rồi trong một bản valse êm dịu, Phúc đã tựa đầu vào vai tôi rất tự nhiên. Nàng bảo nàng cảm mến tôi nên mới nhận lời khiêu vũ. Tôi lịch sự cám ơn Phúc đã dành cho tôi vinh dự ấy. Khi ra về, Phúc còn bịn rịn bên tôi ra đến bãi đậu xe, và nàng tỏ ý hy vọng mong có được những lần gặp nhau sau này.

Tình yêu  đến với hai người sau thời gian dài quen nhau. Phúc tâm sự ngày mất nước chồng Phúc vào tù cộng sản như bao nhiêu người khác của chế độ cũ. Trước cảnh đất nước đang bị thống trị dưới bạo lực tàn ác của  cộng nô, Phúc lo sợ nên theo lời bạn bè rủ nhau cùng tìm đường vượt biên, gởi hai đứa con thơ bên ngoại chăm sóc. Nàng bảo tìm đường ra đi để cứu bản thân, gia đình, cha mẹ, chồng con đang kiệt quệ do chiến dịch đánh phá tư sản của giặc. Phúc khôn ngoan, thông minh, chịu khó nên đã hội nhập cuộc sống xứ người thành công nhiều mặt. Ngoài giờ phút bận rộn cuộc sống, Phúc luôn hướng lòng nhớ thương hai đứa con đang ở quê nhà. Vì thế, khi có bé Thư bên cạnh, Phúc rất vui và chăm sóc yêu thương như con ruột. Phúc xin tôi hãy để nàng chăm sóc bé Thư. Tôi chấp nhận vì bé Thư cũng cần tình mẫu tử, mà bảy năm qua con tôi không có mẹ, vì người mẹ thân yêu không còn nữa trong một cuộc sinh khó. Nhưng con bé không làm vừa ý người lớn, nó chỉ thích vui đùa với Phúc chốc lát rồi đòi về lại với tôi. Tôi phải thường xuyên đưa con đến cho Phúc khi nàng cần đến sự có mặt của nó để nàng được yêu thương chăm sóc và cũng là lý do tôi và Phúc đến với nhau thường hơn.
Có lần tôi đề cập đến việc bảo lãnh chồng con, Phúc xì xò:   

- Anh ấy ở tù mười năm đủ tiêu chuẩn ra đi tái định cư. Em muốn để anh ấy tự lo, cần gì em sẽ giúp. Việc đi ở do anh ấy quyết định, em không khuyến khích, hối thúc hoặc ngăn cản.
- Nhưng hai đứa con em phải lo cho chúng qua với em.
- Trước sau gì con em cũng qua. Có anh ấy em bớt phần lo, chúng cũng đã lớn rồi. Em vẫn chu cấp tiền bạc hằng tháng đãy chứ anh. Vả lại, anh thấy không, có bé Thư bên cạnh là nguồn an ủi cho em nhiều lắm. Em cưng và thương nó ghê lắm. Anh mà hất hủi bé Thư là em...nghỉ chơi với anh ngay.

Nghe Phúc giải bày, tôi nghĩ rằng chồng con của Phúc vẫn còn đó, sớm muộn gì họ cũng sang định cư ở Hoa Kỳ, nếu chồng của Phúc quyết định đi. Vậy thì cuộc tình của hai người hôm nay sẽ kết thúc ra sao?  Đôi lần tôi đưa ý kiến, Phúc bảo:  

- Em yêu anh, chẳng ai cấm được em yêu anh. Anh đừng nghĩ vẩn vơ. Còn chồng con, em đã có cách giải quyết êm đẹp, nếu họ qua đây.

Tôi gặn hỏi cách giải quyết, nàng lắc đầu và chẳng bao giờ thố lộ, khiến tôi cũng chẳng còn quan tâm. Với tôi, tôi cũng sợ mất nàng khi chúng tôi đã đến với nhau.   

Thú đam mê của Phúc là đọc sách. Phải nói nàng là mọt sách. Đọc nhiều và lãnh hội nhiều trong sách vở. Nàng bảo có những quyển sách đọc đến hai ba giờ sáng cũng chưa muốn đi ngủ. Có lúc đọc đến trắng đêm. Ai tặng em món gì không bằng tặng sách. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi phải ra tiệm bê nhiều sách về cho Ngọc.

Thấy tôi có thú vui ưa viết lách lăng nhăng những lúc rảnh cho vui cuộc đời trống vắng chứ chẳng làm nên trò trống, sự nghiệp gì, Phúc liền bảo tôi: - Em yêu anh có lý do, anh biết không? Một trong những lý do đó là em thích đọc văn của anh, trong sáng, giản dị, dễ tiếp nhận. Em lại còn mê mẩn cuốn hút bởi những lá thư của anh viết cho em, tình tứ, dễ thương và lãng mạn làm sao! Em cất giữ và trân quí những lá thư ấy như một báu vật  mà em có được. Thế đấy anh.
Rồi Phúc ướm hỏi:        

- Em thích viết lách lai rai như anh cho vui mà không biết phải làm sao? Phải học viết như thế nào hả anh?  Anh biết không, trong người em cũng có dòng máu văn nghệ  đấy anh ạ. Em cũng có thể viết được chứ?         
- Ai cấm em làm chuyện đó. Thú đam mê sẽ tạo cho em một nghị lực để thực hiện ước muốn. Em khởi sự đi.

Tôi ra tiệm sách gom một số tuyển tập truyện của các nhà văn nữ mang về và bắt nàng đọc để xem người ta viết văn như thế nào. Từ đó, tìm cho mình một hướng đi riêng trong nghệ thuật viết.
Tôi giải thích cho Phúc những gì tôi hiểu theo ý tôi để nàng thử có được một ý niệm:          

- Không ai biết viết văn từ trong bụng mẹ đâu. Cũng chẳng ai học hành nhiều ở trường lớp để dạy viết. Để viết được phải cần sự nhẫn nại bền bỉ, chịu khó và chịu khó...đừng bao giờ chán nản bỏ cuộc...cứ viết...và viết cho thật nhiều. Đừng bao giờ mang mặc cảm cho công việc mình làm. Ban đầu  khó khăn lắm, chưa hay lắm, dần dần sẽ đạt. Cần  đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, va chạm, tiếp xúc trải đời nhiều để có chất liệu dự trữ trong tiềm thức. Mỗi người có một lối viết riêng không ai giống ai. Em phải vận dụng giác quan, tâm và trí để nghe, nhìn, ghi nhớ và cảm nghiệm sâu sắc một vấn đề thật chín chắn rồi chuyển tải ý ra trang giấy. Nghe thì dễ, nhưng làm được là cả một vấn đề.

Phúc cười đắc ý, khoe:  

- Chuyện ấy em thấy cũng chẳng có gì là khó, em nhất định làm được mà anh.  
- Anh thấy em thừa sức làm. Em cứ viết. Khi viết phải thật với lòng mình. Được như thế, bài viết dễ dàng đi vào tâm tư người đọc. Không phải em ngồi vào bàn trước tập giấy, trước computer mà em viết dễ dàng đâu. Có lúc ngồi suốt không viết ra được một câu. Nguồn hứng đến bất chợt không báo trước như tên trộm, em phải chộp nó ngay, nếu không nó biến mất khó còn cơ hội.   

Sau khi nghe tôi giải thích lăng nhăng cái gọi là " kỹ thuật viết lách" không đầu, không đuôi, không theo trường lớp mô phạm nào, vậy mà Ngọc tỏ ra hứng thú rồi bắt đầu cuộc hành trình chữ nghĩa. Hai tuần lễ sau Ngọc chuyển cho tôi một xấp giấy dày cộm đầy chi chít chữ với lời căn dặn thật ngọt:

- Anh à, em viết được rồi đó. Anh chịu khó "lắp ráp, sửa chữa" lại cho em. Điều cần nói là em cấm anh cười khi đọc nó. Phải như thế. Anh mà cười là em “giải nghệ” liền liền cho mà xem. Xem được, email báo nào đó để xin trình làng đứa con đầu lòng của em. Phúc trở giọng... thầy của em ơi,  thầy ráng giúp  em...giúp em, em sẽ ...trả công thầy bội hậu và...yêu thầy hết biết đó..!      

Tôi cười, phác tay:        

- Không được. Học trò mà...yêu thầy là...mang tội chết, thiên hạ cười quê một cục.

Thế là tôi hân hoan nhận lãnh nhiệm vụ “ăn cơm nhà vác ngà voi” tốn khá nhiều thì giờ cho nàng. Tôi cố gắng từng đêm chắt chiu làm công việc "tỉa cành, ngắt ngọn, bón phân, tưới nước cho vườn hoa văn chương của nàng" thật công phu. Thật tình mà nói, viết thì dễ, nhưng chỉnh sửa là chuyện không mấy dễ dàng. Còn Phúc bỏ nhiều thì giờ mỗi ngày hăng say kỹ thuật "vò đầu, bóp trán, nặn óc", chừng năm bảy tháng sau gì đó, thơ văn của Ngọc cũng lai rai có mặt trên vài tờ báo dưới đất cũng như trên trời.
Phúc  tiếp tục “hành hạ” tôi:  

- Anh là chuyên viên điện toán, anh phải hướng dẫn em thêm computer ở những phần khó hơn để em có thể chu du khắp mọi miền trái đất, tóm bắt thiên hạ trong tầm tay mình. Đồng thời em còn có thể làm được những gì em thích trên computer nữa đó anh.

Tôi luôn chiều người yêu cho nàng vừa ý. Phúc lại thủ thỉ bên tai tôi:

- Em càng học càng cảm thấy ngu ghê đi. Dốt là phải học. Em còn phải lo học các lớp Anh văn chuyên ngành, chứ khả năng tiếng Anh căn bản của em giờ không làm được  gì khi phải đối diện với những bộ môn văn học nghệ thuật, khoa học, chính trị, kinh tế...mà em thích. Được chứ anh?    
- Ố là là..! Đáng phục! Có chí thì nên. Được lắm! chẳng có gì là khó. Anh khuyến khích  em.

Tôi thích nhất ở Phúc khi nói chuyện, hoặc thảo luận một vấn đề gì, nàng thích đặt vấn đề, phân tích, lý luận sâu sắc sự việc. Phúc có những ý kiến hay, hợp lý, sâu sắc để giải quyết công việc, phương cách hành xử. Tôi rất hài lòng đã gặp được đối thủ. Chúng tôi không từ một vấn đề gì, dù lớn, dù nhỏ xảy ra chung quanh mình, khắp nơi, và ngay cả cuộc sống cá nhân. Gặp nhau  chúng tôi thường có chuyện để nói do Ngọc hoặc tôi mở đầu. Khi vào vấn đề là say sưa đấu lý, cho đến khi tìm được đồng nhất mới thôi.
Nàng bảo:  

- Thảo luận với nhau một vấn đề là nhu cầu bổ sung kiến thức, như con người cần khí trời để thở. Em muốn lồng ngực của em căng phồng đầy không khí, đồng thời cũng là cách tập ăn tập nói.

Phúc lại kể lể so bì:           

- Ngày trước sống trong gia đình với chồng, em thật là chán. Em là người thích nói, thích thảo luận, ưa lý sự trong bầu không khí vui nhộn cởi mở,. Còn anh ấy không bao giờ nói hoặc bàn thảo một vấn đề gì. Suốt đêm ngày lúc nào cũng ngậm tăm. Chán ghê đi. Anh ấy và em đối nghịch nhau. Đi làm về hoặc những lúc ở nhà cứ lầm lỳ, có nói thì chỉ nói những gì cần, ngắn, gọn. Hình như anh ấy cần nghe hơn cần nói. Nhiều lúc không hiểu anh ấy nghĩ gì, thích gì, muốn gì. Không khí gia đình tẻ nhạt, mỗi người là một thế giới riêng, suy nghĩ riêng không đồng cảm. Từ đó, tình nghĩa vợ chồng không còn mặn nồng mà còn muốn tách rời nhau. Anh biết không, mỗi lần em ra ngoài là có dịp nói thoải mái, cuộc sống rất vui, rất nhộn, thích thế nào đấy!                                                           

oOo

Tôi vừa tắt máy xe đã thấy Phúc từ trong cửa ùa ra. Nàng nhìn tôi trong ánh mắt vui mừng với nụ cười tươi tắn. Phúc luôn duyên dáng trong nét đẹp thầm kín của người phụ nữ Á Đông ở độ tuổi hồi xuân đang cuốn hút tôi. Ánh mắt, nụ cười đó luôn thôi thúc và thách thức khối tình cảm trong tôi. Bây giờ là điểm tựa cuộc đời để tôi yêu và thích Phúc khó có thể xa rời dầu biết rằng chồng con của nàng rồi cũng sẽ sang đây định cư.

Phúc chạy vội đến mở cửa xe, chui vào ôm chầm bé Thư vào lòng nựng nịu, hôn lên má, lên trán cháu, khiến con bé ngộp thở đến giẫy giụa.     

- Này, dì Phúc hỏi, bé Thư  nhớ dì Phúc không nào? Chứ dì Phúc nhớ bé Thư quá trời ! Con ở với dì nhé, đừng ở với Ba.     

Phúc xốc bé Thư vào lòng bế ra khỏi xe, nhắc lại ngọt ngào: 

- Dì Phúc nhớ bé Thư nè, thương bé Thư nhiều lắm!    

Bé Thư ôm choàng qua cổ Phúc nũng nịu, hỏi cắc cớ:  

- Dì Phúc thương bé Thư lắm hả? Vậy dì thương bé Thư dì để ở đâu hả dì Phúc?                                
- Dì để trong tim dì đây này, bé chịu không?      
- Không phải đâu, dì phải để trên đầu mà.
- Ai lại để trên đầu, không được đâu.         
- Ba bé Thư bảo hễ thương ai thì phải để trên đầu. 

Bé Thư vừa nói vừa chỉ chỉ vào cái đầu của nó. Phúc cười ngoặt ngoẹo nhìn bé Thư rồi quay nhìn tôi: 

- Anh dạy con là để trên đầu phải không? 

Tôi giải thích:      

- Bé Thư, ba nói con nhớ. Con thương dì Phúc thì con để trên đầu, còn dì Phúc thương con thì dì để trong tim của dì.  
- À há!...bé Thư hiểu rồi.        

Con bé lại hỏi gặn:        

- Ba à, dì Phúc thương ba thì dì để ở đâu hả ba? 

Tôi đáp nhanh :   

- Dì Phúc để trong tim của dì  con ạ!         
- Sao lạ vậy hè! Bé Thư thắc mắc.   
- Thôi, con đừng hỏi lẩn thẩn nữa.

Phúc lườm tôi, bế bé Thư đi nhanh vào nhà:       

- Vô nhà dì Phúc lấy đồ chơi cho bé Thư nhé! Đừng thèm chơi với ba nữa. Ba không thương bé Thư đâu. Chỉ có dì Phúc thương con.  Bé Thư ở với dì Phúc, dì mua cho con nhiều đồ chơi, chịu hôn? Ba không có đồ chơi cho bé Thư đâu.
- Bé Thư ở với dì Phúc, bé Thư nhớ ba lắm. Hay là dì Phúc về ở với ba đi. Nghe bé Thư nói, tôi gặn hỏi:   
- Em nghe con bé nó nói gì không?  Bé Thư bảo như thế, em nghĩ sao?

Phúc không trả lời câu hỏi, nét mặt thoáng buồn, lẳng lặng xếp đồ chơi ra trước mặt bé Thư. Con bé thấy đồ chơi nhiều, nó vui mừng, cầm nắm mân mê ngắm nghía từng món đồ chơi mới lạ. Tôi đứng nhìn đứa con bảy tuổi, thơ ngây, mồ côi mẹ đang ở cạnh Phúc, người đàn bà tôi yêu, nhưng có thể sẽ không là người mẹ của con tôi sau này không?   

Bé Thư say sưa các món đồ chơi mới lạ tíu tít hỏi Phúc cách sử dụng. Nàng nhẫn nại chỉ dẫn, thỉnh thoảng cả hai cười đùa thật hồn nhiên. Lòng tôi tràn ngập niềm vui, nỗi ước mơ có được mái ấm gia đình mà tôi đã mất mát trong bao nhiêu năm qua. Phúc rất đáng được thay thế và lấp đầy vào khoảng trống ấy. Nhưng nỗi ước mơ rất có thể sẽ không thành.

Nhà cửa vật dụng luôn sạch sẽ, ngăn nắp dưới đôi tay khéo léo của Phúc tôi rất ưng ý. Ngôi nhà này đối với tôi rất quen thuộc từ khi hai đứa quen nhau. Trên bàn ăn hôm nay có thêm bình hoa hồng màu đỏ sẫm tươi mát, một chai sâm banh, hai cái ly. Thức ăn Phúc như đã làm sẵn đâu đó chỉ chờ mang lên. Tôi hỏi:

- Hôm nay có gì đặc biệt mà em thết đãi anh trang trọng thế?

Nghe tôi hỏi, Phúc bỏ dở trò chơi với bé Thư, đứng dậy đến đứng đối diện dang hai tay choàng qua lưng tôi, cử chỉ quen thuộc của chúng tôi mỗi lần gặp nhau. Phúc siết chặt tôi trong vòng tay yêu thương và ngẩng lên nhìn tôi trong đôi môi chờ đợi.  Một nụ hôn say đắm kéo dài cho đến lúc cả hai rã rời ngất ngây. 
Phúc nói trong hơi thở dồn dập sau nụ hôn say đắm : 

- Anh Thế của em! em yêu anh nhiều lắm! em nhớ anh quay quắt, em luôn ngẩn ngơ những lúc vắng anh, mặc dù chúng mình mới gặp nhau hôm qua, anh có biết không? Em không muốn mất anh, anh của em. Anh có hiểu em nói không? Em không muốn mất anh...không muốn mất anh...dù có trở ngại nào chăng nữa cũng phải vượt qua anh nhé.

Tôi trấn an đồng thời khuyến khích Phúc: 

- Phúc à, anh hiểu em. Chúng mình vẫn luôn bên nhau, vẫn yêu nhau, vẫn gặp nhau mỗi ngày. Anh có bao giờ muốn mất em. Em dứt khoát thu xếp, dọn về ở với anh và bé Thư. Ngay hôm nay, ngày mai, ngày mốt...nhé!...đừng kéo dài thời gian nữa.

Hai tay Phúc vẫn ôm choàng qua lưng tôi, ngã người ra phía sau nhìn tôi. Nét mặt không được vui:    

- Có lẽ...chưa thể được anh ạ, mà em chưa biết tính thế nào và cũng chưa biết phải làm sao đây? Thôi, thủng thẳng rồi hẵng hay.

Nghe Phúc nói, tôi ngạc nhiên:

- Anh không hiểu em muốn nói gì. Chịu thôi. Em không thể nói được điều gì mà em chưa thể nói cho anh nghe sao?      

Phúc buông tôi ra, cười giòn giã :     

- Thôi...không nói nữa, để chuyện ấy qua một bên. Bây giờ anh giúp em mở chai rượu chúng mình uống cho vui anh nhé. Dường như hôm nay em cảm thấy thích uống rượu với anh. Anh có thích không?
- Anh sẽ uống với em.   

Tôi cầm chai rượu để khui. Tôi đang có suy nghĩ Phúc đang có điều gì không  bình thường. Mong đừng có điều gì không hay xảy đến tình yêu của tôi và Phúc. Tôi rót hai ly rượu và đưa Phúc một ly. Phúc uống trọn một hơi, cười sặc sụa, nét mặt hồng hào. Nàng nhìn đăm đăm giục tôi:

- Sao anh không uống mà nhìn em khủng khiếp thế?   
- Thì anh uống. Nè! em xem.  

Tôi cũng uống một hơi hết ly rượu. Phúc nhìn tôi tình tứ:      

- Hôm nay anh ăn cơm với em, và hai đứa mình phải uống hết chai rượu này. Em không đãi anh món ngon vật lạ nào đâu, mà chỉ các món anh ưa thích hằng ngày. Anh phụ với em một chút mang thức ăn ra bàn.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Phúc đặt bé Thư ngồi cạnh nàng và chăm sóc thức ăn cho nó. Bé Thư trịnh trọng: 

- Con mời ba ăn cơm. Con mời dì Phúc ăn cơm. 

Phúc cười vừa ý:  

- Anh dạy con lễ phép, em thích lắm.        
- Chưa có gì, mai mốt anh sẽ cần đến em chỉ vẽ dạy dỗ con nhiều hơn.
- Anh giao cho em, tốt hơn anh để bé Thư ở với em có được không?        
- Tại con bé, không phải tại anh. Chỉ cần chúng ta sống chung một nhà là bé Thư ở bên em ngày lẫn đêm.

Tôi dặn bé Thư:   

- Từ nay con nhớ gọi dì Phúc là má, bé Thư nhớ lời ba dặn.

Bé Thư thỏ thẻ nói một hơi dài:       
- Thưa ba con nhớ. Con gọi dì Phúc là má. Con có ba, con có má. Ở trường bạn con đứa nào cũng có ba có má. Mỗi ngày ba nó không đến rước, thì má nó đến rước  mấy đứa bạn của con.

Rồi con bé quay sang Phúc nhắc chừng:    

- Ba con bận không đến rước con, thì má đến trường rước con nhen má. Phúc vui vẻ hứa:         
- Ừ ! má sẽ đến trường rước bé Thư. Con cố gắng học giỏi, má thương con. Nàng nhìn tôi, nói tiếp:     
- Em không sinh bé Thư nhưng nó hết sức gần gũi với em như con ruột. - Bây giờ nó là con của em, Phúc ạ.

Bữa cơm đi qua thật vui, thoải mái, ấm cúng. Tối nay tôi và Phúc uống khá nhiều rượu, mặt nàng ửng hồng, duyên dáng đáng yêu. Phúc và tôi huyên thuyên nói chuyện cười đùa, còn thảo luận những vấn đề là thói quen của hai người khi ở bên nhau. Tôi gần như quên đi điều suy nghĩ trước bữa ăn cũng chỉ vì Phúc đang rất hồn nhiên vô tư trong lúc ăn uống trò chuyện. Phúc dọn dẹp lặt vặt vài công việc rồi đưa bé Thư vào phòng cho nó ngủ. Đêm đã gần khuya, vắng lặng. Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của Phúc tôi cảm thấy lòng thơ thới an lành. Công việc xong, Phúc trở lại bàn với hai tách cà phê nóng. Nàng bảo :

- Anh uống cà phê với em nhé. Hôm nay anh phải ở lại đây suốt đêm với em. Em có việc cần muốn bàn với anh. 

Tôi hỏi dồn :       

- Lại chuyện cần. Có lẽ em dự tính chuyện chúng mình sống chung một nhà như anh đã thường nhắc nhở với em?       

Phúc không trả lời câu hỏi của tôi, nàng lại hỏi: 

- Anh yêu em nhiều không ? yêu em mãi chứ?    
- Lúc nào em cũng hỏi như thế để làm gì? 
- Nếu có gì phức tạp thì anh có đủ can đảm nhận sự thiệt thòi về mình không? Em hỏi thật đãy.

Tôi trố mắt nhìn Phúc trước câu hỏi nàng vừa hỏi tôi. Nhìn nét mặt của Phúc lộ vẻ chán chường, tôi nói hối hả với sự bực dọc:       

- Em nói vậy có nghĩa là gì? Lần đầu tiên, anh nghe em nói. Anh tin tưởng không có gì phức tạp. Qua hơn ba năm chúng mình ở bên nhau anh nhận thấy không có gì là phức tạp như em vừa hỏi.

Giọng Phúc trầm xuống nghe xót xa:        

- Có chứ anh. Nhưng anh à, từ lâu...em dấu anh, cũng vì em yêu anh, yêu say đắm, không muốn mất anh, không muốn tạo những bóng mờ trong tình yêu của chúng mình khi anh đã đặt trọn vẹn niềm tin vào em, vì tình yêu của chúng ta thật đẹp khó ai bì được. Anh của em, anh đừng giận em. Lỗi do em cả.         

Tôi bàng hoàng hụt hẫng khi nghe Phúc nói. Tôi cảm thấy như đang rơi vào một khoảng trống không để có thể sắp mất những gì mình đang có. Tôi lấy lại bình tĩnh:     

- Phúc! điều gì em cứ nói. Anh đủ sức chịu đựng để nghe em nói. Em nói đi. Phúc thở mạnh:         
- Anh ạ! Từ  lâu em vẫn giấu kín anh. Chồng và hai đứa con của em sắp qua rồi.       

Tôi cố cười gượng để được nói mà cổ họng như uất nghẹn:    

- Anh cứ ngỡ...ờ! ờ! là chuyện gì...quan trọng! Chồng con em qua là vui cửa vui nhà. Anh chúc mừng em...được sum họp một nhà...!

Phúc ngắt lời:      

- Anh Thế, sao anh cứ nói được là nói. Em cấm anh không được nói với em như vậy. Anh biết không, anh thường khuyên em về ở chung với anh, em lần lữa chần chờ chưa biết tính sao. Chồng em, anh Tạo ở tù về, lập hồ sơ H.O. xin tái định cư tại Hoa kỳ cùng với hai đứa con. Anh ấy hỏi ý kiến em và bảo phải lo cho anh ấy, đồng thời làm sponsor cho anh ấy về Florida. Đối với em, em không thể nào từ chối lời yêu cầu của Tạo, cũng chỉ vì em bị kẹt hai đứa con của em, nên em đành chấp nhận để hai đứa con  qua với em. Tất cả công việc em đều giấu kín anh từ trước đến giờ. Anh Thế, anh hiểu cho em. Vì vậy, em phải lo, phải chu cấp mọi thứ cho anh ấy hoàn tất chuyến đi. Nói đúng ra, vì hai đứa con, nên phải hành động như thế. Trong lúc đó, em yêu anh, yêu chết người, mất anh là em mất tất cả. Chỉ có anh, mới đem hạnh phúc cho em. Từ lúc lập gia đình, ngoài Tạo, người chồng không tình yêu dành cho em,  em chưa hề yêu một người đàn ông thứ hai, nhưng bây giờ yêu anh, yêu tha thiết, yêu không thể rời xa, có lẽ duyên nợ tiền kiếp phải trả kiếp này vào cuối đời. Em tin như vậy, anh có tin không?

Tôi cảm thấy choáng váng đầu óc không còn nghe thêm được gì nữa. Tôi hy vọng những lời Phúc nói với tôi không phải là sự thật. Phúc đang nói đùa với tôi chăng? Tình huống này, nếu đúng, tôi có thể xa Phúc và mất nàng. Trước đây khi nghe vấn đề chồng con của Phúc trước sau gì cũng sang định cư tại Hoa Kỳ, nhưng tôi vẫn đinh ninh rằng họ sẽ đến định cư ở một tiểu bang khác, chứ không về đây. Không lẽ cuộc tình của hai người sắp kết thúc? Tôi có thể có những phản ứng nào khi sự việc phức tạp đang và sắp diễn ra trong một cuộc tình. Hạnh phúc. Đau khổ! Người ta bảo rằng tình đẹp nhất khi còn dang dở, nhưng với tôi ngay bây giờ nó không đẹp mà đau đớn vô cùng.
Tôi gượng cười trong niềm chua xót, cố gắng lại lập lại ý đã nói:    

- Anh vui mừng cho em sắp được đoàn tụ với gia đình chồng con. Anh thực sự chúc mừng em, Phúc ạ! Phần anh, như em biết, em chớ có gì phải bận tâm nơi anh. Có những cái mình phải hy sinh cho nhau...và anh....anh sẽ xin nhận sự thiệt thòi..! Em được trọn niềm vui là đủ cho anh vui rồi. Cứ như thế đi em.

Tôi cố gắng trong sự can đảm để nói được với Phúc như thế, rồi nghĩ rằng tại sao tôi lại nói được những điều đó, mà khi nói ra rồi, cả tôi, cả Phúc sẽ xót xa, sẽ đau khổ chua xót vô cùng.
Phúc mím chặt môi, tái mặt,  gằn từng tiếng:      

- Anh Thế, em cấm anh...cấm anh không được nói nữa. Anh lại có thể nói được với em những lời cay đắng xót xa  ấy sao?  Anh tự do muốn nói mà không nghĩ sẽ đau lòng, xúc phạm tự ái em sao? Những điều anh nói ra có lẽ anh không còn nghĩ đến em. Anh Tạo và con em có qua là một việc, mà em yêu anh là một việc. Em không đánh đổi cái này để được cái khác. Anh phải hiểu cho em.      

Dứt lời, Phúc lại khóc, khóc sướt mướt:    

- Em không chơi với anh nữa đâu! Em ghét anh!  Em ghét anh lắm! Anh đi về đi. Anh tàn nhẫn dằn vật tình cảm em trong khi em đang bực bội chuyện nhà. Anh đâu có thực sự yêu em.

Tôi cố gắng trong nổi chán chường đến ngộp thở:        

- Anh xin lỗi em, Phúc ạ! Em đừng khóc. Vấn đề chúng ta phải giải quyết. Em nên bình tĩnh.

Phúc vẫn khóc rấm rứt, vằn vặt, ấm ức, tức tưởi, khóc cho hoàn cảnh đang phải khó xử. Hơn ba năm yêu nhau đã có bao nhiêu kỷ niệm, những thói quen, lề lối trong cuộc sống, niềm vui nỗi buồn, những ưu tư suy nghĩ, được kết giao quen thuộc, gần gũi, gắn bó giữa hai con người như hình với bóng. Nhưng! là người đàn ông, tôi có đủ can đảm và sức chịu đựng  để vượt thoát cơn sóng gió nhận sự thiệt thòi. Đối với Phúc thì không dễ dàng như thế, tôi hiểu.
Tôi hỏi để xua tan bầu không khí nặng nề khó thở:

- Bao lâu nữa thì chồng con em mới qua?  

Phúc ngẩng nhìn tôi đôi mắt đỏ hoe, gay gắt gằn từng tiếng:  

- Chẳng có chồng, có con gì cả. Đừng hỏi thế.  Chỉ có ông Tạo và hai đứa con của em mà thôi. Ba hôm nữa họ sẽ qua, em phải ra phi trường đón họ. Hôm đó, anh phải đi cùng với em.   
- Anh cũng thích đi, nhưng ngại lắm, có thể sẽ gây sự hiểu lầm nào đó cho người mới đến. Đáng tiếc.  

Phúc lại hỏi :       

- Anh còn yêu em nữa không, anh Thế? Nói thật em nghe đi, để em tự xử lấy em...cho trọn nghĩa trọn tình.

Tôi rùng mình, khựng lại vài giây khi nghe Phúc vừa nói. Tôi cố gắng giãi bày:

- Vẫn yêu em như ngày nào. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng đã đến lúc tình yêu chúng ta không có diện mạo, không còn hình dáng, không mang bản sắc thiết thực. Nó mong manh như làn khói bốc cao rồi tan biến, như bọt nước giữa đại dương vỡ òa trong bao la. Một tình yêu không chân dung chỉ còn giá trị cưu mang để nâng niu ấp ủ qua những giây phút suy tư, tạo nét ảo ảnh cho tình cảm theo từng lúc nhìn ngắm để tưởng nhớ.

Phúc sững sờ, nức nở:   

- Anh lại có thể nói với em những điều anh suy nghĩ như thế sao? Thật chua như giấm, đắng như bồ hòn! Em không nghĩ như anh nói. Em vẫn yêu anh, yêu thiết thực, không bao giờ xa nhau, không bao giờ như anh nói là tình yêu không dáng sắc, không chân dung. Nếu em không có anh, em sẽ phải sống như thế nào? Anh có tội nghiệp cho em khi phải thân tàn ma dại...hoặc có thể là nấm mồ đang xanh cỏ?

Khi chưa nói ra được, tôi quyết định cần phải nói, và khi nói được rồi tôi cảm thấy đau lòng cho điều suy nghĩ mình nói ra. Thực trạng dằn vặt, nhưng tôi lại không thể đánh mất lý trí suy xét. Tôi cân nhắc vấn đề:

- Anh không chối bỏ tình yêu của anh đối với em, nhưng anh phải có một cư xử công bằng và cao thượng. Em phải hiểu cho anh. Anh đề nghị với em phải có sự thu xếp khôn ngoan hơn để bảo vệ sự yên vui và hạnh phúc gia đình khi anh ấy qua. Đó là một quyết tâm đứng đắn mà cả anh và em phải làm.        

Phúc nói :  

- Em đã thu xếp đâu vào đó. Tóm tắt là khi Tạo qua đây, em lo công việc làm cho anh ta. Em giúp đỡ tiền bạc bước đầu cho Tạo. Ngôi nhà này em giao cho Tạo và hai đứa con của em, để sau đó, em về ở với anh, vì em không thể sống thiếu anh. Anh Thế, anh chấp nhận sự thu xếp của em. Với anh là tình, với Tạo là nghĩa, đôi bên em giải quyết cân bằng và hợp lý. Anh nhớ rằng, em phải có sự tự do lựa chọn cuộc sống cho riêng em. Gần hai mươi lăm năm em xa Tạo, coi như không còn gì nữa. Anh có biết không? Anh phải trả lời cho em bằng cách  nào để em vui và tình yêu của anh và em vẫn không mất.

Tôi nghĩ rằng buộc tôi không có quyền ngăn trở, mà tôi phải khuyên nhủ, khuyến khích Phúc. Sự quyết định của Phúc thể hiện một tình yêu chung thủy với tôi. Tôi không thể tự dối lòng mà nhận thấy rất đồng tình khi nghe sự dàn xếp của Phúc. Nhưng tôi có được an vui trong cuộc sống hạnh phúc bên Phúc không? Tôi nghĩ đến những chỉ trích, phê phán, những búa rìu của dư luận, của người đời, sự đau khổ cùng cực của Tạo, tình mẫu tử của hai đứa con của Phúc đối với nàng. Và nhất là lương tâm, tôi không thể phó thác lương tâm mình trong đay nghiến ray rứt để lòng tôi không ổn, tâm không yên, cuộc sống chỉ là chuỗi thời gian tràn ngập mặc cảm tội lỗi. Tôi đang dằn co giữa lý trí và con tim.
Tôi khuyên giải Phúc, tìm sự trì hoãn:

- Dự tính của em có vội vàng đãy Phúc ạ! Lúc này, em chưa thể tính như vậy được. Anh khuyên em làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ sau khi đón chồng con về trong ngôi nhà này. Anh xác nhận với em, anh vẫn yêu em như ngày nào trong một tình yêu chung thủy và phải thật cao thượng. Anh tin chắc rằng một thời gian nào đó qua đi, sẽ tạo cho em một an bình trong tâm hồn, một sự yêu đời trong cuộc sống bên chồng con. Đối với bé Thư, em không bao giờ mất nó. Nó là con của em...

Tôi ngừng nói, lòng nghẹn ngào như muốn khóc khi phải nói như thế với người mình  hết dạ yêu thương. Tôi cố gắng dằn lòng, tiếp tục:           

- Có thể bé Thư là con nuôi, nếu em muốn. Anh vẫn ở bên cạnh em khi em cần sự giúp đỡ. Chúng mình có yêu nhau  nhưng không bao giờ được sống chung nhau. Lòng chúng ta vẫn hướng về bên nhau suốt cuộc đời. Nếu em yêu anh, phải chiều theo ý anh một tí nhé, nghe lời anh. Mình chớ bao giờ làm điều gì phải bi lụy đến người khác.  Gìn giữ bảo vệ hạnh phúc cho người khác có nghĩa là mình đã sống trong hạnh phúc an vui đó em.

Ngày tháng đi qua, Phúc cố gắng từng lúc chiều theo ý tôi bằng quyết tâm nhẫn nại chịu đựng để thực sự đi vào cuộc sống bên chồng con, và bây giờ đã tìm lại được sự yên vui trong mái ấm gia đình mà trước kia đã đánh mất. Thỉnh thoảng Phúc thường ghé đến với tôi để  tâm sự, để được nói chuyện, để được thảo luận những vấn đề này nọ và nhất là để cùng chia xẻ niềm vui trong đam mê văn chương chữ nghĩa mà nàng đã quyết định tiếp nối con đường đi.  Phúc đã dành rất nhiều thì giờ để đọc và viết để như cố quên thời gian đi qua. Chính đó là niềm vui cao quý nhất để Phúc dễ dàng vượt qua trong ngày tháng sống bên Tạo. Tôi vẫn yêu Phúc bằng cuộc tình trong sáng, nhẹ nhàng, thánh thiện, không lợi dụng chung đụng nhau gây nhiễu loạn lương tâm.

Phúc luôn cả quyết như đã nhìn thấy và cảm nhận rằng tình yêu của chúng tôi đã có được từ tiền kiếp và trói buộc đến đời này, kiếp này để phải nợ nhau,  để phải có trách nhiệm hoàn trả vào cuối cuộc đời mỗi người trong oái oăm duyên kiếp, bằng những tấu khúc chào mời, bằng những cho nhau hương tình sung mãn, ươm lầu Mộng Hoa cho tình được rạng ngời. Nếu phải trắc trở, ngăn cách thì nguyện ước chờ nhau... chờ nhau mãi nghìn năm sau. Kiên nhẫn chờ đợi đến những nghìn năm sau cho duyên lại thắm, tình lại nồng trong sự chúc phúc của Đất Trời bền vững đến tóc bạc răng long:

Hương xưa tình đã trao tình,
Oái oăm duyên kiếp chúng mình gặp nhau.
Anh đan tâm sự tuổi sầu,
Ngấm sâu ánh mắt ươm lầu Mộng Hoa.
Gót hài duyên dáng mượt mà,
Phút giây sung mãn tình ta rạng ngời..!
Hồng trần trong nửa cuối đời,
Uy nghi tấu khúc chào mời gọi nhau...
Cùng chờ nhau nhé..! cõi đời sau...!!
Hoàng thiên chúc Phúc bạc đầu lứa đôi...!

Nguyễn Thế Hoàng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013