SỐ 59 - THÁNG 7 NĂM 2013

 

QUÂN TỬ... DẠI!

Không biết câu "ranh ngôn" này xuất phát từ lúc nào và do đâu nhưng tôi thường nghe qua cửa miệng nhiều người trong lúc "trà dư tửu hậu". Rằng "Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn !". Theo học thuyết Nho giáo lấy tam cang, ngũ thường làm nền tảng, người mang danh quân tử phải cư xử đúng đạo quân thần, phụ tử, phu thê. Bản thân là con người hoàn thiện về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ; luôn hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không hề vụ lợi cá nhân. Chữ "Tín" trong ngũ thường có ý nghĩa để chỉ việc làm phải nhất quán với lời nói "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy ". Vì vậy là người quân tử, không thể có chuyện so đo điều hơn lẽ thiệt hay khôn dại giống kẻ tiểu nhân trong cách đối nhân xử thế. " Quân tử khôn người ta đề cập có lẽ đó là loại quân tử nửa mùa, thường gọi là " quân tử tàu " ngụ ý mỉa mai những ai đã đọc truyện tàu ngày xưa luôn mở miệng nhắc câu " kiến nghĩa bất vi " nhưng lại ơn đền oán trả kiểu lục lâm thảo khấu.

Những năm đi học bên cạnh Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm đã gieo vào lòng tôi dấu ấn sâu đậm về hình tượng của một "chính nhân quân tử" "Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã." Thấy việc nghĩa trước mắt không làm không phải là người nghĩa dũng. Bài học về đạo đức làm người trong tác phẩm ít nhiều đã ảnh hưởng nhân cách tôi sau này khi tiếp xúc với đời.

 Hồi nhỏ mỗi lần đọc quê quán của mình ghi trong khai sanh tôi hay thầm "mắc cỡ" vì cái tên địa phương nghe quê mùa hết chỗ. Đến khi được học tiểu sử và tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu tôi mới biết địa danh nơi mình sinh ra đã được ghi vào văn học sử qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Mỗi lần về quê tôi không quên đi lại trên con đường mang tên Đồ Chiểu, ở đó có gian nhà hộ sinh nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Trí tưởng lắng nghe trong không gian tưởng chừng còn bàng bạc lời thơ bất hủ :

"Ai ơi lẵng lặng mà nghe, Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình."

Câu răn dạy dường như đã thâm nhập, hòa quyện vào từng hơi thở những ai được sinh ra nơi vùng đất này. Chẳng cần đề cập xa xôi, chỉ nhìn đời sống và nghỉ suy của ba tôi và với những người đồng hương phần nào tôi cũng hiểu. Thoạt nhìn cứ nghĩ ông thuộc loại "Quân tử... dại" qua giao tiếp bạn bè, ông hay bị họ lợi dụng lòng thành thật và sự cả tin để chơi gác "kèo" trên hoặc chèn ép bất cứ điều gì nếu có thể. Mà cũng lạ, biết vậy nhưng ba tôi lúc nào cũng hào sảng vui vẻ bởi quan niệm rằng, " Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim " nên chẳng bao giờ để tâm so đo, toan tính hơn người. Thế hệ của chị em tôi được di truyền từ người cha tính mau mắn hay làm chuyện bao đồng không cần suy nghĩ, là nguyên nhân khiến tôi trở thành " Quân tử à dại " lúc nào chẳng biết.

oOo

Buổi sáng xách giỏ vào nơi làm việc ngồi chưa ấm chỗ, chị Cúc người bạn làm cùng phòng đến trước bàn tôi than thở:

- Kim Âu ơi, em đọc cái này đi rồi tức giùm chị.

Tôi cầm mảnh giấy đọc lướt qua :

- " … Ngày tháng, … Anh thương mến ! …" Thôi chết, đây là lá thư tình của ai viết cho ai sao chị đưa cho em ?

Tôi giẫy nẩy trả lại. Hít mũi mấy cái chị nói giọng sũng nước :

- Của anh Lập chồng chị chứ ai vô đây, không biết con nào viết cho ảnh. Hồi sáng sắp quần áo cho anh ấy xuống đơn vị, tình cờ thấy lá thơ này nhét trong góc túi xách ổng đó.

Tôi chẩm rải đọc kỹ lá thư, nội dung nhắc lại hôm tình cờ ngồi cạnh nhau trên chuyến xe đò từ Mỹ Tho về Saigon, nhớ chùm mía ghim ngọt ngào tác giả bức thư đã mời anh cùng ăn hôm đó. Cuối cùng nói rất mong nhận hồi âm.

- Theo như lời lẽ ghi trong này, cả hai chỉ mới gặp nhau lần đầu chưa có gì đâu.
- Chưa có gì nhưng sao con nhỏ đó biết KBC, cấp bậc, họ tên và đơn vị ổng mà gởi thơ ? Điệu này ổng cũng thấy " khoái " nên mới cho địa chỉ.
- Chắc hổng phải đâu, em thấy ảnh hiền thấy mồ. Có khi vì lịch sự ảnh trả lời những câu hỏi, sau đó cô ta hỏi mấy ông lính quen là biết ngay KBC chứ khó gì.
- Nghe em nói cũng hơi có lý, thiệt tình thì ảnh thương chị với thằng nhỏ lắm, hễ cuối tuần nào không phải ca trực là vù về Saigon thăm mẹ con chị dù chỉ được ở lại có một đêm thôi.
- Vậy sao chị còn nghi ngờ ảnh ?
- Thơ từ rành rành vầy chị phải hiểu sao đây ??.

Ngoài hàng hiên có tiếng chân người, tôi dúi trả lại bức thư vào tay chị rồi nói :

- Ông trưởng phòng vô kìa, lát trưa mình nói tiếp.

 Là đơn vị bán quân sự nên nam nhiều hơn nữ, trong phòng chỉ có tôi và chị là phái yếu nên lúc nào cũng được ưu ái, nhất là tôi vì còn độc thân. Bởi đi ra đi vào chung quanh toàn là dân đầu tóc " húi cua ", hai chúng tôi giống như hai bình hoa tô điểm cho không gian đỡ khô khan con mắt chút xíu.

Có lẽ chị chẳng còn đầu óc để làm việc, chưa đến giờ ăn trưa nhưng khi ông trưởng phòng rời bàn viết đi ra ngoài là chị rủ tôi xuống câu lạc bộ ngay. Gấp lại cuốn sổ ghi công văn đi và đến, sắp xếp lại giấy tờ trên bàn tôi theo chị ra ngoài. Nguyên cả giờ nghỉ ngồi nghe chị than van mãi khiến tôi thấy tội nghiệp bèn trấn an chị :

- Theo em nghĩ là ảnh không có ý gì đâu, nếu có thì đâu có nhét lá thư vô túi xách để chị bắt gặp. Có thể trong lúc vội về nhà, nhận được thư tiện tay thôi. Nếu ảnh quan tâm thì đâu bỏ quên như vậy.
- Về phần ảnh chị tạm tin như em nói, còn con nhỏ kia thì sao ? Anh Lập đẹp trai lại là Trung úy Hải quân nữa, con gái thời nay thích lấy chồng quan. Hồi chưa lấy chồng chị hay nghe mấy nhỏ bạn lúc nào cũng ngâm nga câu " à phi sĩ quan bất thành phu phụ ".
- Trời ơi, bà thì lúc nào cũng " suy bụng ta, ra bụng người ". Phải rồi, trong con mắt người ta khi yêu chồng cái gì cũng số một, là hạng nhất. " Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng ". Hỏng nghe ca dao hò sao ?
- Hò làm sao ?
- ... " Lỗ mũi thì tám gánh lông. Vợ yêu vợ bảo râu rồng trời cho.
Trên đầu chí rụng như sung. Vợ yêu vợ bảo hoa thơm rắc đầu …"
- Ê, con nhỏ này bôi bác chồng bà hả. Câu đó nói về đàn bà mà đem ghép cho đàn ông tưởng chị không biết hả.
- Giỡn một chút cho chị đỡ buồn thôi. Hình như cô đó có cho anh Lập địa chỉ phải không?
- Có đó, địa chỉ ghi ngoài phong bì rõ ràng.
- Vậy thì dễ ợt, chị đến nhà tìm gặp đương sự cho biết anh Lập có vợ rồi, để cô ta đừng viết thơ hay tìm gặp nữa. Có khi cô ấy không biết anh Lập đã có gia đình nên muốn làm quen theo kiểu : " Anh tiền tuyến, em hậu phương " mà thôi. Biết ảnh có vợ thì vô số "de" liền.
- Em nói nghe dễ dàng quá, nhưng mà gặp rồi biết ăn nói sao đây,
- Thì tự giới thiệu chị là vợ anh Lập.
- Hay là Kim Âu đi với chị nhe, em ăn nói văn hoa chữ nghĩa giỏi hơn chị. Với lại đi đông người cho họ sợ.

Nghe chị nhờ tôi giật bắn người suýt té xuống ghế, chuyện vợ chồng ghen tương của hai người giờ lại kéo tôi vào.Hổng lẽ chị muốn tôi trở thành người " đánh ghen giùm " ! Trên đời có bốn cái ngu : làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu ! Phải bổ sung thêm cái ngu thứ năm là " ghen giùm ".

Mặc dù tôi đã giẫy nẩy từ chối, thế nhưng sau mấy ngày thấy chị bơ phờ vì thiếu ngủ, đi ra đi vào không quên được chuyện lá thư. Rốt cuộc vì tính cả nể tôi đành xiêu lòng trước lời năn nỉ của chị ! Bỗng nhiên tôi liên tưởng mình là kẻ hậu sinh có hành động giống chàng quân tử Vân Tiên " Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha ". Để hơi giống " quân sư quạt mo ", tôi bàn thêm :

- Em nghĩ đây chỉ là lá thư đầu tiên cô ấy gửi cho chồng chị, may mà chị tịch thu được, cho dù anh có nhớ lại muốn viết thư trả lời cũng không biết địa chỉ. Mình phải đi trước một bước, viết một lá thư cảnh cáo ngăn chận ý định, không để cô ta viết lá thư tiếp theo.
- Rủi cô ta không nhận được thư thì làm sao ?

Đúng là người trong cuộc thường kém sáng suốt hơn :

- Dĩ nhiên mình sẽ tìm đến địa chỉ trực tiếp dùng lời nói, yêu cầu cô ấy chấm dứt thư từ với chồng chị. Bước thứ hai thời gian sắp tới chị xem thái độ chồng chị có gì khác lạ lúc trước hay không, mình chờ xem kết quả đôi bên rồi tính tiếp.
- Phải chờ hả, chị sốt ruột lắm ! Trưa mai ông trưởng phòng đi họp cả buổi chiều, chị với em vù đi tìm đến nhà nhỏ đó.
- Gì mà gấp vậy chị, hay là viết lá thư trước đã, mình sẽ dùng lời lẽ có tính cách thuyết phục tâm lý, cho cô ta thấy rõ chồng chị rất yêu vợ, thương con để cô ta chấm dứt ý tưởng mơ mộng viển vông. " Người khôn ra miệng, người ngu ra tay ".

Tôi nhắc khéo câu này kẻo chị lại nghĩ thêm chuyện khác n?a.

Đi vòng vèo trong con hẻm gần bến xe Ngã bảy chúng tôi tìm ra địa chỉ ghi trên phong bì. Đứng trước căn nhà mở cửa toang hoác chiếc bàn nước kê gần cửa ra vào, vài đứa bé đang chơi lăn lóc trước cửa, một cô bé khoảng mười ba, mười bốn ngồi dựa bàn. Bàn tay chị Cúc nắm cánh tay tôi cứng ngắc và run rẩy thấy rõ, còn tôi cũng run không kém. Ghì chặt tay lái chiếc Honda tôi cố trấn tĩnh trong dạ bởi thấy bụng đang đánh lô tô. Tôi nháy mắt nhìn chị ngụ ý bảo chị lên tiếng nhưng thấy chị vẫn đứng yên không nhúc nhích. Tôi đành run run cất giọng :

- Em làm ơn cho chị hỏi đây có phải nhà cô H… ?

Người con gái ngước mắt quan sát hai chúng tôi rồi ngập ngừng :

- Chị H… không có nhà.

Chị quay sang tôi đưa mắt dò hỏi " giờ phải làm sao đây ?". Sợ cô gái nghi ngờ tôi đành tiếp tục vở kịch, lanh trí giả vờ nói :

- Em nói giùm với chị H… là có vợ anh Lập đến tìm và trao giùm lá thư này cho chị ấy.

Miệng nói tay rút trong giỏ xách lá thư trao cho cô gái. Đến giờ phút này chị mới cất được tiếng nói nhưng lại là một câu nói lịch sự tôi thật bất ngờ.

- Cám ơn em, chào em.

Hai chúng tôi đi như chạy ra khỏi con hẻm trổ ra đường, trước mặt là bến xe đò. Vù một mạch về đến sở làm, ngồi phịch xuống ghế thở một hơi, đưa tay chận ngực tôi nói :

- Trời ơi, run dễ sợ, đến giờ vẫn còn run. May mà cô ấy không có nhà, nếu gặp mặt hỏng biết phải làm sao !
- Chị cũng vậy nè, ban nãy quai hàm cứng ngắc, cấm khẩu, đến giờ mới mở miệng được.
- Thiệt tình, không phải chuyện của mình mà em vẫn còn run, hỏng biết rủi em trong hoàn cảnh chị chắc em xỉu trước khỏi cần đi đánh ghen.

Cả tháng sau tôi chắc tình hình hai anh chị sóng lặng gió yên bởi tôi thấy giờ tan sở chị vui vẻ hấp tấp đi ra khi xe hai cha con vừa trờ tới đón chị.

Ngày quân lực 19/6 chàng của tôi từ đơn vị đóng ở Sông Cầu được về phép mấy hôm, buổi tối sau khi chở nhau vòng quanh Saigon anh đưa tôi vào khu Chợ lớn, tôi đòi anh chở đi Nguyễn tri Phương ăn ốc, nghêu. Qua Ngã bảy chạy ngang bến xe tôi chỉ cho anh khu vực hôm nọ đi cùng chị Cúc và huyên thuyên kể :

- Anh biết không, có một cô ở trong xóm này viết thư làm quen chồng chị Cúc đó. Hôm nọ chị nhờ em chở giùm đến nhà cô ấy, đi lòng vòng mãi mới tìm ra.

Đột nhiên tôi nghe anh hỏi giọng ngạc nhiên :

- Hả em vừa nói gì vậy ? Em đi đâu vô chỗ đó ?

Tôi lập lại lời nói khi nãy, anh nghe xong hỏi ngược lại tôi :

- Em biết xóm đó là là xóm gì không mà dám đi vào.
- Ơ hơ thì là bến xe đò.

Tôi nũng nịu áp má vào lưng anh hỏi dò :

- Nè anh đi xe đò từ Quy nhơn về, trên xe có ngồi gần cô nào không. Cô ấy có làm quen để mai mốt gởi thư thăm anh không ?

Anh trêu tôi :

- Dĩ nhiên phải có rồi, cô ta hơn em nhiều, lại có điểm đặc biệt khiến anh chú ý và nhớ hoài.

Tôi ngồi thẳng lưng, xích ra xa, nới lỏng vòng ôm và im lặng không thèm nói chuyện :

- Sao im ru vậy ? giận anh hả.
- Còn hỏi nữa, im lặng để anh thả hồn nhớ lại chứ ai thèm giận người dưng.
- A! nghe cái giọng là biết ghen rồi.
- Còn lâu, người tự tin không biết ghen. Anh nói cái hơn của người đẹp ấy cho em nghe đi, đây là em chỉ tò mò thôi chứ không thèm ghen đâu.
- Người khoảng năm mươi có phải là hơn tuổi em không ? Đặc biệt là miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc Cẩm lệ vấn to hơn ngón tay cái khiến anh chú ý và nhớ hoài.

Nghe qua tôi tức cười quá nên đấm yêu vào lưng anh mấy cái. Tôi thích anh nhất là cái tính đối đáp nhanh trí với lời lẽ rất tiếu lâm.

Tấp xe vào lề đường chúng tôi gọi rổ nghêu luộc và dăm cái trứng vịt lộn, tôi hỏi anh có uống bia không ? Anh nói ừ muốn uống một chai. bỗng nhiên tôi thấy anh dường như trầm ngâm, nét mặt có vẻ nghiêm trang. Anh hỏi tôi :

- Ban nãy em chỉ cho anh chỗ em đi tìm nhà ai đó với chị Cúc, lần sau đừng đi như vậy nữa.

Tôi hồn nhiên :

- Không có lần sau đâu, hôm đó em run quá trời, chị Cúc cũng vậy. Không có cô ta ở nhà, hai chị em nhờ trao lại lá thư xong chạy về sở làm vẫn còn run, tim đập thình thịch.
- Đúng là hai cô " điếc không sợ súng ".

Thấy tôi ngơ ngác, anh nói tiếp với giọng nhẹ nhàng hơn :

- Em giống như người chưa từng đi biển, chỉ nhìn thấy biển xanh, cát trắng thơ mộng nên cho là biển hiền hòa. Bước chân xuống thuyền ra khơi mới biết biển đầy sóng gió, bão tố có thể kéo đến bất ngờ. Xóm nhà dọc theo bến xe hôm nọ em đi, chỗ đó người ta gọi là xóm Bình khang, khu Vườn lài. Cũng may em chưa gặp nguy hiểm. Nhưng ở trong khu vực đó đi ra, người qua đường nhìn thấy sẽ nghĩ em là người ở nơi chốn ấy.
- Xóm đó đâu có gì khác nhau như bao con hẻm của Saigon.
- Khác chứ sao không ! Nếu dùng từ ngữ văn hoa để gọi đó là chốn " lầu xanh " của những nàng Kiều.

Tôi bổng tỉnh người hiểu được những gì anh vừa nói, cũng như đôi khi tôi có nghe người ta nhắc đến từ ngữ dân " đứng bến ", hai chữ này gói gọn sự dữ dằn, hung bạo của người chuyên đâm thuê, chém mướn. Tự nhiên tôi nghĩ lại hôm ấy nếu cô ta có ở nhà, họ ùa ra bênh nhau, chúng tôi sẽ thế nào sau đó ? Nghĩ đến đây bất giác tôi rùng mình sợ hãi, đúng là tôi quá cả nể sốt sắng và không nghĩ đến chuyện sẽ chuốc họa vào thân.

Thấy tôi ngồi thừ người, anh tội nghiệp vuốt má tôi nói :

- Anh chỉ khuyến cáo em cẩn thận về sau này thôi.
- Từ nhỏ đến lớn em chỉ biết mỗi con đường đến trường và về nhà, giờ biết thêm con đường đến sở làm hàng ngày, chỉ có vậy nên đâu biết có những khu xóm phức tạp khác với khu nhà ở của mình.
- Dĩ nhiên những cô gái trong trắng mới lớn như em làm sao biết hết những khác biệt ngoài xã hội.

Tôi lè lưỡi :

- Nghe anh nói sợ quá chắc chẳng dám đi đâu một mình.
- " Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh à” ( nhạc TCS).
- Còn trêu chọc em nữa hả. Người ta " country " rồi nha.
- Cho anh xin lỗi, bỏ qua chuyện ấy đi vì mấy con nghêu đang há mồm chờ em kìa.

oOo

Kể từ ngày bất đắc dĩ phải làm " Quân tử..dại ", hình như chị Cúc hay nhắc đến tôi với đám em chồng. Hôm đó cô em chồng của chị bỗng ghé qua chỗ chúng tôi, mặc dù mới lần đầu gặp mặt nhưng xem ra rất thân thiện và xởi lỏi nói :

- Kim Âu đây hả, Thúy nghe chị Cúc về nhà kể về Kim Âu hoài.

Tôi cười :

- Ở đây " dương thịnh, âm suy " chỉ có hai chị em là phái nữ nên thân nhau thôi.

Chị Cúc chen vô :

- Bồ Kim Âu cũng là lính Hải Quân giống anh của em đó Thúy, nhưng đóng ở Quy Nhơn còn anh hai thì ở căn cứ Đồng Tâm.
- " Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân " đúng rồi. Chồng Thúy cũng vậy nhưng bị thương nên được biệt phái về làm ở Bộ Cựu chiến binh.
- Chà, anh ấy làm ở đó không còn phải lo lắng gì về lằn tên mũi đạn nữa rồi.
- Coi vậy mà không phải vậy đâu em ơi, có khi còn lo nhiều hơn ở tác chiến.

Theo vai vế là em chồng thật ra cả hai người đều bằng tuổi, đàn bà con gái gặp nhau thường chỉ nói về chuyện chồng con nếu đã lập gia đình, tôi nhỏ hơn và chỉ là người yêu nên không thể có " nhiều chuyện " để kể lể. Để mặc cho cả hai nói chuyện, tôi vơ xấp báo cáo sang chiếc máy chữ trong góc gõ lạch tạch cả tiếng đồng hồ. Chị Thúy về rồi, tôi cũng vừa xong công việc. Sắp lại thứ tự giấy tờ kẹp trong bìa trình ký, ngang qua bàn chị Cúc tôi nói :

- Chị ấy xinh đẹp, uốn tóc tém trông dễ thương và trẻ nữa. Em cũng thích kiểu tóc như vậy nhưng " kép" em không thích.
- Lý do ?
- Ảnh nói ghé nhà chơi đúng lúc em gội đầu xong, đứng nghiêng trước sân nắng chải tóc, ảnh rất thích hình ảnh đó nên chiều ý ảnh em phải để tóc dài.
- Chưa lấy nhau còn lý tưởng, đến lúc lấy xong rồi … giống như con Thúy đó.

Tôi trố mắt ngạc nhiên như dò hỏi.

- Làm gì mà trợn mắt lên dữ vậy, để ta kể cho mà nghe :" Hồi con Thúy đòi lấy chồng, cả nhà cản dữ lắm. Về gia thế thì hai bên không tương xứng, với lại má chồng chị bà nói : "đàn ông mặt thỏ, mỏ dơi là tướng phản phúc, không chung thủy. Sách tướng nói vậy mà". Nhưng mà thằng này khôn lắm, không biết rù quến thế nào mà con Thúy đòi lấy nó bằng được, vậy mà mới ba năm đẻ nhỏ con gái chưa được một tuổi nó đã trở quẻ. Hồi nó bị thương, con Thúy xin tiền má chồng chị để lo cho nó biệt phái về chỗ này, tưởng gì … ai dè giao trứng cho ác.

Tôi vẫn chưa hiểu chuyện, chị Cúc kể huỵch tẹt :

- Mới làm có nửa năm đã cặp ngay con nhỏ làm chung phòng. Con Thúy bắt gặp nhỏ đó viết thư cho chồng nó tình tứ lắm. Nó cũng theo rình khi chồng nó nói đi trực cuối tuần, trực gì mà chỉ có hai người và đóng cửa kín mít. Vậy mà còn bị bà má chồng bênh con trai chửi nó làm mất mặt chồng ở nơi làm việc.

Tôi thở dài, chiến tranh xua những người trai trẻ ra ngoài trận tuyến nên hậu phương bỗng thành " trai thiếu gái thừa ! ". Vì thế một ông nhạc sĩ đã diễn tả tình cảnh chung trong lời ca tiếng nhạc : "Tôi ở miền xa trời quen đất lạ... chiều đông nắng hạ nối tiếp đi qua, thiếu bóng đàn bà. Mười năm lính khổ viết bởi câu ca, vì tiền hay vì thiết tha !… Xin đối diện một lần bên em, cho tôi xin bằng hình hài đó không thôi, đến với tôi … hãy đến với tôi ! Đừng yêu lính bằng lời !"

Biết trách ai đây, khi đất nước đầy dẫy những thiếu phụ chờ chồng, các cô gái mới lớn nhìn quanh quẩn và đếm trên đầu ngón tay những chàng thanh niên được hoãn dịch nhiều lý do, về gia cảnh vì là con còn lại duy nhất, vì sức khỏe không đủ thể lực và vì học vấn trong một thời gian ngắn ngủi rồi cũng theo gót cha anh ra tiền tuyến. Thành phố chỉ còn lại đàn ông quá tuổi và những người tình trạng " thương tật " giống chồng của Thúy, dĩ nhiên tất cả đa số đều đã có vợ con. Con gái chưa chồng chỉ một thời xuân sắc, nó sẽ chóng qua. Khi ấy lại chưa tìm được người đàn ông để yêu cũng khổ. Có chồng rồi lại càng khổ hơn vì thời thế " mật ít ruồi nhiều ", từng giây phút phập phồng sợ lửa gần rơm nơi chồng làm việc sẽ thiêu cháy hạnh phúc gia đình đang có được.

oOo

Một tuần lễ trôi qua, sau đám tang ông ngoại tôi trở vào làm việc. Gặp mọi người chào hỏi xã giao bình thường, công việc hàng ngày vẫn cứ thế tiếp diễn. Chị Cúc dường như có chuyện muốn kể tôi nghe nhưng thấy tôi bận bù đầu với chồng công văn chất cao phải ghi sổ và kẹp vào hồ sơ lưu nên chị đành im lặng.
Hai ngày trôi qua, thở một hơi dài tôi nói :

- Em biết chị Cúc có chuyện muốn kể cho em nghe phải không ? Em đoán là chuyện anh Lập nữa hả !
- Bói trật lất rồi nhỏ.
- Vậy à, có chuyện gì quan trọng và khác hơn chuyện chồng con của chị sao ?.
- Là chuyện chồng con Thúy.
- ?..?...??
- Con Thúy dặn giấu má chồng chị, mới hôm kia nè nó giả bộ rủ chị đi chợ Saigon rồi đến thẳng nhà con nhỏ làm chung sở đang tằng tịu với chồng nó.
- Hai người dám đến nhà cô ấy.
- Ừ, đầu tiên vô đến nhà mình nói chuyện đàng hoàng vì nó ở chung với cha mẹ với mấy đứa em. Tụi chị trình bày là con ổng bả giựt chồng con Thúy, bây giờ yêu cầu hai ông bà bắt con gái buông tha chồng con Thúy.
- Rồi sao nữa ?
- Trời ơi, ai dè hai ông bà binh con gái mình dễ sợ nói là vu khống cho nó. Con Thúy tức quá đưa lá thư ra, tưởng làm sao, họ trở ngược lại lại nói chồng con Thúy dụ dỗ con gái họ.
Con nhỏ đó lại nói tại chồng con Thúy mê nó, kế tiếp thằng em trai xua chị với con Thúy ra ngoài đóng cửa lại. Tụi chị tức quá đứng bên ngoài la om sòm lên " Cái đồ giựt chồng, thả con gái ra dụ dỗ chồng người khác à” Ở trong chửi ra, bên ngoài tụi chị chửi lại, hai bên đấu khẩu hàng xóm vây quanh xem. Bà má nói con Thúy về nhà mà giữ chồng, ở đây la lối coi chừng bả cho con trai ra đánh hai chị em bây giờ.
- Rốt cuộc ra sao ? Hai bên chỉ đánh võ mồm thôi hả.
- Chứ còn gì nữa, nhà họ đông người hơn mà, nhưng mình thắng ở chỗ la lối om sòm cho láng giềng chung quanh biết con họ giựt chồng người ta. Phải chi có em đi theo thì mình thêm người chắc họ sợ.
- Chị tưởng vậy chứ mình đang đứng trước hang cọp đó chị ơi. Có em đi theo thì cũng vậy thôi. Võ mồm em còn không biết nói gì đến võ tay chân. Lạng quạng cả nhà họ xúm lại đánh mình chạy không kịp. Lần trước em với chị gặp hên là không có cô ta ở nhà. Nếu có biết đâu hai chị em mình đã bị ăn " búa tạ và mỏ lết, xà beng " rồi. Bồ của em nói khu vực đó là của dân " dao búa " đứng bến xe đó.

Cũng may chuyện xảy ra nhầm ngày tôi nghi phép, nếu không với tánh cả nể có thể tôi thành " Quân tử... dại " lần nữa, nhưng lần này chắc sẽ không may mắn như lần trước nữa đâu.

Cỏ Biển
Mùa hè 2013.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013