SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

17.

Gia đình ông cựu chủ tịch huyện rình rang làm đáng tang cho đứa cháu ngoại vừa bất ngờ qua đời ở Sài Gòn. Bà con thân thích và quan chức cán bộ trong thị xã đi đám không ai ngờ đứa cháu ngoại tương lai sáng-lạn-Ðảng-Ðoàn của đồng chí cựu chủ tịch lại là một thanh niên hoang đàng đã chết vì dùng thuốc lắc quá liều sau một đêm đàn đúm ăn nhậu nhảy nhót. Họ lại càng không biết đồng chí chủ tịch đã khéo ém nhẹm chuyện nhà từ hơn hai mươi năm qua. Còn trong trí nhớ họ là mấy năm sau giải phóng, cô Quế, con gái lớn vào học trong Sài Gòn, tốt nghiệp đại học Kinh tế rồi trở về Hội An với chồng và con trai, ăn nên làm ra từ đó đến giờ. Chỉ vài người biết được cuộc tình oan trái giữa Quế với Niên mà mẹ cha cô đã cương quyết chối từ nhưng vì quyền lợi hay hoàn cảnh khó lòng đành phải câm nín giữ cho riêng mình.

Nữ đứng bên O Ðà trong góc thưa người của phòng đặt quan tài mà thường ngày là tiền sảnh của trụ sở đoàn thanh niên cọng sản thị xã. Gian phòng tưởng chừng nhỏ lại vì la liệt hoa vòng, trướng liễn dựng treo dày đặc. Giữa chiếc bàn thờ nhỏ bày sắp vội vàng là tấm hình người thanh niên tuấn tú dựng sau dãy nến lay lắt ẻo vàng có lẽ vì quầng sáng quá trắng từ những ống đèn tube trên trần nhà. Phía trên bàn thờ là tấm hình tóc râu của lãnh tụ và hàng chữ “Thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ðứng cạnh chồng, chị Quế thất lạc đau thương trong vải tang thô trắng làm Nữ không cầm được nước mắt. Nét mặt đăm chiêu của cha mẹ chị Quế và người chồng ẩn hiện sau đoàn người lố nhố viếng tang trong nhang khói quyện bay như một hoạt cảnh không lời. Có lẽ sau khuôn mặt phảng phất nét buồn, họ an tâm hơn vì bí mật hai mươi năm được vùi chôn vĩnh viễn, khuất lấp nỗi mặc cảm hèn mọn của người chồng sau bao năm nuốt nhục cúi đầu để được vinh thân.

Chị Quế gọi Nữ cho biết con trai đang nằm cấp cứu trong bệnh viện Ðồn Ðất lúc giữa đêm. Nữ nghe tin dữ, hốt hoảng gọi báo cho O Ðà hay rồi hối hả chạy ca-nô về Phố, đáp chuyến bay sớm từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn. Mẹ con O Ðà đón Nữ từ phi trường, họ muốn vào ngay bệnh viện nhưng đành phải chờ lúc chị Quế cho biết lúc không có mặt người thân phía bên gia đình chị. Nữ và O Ðà lén lút thăm nom mỗi ngày lúc bệnh tình cháu ngày càng nguy kịch, khó bề cứu chữa. Cơ trời xui khiến cho họ chứng kiến phút giây cuối đời của đứa cháu hoang đàng vào lần thăm cuối cùng. Thượng đế đã đoái tưởng tới linh hồn thất lạc được thanh thản ra đi lúc có người thân yêu nhất bên cạnh vào những sát na tỉnh táo cuối cùng của một kiếp người. Nước mắt trôi ngược vào tim lành lặn hết niềm đau, giúp họ quên cả hơi thở mình ôm trọn vẹn vào nhau khoảnh khắc quý báu vô ngần. Quế vuốt ve bàn tay trơ gầy, nhìn sâu lên khuôn mặt con chìm lặng xanh xao. Môi con mấp máy tiếng vô ngôn lúc ngón tay khẽ động chút sức tàn lên tay mẹ đang ôm chặc vỗ về lúc mẹ hỏi có nhận ra cô Nữ và người đã chăm sóc cho con từ những năm tháng đầu đời. Mẹ ru kể chuyện đời của mẹ, con nằm giữa biên ngưỡng sống chết cố cầm giữ chút tàn hơi, mắt môi máy động lắng nghe nguồn cơn của sự thật điếng lòng. Con sắp sửa lên đường tìm gặp người cha ruột con chưa hề biết mặt. Có tiếng sóng mơ hồ vỗ vào bờ tim đang lạnh dần, trời xanh sa xuống vùng tím thẫm vĩnh hằng. Ngón tay con bấu giữ lên cánh tay cô Nữ chợt buông lơi, mắt nhắm, môi con thoảng cười nhận lấy từ hư vô tự do đầu tiên và cuối cùng của kiếp đời mình.

Mọi người lục tục vào chỗ đứng, chờ đợi những bài diễn văn không dành cho người chết sắp sửa đọc lên. Nữ khẽ kéo tay O Ðà, nói nhỏ vào tai O.

- Mình ra ngoài kẻo lỡ chồng chị Quế nhận ra O thì phiền.

Khoảng sân lổ đổ ánh đèn rọi xuyên qua tàng phượng cuối hè trái dài đong đưa như những cánh tay buông thỏng gầy guộc. Nữ chào nhường bước người bác họ đang được bé Hà chậm chạp dìu bước qua sân. Dáng bà ốm o tội nghiệp trong chiếc khăn trùm kín đầu.

- Răng bác không ở nhà nghỉ cho khỏe ? Trong nớ họ sắp làm lễ, đứng lâu lắm không tiện cho bác mô.

Bé Hà dìu người đàn bà ngồi xuống chiếc ghế đá.

- Em năn nỉ mấy lần mà mẹ cứ đòi đi cho bằng được. Xích lô dừng ngay trước cổng, mẹ mới đi một đoạn ngắn mà đã mệt rồi.
- Tôi chỉ muốn thăm anh ấy một tí, lần cuối. Chứ chẳng bao lâu nữa tôi xuống địa ngục thì làm sao gặp được. Lễ mai táng ngày mai, xin chị cho bé Hà đi theo đưa tiễn anh ấy tới nơi yên nghỉ cuối cùng... Giọng người đàn bà khàn xuống, xúc động... Dù sao cũng là chỗ quen biết.
- Hai O cháu đứng nhìn mẹ con đang lần bước vào vùng sáng dưới hiên trụ sở.
- Bác ấy vừa qua thời gian hóa trị nên yếu lắm. Nữ chép miệng... Chẳng biết sao với ung bứu trong đầu.
- Còn nước, còn tát chớ biết răng chừ...Trời đất! Không có bé Hà thì O không thể nào nhận ra bà bác dâu một thời đong đã chanh chua của cháu rồi.
- O Ðà nhìn trời đêm xuống vội, choàng tay trước ngực se vai. Bà bước theo Nữ băng qua đường về nơi giữ xe.
Quên là mình đang ở quê! Mùa mưa lụt lại sắp về rồi... Mai O lên Cà Tang chăm sóc mồ mả cha mẹ mấy bữa, chờ sau ngày mở cửa mả thăm cháu lần cuối trước khi về lại Bình Dương.
- O tính rứa cũng được. Lễ mai táng ngày mai, O ở lại cũng chỉ đứng từ xa mà nhìn, buồn thêm.

Chuyến xe đò buổi chiều từ Quế Sơn vừa xuống tới bến xe Hội An, O Ðà đã gọi hối Nữ chở đi thăm mộ cháu. O càng đứng ngồi không yên từ lúc Nữ cho hay chị Quế sẽ ra cửa biển thăm cúng anh Niên và con trai vào buổi trưa sau ngày mở cửa mả. O lăng xăng quanh vườn mộ sửa soạn cúng quảy mà mắt vẫn trông chừng về phía con dốc uốn lượn hàng cây ngô đồng lác đác màu hoa đỏ cuối mùa. O như bà mẹ vui mừng, hả dạ chờ đứa con xa mịt mùng sắp trở về nhà.

Giữa ngày Thu mát trời mà mặt chị Quế lấm tấm mồ hôi vì ôm trên tay bức phù điêu khá nặng. Nữ xúc động nhìn chân dung anh Niên và con trai được khảm chung trên tấm sa thạch, nàng hiểu ra vì sao chị Quế không muốn nhờ người khác mang giúp. O Ðà hai tay nâng bức phù điêu lên cao, trầm trồ khen.

Tượng làm ở Non Nước đó O. Năn nỉ mãi người thợ cả mới chịu làm rồi phải tốn cả giờ mới may mắn tìm ra đúng loại đá. Trưa nay, cháu ngồi sốt ruột chờ cả hồi lâu tưởng là không kịp. Người thợ nói ông ta phải chăm chú đục khảm suốt hai ngày đêm, bỏ cả ăn.

Buổi chiều thanh tịnh. Lòng người bình an sống lại những ngày tháng cũ, hạnh phúc kỷ niệm tràn đầy. Sự thật trải ra với con còn kịp lúc tỉnh táo và chút thoảng môi cười của con nhận biết bản thân mình là ai trước khi nhắm mắt lìa đời đã giải thoát Quế ra khỏi sự đày đọa tinh thần suốt hơn hai mươi năm qua. Sự thật đang mang đến cho nàng tự do mới và lòng can đảm sống thương đời. Nàng xúc động lắng nghe kỷ niệm của O Ðà với Niên và con trai lúc cả hai đều chưa kịp lên hai. Ðịnh mệnh đã có những diệu kỳ riêng của nó. Quế nhớ lại người đàn bà Quảng Nam lam lũ nắng mưa ngày đầu tiên chồng nàng đưa về nhà giữ bé Huân. O Ðà đã nuôi nấng hai người nàng thương yêu nhất trong đời. Thế mà suốt thời gian Quế yên ấm bên gia đình chồng con, O Ðà và Nữ đã lặn lội Trường Sơn tìm Niên bệnh tật, ngơ ngác tâm thần trong rừng sâu núi thẵm. Quế ôm chầm O Ðà như đứa con nhỏ thổn thức với mẹ hiền.

Quế ở qua đêm với Nữ và O Ðà. Vùng cửa biển nàng vẫn đến thường xuyên vì công việc nhưng lần đầu tiên đêm nay nàng xúc động lắng nghe, nhìn ngắm bằng cả tâm hồn mình rạt rào bờ kỷ niệm bịn rịn tuổi thanh xuân. Hai chị em ngồi bên nhau trong bóng tối hiên nhà, thật lâu, không nói năng chi. Họ nhìn đêm đang nở ra dìu dịu màu trăng, lòng run lên nhịp sóng bờ xưa.

- Em biết không!? Trưa nay lúc qua lưng chừng dốc, ngồi tựa lưng nghỉ mệt bên tảng đá dưới bóng mát cây ngô đồng nơi anh Niên nằm xuống, chị chợt nhớ ra rồi rớt nước mắt tự trách mình đã không làm được chi cho anh.

- Chị nói rứa chớ ai làm con đường lên nhà? Không có chị thì làm răng có được vườn mộ cho anh?
- Chị Nương và con trai anh Niên ở Mỹ chắc vẫn thường? Nghe nói cháu học giỏi và ngoan lắm?

Nữ cầm tay chị.

- Chẳng ai cưỡng cầu được số phần hết chị ơi! Có lẽ mình nên tập vui với ý nghĩ cháu Huân giờ này đang vui vầy sum họp với cha. Hãy giữ lại cho mình hình ảnh nụ cười trên môi cháu phút giây tỉnh táo cuối đời mà vui.

Quế mường tượng nụ cười con giờ đây vĩnh cữu trong lòng mẹ nguôi ngoai. Chị héo hắt cười.

- Nói qua rồi nói lại. Chỉ có ông Niên là sướng, nằm xuống yên phận rồi mụ mô cũng a tới lo... Ðúng là chú Tư Cầu!
- Nữ phá lên cười khiến Quế không khỏi ngạc nhiên.
- O Ðà có lần cũng gọi anh Niên là chú Tư Cầu, rồi gán cho em là “tan nát đời hoa bên dòng sông Trẹm”.
- Cái gì mà sông Trẹm, tan nát đời hoa?
- Ðể dành lần tới chị ra ngủ đêm ngoài này em sẽ dốc bầu tâm sự cho chị nghe.

Chị Quế làm ra vẻ ngẫm nghĩ lung lắm rồi gật đầu.

- Thôi được, nhưng mà O Nữ nói chuyện bây giờ đi! Chị thấy anh chàng Nhật Bản đó “chịu” em lắm rồi. Ai đời ngồi trong buổi họp đông người mà coi như pha, tưởng trên thế gian này chỉ còn có đôi ta.
- Thì anh chàng cũng thường kiếm chuyện lò dò theo, nhưng em không muốn va vào chuyện tình cảm rắc rối. Ðâu còn trẻ mỏ chi. Biết đâu người ta đã có gia đình vợ con thì càng phiền hà thêm.
- Nếu anh chàng thật sự còn độc thân thì em tính răng?
- Ðã qua thời xuân rồi chị ơi. Với lại...
- Với lại chi?... Thời xuân qua thì đời hồi xuân sắp lại. Còn dữ hơn đó nghe bà!
- Nghe mà ham! Bộ chị đang hồi xuân răng mà rành rứa!?... Rồi Nữ trầm ngâm.
- Em cũng thường nghĩ tới anh ta, nhưng lúc này nghĩ tới chuyện ăn đời ở kiếp với một người sao mà ngại ngần quá. Em chỉ muốn lấy lại cho được căn nhà cũ của cha mẹ trong Phố. Chị coi đó, vườn mộ cha mẹ và anh Niên thì yên ổn rồi, nhưng hầu hết xóm nhà cửa biển nay đã bị giải tỏa. Ngôi nhà này còn yên cũng nhờ công ty Nhật Bản cho nấn ná thương lượng với họ.
- Rứa mà chị cứ tưởng là nhóm Liên Hiệp Quốc UNESCO đang giúp em đưa ngôi nhà trong Phố vào diện nhà cổ, bảo tồn di tích lịch sử.
- Không trông mong chi nhiều nơi Tây với Mỹ chị ơi. Ông nào ông nấy hời hợt và quá thực tế, nhiều khi như kim loại chẳng có kỷ niệm. Lịch sử với họ là viên gạch, miếng ngói để họ săm soi miếng nào trăm năm hay chỉ chín mươi chín năm rưởi mà không để ý tới con người đã đổ mồ hôi, nước mắt, và máu dựng lên mái ngói rêu tường vôi mục đó. Em đang ngại tiền trùng tu từ Liên Hiệp Quốc lại rơi vào tay cán bộ tham nhũng, và đám bà con ngoài Bắc theo bà bác họ vào ở đầy trong nhà. Người chi mà nói tiếng Việt cứ líu la như tiếng Tàu.
- Cô Nữ mà ngại thì chắc là lớn chuyện rồi. Cứ cho chị hay, nếu giúp được chi thì chị sẽ hết lòng.
- Em chỉ cầu mong sao bà bác họ tự chuyển ý hồi tâm sớm. Em lo cho bé Hà. Nếu bà ta có mệnh hệ nào, thì đám bà con đó sẽ quăng ngay con bé ra đường để rảnh tay mà xâu xé chia phần.

Chị em mải mê tâm sự quên cả trời khuya. Vầng trăng khuyết lơ lửng xa xôi thả ánh trăng mờ xuống ngàn cây nội cỏ giữa giấc ngủ say. Chị Quế ngẩng nhìn trăng rồi lặng lẽ bước về phía linh viên. Dáng áo lụa vàng tan chìm vào ánh trăng tưởng mất hút xa xăm. Nữ dợm bước theo nhưng do dự dừng chân trong bóng tối cuối hiên nhà. Nàng nghĩ tới màu đỏ của chiếc cổng torii Phù Tang và cánh hoa ngô đồng vừa nở giữa đêm.

Xuyến lấy chồng.
Mối tình đầu thấm thoát mười năm Xuyến ôm vọng, đợi chờ trôi theo tuổi xuân nàng như nước lũ trên nguồn trôi phăng ra biển.

Vài năm đầu những tờ thư của người yêu đi lao động xuất khẩu bên Ðông Âu thưa dần rồi biệt tăm. Thư cuối cùng chất đầy thất vọng về dự tính trốn từ Ba Lan qua nước Ðức vẫn chưa làm được. Sau đó chỉ toàn là tin đồn lắm khi trái ngược nhau từ gia đình người thanh niên. Xuyến luôn cầu mong cho người mình yêu sống đời bình an, hạnh phúc nên nàng đã chấp nhận tin tức sau cùng chàng đã trốn được qua Pháp và lập gia đình với một phụ nữ người Miên đã định cư ở đó từ trước.

Xuyến sống yên với đời mình. Từ mấy năm qua cô Nữ đã giao hẳn việc kinh doanh gian hàng mỹ nghệ cho nàng nên Xuyến càng bận rộn và nhờ đó cuộc sống của gia đình mẹ cha càng sung túc hơn.

Chồng mới cưới của Xuyến là Tuyên, đồng nghiệp cũ của Nữ vào năm dạy học đầu ở Thăng Bình. Họ gặp nhau tình cờ vào một buổi sáng tưởng bình thường như mọi ngày. Nữ đang họp bàn với nhóm chuyên săn tìm đồ cổ ở tiệm Lâm Ấp thì Xuyến vào cho hay có một phụ huynh dẫn con tới xin học Anh văn nhờ nhắn lời chào thăm.

- Người cha tự giới thiệu nhiều năm trước có thời gian dạy học chung với cô ở Thăng Bình. Em mời tới gặp cô, nhưng ông ta thoái thác hẹn dịp khác.

Nữ theo Xuyến ra trước tiệm. Bên vệ đường người đàn ông đang chờ con còn loay hoay ngồi sau xe gắn máy. Xuyến cười.

- Răng Cô lựa toàn người bảnh trai để quen hay rứa !?

Người đàn ông tắt máy xe bảo con vòng tay chào cô lúc thấy Nữ tươi cười bước tới.

- Chào anh Tuyên! Ðã gần mười năm từ lúc đi dự đám cưới anh chị ở Thăng Bình nay mới gặp lại. Vài năm sau đó gặp bác Giáo Thông, nghe nói anh đã theo vợ ra “thiên đường xả hơi” ngoài nớ sinh sống rồi mà!?

Tuyên lắc đầu cười buồn.

- Vợ chồng đã thôi nhau mấy năm rồi chị Nữ à. Cố gắng cách mấy cũng không thể nào thích hợp được. Lỗi lầm lớn nhất của tôi là nghe lời theo ra sống ngoài đó. Nếu chỉ trong nhà với nhau thì với tình nghĩa vợ chồng còn có thể nấn ná được, chứ cả một xã hội như thế bao vây thì chỉ còn điên lên mà chết nếu không thoát ra được. Chờ gần hai năm mới xin về được trường trung học phổ thông ở Vĩnh Ðiện niên khóa này.

Nữ thân mật giới thiệu Xuyến với Tuyên. Nàng vồn vã mời mọi người vào trong tiệm. Cậu bé khôi ngô giống bố, lạ lẫm nhìn quanh gian hàng trưng bày sản phẩm mỹ nghệ với hàng trăm đèn lồng đủ màu chen nhau phô sắc. Tuyên thấp giọng lúc thấy Nữ nhìn chàng rồi đưa ánh mắt về phía đứa bé ý nhị dò hỏi.

- Ra tòa mẹ cháu đã thỏa thuận giao con cho tôi để giành cả căn nhà và chiếc xe gắn máy. Bố con hẩm hiu với nhau mấy năm nay. Có lẽ chị đã quên... ở Thăng Bình, lần tôi phải nghe lời tổ giáo viên cầm dao giết chú heo con tôi nuôi trở bệnh biếng ăn cho khỏi mất thịt và còn máu làm tiết canh để đổi lấy mấy tiêu chuẩn đường trong tháng của họ... Cùng một thứ triết lý vật chất, so đo nhưng ở mức độ cao hơn khiến con người trở thành dã man, vô tình liếm mép, phi luân.
- Cháu không nhớ mẹ sao?
- Vài tháng đầu thì có. Nhưng mẹ chẳng bao giờ ghé thăm con nên có lẽ cháu đã quen đi.

Xuyến xúc động lắng nghe. Nàng lấy tặng đứa bé chiếc đèn lồng nhỏ xinh rồi dắt cháu ra cửa.
Anh chị nói chuyện. Hai cô cháu tôi ra gọi món gì đó về cả nhà ăn sáng cho vui.

Tuyên đưa đón con thường hơn. Mỗi lần gặp Xuyến, hai người thăm hỏi chuyện trò lúc càng thân mật. Ðứa bé thì lúc nào cũng tìm cách gần cô Xuyến, quyến luyến không rời. Một lần chờ bố sau giờ học, bé Vinh đang lân la nhìn cô Xuyến chăm chú vẽ tranh trên lụa bổng tần ngần níu tay cô.

- Vinh muốn cô Xuyến là mẹ của Vinh. Nước mắt bé Vinh lăn dài lên má... Bạn Vinh đứa nào cũng có mẹ hết, mẹ Xuyến chịu đi.

Xuyến xúc động, gật đầu ôm bé vào lòng.

- Nhưng bé Vinh phải giữ bí mật, chỉ hai cô cháu mình biết thôi. Bé Vinh chỉ được gọi mẹ Xuyến lúc không có ai quanh.
- Cả bố cũng không được biết hở mẹ Xuyến?
- Ðúng rồi, cả bố nữa!

Bé Vinh mím môi suy nghĩ hồi lâu.

- Thế về nhà bé Vinh xin bố cưới mẹ Xuyến, bố cũng phải giữ bí mật nữa!
- Ừ, chuyện đó hai bố con càng phải giữ bí mật hơn.

Tuyên tránh gặp Xuyến mấy hôm liền. Ðến đón con anh chỉ ngồi trên xe gắn máy chờ bên vệ đường. Xuyến buồn buồn, suy nghĩ vẩn vơ không hiểu vì sao. Chờ đón con sau buổi học cuối tuần, Tuyên tần ngần vào phòng vẽ tìm Xuyến đang một mình mải mê làm việc. Hai người vụng về trao đổi những câu thăm hỏi vô nghĩa. Cuối cùng, trấn tỉnh lắm Tuyên mới lửng lơ hỏi Xuyến.

Cháu Vinh bảo bố phải giữ bí mật nên anh suy nghĩ mãi không biết phải làm sao? Ðiều bí mật lại có liên quan đến “mẹ Xuyến” nên càng khó cho bố Tuyên.

Thì ra có người đã không giữ được bí mật giữa hai cô cháu rồi. Xuyến cười... Còn bí mật của anh thì em chỉ muốn nghe anh nói ra ở một nơi linh thiêng mà thôi.

Tuyên mừng ra mặt, hỏi dồn.

- Mình đi ngay bây giờ được không? Chùa Ông Bổn, chùa Viên Giác, hay miếu Chùa Cầu?

Xuyến bật cười nhìn bộ dạng lật đật của Tuyên.

- Nhốt cái bí mật của anh lại, bắt chờ cho quen. Cổ mộ ở Cẩm Châu linh thiêng hơn nhiều, có ma Nhật quanh quẩn mấy trăm năm ni rồi.
- Vậy thì cuối tuần này mình di nghe em!

Xuyến khẽ gật đầu nhìn Tuyên rảo bước về phía bé Vinh đang đứng chờ. Nàng nghĩ tới nét mặt rạng rỡ của Tuyên mà lòng chợt vui bất ngờ.

Gió chiều rợp vàng trên đồng lúa Cẩm Châu. Bé Vinh nô đùa ven bờ nước, tiếng cười trẻ thơ rộn ràng vang lên lúc bầy cò trắng lặn lội tìm mồi trong thửa ruộng chờ gặt hoảng hốt bay loạn xạ lên trời. Ðôi tình nhân ngồi bên cổ mộ lặng ngắm trời xanh. Xuyến vừa kể Tuyên nghe chuyện mười năm qua. Nàng cảm thấy bình thản, nhẹ lòng bỏ lại sau lưng chuyện tình không vui. Tuyên thì bồn chồn với điều sắp nói như cánh bướm rập rờn trên khóm lá cỏ quanh vòng thạch mộ rêu phong.
Xuyến gọi bé Vinh về gần, nàng làm mặt nghiêm hỏi bé.

- Bé Vinh biết mình có tội chi không? Bé Vinh đã hứa không nói về “mẹ Xuyến” cả với bố kia mà!

Cậu bé ngạc nhiên, lo sợ nhìn cha.

- Tại bố chở Vinh đi tắm biển Cửa Ðại rồi cho ăn cà-rem.

Xuyến chúm chím cười, háy nhìn Tuyên.

- Ông bố biết con ham ăn cà-rem nên dụ khị con khai ra hết.

Tuyên ôm con vào lòng.

- Bé Vinh không có lỗi đâu, tại bố hỏi nên bé Vinh phải nói thôi. Bố con mình kỳ này... chắc là con phải chịu đấm để bố được ăn xôi rồi.

Bé Vinh ngẩng nhìn cha không hiểu nhưng thấy cô Xuyến hiền hậu tươi cười nên bé yên tâm hớn hở cười theo.

- Ðúng là bố nào con nấy!

Bé Vinh nhoài người khỏi lòng cha, tung tăng chạy trên bờ mẫu dọc theo đám ruộng loáng nước. Tuyên nhìn Xuyến thiết tha.

- Bé Vinh nài nỉ bố xin cưới mẹ Xuyến về để cháu có mẹ. Suy nghĩ hoài mà anh chưa biết bắt đầu ngỏ lời như thế nào. Chỉ sợ anh đã già, con cái cưu mang, ai mà chịu đây?
- Em qua tuổi hai mươi cũng đã mười năm hơn. Suốt tuần nay mỗi lần nghe bé Vinh gọi, lòng cứ rộn lên với âm thanh “mẹ Xuyến” nghe dễ thương làm sao. Ðó, anh chưa kịp ngỏ mà em đã trả lời rồi đó. Vô duyên chưa!?

Tuyên nhìn thật lâu vào mắt người yêu chứa chan trìu mến. Tay trong tay, họ bồi hồi cảm nhận nỗi hạnh phúc trào dâng. Lần hẹn đầu đã khép chặt quá khứ tình yêu buồn bã và mở ra cuộc lương duyên mới chín chắn, chân thành.

Lễ cưới Xuyến với Tuyên diễn ra đơn sơ trong vòng gia đình, người thân. Nữ tổ chức chu đáo bữa tiệc cưới cho cô học trò cũ với bạn mình ngay sân trời ở ngôi nhà cổ pha kiến trúc Việt Nhật từ nhiều năm nay là trường Anh Văn Thục Nữ. Khách mời trầm trồ nhìn những kiểu đèn lồng Nhật độc đáo treo quanh bốn mái lợp ngói âm dương tưởng như đi lạc vào một ngôi nhà cổ trên xứ Phù Tang. Người khách độ tuổi trung niên trang trọng trong quốc phục kimono cảm động đứng nhìn hình ảnh quê nhà gần gủi trên vùng đất xa xôi mà ông đang lần hồi gắn bó. Nữ mừng rỡ, bập bẹ câu tiếng Nhật chào đón người đàn ông.

- Thêm thanh kiếm dài là anh sẽ trở thành một samurai ngay!

Người đàn ông Nhật cười, trả lời bằng tiếng Anh.

- Và nếu nhắm mắt lại, đi quờ quạng thì sẽ trở thành truyền nhân của kiếm sĩ Zatoichi, đúng không ?

Nữ thân mật giới thiệu người bạn trai với cậu Chấn.

- Cậu không cần ra dấu mỏi tay, cứ bút đàm chữ Nho với anh ấy.

Anh ngồi xuống cạnh người cậu của Nữ đạo mạo trong khăn đóng áo dài, đối diện là các dì và ba bà mẹ “Việt kiều” đang vui vẽ chuyện trò với mẹ cô dâu. Cậu Chấn viết nhanh lên trang giấy.

- Tôi tên Chấn. Họ đang nói chuyện vui về nước Mỹ.

Người bạn trai của Nữ thú vị đọc dòng chữ Kanji cậu Chấn vừa trao. Anh viết trả lời.

- Cháu là Hiroshi. Hi vọng cháu cứ ngồi nghe và cười theo là được!?

Cậu Chấn nhìn câu trả lời, gật đầu cười với người khách rồi quay nhìn Nữ.

- Cậu có tên Việt Nam cho anh chàng này rồi. Gọi anh ta là Khang. Hay lắm!

Hiroshi đắc ý lặp lại tên tiếng Việt của mình sau khi nghe Nữ dịch câu nói của cậu.

- Anh sẽ gọi về cho mẹ ngay tối nay. Bà sẽ mừng lắm... Anh thầm thì lặp lại câu nói hình như chỉ để riêng mình nghe... Mẹ sẽ mừng lắm, em biết không ?

Dì Chức quay nhìn Nữ vừa đến đứng sau lưng bà.

- Bữa nào đám cưới cháu, cậu Khang chịu ở rể là dì mừng lắm, không thèm đi Mỹ luôn.
- Ở đó mà không thèm, gần hai năm ni chị thót qua thót về như đi chợ. Dì Nơi cười tiếp lời... Tui dứt khoát ở lại xí phần làm má hai đứa nó vui hơn. Ði được một chuyến năm ngoái thăm vợ chồng con Nương với cháu Huy là đủ rồi... Ai đời, thèm trầu quá mà trong nhà không còn một cọng. Tui làm gan đáp xe buýt ra chợ Việt Nam mua, đến khi về xe buýt thả xuống, trời chiều tối, gặp tiết Giáng Sinh nhà nào cũng đèn xanh đèn đỏ chớp chớp, tui hết biết cái nào là nhà của con. Ðứng lớ ngớ cả buổi lạnh muốn cóng, thời may con Nương đi làm về thấy mẹ dừng lại đón. Lên xe bị con la cho một trận... Ðúng là trẻ khôn qua, già lú lại.

Mọi người cười vang nghe câu chuyện vui của dì Nơi. Dì Chức bá vai bà Giáo Thông ngồi cạnh phân bua.

- Thì lâu lâu thèm trầu, thèm thuốc rê quá chịu không nổi mình phải bay về đúng không chị. Ở bển, con nó bao nuôi hết rồi. Lãnh tiền già chú Sâm (uncle Sam) cho vài tháng là đủ tiền mua vé máy bay. Mà nói nào ngay, tui nghe con nó chuyện trò với nhau, tiền già mình lãnh bây giờ thiệt ra là của đám cháu nội, cháu ngoại mình. Vài chục năm nữa chắc gì chính phủ còn tiền mà trả cho tụi nó... Cái xứ lạ thiệt, người ở đâu đâu xô tới vài năm tới tuổi già lại đè ra phát tiền. Có lần tui hỏi con Nhi vợ thằng Dõng, nó chỉ nói thì tụi con làm việc đóng thuế, cứ coi như mẹ lãnh một phần từ đó, người ta sao mình vậy.

Bà Giáo Thông chép miệng.

- Tui ở bên bển năm sáu năm ni nghe thấy cũng nhiều. Ða phần là chuyyện tốt, đám trẻ ăn học kinh doanh thành công, sự nghiệp vẽ vang. Mà chuyện xấu cũng không ít, đi làm lấy tiền mặt không phải khai thuế, tới tháng ngửa tay lãnh tiền trợ cấp hay giả khai bệnh, khai tật ngồi không lãnh tiền. Có người ham của cho nghe lời rủ rê đi khám bệnh khỏi trả tiền còn hí hửng xách về nhà bao gạo hay mấy chai nước mắm, không cần để ý tới đám bác sĩ tham lam lấy thẻ y tế khai gian đòi tiền chính phủ gấp năm gấp mười lần.

Dì Chức thở ra, tiếp lời.

- Mừng là con mình đứa nào cũng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái lớn khôn trở nên người tử tế, thành toại. Chẳng mong mỏi chi hơn phải không chị ?

Tiếng trống tung tung khiến mọi người dồn mắt về phía gian chính ngôi nhà. Bé Vinh xúng xính trong khăn đóng áo dài, hí hửng vỗ nhịp lên chiếc trống cơm bé xíu trên tay bước trước bố mẹ về phía thực khách đang nóng lòng gặp cô dâu, chú rể.

Tuyên ngạc nhiên mừng gặp lại bà Giáo Thông sau một thời gian dài.

- Thiệt may cho tụi cháu được gặp cô ở đây. Nghe nói cô đã định cư ở Mỹ mấy năm nay rồi.

Bà Giáo vuốt má bé Vinh.

- Nghe nói ông Mai này mát tay lắm phải không!

Mọi người rộ lên cười thấy bé Vinh hãnh diện gật đầu.

- Mẹ Xuyến của Vinh đó!

Bà thân mật chúc mừng Xuyến xinh tươi trong tà lụa cô dâu.

- Có lẽ là do cơ may của tui với cô dâu hiền ni. Mỗi năm tui đều về Thăng Bình giỗ chạp một lần. Năm ni về là để hốt tro cốt ông tui mang qua Mỹ cho gần con cháu. Thời may, không hiểu sao lại muốn đi Hội An thăm cô Nữ nên được mời dự đám cưới. Bà nhìn Nữ... Phải chi cô Nữ làm đám cưới trong vài ngày tới đây thì vui biết mấy. Không mời tui cũng a vô dự cho được!

Cả bàn tiệc lại có dịp cười vui sau câu đùa ý nhị của bà Giáo Thông.

- Quá lứa quá thì rồi, ai mà ưa nữa cô ơi!

Nữ liếc nhìn Khang vừa lúc anh chàng đọc xong giòng bút đàm của cậu Chấn. Ánh mắt họ tìm nhau bồi hồi.
Mọi người ăn uống vui đùa quên cả buổi tối đang qua cho tới khi cậu Chấn lên tiếng. Nữ Khang chào đôi vợ chồng mới và trao cho họ món quà bất ngờ. Cô dâu chú rể sẽ được ở lại khu du lịch nghỉ mát ngoài cửa biển mấy hôm. Xuyến ôm chầm lấy Nữ nói lời cảm ơn, mắt rưng rưng lệ hân hoan. Bé Vinh sắp được đi ca nô nắm tay cha mừng nhảy rối rít. Cậu Chấn ghé vai cõng bé Vinh dẫn gia đình mới xuống bến tàu.

- Ông mai này mát tay thiệt. Còn ai dám nói “làm mai” là một trong bốn cái ngu nữa không hè ! ?

Mọi người lần lượt chào từ giã còn lại Nữ Khang đứng yên lặng giữa sân trời nhìn đêm xao xuyến ánh trăng mờ ảo trên triền mái lung linh những ngọn đèn lồng.

 (còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013