SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

Chuyện ANH và TÔI

Phần Thứ Ba

 

Những Giọt Mật Từ Số Phận

Trước khi lặn mặt trời lóe lên giây lát, rồi ngả sang màu lam xám, màu tím đậm và màu ven đêm. Phút chốc cảnh vật bỗng chìm dần vô bóng tối và lặng như tờ. Tiếng gió ngàn đời vẫn âu yếm trò chuyện với thông xanh mãi reo vi vu. Hàng cây trước trường trút hết lá, không dấu nỗi lớp vỏ sần sùi trong ráng chiều chợt phai khi hai chúng tôi vô Palace. Nhà hàng có những món ăn Pháp đặc biệt thuần túy do ông chủ Dor người Pháp chính tông truyền lại. Cảnh thích ăn bánh mì baguette, anh gọi món thực đơn chateaubriand aux échalotes ngon thiệt. Chắc chắn hấp dẫn và sẽ là ngon bá cháy. Anh nâng ly rượu black Label pha sodal giơ lên trước mặt tôi. Mình cảm thấy ngượng ngập lúng túng khi đọc những món ăn tây dài lê thê, do vẫn bực bội giận Cảnh và do vậy tôi phát âm sai giọng. Thật là khá mất mặt bầu cua với người hùng a!

Hôm nay ngày thường, tức là ngày Thứ Hai, nhưng không hiểu sao Cảnh vẫn có mặt ở nhà anh chị Dzoãn? Có lẽ do trong Trường Võ Bị bận rộn lo ráo riết tập tành, hầu sắp xếp chu tất việc mãn khóa. Hay là do Cảnh sắp ra trường, nên kỷ luật nhà trường có phần thả lỏng lẻo; tha cho những sinh viên sĩ quan sắp từ biệt mái trường Mẹ được chút tự do thong thả, cá nhân thoải mái lo việc nầy việc nọ, dễ thở xí chăng? Thế là liên tiếp ba ngày liền Cảnh có mặt ở nhà nầy (kể từ khi tôi trả lại kỷ vật cho anh). Dù Cảnh nói... nói nhiều... Tôi vẫn ậm ự, im lặng, buồn xo lủi thủi theo anh vô nhà. Có ngày tôi đi học năm cuối trên đại học, hoặc đi làm về, tôi ngạc nhiên nhìn Cảnh thật nhanh, và khẽ gật đầu lí nhí lúng túng chào anh. Đi vào phòng thay quần áo, tôi băn khoăn, chần chờ, do dự mãi ...không muốn ra nói chuyện với anh.

Cuối cùng buộc lòng phải ra ngoài phòng khách, tôi vừa ngồi xuống sofa thì... chị dâu kéo lê đôi dép xẹt xẹt từ ngoài sân chị đùng đùng mở cửa vô nhà, và chị đóng cánh cửa kính kêu cái rầm. Việc đầu tiên chị dâu quăng cháu Bích từ trên tay chị xuống giường, kế bên sofa thật mạnh, khiến con bé chúi nhủi lăn quay ra chiếu, đầu cháu đập vô tường ván kêu cái cộp. Cháu sợ hãi khóc thét lên với từng cơn ho rũ rượi, mặt cháu tím ngắt, mũi dãi lòng thòng. Chị lầm bầm nguyền rủa con. Chưa đã nư, chị thẳng tay phát vào mông và bắp đùi cháu (cháu mặc áo đầm ngắn không quần xì líp) mấy cái quá mạnh, hành hung con cho đã tay. Mông con bé in rõ dấu năm ngón tay của chị. Vậy mà nét mặt chị vẫn hầm hầm. Giận cá chém thớt, chị “ứa gan” chồng mà vùng vằng bỏ xuống bếp, mặc kệ con bé gào khóc càng to, nó nhào tới đòi bu bám theo mẹ, suýt tí nữa thì cháu lọt từ trên giường xuống nền xi măng.

Chưa kịp gài hết hàng nút áo len, tôi vội chạy tới bế cháu lên, dỗ dành. Cháu vẫn oằn người chỉ tay đòi về phía mẹ và khóc to. Tôi phải bế cháu đi ra ngoài sân trước, xoa lưng, xoa mông, xoa đầu Bích. Nói những lời nhỏ nhẹ cháu vẫn không nín, tôi dọa cháu nín đi, không thôi ông Kẹ cắn (chứ không phải “bà mẹ Kẹ”, thường thường ai ám chỉ kẻ dữ dằn hung ác, sao người ta ưa gán tội cho “đàn bà” phái yếu như: mụ phù thủy, mụ mẹ ghẻ, mụ tú bà, “con” ma da v.v... chớ họ không “tặng” danh xưng ấy cho “thằng” đàn ông? làm như “đàn ông phệnh” là “nai” vậy. Hứ, lầm chết! Thật lạ quá!). Nghe đến ông Kẹ, cháu Bích nín lặng im thin thít. Nhưng cháu vẫn chỉ tay về phía mẹ, quằn quại rên hư hử trên cánh tay tôi, mà cháu nấc lên từng cơn, ho sù sụ.
Bấy giờ tôi mới nghe có tiếng chị dâu vừa la, vừa khóc khá to:

- Tui thề là tui không ở với ông nữa. Nếu tui còn ở với ông, tui sẽ đội quần thiên hạ. Tui khổ quá sức rồi. Tui ra đi, để anh em ông tha hồ thao túng trong nhà nầy. Ông suốt ngày suốt đêm đi, đi đi... Nếu ông có về nhà, ông nói là: “xe hư”. Xe hư cái gì mà... ông la cà ở bên xóm bà Thái. Hử? Nhà nầy nợ nần bữa đói bữa no, mà ông tiếc cái chi, ông đi mèo mỡ lu bu! Hỉ? Tôi bắt gặp quả tang ông ngồi chồm hổm bên nớ, nơi cái chỗ không đứng đắn, ai cũng biết đó là nơi chó điếm mèo đàng, chỗ bọn đầu nậu dĩ thỏa, tú bà... Ông còn chối nữa không? Ông với tui chẳng khác nào ông chằng bà chuộc! Thì sống với nhau làm chi, cho khổ rứa, hử!?

Chị đi ra đi vào, vừa khóc hu hu hu, chị dộng mấy bộ quần áo, quơ đồ đạc lặt vặt đó đây, tộn hết vào cái bị cói cũ. Sau đó chị quay ra phía cửa lớn:

- Còn cô Thụy, ở nhà nầy có đói thì ăn đói, có no ăn no. Cô về bên nhà cô Tư ăn được mấy bữa cơm, để cô Tư kêu tui qua, cô Tư chửi bới tui thậm tệ, cô Tư nói: “có đứa em, mà bây nuôi không nỗi! Để cho nó đi cù bơ cù bấc” hỉ. Cô thử nghĩ lại coi, anh cô một ngày đem về được bao nhiêu tiền? Có đủ cho con Bích bú sữa bò không? Chớ đừng nói là nuôi tui. Anh em cô muốn rứa, thì tui để cho trọn quyền. Hỉ! Tui thề có Trời Phật chứng giám, nếu tui còn ở với ông Dzoãn, thì tui sẽ đội quần thiên hạ, cho các người coi.

Lúc đó, anh Dzoãn và cháu Châu tay chân đầy dầu nhớt, đất cát lem luốt, đen thui, họ đã hì hục đẩy chiếc xe thổ tả ì ạch vô nằm yên trước sân. Quả thực xe hư hại, nằm ù lì ra một đống như đống sắt, xe không chịu nổ máy. Anh “Tám Dzoãn” của tôi là người biết điều, anh có học thức cao đâu ra đó, anh ra trường đi làm lên tới chức “thầy thượng thư” như ai chớ bộ! Ngặt nỗi lúc ấy anh trẻ người non dạ bồng bột “ở” với chị dâu “bình dân giáo dục cà tàng” từ thời trai tráng trẻ trung, mà chưa hội ý cha mẹ, thế nên bây giờ mới ra nông nỗi. Nói nào ngay thuở xa xôi chị dâu của tôi:

Tôi tới tuổi trăng tròn.
Tai thích tằm tòn ten.
Trông thấy “Tám” tôi thẹn.
Thân trọm trẹm tứ tuần.

Trao tình tới thượng thư.
Thật tình tôi thích thú.
Thỏ thẻ trút tâm tư.
Thẫn thờ trên trang thơ.

Tại tôi thèm trai tơ.
Tôi thở than tí tẹo.
Thầy thích thì... tiếp theo.
Tôi, thầy thích thập thò.

Thì ta thử tập trèo.
Tiết trời trong thanh thoát.
Tới tối thui tối thủi.
Tất thượng thư thương tuốt.
(*)

Nên giờ đây anh tôi mặt mày buồn xo hốc hác cũng y chang vợ, hầm hầm bước vào nhà, lớn tiếng:

- Thụy vô nhà mau, anh biểu.

Tôi riu ríu bế cháu vào nhà, đứng thụt thò xớ rớ lấp ló hơi gần gần bên anh trai. Anh Dzoãn đấm cái bàn thật mạnh, khiến bình hoa hồng nhảy tưng tưng, té nhào, nước đổ ra lênh láng ở nền xi măng. Cháu Bích thấy hai cô cháu đã vô trong nhà, thì sợ hãi ôm chặt cổ tôi, và khóc thét từng cơn rống tướng lên. Cảnh đang ngồi ở đi văng gần cửa sổ, anh liền bỏ quyển sách xuống bàn, vội đứng dậy anh tới bế cháu đi ra sân. Hàng xóm nghe to tiếng, họ hiếu kỳ nhốn nháo ở trước sân nhà của họ, lại nhìn sang nhà anh chị tôi. Anh Dzoãn nạt nộ một hơi:

- Anh hỏi cô chớ: cô qua bên chị Tư làm gì? Ăn ở mấy ngày có béo mập ra thêm kí lô nào không, hả? Để chị Tư kêu anh qua chửi rủa hơn một con chó. Cô biết không; chiếc xe lam thổ tả nầy: chị Tư biết nó tan nát từ đời chị cho thằng Phúc trong xóm mướn. Nay nó trả chiếc xe lam xập xệ cho chị Tư, lọt qua tới tay anh, thì xe đã hư, nên càng te tua. Uất ức đau khổ lắm. Cô có biết không?

Im lặng được mấy phút, cả hai anh chị không còn song ca nữa. Tôi nghe họ ngừng một lúc im lặng, thì đã mừng thầm, dường như anh chị trút chuyện “mèo mỡ”, chuyện linh tinh bên xóm bà Thái, hay chuyện hư xe cộ, chuyện chị Tư chửi bới: đều đổ lên đầu tôi. Thiệt là trăm dâu đổ đầu tằm! Bỗng tôi lại nghe:

- Thụy không biết thương anh, không cho anh yên ổn tính toán lo làm ăn. Cô là con quỷ sống, hết làm khổ người nầy, lại làm khổ người khác... Anh hỏi cô chớ: việc gì mà cô trả đồ đạc... để dứt khoát với chú Cảnh? Anh nói cho mà biết: Anh thương chú Cảnh còn hơn đứa em ruột nữa nghe.

Anh Dzoãn chần chừ do dự, rồi đi xuống bếp dáo dác nhìn quanh, hình như anh không nghe thấy tiếng chị dâu ở chỗ nào. Chị im re, không khóc, không nói, nên anh muốn xuống bếp coi thử chị làm cái giống gì... Anh đi đến gần ngăn vách cửa phòng ngủ, thấy chị, anh hừ lên một tiếng:

- Còn bà, bà thấy tui ngồi bên quán bà Thái, đó là nơi trạm xe lam tạm dừng, để kiếm khách, chở khách đi đây đi kia... Bả phải hiểu có lần mình chạy xe dù, xe không có tài có bến, hiểu không? Chớ ngồi ngoài nắng ngoài mưa làm chi, khi mệt mỏi tui cần đụt nắng đụt mưa xí. Chẳng lẽ cho xe chạy vòng vòng kiếm khách, thì tiền xăng chịu chi nỗi! mà khách khứa ai đi đâu lúc trời mưa tầm tã có sét chớp hung dữ như ri. Có phải tui ngồi chồm hổm trong im mát, tránh nắng đụt mưa, là tui đi vô lấy bậy dễ dàng người nào hay sao nà?!
- . . .

Anh Dzoãn lại quay qua phía tôi:

- Còn cô Thụy có lỗi gì, bà không muốn la nó. Bà nói với tui, tui lấy cái búa, tui bửa nát cái đầu ngu si của nó ra. Đồ mất dạy. Đồ ba trợn. Nay muốn quen thằng nầy, mai ưa quen thằng khác. Không biết cô đã học đâu ra mà dỡ thói đánh vật trò động thủ, động túc với mấy con quỷ kia? Hử!? Học tốt không học, lại học trò làm cu-bồi du đãng, cà chớn, cà cháo với mấy con nhỏ bặm trợn không xứng đáng kia? Cô có học tới đại học đàng hoàng, chớ có phải là thứ học lớp bốn lớp năm đâu, mà cô đi đấu đá với chứng hử!? Cô là con đĩ chóà khốn nạn quá, không ra thể thống gì. Trong nhà nầy không còn có tôn ti trật tự gia phong chi cả. Loạn thiệt. Rế đòi cao hơn nồi mà! Hết nói nỗi rồi!

Cho dù anh tôi rất giận em, anh Dzoãn cũng không hề kêu tôi là “mầy” và xưng là “tao”. Tôi đã có thưa cùng quý vị: Gia đình tôi gia giáo, có phép tắt lễ nghĩa, có tôn ti trật tự, anh chị em thương yêu nhau, nói năng từ tốn, lễ độ, ôn hòa, trên kính dưới nhường một phép, không hề có cái chuyện trả treo “xon xỏn”, leo lẻo trợn má phùng man, mà lườm, háy, liếc, nguýt nhau đâu. Anh Dzoãn có nặng lời, ắt là anh muốn “dằn mặt” vợ với bầy em!

Sau những lời cuối cùng, thì anh kèm hai cái tát theo cơn giận bừng sôi vào mặt tôi. Đủ biết là anh Dzoãn rất giận “tôi hư đốn”. Anh giận em là phải, nên anh mới đánh, vì em có lỗi. Đó là lần đầu tiên trong đời duy nhất một lần anh Dzoãn đánh tôi vì: cái tội tôi làm ô nhục gia phong (hung tợn “đánh đấm” con kia) nhất là tôi đã khiến Cảnh đau khổ!

Tôi hoa mắt đứng trơ như trời tròng tại chỗ, phản ứng của tôi là ôm mặt khóc rưng rức. Bị đánh, dù tôi có hoa mắt, sưng rát mặt hay bể đầu phọt máu (như hồi xưa chị Tư đánh tôi, khi ấy còn nhỏ xíu tôi không nhen được bếp lò củi cho đỏ lửa). Vết thương ngoài da rồi sẽ có ngày lành. Còn lời nói của anh, chị, khiến tôi đang chết dần, chết mòn, chết đau chết điếng (những lời tôi đã nghe, tôi tự ái nhất là vì cũng có Cảnh nghe) thật nhức nhối, nhục, và đau lắm! đau hơn đao phủ bửa đầu tôi ra. Tôi giãy giụa nghẽn lòng vì chưa bao giờ nếm trải, như thể ai vừa thọc con dao vô bụng, và lấy một bụm muối ớt chà xát lên vết thương đã lở loét. Tôi đau rần rần trên má đỏ thì ít, mà đau trong đầu, trong tim dường như có dòng phún thạch trào máu tươi thì nhiều: tan hoang, quắt quay. Trên đường đời tôi sớm trải qua bao sóng gió, gặp đắng cay chua xót, vấp váp, thất vọng về bao chuyện khác nhau, tôi đau khổ. Nhưng tình trạng căng thẳng thần kinh, rối ren, lộn xộn, mệt mỏi, chán chường, quá xấu hổ như hiện tại (kể từ khi con Xuân gây hấn đến giờ, chỉ hai tuần, mà có đủ thứ chuyện kinh hoàng ập tới), thì nỗi đau đớn đã vọt lên tột đỉnh, quá sức tôi tưởng tượng. Đó là những giọt mật... do người khác trao: vị mật ong nguyên chất vừa thơm vừa ngọt lịm, pha lẫn vị mật đắng từ lá gan túi mật tôi trào lên nhiều hơn gấp bội... 

Chị dâu đang lui cui làm gì đó, chị đã nhảy phóc xuống giường nghe cái đùng, chị liền chạy đến giật tay chồng lại. Chị níu kéo cánh tay anh tôi, sau đó chị xô mạnh anh Dzoãn ra chỗ khác, khiến anh bất ngờ chới với xiểng liểng. Hai người giằng co nhau (tôi nghĩ chị can khéo như khi xưa Khổng Minh can Tôn Quyền đừng đánh Tào Tháo vậy). Chị dâu gào to lên:

- Ông không được đánh em ông trong lúc nầy. Rồi tui sẽ mang tiếng suốt đời là: ông nghe vợ, đánh đập em út. Ông đừng tàn nhẫn. Ông phải biết tại sao em ông qua ở bên chị Tư chớ. Ông không nên chửi em ông như vậy, nghe.

Hiền mang bụng bầu ì ạch ở nhà bếp chạy lên, nó túm cánh tay tôi, xô tôi đi ra phía cửa ở sân hậu. Hiền đóng cửa lại. Sau đó vòng ra sân trước, Hiền bế cháu Bích trên tay Cảnh, hai người rù rì to nhỏ giây lát, Cảnh vào nhà năn nỉ anh chị hãy nguôi ngoa... Anh Dzoãn và cháu Châu lại ra sân hì hục sửa xe lam. Chị dâu nằm lì trên giường. Chị cố ý làm mình làm mẩy, làm trận làm thượng: nổi cơn ghen tam bành lục tặc như thế, chớ chị nào có ý định “xách gói ra đi và vui sống” đâu! Chị muốn ra oai “dằn mặt” anh em tôi! Thật lâu Hiền đưa cháu Bích vô nhà, cháu bò lê bò la bên hông mẹ.

Thì ra... tôi đã hiểu ý chị. Nếu tôi có kiên trì, không biết hy sinh trong mọi hoàn cảnh, thì gia đình anh Dzoãn sẽ càng xáo trộn. Tôi chỉ sợ hai vợ chồng anh chị Dzoãn tan vỡ  “bỏ nhau”, thì bản án ly gián đó tôi phải mang “gông hận” suốt đời. Tôi cay đắng nghiệm thấy tôi rất buồn về chuyện anh chị Dzoãn la chửi tôi. Nhưng thật ra tôi khá bất bình vì chị Tư ỷ là người lớn: làm anh làm chị có “quyền huynh thế phụ”, mà vơ đũa cả nắm, la rầy em út những chuyện đâu đâu... Tôi đi hay ở nhà nầy nhà kia, là chẳng hề dính dấp ăn nhập gì đến gia đình riêng của chị Tư; hoặc nếu có bất ổn, thì không do anh chị Dzoãn và tôi gây ra thiệt hại cho chị Tư, gia đình anh chị Tư chẳng hề mất hoặc mòn xí hạnh phúc gia đình riêng của họ. Tôi bực chị Tư không sao tả nỗi.

oOo

Đêm về buốt lạnh và rờn rợn, không ai nói với ai lời nào, cả nhà có tới mười người đều im ắng, lặng ngắt đến ghê hồn, không ai nấu cơm nước ăn uống gì cả, bếp lạnh tro tàn, cả nhà đói meo. Các em của chị dâu lúc nầy im re nín khe, mỗi đứa tìm một chỗ chụm đầu rù rì to nhỏ và tự ngả lưng. Chúng ủ dột rầu rĩ như con ngựa phi nước đại đã kiệt sức. Ồ! Mọi ngày đêm khác, dù giữa khuya khi hàng xóm đã im tiếng thả hồn trong giấc mộng. Thì nhà nầy vẫn ồn ào bao tiếng nói, tiếng khóc, tiếng cười rộn ràng pha trộn mà! Khuya tối đen im lặng đến mức thê lương. Chả bù cho bốn năm giờ trước đó, trong nhà nầy ồn ào kinh khủng hơn vỡ chợ. Sau những giờ phút khủng khiếp nghẹt thở, khuya Đà Lạt tràn dâng từ các xó xỉnh, mang theo lớp sương mù đậm đặc kèm cái lạnh nhức nhối xoáy sâu vào xương thịt, choáng ngợp cả lòng tôi. Bốn bức tường hầm hập, ngột ngạt, không ánh sáng, bóng tối trùm lên muôn nẻo lan rộng chiếm dần không gian và thời gian. Tôi có cảm tưởng do “không khí” buổi chiều chưa tan trong không trung, nên căn phòng nầy là nấm mồ khổng lồ từ từ biến nhỏ lại thành chiếc quan tài, có những cây mộc niêm phong để nhốt tôi vào.

Trong cuối góc phòng, những đóm lửa lóe lên từ ngọn thuốc đầy ắp trên cái gạt tàn kế cạnh Cảnh. Suốt từ chặp tối đến bây giờ, Cảnh chỉ yên lặng ngồi một góc, anh nhìn lên trần nhà thấp và tối, để chứng kiến đủ mọi điều mắt thấy tai nghe. Tôi biết Cảnh đau khổ gấp ngàn lần nỗi đau của tôi. Dù rằng suốt tuần nay Cảnh luôn kề cận chăm sóc tôi. Nhưng anh có thái độ cương quyết, khiến tôi phải vắt óc ra: mà chả đoán được Cảnh đang suy nghĩ gì!? Trước buổi trưa lúc đánh nhau với con Xuân đó, rồi chuyện gia đình anh chị Dzoãn, nay giữa tôi và Cảnh lại càng xa xôi chia lìa hơn. Chuyện gì tôi sợ sẽ xảy ra, thì đã trắng trợn và thô bạo trơ trẽn xảy ra hết rồi. Tôi nhìn tất cả sự kiện bằng nỗi ngạc nhiên, bàng hoàng, tức giận, lẫn thất vọng tái tê, dường như tôi càng giận Cảnh hơn nữa. Tôi muốn “đổ thừa” trách nhiệm nầy là do Cảnh can dự một phần! Thế thì ai đã đóng cánh cửa vàng son thân thiết, để mở ra vực thẳm cách chia, xa lắc anh đang thẫn thờ ngoài kia, và tôi run rẩy buồn xo trong phòng tối thế nầy? Ly rượu đào nhấp chung chưa cạn chén nồng say men hạnh phúc, thì những giọt mật đắng kinh khủng từ số phận cúi xuống ban tặng... đã hòa lẫn ngay vào giữa vành môi tôi và Cảnh.

Tôi không thích những giờ phút gần bên Cảnh ấm áp ngọt ngào nữa, còn cực hình nào trong tình cảnh ngược lại. Tôi chỉ thấy một mặt kỷ niệm buồn, đau xót, dằn vặt kéo dài, khiến tôi muốn điên. Tôi cảm thấy mất mặt, hổ thẹn với xóm làng, niềm tự hào và danh dự gia đình của một cô gái tự trọng, chỉ vì chuyện “ngoại cảnh” mà vồ xé nhau, không lấy gì làm hứng thú, trái lại thật tồi, đã khiến tôi bị tổn thương, bị chà đạp những điều không đáng. Tôi cảm thấy hố thẳm dàn rộng đôi bờ vĩnh viễn chia lìa “đôi ta”. Còn chăng là những giọt nước tí tách rơi trên phiến lá khô, nơi luống thời gian cuộn dòng chảy bàng hoàng trên má. Trí óc tôi nghẽn đắng từng cơn uất giận bùng sôi sùng sục xé lòng. Với tôi, cảm tình giữa tôi và Cảnh đã giảm sút đến mức báo động trầm trọng, rõ rệt. Đành mất Cảnh hơn hân hạnh có anh, hoặc âu yếm tha thứ cho nhau, và giận dỗi hoài. Đôi bờ đau xót nầy thật đáng tiếc. Nhưng tôi chân thành cám ơn Cảnh đã trìu mến ban tặng cho tôi một dĩ vãng êm đềm, thân thiết với những kỷ niệm đẹp tươi. Tôi hứa cố gắng dứt khoát sẽ không làm Cảnh đau đớn hơn ở mai sau.

Hiền nằm ở chỗ cũ, cô nàng ép sát bụng bầu trong vô vách tường, cô cố ý nhường chỗ rộng cho tôi và Cảnh vào nằm chung trong giường (như một vài lần trước có ba chúng tôi cùng nằm chung trong mùng). Nhưng tối nay tôi đã nằm co quắp trên góc giường của mấy đứa em của chị và cháu Châu, tôi choáng mất chỗ nơi mà Cảnh vẫn thường “trọ” mỗi khi có phép ra ở ngoài. Chỗ Cảnh thường ngả lưng những lần “dù” ra phố, hiếm hoi ở lại nhà, là Cảnh ngủ với mấy em trai của chị dâu. Bây giờ Cảnh không có chỗ ngủ, Cảnh không thể chui vào nằm bên Hiền (khi không có tôi)!!! Anh không thể mặc áo đi ra Hotel ngủ ở đâu nữa! Tôi thật ác. Bỗng dưng chẳng hiểu từ đâu tôi sực nhớ ra: một anh Võ Bị kia cùng cô đào đang lượn phố khu Hòa Bình, họ chen vai thích cánh nhau đi vui vẻ, thì có nhóm thanh niên lạ mặt (có lẽ là từ phương xa mới tới Đà Lạt) nhóm ấy ăn mặc coi cũng lịch sự, họ đi ngược lại hướng hai anh chị Võ Bị nầy. Một anh trong bọn “khách lạ” mắc mớ chi mà lấy tay vuốt vuốt ve ve vô mặt cô đào của anh Võ Bị qua câu khen:

- Em đẹp quá ...Ha ha ha...

Vì đang mang trên người bộ quân phục sinh viên sĩ quan, anh Võ Bị rất tức giận, mất mặt lắm, nhưng không thể làm gì được, anh chỉ cự nự:

- Mong bạn không tỏ ra bất lịch sự.

Lời qua tiếng lại mất vui rồi! anh Võ Bị cố nhịn, bên phe kia có ý muốn khiêu khích, sừng sỏ đôi co, khiến hai phía suýt tí nữa là đánh nhau. May thay anh sinh viên Võ Bị ấy sợ cán bộ tuần tra, nên dằn lòng, hạ giọng bảo bọn kia:

- Nếu các bạn có ngon, hãy chờ vài giờ, tôi sẽ trở lại! “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn” mà!

Tôi nghe nói mấy anh Võ Bị lượn phố Hòa Bình đông đúc hôm ấy (đông như bao lần họ vẫn tưng bừng lượn phố) đã chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt, họ kêu hú nhau tốp năm tốp bảy: bao taxi chạy về trường thay đổi quân phục, bằng những bộ đồ tác chiến, hoặc mặc đồ dân sự. Có người chạy đến nhà thân nhân thay đổi quần áo civil. Họ lập tức mang “vũ khí” chi chi đó, lên xe dong ra phố, họ đi lùng kiếm tốp thanh niên cũ, để “trừng trị cái tội vô ý thức, bất lịch sự và láu cá”. Hôm ấy, những thanh niên Đà Lạt hiền khô không hề biết ất giáp gì, ở trong nhà vừa ló mặt ra, vô tình đi bát phố, họ đều tái mặt, bàng hoàng vì những pha rượt bắt, súng ống nườm nượp trên phố bắn dùng đùng, cùng với cảnh trốn chui trốn nhủi của những tên “ba trợn gieo gió trốn bão”.

Kể từ đó, các anh sinh viên Võ Bị được phép đi ra phố, (đều có sự giám sát chặt chẽ trước kia), nay càng bị kiểm soát gắt gao hơn. Vì vậy, giờ nầy đã quá khuya, nếu Cảnh thò đầu ra đường, thì bị túm cổ chết đứng là cái chắc! Cảnh mặc áo quần sinh viên sĩ quan Võ Bị mà ngố ngáo đi lông bông ngoài phố khuya, thì chẳng khác nào “lạy ông con ở bụi nầy”, có nước anh bị quân cảnh tóm cổ lẹ, tọng anh vô ngủ ở chuồng cọp, họ ký giấy cho anh ra Trung Sĩ gấp!

oOo

Tháng năm của tuổi xuân tôi qua đi, vừa nhanh vừa lặng, vừa quẩn quanh với xoáy nước đục ngầu, bồng bềnh đủ mọi thứ buồn đau rối rắm phức tạp, đủ mọi sự nhức nhối, rối beng như tơ vò. Tuổi thanh xuân trôi tuột qua khung cửa sắt, chạy như bay về hướng trước mặt, hiện tại không thể thu hút kéo ghì giấc mơ tình yêu anh lại bên em. Những ngày gần cuối Cảnh nghỉ bên tôi, không làm cho tôi vơi phiền muộn, mà dâng đầy chán ngán, tăng thêm vũng buồn trũng sâu, không thể lấp đầy nỗi đau, chẳng lãng quên phiền toái, hoặc phôi pha sự tủi nhục vô tình cứ ập đến đong đầy triền miên. Dù tôi cố nuốt cục đắng cơn đau thấu tim vào bụng, nhưng sao nó vẫn trồi lên từng cơn đau điếng lòng bùng vỡ!? như nước sông Hương rút xuống, để lại bùn lầy ở ven bờ. Thật chẳng còn gì. Tôi đã chia tình cảm vào lối ngoặt phiêu du khác, tôi đánh mất tình cảm liên miên trên đời. Như kẽ bộ hành bỏ lại hành trang rối rắm sau một chuyến sang đò vô định đi xa lắc xa lơ...

Tưởng như sau cánh cửa vàng son vừa khép lại, Cảnh đang đi về phía tôi, áo sơ mi trắng ngần trong bộ veston đen tuyền, sọc mờ xanh rất hài hòa, tiệp màu. Vài sợ tóc quăn ngã xuống vầng trán cao tỏa ra sự khôn ngoan, đĩnh đạt. Khi tôi có điều gì không vừa ý khiến đôi lông mày Cảnh xích lại gần nhau, dưới đôi mắt trầm tư rực lên, bên đuôi mắt có vài nếp nhăn chân chim dạn dày kinh nghiệm. Thậm chí tôi còn nhớ cả tiếng cười và giọng nói anh luôn ôn tồn, ngọt ngào vẳng bên tai tôi lời hỏi thăm âu yếm, đằm thắm, nồng nhiệt. Đã đến lúc định mệnh ra tay giáng xuống đầu tôi dồn dập những cú búa tạ kinh hồn... Tôi nghĩ: Nếu mình không cùng Cảnh kết tóc xe tơ suốt đời chung sống bên nhau, thì hà cớ chi tôi lại nói những lời cay độc, hay có những cử chỉ làm khổ nhau hơn ngàn mũi gươm dao đâm qua tim đến thế!?

(còn tiếp)

Tình Hoài Hương

--------------------------------------------
(*) Thơ tiếu lâm Tình Hoài Hương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013