SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG

 Bốn chiếc chén vây quanh tô súp chua ngọt. Ba chiếc chén cái. Một chiếc chén đực. Chén đực là của Tịnh. Ba chén cái là của ba thế hệ bà, mẹ và tôi. Mỗi thế hệ chỉ có một chữ âm nghe cọc cạch lạnh lẽo. Người bồi bàn vén khéo chất súp nâu nâu rền rền vào từng chiếc chén đều nhau tăm tắp. Chiếc muỗng lớn lượn lên lượn xuống nghiêng chỗ này một chút ngả chỗ kia một chút. Như một cánh chim quảng giao rối rít thăm hỏi chung quanh. Khi cánh chim đã bay về nằm gọn trong lòng tô súp mới vơi đi phân nửa, người bồi bàn xòe bàn tay điệu nghệ kịch cỡm. Xin mời!

Tôi chia bốn chén súp nóng hổi cho bốn người. Mùi chua ngọt bay theo khói làm tôi nuốt nước miếng mới nói được:

- Mừng anh Tịnh có xe mới.

Tịnh luống cuống bất ngờ. Anh nhắp vội hớp la ve liếc mắt nhìn tôi trách móc. Tôi cố ý trêu chọc:

- Cảm tưởng của anh Tịnh khi lái xe mới ra sao hè?

Mặt Tịnh đỏ lên. Anh vốn ít nói. Gặp tôi hay bép xép nhiều lời. Trời cũng khéo se. Người nói cứ nói. Người im cứ im. Tôi làm tới:

- Nghĩ sao nói vậy đi người ơi!

Tịnh trừng mắt nhìn tôi. Tôi le lưỡi châm chọc. Tịnh cầm muỗng mời:

- Mời bà, mời bác. Súp này ăn nóng mới ngon.

Tôi đổ giận. Người tôi tròn lẳn mát rượi. Năm chục kí có dư chứ ít ỏi gì. Vậy mà Tịnh coi tôi chẳng có kí lô nào cả. Tôi dở bài lì:

- Anh Tịnh khinh em không thèm trả lời. Em chẳng thèm ăn!

Tịnh thở dài khó chịu:

- Em lắm chuyện quá. Ăn đi không nguội hết bây giờ!

Mùi súp bốc lên mũi vướng víu. Khổ cái đây là món tủ của tôi. Bụng tôi chới với thúc dục. Cứ ăn cái đã, chút nữa giận tiếp cũng chẳng sao. Mà can chi phải giận cho già người. Để tội anh chàng đó. Những muỗng súp thấm vào cổ họng tôi mê lịm. Tôi mê mải tới khi lòng chén phô ra lớp men trắng bóng. Tạm bằng lòng với cái bụng đã bắt đầu êm ả, tôi dở giọng:

- Bà ơi, bà có biết là anh Tịnh mua xe của một ông già gân hết xảy không?

Tịnh đá vào chân tôi lia lịa. Mắt anh nhìn tôi van lơn. Tôi giương đôi mắt làm bộ ngây thơ hết cỡ. Có gì mà ầm ĩ lên thế. Làm như trời đang dở chứng sập xuống ngay trước mặt không bằng. Người gì mà chẳng chịu khó chiều chuộng vợ sắp cưới chút nào cả. Tôi cứ phăng phăng tiến tới:

- Ông già chắc cỡ hơn bảy chục. Mặt mũi đã sụp hết cả. Da dẻ nhăn nheo tàn nhang đồi mồi dày đặc. Vậy mà ăn diện hết cỡ, bộ điệu thẳng thớm làm như còn thanh niên ngon lành lắm. Trên tường cạnh bàn làm việc ông treo đầy hình ảnh giấy tờ. Cháu tò mò nhìn tờ giấy có tiêu đề của báo Playgirl. Bà có biết báo Playgirl không?

Tôi ngước nhìn bà. Bà cười. Bà cưng tôi nên chuyện gì của tôi nói ra bà cũng thú vị hết. Bà say mê cái miệng tía lia của tôi từ hồi tôi còn nhỏ tới bây giờ tôi lớn xộn sắp có chồng bà cũng chưa vơi niềm đắm đuối. Nhưng nụ cười ngơ ngác của bà làm tôi biết bà chẳng hề nghe tới tên tờ báo quái quỉ này. Mẹ tôi nạt ngang:

- Cái con này! Bà già rồi làm sao bà biết được.

Mẹ tôi có độc nhất một mụn con nên chiều tôi hết cỡ. Tôi muốn nói gì thì nói chẳng bao giờ mẹ la. Miệng tôi trơn tuột:

- Thế thì chắc mẹ biết. Chỉ có bà không biết. Tội bà! Để cháu nói cho bà nghe.

Chân Tịnh hất chân tôi lia lịa. Chắc rồi đời đôi giầy tôi mới mua ưng ý bằng chết. Tôi lấy hết gân cốt đạp cho Tịnh một cái. Anh chàng hiểu ngay bức tối hậu thư của tôi kéo chân về im thin thít. Tôi nhìn bà:

- Báo Playgirl là báo in hình đàn ông con trai không mặc quần áo ấy mà bà.

Tịnh đỏ mặt nhìn tôi hậm hực. Mẹ tôi cúi xuống húp một muỗng súp để khỏi nhìn ai. Bà tôi bĩu môi:

- Rõ nỡm!

Phản ứng của bà tôi thật dễ chịu. Đó là công trình của tôi. Bà cháu tôi quấn quít nhau từ hồi tôi còn nhỏ nên chuyện gì tôi cũng hay thủ thỉ với bà. Tôi càng lớn thì bà tôi càng biết nhiều chuyện chung quanh. Hầu như chẳng có chuyện gì tôi không nói. Mẹ tôi bận đi làm lại còn nhận hàng về nhà làm thêm nên ngoài giờ tôi đi học chỉ có hai bà cháu ra vào với nhau. Bà tôi là người thông minh lại không hay chấp nhất nên rất dễ thông cảm với những chuyện kể của tôi. Mà tôi thì thoải mái hết sức. Nhiều khi tôi châm chọc bà như đối với bạn ở trường. Vậy mà bà chỉ cười độ lượng. Tôi cười với bà:

- Chuyện tức cười là ông già này chịu chơi hết cỡ. Theo như bức thư ông dán cho mọi người đọc thì ông có gửi hình cho báo Playgirl và họ trả lời là rất tiếc không thể đăng hình của ông được vì hình không được ban tuyển chọn gồm các bà các cô chấp thuận.

Mẹ tôi xen vào:

- Thế thì mắc cở chết chứ có gì đáng khoe đâu mà dán lên tường vậy. Bên này họ tức cười thiệt.

Bà tôi nói góp theo:

- Người bên này họ như vậy đó. Chẳng biết mắc cở là gì. Giá như bên mình muốn làm gì mà không xong thì dấu nhẹm đi chứ ai lại trưng bầy cho thiên hạ biết như vậy. Thật đúng là tây!

Cái thế giới của tây đối với bà là một thế giới lạ lẫm không hiểu nổi. Nó trái khoáy không giống mình. Bà tôi, mẹ tôi như người chỉ gửi cái xác bên này. Phần hồn của họ bay tuốt về ẩn nấp trong cái thế giới quen thuộc cũ tận nơi nảo nơi nao. Nơi đó đối với tôi thật lạ lùng.
Khi Tịnh hỏi cưới tôi, tôi nói với bà:

- Bà thấy anh Tịnh ra sao? Bà cho mấy điểm? Cháu ghét cái tính anh ay nhiều khi làm bộ kẻ cả coi thường cháu. Cháu trừ đi một điểm. Cháu không ưa cái bụng la ve thây lẩy chướng mắt. Cháu trừ đi một điểm nữa. Còn tám điểm. Cháu trừ thêm một điểm để đó lỡ cháu có tìm thêm được điều gì đáng ghét nữa thì khỏi phải mất công tính lại. Vậy còn bẩy điểm. Bẩy điểm cưới được không bà?

Bà nhìn tôi cười. Rõ ràng bà vẫn coi tôi như đứa con nít. Tôi hết tuổi teen rồi chứ bộ. Tịnh nhiều lúc cũng có nụ cười khinh mạn tôi như vậy. Tôi gây với Tịnh chứ làm sao gây được với bà. Chắc tôi mãi mãi là đứa cháu bé bỏng dễ thương của bà. Tắt nụ cười bà bảo tôi giọng như đùa cợt:

- Được. Bẩy điểm cũng khá rồi.

Tôi biết bà vẫn có cảm tình với Tịnh. Anh chàng lễ phép, ngọt ngào được lòng cả bà lẫn mẹ. Chắc bà thiên vị đứng về phe Tịnh rồi đây. Tôi đâu có chịu thua:

- Hồi xưa, khi ông ngoại hỏi cưới bà, bà cho ông mấy điểm?

Mặt bà chùng xuống. Chắc tôi nhắc tới ông ngoại làm bà nhớ. Bà cũng tình gớm! Chỉ thoáng một chút bà lại lấy giọng dịu dàng đùa cợt với tôi:

- Chẳng có điểm nào cả!

Tôi sửng sốt lớn giọng:

- Trời ơi! Sao không có điểm nào mà bà cũng chịu cưới?

Bà tôi chép miệng:

- Bà có thấy mặt ông đâu mà cho điểm!

Tôi ngẩn người ra. Không thấy mặt mà cưới. Tôi ôm lấy bà tỉ tê đòi bà kể chuyện bà lấy ông. Hóa ra bà nói thiệt. Bà chẳng hề thấy mặt ông trước khi cưới. Ông bà cố chọn con trai của bạn cho bà ở tận đâu đâu. Bảo bà thì bà dạ. Giọng bà nhỏ nhẹ:

- Thời đó cha mẹ bảo sao con cái phải vâng lời không được cãi. Cãi lại là bất hiếu. Ai cũng vậy thôi nên đó là chuyện thường chẳng có chi phải thắc mắc. Rồi cũng xong tất. Cũng con đàn cháu đống cả.

Tôi tròn mắt nhìn bà. Trước mắt tôi bà như một người xa lạ. Sao bà có thể chấp nhận một cuộc sống vô lý như vậy được nhỉ? Tôi thấy như không hề có liên hệ gì tới cái xã hội mà bà đã sống. Vậy mà tôi lại mang giòng máu của bà. Tôi được sản sinh ra từ những người có cuộc sống chồng vợ giản dị như vậy. Tôi quen Tịnh từ ba năm nay, tìm hiểu nhau phát mệt mà bây giờ còn phân vân trước lời hỏi cưới của Tịnh. Chắc bà thấy cô cháu rắc rối quá sức. Tôi đem chuyện bà ra kể với Tịnh thì Tịnh bảo đó là thời bà chứ bây giờ ai lại dễ dãi như vậy. Tôi đã mù tịt về đất nước mà bà thì lại chỉ kể những chuyện xưa rích xưa rang của bà. Thành ra Việt Nam đối với tôi như một vùng đất huyền thoại xa lạ.

Tôi rời xứ sở lúc bốn tuổi nên chỉ còn mấy trái soài trái cóc ngâm cùng với những thanh kẹo kéo thơm mùi va ni bám víu được vào cái trí nhớ cỏn con của tôi. Còn những thứ khác rơi tuột hết trơn theo chiều cao mỗi ngày mỗi nhích lên thêm. Mẹ tôi thường thuê những cuốn video quay cảnh thành phố Saigon, nơi tôi sinh trưởng, và bắt tôi ngồi coi với cả nhà. Bà và mẹ chỉ trỏ những con đường, những dãy phố, những tòa nhà quen thuộc bằng những ngón tay rối rít quýnh quáng, trong khi tôi chán ngay trước quang cảnh nhếch nhác lầy lụa trước mặt. Khuôn mặt Việt Nam của tôi dửng dưng trước cảnh vật đất nước. Tôi không cảm thấy chút ràng buộc nào với nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Đó chẳng phải là nơi tôi rời xa và cũng chẳng phải là nơi tôi muốn về.

Cả cuộc đời trường lớp của tôi là ở bên này. Tôi được dạy đối xử, suy nghĩ như một công dân của nơi tôi sinh sống. Tôi đồng hóa với chúng bạn, hòa tan vào những vui buồn chung quanh. Cái hình hài Việt Nam luôn luôn bị đẽo gọt cho vừa với cuộc sống có thật trước mắt tôi.

Ra khỏi nhà tôi là một dân bản xứ. Về với bà và mẹ tôi lại được dạy bảo như một người một chân đứng ở chốn này một chân dang rộng ra cả chục ngàn cây số. Nhiều lúc tôi chẳng biết tôi là ai. Nhà trường dạy khác, bà và mẹ tôi lại bảo khác. Mỗi bên là một chiếc cột bướng bỉnh vững chãi và tôi như một đoạn dây bất hạnh bị kéo căng ra ở giữa. Đấy là tôi nhiều lúc cũng đã phải tự hạn chế lời ăn tiếng nói của mình trước mặt bà và mẹ. Tuy nói ra thì cũng chỉ nhận vài câu mắng nhẹ nhàng cho có lệ nhưng không nói vẫn hơn. Chẳng hạn tôi đâu có mách bà và mẹ hết chuyện ông già bán xe đâu. Bữa đó nhìn ông già thấy tức cười quá tôi nổi máu đùa dai bảo Tịnh hỏi ông cho coi tấm hình ông gửi cho báo Playgirl. Tịnh ngồi im không nói không rằng, đôi mắt gườm gườm nhìn tôi như dọa dẫm làm tôi cụt hứng. Tôi ngậm miệng không thèm nói với Tịnh cho tới lúc Tịnh làm lành rủ tôi đimăn kem.

Miệng tôi ít khi ngậm được lâu lắm. Tính tôi hay nói. Tiếng Việt tôi lại nói rất rành. Đó là công lao uốn nắn của bà tôi. Ngay từ nhỏ bà dã dạy tôi nói tiếng Việt và hai bà cháu suốt ngày chơi với nhau làm gì tôi nói không giỏi. Nhưng tuổi tác của bà cũng chỉ cho phép bà làm được tới vậy thôi. Cái miệng tôi chót chét nhưng trong bụng không có một chữ tiếng Việt. Muốn biết đọc và viết tôi phải đi theo học các lớp Việt ngữ. Đưa tôi đi học thì bà tôi chịu thua. Mẹ tối ngày ôm cái máy may nuôi tới ba thế hệ nên cũng dễ dàng bỏ qua luôn.

Nghe tôi nói tiếng Việt ai cũng tưởng tôi phải ôm một bụng chữ. Tịnh cũng nghĩ như vậy. Anh là người ham đọc sách báo Việt. Thấy tôi nói năng ngon lành tưởng gặp người đồng điệu. Đưa sách báo cho tôi về nhà đọc tôi cũng cầm. Chẳng lẽ lại tự khai là mù chữ! Vứt một đống ở nhà chán chê rồi mang trả. Tịnh hỏi thì tôi cứ ừ hử cho qua lúc. Được cái mặt mũi tôi tươi tắn dễ nhìn, mồm miệng lại tía lia duyên dáng nên hồn Tịnh lơ mơ ngơ ngẩn. Phải một thời gian dài cái bụng tôi mới bị phơi ra trống rỗng chẳng có một chữ nào. Lúc đó thì hồn Tịnh đã bị tôi hớp mất tiêu cần chi chữ với nghĩa.
Bà giao việc cho Tịnh:

- Này cậu Tịnh, cậu làm ơn dạy cho con nhỏ đọc sách tiếng Việt dùm tôi. Lớn sầm đầu mà chẳng biết gì tới quê hương xứ sở. Cái mặt thì Việt chay mà cái lòng thì toàn những thứ tây tà gì đâu!

Học tiếng Việt thì cũng được đi. Người ta bảo tới tuổi trưởng thành con người thường tìm về cội nguồn của mình. Nhưng để Tịnh dạy học thì còn khuya. Anh chàng lên mặt phải biết. Tịnh giỏi giang, hiền lành lại thêm được cái tính nhẫn nhục chiều chuộng tôi. Có phục Tịnh thì cũng phải thôi. Nhưng tôi vẫn cứ ngang ngạnh không chịu để Tịnh dạy tôi. Làm như tôi có cảm giác bị lép vế. Tôi đời nào chịu. Tôi giả lả một cách kẻ cả:

- Để em sanh cho anh Tịnh một đứa con gái cho anh dễ dạy nghe!

Bà như dẫm phải cục than hồng:

- Phỉ phui cái miệng con nhỏ này!

Bà kiêng. Con gái chưa chồng mà nói tới chuyện sanh đẻ là không hay. Tôi chẳng hiểu tại sao lại không hay. Bụng tôi nối thẳng với miệng nên nghĩ sao là nói ra vậy. Bà vẫn gắt yêu tôi là con gái vô ý vô tứ không chịu giữ gìn lời ăn tiếng nói. Bà bảo trên vai lúc nào cũng có quỉ thần chứng giám. Tôi nhìn qua vai tôi, chỉ thay trắng muốt nõn nà. Mùa hè tôi treo hai giải áo toòng teng trên hai vai trần làm Tịnh chết mê chết mệt. Chắc chẳng có quỉ thần nào dám đứng trên vai tôi đâu. Từ thế hệ bà qua thế hệ tôi chỗ của quỉ thần teo tắt chật chội hẳn lại. Dù sao có kiêng có lành. Bà nói thế. Nghe bà nói riết tôi cũng nhiều lúc phải lắng tai nghe ngóng qua thế giới bên kia.

Tôi có đôi tai giống bà. Vành tai nhỏ và mỏng hơi xếch vào phía trong. Tôi ngắm nhìn tấm hình chụp bà lúc còn trẻ. Bà vấn tóc khoe đôi tai có hai hột xoàn lóng lánh. Những sợi tóc mai mềm mại thả xuống bên cạnh đôi vành tai nhỏ nhắn. Khuôn mặt bà thanh thoát nhẹ nhàng. Bà ôm mẹ lúc đó mới được có mấy tháng nằm ló đôi mắt đen láy dưới chiếc mũ len bịt sát đầu ôm kín đôi tai. Hạnh phúc như một đám mây mỏng bao phủ hai mẹ con.

Tấm hình đen trắng nằm trên bàn ngủ của bà làm mặt bà rạng rỡ mỗi khi nhìn vào kể chuyện đời xưa cho tôi nghe. Chuyện của bà chẳng phải chuyện vui. Ông ngoại tôi mất khi mẹ tôi chưa tròn năm. Trúng giờ. Tôi chẳng hiểu trúng giờ là sao nhưng có cảm tưởng ngày xưa người ta chết dễ dàng quá. Bà tôi trở thành góa bụa lúc vẫn còn ở tuổi teen. Miệng tôi nhanh nhẩu:

- Sao bà không lấy chồng khác?

Bà tôi đỏ mặt:

- Thời bà ai lại làm thế.

Thế ra cái xã hội bà sống đã ép bà sát sạt làm bà không dám nghĩ tới chuyện ghê gớm là lấy một người đàn ông khác. Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Bà bảo vậy. Nhưng sao bà phải chính chuyên với cả người chết. Tôi nhìn lên tấm hình người đàn ông tốt số là ông ngoại tôi trên bàn thờ. Chiếc khăn đống và tấm áo dài đen làm ông già trước tuổi. Bà bảo ông là người tốt bụng và vui tính. Bà đưa cho tôi coi vài tấm hình đã vàng úa bà cất kỹ trong chiếc hộp bánh bằng sắt. Ông ngoại trông hiền từ và thông minh với mớ tóc chải rẽ ở giữa. Tôi cười với bà:

- Thời đó mà ông ngoại đã để tóc như thanh niên thời nay.

Bà cười buồn:

- Chắc thời đó với thời nay chỉ giống được có mái tóc.

Tôi ngửi thay vị lạ trong câu nói của bà. Tính tò mò bấm nút cho cái miệng luông tuồng chót chét của tôi:

- Mà trong bụng thực ra bà có muốn đi bước nữa không hả bà?

Bà đập nhẹ lên đầu tôi:

- Mẹ mày! Chỉ hỏi vớ vẩn.

Mẹ tôi cũng quấn khăn tang khi tôi mới chập chững biết đi. Cái chết của ba tôi xem ra có vẻ rõ ràng hơn. Ông tử trận. Đạn đâu có mắt. Nó chúi vào ai người đó chịu. Ba tôi người cao lớn giềnh giàng nên có lẽ là một nơi chốn tốt cho đạn tìm đến. Mẹ thì nói ba là một sĩ quan can trường tin tưởng vào việc mình làm. Ba đã hy sinh cho lý tưởng và nhiệm vụ của ba. Mẹ và ba có một mối tình đẹp từ thuở còn đi học. Yêu nhau rồi lấy nhau. Sống với nhau được vài năm cóc nhảy - ba thường đi hành quân vắng nhà - thì ba bỏ mẹ đi luôn. Mẹ vật vã cho cuộc đời lỡ dở nhưng cắn răng chịu đựng như một định mệnh oan khiên. Mẹ bình thản bảo tôi:

- Mẹ không nghĩ tới chuyện tái giá vì mẹ yêu ba. Đời mẹ chỉ có ba. Ba đi trước thì mẹ vẫn là của ba cho tới khi mẹ đi theo ba. Mà cũng nhờ có con an ủi cuộc sống của mẹ. Ba con đã hy sinh mạng sống, mẹ có hy sinh cuộc đời thì đâu có gì là ghê gớm lắm đâu.

Bà tôi sanh con gái rồi góa bụa. Mẹ tôi cũng vậy. Quỉ thần nhịp nhịp trên vai tôi. Tôi bất giác rùng mình. Lòng tôi tơi tả. Tôi rầu rầu nói với Tịnh:

- Chắc em không lấy Tịnh được đâu.

Tịnh tưởng tôi giận dỗi chuyện chi, ấp úng:

- Sao vậy?

Tôi ướt rượt giọng nói:

- Tại vì em yêu Tịnh.

Tịnh ôm kín tôi nhỏ nhẹ:

- Yêu anh thì phải lấy anh chứ!

Đầu tôi lắc nhẹ:

- Em sợ Tịnh chết.

Tịnh hoảng hốt:

- Sao lại sợ anh chết?

Tôi nuốt sâu giọt nước mắt sắp ứa ra:

- Bà lấy chồng sanh con gái rồi ông ngoại chết. Mẹ lấy ba sanh ra em rồi ba cũng chết. Em sợ lấy Tịnh sanh cho Tịnh một đứa con gái rồi Tịnh cũng chết.

Tịnh xiết chặt người tôi, day day cặp môi ấm áp lên má tôi:

- Rồi con gái mình lấy chồng sanh ra một bé gái rồi chồng cũng lăn ra chết. Em tưởng ông trời có một kiểu chơi cứ làm hoài sao? Đừng nghĩ vớ vẩn hại người.

Tôi có tin dị đoan không? Sao mà Tịnh tỉnh bơ như vậy? Dù sao tôi vẫn sợ. Quỉ thần đang giơ nanh giơ vuốt dọa tôi. Tôi yếu đuối nằm chết dí dưới sức mạnh vô hình. Người tôi rã rượi. Tôi ôm cánh tay Tịnh:

- Tịnh ơi, em sợ.

Người tôi nép sát vào Tịnh. Hơi ấm m của Tịnh thấm vào tôi. Tịnh rót vào tai tôi:

- Có gì đâu mà em sợ! Em đừng thèm sanh con gái cho anh nữa. Chúng mình sẽ sanh con trai đầu lòng là xong ngay chứ gì.

Giọng Tịnh vững chãi truyền vào người tôi một luồng sinh khí mới. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Quỉ thần hãy xê ra khỏi đời tôi. Chưa gì mà tôi đã thấy thương đứa con trai đầu lòng quá đỗi.

Song Thao

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013