SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

 TRÊN ÐẦU NGỌN SÓNG

 

 - Má Nam Phương đâu rồi ra đây bà ơi !

Ðang nằm quạt cho bé Phương con gái tôi ngủ trong phòng, tiếng cô em chồng gọi giật ngược vọng lên từ bên ngoài khiến tôi phải bật dậy xỏ chân vào đôi dép mở cửa bước ra.

Cô em kéo tay tôi lôi ra phía ngoài hiên cửa bếp nhìn ra hông nhà, đám đông lố nhố ngồi quanh cái bàn dài thấp vẫn đang lao xao chén thù, chén tạc từ chiều vẫn chưa “ vãng tuồng “. Ngẩn người tôi hỏi :

- Anh Nam vẫn còn đang nhậu với bạn kêu tôi ra làm chi.
- Kêu bà vô ngồi uống rượu với ổng luôn chứ kêu làm gì.

Ban chiều mấy ông bạn cùng xóm chơi với nhau từ khi còn “ ở truồng tắm mưa “, tổ chức buổi nhậu để mừng ngày chồng tôi được “ xổ lồng “ sau gần năm năm đi tù. Với các anh ấy thì tôi đâu còn lạ lùng gì nên rúc trong phòng để cánh đàn ông được tự do. Thấy tôi muốn quay vào nhỏ nói tiếp :

- Bộ bà không thấy “ thị Mầu “ bồ cũ của chồng bà đang ngồi cạnh ổng sao.
- Tôi đâu có biết mặt mày đâu mà thấy với không ? Nhưng sao lại gọi tên người ta là “ thị Mầu “.
- Trong bàn nhậu tất cả là đàn ông, duy nhất một mình bả là phụ nữ ngồi uống với họ thôi.

 Xưa nay, con gái ngồi uống rượu chung với đàn ông, các bậc cha mẹ trong gia đình có giáo dục không bao giờ chấp nhận việc này. Nhớ lại trong ngày đám cưới của tôi, buổi tối đãi tiệc cô dâu chú rể phải đi chào bàn nhận lời chúc mừng của khách khứa, ba tôi sai đứa em đến nhắc nhỏ tôi :

- Chị nè, ba nói chị chỉ được cầm ly rượu giơ lên thôi nghe, không được uống dù là chỉ nhấp môi. Ðừng để người ta đánh giá mình là đồ con gái say sưa...!

Cho dù buổi sáng ba tôi đã tiễn tôi về nhà chồng, xem như bây giờ thuộc về nhà người rồi, nhưng trong thâm tâm ông tôi vẫn không được vượt khỏi chuẩn mực quy định về tam tòng tứ đức ông răn dạy hàng ngày, mặc cho hiện tại đang giữa thập niên bảy mươi cuối thế kỷ hai mươi.

Trong tranh tối tranh sáng vì chiếc bóng đèn vàng vọt treo tít nóc nhà xe, nhìn theo hướng chỉ của cô em chồng tôi chỉ thấy dáng người phụ nữ khuất mặt trong bóng tối đang ngồi kề bên Nam. Lúc này trông anh có vẻ hơi say, ngồi cạnh nhưng đầu cứ quay sang phía bên cô ta, gật gù, lúc lắc giống như muốn đổ ập vào người kế cận. Cả chục người ngồi quanh bàn mạnh ai nấy nói khiến không khí trở nên náo nhiệt. Phía sau lưng chồng tôi một anh bạn khác đang cầm đàn búng mấy câu từng tưng, chắc đã thấy tôi từ trong nhà ra nhìn nên anh ngồi xuống chen vào giữa hai người. Tôi nghe rõ tiếng chồng tôi lè nhè :

- Tôi không tham gia, tôi rút tên không tham gia đâu.

Và tôi đã quay sang từ chối với cô em chồng :

- Thôi kệ chỗ đàn ông nhậu nhẹt, tôi đâu biết uống rượu vô đó làm gì.

Nói xong tôi bình thản quay vào khiến cô em chỉ biết lắc đầu, vì cô đâu có biết anh cô chẳng phải chỉ có mình cô ta, thời chưa cưới tôi về dĩ nhiên anh quen rất nhiều người cùng lúc. Một lần tình cờ dở quyển sách Anh văn trong thời gian anh du học, có lẽ vì nhớ nhà nên trong vở anh vẽ nguệch ngoạc chi chít tên các cô gái, trong đó nhiều nhất là tên một cô anh từng kể là con gái một chủ nhà hàng nổi tiếng ở đường MÐC. Dù anh có quen bao nhiêu người trong quá khứ tôi chẳng quan tâm, hiện tại tôi đã là vợ anh, thế là đủ. Thói thường người ta chỉ ghen ghét hoặc ganh tị với kẻ hơn mình thôi. Bình thản, lật tiếp trang sách đang đọc dỡ, cảm xúc lặng chìm theo câu chuyện, nằm cạnh là đứa con năm tuổi đang say ngủ. Chưa được chục trang tôi lại nghe tiếng kêu ơi ới bên ngoài, lần này là của anh Quang hàng xóm cách một căn nhà :

- Chị Bảy ơi, anh ấy say quá rồi.( Bảy là tên gọi ở nhà của anh )

Tiếp theo là tiếng má chồng tôi, bà đang ngồi ở gian giữa trên bộ ván nhai trầu :

- Uống gì mà uống dữ.

Vừa dìu anh vào, mới đến cửa phòng anh đã nôn thốc, nôn tháo lênh láng. Mùi rượu, mùi thức ăn chua lòm nhức mũi. Tôi không hiểu từ đâu người ta gọi việc này là “ cho chó ăn chè “ chỉ mới nghĩ đã thấy rùng mình !

 oOo

 Những lần về phép thăm tôi, vài lần vui miệng anh tự kể sơ qua về các cô gái anh đã quen, đa số là bạn bè của các cô em, có người còn ở chơi nhà anh rất thân thiết nhưng anh chỉ xem tất cả giống em mình. Riêng tôi cũng là bạn và được giới thiệu cho anh nhưng tính tôi nhút nhát nên chỉ quen qua thư từ đến hơn nữa năm mới cho anh biết mặt. Tôi nghĩ anh cũng giống như bao nhiêu chàng trai trẻ khác, ai lại không có vài mối tình bỏ túi theo “ mốt “ chứng tỏ mình không phải loại “ cù lần, nhát gái “ trong đời trước khi cưới vợ, có lần tôi nói đùa :

- Hơi bất công với em nha trong khi anh là mối tình đầu của em, nhưng với anh thì không biết em đứng hàng thứ mấy mươi trong số đây ? Người ta nói mấy ông lính Hải quân bồ bịch nhiều lắm, mỗi bến bờ là một người, trời ơi, làm sao ghen cho xuể đây ?
- Ðó là họ nói quá đáng đó em ơi, vì ai cũng nghĩ như vậy nên các ông cha bà mẹ đâu cho con gái của mình quen với tụi anh. Họ nói Hải quân không ở chỗ nào nhất định, có yêu con gái họ cũng chỉ hai năm là đổi đi nơi khác rồi bỏ lại con người ta. Thế nên bọn anh trở thành người “ có tiếng mà không có miếng “, oan cho tụi anh quá.

Anh nói với giọng chân tình :

- Bước chân vào đời lính anh mới thấy, những tình cảm trước đó bắt nguồn từ tự ái và bồng bột của thời tuổi trẻ còn cạn nghĩ mà thôi. Bây giờ với em anh mới biết tình yêu thật sự, là cảm xúc từ trái tim, em là mối tình đầu khiến anh say mê và mong mỏi được cưới em về làm vợ.

 Anh không tán tỉnh thề thốt bằng lời lẽ hoa mỹ, chỉ nói thế mà tôi lại tin sái cổ. Tôi nghĩ người con gái nào cũng giống nhau hết, thời khắc hạnh phúc và xúc động nhất là khi nghe người yêu ngỏ lời muốn làm đám cưới với mình.
Sau tuần trăng mật, buổi tối anh đi trực dưới căn cứ, ở nhà buồn buồn tôi lôi đồ đạc ra dọn dẹp. Ðống thư tôi gửi cho anh trong thời gian hai đứa quen nhau anh vẫn giữ nguyên, tuyệt nhiên không có một lá thư của người lạ nào khác, chắc là trước khi hai đứa làm đám cưới anh đã vứt tất cả vào quá khứ mọi thứ rồi ! Có lẽ lúc ấy anh chưa biết bản tính tôi không phải mẫu người tò mò, đi tìm hiểu hay hỏi han chuyện cũ. Sắp xếp đọc lại, gói ghém những lá thư thời yêu nhau của hai đứa theo thứ tự ngày tháng tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, chỉ với một mối tình đầu là được làm vợ người mình yêu. Trong mớ thư từ tình cờ tôi trông thấy lá thư của cô em gái gửi cho anh vào thời gian vừa mới quen tôi, trong đó có đoạn :
“... bữa kia Diễm em gái của Mẫn gặp em ở chợ Saigon, Diễm hỏi anh có định tiến tới với chị cô ta không ? Vì từ khi anh mãn khóa huấn luyện về đơn vị, anh không đề cập chuyện này, hỏi thì anh trả lời tất cả chỉ là tình bạn !.........À, hôm bữa hai chị em Mỹ Kim có ghé nhà chơi vào buổi tối, gặp anh Phùng về phép đến tìm anh. Anh phải thưởng cho em mới được, công của em giữ bồ giùm cho anh đó. Anh Phùng tán nhỏ Kim sát sạt làm em phải kề tai thì thào, nhỏ này là của anh Bảy đang “ cua “ đó..... “.
Lời lẽ trong thư khiến tôi nhớ lại thì ra hôm đó anh bạn này hỏi tôi câu :

- Kim có biết tiếng tàu nói câu “ Ngộ ái nị “ tiếng Việt là nghĩa gì không ?

Còn đang lớ ngớ chưa kịp trả lời tôi thấy nhỏ em kề tai anh ta nói nhỏ gì đó, bỗng thấy anh ta hơi ngượng rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện.

- Anh Bảy cũng dễ thương lắm nghen.

Có thể đây là lá thư anh cố tình giữ lại, vì theo ngày tháng con dấu bưu điện như một bằng chứng, khi đọc đến đoạn ấy cảm thấy bồi hồi vì biết được những gì anh đã kể và câu nói anh chỉ yêu có mình em là chân thật.

 Lấy nhau tôi bàn với anh đừng vội có con, em muốn thong thả một hai năm sau. Anh chẳng thèm trả lời bởi vợ chồng mới cưới một tuần chỉ gặp một, hai lần có muốn vội cũng chẳng được. Vậy mà chỉ đến tháng thứ ba là tôi bắt đầu hôi cơm, tanh cá. Anh mừng không kể xiết ôm lấy tôi tại bàn ăn mà hôn trước cặp mắt của bao người trong nhà.
Tháng tư bảy lăm chiến sự sôi động ngày sinh con của tôi lại gần kề, tôi nói với anh thôi thì nếu có chuyện phải di tản chiến thuật anh cứ theo đơn vị mà đi, đừng lo cho mẹ con em, an nguy của anh là trên hết. Vậy mà xẩm tối chiều hai mươi chín anh bắt tay chỉ huy trưởng chào tạm biệt đơn vị, trong khi mọi người lục tục xuống tàu anh quay ngược trở về. Ðã vậy gia đình chúng tôi sau đó đâu đã được sống thương yêu cạnh nhau theo mong ước ! Vì thương vợ con anh đã phải trả giá đắt trong gần năm năm trời. Bao nhiêu nước mắt đau khổ vì thương nhớ cũng ngần ấy đổ ra trong suốt thời gian chia phôi đó.

Bây giờ chúng tôi vừa mới nắm bắt lại hạnh phúc trong tay, hai đứa tôi không ai bảo ai đều cùng ý nghĩ từ đây về sau sẽ giữ chặt lấy chúng bằng mọi giá.

 Hôm sau tỉnh rượu tôi nói đêm qua anh say quá chút xíu là nôn trên giường, anh có nhớ không :

- Ủa em dìu anh vô phòng hả, anh không nhớ gì hết. Chỉ nhớ việc bạn bè họp lại, tụi nó nói chờ anh về và tính chuyện. Bọn anh là bạn chơi chung một nhóm với nhau, bà Mẫn nói sẽ giúp đỡ bạn bè bằng cách bỏ tiền ra đóng tàu, thằng Nhân lo bến bãi, thằng Dương biết về cơ khí lo máy móc, la bàn. Còn anh thì cầm lái vì là nghề của anh.
Tất cả bạn cũ trong nhóm đều được đi hết với điều kiện chỉ đi một mình không được dẫn vợ con theo. Anh không đồng ý và không tham gia chuyện này. Anh đi đâu cũng phải có vợ con bên cạnh.

Thì ra câu nói tôi nghe được đêm qua trong cơn say là thật. Thuyền trưởng là linh hồn chiếc tàu, vì vậy khi anh không tham gia thì ý định của cả nhóm rã bét như đống bột gặp mưa nhão nhoét. Tôi chỉ hơi lạ là tại sao bà Mẫn nói sẽ bỏ tiền ra đóng tàu với ý định giúp đỡ bạn bè lại bắt buộc tất cả không được mang vợ con theo, không lẽ bà muốn chia cắt, làm ly tán vợ chồng người ? Với tư cách chủ tàu dĩ nhiên bà ta sẽ có mặt trong chuyến đi và sẽ là người phụ nữ duy nhất trong số cả chục người đàn ông ? Chưa từng tiếp xúc nhưng với ý nghĩ này tôi cảm thấy trong con người bà ấy đã có những toan tính mờ ám ẩn giấu dưới danh nghĩa bạn bè.
Xua tay bất cần anh nói tiếp :

- Bây giờ người ta tìm tài công lái tàu cho mình, điều kiện đầu tiên là cho mang vợ con theo, tự nhiên bắt anh bỏ vợ con lại ai mà chịu.

 Chưa đầy một tuần, sau khi đi làm về lo cơm nước, tắm rửa cho đứa con gái xong nó đòi sang nhà hàng xóm nghe chú đàn ca hát xướng với bạn, vừa dẫn con ra sân trước đã thấy người đàn bà ấy ngồi trên chiếc băng đá cùng một người trong đám nói chuyện với chồng tôi. Tôi bảo con ra khoanh tay chào khách đi, con bé líu lo :

- Ba ơi, con qua nhà chú Nhật Hào xem chú đàn rồi đứng lên lắc, lắc và nhẩy mấy cái thì cái quần tuột xuống vui lắm.

Tảo tên người bạn ngồi chung nhìn cô ta cười và nói với chồng tôi :

- Ðáng lẽ đứa nhỏ này là của hai ông bà.

Chồng tôi gạt ngang :

- Ðừng có nói tầm bậy.

 Tôi không biết là do vô tình hay cố ý mà anh ta lại nói một câu hết sức bất lịch sự trước mặt tôi, giả vờ như không nghe câu nói vô ý thức ấy tôi im lặng quay đi. Ngang qua nhà để xe thấy cô em đang ngồi nói chuyện với mẹ chồng tôi. Bà hỏi :

- Chồng con Mẫn đâu mà bây giờ thấy thằng Tảo chở nó tới đây vậy ?
- Chồng bả đi vượt biên bán công khai rồi, nghe nói đang ở bên Ðức. Bả ở bên này sửa mũi, cắt mắt son phấn coi bộ đẹp hơn hồi xưa.

Má chồng tôi hứ một tiếng rồi nói :

- Chồng không có ở nhà diện lên cho ai coi ?

Tôi cười cười đi vào mà không dám nói với bà : “ Má không biết cô ta diện đẹp để đi gặp tình cũ là con trai má sao?“.

 Chẳng phải là một lần, nhiều tối cô ta cặp kè với Tảo chở nhau đến nhà chúng tôi. Không hiểu là cô ta yêu cầu hay do Tảo muốn làm chiếc cầu “ nối lại tình xưa ?”. Ði cùng Tảo thì tuy “ danh không chánh “ nhưng “ ngôn dễ thuận “ hơn.

Có lúc đang ngồi trước cổng nhà chơi với mấy cô em chồng và đám con nít thì cả hai đổ xịch xe trước cổng, cô em nói vói theo sau lưng họ :

- Nè bà sao không vô trỏng với ổng ?
- Thôi, ngồi ngoài này coi chừng tụi nhỏ vui hơn.

 Có lần tôi giả vờ trêu chọc anh :

- Anh nè, mai mốt có tiền nhiều em muốn đi sửa mũi, cắt mắt, bơm môi cho trẻ đẹp nha.

Anh xì một tiếng, xua tay lắc đầu quầy quậy :

- Giả tạo, giả tạo. Em mà đi sửa anh bỏ em liền. Ðẹp đâu không thấy nhìn bắt ghê !
- Trời, nói như anh bác sĩ thẩm mỹ thất nghiệp hết ráo. Người ta đi sửa rần rần đó anh à, nếu không hốt bạc sao viện giải phẫu sắc đẹp mọc lên như nấm kìa.
- Ai thì không biết, là vợ anh thì anh không thích.

Tôi chỉ cần thử hỏi một điều đơn giản như thế là có thể hiểu được ý nghĩ của chồng, không cần lo lắng thêm cho mệt.

Hồi còn đi học trong quyển truyện anh bạn của bà chị học bên ÐHSP cho tôi mượn, anh ta đóng khung câu viết ngay trang đầu : “ Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau mà phải cùng nhìn chung một hướng “. Tôi hí hoáy viết thêm câu nữa “ Nhìn chung hướng cũng chưa đủ mà phải hiểu nhau mới có thể sống đến răng long đầu bạc “.
Lấy anh có lần tôi thắc mắc :

- Ủa sao anh không cưới cô ấy, hình như cả hai đâu gặp chuyện gì trắc trở từ phía gia đình.
- Ban đầu cả đám mới quen chị em cô ấy đâu có biết họ buôn bán thứ gì. Chỉ thấy cô chị thích thằng Nhân thì mua ngay cái xe Yamaha cáu cạnh mới đập hộp cho nó chạy, đi chơi chung xỉa cả cọc tiền đứa nào cũng “ lé “ mắt, mà chơi có người bao hết ngu sao không đi. Thằng Nhân và cô chị cũng đâu có lấy nhau. Nghỉ chơi thì cô ta đòi lại xe. Sau này thấy chồng cô này và tên em rể trốn chui trốn nhủi. Chuyện vào tù ra khám như “ bắt cóc bỏ dĩa “, đã dây vào chuyện buôn bán thứ ấy dĩ nhiên phải dựa vào thế lực nào đó để gỡ ra ngay. Ngay cả cô ấy cũng đã từng vào trại giam Thủ Ðức mà.

Tôi le lưỡi :

- Vậy là cả nhóm quen thứ dữ rồi, quen nhà giàu đi chơi được bao hết sướng nhé..
- Nếu anh đồng ý thì ba mươi giây anh có ngay nhà lầu xe hơi liền, nhưng anh thấy như vậy hèn hèn thế nào ấy. Không nói đâu xa, có lần anh về phép ghé thăm cô ta, bà mẹ nhờ anh khi ra đơn vị mang giùm bà ta một gói hàng, sẽ có người đến lấy. Vì anh là lính không ai để ý, bà sẽ trả công cho anh số tiền gấp năm lần lương tháng của anh nhưng anh đâu có nhận. Tuy gia đình anh tùy theo quyết định của anh nhưng anh biết tất cả sẽ không vui.

 Nghe vậy tôi giật thót người, cảm thấy ác quá, bản thân và gia đình con cái làm chuyện phi nhân vô đạo đức còn lôi kéo người khác theo mình bất kể hậu quả tàn khốc cho người sẽ xảy ra. Tưởng tượng khi nghĩ đến nếu anh vì tình yêu với con gái bà, cả nể nhận lời, lỡ chuyện không trót lọt... tương lai của anh sẽ ra sao ? Chưa là con rể bà đã thế, lấy con gái bà rồi làm sao anh dám từ chối lời sai bảo của mẹ vợ !! Còn danh dự của gia đình anh nữa, ba má anh còn mặt mũi nào nhìn bà con bạn bè.

“ Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã “ “ Gần mực thì đen...” Cùng một loại thì hợp với nhau. Ðã gọi là ma... thì khó có thể cưỡng lại sức cám dỗ của đồng tiền do nó tạo nên. Thường những người đang đứng trong vũng bùn không thích người khác sạch sẽ hơn mình. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để kéo người đó xuống theo nếu ai đứng gần. Một gia đình coi trọng về đạo đức nhân nghĩa sẽ không bao giờ kết thân với gia đình như vậy. Người ta nói, yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Khi yêu người ta có thể nhảy xuống sông, lao vào lửa vì người mình yêu không chút đắn đo. Bây giờ thêm yếu tố để tôi hiểu thêm, đàn ông, con trai thấy gái dễ làm quen thì ham vui chạy theo chứ chắc gì đã yêu. Lấy vợ trong thâm tâm tuy không nói ra nhưng đã ngầm chọn lựa : “ Lấy vợ xem tông... Cưới gái chọn giòng” cổ nhân nói chẳng hề sai. Không thể hy sinh bản thân, còn cân nhắc lợi hại tức là chưa yêu và không yêu.

oOo

 Ngày tháng trôi qua thật nhanh, chúng tôi vẫn miệt mài theo đuổi những chuyến đi về các nơi như con thoi. Rạch giá, Cần thơ. Phan Thiết, Cà mau. Trà Vinh. Vợ chồng tôi chuyển về ở chung với chị của tôi trong gian nhà tập thể của cơ quan để tránh sự kiểm soát của Công An khu vực bên nhà anh sau những chuyến đi hụt.

Tôi không biết cả hai bắt liên lạc lại với anh từ lúc nào, có lần anh nói trên đường từ xưởng mộc gần chợ Xóm chiếu trở về, hoặc buổi sáng đi làm bên quán cà phê gần ngân hàng của Tảo nên họ gặp nhau. Chuyện đi đâu, làm gì của anh thỉnh thoảng tôi biết là do anh vui miệng tự kể, có những lần đàn đúm kéo nhau lên Ngã ba ông Tạ gần nhà cô ta để cùng nhậu thịt chó. Chiêu bài giúp đỡ tìm mối vượt biên là miếng mồi hấp dẫn quyến rũ, đánh trúng tâm lý mong mỏi của bất cứ ai không đủ tài chánh lại muốn vượt thoát trong những năm đầu thập niên tám mươi. Chỉ cần cô ta đốt lên ngọn đèn hy vọng, bầy thiêu thân cứ thế lăn xả vào. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, hôm qua Nam về nhà nói với tôi :

- Hai vợ chồng mình làm công nhân viên hết không đủ sống em à. Mẫn muốn mở một gian hàng ở chợ An Ðông nhưng chỉ có một mình cô ta thì không làm được, phải cần một người đàn ông chung sức. Mẫn muốn giúp anh nên đề nghị góp của, anh chỉ góp công cùng nhau làm ăn. Cô ta nhờ anh đứng tên vì không có hộ khẩu.
- Anh cũng vậy mà, chỉ có giấy tạm trú nhờ chị em xin cho anh vô làm công nhân xưởng mộc, mỗi ba tháng phải đi xin lại. Sao cô ta không nhờ người nhà hay bà con.
- Ðã nói là Mẫn muốn giúp anh thôi. Buổi sáng anh đến sớm dọn hàng chờ và có việc thì chạy hàng cho cô ấy.

Trực giác của phụ nữ lúc nào cũng bén nhạy, biết ngay một cái bẫy đang giăng ra tôi nói liền :

- Anh với cô ta bán chung một gian hàng, bất cứ ai nhìn thấy cũng nghỉ cả hai là vợ chồng, ban đầu có thể anh còn ngượng ngùng nhưng dần rồi quen tai sẽ mặc nhiên công nhận lời thiên hạ, chuyện tình cũ không cần rủ cũng tới.

Lần đầu tiên anh cáu gắt với tôi :

- Lo làm ăn kiếm tiền kìa, ở đó mà ghen tuông.

 Ghen ư, trong bụng tôi bây giờ không còn chỗ để ghen, nỗi lo về một gia đình sắp sửa đổ vỡ đang choán hết tâm trí. Có khi nào ngựa lại quen đường cũ, anh là người chạy hàng cho cô ta, trong số hàng hóa ấy ai biết được là thứ gì trong đó, gian hàng chỉ là tấm bình phong hợp pháp mà thôi. Cô ta biết đánh trúng ngay tâm lý con người, thiếu thốn vật chất khiến người ta đôi khi trở nên mụ mẫm trước sức lôi kéo của đồng tiền.

Bây giờ thì không cần Tảo chở cô ta đến gặp chồng tôi nữa, anh tự thân đạp xe đến nhà cô ta bao nhiêu lần và làm gì tôi không thể biết được.
Hôm kia người chị cả của chồng tôi ghé nhà có chút việc khi tiễn chị ra về tôi nói :

- Chị ạ, anh Nam với Mẫn cùng nhau mở gian hàng ở chợ An Ðông để buôn bán.

Chị xua tay nghiêm mặt nói :

- Nó vẫn còn qua lại với con đó hả ? Dẹp, dẹp ngay. Mày sẽ mất chồng đó.
- Em không đồng ý, nhưng anh ấy không nghe em !

 Một bữa anh về nói với tôi bằng giọng vui mừng, trầm trồ :

- Em biết không, Mẫn lôi mấy thùng đồ mà chồng gởi về bày ra cho anh xem, đầy một nhà em ơi. Chỗ đó thừa sức bày cả hai gian hàng chứ đừng nói một.

Ngày trước, niềm vui, nỗi buồn hai vợ chồng cùng chia xẻ, bây giờ trước vui mừng của anh sao lòng tôi bỗng chán nản nguội lạnh dửng dưng, thấy mình dường như đang rơi xuống hố sâu thăm thẳm của thất vọng về anh.

Những ngày sau anh vẫn tíu tít đạp xe lên nhà cô ta hẹn hò nhau đến chợ An Ðông gặp ban quản lý. Khi anh kể về những chuyện anh với Mẫn, rất vô tư anh không hề quan tâm đến cảm xúc của tôi ra sao lúc ấy. Nếu nói không buồn tức là tôi đã dối lòng dù tôi cố giấu kín không để người khác biết kể cả anh !

 Tôi bỏ hết một buổi chiều bên bàn làm việc viết cho người bạn thân đang ở bên Úc

“... Ngọc Trâm thân mến,
Mình hết sức đắn đo khi phải viết lá thư này, biết rằng chuyện mình sắp nhờ bạn đều là những lời yêu cầu của bạn từ lâu đối với mình. Lần này vì tình thế bắt buộc bất đắc dĩ mình mới cần sự trợ giúp của bạn. Hiện tại hạnh phúc gia đình mình đang giống như con thuyền mong manh trên đầu ngọn sóng. Mình e rằng vị thuyền trưởng yêu dấu năm xưa của mình có thể lơi lỏng tay chèo chiếc thuyền hoa trước cám dỗ vật chất của người tình cũ. Trước khi buông tay rời xa anh, mình thấy cần phải đứng sau lưng anh, lần cuối ; để mai này có ra sao, mình không ân hận vì đã cố gắng hết sức rồi.
Giờ mong Trâm có thể giúp cho mình số tiền và một thùng quà nhỏ đủ cho mình thuê một sạp hàng để buôn bán, mình sẽ nghỉ việc theo lời khuyên của bạn trước kia. Khi mình có sạp là lý do bắt buộc chồng mình phải rời người đàn bà ấy về giúp vợ con thay vì ở bên cô ta. Nếu anh ấy không trở về tức là mình đã có câu trả lời chính xác.
Không cần đánh ghen ầm ỉ để giành giựt một thể xác không hồn, mình sẽ lẳng lặng dẫn con đi, hy vọng bạn đã giúp mình thì giúp cho trót. Cho mình một chỗ trên chiếc ghe nào đó mà gia đình bạn quen biết đã tổ chức những chuyến đi. Nếu trời Phật cho mình xum họp, đây cũng là mong đợi mà bạn đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sau đó mình sẽ cố gắng làm lụng trả lại phí tổn cho bạn. Còn nếu phận bạc, phước mỏng hai mẹ con mình sẽ làm mồi cho cá cũng xong kiếp này. Và đây cũng là món nợ ngày nào bạn hứa sẽ đền đáp lại cho mình trước khi ra đi. Ngày ấy bạn hay ví tình bạn hai đứa giống Bá Nha, Tử Kỳ, lúc đó mình chỉ cười bây giờ mới biết tình tri kỷ là thế nào. Trong năm năm qua mình đã một mình nuôi con trong khốn khó nên giờ mình tin sẽ có thừa nghị lực để tiếp tục đứng vững một mình..........”

 Lá thư gửi đi tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, bình thản khi đã tìm ra phương cách giải quyết. Nếu đã có quyết định cuối cùng bao giờ cũng thấy tất cả mọi thương yêu, buồn vui giận ghét hiện tại đều không còn quan trọng. Tôi vẫn tà tà đạp xe đi làm, vẫn vui vẻ sống bình thường. Người thứ ba khi muốn chen vào gia đình người khác thường gây tạo chuyện khiến cho người vợ mất đi tỉnh táo trở nên xấu xí trước mắt chồng. Nếu tôi không còn lý trí ghen tương sinh chuyện cãi vã tức là tôi rơi vào cái bẫy của người.

 Sáng chủ nhật nghỉ ở nhà, ngồi cùng giặt thau quần áo với tôi, bỗng dưng anh nói :

- Em nè, sáng sớm hôm qua đến nhà Mẫn em biết ai ra mở cửa cho anh không ?
- Ai ?
- Là thằng Tảo, nó ngủ ở đó đêm qua.

Tôi định hỏi anh : “ Vậy chứ sáng sớm anh đến nhà người ta để làm gì ? “ Nhưng thôi tôi kịp thời khép miệng coi như chẳng nghe thêm câu nói ấy.

 Hôm nay tôi xin nghỉ bệnh một ngày nên không đi làm. Còn anh cũng vẫn mỗi sáng đạp xe ra đi giống tôi, nhưng đi làm hay đi đâu tôi không rõ. Tôi đặt lòng tự trọng hơi cao nên không hề hỏi han hay kiểm soát chuyện đi về của anh. Không biết trong những lúc chén thù, chén tạc có khi hết cả buổi tối, có bao giờ anh nghĩ về vợ con đang chờ đợi ở nhà ? Mấy ngày đầu lúc anh mới được thả về, đêm đó anh đi với bạn hơn nửa đêm, đồng hồ gõ mười hai tiếng, rồi một giờ cũng không thấy về. Ba anh từ trong nhà lê bước đi ra hàng hiên, thấy tôi nằm đợi trên chiếc võng, ông cằn nhằn :

- Cái thằng mới được thả mà đi đến giờ này chưa chịu về. Lỡ có chuyện gì thì sao ?

Tôi nói :

- Ba vô ngủ đi để con tiếp tục chờ được rồi.

Nằm trong bóng đêm, tiếng muỗi vo ve bên tai. Tôi lắng nghe âm thanh vang xa mong cho tiếng xe gắn máy đổ xịch trước cổng. Vậy mà về sau trong lúc hào hứng với bạn, anh kể hôm ấy anh đi nhậu ở khu Ông Tạ. Dĩ nhiên là không thể vắng mặt người đàn bà luôn xui anh phải bỏ lại vợ con.

Có nhiều người khi sống chung với nhau không biết trân trọng lẫn nhau, khi mất rồi mới thấy tiếc. Bản thân tôi chưa phạm điều sai lầm nào để sau này khiến lòng nuối tiếc, ân hận khi cả hai không còn chung hướng.

 Quá trưa rước con gái đi học về, hai mẹ con cơm nước xong xuôi đang nằm thiu thiu nghỉ trưa, bỗng dưng cánh cửa xịch mở. Từ ngoài nắng mặt mày đỏ gay anh dẫn xe đạp vào nhà.

- Ủa, sao hôm nay anh đi làm về sớm vậy ?
- Anh đâu có đi làm, mới từ nhà Mẫn về nè.
- Vậy à, chừng nào thì bắt đầu buôn bán.

Tôi hỏi cho có lệ nhưng lại nghe anh thốt lời bực dọc :

- Dẹp rồi.

Ngước nhìn anh tôi im lặng dò xét, mặt anh có vẻ giận, nói một hơi :

- Bả kêu anh hẹn với tay quản lý chợ sáng nay tới chồng tiền đặt cọc, nói anh tới chờ. Làm giấy tờ ngồi chờ hết buổi sáng không thấy cô ta tới. Trưa quá người ta nghỉ việc, anh đạp xe từ chợ An Ðông lên nhà hỏi sao không đến, cô ta nói thôi không làm nữa vì má cô ta nói coi chừng vợ anh ghen sẽ tạt acid cổ.
- Trời, cô ấy cho anh ăn bánh vẽ, leo cây thoa mỡ bò, làm mất mặt anh với người ta còn gieo tiếng ác cho em. Sao bấy lâu nay cô ta qua lại, tới lui, nhậu nhẹt gặp gỡ anh hoài chứng tỏ đâu có sợ chuyện em ghen, bây giờ lại nói vậy. Hết biết luôn. Người gì mà sáng nắng chiều mưa còn đổ thừa em là trở ngại giữa anh với cô ta. Tại vì anh rất hy vọng chuyện này mà, bây giờ không thành dĩ nhiên anh sẽ tức giận. Em thấy ý chính của cô ta là muốn anh dứt khoát chọn lựa giữa em và cô ta.
- Chọn cái gì, anh hợp tác với cô ta theo yêu cầu là để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con chứ không có ý gì khác hết.

Anh không nói nhưng tôi hiểu, ngày xưa anh đã không chọn thì bây giờ cũng vậy. Bông hoa hồi ấy đang thời xuân sắc vậy mà anh đã từ chối, huống chi bây giờ hoa tàn nhụy rữa, không lẽ chịu thêm tiếng mang giày cũ của người. Chuyện này mình hiểu nhưng chưa chắc người khác hiểu.
Buổi tối gối đầu trên tay anh kể với tôi :

- Mẫn nói có mối cần tài công nên gọi anh đến gặp cô ta nhờ giới thiệu, người này là chú cô ta, nhưng ra điều kiện là không dẫn vợ con theo.
- Rồi bổn cũ soạn lại nữa, ý đó là của chú hay của cô ta ? lúc nào cũng muốn chia cắt vợ chồng con cái người ta hoài vậy ? Không được dẫn vợ con để cô ta tự do đi theo anh chứ gì.

Tôi bực dọc sổ toẹt luôn ý nghĩ trong khi đôi mắt ngấn nước. Anh nói tiếp giọng buồn buồn :

- Cô ấy cứ khuyên anh đi một mình, vì đây là cơ hội khó tìm ?. Anh nói với cô ta : “Năm năm qua vợ tôi đã cực khổ với tôi nhiều lắm nên tôi không thể nào quên đi tình nghĩa mà bỏ vợ tôi được. Cô ta lại nói thì bây giờ anh đi một mình rồi gởi tiền cho vợ anh đi sau. Anh trả lời : Ði rồi chừng nào mới có tiền gởi về ? Bộ tiền chất đống sẵn chờ đợi à ? Vả lại vợ tôi hiền và khờ lắm, dẫu có tiền cũng không biết tổ chức ở đâu để đi, với lại chuyện sông nước nguy hiểm mà con tôi còn nhỏ quá vợ tôi không thể một mình đảm đương được. Cô ta kiên nhẫn thuyết phục nữa : Vậy thì anh sang đến nơi gởi giấy bảo lãnh về. Anh từ chối ngay ; Chuyện này lại càng không được, chính phủ Cộng sản thay đổi chính sách liên tục, lúc ấy họ không cho ra đi thì vợ chồng tôi sẽ chia cắt suốt đời sao. Không thể được tôi đi đâu thì vợ con tôi theo đó.”

Nghe những lời chân tình của anh thốt ra, bao nhiêu suy nghĩ u ám trong lòng tôi về anh vào thời gian qua biến mất. Chỉ có một bàn tay làm sao vỗ thành tiếng, có lẽ vì thấy không thể lay chuyển được anh, trái tim chỉ có một chỗ duy nhất dành cho vợ con. Âm mưu xấu xa trong thâm tâm không thể thành hiện thực, cô ta ngu dại gì bỏ tiền hợp tác cho anh có cơ hội kiếm tiền lo cho đời sống vợ con sung sướng hơn.

 Cuối năm ấy, mồng ba Tết nhóm bạn của anh kéo đến nhà tôi đốt pháo ném lung tung, Anh Nhân người lớn tiếng nhất đám nói làm thế để mang lại may mắn cho gia đình bạn. Bữa nhậu hôm ấy vẫn giọng anh Nhân oang oang hỏi chồng tôi :

- Anh Bảy, có phải thằng Tảo với con Mẫn cặp với nhau ?
- Chuyện đó ông hỏi hai người trong cuộc chứ tôi làm sao biết được.

Gian nhà hơn ba chục mét vuông, phân nửa làm phòng khách nên tôi nghe rõ không sót chi tiết.

- Bữa bà già con Mẫn bị mất trộm, vòng vàng, hột xoàn có thằng Tảo ngủ trong nhà đêm đó nên nó bị công an mời ra lấy lời khai.

Bỗng nhiên tôi nhớ câu ca dao trong văn chương bình dân.

“ Cá trong lờ đỏ lừ con mắt,
Cá bên ngoài ngúc ngoắc nhảy vô..”

Thiếu chút nữa là tôi quên, lá thư tôi viết cho người bạn bên Úc bỗng nhiên quay trở về, bao thơ bị xé ra và dán lại bằng giấy báo. Bì thư vẫn là nét bút của tôi, vẫn trống trơn không có một con dấu kể cả con dấu của bưu điện Việt Nam, lá thư chỉ đến đó, sau khi kiểm duyệt bị trả về. Như vậy càng tốt, tôi không làm phiền người bạn thân về chuyện gia đình tôi, cũng may người đọc không quy chụp tội có ý tưởng vượt biên, chắc đọc thư thấy tội nghiệp cho tôi. Có phải người hiền bao giờ cũng gặp điều lành.

oOo

 Ðời sống tâm linh tôi rất yên lành vì mình không phải là kẻ thứ ba chen vào giành giật tình yêu với ai cả. Là do em gái anh, sau khi thấy cô ta lấy chồng đã mai mối tôi quen với anh. Thật tình ban đầu tôi quen anh chỉ để viết thư kể chuyện cho vui theo kiểu “ Anh tiền tuyến, em hậu phương “. Mãi đến hơn nữa năm trong một lần về phép chúng tôi mới biết mặt nhau. Trở về đơn vị anh viết thư ngỏ lời yêu, tôi vẫn chưa quyết định, chỉ muốn giữ tình bạn, tình anh em trong sáng. Nhưng khi người bạn làm việc chung phòng muốn làm mai tôi cho con của bạn mẹ. Họ cứ thúc giục đòi hai bên cha mẹ gặp nhau. Cho đến lúc này tôi mới nhận ra rằng lòng mình đang có cảm tình với anh, tôi sợ khi tôi đi lấy người khác chắc anh buồn lắm và tôi không đành lòng làm người khác buồn vì mình. Không phải là thương hại bởi trái tim tôi đau thắt khi nghĩ đến điều này. Có phải đó là tình yêu ? tôi cứ phân vân tự hỏi vì có yêu ai bao giờ đâu mà biết. Tôi và anh có những lần nhớ và nghĩ về nhau cùng lúc người ta gọi đó là thần giao cách cảm. Chúng tôi gặp nhau cứ không muốn rời nhau, càng cách xa nhau càng nhớ nhau nhiều hơn. Với chúng tôi câu “ Xa mặt cách lòng” là không đúng, phải nói ngược lại đúng hơn và không thể chờ đợi thêm hai đứa quyết định phải cận kề bên nhau.

 Cuối cùng vợ chồng con cái chúng tôi cũng đến vùng Tây bắc Mỹ vào mùa lá rụng. Những ngày gian khổ đã qua rồi, tất cả là tương lai phía trước. Hai vợ chồng cùng chịu cực nơi miền đất mới. Ban ngày tôi đi may ở xưởng, ban đêm anh đi giúp việc cho nhà hàng. Vậy mà lúc nào hạnh phúc cũng tràn đầy trong gia đình.

Một hôm con tôi đi học về, nó khoe bài văn được điểm tối đa và cô giáo khen con là “ good girl “ bởi nó viết rằng :

... “ Nếu có ai hỏi, giữa cha và me,ỳ tôi thương ai hơn. Một câu hỏi khó trả lời do hồi nhỏ tôi không có ý niệm về hình ảnh của người cha. Tôi lẩm chẩm tập đi một mình khi mẹ phải đi làm, buổi sáng mẹ đánh thức tôi dậy, nhờ người dì lớn hơn tôi sáu tuổi đút cho tôi chén cháo lót dạ để tất tả cuốc bộ đi làm, vì mẹ nghèo quá không có chiếc xe đạp để đi, dì sang hàng xóm chơi cũng phải tha tôi như mèo tha chuột, buổi chiều dì đi học lại ném tôi cho dì Út cũng chỉ lớn hơn tôi năm tuổi. Khi dì này đến tuổi đi học nốt thì mẹ nhờ vả đầu này đầu nọ để xin tôi vào nhà trẻ với lý lịch phải kèm xác nhận của cơ quan cha công tác, mà tôi thì không có cha. Năm ba tuổi mẹ dẫn tôi đi thăm cha, tôi không chịu nhận cha vì không giống ba mấy đứa trong nhà trẻ bởi ông đen đủi, ốm yếu ăn mặc rách rưới, lúc về mẹ nói tôi đã làm cha buồn. Mỗi ngày tôi ra đứng cửa rào đợi các dì trong khi những đứa khác được cha đón về. Tôi nghe chúng kêu : “ Ba đến, ba đến “. Thấy dì đến đón tôi cũng bắt chước kêu giống chúng, dì nói “ Tao không phải là ba “ tôi mới biết không phải tiếng kêu “ Ba “ có thể gọi bất kỳ ai cũng được. Ðến năm tôi vào học lớp một thì ba về, mẹ mừng quá và tôi nghe hàng xóm nói ba được thả từ trại cải tạo bởi là sĩ quan hồi trước 75. Từ lúc ấy tôi bắt đầu có cha giống mấy đứa bạn, cha đón tôi về, tắm rửa sạch sẽ cho ăn cơm, không phải đói bụng chờ mẹ về. Bây giờ tôi mới biết có cha là sướng thật. Cha làm thợ mộc, nên bắt chước làm chiếc xe kéo hình con thỏ cho tôi chơi. Trước kia mẹ nói mẹ vừa làm cha, vừa làm mẹ. Nhưng tôi thấy không đúng, mẹ là mẹ, cha là cha không cùng là một người được. Bây giờ tôi mới biết có cả hai người cha và mẹ người ta gọi đó là hạnh phúc. Tôi mười bảy tuổi chỉ sống với cha có mười hai năm, năm năm đầu không có cha thật là chuyện đáng tiếc thiệt thòi cho tôi.”

Bây giờ cô giáo hỏi “ Trên một chiếc thuyền sắp đắm, tôi là người biết bơi và chỉ đủ sức cứu một người, vậy trong cha và mẹ tôi sẽ chọn ai ? Thưa rằng : ‘Gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc, tôi thương cha và mẹ bằng nhau không hơn không kém. Tôi không thể cứu mẹ bỏ cha, và ngược lại cũng không thể cứu cha bỏ mẹ. Nếu chỉ cứu mẹ hai chúng tôi sẽ không sống nổi khi vắng cha ! Nếu cứu cha, cả hai cha con cũng không thể tồn tại nếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Vì vậy tôi sẽ dùng hết sức lực để cứu cả cha lẫn mẹ, chúng tôi sẽ cùng sống hoặc cùng chết cả.”

 Bài văn của con khiến tôi nhớ lại những ngày hạnh phúc gia đình trong cơn thử thách. Nếu ngày ấy chồng tôi giống như bao nhiêu người đàn ông tầm thường khác, gục ngã trước tiền tài và sắc đẹp, làm sao chúng tôi có được một gia đình ấm yên hạnh phúc có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau như hiện tại ?. Không biết là do cố ý hay vô tình hoặc thiếu hiểu biết có người đã mang lửa đến gần rơm, chút nữa là thiêu cháy hạnh phúc một gia đình. Vô tình hay cố ý, hoặc vì có một hứa hẹn lợi ích nào đó nên họ cam tâm tiếp tay với kẻ khác xui giục người đàn ông quên đi bổn phận và trách nhiệm. Ðứa bé vừa sinh ra không có được tình cha, vừa mới tìm thấy lại bị người khác đang tâm cướp đoạt. Ði giành giật hạnh phúc của một đứa bé mới năm sáu tuổi là một tội ác tày đình. Xin mượn câu thơ của nhà văn Nguyễn Chí Thiện để hỏi họ, có phải “ vì ấu trỉ, thờ ơ hay ngu tối ? Có những người xưng là bạn mấy chục năm thật ra không hiểu chút gì về đời sống hay suy nghĩ của bạn mình. Cũng có những người vì đi xa lâu năm, đứng bên lề sự thật câu chuyện nên mới thốt lời tiếc rẻ...” đáng lẽ...” khi thấy một mối tình không thành. Hãy đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh để hiểu cảm giác oán giận, phẫn nộ của người mẹ bị xúc phạm khi người ta mang con mình ra để làm con của người khác với chồng mình. Người có lòng tự trong không bao giờ có những hành động, lời nói trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy người khác bỏ chồng hay bỏ vợ, nhất là khiến một đứa trẻ mất đi sự chăm sóc thương yêu của cha mẹ mình. Phật pháp có câu.... Mọi việc do duyên mà ra, duyên lành hay duyên dữ cũng đều do “ gieo nhân nào gặt quả nấy “. Thâm tâm suy nghĩ ác, làm công việc độc ác thì đừng mong gặp duyên lành trong đời này và ngay cả đời sau.

Cỏ Biển
Mùa thu 2013

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013