SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

Về giữa vầng trăng

Hà Bạch Trúc
Mùa Vu Lan 2013

Trong nhà tôi có một cái tủ nhỏ. Trong tủ đó chỉ toàn đồ đạc của tôi, những món đồ lỉnh kỉnh thực ra chỉ có giá trị đối với riêng tôi. Có những món tôi giữ lâu lắm rồi, chẳng biết để làm gì, nhưng bỏ đi không được. Như cái bóp nhỏ sờn mép cũ mèm theo tôi từ ngày vượt biên, như cái vòng “mọi” đeo tay bằng đồng cũ xì ai đó tặng, như cái lược bằng sừng đã gãy gần hết răng, như tấm thiệp xuân nhỏ xíu của đứa bạn thân hồi còn trung học, và còn nhiều nữa. Tất cả những món đồ đó, lâu lâu tôi lại lấy ra xem xét, sờ mó ngắm nghía một lúc rồi lại cất vô chỗ cũ.

Nhưng trong tủ đó có một món đồ mà đã hơn mười năm rồi, tôi chưa lần nào dám đụng tới. Mỗi lần mở tủ, tôi đều nhìn thấy nó nằm phía trong cùng, nhưng chưa lần nào tôi có can đảm đem nó ra khỏi tủ. Mỗi lần nhìn thấy nó là tim tôi thắt lại, là tôi mất một nhịp thở. Mỗi lần như thế, tôi phải nhắm mắt lại, hít một hơi thật dài, rồi từ từ thở ra nhè nhẹ, cho nhịp tim dịu xuống. Khi mở mắt ra, tôi cố tình quay nhìn chỗ khác để không thấy nó nữa. Ðã nhiều lần tôi cố gắng vượt qua xúc cảm của mình, nhưng cho tới nay đã hơn mười năm rồi, tôi vẫn chưa làm được. Món đồ đó chính là cuốn album hình đám ma của Ba tôi.

Ba tôi mất đã hơn mười năm. Mười năm lâu lắm chứ. Người ta học hết bậc trung học cũng chỉ mất có sáu bảy năm. Còn dùi mài kinh sử từ cử nhân đến tiến sĩ thì cũng chỉ mất độ khoảng mười năm. Biết bao nhiêu việc có thể làm được trong vòng mười năm. Vậy mà tôi chỉ có một việc cũng không làm được, chỉ có một cuốn album mà mười năm rồi tôi chưa dám đụng tới. Hơn mười năm mà nỗi đau mất cha vẫn còn nguyên vẹn. Có phải chăng vì Ba mất bất ngờ nên sự bàng hoàng làm tê liệt nỗi đau ban đầu, nhưng càng về sau nỗi buồn càng thắm.

Ngày 24 tháng 12 dương lịch, đúng một ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi nhận được tin Ba mất. Hôm đó là ngày làm việc cuối cùng trong năm ở sở tôi. Cả sở đã nghĩ, chỉ còn tôi và một anh đồng nghiệp trực văn phòng. Tà tà uống trà buổi sáng, trò chuyện bâng quơ với anh ta một lúc, tôi dự định hôm nay sẽ dọn dẹp giấy tờ rồi đi về sớm. Mở computer, tôi bàng hoàng sửng sốt khi đọc e-mail báo tin Ba tôi đã qua đời. Trời ơi !! Mới mấy tuần trước tôi còn nói chuyện với Ba qua điện thoại mà& Ba nói “Ba đếm từng ngày chờ con về đó nghe”, vì tôi hứa sẽ về thăm Ba vào mùa hè tới. Ba ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ, sau một bữa ăn tối toàn những món Ba ưa thích. Rồi Ba ngủ luôn một giấc, để không bao giờ thức dậy nữa.

Mỗi năm đến mùa Vu Lan, nghe bài hát Bông hồng cài áo kể về tình thương của Mẹ, tôi càng nhớ tới Ba. Nhớ vầng trán cao, đôi mắt hiền từ nhưng nghiêm nghị, nhớ bàn tay không một vết nhăn tuy lấm tấm vết tàn nhang của tuổi già, nhớ giọng nói rõ ràng cương trực của Ba, nhớ màu xanh Ba thích, những món Ba ưa ăn, những điều làm Ba vui, những gì Ba không thích&

Nếu phải vẽ một bức tranh về Ba thì tôi sẽ không ngần ngại vẽ cảnh Ba ngồi giữa một bàn tiệc thịnh soạn, chung quanh có đầy đủ gia đình và bè bạn thật đông. Bức tranh này hẳn sẽ phần nào phản ảnh cá tính và lối sống của Ba.

Nếu Mẹ là ánh trăng rằm vằng vặc sáng, thì Ba tôi chính là vừng thái dương rực rỡ và tràn đầy sinh lực. Cuộc đời của Ba như một bàn tiệc linh đình mà Ba là người chủ tiệc hào sảng và cực kỳ hiếu khách.

Hồi nhỏ tôi thấy Ba có rất nhiều bạn và nhà thường xuyên có khách đến ăn uống. Ðối với vợ con cũng vậy, hễ biết chỗ nào có món ngon hay món ăn mới lạ là Ba nhất định phải cho chúng tôi thưởng thức, mặc dù đôi khi mẹ tôi phản đối vì sợ tốn kém.

Ngày tôi đi thi đệ thất, buổi sáng thật sớm Ba chở tôi ra nhà hàng Thanh Thế cho ăn bữa điểm tâm đặc biệt trước khi đến trường thi. Ba nói: “Hôm nay là một ngày đặc biệt và đây là kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời con. Ðậu kỳ này, con sẽ đi học trường lớn, con sẽ bắt đầu một cuộc đời mới”. Ðó là cách Ba biểu lộ sự trân trọng và kỳ vọng của Ba đối với các con.

Hồi nhỏ tôi là đứa ốm yếu và hay bịnh nhất nhà. Mỗi lần tôi bịnh, Ba bỏ việc để đưa tôi đi bác sĩ. Ba bế tôi trên tay không để tôi đi bộ vì sợ tôi mệt, mặc dù lúc đó tôi cũng đã khá cao, “hai chân dài thoòng” như Ba nói. Ba chăm sóc, theo dõi cho tôi uống thuốc đầy đủ. Ba hứa ráng hết bịnh đi rồi thích cái gì Ba sẽ dẫn đi mua. Mùa học thi, Ba nhắc uống thuốc dầu cá hàng ngày và bảo Mẹ nấu canh bí rợ và chưng óc heo với gừng để các con ăn cho bổ óc.

Sau ngày mất nước, mặc dù tài sản đã tiêu tan theo vận nước nhưng Ba vẫn như xưa. Khách đến nhà, ai Ba cũng tiếp đón một cách niềm nở. Sự niềm nở và hiếu khách của Ba đặc biệt không chỉ biểu lộ qua lời nói vui vẻ, cởi mở mà luôn luôn đi kèm với những bữa cơm và những món ngon vật lạ từng mùa mà Ba không ngại tốn kém bỏ công chuẩn bị rất chu đáo. Khách vui, khách khen ngon là Ba hả hê sung sướng.

Hồi đó tôi nghĩ chắc tại Ba thích ăn ngon nên lúc nào Ba cũng nghĩ đến chuyện đãi đằng ăn uống. Nhưng lớn lên tôi mới hiểu đó là lòng hiếu khách và tấm chân tình của Ba, đó là cách biểu lộ tình thương của Ba, đó là cách sống, là con người của Ba vậy. Phần lớn người Việt thuộc thế hệ của Ba tôi có lẽ đều có cách sống này.

Tôi nhớ có một lần, nhân có người bạn Hòa Lan đi về Việt Nam, tôi nhờ mang chút quà về cho Ba. Ba nghe tin đã âm thầm chuẩn bị tiếp đón, theo kiểu của Ba, tức là với một bữa ăn thịnh soạn toàn những món ngon đặc biệt. Người bạn ghé đưa quà rồi đi ngay, nói không có thì giờ ở lại ăn, mặc dù Ba năn nỉ dữ lắm. Ba gọi điện thoại kể chuyện cho tôi nghe mà giọng vẫn còn buồn và thất vọng, không hiểu vì sao người ta không ăn.

Tội nghiệp, Ba không hiểu đó là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, hay có thể đó chỉ là hai cách sống xưa và nay. Cách sống ngày nay và nhất là cách sống của người âu tây, làm gì cũng có tính trước và có thời khóa biểu chặt chẽ, họ không thích mất thì giờ cho những sự việc bất ngờ như vậy. Mà cái cách trân quý khách của Ba, thì người bạn Hòa Lan của tôi bất quá chỉ xem như là một bữa ăn mà anh ta không cần đến mà thôi.

Nhớ đến Ba là nhớ đến những đêm trăng sáng. Ba rất thích trăng, nhất là trăng trên biển. Có dịp đi Vũng Tàu, Ba thường chọn những ngày rằm trăng tròn để được ngắm trăng trên biển. Bãi Sau về đêm vắng vẻ, lưa thưa khách dạo biển đêm. Hình ảnh Ba Mẹ trải chiếu nằm trên cát nói chuyện là một trong những hình ảnh đẹp trong ký ức của tôi. Rồi khi đám trẻ chúng tôi chán chê vui đùa trên cát, quay về nằm bên Ba, thì Ba vui lắm. Ba huyên thuyên kể chuyện hồi trẻ Ba có nhiều lần theo ghe đi thâu lúa ruộng cho ông nội. Ban đêm nằm trên ghe, ngắm trăng trên sông, rồi ăn cháo gà và nghe đờn ca vọng cổ, đó là kỷ niệm đẹp của Ba về một thời thanh bình không còn nữa.

Ở nhà thì những đêm trăng sáng, Ba hay ngồi ngoài sân rồi gọi các con đến quay quần chung quanh nghe Ba kể chuyện, những chuyện về thời niên thiếu của Ba, về những việc Ba làm, về bè bạn của Ba. Qua những câu chuyện đó, phải chăng Ba muốn dạy cho các con bài học đạo đức làm người và cách xử thế trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nhưng lúc đó, Ba nói thì tôi nghe vô lỗ tai này ra lỗ tai kia, đôi khi còn ngủ quên lúc nào không biết, dè đâu thắm lúc nào không hay. Bây giờ nghĩ lại mới thấy sự dạy dỗ của Ba thật nhẹ nhàng nhưng kết quả sâu đậm và to lớn “như núi Thái Sơn”.

Nhìn cách sống và suy nghĩ của Ba, tôi hiểu nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là gì và quan trọng như thế nào. Thấy ai hoạn nạn là Ba hết lòng giúp đỡ. Thấy người thế yếu là Ba ra tay bảo vệ. Ba không bợ đỡ kẻ trên để tìm dịp tiến thân, đối với người dưới quyền Ba không hiếp đáp hay khinh miệt. Tánh Ba hiền lành, chân thật, lại dễ tin người nên đôi khi Ba bị lợi dụng. Biết vậy nhưng Ba vẫn rộng lượng tha thứ, chẳng so đo khôn dại, hay để tâm hãm hại ai bao giờ. Với tôi Ba là mẫu mực của người chính nhân quân tử đúng nghĩa.

Tôi còn nghe văng vẳng bên tai những câu Ba thường nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy: phải giữ chữ tín”, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã: thấy việc nghĩa không làm là người không có dũng khí”, hay “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm: biết người biết mặt nhưng khó biết lòng dạ”.

Rằm tháng bảy, lễ Vu Lan. Trăng sáng vằng vặc, ánh trắng tròn chiếm ngự cả bầu trời. Tôi giống Ba, cũng rất mê trăng. Ðêm nay thao thức ngắm trăng, tôi nhớ lời Ba nói: “Con sanh ra vào đêm rằm trăng sáng&”

Nhớ Ba da diết, thời gian không là liều thuốc lãng quên nên càng ngày càng thấm thía nỗi buồn không còn cha. Còn đâu cội tùng che chở, còn đâu người cha nghiêm khắc nhưng hết mực cưng chiều con, người đã dạy cho tôi bài học làm người quý giá.

Ba tôi không còn nữa nhưng Ba không mất khi Ba vẫn còn trong tim, trong óc, trong xương thịt và ngay cả trong sở thích ngắm trăng của tôi.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013