SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

Bụi Tre Ngà

Nguyên Nhung

 tre nga

Hai thành phố nằm cách nhau chưa tới một giờ lái xe, thế mà đến mấy năm tôi mới có dịp trở lại thăm anh chị. Chiều đông rét ngọt, hai bên đường xen vào những khu nhà ở lợp mái màu xám nằm úp xuống, ẩn sau những hàng thông làm nền cho trời đông càng thêm xám xịt. Gần đến khu nhà anh chị phố xá có vẻ  đông đúc hơn, ánh đèn tỏa sáng từ các tiệm buôn hay siêu thị mang lại chút sinh khí cho nền kinh tế đang buồn ngủ một chút hy vọng.

Anh đã ra đứng trước nhà để đón khách, lâu ngày không tới nên chạy lòng vòng mãi vì nhà nào cũng gần giống nhau. Nhiệt độ không thấp lắm nhưng nhiều gió nên bỗng dưng rất lạnh. Nhà anh ở góc đường, trước sân hoa lá vẫn xanh có lẽ nhờ căn nhà kín gió, bây giờ đang mùa đông vài loại cây thấp vẫn giữ được vẻ thản nhiên bất chấp thời tiết khắc nghiệt, khi nóng khi lạnh của  miền này.

Bước nhanh vào nhà, bỏ lại sau lưng cái lạnh cắt da với chiều đông gió lộng, cảm nhận ngay được sự ấm áp của bếp lửa hồng, vì chị đang loay hoay trong bếp nấu bữa cơm chiều. Căn bếp ấm, chúng tôi có thói quen đi thẳng vào nhà bếp, mùi vị của thức ăn làm cho căn nhà mới đúng nghĩa là một mái nhà hạnh phúc. Thật đấy, đến nhà ai bếp núc láng bóng, sạch coong cứ như là chủ nhân cả đời không đụng đến nồi ơ xoong chảo, tôi vẫn không thấy có cảm tình với căn nhà ấy bao nhiêu. Huống chi hôm nay anh chị bảo sẽ đãi tôi món ăn mùi vị quê nhà, không thấy trong các nhà hàng đầy cao lương mỹ vị, đó là món nộm hoa chuối, khế chua và tôm thịt, trộn với mắm tôm lỏng chanh ớt và rắc vừng xay nhuyễn.

Khác với những khách quen của anh chị, tôi thích ngồi ở gian bếp chiếm gần hết chiều ngang của căn nhà, và cũng khác với những ngôi nhà ở Mỹ nhà bếp thường nằm ở giữa nhà, căn bếp này lại nằm sát với bờ tường nhìn ra khoảng sân sau. Một chiếc bàn dài  gỗ mun dầy dặn chắc nịch được dùng làm bàn ăn, qua khung cửa kính rộng có bức màn ren mỏng, cứ thế mà nhìn thẳng ra vườn. Ở đó có mấy cây đào trơ lá đang đơm nụ chờ ra hoa vào mùa Xuân ấm áp, nhưng điều đáng nhớ nhất vẫn là bụi tre ngà, tôi vẫn nhớ hoài những thân tre vàng óng vươn lên mà mỗi lần gió thổi cành lá lại oà oặt cọ vào nhau gẩy lên cung đàn muôn điệu.

Trời nhập nhoạng tối và gió lạnh nên chúng tôi không ra thăm vườn chụp hình như mấy lần đến đây vào mùa xuân, mùa hè. Qua khung cửa kính loại cây thấp trong vườn trốn được gió nên vẫn còn xanh, thẫm hơn màu xanh non của mùa xuân, và kém biếc hơn màu xanh mùa hè. Tôi đảo mắt tìm bụi tre ngà, giờ đây chỉ còn ba cây tre nhỏ hình như chưa đủ sức vươn lên trời những lóng tre vàng óng. Chị biết thế nên bảo tôi:

“ Tiêu hết rồi cô ơi! Mùa Đông năm trước rét quá nên tre trúc gì cũng tiêu diêu hết. Năm nay anh chị phải chặt đi những thân tre già khô queo ấy, vớt vát lại được ba cây tre non, hy vọng qua đợt lạnh mùa đông này  sang Xuân cây mới tươi tốt trở lại.”

Tiếc thật! Tôi nhớ mãi mùa xuân cách đây gần mười năm trước đến nhà anh chị lần đầu, anh không nói trước về bụi tre ngà vàng óng để tạo ngạc nhiên cho khách ghé thăm. Chẳng những ngạc nhiên mà còn cảm động , tưởng như lạc bước trở về mái nhà xưa thời thơ ấu có mái nhà tranh với luỹ tre bao bọc mảnh vườn. Người Bắc miền quê khi di cư vào Nam, muốn mang theo luôn phong cảnh nơi chôn nhau cắt rốn đi theo nên hầu như nhà nào cũng trồng tre trúc, rồi nơi quê người vẫn có những người như anh chị cũng mang theo cái hồn của quê hương qua hình ảnh bụi tre ngà trong mảnh vườn sau. Anh nói:

“Bụi tre này có được là do chị. Dạo mới mua căn nhà này, phía sau chỉ là bãi cỏ và cây rừng, khai phá xong là giai đoạn tạo vườn theo ý muốn. Đến vườn ương cây trông thấy cây tre ngà trồng trong cái chậu to chị cứ đứng mãi không đi, rồi nhất định bắt anh khuân về ngay như sợ ai mua mất. Biết là loại tre hiếm nên dù đắt cũng phải mua, chứ ở đây các giống trúc xanh, trúc đen chẳng thiếu gì. Chẳng bao lâu thì  tre bén đất và tăng trưởng mạnh mẽ, mỗi lần ra vườn đứng dưới bóng tre ngẩng lên nhìn trời xanh, nghe tiếng lá tre xào xạc reo trong khu vườn êm ả, lúc đó cái tình quê bỗng ở đâu ập về để tha hồ mà nhớ, lòng cứ rưng rưng thế nào ấy!”

Anh nói đúng, hai lần trước khi đến đây, một lần mùa Xuân thời tiết vẫn còn hơi lạnh, mùa đông năm trước không đến nỗi khắc nghiệt, sau khi hái một rổ quất chín vàng ươm ra đứng gần bụi tre mà “chớp” một vài tấm hình kỷ niệm thì chả có mùa xuân nào đẹp bằng. Đến sang hè cách đây vài năm, vài người bạn ở xa đến thăm, tôi lại mè nheo bắt anh chị tiếp khách phương xa chỉ vì muốn khoe cái đẹp của bụi tre ngà mang hình bóng quê hương. Lần này sang đông bụi tre đã tàn tạ hết rồi, vẫn biết chẳng có gì tồn tại với thời gian, nhưng nhìn bụi tre ngà tả tơi giơ  những lóng tre bạc phếch lên trời, ba cây tre non èo uột vươn lên tôi lại nghĩ đến câu “ tre già măng mọc”, để thương cho những thân tre ngà óng ả hôm nào nay đã trở thành ảo ảnh . . .

Cứ tầm này đổ đi là trời sẽ ấm dần, và khu vườn nhà anh mai đào sẽ trổ hoa. Thú điền viên ở tuổi cao niên đã giúp cho anh khoẻ mạnh và tâm hồn thanh thản, khi mỗi ngày thức dậy biết mình còn bình yên, rảo một vòng nhìn những cây bonsai nằm thành hàng trong khoảng sân rộng để cảm nhận ra Nguồn Sống Thiên Nhiên( tác phẩm mới nhất của anh viết về cây cỏ) tiềm tàng trong từng gốc cây ngọn cỏ. Người ta bảo người trồng cây bonsai phải có tính kiên nhẫn, trầm lặng, điều này rất đúng với anh, anh đã từng tâm sự cái thú tuổi gìa được gần gũi với hoa lá cỏ cây, dồn hết tâm hồn chăm sóc cây để có thể thấy được sức bật của từng mầm non mủm mỉm bé tí xíu trên những cành khô. Sự luân chuyển của bốn mùa rõ nhất qua  sự trưởng thành của chiếc lá, rồi phải tỉa tót làm sao để cây lúc nào cũng có dáng một cụ già hằng trăm tuổi, mà lá vẫn nõn nà lúc sang xuân, biêng biếc lúc vào hè, vàng úa lúc mùa thu. Anh cũng  là người viết văn, nên rất dí dỏm ví von khi  nói với tôi:

“ Cứ nghĩ đó là giai đoạn chuyển tiếp từ đứa bé thơ, sang giai đoạn thiếu nữ với màu xanh biêng biếc của tuổi dậy thì, sự sung mãn của một cô con gái khi đến tuổi thanh xuân lúc sang hè, chín mùi quyến rũ như người phụ nữ đẹp lúc mùa thu, và rồi sẽ héo úa tàn tạ nằm chơ vơ trên mặt cỏ như đợi về miền vĩnh cửu, sẽ thấy sự tương quan giữa con người và cây cỏ thật hoàn hảo và tuyệt vời qua bàn tay Tạo Hoá.”

Rồi anh  kể cho tôi nghe cách đón Xuân của gia đình, dù nơi quê người và trải qua bao nhiêu năm sống tha phương nơi đất khách, anh chị vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp đó. Trong đêm trừ tịch trước giờ giao thừa, anh đi trước chị theo sau, cứ thế mà tiến thẳng ra cây đào cắt một cành đầy nụ đang run rẩy dưới sương đêm. Trao cho vợ cành đào rồi hai vợ chồng gìa cùng nhau sánh bước vào căn nhà ấm áp, cắm cành hoa còn ướt sương đêm lên chiếc lộc bình trên bàn thờ tổ tiên, thắp vài nén nhang trầm tỏ lòng cung kính đối với tổ tiên, và cũng gọi là chào Xuân mới, mong mọi điều tốt đẹp cho gia đình.

 bui tre nga

Tôi cũng như anh, hơn hai mươi năm đón Tết ở quê người, đêm giao thừa gần như là đóng cửa ở trong nhà, nhấp từng ngụm trà thơm và nghĩ đến những cái tết ngày xưa chìm khuất trong quá khứ. Thời tiết ở đây rất lạ, có năm những cơn mưa dầm rỉ rả suốt mấy ngày xuân khiến không ai muốn bước ra khỏi cửa. Đêm Giao Thừa ngồi lặng lẽ nhìn chiếc kim đồng hồ chuyển động để chờ ngày đầu tiên của năm mới, xuyên qua khung cửa kính mưa vẫn lất phất rơi, rồi cứ thế thả hồn về những mùa xuân cũ. Trời rét ngọt, càng rét càng buồn, càng cảm thông cho những mảnh đời cô độc không người thân trong những lúc năm cùng tháng tận. Đốt một nén nhang trầm trên bàn thờ tổ tiên, ngồi nhìn những nụ hoa đào đang tủm tỉm cười đón chào mùa xuân thật lặng lẽ.

Vì xa chợ Việt Nam nên trong vườn anh chị trồng nhiều thứ rau ăn quanh năm, nhất là những loại rau thơm hay hành, ngò thì không thể thiếu, vì nó mang lại hương vị đậm đà cho các món ăn. Chẳng hạn nấu một nồi canh dưa cải chua với cá để ăn bún  mà thiếu nắm thìa là thì nồi canh đã chẳng còn là nồi canh. Một bát miến gà trên mâm cỗ cúng Ông Bà mà lại rắc thêm một nhúm con con loại ngò rí trong vườn nhà thấy nó thơm lạ thơm lùng. Chưa kể bụi chuối trong vườn khi kết trái, để lại một cái hoa chuối bẻ xuống làm món nộm hoa chuối tôm thịt rắc vừng theo kiểu nhà quê miền Bắc, bảo đảm các nhà hàng thường không mang nổi hương vị đặc biệt của tình quê trong đó.

Theo anh diễn tả thì món ăn dân dã này rất quen thuộc với vùng biển Cửa Thần Phù, Thanh Hoá nơi anh sinh ra, những con tôm con cá còn tươi soi sói được chế biến thành những món ngon quê hương mà bây giờ nhớ lại vẫn nghe như hương vị còn nguyên trong trí nhớ. Cũng là tép nhưng phải là con tép bé xíu còn nguyên râu ria mới ngon, nói theo anh là khi ăn râu con tép đâm vào răng miệng ăn lại càng thích. Lần nào đến nhà tôi cũng đòi anh chị cho ăn món nộm này, và phải ngồi ngay trong bếp với cái bàn ăn dài thượt, ngó ra mảnh vườn sau để thấy được nguồn sống thiên nhiên đang hoà nhịp với đời sống con người trong từng hơi thở.

Cứ ngồi như vậy mà thưởng thức hơi ấm của ly rượu thơm anh mang về sau chuyến du lịch Âu Châu, quý lắm mới đem đãi khách cho bữa cơm thêm ngon miệng. Rượu từng giọt nhỏ thơm nồng, thức ăn ngon vừa miệng, mặc cho gió mùa đông đang luồn lách thổi qua vườn cây, cành đào khẳng khiu run bần bật trong gió lạnh nhưng vẫn hứa hẹn nở hoa khi mùa xuân tới. Sau đợt rét này ngày mai trời sẽ ấm và nắng sẽ trải mơn man trên hoa lá cỏ cây, lại thêm một mùa Xuân tha hương, thời gian cứ bình thản đi khi mái tóc xanh ngày nào đã điểm tuyết pha sương. Anh ngồi đó trầm ngâm lắng nghe tiếng gió hú bên ngoài, rỉ rả kể chuyện ngày xưa đón tết ở quê anh cho chúng tôi nghe, lòng tôi bỗng chùng xuống vì chạnh nhớ lại những mùa xuân xum họp gia đình khi còn bé. Chị lại rót thêm trà vào tách cho khách, hương trà bốc lên ngào ngạt làm ấm cả không gian trong một chiều mùa đông viễn xứ.

Nguyên Nhung 
Xuân Quý Tỵ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014