SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

 

17.

Khách mời lần lượt chào từ giã ra về còn lại Nữ với Hiroshi đứng yên lặng giữa sân trời nhìn đêm xao xuyến ánh trăng mờ trải lên triền mái lung linh những ngọn đèn lồng. 

Nhìn nét mặt vui vẻ của người bạn gái Việt Nam, Hiroshi muốn thổ lộ mong ước thực hiện sớm chuyến đi Nhật đưa Nữ về thăm mẹ, nhưng như những lần hẹn hò trước anh lại do dự nhủ lòng. Anh biết Nữ đang tâm nguyện bỏ hết thời gian, năng lực đòi lại cho được ngôi nhà bị tiếm đoạt của mẹ cha.  Anh đang hết lòng giúp đỡ người yêu.  Thường thì công ty chỉ thông qua chính quyền địa phương, trả tiền bồi thường rồi nhanh chóng san bằng đất qui hoạch để tiếp tục việc xây cất, thế nhưng sau nhiều thuyết phục, công ty đã chấp thuận đề nghị của anh.  Một phái đoàn từ văn phòng chính ở Tokyo được cử sang để nghiên cứu đòi hỏi khác thường của Nữ.  Mọi người đều trầm trồ khen ngợi công trình kiến trúc công phu của khu vườn mộ hài hòa nét kiến trúc cổ Việt Nhật, và Champa. Công ty chấp thuận mua lại cho Nữ ngôi nhà trong Phố để đền bù căn nhà ngoài cửa biển tuy họ vẫn đồng ý giữ nguyên khu linh viên cùng căn nhà  như một nơi bảo tàng di tích văn hóa vì kiến trúc nhà rường đặc thù của nó. Việc thương lượng mua nhà bị đình trệ vì những người chủ mới đang neo giá.

- Anh hy vọng lần thương lượng tới đây họ sẽ đồng ý. 

Nữ nhìn Hiroshi, lắc đầu cười tươi tắn.

- Em đang nghĩ tới chuyện khác.  Không biết mớ tiếng Nhật trời ơi của em đủ để tiếp chuyện với mẹ vào hội hoa anh đào mùa Xuân tới ở Tokyo không anh?

Khang mừng quá, ôm vai người yêu xúc động nói dồn.

- Thì cũng như mớ tiếng Anh của anh thôi. Mình sẽ nói bằng mắt, bằng tay, bằng trái tim. Rồi em sẽ ngạc nhiên lúc đó biết đâu em sẽ không cần phải nói tiếng Nhật… Em vừa tặng cho anh, cho mẹ món quà lớn nhất.  Anh về gọi cho mẹ hay ngay bây giờ.

Nữ cười vói theo Khang.

- Anh đánh thức mẹ dậy như rứa coi chừng bị đòn đó nghe.

Hiroshi bước khuất sau góc phố vừa lúc Nữ nhìn thấy bé Hà đang hấp tấp đi về phía mình.

- Em đang ở bệnh viện với mẹ ngoài Đà Nẵng mà? Bác có sao không?

Hà vội vàng trao cho Nữ một bao thư hồ sơ khá dày, kéo Nữ  đi vội vào nhà. Cô gái nhìn quanh cảnh tiệc tàn, ngồi xuống bên Nữ lấy lại hơi thở.

- Em về từ buổi chiều, muốn đi dự tiệc cưới chị Xuyến nhưng mẹ dặn phải tìm cách lấy cho được xấp giấy tờ này và tự tay trao cho chị ngay, không được cho ai biết.

Nữ nhìn cuốn Sổ Đỏ của ngôi nhà cũ với tên của vợ chồng người bác họ, lòng nghi vấn về chuyện gì đó đang xảy ra giữa đám bà con của bà bác bệnh gần đất xa trời đang nằm trong bệnh viện.

- Sáng ni cả mấy anh chị em của mẹ đều kéo ra bệnh viện, nói là thăm nhưng em chỉ nghe bàn toàn là chuyện nhà cửa chi đó lúc họ đuổi khéo em ra ngoài. Em đi loanh quanh cả buổi, bụng đói mới nhớ ra quán bún gần chùa Cao Đài chị vẫn hay quảng cáo.  Bé Hà cười… Bún ngon thiệt!
- Cái con ni! Ham ăn, ham uống… Rồi sao nữa!?
- Khi em quay lui, họ đã về lại Hội An. Mẹ mệt có lẽ vì cãi vã nhiều với mấy người em.  Lúc khỏe lại, mẹ chỉ chỗ dấu cuốn sổ đỏ, dặn em phải bí mật lấy đưa tận tay chị ngay. Mẹ còn dặn tới dặn lui là có việc cần nói với chị càng sớm càng tốt.

Nữ ôm cháu vào lòng.

- Em lớn bộn rồi nghe!  Coi mà ăn cái chi đi, rồi ngủ lại đây. Mai chị chở ra Đà Nẵng.

Bà bác họ đón Nữ và con gái với nước mắt còn đọng trên hai má gầy hóp nhăn nheo.  Hà ôm mẹ khóc òa. Người mẹ cười héo hon, vỗ về lau khô nước mắt cho con gái rồi đưa tay mời Nữ ngồi xuống cạnh giường. 

Suốt đêm suy nghĩ trở lăn và những điều sắp phải nói ra trước mặt con gái khiến bà cảm thấy kiệt sức. Bà muốn rũ xuống, muốn quên đi nhưng linh cảm sự sống trong bà chẳng còn bao lâu đã thôi thúc bà vì tương lai của đứa con yêu quý.

Cơn đau hành thâu đêm kéo dài như quãng đời gần bốn mươi của cô gái bần cố nông từ những đêm cải cách ruộng đất loang máu trên một vùng làng biển Ninh Bình.

Chưa quá tuổi mười lăm con Mua đã hăng say thoát ly theo cách mạng, rồi trở về làng đấu tố vợ chồng người địa chủ đã động từ tâm nuôi sống nó qua nạn đói năm Ất Dậu. Đời con Mua vinh quang từ đó. Cô làm hậu cần cho hợp tác xã nông nghiệp tìm cách ăn trên ngồi trước, hớt chia tiêu chuẩn.  Rồi cô Mua quá thì lấy chồng già tập kết, đi B về. Sau bảy lăm cô theo chồng vào Nam ăn chia thành quả cách mạng, ở nhà to, hoạnh họe quản lý cửa hàng quốc doanh. Và biết bao tội lỗi đã làm dọc suốt cuộc đời.  Thời gian qua, sự đau đớn tận cùng của thể xác như hình phạt thượng đế giáng xuống khiến người đàn bà không còn sợ sệt cái chết. Thế mà nỗi sợ hãi về rắp tâm của đám bà con theo bà vào Nam ăn có vinh hoa sẽ cướp nhà, đuổi bé Hà sống cảnh long đong khiến bà ngột thở ngất ngư. Cảm giác rần rần nhập nhụa phi luân với Niên đang lúc còn dật dờ giữa bờ mê tỉnh vẫn sống mãi với bà vì từ đó là sự có mặt của bé Hà như niềm hạnh phúc duy nhất, cuối cùng. Bà không muốn cái chết của mình sẽ khiến con gái bà chịu cảnh sống đời khổ ải. Bà nghĩ tới Nữ như một cứu tinh và biết ơn nàng đã giúp giữ bí mật về bé Hà suốt bao năm qua.

Bà phải trả lại lai lịch cho đứa con yêu quý của mình. Ánh mắt van lơn khẩn cầu của người đàn bà hướng về phía Nữ.

- Mong cô Nữ tha thứ về những tội lỗi tôi đã gây ra cho cô và gia đình.
- Chuyện xảy ra thì đã xảy ra. Cháu mừng là bác đã thấy được sau bao năm ni. Tuy trễ cũng hơn không.

Người đàn bà run run cầm tay con gái chạm khẽ vào tay cô em gái của Niên. Nữ cầm chặt tay bé Hà đang ngơ ngác nhìn hai người.

- Tôi chỉ mong được cô Nữ gọi là ‘chị Mua’ một lần trước ngày tôi chết là cũng đủ mãn nguyện rồi.

Bà mẹ nhìn bé Hà, kể hết chuyện đời mình cho con nghe bằng hơi sức tàn. Nước mắt Hà ràn rụa nghe xong câu chuyện bất ngờ. Hà ôm chầm lấy em gái của người cha ruột mà từ ngày còn bé nàng  luôn nghĩ là ‘chị’ Nữ nhân hậu của mình.

- Có phải rứa không cô Nữ?

Nữ cố gắng không khóc mà nước mắt cứ tuôn rơi. Nàng ôm cháu vào lòng lần đầu tiên trong đời giữa hiện thực không ngờ nên còn tưởng chiêm bao.

- Phải đó cháu. Cô Nữ là cô ruột của cháu đây.  Hơn mười tám năm nay, cô đành phải theo lời mẹ cháu giữ kín lai lịch để cháu khỏi bị nguy hại.
- Hèn chi con nhớ ngày con mới năm, sáu tuổi đang giữa đám ma ông già cán bộ chồng của mẹ, cô đã chở xe đạp chống xuồng dẫn con từ Điện Ngọc về tuốt Xuyên Thọ để cắm nhang cho bố Niên… Không hiểu sao, sau đó mỗi lần thăm mộ con đều có cảm giác là lạ, không tên mà ấm lòng.

Bà Mua như người vừa trút được gánh nặng sau dốc đường xa. Bà tin cậy nhìn con vui vầy bên người thân sẽ chu toàn lo lắng cho bé Hà sau khi bà qua đời. Bà nghiêng người ra dấu cho bé Hà rút ra từ dưới gối một bao thư trao cho Nữ.

- Cô Nữ hãy đọc tờ di chúc này. Tôi đã viết tối qua sau khi suy nghĩ kỹ càng. Tôi có nhờ hai người y tá, họ sẽ đứng ra làm chứng lúc tôi ký tờ di chúc.

Nữ chăm chú đọc trang giấy chi chít chữ. Lối văn của một người ít học, viết như đang nói, thành thật mà nhẫn tâm. Cũng như nàng đang cố nén lòng hả hê và cố xua đi ý nghĩ đang đọc một bản tự thú. Rồi Nữ buồn bã thấy mình vừa là chứng nhân vừa là người trong cuộc của một bi kịch dài. Chồng bị bất lực, người vợ vì muốn có con đã chủ động chuyện sinh lý với một thanh niên cường tráng nhưng bị bệnh tâm thần. Người chồng vì thể diện vẫn nhận mình là cha của đứa bé gái. Hai người đàn ông đều đã qua đời. Nay người vợ mang chứng bệnh ung thư thời kỳ cuối, sẵn lòng xác nhận lại người cha ruột của con mình qua thử nghiệm máu và  xin thay đổi giấy tờ khai sinh hộ tịch cho con gái.  Ngôi nhà bà đang chủ quyền, người mẹ muốn toàn bộ sang tên cho con gái.  Tờ di chúc cũng yêu cầu người cô ruột của con gái đứng ra làm người bảo hộ giúp đỡ trong việc quản lý nhà cửa, tài chánh. Anh chị em bà đang ở nhờ trong nhà sẽ phải dọn ra sau khi được đền bù một số tiền vì vấn đề nhân đạo và sẽ do người chủ mới của ngôi nhà định đoạt.

Người mẹ qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi những điều trong di chúc được thực hiện. Trước ngày Nữ ký giấy tờ giao ngôi nhà ngoài cửa biển cho công ty du lịch Nhật Bản để nhận tiền bồi thường, Hiroshi hỏi nàng về chuyện thừa tự ngôi nhà.

- Em sắp có chồng, “xuất giá tùng phu” làm răng mà thừa tự được.

Câu nói tưởng như đùa để Khang vui, thật ra là nỗi niềm sâu kín Nữ đã cưu mang, ray rứt mỗi khi nghĩ tới. Bầy cháu của nàng, những đứa con của anh Niên.  Huân thì đã qua đời, mà nếu còn sống cũng chỉ là đứa con hoang đàng từ một gia đình tư bản đỏ. Huy chưa một lần về thăm quê. Năm trước chị Nương về xây lại mộ cha mẹ. Hai chị em gặp nhau mừng tủi, trò chuyện thâu đêm. Chị Nương buồn vì thái độ hờ hững của con về gốc gác gia đình. Huy là một sinh viên giỏi, một người Mỹ gốc Việt vui tính, lịch sự nhưng gần như luôn chối tránh những quan hệ với cộng đồng người Việt nơi gia đình cháu ngụ cư hay bày tỏ tình cảm về người cha ruột đã khuất của mình. Càng nghe càng khiến Nữ không mấy lạc quan nhưng chẳng thể trách móc ai, chỉ biết tủi cho phận nhà.

Bé Hà trở thành chủ ngôi nhà thừa tự đã khơi lên trong lòng Nữ nguồn hi vọng mới. Không giống mẹ, Hà là cô gái ngoan hiền.  Bên Mỹ, hai chị Nhi Nương đều rất vui mừng hay tin về cô cháu mới của mình nhưng cũng không quên “đay nghiến” Nữ về cái tội dấu diếm lai lịch cháu từ bao nhiêu năm qua. Hai chị đều “giành” Hà về ở với mình khi biết ý của Nữ định cho Hà đi du học.  Cảm nghĩ về cháu Huy và nước Mỹ  khiến Nữ chần chừ. Lúc Nữ đề cập chuyện du học của Hà với Hiroshi, anh chàng cũng vui mừng không kém hai chị.

- Em có biết mẹ từng làm việc ở phân khoa ngoại ngữ của trường đại học Waseda không? Ở gần nhà mẹ hơn thì có một trường đại học nữ khá tốt. Anh sẽ đưa em đi thăm cả hai trường khi mình qua thăm mẹ mùa Xuân tới.

Buổi tiệc mừng cháu Hà giữa sân vườn nhà xưa tề tựu đông đủ bà con và những người thân quen. Cậu Chấn nhìn quanh ngôi nhà thừa tự đã hư hao nhiều.

- Cuối cùng rồi thì cũng châu về hiệp phố. Trời định hết con ơi! … Mà mi coi có đủ tiền để sửa sang lại cho giống như xưa được không đó Nữ!?

Cậu cười ha hả nhìn Nữ gật đầu nhìn về phía Hiroshi, vừa lúc Hà đang bước tới.

- Giống thằng cha nó như đúc. Mấy lần cúng mộ tao đã ngờ ngợ rồi, ngặt cái con Nữ giấu kỹ quá.

Mấy bà dì cười phá lên, lúc dì Chanh lên tiếng.

- Nhà khảo cổ lại đoán gần đúng rồi.  Cha con không giống nhau thì giống ai đây?

Dì Chức chưa nguôi trách móc Nữ đã giấu cả dì về chuyện bé Hà.

- Anh Chấn ngờ ngợ được là hay lắm rồi. Còn tui với chị Nơi, chắc vì ở quá gần bị quáng gà, nên chẳng thấy chi mà ngờ ngợ. Như anh nói đó, cô Nữ giấu kỹ quá mà… Mà nào ngay, thiệt là nhà mình còn phước phần nên người ta hồi tâm, chuyển ý mới có ngày hôm nay.  

 Dì Nơi nhìn Nữ hóm hỉnh.

- O Nữ còn chuyện chi chưa bật mí nữa thì làm ơn thông báo để chị em tui khỏi bị đau tim.

Nữ cười nhìn mọi người.

- Dạ, cái mí kế tiếp được bật ra là… năm ni mấy dì  phải cúng giao thừa ở tiệm giúp cháu… đang bận đi lượm hoa đào ở Nhật với anh Khang.
- Rứa mà tui cứ nghĩ O Nữ sẽ đi Mỹ trước.

Nữ lắc đầu.

- Dạ, cháu tính đi Nhật chuyến này để coi ngó chuyện trường ốc cho bé Hà luôn thể.

Cậu Chấn nhìn Nữ gật đầu đồng ý, pha trò.

- Được lắm! Cháu Nữ sắp phát động phong trào Đông Du lần thứ hai đó mà!

Hiroshi đưa Nữ qua Tokyo thăm mẹ. Chuyến đi anh và mẹ già đã mong mỏi từ lâu. Họ rời Sài Gòn vào nửa khuya. Chuyến bay thâu đêm đưa hai người xuống phi trường Narita lúc mặt trời vừa hừng lên sau lớp lớp phố cao. Buổi sáng đầu mùa Xuân trời trong xanh hứa hẹn những ngày vui. Âm thanh rầm rập từ đoàn tàu điện uốn vòng tưởng chừng đang lướt lửng lơ trên nóc hàng anh đào chớm đầy nụ ươm hồng khiến Nữ nao vui quên cả suốt đêm qua gần như không ngủ và giây phút phiền lòng trên chuyến bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn.

Đã tới giờ bay mà hàng ghế đầu rước mặt Nữ và Hiroshi vẫn còn trống chờ vài người khách cuối lên  tàu. Khu vé hạng nhất, ngoài Nữ ra toàn là thương nhân nước ngoài.  Họ càng tỏ vẻ khó chịu lúc cô tiếp viên cho biết phải chờ một đoàn cán bộ thành ủy Đà Nẵng vào Sài Gòn công tác. Nhóm cán bộ mặt mày bóng lẫy sang trọng, ồn ào ngồi vào chỗ trong lúc các cô tiếp viên xáo xác mời nước, trao khăn. Người cuối cùng trong nhóm còn đứng vì hết chỗ. Ông ta vẩy tay gọi cô tiếp viên trưởng đến gần bàn tán xầm xì. Cô tiếp viên nhìn Nữ lưỡng lự  rồi đến gần hạ thấp giọng.

- Đồng chí trong ban thành ủy muốn đổi chỗ với cô. Đồng chí ấy sẽ bù gấp đôi cho cô tiền mua vé.

Cô ta liếc nhìn dấu tay ra hiệu của viên cán bộ đang tự tin đứng chờ, nói nhanh không để Nữ kịp mở miệng.

- Đồng chí ấy nói gấp ba lần. Chưa tới hai giờ bay, nhiều  tiền lắm đấy! Chị nhất trí đi.

Nữ cố gìm lòng, trả lời bằng tiếng Anh để Hiroshi có thể theo dõi cuộc đối thoại. Nàng từ chối lời đề nghị kẻ cả của gã cán bộ trung niên.

- Tôi sẵn lòng đổi chỗ không cần tiền bù đắp nều khách là một người mẹ có con mọn hay người già yếu lớn tuổi. Nhưng ông khách này coi bộ còn khỏe mạnh hơn tôi, là một phụ nữ.

Nữ nhìn người tiếp viên đang trong cảnh khó xử, chưa chịu buông tha.

- Có thể là ông ta sẽ không đồng ý đề nghị này, nhưng nếu cô thương lượng đuợc với ông ấy chịu hủy chuyến đi, bước ra khỏi máy bay tôi sẽ trả cho cô gấp năm lần tiền vé máy bay.

Nhóm thương nhân nước ngoài cười ầm lên sau câu nói đùa ý nhị của Nữ. Gã cán bộ không hiểu tiếng Anh nhưng có lẽ đã đoán ra được câu trả lời. Anh ta hậm hực bước len qua những tràng cười nhạo báng, đi vào khu vé hạng thường.

Hiroshi kéo hai xách hành lý đến bên Nữ.

- Anh vừa nói chuyện với mẹ. Bà muốn ra đón em ngay ở bến tàu điện nên mình chỉ về tới ga Toshima rồi gặp mẹ ở đó.

Hiroshi lắc đầu cười nhìn Nữ, anh làm ra vẻ ganh tức.

- Bà chỉ hỏi thăm em mà không thèm nhắc tới con trai một tiếng nào… Nhìn em tươi tắn như thế chắc là đã quên chuyện bực bội trên máy bay ở Đà Nẵng.

Nữ gật đầu cười tươi hơn.

- Ý nghĩ mình đến xứ mặt trời mọc vào lúc mặt trời đang mọc làm em vui quá. Quang cảnh tươi sáng quanh mình, mọi người bận rộn với công việc mà ai cũng khiêm cung lễ độ làm em bớt bi quan khi nghĩ tới thái độ trịch thượng, vô cảm của những người tiếp viên lúc cư xử với hành khách trên chuyến bay nội địa. Văn hóa, giáo dục sẽ  giúp con người thay đổi mà vươn lên phải không anh?

Hiroshi kéo tay Nữ chỉ về  phía chân trời xa tít. Dáng núi chĩa ngọn phủ tuyết trắng phau vào nền trời xanh trong không một vẩn mây, trồi lên đơn độc uy nghi vào cuối tầm mắt. Nữ khích động reo tên ngọn Phú Sĩ, một trong ba thánh sơn của xứ Phù Tang.

- Phải đó em. Fujisan! Vài ngày tới mình thăm núi, lần đầu tiên trong đời em sẽ có dịp chiêm ngưỡng Thái Dương Thần Nữ vào buổi sáng. Hiroshi đăm đăm nhìn Nữ, nụ cười ý nhị nở trên môi… Còn anh thì may mắn được chiêm ngưỡng thần nữ mỗi ngày.

Nữ hiểu ra, mắc cở níu vai anh.
Hai chuyến tàu điện nối nhau dài hơn tiếng đồng hồ thả họ xuống ga Toshima.

- Mình về gần tới nhà rồi đó em.

Khu phố cổ, yên vắng, leng keng tiếng tàu điện chạy dọc trên đường. Bầy chim đậu rồi chấp chới bay trên những đường dây điện. Xứ lạ. Ngôi nhà lạ. Người mẹ hiền từ của Hiroshi nàng chưa gặp bao giờ. Nữ níu áo anh, rụt rè bước xuống lòng đường. Ký ức cũ như từ muôn năm vụt trở về, rón rén bước chân trốn giấc ngủ trưa liêu xiêu mái ngói âm dương thả bóng nắng vàng nâu xuống lòng đường trải cong theo chuỗi vách phố rêu phong. Có điều gì hình như quen thuộc lắm đang sẹ bước vào hồn.

Nữ kính cẩn cúi đầu chào người đàn bà đang tươi cười hiền hậu nhìn nàng sau mái tóc bạc muối tiêu cắt ngắn. Nếu Hiroshi không chào mẹ trước có lẽ Nữ không thể nào ngờ được. Bà đẹp quý phái trong chiếc áo dài Việt bằng gấm thêu và khăn san tiệp màu.

- Chào cháu. Cháu đi đường có mệt lắm không?  

Nữ như muốn qụy xuống vì kinh ngạc. Mẹ Hiroshi mặc áo dài Việt nam, nói tiếng Việt và phát âm đặc sệt giọng Huế. Nữ bật khóc, cuống quít thoi vô bụng Hiroshi trách móc.

- Anh thiệt! Răng anh không cho Nữ biết gì hết về mẹ  rứa?

Hiroshi ôm bụng làm bộ đau lúc bà mẹ cười can gián.

- Tôi là Mitzuki. Cháu cứ gọi là dì Mitzuki, hay là dì Nguyệt càng hay hơn. Không phải lỗi của Hiroshi mô. Tại dì biểu Taro phải dấu cho tới lúc cháu tới Tokyo. Còn thêm vài ngạc nhiên nữa, về tới nhà rồi dì kể cho nghe… Taro lái xe đi con. Để hai dì cháu ngồi sau nói chuyện.

Nữ nhìn Hiroshi hăm he.

- Tên Taro của anh em cũng chưa hề nghe anh nhắc tới bao giờ. Nhớ đó nghe! Em có lý do không cho anh biết ‘nickname’ của em rồi đó.

Mẹ Hiroshi hóm hỉnh.

- Giữa đàn bà với nhau, cháu cho dì biết được mà !?  Mình nói bằng tiếng Việt, Taro không biết đâu.

Nữ nhìn nét mặt phúc hậu của dì Mitzuki. Mối tình thân nở ra từ một quyến luyến không ngờ, mới mẻ mà sâu lắng. Một hệ lụy nào đó không lường đuợc, tràn đầy lòng tin yêu. Nữ vén chiếc váy dài, nghiêng người nói thầm vào tai dì Mitzuki.

- Ngày trước, ở nhà ai cũng gọi cháu là “Nữ chân voi”.

Bà thích thú cười nhìn đôi chân Nữ hé lộ dưới lằn vải.

- Voi này chắc là voi con thôi. Nhưng mà dì rất thích nhìn dáng đi đủng đỉnh của voi. Từ tốn, quý phái.

Hiroshi sốt ruột nghe hai người đàn bà thì thầm cười nói, anh hỏi vọng xuống.

- Mẹ đang nói xấu gì về con đó. - Không đâu. Mẹ sắp kể cho Nữ nghe câu chuyện dân gian Momotaro, lai lịch về cái tên Taro của con đó thôi.

Nữ lắng nghe giọng kể chuyện lôi cuốn của dì Mitzuki về ‘thằng bé trái đào’ (momotaro).

- Dì thích chuyện momotaro từ lúc còn bé, nên khi có Hiroshi dì đã đặt ngay biệt danh này cho con. Việt Nam có câu chuyện dân gian nào như Momotaro không cháu. - Dạ, chuyện Phù Đổng Thiên Vương cũng  gần gần như vậy. Có lẽ vì ách đô hộ thống trị của Tàu quá nặng nề, lâu dài nên dân gian Việt Nam đã mong mỏi nhiều hơn.  Thằng bé trong chuỵên Phù Đổng Thiên Vương chỉ trong giây lát vươn vai thành tướng giỏi, cỡi ngựa sắt vung gươm đánh đuổi quân xâm lược Bắc phương ra khỏi bờ cõi… Còn tên Nguyệt của dì từ đâu mà có rứa? - Cô này nôn nóng quá, không chờ được cho tới khi về nhà.

Dì Mitzuki cười trách đùa Nữ, rồi bà nhắm mắt lặng chìm vào dòng suy tưởng.  Suốt đời bà làm việc ở viện ngoại ngữ trường đại học Waseda nhưng mấy năm đầu thập niên bảy mươi ở đó vẫn luôn làm bà xúc động mỗi khi nhớ lại. Tin một cô gái Việt Nam là công nương của hoàng  triều cũ đến Waseda theo học chương trình cao học về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản  khiến nhiều người bàn tán xôn xao, đặc biệt là những người có biết về mối quan hệ giữa truờng đại học với một hoàng thân triều Nguyễn sống lưu vong ở Tokyo từ những năm đầu thế kỷ trước. Bà Mitzuki hữu duyên tương ngộ rồi thành bạn thân với cô gái mảnh mai  có nét đẹp đài trang của một công chúa tuy đang sống đời dân dã. Cảm tình về một đất nước Việt Nam luôn gần gụi trong tâm tưởng đã giúp Mitzuki chú tâm nhiều trong lúc học tiếng Việt từ cô bạn Shiori của mình. Trong một lần tra cứu ý nghĩa về tên họ người Nhật và Việt Nam, Shiori đã trở thành tên gọi của nàng công chúa Thơ Thơ. Mitzuki thì thưong ngay cái tên Nguyệt, thương luôn câu hát Shiori đã hát cho nghe. Bà Mitzuki luôn nhớ tới cảm giác thích thú khi biết câu hát cũng từ người nhạc sĩ tài hoa viết bài Utsukushii mukashi (Diễm xưa - TCS) mà bà thích ngay khi nghe lần đầu ở hội chợ Osaka.

Nữ xúc động sững nhìn dì Mitzuki thì thầm câu hát. Tiếng “Nguyệt” từ môi bà nghe Huế quá, thương quá. Nữ bất chợt hát theo câu hát nàng đã nghe biết bao lần lúc hồn thả quyện vào trăng, tan theo tiếng sóng,  “Từ khi trăng là Nguyệt…”

- Dì Nguyệt nhớ hoài câu nói của Shiori. Cô ấy nói khi mô dì Nguyệt thấu được hết ý nghĩa lời ca của bài hát này thì lúc đó dì mới thật sự giỏi tiếng Việt. - Rứa dì đã hiểu hết bài Nguyệt ca chưa.

Dì Mitzuki cười lắc đầu.

- Tôi thuộc nằm lòng cả ba mươi hai câu của bài hát, mà thấu hiểu thì chưa. Sau ba mươi năm tôi vẫn giữ cho mình nửa câu ca “Từ khi trăng là Nguyệt…” và một nỗi buồn. Shiori trở về Việt Nam, lấy chồng là phi công bị tử trận. Mẹ và con nhỏ vượt biên, tàu chìm mất tích đã hơn hai muơi năm. Dì Mitzuki thở dài… Mỗi chúng ta ai cũng chờ đợi, tìm kiếm về những mất mát trong đời và nỗi hoài mong. Một nửa câu thơ, một nửa đời, một nửa quê hương mất còn thất lạc.

Nữ bước qua khoảng sân có nhiều cây kiểng cắt tỉa công phu. Kiến trúc ngôi nhà quen thuộc gần gũi với nhà cổ Nhật ở Hội An làm Nữ có cảm giác như đứa con đi xa trở về.

Dì Mitzuki trịnh trọng đốt trầm rồi thắp nhang trao cho con trai cúng lạy gia tiên. Nữ đứng khấn vái theo Hiroshi. Nàng kính cẩn nhìn từng  ánh mắt nghiêm nghị lung linh sau  hương khói từ những tấm hình rất cũ dựng trên bàn thờ.

Bà Mitzuki cố nén mối xúc động ấp ủ trong lòng suốt thời gian dài từ ngày Hiroshi cho biết Nữ sẽ cùng con trai về thăm nhà. Bà tin vào sự an bài của số phận. Bà đã mong mỏi trông chờ. Đứa con trai duy nhất qua tuổi ba mươi, rồi bốn mươi vẫn còn chưa chịu lập gia đình. Công việc tận Việt Nam xa nhà từ hơn một năm qua càng khiến bà lo lắng. Thế rồi Hiroshi gọi mẹ thường xuyên. Mẹ hiểu ra tâm tình của con qua giọng nói sôi nổi vui tươi mỗi khi Hiroshi nhắc tới Nữ. Bà muốn gặp người con gái đã mang tin yêu tới cho con mình. Người con gái Việt Nam bà vẫn mong chờ từ ngày chia tay với Shiori. Chờ  được trải lòng ra, cho vơi nỗi niềm thân phận bởi mỗi tấm hình trên bàn thờ là mỗi phần đời, là nguồn cội bà muốn có người nghe, kể lể khóc cùng. 

Hiroshi chỉ vào chân dung một quân nhân mặc đại lễ đeo trường kiếm uy nghi.

- Bố anh là sĩ quan của Hải quân Hoàng gia Nhật thời đệ nhị thế chiến. - Ông sống sót sau những trận hải chiến với Mỹ ở Thái Bình Dương. Chúng tôi gặp nhau sau chiến tranh, nhưng ông mất sớm lúc Taro chưa tròn tuổi.

Bà Mitzuki nhìn lên tấm hình lớn treo trên cùng, ở góc dưới khung hình là tấm hình nhỏ hơn, mờ nhạt hai người nam nữ đứng bên nhau.

- Đó là tấm hình duy nhất của ông bà Ngoại Hiroshi.

Bà Mitzuki cố nén xúc động, nghiêm trang hỏi Nữ sau tiếng ho khan.

- Nghe Hiroshi nói cháu đọc được chử Kanji. Cháu thử đọc hàng chữ bên dưới tấm hình đi.

Nữ vận dụng mớ vốn liếng chữ Nho học được từ cậu Chấn đọc hết mấy hàng chữ Kanji rồi dụi mắt không tin. Nàng đọc đi, đọc lại rồi quay nhìn dì Mitzuki ngờ ngợ.

- Nếu cháu đọc không sai thì đây là tấm hình chụp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với nhóm lưu học sinh Việt Nam đầu tiên ở trường đại học Waseda vào thập niên đầu của thế kỷ 20.

Dì Mitzuki gật đầu.

- Người đứng giữa chính là hoàng thân Cường Để. Cháu hãy nhìn kỹ lại chân dung của nhóm sinh viên.

Nữ càng nhìn càng hồ nghi mắt mình. Nàng run giọng hỏi.

- Hình như một trong chín du học sinh cũng là người trong tấm hình nhỏ, là…

Nước mắt lăn dài trên má dì Mitzuki, bà gật đầu.

- Người đứng cạnh hoàng thân  là cụ Trần Đông Phong. Ông đã tự tìm cái chết dưới một cội thông trong chùa Tohoji vào độ tuổi đôi mươi với khí phách, tiết liệt của một võ sĩ đạo. Ông tuẫn tiết vì “xấu thẹn” với bạn đồng môn, vì “giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa”. Ông chết không hề biết người bạn gái Nhật đã cưu mang máu huyết mình trong bào thai. Mẹ âm thầm nuôi dì khôn lớn giữa bao dị nghị vây quanh. Cũng như bố của Hiroshi, bà ngoại sống còn qua bao cam khổ của mấy năm Thế chiến rồi qua đời không lâu sau ngày đám cưới của con gái.

Dì Mitzuki vuốt tóc, miệng nở nụ cười lúc mắt còn chưa ráo lệ. Bà nâng chéo áo lau nước mắt cho Nữ.

- Giờ thì cháu biết vì răng dì Nguyệt mặc áo dài Việt Nam rất tự nhiên rồi hỉ ? Suốt bao nhiêu năm qua, ý nguyện đi tìm thăm quê cha của dì vẫn còn là giấc mơ chưa thành. Giờ thì sẽ dễ dàng hơn nhiều, phải không cháu?

Nữ quay nhìn Hiroshi trách móc.

- Anh thiệt! ? Phải chi mà anh cho  em biết chuyện.

Dì Mitzuki bước ra hiên nhà lung linh màu nắng tươi trên cành đào ươm nụ.

- Không sao đâu cháu. An bài của số phận lúc này là niềm hạnh phúc lớn nhất của dì.  Tới đây về thăm quê cha mà có con dâu Việt dẫn đường thì còn chi bằng… Sáng mai mình sẽ đi Zoshigaya thăm mộ ông ngoại.

Bà quay nhìn Hiroshi và Nữ đang nắm tay âu yếm đứng bên nhau.

- Kiyomi chọn hoa, còn Hiroshi thì nhớ sửa soạn xô và gáo nước chứ đừng quên như lần trước.

Bà phá lên cười thấy Nữ ngơ ngác nhìn Hiroshi.

- Kiyomi là tên Nhật của con đó mà!

                                                                                 
(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014