SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

ĐỔI ĐỜI

Nàng được sanh ra trong gia đình nề nếp trung lưu. Bố nàng được hàng xóm quý mến gọi thầy Tư. Mẹ nàng một tay chăm sóc ba con – hai gái một trai – rất tươm tất. Bố mẹ nàng cưng con như trứng mỏng, muốn gì được nấy. Ông theo đạo "sợ vợ" nên để bà có toàn quyền trong gia đình. Các con tới tuổi cắp sách đến trường, ông bà đều cho chúng vào học trường Tây hết. Nàng là cô con gái thứ hai, có vẻ thông minh nhanh nhẹn hơn cô chị và cậu em. Mẹ nàng lúc nào cũng để ý chăm sóc nàng nhiều hơn ngay từ bé. Thỉnh thoảng bà dạy con đếm số; bà cứ lấy hai ngón tay vuốt nâng mũi nàng lên đọc: Un, Deux, ..., mặc dù mũi nàng không tẹt. Gia đình nàng ăn sung mặc sướng, nên mới 15 tuổi nàng đã trổ mã như một thiếu nữ. Mặt nàng hông đẹp lắm, chỉ có thân hình nàng trông rất sexy. Các cậu ấm cứ chờ nàng tan học, bước ra khỏi cổng trường là lẽo đẽo theo sau ca bài "con cá nó sống vì nước". Đa số cậu ấm thời đó học trường Tây đều là con em tướng tá hoặc con nhà giàu , vì thế cuối tuần thỉnh thoảng nàng được mời đi "bum" (nhảy đầm) trong cư xá sĩ quan Chí hòa Saigon.

Mẹ nàng thương chiều nàng hết mực, bất cứ đòi hỏi gì của nàng cũng đều được bà OK hết. Bà đồng ý cho nàng đi học bơi, học nhảy đầm. Cái môn cần thiết để chuẩn bị hành trang lên xe "bông" như thêu thùa, bếp núc; nàng lại không khoái. Cũng chả trách gì nàng; lúc đó phong trào "hippy a go go" đang thịnh hành trong giới trẻ trường Tây , các nàng đâu có ngu dại mà tốn thì giờ vào cái vụ "công dung ngôn hạnh" làm gì cho tổn thọ! Các nàng quan niệm sống trong môi trường Tây mình phải theo Tây cho nó "à la mode". Mục tiêu chọn chồng của các nàng đặt cao lắm. Nàng cũng không ngoại lệ.

Có một anh chàng con nhà nghèo, hai gia đình cạnh nhà nhau. Gia đình này thích em trai của nàng , nên cứ đưa nó về chơi. Thỉnh thoảng nàng cũng qua chơi, cười nói hồn nhiên. Chàng lại tưởng nàng đã "chịu đèn" nên chàng nói với mẹ xin cưới nàng. Mẹ chàng mang nặng tự ti mặc cảm nhà nghèo thật khó mở lời. Mẹ nàng có lẽ đoán được ý định đó nên bà ỡm ờ tuyên bố cho qua chuyện: “Ai cưới con tôi phải có đủ 7 lễ.” Mẹ chàng nghe nói thất kinh, tay ôm chặt dây lưng quần về nói với chàng: “Thôi quên đi con; mình ‘trèo’ không nổi đâu, chạy cưới sút quầnđó con!”Chuyện này nàng không hay biết gì cả, vẫn bình thản như người "Hà lội" mỗi khi gặp mặt chàng. Nhiều người quen muốn nàng dạy kèm tiếng Pháp cho con cái họ. Nàng nhận lời dạy cho vui, chứ tiền không quan trọng. Năm nàng đậu tú tài 2, cả nhà đều mừng. Nàng đã đủ chững chạc lên kế hoạch "chớp" một con nhạn là đà, con nhà giàu,đẹp trai, không cần học giỏi để về "nâng chim, xoa ví " cho nàng. Kế hoạch chưa đi tới đâu, đùng một cái, Đảng của Bác từ miền Bắc vào "giải phóng" cuộc sống ấm no hạnh phúc của gia đình nàng cũng như hầu hết dân miền Nam. Trường học được các thầy "đồng chí bí thư" từ trong rừng ra tiếp quản. Học lực chưa hết tiểu học, các "đồng chí" cứ oang oang cái miệng nhai đi nhai lại cái bài "tủ": “Nước ta đã hòa bình, không còn giai cấp thống trị độc ác Mỹ ngụy nữa; đất nước ta chỉ còn giai cấp công nhân tiên tiến và giai cấp lãnh đạo mà thôi.” Chính vì thế chỉ trong một sớm một chiều, mấy chục triệu dân miền Nam trở thành một giai cấp duy nhất: "chuyên chình vô sản", trên răng dưới quần đùi. Còn giai cấp lãnh đạo từ Bắc vào tha hồ vơ vét của cải miền Nam đút túi làm của riêng , mồm lúc nào cũng tuyên bố yêu nhân dân như lời Bác "trăn trối".Nàng tức tưởi gạt lệ thay đổi nếp sống sung túc ngày nào để ép mình vào giai cấp xã hội chủ nghĩa... từ đói tới chết! ...

Từ nay nàng tự quan niệm rằng, ăn bo bo sẽ bổ hơn ăn gạo – ăn mỗi tháng 21kg gạo nhiều quá mau chết; chỉ có giai cấp lãnh đạo "ngồi không nói phét" mới được hưởng, mình ăn 9kg đủ sống rồi! Chỉ chừng vài tháng thôi thì chị em phụ nữ trở thành một size "ốm đói" duy nhất, ba vòng bằng nhau. Nàng phải theo sự dạy dỗ của "cán bộ" về văn minh xã hội chủ nghĩa – làm thứ chó gì cũng phải sắp hàng, kể cả đi mua chén nước mắm hay cục đường. Giai cấp chuyên chính vô sản không cần làm đẹp; mỗi đầu người mua được vài thước vải may đủ một bộ quần áo bà ba một năm thôi! Nàng không còn để móng tay móng chân dài tô son như xưa. Quần Jean, quần tây, áo đầm, áo chemise, giầy, dép kiểu, nàng cất vào tủ hết để kỷ niệm một thuở huy hoàng xa xưa. Bây giờ nàng "được" theo fashion xã hội chủ nghĩa: mặt mộc không son phấn, "diện" bộ bà ba đen, chân mang dép hai quai, vất vả đi tìm việc làm để mưu sinh. Thời buổi "hòa bình" này kiếm được việc nuôi sống bản thân như mò kim đáy biển. Từng gia đình một cứ "hồ hởi phấn khởi" chà đồ nhôm – nôm na gọi là chôm đồ nhà – đem đi bán cho đám cán bộ trong rừng ra đang khao khát hưởng thụ những tiện nghi vật chất miền Nam để lại, để kiếm tiền mua gạo ăn thêm. Cục thịt thuộc loại hàng xa xỉ rất hiếm – không có tiền để ăn. Mỗi tháng một gia đình may ra được mua 1kg thịt, không cần biết gia đình đó có bao nhiêu người. Dân miền Nam "phỏng giái" được hai năm, gia đình nào có vàng thì âm thầm tính chuyện vượt biên. Nàng cũng ra đi mấy lần toàn thất bại. Khi thì bị lừa, khi thì bị bể, rồi bị bắt ở tù, chịu trăm ngàn đắng cay cũng vì tiếc nuối  hai chữ tự do đích thực xa xưa. Nàng thà chết trên biển cả còn hơn chết lần mòn trong "thiên đường xã hội chủ nghĩa VN". Bao nhiêu vàng của bố mẹ nàng dành dụm cả nửa đời người đã không cánh mà bay; cái nhà gia đình nàng ở cũng phải bán đi cho các "đồng chí". Cuộc đời nàng thực sự đã thay đổi từ đây. Đêm đêm nàng thổn thức với câu hát của Phạm Duy:

Chỉ chừng một năm thôi là không còn chi nữa! ...”

Sống trên đời, cái khó nó bó cái khôn; nàng bắt đầu tập đi buôn lậu vì nhu cầu của các "đồng chí" rất nhiều; thứ khỉ gì chúng cũng mê hết – từ cái đồng hồ, quạt máy, ti-vi đến tủ lạnh. Bây giờ xã hội miền Nam tự nhiên bộc phát phong trào: Người người buôn lậu, nhà nhà buôn lậu. Ai cũng ngán cái khẩu hiệu của Bác treo đầy đường đỏ chói: Lao động là vinh quang. Nàng chọn đi buôn lậu thuốc tây, vì lúc này thuốc rất hiếm. Bác sĩ giải phóng tốt nghiệp trong rừng, bệnh gì cũng "chơi" thuốc "xuyên tâm liên" hết . Bệnh nhân uống vào, cứ tưởng tượng là thuốc tiên trị bá bệnh là OK – may ra khỏi, còn không thì bó chiếu đem chôn. Bệnh nặng chết là cái chắc. Cái hòm thuộc loại hàng "hiệu" chỉ dành cho cấp lãnh đạo thôi!!!

Nàng phải qua biên giới Cambodia mua thuốc tây bên đó về Saigon bán rất có lời. Cũng may khi nàng ở tù vì tội vượt biên, có một anh gốc "chệt" đô con, tốt tướng, đẹp trai, theo săn sóc nàng trong trại tù. Khi cả hai được thả, anh chầu chực nhà nàng để xin bố mẹ nàng cho phép anh cưới nàng làm vợ. Nàng cũng có cảm tình với anh nhưng chỉ đồng ý làm người tình với anh mà thôi. Mỗi tuần anh lấy xe Honda chở nàng đi Tây Ninh vượt biên giới mua thuốc Tây, đem về saigon bán. Nhờ nàng lanh lợi nên ít khi bị bắt, cũng tạm đủ cơm cà dưa muối cho gia đình. Nhà chàng cũng còn ruộng vườn ở quê nên cũng chưa chết đói. Anh theo nàng gần tám năm trời, nàng mới chịu cho anh nắm tay đưa nàng về dinh. Trong nhà anh là con út, bố mẹ anh khi xưa có tiệm cầm đồ. Bị con cháu Bác đánh tư sản văng về quê làm ruộng . Anh từ nhỏ cũng thuộc loại con cưng như nàng. Anh không có tài xoay sở như nàng nhưng nàng bảo sao anh làm vậy.

Từ ngày anh "rinh" nàng về quê sống kiếp làm dâu, cuộc đời nàng lại khổ sở như người ở tù. Sáng sớm thức dậy lo nấu nướng để chuẩn bị ra đồng làm ruộng với thợ. Hùng hục chuyện nhà cho tới tối mới nghỉ. Từ một nàng tiểu thơ không biết nấu một nồi cơm, bây giờ nàng nấu đủ thứ món. Đám giỗ cũng "chơi" được luôn. Anh cưng nàng lắm nhưng không dám ra mặt vì sợ bố mẹ. Dân gốc "xì dầu" có hiếu với cha mẹ khỏi chê! Ở quê không có nước ngọt để tắm, phải tắm nước sông đục ngầu mùi phèn. Nước mưa hứng được chỉ để nấu ăn mà thôi. Thế mà đôi khi anh cũng lén múc nước mưa cho nàng tắm bị mẹ chửi hoài. Sau ngày mất nước, sắc diện của ai cũng tàn tạ theo ngày tháng; nàng lại vật lộn với cuộc sống dưới quê, dung nhan nàng xuống "cấp" trầm trọng. Vài năm sau nàng sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Sau khi có con , cuộc sống chật vật thêm , gia đình nàng bắt đầu có sự mâu thuẫn. Nàng khổ nhất là cái tánh phục tùng cha mẹ của anh mà lời qua tiếng lại với nàng. Gia đình anh có bà con bên Pháp mở nhà hàng nên nàng kêu anh đi qua đó rồi tìm cách ở luôn. Trước là nàng tránh xung đột với gia đình anh, sau là may ra anh được ở lại, cuộc đời anh sung sướng hơn.

Nàng đi lo giấy tờ cho anh qua đó du lịch. Ngày anh đi con anh mới hơn mười tuổi đầu. Nàng bắt đầu cuộc sống mới, tần tảo nuôi con ăn học. Nàng lãnh đồ về may gia công. Ngoài ra còn nhận dạy kèm Pháp văn. Tuy có hơi vất vả, nhưng cũng tạm đủ sống cho hai mẹ con. Chồng nàng qua Pháp rồi trốn ở lại làm bếp chánh cho nhà hàng. Thỉnh thoảng gởi tiền về cho nàng. Tuy có tiền của chồng, nàng cũng không tiêu phí, cố dành dụm để hậu thân. Còn chàng, khi có tiền thì sanh tật. Chim phơi lâu ngày, chịu đời không thấu. Sẵn cái mã đẹp trai, có vài cô liếc mắt đưa tình, anh liền nhào vô thổi kèn tò tí te, ôm một bà ba con cho ấm lòng kẻ ở miền xa. Giờ đây anh phải nuôi thêm "một con bướm" vàng nữa nên càng ngày tiền anh gởi về cho nàng càng ít đi. Nàng sanh nghi nên điện thoại cho bạn nàng bên Pháp coi sự thể thế nào, mới lòi ra là anh có mèo hai chân. Nàng cảm thấy cuộc đời này sao quá khắt khe, tàn nhẫn với nàng quá. Đảng "anh minh" đã chôn vùi mảnh đời nhung lụa của nàng, giờ chỉ còn một chút hy vọng cho cuộc sống của nàng, lại cũng theo Bác.. bay luôn!  Nàng hoàn toàn tuyệt vọng, không còn tha thiết cuộc sống thế gian này nữa. Trong một thoáng mất thần, nàng đã nuốt trọn chai thuốc ngủ quyên sinh. Số nàng vẫn còn nặng nợ trần gian, nên người nhà hay được, đưa nàng vào nhà thương súc ruột. Nàng tiếp tục làm than trâu ngựa trả nợ đời. Bây giờ nàng mới nghĩ là mình ích kỷ, mọi tình thương đều dành trọn cho con nàng. Thằng bé học rất khá, nàng lo cho nó qua Pháp du học cùng tỉnh với ba nó. Chồng nàng sợ con buồn, tạm thời xa "người tình", mướn căn chung cư để ở với nó. Thằng bé học hành được vài tháng, chẳng biết có vấn đề gì không mà nó quyết định đi làm thêm buổi tối. Thương con, lo lắng ngày đêm cho nó nên nàng tốn tiền gọi điện cho nó mỗi ngày . Thấy con than thở mùa đông tuyết lạnh, nó phải đi bộ mấy cây số tới chỗ làm; nàng chảy nước mắt kêu con về lại Việt nam, tiếp tục học trường Pháp có chi nhánh tại Saigon.

Mấy tháng sau nghe tin chồng nàng bị bộ di trú Pháp phát hiện và làm thủ tục trả anh về VN. Passport anh đã quá hạn cả mười năm rồi nên Đảng chơi tình vờ không còn muốn biết anh là ai nữa. Vì thế anh thuộc loại người "vô tổ quốc" trên đất Pháp. Anh nhờ luật sư làm thủ tục giấy tờ xin ở lại. Từ khi bị phát giác ở lậu, cảnh sát theo dõi anh, không cho anh đi làm. Mỗi lần trả tiền luật sư, nàng lại phải gởi tiền dành dụm của nàng qua cho anh. Thân nàng càng còm cõi xác xơ hơn xưa. Làm lụng vất vả nuôi con, giờ lại nuôi thêm chồng, không biết bao giờ chồng nàng mới được cho ở lại. Từ khi anh phản bội nàng, ôm chim sang thuyền khác , lòng nàng đối với anh đã nguội lạnh. Chỉ vì nàng không muốn cho con nàng nghĩ ngợi, không vui vì sự đổ vỡ của ba mẹ nó, mà nàng vẫn lo cho anh. Nàng đã được Bác và Đảng "giải phóng", đổi đời 37 năm rồi. Từ một cô gái xinh tươi yêu đời trở thành một "hòn vọng phu". Thà nàng được làm một hòn đá vô tri vô giác thì nàng cảm thấy hạnh phúc biết bao! Nàng vẫn còn hơi thở, vẫn còn hỉ nộ ái ố, nên vẫn còn đau khổ triền miên.Nàng chịu đựng kiếp phơi chim mười mấy năm nay không làm nàng hối tiếc; nàng chỉ tiếc cho một chút hạnh phúc cỏn con trong cái mái gia đình của nàng đã bay mất. Hàng ngày ngoài việc vật lộn với công ăn việc làm, nàng dành chút thì giờ cho kinh kệ, cầu xin Phật tổ đem bình an cho mọi người trong gia đình nàng.

“Thôi thì thôi, chẳng nợ gì nhau.
Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi.”

Tiếng hát ru nàng đôi giây phút bình yên cho tâm hồn !!!....

Tháng 4 đen 2012
Khảm rỗ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014