SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

LÂM HẢO DŨNG - NHÀ THƠ CANADA TẠI ÚC CHÂU

Nguyễn Sĩ Nam

 Vừa rồi người viết có dịp hân hạnh giới thiệu nhà thơ Lâm Hảo Dũng (LHD) từ Canada đến thăm thành phố Brisbane - Úc châu. Xin mượn lá thư này để giới thiệu ít giòng về nhà thơ xứ lạnh.

Nhắc tới thơ văn vùng sông nước Hậu Giang, không thể không nhắc đến nhà thơ LHD. LHD bắt đầu làm thơ từ thời còn đi học tại trường trung học Hoàng Diệu (Sóc Trăng) và sau này khi vào đời, anh tiếp tục làm thơ viết văn cùng thời với các lớp văn nghệ sĩ như Trần Phù Thế, Ngô Nguyên Nghiễm, Hà Thúc Sinh, Trần Hoài Thư… Thi phẩm đã xuất bản: Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà, Đi Giữa Thời Tan Nát, Tóc Em Dài Em Cài Bông Hoa Lý.

LHD quê làng Bố Thảo, Sóc Trăng. Nói về quê Bố Thảo của anh, tác giả cho biết:

”Quê Bố Thảo của tôi cũng bình dị như bao làng quê khác, người dân sống bằng nghề ruộng rẫy … Năm 19 tuổi tôi đã rời xa quê, đi học, đi làm và đi lính. Châu Đốc đối với tôi mới thật sự là có nhiều kỷ niệm, cảnh núi sông, bạn bè văn nghệ…”

Xin mời bạn cùng tôi ghé lại thăm căn nhà của thi sĩ qua bài thơ “Nhà tôi”:

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.”

Đời sống người dân quê nơi các làng mạc miền Nam chỉ mơ xã hội yên bình để làm một người dân bình thường nên LHD cũng “chỉ muốn làm phó thường dân” thôi. Mời bạn nghe tác giả tả nỗi lòng của mình qua niềm mơ ước làm một người dân quê quèn ấy:

“Phó thường dân tà tà đi bát phố
Ngắm quần loa ống túm áo chim cò
Ngắm tóc dài của tiểu muội tiểu thơ
Đâu cần biết ngày mai mưa hay nắng

Là một người lính, LHD nay đóng quân ở nơi này mai nơi khác như một kẻ giang hồ phiêu bạt. Những địa danh như núi Phượng Hoàng, Pleiku, KonTum, Tân Cảnh, Daksut, Dakpet, Ngok Long, Poko, Konko, Dakbla, Đường 14, và nhiều địa danh khác là những dấu binh lửa một thời khó phôi pha trong lòng người lính và nhà thơ LHD.

Trong “Tân Cảnh hồn tôi”, LHD cho người đọc thấy được khói lửa chiến tranh đang ngùn ngụt cháy ở nơi vùng núi đồi cao nguyên với núi rừng bao la ấy và lúc nào cũng ngan ngát cái dũng khí của một người lính trận nhớ núi nhớ rừng:

 “Đời lính trận trên cây cầu sống chết
May còn em làm ấm chút vui lây
Rời bỏ núi tôi sắp về châu thổ
Lửa buồn ơi đem hỏa táng tôi đây”

Nhưng có lẽ hình ảnh chiến tranh rõ nét nhất nơi con đường 14 với mùa Hè Đỏ Lửa năm nào:

“Ai biết con đường loang máu đổ
Những hồn lưu lạc dưới Poncho
Những hồn vất vưởng bên bờ suối
Đi hái hoa xuân mọc dưới mồ

Ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Nhìn Ngok Tu Ba xác ngập đầy

Vốn thi sĩ là những nghệ sĩ với một tâm hồn lãng mạn vô bờ và tâm hồn LHD cũng bềnh bồng trong sông nước giua trăng lãng mạn ấy. Với bài thơ “Tôi Vẫn Biết Em Buồn Bên Mái Lá”, là một trong những vần thơ chan chứa cái chất lãng mạn ấy:

“Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hàng bụp thưa đôi búp nhú ơ hờ
Đất xa trời bao năm mà đất nhớ
Những ngày giông đêm tối hẹn hò mưa”

Thời Chiến Vùng Tam-Biên Qua Thơ Lâm Hảo Dũng của Trần Văn Nam viết “Bài Gợi Nhớ Về Châu Đốc” của LHD. Bài thơ làm ta nhớ lại nếp sống dân gian Việt Nam với truyền thống “cửa Chùa rộng mở cho bá tánh”: đi lỡ đường thì có thể vào chùa ngủ nhờ một đêm. Và bài ấy cũng có một đoạn thơ tả rất kỳ diệu con sông Cửu Long bằng cái nhìn vừa thấm nhuần huyền ảo của đạo Phật vừa chan chứa lòng yêu mến quê hương. Quang cảnh ngoạn mục của chùa Tây An ở núi Sam Châu Đốc đẹp rực rỡ trên nóc với những tượng rồng quẫy đuôi trong những đêm rằm

… Em ở bên kia trời cách biệt
Mắt buồn vây kín núi Sam xa
Ta như lữ khách không nhà cửa
Ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba.

… Em khóc dòng sông đó phải không
Đêm mơ về thấy chín con rồng
Vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự
Đón Hội Long Hoa một tối rằm.

Thơ thời chiến vùng Tam Biên có lẽ là đề tài riêng cho LHD, dường như không có nhà thơ nào khác. Tuy không hiếm nhà thơ trước 1975 đề cập thời chiến xứ sương mù vùng cao. Nhưng LHD lại có cái chung với họ: nỗi sầu nơi biên trấn, nhớ gia đình, nhớ người yêu, nhớ người thân, nhớ thành phố hay quê hương xa cách vì thời cuộc đời lính xa nhà.

Ta pháo miền cao theo biệt động
Ngậm ngùi thấy lại Dakto xưa
Đâu “căn cứ sáu” mưa trên xác
“Căn cứ năm” tràn bóng ma đưa
Ta kể nhau nghe đời chiến trận
Thằng Nam mất tích ở Nam Lào
Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước
Thằng Sự khinh đời cũng chết mau

Theo ông Phạm Văn Nhàn vào năm 2005, ông Trần Hoài Thư và PVN cùng rủ nhau thành lập “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam”, bởi một lý do thật đơn giản là sau tháng tư  1975 những tác phẩm “văn học” của nhiều tác giả miền Nam trước đây chắc chắn không còn nữa. Qua công sức tìm kiếm, biết được tổng số nhà thơ Miền Nam trong thời chiến tranh lên con số đáng kể 461 nhà thơ. Mà hầu hết những nhà thơ miền Nam ngày đó là những người lính. Trong số đó có nhà thơ LHD sưu tầm được 9 bài.

Hầu hết những nhà thơ miền Nam lớn lên trong chiến tranh là phải “xếp bút nghiên lên đường chinh chiến”, nhà thơ LHD không thoát khỏi. Dưới góc độ chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, cái chết chỉ xảy ra trong từng sát na khi lâm trận. Và sau đó là nỗi buồn kế tiếp nỗi buồn:

Ngày xuống mua vui tiền chẳng có
giầy đi há mỏm đổi không xong
áo trên vai rách dăm đường vá
ai xót thương đời xương máu không?

Đọc thơ LHD, những bài thơ anh làm trước 1975, những nơi anh đến, anh đi trong đời pháo thủ ghi lại những kỷ niệm của đời lính. Với những con chữ giản dị không cầu kỳ khó hiểu. Giản dị như đời lính chiến của nhà thơ rày đây mai đó, cũng chẳng màng chuyện sống chết:

Ra đi làm linh - ừ thì lính.

Chán chê, nhưng biết làm sao. Cứ thế, nhà thơ kể chuyện rừng sâu trầm mặc quá, cứ thế cố sống dù câm điếc. Và, cứ mơ dù biết chẳng có thanh bình trên đất nước Việt Nam. Và cứ thế nhà thơ chẳng bao giờ mang trong lòng một chút âu lo sợ hãi. Ta nghe nhà thơ tâm sự:

Khi ở Đại Sơn ngồi nghĩ quẩn
ngày mai xuống núi hát nghêu ngao
lỡ buông tay súng thôi đành vậy
buồn có bao giờ quên hết đâu?

Hay:

bởi chiến tranh hoài sao biết được
nên đời trai gởi gió sương nuôi
một mai máu có trào trên đất
hãy cắn răng đau hãy hận đời.

Theo Nguyễn Lệ Uyên, “Ngày về Banhet”  là bài thơ hay. Hay bởi cùng một chất giọng kiểu Nguyễn Bắc Sơn… khinh bạc mà xót xa, cô đơn đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng. Những câu thơ cũng quay cuồng trên trang giấy như chính thân phận những chàng trai trẻ đang quay quắt trong vòng xoáy cơn lốc lửa đạn.
Xin dẫn ra đây bài thơ này:

Suối có ngàn năm ai nhớ suối
Ta đi ai nhắc đến tên ta
Ví như xương chất cao thành núi
Cũng chỉ mong quay lại mái nhà

Ta ngắm trời xa Chùa Tháp đó
Chiến tranh mộng tưởng sẽ về đâu
Mỗi năm rừng mất bao nhiêu lá
Là xác thây người rụng bấy nhiêu.

Chính vì điều này, cũng như bao nhiêu người khác, phải cố tình lấp liếm và đánh lạc hướng sự tàn bạo mà chính bản thân mình phải hứng chịu để tìm đến, một chút với ngọt ngào, một chút với sương khói mong manh:

Đời lính trận trên cây cầu sống chết
May còn em làm ấm chút vui lây.

Và rồi anh lý giải thêm chút nữa, rõ hơn về cái sự sống chết, nó ở đâu đó, sát ngay bên cạnh mình:

Chiến tranh là chuyện người trần
Ta say quên hết may còn cái vui
.

Sống chết hay cái vui, với anh đều là may rủi: May còn emmay còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh mà đâu đó như một vệt khói hư không.

Có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn bè văn chương của tác giả có đề cập nhiều về các tác phẩm của ông, tuy nhiên theo người viết, nhà văn thi nhạc sĩ Hà Thúc Sinh có một bài cảm tưởng rất ngắn nhưng thật thấm vào lòng người đọc.

Theo nhạc sĩ HTS, trải một thời thiếu niên êm đềm và thơ mộng nơi quê nhà miền Tây đầy những bần, những mận, những rau, những cỏ, những cá những tôm, những đồng lầy xanh và sông phù sa đỏ, những mây những khói những tình thân, cho đến khi trưởng thành, lao vào đời như một pháo thủ, cầm quân ngang dọc một thời, cứu Bồng Sơn, Tam Quan, dí giặc sang Hạ lào, lùng diệt địch sau Chùa tháp, nên thơ của LHD đã thoát ra khỏi hàng ngũ của những người làm thơ cận kim và hiện đại VN, đó là những thi sĩ của thuốc phiện, của gái, của rượu, của cái tôi cao ngạo mà không thực chút nào.

Một cách khác, gọi LHD là thi sĩ chưa đủ, phải gọi anh là thi sĩ lính mới đúng. Vì qua thơ anh, người ta thấy anh có mặt trong hàng ngũ thi sĩ lính, hàng ngũ của Quang Dũng, của Nguyễn Bắc Sơn... Riêng anh có những câu thơ lính rất riêng:

Đêm qua không ngủ ta cầm súng
Muốn bắn vang trời Đông đến Tây
Muốn thấy Cờ bay trên Cổ tháp
Muốn ai còn ngủ dậy đi ngay...

Hơn hai mươi năm làm thơ, đến khi đầu bạc đã sống lưu lạc nơi xứ người, anh mới để anh em in tập thơ đầu tay cho anh. Thơ như thế hẳn phải đậm đà như rượu chôn nhiều nằm dưới đất. Nó sẽ là nỗi nhớ thương cho những tâm hồn chóng quên, là hình bóng quê hương cho những kẻ lưu đày, là nghiêm lệnh quay về cho những kẻ chỉ thích hân hoan bỏ chạy.

Có một nhà văn đã có lần viết về thơ của anh LHD rằng "Đọc thơ Dũng sướng đến rụng rời, những khổ thay cứ đọc thơ Dũng rồi là không còn muốn làm thơ nữa"... Họ Hà kết luận "Thơ Dũng quả là miếng ngon mà tôi là kẻ đói. Và để được làm một kẻ đói khôn ngoan, hãy đọc thơ anh như một miếng ngon phải được ăn thật trang trọng, từ từ..".

Nói vậy thì rõ ràng là nhà thơ thì không thể nào tự bẻ bút không làm thơ mà sống được. Có một nhà văn nổi tiếng hơn là thơ của ông có lần viết một cách hết sức triếy lý "... Không phải không còn muốn làm thơ nữa là xong, là không thơ." Nhà văn và cũng là nhà thơ Mai Tháo có lần viết "Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là khởi đầu của thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Tự xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ (Bờ cõi khởi đầu).
Thơ hay không thơ xin dành lại cho quý độc giả suy tưởng. Riêng nguời viết thật cảm động khi đọc những giòng thơ bi tráng về đời lính hào hùng của ông trước 1975. Hết lòng tri ân một nhà thơ lính can trường của QLVNCH mà nay trên vai còn gánh nặng nỗi đau khi hiền thê của nhà thơ Lâm Hảo Dũng đã vĩnh viễn xa ông tại Vancouver vào Tháng 5 năm trước với bài thơ tặng cho vợ hiền lần cuối cùng là bài Gởi Người Xứ Pleiku thật vô cùng xót xa đầy nước mắt:

Hôm nay ngày vĩnh biệt
Em không còn bên tôi
Hôm nay mây thành tuyết
Tan nơi đất quê người

Hôm nay hay hôm khác
Em vẫn là trăng sao
Vẫn bay về phố núi
Thương kỷ niệm năm nào

Hãy lau dòng nước mắt
Hãy an bình xuôi tay
Đợi ta về bên gốc
Cà phê nồng hương bay

Bốn mươi năm rồi đó
Đời hằng những phong ba
Riêng em sầu để nhớ
Một hình bóng quê nhà

Ôi trăm năm hồ mộng
Đi về cũng hư không... (Vancouver, May 12. 2012 - LHD)

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014