SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

NGÀY ẤY... BÂY GIỜ

Tôi thẩn thờ tắt computer lòng buồn rười rượi chỉ biết thở dài ! Sao dạo này ở Việt nam xảy ra nhiều vụ “tai biến” y khoa thương tâm quá. Tuy không đề cập rõ nguyên nhân nhưng hầu như ai cũng biết là do cung cách làm việc, cộng thêm chẩn đoán sai lúc ban đầu khiến bệnh nhân và sản phụ tử vong. Đa số kết quả sau khi điều tra lấy lệ đều cùng nguyên nhân do “kíp trực không xử lý kịp thời” và điệp khúc “viết bản tường trình, kiểm điểm rút kinh nghiệm sau này” luôn được lập đi lập lại. Thêm vào là lời ta thán của bệnh nhân và người nhà khi vào bệnh viện khám và chữa bệnh phải có phong bì lót tay, bỏ túi cho người có trách nhiệm. Ngần ấy thứ làm mọi người ngao ngán khi nhắc đến hai chữ “nhà thương” mà ngày tôi còn bé tí hay nghe gọi đến. Cũng như khẩu hiệu “lương y như từ mẫu” treo trong các bệnh viện sau những ngày tháng tư bảy lăm. Từ dạo ấy tôi mới nhận ra những gì được nhắc nhở thường xuyên là do bắt nguồn từ khiếm khuyết triền miên, cho nên nhiều người đã mai mỉa đổi lại là “nhà ghét” và “lương y như dữ mẫu” mỗi khi bất đắc dĩ phải đến nơi này.

oOo

Ông ngoại tôi là thầy thuốc bắc ở dưới quê. Gọi là quê nhưng xứ sở tôi rất gần Saigon không quá ba mươi cây số và trong đôi mắt trẻ thơ hồi ấy tôi vẫn thấy xa ơi là xa. Những khi về thăm ông bà hoặc ở lại trong dịp nghỉ hè đều đi bằng chiếc xe đò nhỏ cũ kỹ, nó chỉ có hai hàng băng ghế bằng cây nằm ngang phía sau lưng tài xế và ba chiếc khác đặt dọc thân xe, mỗi băng ghế dài chỉ đủ cho bốn hoặc năm người ngồi sát vào nhau. Phía sau thùng xe trống trơn không có vách, đàn ông thanh niên đu bám tòn teng. Trên nóc xe chất đầy quang gánh chứa bầu bí, rau củ. Đám gà vịt bị trói chân, chéo cánh không ngừng kêu quang quác, cạp cạp.

Mỗi lần về quê, xuống bến xe tôi thích lon ton chạy trước dọc con đường lộ để về nhà. Căn nhà ba gian hai chái trên nền gạch với mái ngói rêu xanh và những hàng cột đen mun, bóng lưỡng có thể soi cả mặt mày. Bộ ván gõ dầy mát rượi chiếm hết một gian, đối diện bên kia là quầy thuốc với hàng tủ đầy các hộc kệ chồng lên cao ngang tầm người lớn. Tiếp giáp là chiếc bàn tròn trên có cái gối nhỏ xinh xắn như gối búp bê, cạnh bàn là hai chiếc ghế đặt gần bên để ông ngoại xem mạch cho bệnh nhân. Chính giữa là bộ trường kỷ với hai băng ghế dài chạm xà cừ đặt trước gian thờ là nơi bệnh nhân ngồi chờ đến lượt.

Từ khi hiểu biết tôi thấy nhà lúc nào cũng mở rộng cửa, ngoại trừ ban đêm phải đóng để đi ngủ. Nói thế chứ cũng có đêm người ta đập cửa để mua gói thuốc tán dùng cho con nít nóng sốt bất ngờ. Bệnh nhân và thầy thuốc hầu như đều biết nhau bởi tất cả có cùng gốc gác chung làng, chung xóm Từng người đến ngồi đặt tay trên chiếc gối cho ông bắt mạch chẩn bệnh, có khi ông bảo họ le lưỡi hoặc ông vạch mắt để nhìn. Người bệnh đa phần thường là phụ nữ đầu quấn khăn choàng hầu tùm hụp và trẻ con cũng được quấn kín mít trong đống quần áo để che gió. Sau đó ông vào quầy bốc thuốc gói thành từng thang. Tôi hay quanh quẩn gần chiếc cối tán thuốc đặt cuối quầy cạnh hai cái thẩu thủy tinh đầy những gói cánh chỉ bọc giấy, mỗi thang thuốc ông đều cho kèm vài viên xí muội hoặc cánh chỉ, trần bì. Chờ đến khi ông gói thang thuốc cuối cùng thế nào tôi cũng được ông bốc cho ké một cái cánh chỉ hoặc vài viên xí muội bé đo đỏ mặn mặn, chua chua.

Những ngày không có khách, nếu trời nắng tôi và ngoại ngồi trên bộ ván trước hiên nhà vò những viên thuốc tán màu xám nhạt nhỏ như hạt tiêu rải đầy trên chiếc nong tre mang ra phơi nắng, cũng có khi là những viên thuốc tể mềm dẻo đen xì to bằng viên bi rồi ông bọc sáp bên ngoài. Đôi lúc lại rọc những tờ giấy bản màu hồng nhạt thành hình vuông vức xếp lại để dành dùng gói thuốc. Cách gói thuốc cũng rất đặc biệt nên tôi hay bắt chước khi chơi bán hàng, phải cầm hai góc đối diện cuộn và gấp chặt lại, tiếp theo là hai góc còn lại của gói thuốc sao cho thật vuông vức chặt chẽ, cuối cùng cột sợi dây lạt làm bốn cạnh và cuộn thành một quai xách.

Không chỉ ở thị trấn ông ngoại là thầy thuốc quen thuộc mà cả những làng xã xa xa chung quanh người bệnh cũng tìm đến. Vì vậy phía trước hiên nhà ngoại có đặt một bảng hiệu nho nhỏ ghi rõ họ tên kèm theo chức danh đông y sỹ, phía dưới là số nhà và tên đường. Người quen thuộc hay gọi tên ngoại một cách ngắn gọn là thầy Ba nhỏ.

Thừa hưởng di truyền của cha mình, má tôi sau khi học xong trung học là xin vào trường cán sự điều dưỡng và khi ra trường làm việc tại Saigon. Nhiều lần tôi theo má đến nơi bà làm việc, bên cạnh các bác sĩ và y tá tận tâm với trách nhiệm và nghề nghiệp cao cả của mình, tôi thường hay gặp các nữ tu với áo choàng trắng đi thăm hỏi hoặc chăm sóc các bệnh nhân rất ân cần, có vị giúp người bệnh đắp lại chăn hoặc rót giùm ly nước, sửa lại drap giường. Với lời lẽ nhỏ nhẹ, dịu dàng cộng thêm ánh nhìn nhân hậu khi an ủi người bệnh tôi thấy ở các vị này toát ra tình thương chân tình ; phải chăng hai chữ “nhà thương” mỗi khi người ta đề cập đến nơi chốn này là bắt nguồn từ đây ?

Tiếc thay những gì tôi nhìn thấy đã bị dần mai một sau ba mươi tháng tư bảy lăm và ngược lại càng ngày càng tệ hại. Tất cả được thay thế bằng những khẩu hiệu, sáo ngữ rỗng tuếch được treo khắp nơi bởi chỉ thị của chính quyền mới là những người tiếp quản.

  Cơn hồng thủy xảy ra trên đất nước cuốn theo gia đình tôi ! Ba tôi bị “tập trung cải tạo” vì là một sĩ quan, má thì đỡ hơn vẫn cho lưu dụng sau khi đã được sàng lọc với lý do là người có kinh nghiệm nghề nghiệp vì đã làm việc lâu năm, khó thay thế. Chỉ là với đồng lương ít ỏi cộng thêm phần gạo được mua và nhu yếu phẩm để mọi người sống đắp đổi, qua ngày. Tôi lúc ấy vừa hết tiểu học không thể làm gì giúp gia đình nhiều hơn. Những năm khó khăn ấy người ta sau khi đào xới khắp nơi ngay cả lề đường cũng không chừa để trồng khoai lại xoay ra nuôi heo thậm chí lầu cao, sân thượng cũng không bỏ qua, với phong trào này gia đình tôi cũng bắt chước theo. Má mua một con heo nhỏ mấy chị em thay nhau ra chợ xin lượm rau thừa, tôi đạp xe về quê nhờ ngoại mua cám, đèo thêm ít chuối cây chặt sau nhà chở về và cứ gần cuối năm heo đủ lớn để bán chui cho lái, má tôi lại mua con khác thay vào. Sàn nhà phía sau bếp được ngăn ngang lại làm thành chuồng heo. Để tránh lội nước, ngày ngày tôi ngất ngưỡng trên đôi guốc sabô cũ bằng gỗ bọc simili vất trong góc bếp của má để tắm heo, quậy cám. Mấy đứa em ngồi xếp hàng nhìn tôi mặc chiếc áo đầm cũ của má lắng nghe tôi giảng giải ;

- Mấy đứa biết không hồi má còn trẻ chiếc áo đầm này một thời là “mốt” mới đó. Vì má may theo kiểu đầm hái nho bên Tây là mốt rất thịnh hành.
- Em thấy áo đầm hái nho có gì khác với mấy áo kia đâu chị hai ? Hái nho sao lại phải mặc áo đầm?
- Khác chứ, mấy đứa không thấy phía trước bụng có miếng vải may hình cái tạp dề làm thành cái túi ? Áo đầm là “quốc phục” của người Tây phương.

Nhỏ Út thắc mắc :

- Quốc phục là gì vậy chị hai ?
- Là kiểu áo quần quen thuộc người ta mặc trong các dịp lễ, giống như ở nước mình má mặc áo dài vậy đó.
- Tắm heo chứ đâu phải là lễ hội,sao chị mặc nó vậy.
- Áo này bây giờ không được mặc nữa rồi, đi ngoài đường nếu ai mặc nó sẽ bị phê bình là ăn mặc hở hang “đồi trụy” theo chân “đế quốc Mỹ”, em hỏng thấy lâu nay má không còn mặc áo dài nữa à! Má còn mang cắt thành áo ngắn để đi làm kìa.
- Đồi trụy, đế quốc là gì vậy chị hai ?
- Chị đâu biết đâu, mọi người nghe cán bộ phường mỗi lần họp tổ nói vậy thì lặp lại theo thôi ! Bỏ áo thì uổng, tắm heo mặc áo này để khỏi bị ướt quần, không hái nho thì thành chăn heo cũng được vậy.

Lần đầu tiên thăm nuôi ba nhờ tiền bán heo dành dụm, nhỏ em kế được má dẫn đi theo, nó nói :

- Ba biết không, ở nhà mình có “cô đầm chăn heo”.

Ba ngac nhiên chưa kịp hỏi nó đã nói tiếp :

- Chị hai mặc áo đầm cũ mang đôi guốc có cái bo phía trước cao cả tấc tắm heo mắc cười lắm, nên tụi con gọi vậy đó.

Nói xong nó cười hi hi khiến ba phải phì cười theo, nhưng ánh mắt ba rưng rưng dặn dò :

- Con nhớ giúp chị làm công việc nhà, cho dù thế nào các con cũng phải cố gắng học thật giỏi mới được.

Rồi mọi thứ dần trôi theo thời gian, thoắt cái đã năm năm hơn. Hàng xóm lác đác đã có người được thả về. Nhớ lời ba dặn tôi nói với mấy đứa em :

- Tụi mình là con sĩ quan “Ngụy” nhất định phải học giỏi hơn bọn con của cán bộ mới được nghen mấy đứa. Nhất định không để họ khinh thường.

Năm thi hết cấp hai tôi tốt nghiệp với số điểm tối đa, ông cán bộ nhà ở căn nhà mặt tiền ngoài đường trông thấy tôi đứng nói chuyện với con gái ông về kết quả thi cử. Hỏi tôi số điểm đạt được, ông chỉ vào tôi và nói ;

- Nhỏ này giỏi giỏi.

Rồi quay qua đứa con :

- Con này dốt.

Không phải vì lời khen của ông ta với tôi, chỉ là tự nhiên tôi thấy lòng thõa mãn vì là một trong những minh chứng cái gì có dính đến chữ “ngụy” đều giỏi, là tốt đẹp không như họ đã mù quáng, thiển cận phủ nhận lúc ban đầu. Nhiều lần tôi mang cơm cho má khi phải ở lại trực đêm, tôi gặp bà bác sĩ trưởng khoa, thật tình tôi không dám hỗn hào nhưng ở vị thế của bà trước là một y tá trong chiến khu, sau bảy lăm được cho đi học sáu tháng “bồi dưỡng nghiệp vụ” để lên chức y sĩ và kế tiếp được thăng tiến làm trưởng khoa do “hồng hơn chuyên”. Bỗng nhiên tôi cảm thấy hơi nghi ngờ khả năng nghề nghiệp của bà !

Lúc ấy bà ngồi trong phòng dưỡng nhi, nơi đặt nhiều lồng kính nằm thành nhiều dãy, song song. Chúng đã có từ trước bảy lăm, bệnh viện dùng nuôi các em bé thiếu tháng. Đi lại quanh quẩn chăm sóc các bé là má tôi và các bạn y tá của mình. Còn bà thì đang nhồm nhoàm ngồi nhai cái gì đó, sau khi chào bà nhìn trên bàn tôi thấy đống vỏ đậu phọng luộc !!.

Ấy vậy luật lệ nơi này quy định rất nghiêm nhặt. Thân nhân đến thăm chỉ được đứng ngoài cửa kính nhìn vào phòng. Người thăm bị bắt buộc phải khoác trên mình chiếc áo trắng treo ở bàn trực bảo vệ đầu hành lang lối vào. Chiếc áo khoác “vô trùng” không biết đã mang bao nhiêu vi trùng của mọi người khi vào đây ! Vì tất cả nam nữ, già trẻ cũng chỉ ngần ấy chiếc áo máng trên giá mặc chung nhau, người này vừa treo lên kẻ khác đã kéo xuống mặc kệ áo vẫn còn ấm hơi người khác, chiếc áo chắc đã được dùng lâu ngày nên màu trắng trở nên vàng ố ! Tuy thừa biết mặc vào chẳng có tác dụng gì nhưng bắt buộc phải duy trì vì hình thức bên ngoài quyết định mọi thứ. Đây là thói quen của chế độ đương thời vì người ta chỉ chăm chú và căn cứ vào nó để xét đoán giá trị, kết quả bên trong ! Rốt cuộc việc trình diễn hình thức quan trọng hơn tất cả mọi thứ, nó đã trở thành căn bệnh trầm kha chung cho tất cả những công việc liên quan đến đời sống đến nỗi phải gọi là “bệnh hình thức.”

Tôi gặp Nhân lần đầu tiên khi đại diện cho lớp họp chi đoàn trường. Vì học khá tôi được bầu làm lớp trưởng học tập, dĩ nhiên tôi không thể thoát ra ngoài khuôn khổ quy định ! Tôi “bị” kêu lên hoc chính trị “bồi dưỡng” lớp cảm tình đoàn, chuẩn bị kết nạp “làm” Đoàn viên thanh niên CS HCM. Muốn tránh chuyện này tôi chỉ có nước bỏ học hoặc lười biếng để thành học dở. Tuy còn nhỏ nhưng qua hoàn cảnh của mình, tôi nghiệm thấy những gì tốt đẹp, giỏi giang hay xuất sắc của riêng mỗi cá nhân đều bị người cộng sản vơ vào cho là do chế độ ưu việt của họ đào tạo nên, tất cả được quàng vào cổ danh vị đoàn viên, thậm chí ngay cả đảng viên !

Từ dạo ấy mỗi khi trường phát động phong trào gì y như rằng Nhân và tôi gặp nhau thường xuyên. Sau này tôi được biết chị của Nhân cũng làm cùng bệnh viện với má tôi nên tôi bớt dè dặt với Nhân một chút. Học trên tôi hai lớp nhưng chúng tôi vẫn có thể trò chuyện giống như bạn bè ngang lứa bởi tính tôi bướng bỉnh, cứng rắn giống con trai. Có lẽ vì là con lớn nhất của một gia đình không có cha bên cạnh nên không cho phép tôi yếu ớt. Tôi có bổn phận phải giúp mẹ chăm sóc và bảo vệ các em lâu dần khiến tôi quên luôn cá tính thẹn thò của con gái.

Nhiều lần nói chuyện tôi và Nhân nhận thấy hai đứa có cùng ước mơ là vào trường y sau khi tốt nghiệp cấp ba. Nhân nói :

- Mẹ của Kim Oanh và chị của Nhân là đồng nghiệp, vậy là hai đứa mình cũng sẽ là đồng nghiệp sau này hén.

Không cần Nhân rủ rê thâm tâm tôi cũng đã ấp ủ từ lâu ước vọng học y khoa theo nghiệp ông ngoại và mẹ tôi.
Thật vậy, sau khi tốt nghiệp Nhân đã vào học năm nhất Đại học y ngay, thấy vậy lòng tôi càng nung nấu quyết tâm mình sẽ được vào trường y giống Nhân.

“Đời không như là mơ, nhưng đời thường giết chết mộng mơ” bài hát tôi nghe từ lâu lắm và chỉ nhớ câu này duy nhất. Dường như lời này đã vận vào số phận của tôi. Mọi ước vọng sụp đổ tan tành, những dự định sau khi học hết phổ thông bỗng như khói như mây bay theo hư không. Không phải số điểm tốt nghiệp tôi kém mà ngay từ khi nộp đơn xin vào trường tôi đã vấp phải một rào cản đã quy định thành văn bản rõ rệt, chỉ với hai chữ “lý lịch”.

Dắt chiếc xe ra khỏi cổng trường tôi đạp chầm chậm ngang qua nhà thờ ngã sáu, con đường bỗng dài thăm thẳm, bên kia đường hàng cây dầu bỗng hóa thành hàng rào cản khổng lồ trong tầm mắt tôi khi nhìn lên trời cao. Tôi đạp xe lang thang theo hướng vô định bỗng chốc thấy mình quay ngược trở lại con đường cũ, dưới chân hai hàng sao dầu, dọc theo vách tường rào dài và cao là những mảnh giấy bìa, chiếu rách, nylon vá víu che chắn thành những chiếc lều xiêu vẹo, nơi trú ngụ của những gia đình bỏ về từ các khu kinh tế mới của nhà nước. Người ta ăn ngủ nấu nướng trong những chiếc chòi, giống thuở hồng hoang ăn lông ở lổ, thật vậy nhiều gia đình ban ngày nằm vạ vật chốn công viên, đêm về trú ngụ dưới mái hiên nhà, thậm chí trước cửa nhà mình khi chưa bị lùa đi “kinh tế mới”.

Buồn quá tôi quen chân đạp xe đi mãi cả buổi sáng cuối cùng thấy mình về nhà ngoại, tiệm thuốc ông ngoại cũng phải vào tổ hợp chẩn trị y học dân tộc, sau khi đã dùng hết những vị thuốc cũ nên ông được chỉ đạo trồng xuyên tâm liên thay vào vì nó chữa được bá bệnh. Tôi tẩn mẩn kéo các hộc tủ chứa các vị thuốc giờ trống rỗng than với ngoại.

- Con không thể vào Đại học Y ông ngoại à.

Nằm trên bộ ván ông ngồi dậy hỏi :

- Sao vậy con, con thích học trường này lắm mà.
- Lý lịch con thuộc nhóm cuối cùng, mà lớp thì giới hạn số người. Bốn cấp kia được ưu tiên vào trước, chừng nào mới đến phiên con được xét đơn !

Ông ngạc nhiên hỏi :

- Ông tin nếu con học giỏi thì sẽ được vào thôi, sao lại có chuyện bốn năm cấp gì ở đây ?
- Tại ông ngoại không biết thôi, con đã đi nộp đơn rồi mới biết. Trường xếp theo thứ tự ưu tiên nhận vào: Đầu tiên là thương binh đang tại ngũ, kế tiếp là con liệt sĩ, thứ ba là con cán bộ hoạt động cách mạng, thứ tư là con dân thường có lý lịch trong sạch với điểm cao tối đa. Lý lịch trong sạch có nghĩa là cha mẹ không có ai đi lính hay làm việc cho chế độ cũ. Bao nhiêu đó được ưu tiên nhận vào đã đầy đủ, thiếu lắm thì được vài chỗ cho dân thường chen vào còn không hết, cho dù con có học giỏi đến mấy cũng đâu còn chỗ nào cho con đặt chân vào, con chỉ buồn vì họ chỉ xét lý lịch chứ không qua học lực.
- Con có buồn vì lý lịch mình không trong sạch không ?
- Thế nào mới được gọi là trong sạch ? Chuyện ấy đâu phải do mình làm ra hay quyết định được đâu ông ngoại !
- Con hiểu vậy mới là cháu ngoan của ông, tương lai nếu con dù không phải là bác sĩ, chỉ là một điều dưỡng nhưng con yêu nghề sống với y đức con mới là người có ích cho xã hội giống như má con bây giờ. Còn quàng vào người cái bằng cấp cao không tương xứng trình độ không đủ tài, đức sẽ là một mối nguy hại rất lớn cho xã hội.
- Nhưng nếu con có khả năng nhiều hơn con lại không có môi trường phát triển khác nào tài năng bị thui chột !

Ông ngoại vuốt tóc tôi thở dài :
- Thời buổi đổi thay không muốn thế cũng không được, đành phải vậy thôi con ạ !

Cánh cửa vào trường đại học xem như đã khóa chặt với tôi ! Dù không vui tôi cũng phải nộp đơn vào trung cấp y tế theo ngành nghề mình ưa thích. Bây giờ tôi mới biết Nhân dễ dàng vào đại học Y khoa vì ba ruột Nhân là một cán bộ thoát ly theo đường dây ra Bắc vào năm Mậu thân chứ không phải người đang ở với má Nhân sau này.

Thành phố mười mùa hoa cũng là mười năm ba tôi trong tù, cũng may vào thời điểm này ba tôi được cho về và tôi cũng sắp ra trường sau mấy năm học tập. Nhà tôi dời ra khu ngoại ô trên bán đảo Thanh đa sau khi bà nội tôi qua đời, nhờ đất rộng lại bị quản chế nên ba tôi đành ở nhà nuôi heo, mỗi ngày trên đường đi học về tôi ghé các quán ăn quen để lấy các thức ăn thừa cho vào hai cái thùng thiếc máng phía sau xe, vì bầy heo gia tăng nên phải cần thực phẩm nhiều hơn.

Một hôm trên đường về gặp trời mưa, đường trơn xe lao xuống dốc cầu vấp phải cục đá lại bị hai cái thùng phía sau nặng nề khiến tôi không kềm được tay lái, chiếc xe đổ nhào vào vệ đường làm cái thùng bẹp miệng, cơm heo chảy tràn tuôn theo dòng nước xuống ven đường. Một cặp trai gái đang trú mưa dưới hiên nhà nhìn ra, tôi nghe tiếng người con gái quen quen kêu lên :

- Con Oanh kìa, ủa nó đang chở cơm heo.

Mặc cho mùi chua lòm của cơm thừa canh cặn, đưa tay vuốt nước mưa trên mặt, tôi thấy con Hiền, nhỏ bạn ngồi cạnh tôi mấy năm cấp ba đang đứng cạnh Nhân dưới hiên nhìn ra. Tỉnh bơ tôi nhoẻn miệng gượng cười đỡ chiếc xe đạp lên loạng choạng tiếp tục chạy dưới mưa.

Những tình cảm nhẹ nhàng, xao xuyến của đứa con gái vào năm cuối cấp giữa tôi và Nhân bỗng ùa trở về khiến lòng tôi hơi chua xót. Hồi ấy biết Nhân có cảm tình với tôi, lại thêm có cùng ước vọng tôi tưởng tình cảm của chúng tôi tiến xa hơn ! Ngờ đâu chuyện lý lịch khiến tôi không được vào đại học, do vậy tôi hiểu thêm được Nhân và tôi sẽ không bao giờ có cùng chung con đường thăng tiến sau này, lại không còn học cùng trường nên tôi chủ động áp dụng câu “xa mặt cách lòng”.

Ra trường tôi được mẹ xin về bệnh viện của bà làm việc, tôi gặp Nhân đang thực tập năm cuối ở đây. Cũng giống như ngày xưa Nhân nói hai chúng tôi là sẽ đồng nghiệp của nhau tuy rằng bây giờ đã khác vị trí, dù vậy tôi vẫn không có chút gì mặc cảm, vẫn thừa kiêu hãnh để làm bạn bè của nhau. Những người Cộng sản luôn đả kích chế độ phong kiến nhưng thực tế họ là những người bảo vệ chế độ này tuyệt đối theo nghĩa “Con vua thì được làm vua “. Xét tuyển lý lịch mọi thứ là điển hình, chỉ có con cái của những người đảng viên, chức sắc thông qua giới thiệu mới được chen chân vào guồng máy cai trị, ăn trên ngồi trước, nắm giữ vị trí quan trọng cho dù là bất tài, vô học.

Thời gian này cả nước rúng động vì liên tiếp hai ca mổ hai cặp trẻ song sinh dính liền thành công, trong khi ngay cả nước Nhật cũng không dám thực hành. Đọc danh sách đội ngũ bác sĩ chính thức tham gia hầu hết đều được đào tạo trước năm 1975 tại miền Nam. Kết quả chứng minh thành công của nền giáo dục ngày trước đã không phân biệt, khám phá và cho cơ hội đồng đều với những ai có tài năng qua quá trình học tập.

 Niềm vui bất ngờ lại ùa đến, những người bạn của ba ở nước ngoài viết thư nói về chương trình HO sẽ bắt đầu và gia đình tôi có đủ tiêu chuẩn được nhận đi Mỹ, chị em bọn tôi lại lục tục chuẩn bị cắp cặp đi hoc. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học Anh văn. Tình cờ là ở lớp anh văn tôi gặp lại Hiền, con nhỏ đang học năm thứ năm cùng trường với Nhân. Ba năm ngồi cạnh con nhỏ tôi hay nghe nó kể chuyện giàu sang của gia đình. Nó hay kể ba nó bảo :

- “Các con phải luôn nhớ ơn bác Hồ vì nhờ bác gia đình ta mới có được ngày nay”.

Cũng nhờ là hậu duệ ưu tú của bác nên nó ưu tiên vào đại học mặc dù trong lớp thì học dở vì vào lớp chỉ toàn ngủ gục. Gặp lại nó tôi vẫn vui vẻ bình thường nói chuyện giống như những ngày còn học cấp ba. Tôi hỏi :

- Tao nghe nói học y khoa cực lắm vì nhiều bài vở và phải đi thực tập ở bệnh viện, làm sao mày có thì giờ học Anh văn như vầy.
- Ghi tên học cho có thôi, lấy thêm cái bằng A bằng B giống người ta ấy mà.
- Mày muốn lấy bằng thì phải thi đó.
- Dễ thôi, bỏ ra ít tiền nhờ người thi hộ là được rồi.
- Kể cả mày phải làm luận án khi tốt nghiệp y khoa ?

Nó thành thật :

- Có tiền là có tất mày ạ. Họ nhận làm luận án cho mình từ A đến “Zét”, dĩ nhiên là phải hay hơn tớ gấp mười.

Nghe nó nói thế tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán, bác sĩ như nó có chữa bệnh thì “lợn lành thành lợn què” cũng chẳng sai.

Những buổi học Anh văn nó có mặt bữa đực, bữa cái. Hôm ăn tất niên nó mở tiệc ở nhà mời thầy giáo trẻ và cả lớp đến dự. Hôm ấy tôi bận giúp ba chăm sóc đàn heo mới đẻ nên không đi, vào lớp nghe mấy nhỏ kháo nhau “Trời ơi, nhà chị Hiền nguyên một căn villa to đùng chỉ một mình chị ấy ở, tối đó chị mở nhạc nhảy nhót vui lắm, cả thầy giáo cũng nhảy nữa. “. Căn vila này nằm trong cư xá ngày trước chắc lại tịch thu của ai đó rồi chia chác lẫn nhau thôi.

Tôi cũng hay gặp Nhân đi đón Hiền ở cổng trường Anh văn. Cũng phải thôi, cả hai cùng nhìn một hướng vì có cùng nguồn gốc xuất thân. Một bữa Nhân chủ động rủ tôi đi uống nước với Hiền. Bỏ qua một bên quan điểm chính trị và rào cản của chế độ, chúng tôi vui vẻ nhắc lại những đặc điểm và kỷ niệm của thầy cô, đùa với nhau như ngày xưa thời còn học cấp ba.
Hiền hỏi tôi :

- Oanh, mày còn nhớ hôm bọn mình trống một tiết cuối, mấy đứa đứng trên hành lang trước cửa lớp bên cạnh nhìn xuống đường nói chuyện, bị thầy xách cây thước bảng đét vào mông đuổi đi về không ?.
- Ừ, tao còn nhớ cả đám đang đứng bỗng nhiên mông bị quất một cái “bép” kèm theo câu quát : “đi về, đi về”.
- Cũng may ông ấy đánh bằng thước bảng chứ không phải bằng tay.

Nói xong nó cười rũ rượi làm tôi và Nhân cười to theo, Nhân hỏi :

- Oanh đi học anh văn chắc sửa soạn đi Mỹ ?

Tôi gật đầu :

- Ba của Oanh được chính phủ Mỹ cho đi định cư theo diện HO.

Không biết tôi có chủ quan không, tôi thấy trong mắt Nhân thoáng một chút tiếc rẻ qua câu nói :

- Ở đời ít ai biết được tương lai ngày mai của mình. Có những việc xảy ra hôm nay tưởng là may mắn nhưng rốt cuộc lại là bất hạnh, không may về sau.
- Nhân nói đúng đó, nếu hồi ấy ba Oanh được thả về sớm trước thời hạn ba năm thì không được đi đâu. Chẳng ai biết được trước may hay rủi trong đời.

oOo

Sau bảy lăm vào trường học lại, nhìn lên tường không còn thấy những câu khẩu hiệu cũ :

- “Tiên học lễ, hậu học văn”

hoặc

- “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.( Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác )”.
- “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
- “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
- “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Thay vào là những câu :

- Chủ nghĩa Mác lê nin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm ?
- Không có gì quý hơn độc lập tự do !
- Vì lợi ích trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

Những khẩu hiệu sặc mùi chính trị và đấu tranh bọn trẻ con tôi ít khi để ý vì không đơn giản để hiểu. Cho đến bây giờ ba mươi tám năm trôi qua tôi mới thực sự hiểu câu : “… trăm năm trồng người”.

Những gì xảy ra cho ngành y tế ở Việt Nam ngày nay là kết quả của việc “trồng người” được cẩn thận chọn lọc từ những năm cuối thập niên bảy mươi và năm tám mươi trong việc đào tạo. Những câu biện hộ chống chế về những sai sót xảy ra cho bệnh nhân vì “… đội ngũ bác sĩ đã có hơn ba mươi năm kinh nghiệm …” khiến tôi nhớ lại khoảng thời gian này trùng hợp trong việc chọn lựa lý lịch trong đào tạo. Ngày ấy hệ bổ túc văn hóa một năm lại được học ba lớp sao cho đủ tiêu chuẩn để có bằng tốt nghiệp phổ thông, từ đó được xét vào thẳng vào các trường đại học theo ưu tiên cho thương binh, con liệt sĩ, cán bộ đang công tác.

Nhìn vào thực tế các ngành y tế và giáo dục đã và đang xuống cấp trầm trọng ai cũng hiểu chúng là nguyên nhân kéo theo một xã hội băng hoại về đạo đức, nhân sinh, tất cả là hệ lụy do từ việc trồng người của chế độ.

Cỏ Biển
Đầu xuân 2014.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014