SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

Chuyện ANH và TÔI

 Đàn Én Báo xuân & Nút Áo Chết Tiệt

Mặt nước hồ Xuân Hương dịu êm, phẳng lặng, xanh biên biếc, như loáng men thủy ngân long lanh dưới ánh mặt trời trong veo phả sương bàng bạc. Gió hiu hiu hây hây vừa đủ lạnh xua chiếc thuyền con như chiếc lá tre bồng bềnh, đơn độc phơi mình trên mặt nước. Con thuyền độc mộc nhè nhẹ trôi lui trôi tới bên cọc cắm. Buồm cột không chặt đang rung khe khẽ, hoà cùng tiếng thông reo vi vu, và tiếng tơ trùng hòa ngân muôn điệu. Bỗng chốc bầu trời vần vũ mây xám, ánh sáng yếu ớt nhợt nhạt khiến tiết trời càng giá lạnh, cái lạnh bén ngọt sắt như dao cau quệt phớt vào da, khiến các trẻ con và đàn bà cô gái Đà Lạt đều có đôi má phớt hồng, hồn nhiên tươi tắn, môi mọng đỏ như hạt lựu.

Khi sương trắng đọng trên thành phố núi, tôi thích đứng bên ô cửa hà hơi vào những khung kính mà viết tên chàng. Khổ quá! Bất cứ đứng ngồi ở đâu, làm gì, tôi cũng gợi nhớ xôn xao đến tình xưa kinh khủng. Thời gian thấm thoát trôi qua, thế mà đã đến ngày bế giảng khóa hội thảo và huấn luyện thông tin dân vận. Tờ nguyệt san đầu tiên của khóa Một mang tên “Tự Nguyện” đã phát hành, gồm có những cây bút chuyên về văn, thi, hoạ sĩ... (cây nhà lá vườn “sáng tác, chiều tác”) những bài tùy bút, văn xuôi, thơ tình hay hay, thật dễ thương. Tôi cũng góp mặt trong tuyển tập I mấy bài văn và thơ. Đồng thời tôi sinh hoạt trong Ban Biên Tập cùng Thiên, Thanh, Thứ… để viết những bài nhận định, thư ngỏ, bình luận, quan điểm, lập trường của đoàn công tác thông tin dân vận Đà Lạt.

Rồi; trường tổ chức nguyên ngày cho khoá sinh đi thưởng ngoạn thắng cảnh dưới Quận Đức Trọng, địa điểm là suối Bồng Lai. Từ mờ sáng trong phòng rộn lên những tiếng cười nói vui vẻ, náo nhiệt hết biết! Ai nấy đều mặt hoa da phấn, hớn hở kêu gọi nhau chuẩn bị hành trang lên đường. Họ chia ra từng tốp năm tốp ba đi ra chợ mua thêm trái cây, nước uống, bánh mì. Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị đâu vào đó tươm tất. Hai chiếc xe đò do trường bao chuyến có hai tấm biểu ngữ móc ở hai bên hông xe bay phần phật, chở bốn mươi người dự thảo viên và mười ông thầy giảng viên đi picnic. Nào ca hát, nào đàn, nào kể chuyện tiếu lâm, trên xe cứ om sòm ỏm tỏi như đám rước ngày hội lớn, vui vẻ chưa từng thấy. Tới dòng suối Bồng Lai cắm lều. Con suối thong thả chảy lượn qua các mô đá nép mình bên những bụi sim tím, bên những đoá hoa dã quỳ vàng óng và những bụi hoa cỏ dại không tên. Nước trong xanh lấp lánh ánh mặt trời róc rách chảy dưới chân. Làn gió mát rung rinh thấp thoáng trong rừng thông rì rào đong đưa cành lá, và choài mình ra mé suối, thoang thoảng mùi hương hoa núi đồi dìu dịu thơm thơm lả tả hoa núi bay về.

Lần đầu tiên các bạn thấy tôi mặc áo sơ mi trắng nõn, váy đầm đen, thắt nơ đen trên cổ, đi giày cao gót. Họ to nhỏ xầm xì với nhau là:

- Trông con Thụy đẹp giống như cô đầm lai hí.
- “Mi nhon” hết sẫy!

Lại vẫn cái tính xầm xì bàn tán to thật to bất lịch sự như hồi nào í. Có một hôm tôi mặc bộ đồ ngủ mỏng, bên ngoài khoác thêm chiếc áo ki mô nô, thì tôi bị mấy “anh chàng và mấy cô nàng nhà quê” ở trong phòng ngủ xúi giục, nên con bé Nuôi tài lanh xí xọn và ngu xuẩn cứ chạy đến bên tôi cười hì hì. Bỗng nó tốc áo kimono của tôi lên cao hoài, cho mấy tên con trai dòm vô. Họ xem tôi có mặc quần lót không! Thật bất lịch sự, lố bịch, vô duyên, mất dạy, thô bỉ hết biết ha! Trong đám bạn gái của tôi cũng có nhiều cô đẹp như: Tương Chi, nghe nói Chi đang mê Thư lắm. Chanh cũng đẹp, nhưng cô ta đã có chồng tên Mỹ làm Cảnh-sát, Chanh có một đứa con gái ba tuổi, mà vẫn được Thanh làm cùng Ty mê tít thò lò. Anh chị nầy hẹn hò “nhảy dù đi đêm” hoài. Nào là: Hằng sắp làm đám cưới vội nay mai, dù ba mẹ cô ta không đồng ý cho cô lấy người chồng mà họ cho rằng không xứng đáng. Nhưng Hằng đã mê muội và “lỡ dại” sắp có con! Hằng khóc than với bạn: “Thà rằng chẳng biết cho xong. Biết ra như xúc, như đong lấy sầu”. Đã lỡ mất rồi. Tình yêu hai người ấy nay ra nông nỗi nầy: “Chưa được thì hứng bằng rá. Được rồi thì đá bằng chân”. Hằng gặp phải thứ chồng không chức không phận thấp hèn mà cứ tưởng là “ta đây”…  Huệ có chồng con đình huỳnh, nhưng hai vợ chồng không hợp, Huệ bỏ chồng về nhà sống với mẹ của cô. Nay Huệ được ông Tiến là Phó-giám-đốc khóa hội thảo thương yêu, hai anh chị “mùi” ráo riết. Cả em Nuôi mới mười lăm tuổi nhưng cũng có anh bồ gộc là Dzuật (giảng viên) và Trung, Phong cùng làm trong văn phòng yêu thương Nuôi da diết. Nay em hẹn đi ăn với Trung, mai em đi chơi phố với Dzuật, hoặc Phong. Tay ba nầy ghen nhau loạn xạ. Trung là học viên nên không dám làm gì to chuyện, chỉ ghen ì xèo khi Nuôi bỏ anh, mà đi bồ với Dzuật. Có Tuyết, cô em gái láng giềng Hà Đông của Thứ, Tuyết có anh bồ là Sao đang cặp kè, họ thề hẹn vài tháng nữa sẽ làm đám cưới. Có Lăng và Nở-Hoa cũng khắng khít “nhỏ to tâm sự riêng”. Ôi! Cứ loạn xà ngầu như đám bùi nhùi. Và, còn nữa… Còn tôi nữa…

- Mời Thụy vào gốc cây nghỉ chân uống nước, ăn bánh ngọt với chúng tôi.
- Cám ơn Dzưỡng, nếu có trái cây, thì tôi ghé. Còn ăn bánh uống nước, thì tôi no rồi.

Thứ đi dạo xem phong cảnh cạnh bên tôi, anh sợ mất lòng bạn, nên vội đỡ lời:

- Cô ấy đùa cho vui ấy mà.

Tôi vừa đi vừa mỉm cười:

- Thật đó. Bụng của tôi và các bạn lọc ọc bao nhiêu thức ăn, và cả lít nước rồi. Không biết sao mà còn mời lơi!

Vì Dzưỡng không biết là tôi rất không ưa Dưỡng, tôi đang giăng bẫy để đưa Dzưỡng vào tròng, cho bỏ ghét. Tôi dừng lại khi Dzưỡng ồn ào nói:

- Vậy chúng tôi gồm: Trung, Phương, Dzưỡng, Hạnh, Liễu, Thanh, mời Thụy và Thứ vào đây. Chứ làm gì mà hai anh chị “úp mở”, cố đi riêng lẻ thế!
- Hứ! Cảm ơn mỹ ý của bạn. Tiếc là tôi ớn lên tới cần cổ.

Đoàn học viên lên xe trở về Lữ quán thì tôi lanh lẹ vơ vội quần áo, rồi chạy đi xí phòng tắm. Bọn con gái giành hết mười mấy cái phòng tắm trước bạn trai chậm chạp. Con gái bao giờ cũng có cái “ma lanh láu lỉnh” hơn con trai là gì! Ngày cuối cùng chúng tôi ăn cơm ở lữ-quán. Nhà bếp cũng tỏ ra biết điều, họ cho chúng tôi ăn cơm ngon hơn. Mọi ngày thì khẩu phần rất ẹ: Hôm nay nào gà rô ty, sườn heo nấu đậu, canh rau cải nấu tôm tươi, thịt bò trộn xà lách, cả món tráng miệng là chè hạt sen (thay vài bánh ngọt, hay chuối mỗi ngày).

Đêm văn nghệ thật vui, sôi động qua nhiều tiết mục: Đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca. Hai vũ khúc. Hai hài kịch. Tôi tham gia trong mục song ca, vũ khúc, và thủ diễn vai chính trong một hài kịch. Tất cả mọi người phải tự biên tự diễn một vài thứ, miễn là có tham gia văn nghệ, để chấm thi ngày ra trường. Ông Giám-đốc Tào cũng như ông Trưởng Ty Triết sẽ tùy thuộc vào khả năng của mỗi người, hầu phân phối chúng tôi đi làm việc ở ngay Ty, (trong thành phố) hoặc phải tỏa đi ba Quận, Huyện lân cận xa xôi.

Thứ ca bài “Đường Chiều” và “Con Thuyền Không Bến” và tự đánh đàn guitar, đàn Haiwaii. Ôi! Tiếng đàn trầm bổng thánh thót khi khoan khi nhặt, cùng tiếng hát trầm ấm ngọt ngào đầy tình người và rung cảm của anh, như xoáy sâu vào lòng người! Trong phòng không ai biết anh có biệt tài. Bây giờ cả hội trường đông nghẹt sinh viên học sinh và lớp hội thảo đang nồng nhiệt hoan hô Thứ, thì Trung, Phương, Thanh… hết thảy bọn họ đều rất thán phục, hết dám lên mặt làm “thầy đàn” khinh thường tài nghệ của Thứ. Bởi vì những buổi ca hát trong khoá hội thảo nầy, Thứ chỉ cười cười ngồi im lặng ở dưới làm khán thính giả, nghe họ múa rìu qua mắt thợ! Tuyệt nhiên anh không hề lên sân khấu biểu diễn tài nghệ (duy chỉ có tôi ở trong đoàn là biết anh rất có biệt tài lẫy lừng mà thôi). Sau những giờ phút làm chao đảo lòng người ấy, mặc các bạn la ó đòi Thứ đích thân đệm đàn cho ban nhạc tự phát, (vì Trung, Phương, Thanh, đánh đàn không có phương pháp, không học theo sách vở với thầy bà nào. Họ chỉ “đàn mò, học lóm lỏm bỏm”. Các “ca sĩ miệt vườn” hát một đường, họ đàn đệm đánh một nẽo! Bùm búm bum… từng tứng tưng… tằng tắng tăng).

Thứ học hai thứ đàn nầy đã chín năm do thầy nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Hoàng Hà dạy, anh đàn có căn bản hẳn hoi. Họ kêu gọi Thứ lên sân khấu, nhưng anh nhất định trốn vào phòng ngủ, không chịu ra hội trường. Hôm nay tình trạng giường nệm ở phòng ngủ rất lộn xộn, không sắp theo thứ tự như cũ, vì tất cả giường phải kê sát vào nhau, dồn vô trong góc vách, bên ngoài tấm phông che, cần có chỗ rộng để làm thêm sân khấu và làm sàn nhảy đầm. Nên ai muốn ngủ ở giường nào thì ngủ, thật ra không biết giường nào là của mình ở “góc mô” mà tìm. Ngoài kia dù đã khá khuya, nhưng các bạn tổ chức “đêm không ngủ” ca hát, ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Tôi đi tìm giường của mình, mới khám phá ra một điều bí mật lý thú không thể ngờ: Khi tôi vô phòng ngủ chuẩn bị leo lên chiếc giường của mình, mới giật mình thấy Thứ đứng ở một góc mờ mờ tối dưới đất, anh ta đang ngửa mặt lên cao, vòng tay Thứ ôm lên cổ Tương Chi. Còn cô ta thì nằm sấp trên chiếc giường cao ở tầng hai, cô ta cúi mặt xuống trên mặt Thứ đã ngửa lên. Bất chợt thấy tôi bất ngờ vào phòng ngủ, họ vội vàng buông nhau ra. Vờ như không trông thấy cử chỉ của hai người, tôi cúi mặt lặng lẽ leo lên giường của mình, và lúi húi thả mùng xuống. Tôi không thể ngủ được, vì ngoài kia còn ồn ào náo nhiệt kinh khủng. Tôi đang lim dim mơ màng, thì Mai và Huệ vào phòng tốc mùng, kéo giật tay tôi lôi xuống giường:

- Lớp tổ chức cuộc chơi bắn tên, chơi mèo bắt chuột, trốn tìm. Có thưởng lớn. Thụy phải ra tham gia, không ai được ngủ cả.

Quả thực lúc đó trong phòng chỉ có mỗi mình tôi đi ngủ. Họ đi đâu cả rồi? Nằm một mình trong phòng mờ tối, không ngủ được, dù bên ngoài vọng vô ồn ào, nhưng tôi hơi sợ ma. Nên tôi theo hai bạn gia nhập vào cuộc chơi trẻ con nầy. Nhưng lòng tôi cảm thấy buồn lắm. Sau đó tôi lẻn vào phòng kế bên, là leo lên đống nệm, gối, mền, thật cao của lữ-quán. Tôi nhảy tủm xuống bên góc kín đầy nệm tối và khuất ở phía trong, tôi dự tính để trốn mấy bạn, hy vọng không ai tìm ra, tôi có thể ngủ chốc lát. Nhưng tôi giật nẩy mình, toan hét tướng lên, khi thấy Thứ đứng phắt dậy ở một xó góc như cái hang ổ kia. Anh lanh tay lấy tấm mền phủ lên sau lưng. Tôi hoảng hốt khựng lại:

- Úi chèn đét ơi! Anh làm cái gì đó?
- Thì… đi trốn.
- À… cái anh nầy! đã nói là “đêm không ngủ” sao định chui vào đây “ngủ lén” ha!? Có ra chơi với các bạn không thì bảo. Không thì tôi la lên. Họ vào đây lục soát, coi anh làm gì, thì chết đa. Ai nằm ngủ với anh đó?
- Ha… à… Bạn.

Tôi lại trèo lên đống nệm gối bị rách vứt bừa bãi, tôi nhặt mấy sợi lông vịt (những lông tơ vịt làm gối) đã dính trên tóc anh. Tôi kéo tay Thứ theo, anh nói:

- Em đi ra trước đi, rồi anh… sẽ đi ra.

Tôi tụt xuống đi ra ngoài hội trường và ca hát nghêu ngao. Gần ba giờ sáng khi Tương Chi từ trong phòng ngủ đi ra, cô ta lên sàn nhảy với bạn, tôi thấy vài lông vịt dính trên mái tóc dài của nàng, giống như lông vịt dính trên đầu Thứ lúc nãy. À… thì ra tôi đã hiểu… cô ta chính là “bầu bạn… Thứ”. Bốn giờ rưởi sáng, hầu như không ai còn có thể thức trắng đêm như đã hẹn, nên họ lần lượt rút lui về giường ngủ. Tôi leo lên tầng trên một cái giường bỏ trống ở trong cùng, thả mùng xuống, tôi nằm yên và chợp mắt được một lát. Bỗng tôi giật mình thức dậy, vì phía dưới cái giường đôi nầy cứ rung lên từng chặp, từng chặp. Tôi bực tức chồm người cúi xuống nhìn vào cái giường dưới lưng mình. Vì chiếc mùng trắng vải thưa hơi dày, nên tôi không nhìn rõ người con trai trùm kín đầu hắn, là ai!?. Tôi chỉ thấy cái sọ dừa tên kia đang nằm trên thân Chi. Cô ta nằm ngửa và mở mắt trừng trừng nhìn lên cái giường đôi, (là nơi tôi đã nằm)… Tự nhiên tôi nổi sùng, (có lẽ là lúc đó tôi “bực tức, ghen bóng ghen gió” khi biết hai người nầy thân thiết nhau?!), nên khẽ gắt:

- Tương Chi. Làm cái gì mà rung cái giường sắt dữ vậy! mầy?

Sợ bị lộ, mấy người con trai khác nằm ở giường sát bên giường của Chi, đã kéo hai cái mùng nhập cho vào nhau, để cho tên con trai đang nằm ở giường Chi, chui tọt qua bên giường của hắn. Rồi cả mấy tên lồm cồm luồn đi các giường kế tiếp ở nơi cuối góc phòng tối. Thì ra, mấy tay con trai ranh ma quái qủy nầy quá quắt lắm, họ cùng nhau ngồi chung một giường ở trong mùng, để nhìn qua bên giường Tương Chi “coi… màn kịch tình câm, hay để  “bề hội đồng?”. Khiếp! Cái lớp tự nguyện tự do thoải mái đầy hào hứng nầy là như thế đó!

* *  *

Lễ bế giảng khóa học được tổ chức khá linh đình, trang trọng dưới sự chủ toạ của ông phó Tỉnh-trưởng nội-an, qúy ông Giám-đốc, Trưởng-ty các ban ngành đoàn thể. Trong lớp học có học viên tên Lăng, ba mươi bảy tuổi, có lẽ anh là người già nhất trong đoàn thông tin. Lăng đại diện khoá sinh lên sân khấu lãnh bằng tốt nghiệp; (sau những ngày chúng tôi vùi đầu vào trang sách mở rộng, đây là quà lưu niệm của qúy ông phó Tỉnh-trưởng, các Giám-đốc, Ban-ngành trao cho nhóm người “Tự Nguyện”, các bạn đã được chính phủ thừa nhận tốt nghiệp). Tiệc tùng khoản đãi tưng bừng, vui vẻ không kém gì ngày hội lớn. Ấy là nhận danh hiệu cao qúy nhất mà mỗi người tốt nghiệp khoá I vinh dự thụ hưởng. Từ đầu đến cuối buổi lễ rất chu đáo, ông Châu phó nhòm chụp nhiều ảnh, quay thành phim tư liệu, mai mốt ông sẽ cho trình chiếu trên màn ảnh chương trình thời sự đó đây. Nhưng khi ông phó Tỉnh-trường và đoàn tùy tùng ung dung an vị trong những chiếc xe hơi đen bóng loáng ra về. Thì ở hội trường có ông đại diện Tỉnh-trưởng tai to mặt lớn nổi trận lôi đình với anh chị em khoá sinh. Chắp hai tay sau đít, ông ta đi lui đi tới:

- Anh chị em hãy cho tôi biết: Sao không có tấm bích chương móc lên ở chỗ được quy định ở bên ngoài khuôn viên lữ-quán vậy? Phía tay trái kia kìa! Câu biểu ngữ mà tôi định cho dán thêm bên hướng trái của lữ-quán, đâu rồi!? (đại ý là tỏ lòng tri ân và tâng bốc các vị quan to chức lớn, nịnh nọt lố bịch, coi thiệt chướng tai gai mắt thật. Vài ba người trong nhóm học đã đồng lòng cố ý bóc vứt đi, cho rảnh mắt).

Lăng đứng nghiêm chỉnh, cúi đầu thưa:

- Thưa ông, chúng tôi đã dán câu biểu ngữ như ông căn dặn. Nhưng khuya hôm qua có lẽ “kẻ gian” rình mò, phá hoại xé toạt đi. Chúng tôi không ngờ, nên đã dọn dẹp dụng cụ cần thiết. Sáng tửng bưng không thể nào chạy ra chợ mua vải về, làm lại tấm khác cho kịp.
- Làm cái gì cũng phải phòng hờ chứ! Nước đến chân phải biết nhảy.
- Còn dấu hồ dán và chút giấy màu đỏ trên tường… Chúng tôi có…
- Tôi không phải là cha cố… để anh chị xưng tội lỗi của mình, hay xin tôi tha tội đâu!

Ông ta lại đi tới rồi đi lui:

- Tôi thấy chứ. Các anh chị tài giỏi, hay… hay lắm! Hệt như một…

Định nói thêm câu xỉ vả gì đó cho hả giận, nhưng ông ta cố gắng kềm chế. Ông ta run run thò tay vào túi áo bành tô, rút chiếc khăn tay ra lau mồ hôi rịn trên trán. Chiếc kính mát vô tình rơi xuống đất, mà ông cũng không hề biết. Không ai kịp mở miệng nói, hoặc chạy đến nhặt lên dùm. Gót giày của ông dẫm phải, đã bể nát cái kính vỡ vụn dưới ánh mặt trời ấm áp lấp lánh, hai cái tròng không kính chổng cọng nham nhở giơ lên trời, trông dị hợm làm sao! Từ trong thâm tâm tôi cảm thấy bất mãn. Ông ơi! Không nên núp bóng cây cổ thụ lợi dụng quyền hành, để có thái độ kém tế nhị, to tiếng mắng kẻ dưới quyền ở ngoài công chúng. Khi bất ngờ họ có thể vô tình phạm ít sai sót lỡ lầm (đúng hay sai đến mức cần thiết) như thế! Ông đã lạm dụng quyền hành, lại tự hạ thấp mình vì chính bản thân chức vụ không cho phép ông đối xử kém tao nhã, thiếu phong cách một truyền nhân thông tin dân vận, như chúng tôi vừa học trong khoá hội thảo nầy. Mặc dù tôi biết bình thường ông là người khả ái ôn nhu cơ mà. Môi hở thì răng lạnh nhưng răng cứ tàn nhẫn cắn lấy môi đến chảy máu ra, mà vẫn khoe khoang với đời: răng với môi cùng xương cùng thịt trong một cái miệng, (cùng một dòng máu và nguồn gốc, chung lý tưởng, cùng sinh ký tử quy bên nhau, để bảo vệ quê hương). Là sao thế nhỉ! 

Thế là thay vì buổi tiệc thân mật giữa ban Giám-đốc, giảng viên, khoá tuyển sinh cùng bạn hữu gần xa đến tham dự, lẽ ra vui vẻ say sưa men hoan ca chiến thắng hương nồng, “trọn vẹn yêu thương” hay “đoàn kết và xây dựng”. Hôm nay đã bay vèo theo “bài học bích chương” mất toi! Tôi rầu rầu xách valy ra về với Huệ, Phương, Thứ, Luận, Thảo. Chúng tôi cùng chậm bước đi bộ xuống con dốc đường vòng trước mặt chùa Linh Sơn. Thứ hai tay bận rộn xách đàn, valy, amply cồng kềnh... vân vân… Thứ phải nhấc lên đặt xuống hoài. Bỗng dưng tôi nhớ lại mấy cái lông vịt dính trên đầu Thứ và Tương Chi, sau đó là chuyện cái giường cuả nó rung… Thành thật mà nói dù lúc ấy tôi chẳng luyến thương gì Thứ. Nhưng tôi cảm thấy muốn đoạt Thứ từ trên tay cuả Tương Chi (luôn tỏ vẻ ta đây có bộ ngực to to). Cho bỏ ghét. Tự nhiên lòng trào lên nỗi ghen, giận, hờn tức vu vơ. Tôi muốn Thứ tài hoa, điệu nghệ, lịch sự, và khá bảnh trai sẽ thuộc về tôi, vĩnh viễn. Tương Chi phải đau khổ khi mất người nó yêu. Chuyện toan tính nầy tôi biết là dị hợm, nhưng tôi có thể chắc chắn làm… được. Trời rất lạnh và mưa phùn bay lất phất, mà chiếc áo veston của Thứ không gài khuy nút, gió lùa bay giạt hai vạt áo về hai nơi, trên ngực Thứ lộ chiếc áo sơ mi trắng mong manh với cà vạt nâu sọc đen ướt đẫm nước mưa. Tôi dừng lại đặt va ly của mình trên lề đường, vui vẻ bảo anh:

- Sao anh không gài nút áo lại đi.
- … Ồ! Phải. Nhờ em tiện tay vui lòng gài nút áo hộ anh tí.
- Tôi tiện tay cũng định gài nút áo giúp anh đó.
- Cảm ơn Thụy.

Tôi chậm rãi gài nút áo cho anh. Nhìn Thứ, tôi thấy ánh mắt chàng ánh lên nét nồng nàn, xao xuyến, thân thiết, trữ tình kỳ lạ. Bốn mắt gặp nhau với niềm hân hoan trìu mến:

- Có lẽ từ nay anh phải nhờ em đi về chung lối, hầu ngày ngày gài giúp anh mấy nút áo, cho anh bớt lạnh.

Tôi mỉm cười trề môi ra, khẽ nhún vai:

- Vậy chứ để bà Tương Chi và bà Tuyết lại cho ai hả?
- Với họ, anh chỉ đùa cho vui…
-  .  .  .
- Thật đấy.       
- Anh đừng có mà… đa tình lãng mạn quá.   
- Một người duy nhất khác, anh đã chọn, thì không bao giờ thay đổi…
- Có ngày chết à.
- Được chết với người mình thành thật yêu thương (mà chưa dám thổ lộ)… thì còn gì hạnh phúc bằng. Hở Thụy.
- Chỉ khéo đùa dai và giỏi nịnh.
- Thụy không tin anh sao?
- Ai thèm tin cái người chẳng biết thủy chung.
- Em quá lầm rồi, Thụy yêu cuả anh ơi!
- Xiá. Hứ…

Mỗi người leo lên một chiếc taxi riêng biệt chạy về hai hướng khác nhau. “Hai anh chị” lưu luyến trìu mến vẫy vẫy tay chào từ giã. Người con trai trở về hướng Hà Đông. Người con gái lên xe trở ra phố, về nhà ở đại lộ Pasteur. Tiếng gió lộng thổi vào tấm kính trên phòng bên góc lầu rít lên khô khan, nghe thật khó chịu. Đám mây mù đen đen buồn bã buông lơi xuống thấp, tạo thành từng cuộn khói trắng đục rồi lẫn khuất vào trong làn mưa xám đục. Chiều xuống thấp xe bon bon qua những hàng thông cao sừng sững đứng thẳng tắp làng mạc nương dâu lặng lẽ gật đầu lùi về nơi xa xôi với đêm buông.

Chính vì có với nhau nhiều ngày cùng làm chung một công việc, mà tình cảm êm đềm và thật mơ hồ trong tôi đã len lén nẩy sinh với Thứ từ lúc nào, thật tình tôi không rõ! Tôi không thể nào ngờ -và không bao giờ nghĩ đến mấy cái nút áo chết tiệt kia- đã có sức mạnh xoay cả vận mệnh tương lai tình yêu của hai người. Giây phút định mệnh tình cờ (hoặc gọi là số phận “tài lanh và xí xọn”) trớ trêu đó đã mở to mắt, để cúi nhìn xuống đời dân dã, và bện quyện buộc chặt một sợi tơ vàng tuy mong manh; nhưng có đủ sức mạnh dẽo dai bền bỉ! Đó là ngày muà xuân có cơn mưa phùn buốt tê, có gió lồng lộng thổi về tràn ngập trên xứ hoa anh đào, có chiếc nút áo định mệnh chắc chắn của Thứ đã tình cờ trao vào tận tay tôi.

Phải! Có nhiều điều khác nhau, vô cùng xa lạ, nhất là về quan điểm, tính tình, đồng cảm, tình cảm. Một sự thiếu thông cảm đầy bất công, mâu thuẫn, mà lại xen lẫn niềm vui, hạnh phúc chợt đến, chợt đi, chợt về. Tình cảm đó không có cách gì hủy diệt được về cái ngày tiền định duy nhất: từ đàn én báo xuân khoảng chục ngàn con vượt vài trăm ngàn ki lô mét, từ phương Nam bay về tu viện San Juan Capistrano ; ấy là ngày 17 tháng 3 được mệnh danh: Swalows Day. Chính lúc đó có một chú én lạc đàn đã mang mấy cái “nút áo thần” bay xa, bay xa hẳn đàn. Nút áo chết tiệt có sức mạnh xoay cả vận mệnh. Đó là nút áo đen đen xinh xinh của Thứ đẹp trai, tao nhã, tài hoa, nhưng không hề có sự đồng cảm, thân mật hay truyền cảm cho lắm. Ối Giời ạ! Dạ, phải đấy…

(còn tiếp)
Tình Hoài Hương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014