SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

Đường phố Saigon

Sự phát triển của nền công nghiệp thúc đẩy tiến trình kỹ nghệ hóa, dẫn đến tiến trình đô thị hóa, để thay thế cho các khu vực định cư nông thôn lâu đời như làng, xã, ấp… Đô thị là một trung tâm dân cư đông đúc, là một khu vực có mật độ ngày càng gia tăng các công trình kiến trúc nhân tạo. Đô thị có thể là một thành phố, thị xã, thị trấn… Sự phát triển của các đô thị gần như rập theo một kiểu mẫu: đường phố mở tới đâu, nhà cửa xây tới đó.

Đường phố lúc đầu được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông, vận chuyển của con người, và dần dà theo đà phát triển của đô thị, nó phục vụ cho việc buôn bán, trao đổi thương mại, rồi trở thành nơi gặp gỡ giữa người và người, giữa các tư tưởng, văn hóa và giữa quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.

Đường phố là những con đường chính đi qua, hoặc xây dựng trên một, hay những con phố nhất định, mà người dân có thể tự do đi lại: hoặc đi bộ, hoặc dạo chơi, hoặc mua sắm… Danh từ đường phố đôi khi còn được xử dụng một cách bình dân thì nó đồng nghĩa với đường xá. Đường phố có nguồn gốc từ tiếng Latin là via strata, có nghĩa là con đường tráng nhựa. Đường phố bao gồm những lòng đường, lề đường, vỉa hè; Các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy; Các bùng binh, công trường, công viên … Đồng thời các công trình công cộng liên quan đến sự giao thông của đô thị như cầu, cống, đèn giao thông … Đường phố duy trì các hoạt động thương mại, xã hội, văn hóa, giải trí … làm nền tảng cho sự phát triển đô thị.

Hệ thống đường phố của đô thị, có thể được định nghĩa một cách tương đối như sau:

Đại lộ là đường phố có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt, giữ vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị, đáp ứng những yêu cầu căn bản về kỹ thuật và thẩm mỹ.

Đường là lối đi lại được xác định trong các kế hoạch của đô thị, có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị.

Phố cũng là lối đi lại được xác định trong các kế hoạch của đô thị, nhưng hai bên phố thường có các công trình nhân tạo kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, trụ sở …

Ngõ (Kiệt) là lối đi lại từ đường phố vào các khu vực sinh sống của dân cư đô thị.

Ngách (Hẻm) là lối đi lại nhỏ từ đường phố vào sâu các khu vực sinh sống của dân cư đô thị.

buồn vui bên đời. ta. em
ngắn - dài, rộng- hẹp, ngày - đêm . ta về
em đại lộ, anh hẻm kề
anh ngơ ngác, em say mê. phố. người - Nguyễn Đức Đát

Trong công cuộc Nam tiến bắt đầu từ thế kỷ XVII, những người di dân Đàng Ngoài đã khai phá vùng đất đầm lầy sông Bến Nghé thành một trung tâm chính trị- hành chánh (1659), rồi trung tâm chính trị - kinh tế (1790) của thời chúa Nguyễn, rồi vương triều Nguyễn (1802). Trung tâm này là Saigon- Gia Định thành, tạo ra một lối sống thành thị khác với nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nửa sau thế kỷ XIX, chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng hàng loạt các công trình căn bản ở Saigon như mở rộng, chỉnh đốn những con đường mòn sẵn có; lấp các kênh rạch, ao hồ để làm đường, xây nhà cửa, nhằm phục vụ cho việc cai trị và khai thác tài nguyên, nhân lực và thị trường rộng lớn của vùng Đông dương, nên tiến trình đô thị hóa ở Saigon diễn ra rất mau chóng. Saigon trở thành một đô thị lớn nhất Đông dương, một thương cảng nổi tiếng của vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á .

Từ giữa thế kỷ XX, Saigon là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, một trung tâm quân sự của Hoa kỳ ở vùng Đông Nam Á. Thành phố được mở rộng hơn nhiều, trở thành một đô thị lớn và hiện đại.

Sau năm 1975, qua tiến trình đô thị hóa ào ạt thiếu tầm nhìn xa, làm cho rất nhiều giá trị văn hóa của Saigon vốn sẵn có đã bị mất đi.

Saigon ngày đó rất hay
Xung quanh các phố còn đầy đất hoang
Người ta chưa sống lan tràn
Cả thành phố, chín trăm ngàn, thế thôi
Đường còn vắng, ít xe hơi
Honda chưa có, hay ngồi xích lô
Đôi khi thấy chiếc xe thồ
Khoan thai chậm rãi, ngựa ô chở hàng
Saigon nay sống vội vàng
Số dân mười triệu, cửa hàng như nêm
Saigon khi trước bình yên
Con người có vẻ cũng hiền hơn nay- Phạm Doanh

Mặc dù có nhiều biến đổi qua các giai đoạn lịch sử, Saigon từ trước đến giờ luôn là một thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục hàng đầu của Việt Nam.

“Chẳng biết từ bao giờ, người Saigon và các tỉnh thành miền Nam, có thói quen gọi rút gọn thành phố Saigon chỉ ngắn gọn là thành phố. Khi bạn nghe một ai đó nói họ vừa đi thành phố về, thì bạn phải hiểu là họ vừa đi Saigon về, dù nơi họ đang ở cũng là thành phố, như Cần Thơ, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku hay Đà Lạt … Có lẽ trong mắt người miền Nam, chỉ có Saigon mới thực sự là thành phố “ – Hà Tùng Sơn (blog.yume.vn- Tản mạn về thành phố)

Chưa đủ rêu nâu từng phiến gạch
Chừng như càng bão, lá càng non
Ba trăm năm lẻ bên bờ sóng
Vẫn thế thanh xuân
Một Saigon …- Lãm Nguyên  

Theo định nghĩa của UNESCO, thành phố ngã ba đường là đô thị mang nhiều nét văn hóa, chủng tộc, với lịch sử hình thành được đánh dấu bằng các đợt di dân từ nhiều xứ sở, địa phương, liên tục đổ về, lập nên một thành phố thu nhỏ. Các cộng đồng đó sinh sống bên cạnh nhau hoặc lẫn lộn với nhau.

Trong hơn ba trăm năm thành lập và phát triển, Saigon đã là thành phố ngã ba đường với tính chất đa dạng về văn hóa, chủng tộc, với các lối sống khác nhau song song tồn tại rất đặc biệt- Ta có thể tìm thấy ảnh hưởng của phương Tây qua các đường phố của quận nhất hay những con đường biệt thự của quận ba; Khu người Tàu Cholon quận năm, với những đường phố sầm uất, là trung tâm kinh tế lớn của cả thành phố; Nếp sống nửa phố thị, nửa miệt vườn của vùng Hóc Môn, Gò Vấp (trước năm 1975 thuộc tỉnh Gia Định); Các đường phố bán tạp hóa của người Ấn; Các  ngôi chùa Miên …

Cộng thêm địa hình có sông ngòi chằng chịt tạo thành hệ thống vận chuyển tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thông thương, trao đổi, qua lại – Lấy sông Saigon làm gốc, các đường phố ngang dọc chia thành phố (vốn trải dài ven sông, kênh rạch) thành những ô vuông hoàn chỉnh, thành những khu dân cư, khu thương mại, khu hành chánh… Với hệ thống thoát nước, nguồn điện lực… Với các công trình kiến trúc công cộng (trường học, công viên, bệnh viện, nhà thờ …) đường phố của Saigon có thể phân loại thành: đại lộ, đường, hẻm và hẻm.

em sẽ thấy
tất cả vẫn còn đó
chiếc hẻm đưa tới đường
con đường đưa tới phố
ở đó
dù nắng
dù mưa – Nguyên Sa

Khoảng chừng một trăm năm mươi năm trở lại, kể từ lúc người Pháp bắt đầu xâm chiếm thành Gia Định, Saigon mới trở thành một đô thị thực sự, với nếp sống, lề lối xuất phát từ một kiểu của “ mẫu quốc “. Họ xây dựng ở Saigon những đại lộ (boulevard) theo thiết kế của thị trưởng  Haussmann, áp dụng cho thủ đô Paris cuối thế kỷ XIX, là những con đường rộng lớn, có bốn lằn xe trở lên, có đắp con lươn ở giữa ngăn hai hướng đi về, thường được bố trí dọc theo các bờ sông, bãi biển. Hai bên đại lộ có vỉa hè rộng rãi, trồng cây cho bóng mát, dành riêng cho người đi bộ. Họ xây dựng những công trường, công viên, đài kỷ niệm, đài phun nước, các tác phẩm điêu khắc giá trị … ở đầu, cuối hay tại các giao điểm của đại lộ. Một số đại lộ lâu đời và nổi tiếng nhất là Charner – Nguyễn Huệ, Norodom- Thống Nhất, de La Somme- Hàm Nghi, Gallieni- Trần Hưng Đạo và Bonard- Lê Lợi…

Đại lộ Charner: Là con kinh rộng nhất (kinh Chợ Vải), nối tòa Thị Sảnh với sông Saigon, bị lấp đi thành đường Charner, còn gọi là đường Kinh Lấp. Sau năm 1956, đổi thành đại lộ Nguyễn Huệ cho đến nay. Ngày xưa trên đường này có Tổng Nha Ngân Khố, phòng trà Đêm Màu Hồng, vũ trường Queen Bee, dãy kiosques bán hoa tươi, đồ mỹ nghệ, phim ảnh, tráng rửa phim, photocopy, băng nhạc … nổi tiếng nhất là Đống Đa. Trước năm 1975, mỗi năm một lần, chợ Tết Nguyễn Huệ là chợ hoa xuân của dân Saigon, nơi du xuân và mua bán hoa. Sau năm 1975, chợ hoa trở thành đường hoa, trưng bày rực rỡ, công phu cho người ta thưởng thức.

Saigon có phố Duy Tân
Chơ hoa Nguyễn Huệ nhiều lần đưa em
Phố đông chợ Tết người xem
Mai đào huệ cúc đua chen đón chào – Lien Tran

Đại lộ Norodom: Đường mang tên này vì có dinh Norodom ở đầu đường, là dinh của thống đốc Nam kỳ. Sau năm 1954, dinh Norodom trở thành tư dinh của thủ tướng, rồi tư dinh của tổng thống VNCH, được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (khôi nguyên La Mã 1955) thiết kế lại, đổi tên là dinh Độc Lập. Mặt tiền của dinh là đường Công Lý (sau này là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) một chiều đổ xuống trung tâm Saigon. Mặt sau dinh là vườn Tao Đàn.

Đường Norodom đổi tên thành Thống Nhất và sau năm 1975 là Lê Duẫn. Đường Thống Nhất là con đường rộng lớn, tráng lệ và quan trọng nhất Saigon, là nơi tổ chức những cuộc diễn binh rầm rộ của quân lực VNCH. Đường này ở phía sau nhà thờ Đức Bà, đi đến hết đường, góc ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm là Sở Thú (Thảo Cầm Viên).

Tự Do, Thống Nhất dập dìu
Và dinh Độc Lập thân yêu, vàng cờ
Đức Bà, Cung Thánh, nhà thờ
Tháp cao với đỉnh trời mơ, thanh bình – Ngô Minh Hằng

Đại lộ de La Somme: Nằm chéo góc đại lộ Bonard, lúc đầu là rạch Cầu Sấu, hai bên có hai con đường cùng mang tên số ba, sau con rạch được lấp đi. Từ năm 1920, hai đường nhập một mang tên đường de La Somme. Sau năm 1956, đổi tên thành Hàm Nghi cho đến nay. Trên đại lộ Hàm Nghi ngày trước có đài Pháp Á, Tổng Nha Thuế Vụ, ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Banque Franco- Indochinoises, chợ chó, chợ chim …

Đại lộ Gallieni: Con đường dài nối liền Saigon với Cholon. Sau này là đường Trần Hưng Đạo Trên đường này ngày trước có Bộ Lao Động, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Sở Cứu Hỏa Đô Thành, nhà thờ Tin Lành…  Nhiều nhà hàng lớn và vũ trường như: Vân Cảnh, Arc-en-ciel, Tour d’Ivoire… Nhiều rạp chiếu bóng nhất Saigon: Đại Nam (nay là khách sạn Đại Nam), Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân), Hưng Đạo, Văn Cầm (đại lý Honda), Lido (bãi giữ xe), Oscar, Palace (rạp Đống Đa) …

Trần Hưng Đạo đại lộ dài
Song song Nguyễn Trãi chia hai yên nằm
Chương Dương nắng dãi mưa dầm
Nàng về Yên Đỗ có chàng đón đưa – Lưu Vĩnh Hạ 

Đại lộ Bonard: Đầu tiên là kinh Coffyn được lấp đi để thành đường mang tên số mười ba, rồi đổi thành Bonard. Sau năm 1956, trở thành Lê Lợi cho đến nay. Đường này chạy dài từ chợ Bến Thành đến trụ sở Hạ Viện, hay nói cách khác, từ công trường Quách Thị Trang (xưa là công trường Diên Hồng) đến công trường Lam Sơn (thời Pháp thuộc là Place Francis Garnier) – là nơi có tượng đài hai người lính Thủy Quân Lục Chiến VNCH ngày trước.

Góc Lê Lợi- Nguyễn Huệ là thư viện Anh ngữ Abraham Lincoln có gắn máy lạnh (trước đó là hãng xe Citroen Bannier). Sát bên là rạp Rex, rạp xi nê sang trọng nhất Đông Nam Á đầu thập niên 60, rạp đầu tiên ở Saigon có máy lạnh, âm thanh nổi stereo, màn ảnh đại vỹ tuyến và thang cuốn (rạp Rex và thư viện Lincoln bây giờ thành khách sạn Rex). Cùng phía băng qua đường là thương xá Tax (trước đó là Les Grands Magazins Charner), có tiệm kem máy lạnh Pôle Nord.

Đặt khẽ lên môi anh nụ hôn
Em có nghe hơi thở Saigon
Vương chút bụi khi ngồi Thanh Thế
Và nắng Bến Thành thơm rất thơm
Nếu chán. Chúng ta vô rạp Rex
Chờ xem phim lãng mạn ái tình
Chiến tranh- súng đạn. Thôi bỏ hết!
Cơm áo gạo tiền. Gác một bên
Hay tạt qua thương xá Tax
Loanh quanh đi cho trọn buổi chiều – Linh Phương

Đầu đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành góc Huỳnh Thúc Kháng có bệnh viện Đô Thành (nay là bệnh viện Saigon), cách vài căn nhà, ngã tư Lê Lợi và Công Lý là rạp hát Vĩnh Lợi (nay là sàn giao dịch chứng khoán), sát rạp là nhà hàng Thanh Bạch(nay là nhà hàng Bourbon Street). Lề đường phía rạp Vĩnh Lợi đi lên thương xá Tax không có nhiều tiệm buôn, chỉ có những quầy bán sách báo mới và cũ nằm dọc bờ tường, gọi là chợ sách vỉa hè (Vì ở khu trung tâm, nên sách cũ mà hơi cao giá hơn chỗ khác, nhưng bù lại rất phong phú cho sự chọn lựa).

Phía bên kia đường đông vui hơn nhiều, tấp nập cho đến tám, chín giờ tối. Ngoài các tiệm buôn, những người bán dạo cũng bày hàng ra đầy vỉa hè, chỉ chừa một lối đi cho dòng người lũ lượt qua lại. Đủ các mặt hàng cung ứng cho mọi nhu cầu: quần áo, giày dép, mũ nón, túi xách, tranh ảnh các loại treo tòn ten … cho đến dầu khuynh diệp bác sỹ Tín, pin con Ó, kem đánh răng Perlon …Lại có mấy tiệm kem, quán nước, nhà hàng ở vào vị trí thuận tiện, để khách bộ hành có thể vào nghỉ chân, giải khát rồi đi tiếp. Tùy túi tiền, người thì ly nước mía Viễn Đông, xâu phá lấu chấm tương ớt; Khá hơn thì vào Mai Hương ăn kem; Có tiền thì vào Kim Sơn uống cà phê, vào Thanh Thế ăn bún suông …, có thể nhìn bao quát con đường, ngắm thiên hạ qua qua lại lại, mặc sức mà “ rửa mắt “ với các giai nhân, kiều nữ Saigon thướt tha áo dài, tung tăng mini jupe hay uyển chuyển maxi …

Nhớ nhà Quốc Hội tòa cao
Lê Lai, Lê Lợi và nào Gia Long
Ngọt ngào nước mía Viễn Đông
Mai Hương kem lạnh mát dòng tuổi xanh
Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành
Ngựa xe, gái lịch, trai thanh sớm chiều - Ngô Minh Hằng

Trước năm 1975, người miền Nam làm việc sáu ngày một tuần, nghỉ ngày chủ nhật, nhưng công sở thì nghỉ từ chiều thứ bảy. Chiều cuối tuần, người Saigon đổ vào trung tâm thành phố dạo chơi, ăn uống và mua sắm... Trung tâm Saigon gồm khu chợ Bến Thành tỏa ra các khu lân cận, từ một đoạn Lê thánh Tôn tới khu  tòa Đô Chánh, khu Tự Do và nhà thờ Đức Bà gần đấy. Náo nhiệt nhất vẫn là đường Bonard- Lê Lợi.

“Dạo phố Bonard thực ra chỉ là đi lên đi xuống trên một đoạn đường, không phải để mua sắm gì mà chỉ cốt để ngắm thiên hạ đi lên đi xuống; nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác và thậm chí hết năm này đến năm khác, các bạn trẻ cũng không chán, mỗi lần đi họ cũng vẫn tìm được niềm vui mới và những điều mới lạ, thích thú “- Chu Trinh (gocong.com/ Dạo phố Bonard chiều chủ nhật)

Saigon nắng hay Saigon mưa
Thứ bảy Saigon đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trắng mềm bay xuống thơ – Nguyên Sa

“… Đường Lê Lợi, con đường tình sử, con đường xưa em (anh) đi, con đường của những bước chân chiều chủ nhật và thành ngữ bát phố. Chiều cuối tuần nào cũng thế, là chiều của riêng mình, của học sinh sinh viên, của em hậu phương anh tiền tuyến, của những tà áo như cánh bướm muôn màu, của những bộ đồng phục chải chuốt, của mọi người không phân biệt giai cấp … “-  Y Nguyên- Mai Trần (maivantran.com/ Du hành trên tuyến tàu xưa Gò Vấp)

Rất thật gần rất thật quen
Con đường nào ta xa lạ
Đêm Lê Lợi sáng rực đèn
Áo trận về bên áo hoa - Thylanthao

Đường Lê Lợi chiều thứ bảy, chủ nhật là nơi nam thanh nữ tú Saigon xôn xao xiêm áo, ăn diện đẹp đẽ chen vai, thích cánh nhau rảo bước trên đường. Họ đi để mua sắm thì không bao nhiêu, nhưng đi để mà đi mới là chính. Cô bước tới cậu bước lui, anh bước qua chị bước lại, ngắm nhìn nhau: mục đích của đi bát phố.

“Bát phố nghĩa là đi bộ, nhưng đi bộ không chỉ là ... đi bộ; Bát phố còn là đi dạo, đi ngắm ung dung, đi thong thả, đi mà mắt nhìn, tai nghe, chân không mỏi. Bát phố nghĩa là đi giải trí đấy, nếu mỏi chân thì tạt vào một cà phê terrasse- vỉa hè, lại nhìn ngắm, đón ngọn gió sông Saigon luồn qua tóc. Hoàng hôn của Saigon là một hoàng hôn thắp sáng ánh đèn néon, quảng cáo, quán ăn, quán kem, quán cà phê, hiệu cao lâu Hoa kiều .”- Đỗ (Khoảng lặng của điệu Twist-sgtt.vn)

Saigon dập dìu chiều thứ bảy
Nguyễn Huệ, Lê Lợi bát phố cùng ai
Ly kem ngọt lịm đôi môi mọng đỏ
Mắt mơ màng mộng tưởng chuyện tương lai – Lưu Nguyễn Từ Thức

Biết bao nhiêu kỷ niệm của biết bao người Saigon đã từng đi bát phố Lê Lợi ngày nào! Không khí tưng bừng, nhộn nhịp như ngày hội nhưng yên bình, người đi giữa đám đông ý thức hòa mình vào dòng người, chứ không chen lấn hỗn loạn như bây giờ. Thành phố Saigon sau bốn mươi năm “ được thiết kế và quy hoạch “ thì không còn chỗ để di chuyển hay nhúc nhích nữa, chứ nói gì đến đi bộ bát phố! Những địa điểm nổi tiếng một thời này bây giờ đã không còn tồn tại nữa – Từ quán kem Mai Hương góc Lê Lợi- Pasteur (nay là quán kem Bạch Đằng), đối diện rạp Casino Saigon (nay là một cao ốc đang xây), xe nước mía Viễn Đông biến mất, đến nhà hàng cà phê hè phố Kim Sơn, trên sân thượng là phòng trà Bồng Lai, từng chiếm lĩnh một góc ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực (nay là trung tâm vàng bạc đá quý Bến Thành), hay nhà hàng sang trọng Thanh Thế, cách Kim Sơn vài chục thước (nay là trung tâm kim hoàn). Nhà sách Khai Trí trở thành nhà sách Saigon.

Bây giờ con đường Lê Lợi không còn Kem- Cà phê nào mang tên Mai Hương
Bạch Đằng kem bây giờ không có ai tên Nhài ngồi đợi
Năm mươi năm khô khóc nói cho mềm là nửa thế kỷ
Bom và mìn lửa và khói- máu và nước mắt, trung thành và phản trắc, nói cho cùng là những vết thương
Đợi sao nỗi!
Nhưng có một chàng trai- già chợt nhìn rượu sủi tăm bắt đầu mộng du, mơ màng chút hương nếp Bắc, đến Mai Hương gọi một ly đen nóng
Ông hâm lại mối tình đầu không nơi nương tựa của mình
Mỉm cười với mình  -Chim Trắng

Người Pháp còn đem mô hình bourg (thị trấn) của Âu châu đưa vào Saigon: Một bourg có tâm điểm là nhà thờ, bên cạnh là tòa thị chánh (hôtel de ville); Ở đó sẽ có một công trường (place, parc), quây quần chung quanh là quán rượu, tiệm bánh mì, nhà thuốc tây…Mặc dù phá bỏ thành Gia Định, người Pháp vẫn dùng khu đất cao của vùng trung tâm quận nhất “ Le Plateau “ – vị trí này là trung tâm của thành Phiên An, thời Gia Long, mà ông cha ta đã chọn từ trước, thiết lập khu hành chánh trung ương, đặt các cơ quan đầu não với các công trình kiến trúc chọn lọc như: Dinh Norodom (Dinh Độc Lập; Hội Trường Thống Nhất), Nhà Hát  Lớn (Hạ Nghị Viện; Nhà Hát Lớn), Tòa án, Bưu điện Saigon,, Nhà Thờ Đức Bà… rồi sau đến Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chánh, Trụ sở UBNDTPHCM), chợ Bến Thành.

Nhà Thờ Đức Bà sau khi làm lễ tôn phong năm 1959, có tên chính thức là Vương cung thánh đường Đức Bà Saigon, xây bằng gạch đỏ làm từ Marseille đem qua, để trần, qua thời gian vẫn không bám rêu. Bên cạnh là Bưu điện Saigon, phía trước là công trường Pigneau de Béhaine, lúc đầu có tượng ông Cha Cả (Evêque d’Adran), tức là giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh bằng đồng đen. Tượng này sau được thay bằng tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng. Công trường này là giao điểm của  bốn con đường đẹp nhất và lâu đời nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông, tạo thành hình thánh giá. Thời Đệ Nhất cộng hòa gọi là công trường Hòa Bình; Thời Đệ Nhị cộng hòa gọi là công trường Kennedy; Sau 1975 là công trường Công Xã Paris, người dân gọi là bùng binh Nhà Thờ Đức Bà.

Nhà thờ nằm trên đỉnh của khu “ Le Plateau “, phía trước bùng binh là đường Catinat (Tự Do; Đồng Khởi) chạy thoai thoải xuống hữu ngạn của bến Bạch Đằng- sông Saigon; Tả ngạn là Thủ Thiêm. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga theo giờ giấc nhất định, cứ tiếp tục đều đặn từ hậu bán thế kỷ XVIII đến nay.

Đêm Saigon gió thả lá vàng rơi
Đèn lồng giăng như hoa đăng ngày hội
Vương cung thánh đường lặng im bối rối
Chúa trên trời không kịp nghe lời tỏ tình của mọi con chiên – Thanh Thanh Ngọc

Trước thời Pháp thuộc, nằm bên bờ sông Bến Nghé (trên bến, dưới thuyền), sát thành Saigon có một chợ mang tên ghép Bến Thành, thuận tiện cho việc bốc giở hàng hóa từ ghe thuyền lên chợ. Sau chợ bị cháy một phần năm 1870, được dời về nằm bên bờ nam của Kinh Lớn. Kinh này bị lấp năm 1911, chợ xây dựng ở địa điểm ngày nay: bến xe Saigon, gần ga xe lửa Mỹ Tho, hoàn thành năm 1914. Người ta gọi chợ này là chợ Saigon hay chợ Mới để phân biệt với chợ Cũ (thời VNCH là Tổng Nha Ngân Khố; Sau này là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng).

Phía trước chợ Bến Thành là place Eugène Cunniac, đổi thành công trường Diên Hồng, sau này là công trường Quách Thị Trang (tên một nữ sinh thiệt mạng lúc biểu tình thời Đệ Nhất cộng hòa năm 1963), hay còn gọi là bùng binh Saigon. Ba con đường còn lại, bao bọc chung quanh chợ Bến Thành là Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Chợ Bến Thành mới
Kẻ lui người tới
Xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dáng tốt hình
Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa ?

Đường phố Saigon có  trên chục đại lộ, trên trăm con đường lớn, trên ngàn con đường nhỏ, chưa kể biết bao nhiêu là hẻm lớn, hẻm nhỏ. Sau khi nói đến vài đại lộ tiêu biểu ở trung tâm quận Nhất như Thống Nhất, Nguyễn Huệ, Lê Lợi…, chúng ta sẽ đề cập đến hai con đường được nhắc nhở nhiều nhất trong văn chương miền Nam trước 1975 là Tự Do và Duy Tân, trong số những con đường đã đi vào thơ, vào nhạc ở Saigon là Nguyễn Du, Gia Long, Công Lý, Tú Xương, Trần Quý Cáp, Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm …

Saigon thuở ấy giờ ở đâu?
Nguyễn Huệ, Tự Do đã đổi màu
Còn đâu thơ mộng Tao Đàn cũ
Muôn nét phai tàn Tú Xương đau
 Những đường ngang dọc sắc nhạt phai
Vô số villa dĩ vãng hoài
Cường Để trở thành trăm quán nước
Quý Cáp mất rồi khi đổi thay – Thăng Trầm

Hai con đường Tự Do và Duy Tân này có liên quan mật thiết với nhau từ hơn một trăm năm mươi năm về trước. Một thời gian sau khi nhà thờ Đức Bà xây xong (1880), đường Catinat lúc đầu chạy dài từ sông Saigon đến hồ Con Rùa- công trường Marechal Joffre (Quốc Tế)  bị chia làm hai phần: Đoạn thứ nhất từ bến Bạch Đằng – sông Saigon đến đường Lucien Mossard  (Nguyễn Du) – công trường Hòa Bình, trước mặt nhà thờ Đức Bà và Bưu Điện Saigon, chỉ  dài hơn 600 m là đường Catinat (Tự Do). Đoạn thứ nhì từ phía sau nhà thờ Đức Bà, bùng binh Gambetta, trên đường Norodom (Thống Nhất), qua khỏi hồ Con Rùa, được mở rộng và nối dài với đường Garcerie đến ngã ba Mayer (Hiền Vương) thành đường Blancsubé (Duy Tân).

Tự Do rực rỡ muôn màu
Maxim dìu bước em vào thiên thai
Duy Tân bóng mát trải dài
Queen Bee vang tiếng hát ai dập dìu – Nguyên Trần

Đường Tự Do:
Sau năm 1865, đường số 16 trở thành đường Catinat- Con đường đầu tiên được chỉnh đốn để trở thành một đường phố của đô thị, từ vùng đất cao (Le Plateau) của trung tâm quận Nhất chạy thoai thoải xuống bờ sông Saigon, là con đường tráng nhựa đầu tiên của thành phố, nên lúc đó người ta gọi là đường Keo Su. Sau năm 1956, đổi tên thành Tự Do, rồi sau năm 1975, trở thành Đồng Khởi.

Người Pháp sau khi mang mô hình bourg ở Âu châu áp dụng trên đất Saigon, họ còn xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc, và mang đến đây cả lối sống theo phong cách Âu châu, như một bản sao của nước Pháp. Đường Catinat là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của Saigon, thành phố thuộc địa của Pháp đầu tiên ở vùng Viễn Đông, với nhiều cơ sở, dịch vụ thương mại được thành lập từ sớm là khách sạn, nhà hàng, thương xá, những cửa tiệm... Đương nhiên không thể thiếu các khu giải trí, tiêu khiển như rạp hát, vũ trường, quán cà phê …

Đường Catinat của thập niên bốn mươi, năm mươi là nơi của dân thanh lịch, người giàu sang Saigon đi bộ, mua sắm ở các cửa hàng sang trọng. Đường phố khang trang, sạch sẽ, không có người buôn bán trên vỉa hè như ở đường Lê Lợi. Thêm nữa, đường này chỉ cho phép xe có máy chạy thôi .

Nhất là đường Catinat
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều – Nguyễn Liên Phong

Đầu đường Catinat- Tự Do, kế nhà thờ Đức Bà, là trụ sở Bộ Nội Vụ lúc trước (thời Pháp thuộc là bót Catinat, sau này là Sở Thông Tin Văn Hóa TPHCM), giới hạn bởi đường Nguyễn Du, Tự Do và Gia Long ( Lý Tự Trọng), xuống khoảng 100 m, góc Tư Do- Lê Thánh Tôn (rue d’Espagne) là quán cà phê La Pagode.

Tiếng chuông Đức Mẹ nhà thờ
Tự Do con phố ai chờ đợi ai - Lưu Vĩnh Hạ 

La Pagode(Cái chùa): Có mặt từ những năm đầu 50, chủ nhân là ngươi Pháp. Quán vuông vức, rộng rãi, mở toang (không cửa, không kiếng, không màn), ngồi trong quán có thể nhìn khắp hai bên góc phố. Quán có quày rượu chạy dọc tường, bên trái của cửa vào đường Tự Do, vách cao cở nửa thân người. Lúc đầu, quán bày ghế bành bọc da màu nâu đậm ra cả hàng hiên, như các quán cà phê ở Paris. Về sau, quán thay đổi bàn ghế cao gọn, sắp đặt được nhiều chỗ ngồi gấp ba, bốn lần hồi trước, và gắn thêm máy lạnh, cửa kiếng.

Quán không bán đồ ăn, chỉ có thức uống, có khi chỉ cần gọi một ly cà phê hay một chai bia, là người ta có thể ngồi từ sáng đến chiều, tha hồ ngắm nhìn thiên hạ qua lại, mà không ai làm phiền. Quán còn trang bị máy hát bỏ jetons để khách hàng tự chọn bài muốn nghe. Ngay sau 30/4/ 1975, quán bị xóa sổ, trở thành văn phòng công ty du lịch.

Ngồi La Pagode ngắm người
Thấy em nhức nhối nói cười lượn qua
Mini jupe trắng nõn nà
Vàng thu gió lộng chiều sa gót giày
Ngẩn theo tóc, tuyệt vời bay
Hồn thơ thức mộng trọn ngày bình yên – Luân Hoán

Xéo góc quán La Pagode là công viên Chi Lăng (bây giờ không còn nữa). Từ La Pagode đi tới chút nữa là nhà sách xuân Thu (thời Pháp thuộc là cơ sở in và nhà sách Albert Portail). Nhà sách có hai cửa: một từ đường Tự Do, một từ hông passage Eden, dù không phải là nhà sách lớn nhất Saigon, nhưng là nhà sách đầy đủ sách báo ngoại quốc nhất- Từ Le Figaro, Le Monde, Paris Match đến Ciné Revue, Cinemonde; Từ Times, Newsweek, Reader’s Digest đến Times of London, Daily Telegraph; từ sách văn hóa nghệ thuật đến các truyện trinh thám mới ra lò; bên cạnh những truyện tranh của nhà xuất bản Bỉ Hachette như Tintin, Spirou, Astérix … Sau này trở thành trung tâm phát hành sách Fahasa.

Vào Xuân Thu kiếm sách hình
Cuối đường Nguyễn Huệ đẹp xinh bến tàu – Phạm Doanh

Tiếp đó là Passage Eden (Lối Thiên Đàng)- hành lang Eden, được gọi theo tên rạp chớp bóng nằm sâu bên trong. Đây là một trong những khu thương mại sầm uất của Saigon ngày xưa, cũng là một góc linh hồn một thời Saigon, với rất nhiều kỷ niệm của lớp người Saigon lớn tuổi. Khu này được xây trong những năm đầu 1900, với kiến trúc cổ, đẹp, sang trọng, có ba tầng lầu, hình chữ Y, có bốn mặt tiền nhìn ra bốn con đường chính của trung tâm Saigon: Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Lê Thánh Tôn, được gọi là tứ giác Eden. Cửa Nguyễn Huệ nhìn sang rạp Rex, có thang bộ và thang máy để lên lầu trên. Ngày nay, nó trở thành một trung tâm thương mại mới, sáu tầng lầu, với cách xây cất và bài trí rất khác biệt, nhất là bên trong.

Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi, không lạnh- Lính mà em – Lý Thụy Ý

Rạp Eden có kiến trúc cổ điển như những rạp xi nê bên Pháp. Ở Saigon, rạp Eden là rạp duy nhất có hai tầng lầu (balcons), phân chia lô theo các hạng. Xem phim, ngồi balcon một là thoải mái nhất, nhìn xuống vừa tầm mắt, không mỏi cổ, không bị đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất  Balcon hai nhỏ và quá cao, gọi là chuồng bồ câu (pigeonnier), giành  cho “ đào kép “ Saigon. Nay rạp đã bị đập bỏ.

Bên hông Passage Eden là nhà hàng Givral- Là quán cà phê sang trọng đầu tiên dành cho người Việt thượng lưu trên đường Catinat, được mở ra đầu thập niên 50, chủ nhân là người Pháp. Tiền thân của nhà hàng Givral là Pharmacie Principal, nhà thuốc tây đầu tiên của Saigon, sau trở thành pharmacie Renoux, rồi pharmacie Solirène trong một thời gian dài.

Nhà hàng Givral với mái cong kiều diễm, nằm góc Tự Do- Lê Lợi, có máy lạnh, cửa kiếng sáng choang, tràn ngập ánh sáng, có một cửa nhỏ mở ra đường Tự Do bán bánh ngọt ngon nổi tiếng một thời. Sau  khi biến mất cùng với Passage Eden năm 2010, quán cà phê Givral hoạt động trở lại năm 2012 trong dịp khánh thành khu vực thương mại Vincom Center A (đúng vị trí cũ của nhà hàng Givral)

Đường Tự Do ngập nắng hè
Ghé Givral để ăn chè phục linh -  Phạm Doanh 

“ Đến Givral bây giờ, đơn thuần là đến không gian một nhà hàng cà phê sang trọng có thức uống, kem và bánh ngon. Vậy thôi! Chỉ những ai đem bộ lọc hoài niệm ra để thẩm định và tự dằn vặt ký ức mới nhận thấy rằng: hình như có những thứ có thể phục dựng, giả cổ một cách dễ dàng, thậm chí thu hút đông khách hơn, nhưng linh hồn của nơi chốn – không gian của một salon trí thức năm xưa – là thứ khó có thể phục hồi. Điều đó nằm ngoài khả năng kiểm soát, hay mong muốn của nhà kinh doanh, mà lệ thuộc vào điều kiện khác: bầu trí quyển của xã hội “ – Nguyễn Vĩnh Nguyên (Givral, sự trở lại “ dầu lìa ngó ý “ – SGTT. Vn)

Trước mặt Givral là trụ sở Hạ Nghị Viện cũ, nay là Nhà Hát TPHCM, nằm giữa hai khách sạn lớn nhất của Saigon ngày trước là Continental và Caravelle.

Khách sạn Continental- “ Đại Lục lữ quán” (1880) Xây dựng theo kiến trúc của những lâu đài cổ xưa bên Pháp, là khách sạn đầu tiên của Saigon, là nơi dừng chân của các viên chức, sỹ quan cao cấp Pháp trên đường công tác tại xứ thuộc đia, cùng là chỗ tụ tập của những du khách trên đường sang thăm Đế Thiên Đế Thích của xứ chùa Tháp. Quán cà phê của khách sạn Continental là quán café terrasse đầu tiên trên đường Catinat, chỉ dành cho khách ngoại quốc.

Khách sạn Continental nổi tiếng vì những diễn biến lịch sử liên tiếp xảy ra trên đất Saigon xưa. Trước thế chiến thứ nhì (1939- 1945), nó tiếp đón hai nhân vật nổi tiếng trong văn chương thế giới là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn chương 1913)và văn hào Pháp André Malraux. Trong buổi giao thời Pháp đi, Mỹ đến, nhà văn Anh Graham Greene đã ở đây, thai nghén và cho ra đời cuốn  The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Danh từ “ Radio Catinat “ phổ biến trong giới báo chí sau này, xuất phát từ Continental đầu thập niên 50. Khách sạn có một khuôn viên rất rộng, trồng đầy cây sứ thâm niên.

Khách sạn  Caravelle (1959) là khách sạn năm sao sang trọng đầu tiên của  Saigon, được trang bị hệ thống điều hòa không khí, kiếng chống đạn, sàn lót đá marble Ý… nằm ngay công trường Lam Sơn, nơi tụ họp của các chính khách miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa, gọi là nhóm Caravelle.  Thập niên 60, đầu 70, nơi đây là trụ sở của tòa đại sứ Úc, Tân Tây Lan, các hãng truyền hình Mỹ như ABC, CBS, NBC …

Tiền thân của khách sạn Caravelle là hôtel Terrasse. Gần đây, bên cạnh tòa cao ốc cũ 10 tầng, còn xây thêm một cao ốc mới 24 tầng.

Gần khách sạn Caravelle là vũ trường Tự Do, sau đổi thành phòng trà ca nhạc Tự Do, góc Tự Do – Thái Lập Thành (nay là Đông Du).

Đi tới nữa là Grand Hôtel (1930), đến năm 1937 đổi là Saigon Palace, rồi năm 1958 đổi là Saigon lữ quán, và sau năm 1997, trở lại Grand Hôtel Saigon.

Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang xưa, quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường – Du Tử Lê

Trở lại phía bên đây đường, qua khỏi Lê Lợi một chút là rạp xi nê Catinat, nằm trên một con hẻm đâm ra Tự Do, rạp nhỏ và dơ. Rồi đến nhà hàng Brodard.

Nhà hàng Brodard là quán cà phê vỉa hè theo phong cách Tây, bàn ghế trang trí sang trọng, ánh sáng thật nhạt, không gian yên tĩnh, ít xô bồ, kín đáo. Quán về sau xây thêm một gác lửng.

Brodard có mặt ở góc Catinat- Carabelli (Nguyễn Thiệp) sau Givral, thức ăn ngon, bánh ngọt ở đây sản xuất theo kỹ thuật của Pháp, trước 75, người ta đặt bánh rất đông. Địa điểm cũ của Brodard bây giờ trở thành một tiệm máy tính của công ty thương mại & dịch vụ điện tử Hồng Nhân. Còn quán mang tên Brodard- Gloria Jeans dời vô sâu trong đường Mạc Thị Bưởi(thời Pháp là Ormay, sau 1956 là Nguyễn Văn Thinh), và công ty Bông Sen còn mở thêm năm, sáu tiệm bánh tên Brodard, nhưng hương vị không còn như cũ nữa.

Của những lần Saigon mưa tới
Chiều xanh xao góc phố Brodard
Giọt lệ chờ ai mà buông chậm
Cho buồn về kịp giữa tháng ba – Hư Vô

Đi thêm vài căn nữa là khách sạn Bông Sen ngày nay. Cuối đường Tự Do – Cường Để (trước là Luro, giờ là Tôn  Đức Thắng) là khách sạn Majestic và rạp xi nê cùng tên. Rạp Majestic thời Pháp là một rạp hạng sang và đẹp, khán giả chủ yếu là người Pháp. Sau rạp ngừng hoạt đông, xây thành vũ trường Maxim ở tầng trên, tầng dưới là nhà hàng ca vũ nhạc kịch do nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ phụ trách. Gần đây trở thành nhà hàng Maxim’s Nam An.

Khách sạn Majestic thành lập măm 1925, do một thương gia Hoa kiều là Hui Bon Hoa (chú Hỏa - giàu nhất nhì Saigon thời đó), cho xây theo  thiết kế của kiến trúc sư Pháp.

Đối diện khách sạn Majestic ngày xưa là hãng Denis Frères , cơ sở thương mại đầu tiên của đường Catinat, nay là quán cà phê Catinat.

Ngoài ra, trên đường Tự Do còn có tiệm Thái Thạch (Alimentation generale) bán đủ loại thực phẩm của Pháp, nhà may Tân Tân (xưa là Aux Ciseaux d’Or), tiệm hột xoàn Đức Âm, tiệm tranh sơn mài Thành Lễ … Xưa hơn nữa đường Catinat có tiệm bán dĩa hát Ménestres,  Pharmacie de France (sau này là La Thành).

Saigon rộn rã ngựa xe xuôi ngược
Đường Tự Do đếm những dấu chân quen – Lưu Nguyễn Từ Thức 

“ Những năm 60 và đầu thập niên 70, có một “ thế hệ ghiền phố” Catinat (nay là Đồng Khởi), và mấy cái quán đáng nhớ lắm ở cái phố cũng đáng nhớ này. Thế hệ ghiền phố buổi ấy không gần nhau về tuổi tác, địa vị xã hội và cả mức thu nhập. Từ học sinh tú tài, sinh viên, giáo chức tới văn nghệ sỹ, trí thức đủ cỡ, đã thành danh hoặc mới tập tành. Các dân biểu, chính khách “salon” hoặc đối lập, công chức mới tập sự hay đã là loại thượng hạng ngoại hạng, lính quèn và tướng trẻ tướng già, cả thày tu và mấy ông Tây già còn sót lại của thời thuộc địa… Ngồi quán ngắm phố có lẽ cũng là một trong những thú vui tao nhã của đời sống đô thị những năm ấy.

Thế hệ ngồi quán Saigon buổi ấy bước một bước ra đường, đối diện với bao phân vân, chọn lựa giữa bão tố thời cuộc, rồi không biết đi về đâu? Có người ngồi lì ở góc quán, ôm mãi cái thân phận và những mảnh đời riêng của mình. Có người rời quán nhập vào giòng lịch sử cuồn cuộn tử sinh …” - Võ Ngàn Sông (Quán của một thời / SGTT. Vn)

Saigon. Saigon
bến sông lồng lộng 
Saigon. Saigon
đường Tự Do
Saigon. Saigon
vớ vào đâu cũng là kỷ niệm
chạm vào đâu cũng là thân quen
tôi dắt buồn vui (những buồn vui cũ kỹ)
băng ngang Saigon – TTSH

Brodard, Givral và La Pagode là ba quán cà phê sang trọng với phong cách Tây phương, cùng nằm trên đường Tự Do, cách nhau  trên dưới một trăm thước, nhưng mỗi quán có một không khí riêng, do bạn bè cùng ngồi chung lâu dần mà tạo nên. Theo nhà văn Văn Quang trong bài “ Văn hóa không tên tạo nên linh hồn Saigon xưa”  – Viendongdaily có viết:

“Khách hàng ở La Pagode hầu hết là nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, ca sỹ. Tất nhiên cùng ngồi thành nhóm. Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau để … nói dóc, bình loạn vài cái tin văn nghệ, thời sự, chính trị cho vui thôi … Vậy tạm gọi La Pagode dành cho giới viết lách gặp nhau xả stress …

Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Phóng viên thường tụ tập ở nhà hàng này, vì nó ở ngay trước trụ sở Hạ Nghị Viện, các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và thảo luận đủ thứ chuyện bên lề … Một số phóng viên Pháp, Mỹ từ khách sạn Continental trước mặt ghé sang. Hoặc cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây.

Nhà hàng Brodard lại đông vui vào những buổi sáng muộn, và buổi tối khi “ gà lên chuồng “. Nơi lui tới của những “ dân đi chơi đêm “ Saigon.

Ba nhà hàng ấy là ba sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “ văn hóa không tên “, cái linh hồn của Saigon, khó phai mờ trong ký ức của những người Saigon.”

Brodard
thơm áo lụa vàng
Mấy mươi năm
nắng Saigon không phai
Em trường Luật
tóc thả dài
La Pagode
Cứ thương hoài chiều mưa – Linh Phương

Đường Duy Tân:
Phía trước nhà thờ Đức Bà là đường Tự Do, con đường quan trọng và thanh lịch nhất Saigon  ngay từ lúc hình thành. Mặt sau nhà thờ Đức Bà là đường Duy Tân, con đường khang trang và yên tĩnh, nơi cư ngụ của giới thượng lưu, giàu sang Saigon hàng thế kỷ qua. Đường Tự Do là con đường trung tâm của khu trung tâm Saigon là quận Nhất với các khu hành chánh, thương mại, giải trí … Đường Duy Tân chạy từ quận Nhất đến quận Ba (bao bọc ngay sau lưng quận Nhất về hướng Bắc) là con đường của những khu biệt thự cổ kính, êm đềm, nằm lẩn khuất dưới các vòm cây cổ thụ xanh tươi (lúc đầu nơi đây là khu dinh cơ của người Pháp thời cai trị Nam kỳ).

Gởi về em nỗi nhớ quắt quay
Saigon xưa lỡ vuột tầm tay
Đường Duy Tân còn nghe guốc mộc
Gõ vào hồn động lá me bay -HNL

Đường Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, bắt đầu từ ngã ba Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), chạy qua lần lượt những con đường lớn là Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Trần Quý Cáp (nay chia thành Võ Văn Tần và Trần Cao Vân) với công trường Quốc Tế- Hồ Con Rùa. Qua khỏi Hồ Con Rùa thì đường mở rộng ra, chạy qua Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), rồi kết thúc ở nhà thờ Đức Bà. 

Vương Cung ngói đỏ phai rồi
Duy Tân ngơ ngác một thời chờ ai
Chiều Phan Thanh Giản trải dài
Nắng hôn mái tóc lên vai của người
…Gởi ta giọt nắng mồi chiều
Trên Hồng Thập Tự với nhiều cội cây
Chơ vơ những gánh xương gầy
Trải bao tuế nguyệt dạn dày gió sương
Đêm đêm đổ xuống Hiền Vương
Ly chè Hiển Khánh còn hương ngạt ngào – Sưu Tầm

Hai bên lề đường Duy Tân rộng rãi, quang đãng với những hàng cây sao cao vút, tàn cây rợp mát cả con đường. Đoạn đẹp nhất là góc Duy Tân – Phan Đình Phùng, vị trí của trường Đại Học Luật Khoa ngày trước (nay là trường Đại Học Kinh Tế) - Trường có hai cổng: cổng cũ quay ra đường Duy Tân, cổng kia quay ra đường Phan Đình Phùng. Trên con đường này, những sinh viên Luật khoa đã những sáng, những trưa, những chiều, rời giảng đường đi lang thang. Trên con đường này, bước chân của những người tình đi bên nhau mơ mộng, bâng khuâng đã từng in dấu – Con đường Duy Tân của “ Trả lại em yêu “ một thời, mà mỗi khi nghe lại âm thanh ấy, người ta vẫn còn cảm thấy nhớ nhung, vương vấn!

Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt – Phạm Duy

Hồ Con Rùa – Năm 1870, vị trí này là cửa Khảm Khuyết của thành Bát Quái (thành Quy) thời vua Gia Long. Năm 1877, Pháp cho xây một tháp nước tại đây để cung cấp nước uống cho dân trong vùng. Sau năm 1921, tháp nước bị phá bỏ, nơi này trở thành bùng binh- công trường Marechal Joffre. Năm 1956, đổi tên là công trường Chiến Sỹ. Năm 1972, đổi tên là công trường Quốc Tế. Khoảng năm 1970- 1974, công trường được chỉnh đốn với thiết kế năm cột bê tông cao có hình năm bàn tay xòe ra, giống như các cánh hoa đỡ lấy nhụy hoa. Trung tâm là một hồ phun nước hình bát giác với bốn đường đi bộ xoắn ốc bằng đồng, chính giữa là tượng điêu khắc con rùa bằng hợp kim, mang trên lưng bia đá tri ân Viện Trợ Quốc Tế . Vì vậy, người dân gọi công trường này là bùng binh hồ Con Rùa. Sau 30/4/1975, các hàng chữ trên bia bị đục bỏ. Năm 1976, tượng con rùa đội bia bị bom nổ phá hủy.

Saigon chiều mưa thời xanh tóc
Vỉa hè cỏ mọc dấu chân em
Dường Duy Tân hay Trần Quý Cáp
Chồ nào cũng thấy rất còn quen – Hư Vô

Hồ Con Rùa ngày xưa với một vài hàng quán, là địa điểm hẹn hò của sinh viên, học sinh Saigon một thời.  Ở đây có lợi thế là không gian mở rộng, có vòi phun nước ở hồ phả lên mát dịu, thêm chung quanh công trường có những hàng cây xanh mà tàn cây che bớt cái nắng oi nồng của ban ngày. Hồ Con Rùa ngày nay trở thành một khu ăn uống, tấp nập ngày cũng như đêm, được gọi là “ phố cà phê “, với trên hai mươi quán hoạt động, chưa kể các quán lề đường, làm cho chu vi hồ ngày càng thu nhỏ lại. Nạn kẹt xe nơi đây trở nên rất nghiêm trọng

Hồ Con Rùa những ngày tháng cũ
Giờ tan trường cả bọn rủ ra chơi
Có ngờ sau ta mỗi đứa phương trời
Thương tiếc quá! Một thời áo trắng – Cố Quận

Con đường Duy Tân cũng như tên, đã bị thay đổi, khác với bản chất nguyên thủy của ban đầu, trở thành đường phố của văn phòng, nhà hàng. Cũng như nhiều con đường khác ở quận Ba, đường Duy Tân bị de dọa nặng nề với phong trào phá bỏ các biệt thự kín cổng cao tường để lấy “ mặt bằng kinh doanh”, đường phố bị chia thành nhiều lô đất nhỏ, cho nhiều cao ốc mọc lên, thụt ra thụt vô xuất hiện nhiều nhà hàng, quán cà phê từ mặt tiền, khuôn viên của các biệt thự ngày xưa. Những cây dài bóng mát tạo nên nét đẹp, hồn thơ của con đường đã từ từ biến mất, bây giờ chỉ còn cây non thưa thớt, gốc cây chằng chịt những giấy quảng cáo, thêm vào các lô cốt xây cất còn lởm chởm, dở dang …

Đi dọc Duy Tân ghé thăm trường Luật
Một cái tên lạ hoắc cũng như đường
Chỗ ta ngồi tàn cây che khuất
Giờ chỉ còn một hè phố tang thương – Nguyễn Thanh Khiết

Sau năm 1975, đường mang tên vua Duy Tân cùng chịu chung số phận với các vị vua nhà Nguyễn khác (trừ vua Hàm Nghi): bị xóa sổ sạch, trở thành đường Phạm Ngọc Thạch. Có lẽ do quan niệm của chính quyền đương thời cho rằng triều Nguyễn đưa Pháp đến, tiếp tay bán nước, công lao không thể sánh bằng các vương triều trước đó, không đáng ngợi ca chăng? Nhưng cho dù “ xét công – luận tội “ thế nào đi nữa, các sử gia ngày nay cũng phải đồng ý một điều là vua Duy Tân là một người yêu nước- Vua Duy Tân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1916, bị bắt và đày đi đảo Réunion (Ấn Độ Dương). Vua  cũng từng tham gia lực lượng đồng minh chống phát xít Đức, tử nạn máy bay ở Bắc Phi năm 1945, thi hài được an táng tại Huế, kế bên mộ vua cha Thành Thái -  Không lẽ ngài không xứng đáng bằng các “ anh hùng dân tộc “ đang được nhà nước hiện tại ca ngợi như: Nguyễn thị Nghĩa, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Cội, Trần Đình Xu … Tên Duy Tân bị bức tử không chút xót thương như Tự Do, Công Lý, Thống Nhất …

Này Saigon ơi !
Duy Tân đau nỗi đau trường Luật
Này Saigon ơi !
Cây xanh đau nỗi đau lòng đường – Nguyễn Tất Nhiên  

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái của nhà thơ tiền chiến Ưng Bình Thúc Giạ Thị (hoàng thân nhà Nguyễn, cháu nội nhà thơ Tuy Lý Vương trong câu “  Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán- Thơ đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường “) trong bài “ Suy gẫm về con đường mang tên một vị vua yêu nước/baomoi.com “ có viết như sau:

“Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch là anh em cô cậu ruột với tôi. Anh Thạch gọi cha tôi bằng cậu ruôt… Anh Thạch có một người vợ là Pháp.. . Theo tôi biết cha tôi rất quý anh Thạch, thường khen ngợi tài năng, đức độ của anh… Anh Thạch cũng rất quý mến cha tôi, hai cậu cháu cũng rất gần gũi. Cha tôi có nói cho tôi biết là :” Anh Thạch rất kính phục vua Duy Tân “. Vì thế, khi bỏ con đường Duy Tân  để đặt tên anh, tôi thầm nghĩ có lẽ hương hồn anh cũng không được vui!”

Thuở trước, ở Saigon có con đường của một danh nhân thì vùng Gia Định cũng có. Vì thế, lại còn thêm một con đường Duy Tân nữa mà đến ngày nay vần còn. Trước kia con đường này từ Cách mạng 1/11 đến Nguyễn Huỳnh Đức. Sau này từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận. Một con đường nhỏ nay đã hư hỏng, lại thêm người dân ở đó buôn bán, bày ra đường nhếch nhác, trông rất thê thảm.”

Ta nhớ Saigon Gia Định xưa
Nơi đây kỷ niệm nói sau vừa
Duy Tân, Công Lý trưa vàng nắng
Yên Đỗ, Gia Long chiều ướt mưa – Nguyễn Tâm

Sau khi nhắc đến việc vua Duy Tân bị lấy tên ra khỏi một con đường đẹp đẽ ngày trước của quận Ba, nhìn lại tên gọi của những con đường ở quận Nhất và quận Ba cũ, địa giới hành chánh của thành phố Saigon thời mới thành lập, nơi bắt đầu hình thành hệ thống đường phố Saigon, ta thấy chính quyền thời Cộng Hòa đã cho nghiên cứu kỹ lưỡng, theo quan điểm rất hợp lý, có chủ ý rõ ràng khi sắp đặt tên của các con đường Saigon ở kế cận nhau. Thí dụ như:

- Chợ Bến Thành với hai mặt cửa Đông và cửa Tây song song, một bên là đường Phan Bội Châu, một bên là đường Phan Chu Trinh; Một bên bàn chuyện Đông du, một bên cải cách theo phương Tây. Chí hướng của hai cụ tuy khác mà giống, tuy giống mà khác.

Nam, Bắc, Đông, Tây có một lòng
Bến Thành bốn cửa chợ trưa đông
Lần sang Nguyễn Huệ trời nghiêng bóng
Đường phố xinh tươi những đóa hồng – Viễn Phương

- Khu trung tâm quận Nhất cũ (nay là phường Bến Nghé, quận Một) với ba đại lộ huyết mạch mang tên ba vị vua yêu nước, anh minh có công lớn đối với dân tộc là: Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Hàm Nghi (Ba đại lộ này không bị thay tên sau 1975).

- Khu trung tâm quận Nhất cũ (nay là phường Bến Nghé, quận Một) nơi hội ngộ của các thi nhân nổi tiếng Việt Nam thời xưa, đã đi vào văn học sử nước nhà như: Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn, Đặng Trần Côn, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Chu Mạnh Trinh …

- Đại lộ Thống Nhất (nay là Lê Duẫn) thênh thang chính giữa, hai bên là hai con đường nhỏ song hành, một tên Hàn Thuyên là ông tổ chữ Nôm, một tên Alexandre de Rhodes góp công lớn trong việc sáng lập chữ quốc ngữ.

Nhớ quá Saigon của thuở xưa
Ta từ Bưu Điện bước ngang qua
Nhà thờ Đức Mẹ nằm im lặng
Con phố Hàn Thuyên nắng nhạt nhòa
Bóng mát hàng cây gió nhẹ nhàng
Con đường Thống Nhất rộng thênh thang – Vũ Uyên Giang

- Những con đường yên tĩnh của quận Ba thích hợp với tên của các bậc danh sỹ tài hoa là: Lê Quý Đôn, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Gia Thiều …

Ngoài khu quận Nhất và quận Ba cũ ra, ta còn thấy:

- Khu Cầu Ông Lãnh (nay là phường Cầu Ông Lãnh, quận Một) với tên của nhóm “ Khởi nghĩa Yên Bái “ là Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, Phó Đức Chính, Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu

- Khu Tân Định (nay là phường Dakao, quận Một) tập trung các con đường mang tên các vị trạng nguyên, bảng nhãn VN nổi tiếng như: Mạc Đĩnh Chi (nhà Trần), Lê Văn Hưu (nhà Trần), Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhà Lê),  Phùng Khắc Khoan (nhà Lê) …

- Khu Tân Định (nay là phường Tân Định, quận Một) là vùng tên của các tướng quân nhà Trần với các chiến công hiển hách- Ba lần đại thắng nhà Nguyên của Trung Hoa, vang dội thuở xưa: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khát Chân bên cạnh Đặng Tất, Đặng Dung, Trần Quý Khoách.

- Một loạt đường ven sông là các bến với các địa danh Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, Vân Đồn, nhắc nhở lại những trận thủy chiến oai hùng của dân tộc, đáng để các thế hệ sau tự hào và ngưỡng mộ.

Bạch Đằng xóa nỗi ưu phiền
Chợ hoa Nguyền Huệ ghe thuyền Chương Dương – Nguyên Trần

“Tháng giêng 1956, ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, việc thay đổi tên đường phố thủ đô Saigon được chính phủ quốc gia làm ngay. Tôi không biết rõ về việc làm này, song tôi chắc một ủy ban tìm, chọn, đặt tên đường phải được thành lập ở Tòa Đô Chánh Saigon. Không biết có những vị nào được cử vào ban ấy, tôi thấy việc đổi tên đường Saigon được thực hiện thật hay, nhanh, đúng. Không thấy có lời chỉ trích nào về việc chọn và đặt tên đường Saigon. Những nhân vật lịch sử được lưa chọn, được để tên đúng chỗ: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lý Thường Kiệt,Trần Quốc Toản Nguyễn Trãi, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng …Việt Cộng chiếm Saigon, họ đổi tên Saigon thành Hồ Chí Minh, họ đổi rất nhiều tên đường Saigon, nhưng họ vẫn phải để nguyên những tên đường lớn ta đã đặt từ măm 1956”  – Hoàng Hải Thủy(hoanghaithuy.wordpress.com/ Saigon phố)

Mỗi bảng tên đường thấm máu cha ông
Làm bằng sắt hay bằng xương thịt
Tên núi tên sông tên từng tấc đất
Vẽ nên bản đồ thành phố ở trong tim
Rất phân minh giữa bạn và thù
Khẳng khái không chịu làm nô lệ
Phố xá này mang tên các cụ
Có thể nào như những phố vô danh ?- Cao Thoại Châu

Hàng trăm năm trước, tất cả các con đường Saigon đều mang tên Tây- Hoặc là tên các tướng lãnh, sỹ quan cao cấp Pháp đem quân đánh chiếm Nam Kỳ là Đề đốc Bonard, Đề đốc La Grandière, Đề đốc Jauréguiberry, Đề đốc De Genouilly,Thống chế Gallieni, Đô đốc Charner, Đô đốc Lacaze, Général Lizé, Colonel Boudonnet, Colonel Grimaud … Hoặc tên các cố vấn chính phủ hay viên chức cai trị Đông Dương như De Chasseloup- Laubat, Paul Blanchy, Richaud, Eyriaud des Vergnes, Thévenet … Hoặc tên những nhà truyền giáo Gia Tô như Giám mục Pellerin, Linh mục De La Liraye, Frère Louis, Frère Denis, Frères Guillerault … Hoặc tên các trận đánh của Pháp thời Đệ Nhất thế chiến là: Arras, De La Marne, De Somme, Des Dames, Dixmude, Douaumont, Verdun …

“Thực dân Pháp và Bắc Việt Cộng cùng xâm lăng Saigon như nhau, nên có nhiều hành động giống nhau: bức hại, bóc lột, hành hạ, bỏ tù dân Saigon, áp đặt những tên người lạ hoắc lên những đường phố Saigon. Trước 1956, dân Saigon hoàn toàn xa lạ với những nhân vật Bonard, Catinat, Charner, Duranton, Grimaud, Hamelin, Léon Combes, Sabourain… Sau 1975, dân Saigon hoàn toàn không biết là ai những của nợ Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Huỳnh Văn Tiễng, Nơ Trang Long, Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Thị Hồng Gấm, Lê Thị Rạch Cát … “ - Hoàng Hải Thủy(hoanghaithuy.wordpress.com/ Saigon phố)

Bây giờ … mộng biếc … trôi xa
Saigon đã bị người ta cướp rồi!!!
Người đem đau khổ cho người
Nát cân Công Lý, nát đời Tự Do – Ngô Minh Hằng

“Tên những con đường ở Phú Mỹ Hưng, chả biết lúc còn sinh thời các đồng chí này có thắm thiết huynh đệ chí tình hay không mà lúc chết được tụ lại một khối làm hàng xóm láng giềng với nhau. Từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến đèn đỏ quẹo phải ra đường Nguyễn Hữu Thọ, cứ thế chạy mãi đến đường Lê Văn Linh. Nguyên một bộ chính trị nằm chình ình giữa phố, cứ tưởng rằng người chết đi là yên chuyện, nhưng người vẫn hiện về nhát ma thiên hạ trong các bảng tên đường… Giã từ khu đô thị mới cho người nước ngoài, tôi tìm về khu dân dã chính cống Việt Nam chay. Khu giáp ranh Phú Nhuận, Bình Thạnh và Tân Bình. Có những con đường nghe tên rất gợi hình, gợi cảm ở gần bên nhau như những nguyên liệu tạo nên một sản phẩm hữu ích cho người. Chẳng hạn đường Huỳnh văn Bánh ở gần đường Nguyễn Văn Đậu, chạy xa xa gặp đường Đoàn Văn Bơ. Nếu nhào nặn các vị Bánh, Bơ, Đậu ta sẽ có tên đường Nguyễn Thị Bông Lan “ – Văn Quàng (k6kscc.net- Những con đường thay tên)

Giờ  Công Lý, vị bồ hòn
Ai đem Đồng Khởi giết hồn Tự Do
Gởi ta màu nắng ngây thơ
Trải trên phố thị thuở chưa mất người
Cho ta nghe lại tiếng cười
Của hồn non nước của thời vàng son – Sưu Tầm

“Một hôm nọ, một ông quan to, cỡ chủ tịch hay bí thư thành phố gì đó, than thở và phân bì rằng: “Sao Hà Nội và những thành phố khác lại thơ mộng quá, hay ho quá. Có vô số bài thơ, bài nhạc viết về chúng, mà toàn là nhạc tình, thơ tình đẹp đẽ. Còn thành phố Hồ Chí Minh chúng ta thì chẳng có mấy bài ra hồn. Sao các anh chị văn nghệ sĩ không nỗ lực sáng tác về thành phố mình đi chứ? Để nở mày nở mặt với người ta! Để có cái mà khoe với người ta! Dù sao đây cũng là thành phố lớn nhất nước. Chứ gì đâu mà bao nhiêu năm nay, khi nói về, hát về thành phố này, thì người ta còn nhớ chỉ có đúng một bài : “Sài Gòn Đẹp Lắm” của ông nhạc sĩ “nguỵ” từ thời nảo thời nào. Chứ, tôi nói thiệt, mấy bài nhạc sau này viết về thành phố có nổi đình nổi đám thì cũng chỉ nổi nhất thời, cũng chỉ để phục vụ cho yêu cầu chính trị. Khi tới mùa thì mang ra xài, khi hết mùa thì cất vô kho, rồi lâu ngày chắc người ta cũng quên béng mất. Biết bao nhiêu cuộc vận động, biết bao nhiêu cuộc thi viết về thành phố mà chẳng đọng lại chút gì. Kể cả khi thành phố mượn cái tên của “Bác Hồ” thì cũng chẳng thể đánh bại được bài hát ‘đó!”

Một anh văn nghệ xin phát biểu: “Thưa đồng chí, một trong những khó khăn để sáng tác về thành phố ta là do những cái tên đường. Ở Hà Nội chẳng hạn, có những địa danh, những tên đường rất là hay, rất là thơ mộng như: Cổ Ngư, Khâm Thiên, Yên Phụ… nên thơ thẩn, nhạc nhiếc cũng thơ mộng, cũng hay ho theo. Ví dụ, “tình yêu chúng ta lớn lên bên hàng cây con đường Cổ Ngư mà đêm đêm anh dìu em về…” Nghe là thấy mùi mẫn liền. Còn trong thành phố ta thì không như thế. Hổng lẽ bài thơ tả cảnh đưa người yêu đi chơi về mà “khuya nay anh đưa em qua Huỳnh Văn Bánh, xuống Đoàn văn Bơ, tạt ngang Nguyễn Văn Đậu, rồi về Mạc Thị Bưởi… sao?”

Ờ, mà sao nhiều phần các cái tên này đều dính dáng đến thực phẩm vậy cà? Cái tên đẹp không làm nên con người đẹp. Nhưng chắc chắn phần nào nó cũng tiết lộ cái kỳ vọng mà bậc cha mẹ đã đặt vào đứa con của mình, vào thế hệ kế thừa của mình. Đồng thời, nó tiết lộ cái xuất thân của con người.

Tất nhiên, cái xuất thân của con người không hẳn đã làm nên con người. Đối với những người đặt cho những con đường, những địa danh bằng những cái tên đó, thì hẳn chúng (những cái tên) là tên của anh hùng, của danh nhân, của liệt nữ. Nhưng với số người khác, trong đó có tôi, thì thấy mình không có chút liên quan gì với chúng. Và ngộ, sau bao nhiêu năm rồi vẫn chưa từng thấy quen thuộc với chúng. Mà, bao nhiêu năm ấy lại có khi là mãi mãi. Mà, đành vậy chứ biết làm sao được, bi giờ? “-  Nam Đan  (baotreonline.com- Những bảng đường và vết chim bay)

Đường Saigon giờ đã thay tên
Những người yêu đã lạc bước tìm
Con phố buồn mình em bước nhỏ
Xa lạ rồi lạc dấu chân chim – Hoàng Ngọc Ẩn

(còn tiếp)
Xuân Phương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014