SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

Những cơn mơ cuối năm (truyện trước 1975)

Bài này được tôi viết khi năm trong bệnh xá Quân y Viện Ban Mê Thuộc (khoảng 1972) để chờ ra hội đồng giám định Y khoa. Bệnh xá có một khu riêng, xung quanh rào dây kẻm gai, dành cho tù thương binh. Chế độ ăn uống săn sóc vẫn như thương binh VNCH. Chỉ khác là họ bị canh giữ.
Chú ý về những giòng với  dấu chấm: đó là câu hay chữ bị kiểm duyệt bôi đen bởi Bô thông tin miền Nam bấy giờ.
Xin được công khai cám ơn bạn bè ở VN đã ra công sao lục và tìm ra bài này trên tạp chí Văn học số 197.

(Trần Hoài Thư)

Những ngày cuối năm, Đồng đã sống trong một cơn ác mộng. Trời đã sang lạnh. Cái lạnh quá sức dịu dàng, như ru anh vào một giấc ngủ. Đôi mắt lim dim, đằng sau ô lưới sắt, anh đã bắt gặp một chút gì thê thiết của quê anh. Tuy trời đã lập đông và một dấu hiệu của giao mùa đã chớm nở, nhưng anh đã ngỡ như là mùa thu. Miền núi của miền Nam đã có một thời tiết khác xa miền Bắc. Lần đầu tiên, anh đã nhận thấy sự khác biệt ấy, từ khi anh theo bộ đội vào quê hương miền Nam. Anh đã đứng lặng hàng giờ, để ngắm những đám mây trắng chẳng khác những bông gòn lướt thướt bay trong gió. Trước mặt anh, hàng cổ thụ dầy bóng lá, vươn cao trên con đường đất đỏ, và sau một cơn gió lớn, một trận mưa lá rụng chẳng khác muôn ngàn cánh bướm… anh ngỡ chừng thiên nhiên vũ trụ đang nhập vào hồn anh. Anh ngỡ chừng một mùa thu êm ái len vào từng mạch máu, sớ thịt của anh. Phải chăng, anh đang ngủ trong một mùa tàn đông của miền Nam, mà ngỡ đang ôm trọn cả một mùa thu xứ Bắc? Chưa bao giờ, anh nhớ đến quê hương ghê gớm như thế. Và chính trong bốn bức tường của lao tù, cùng một khúc chân tàn phế, đã giúp anh sống trong mộng tưởng dễ dàng hơn. Anh chỉ còn đốt thời gian bằng những giấc mơ, dù anh biết sự thực đời anh bây giờ đã chấm dứt. Những giấc mơ quá đỗi tội nghiệp mà anh phải tự trang điểm cho cuộc sống đáng thương.

Bây giờ, anh đang đứng bên khung cửa sắt. Buổi sáng lại về chậm chạp và lười biếng; chốc nữa, khoảng 8 giờ, người quân cảnh sẽ vào mở cửa để anh và người bạn cùng trại, được tự do ra ngoài sân quân y viện. Chốc nữa, một người thương binh chánh phủ sẽ mang giúp anh một ổ bánh mì chả cùng một cốc cacao hoặc cà phê sữa. Anh sẽ gặp lại cô bé học nghề, mái tóc cúp ngắn, liếng thoắng và nhí nhảnh như con chim họa mi cùng với những dụng cụ và thuốc men điều trị vết thương của anh. Anh mỉm cười khi liên tưởng đến câu nói của cô bé như thường lệ:

- Rồi ảnh phải kể cho em nghe chuyện Hà nội nhé…, Hà nội, Hà nội, anh phải kể làm sao để cô bé dễ thương và nhí nhảnh ấy được biết trọn vẹn một thành phố yêu dấu nhất đời anh. Anh phải nói làm sao để mang hết con tim Hà nội, đôi mắt Hà nội, vai vóc Hà nội về một người con gái đã chưa bao giờ biết. Anh phải diễn tả làm sao, khi chợt thấy một mùa thu xứ Bắc qua hơi lạnh giao mùa của một thành thị miền Nam? Cô bé đã bao lần hỏi anh về Hà nội, trong khi cô bé săn sóc vết thương anh, và tại sao lúc ấy, anh chỉ mìm cười không nói năng một tiếng. Một thành phố với bao nhiêu là kỷ niệm và nhớ nhung, một thành phố mà hồn và xác nó đã lớn dậy trong máu huyết của một người tù binh tàn phế. Mỗi con đường, mỗi hàng xoan, mỗi hầm tránh bom mỗi vỉa hè, mỗi ngã tư, mỗi mái ngói đỏ, mỗi xưởng máy, mỗi ngày hội tất cả đều sống lại bão bùng chẳng khác một ngọn triều sóng khiến anh không thể nào hiểu biết nổi suy nghĩ nổi, phân tách nổi. Tâm hồn Hà nội quá rộng lớn mà con tim anh thì vô biên. Anh đã không thể nào diễn đạt nhịp đập của Hà nội, hơi thở của Hà nội. Một xưởng máy những ống khỏi đen xì, những tiếng động cơ trong đêm khuya khoắt hòa lẫn tiếng rao phở u uất bên bờ Hồ Gươm hay tiếng hát nhịp nhàng của một đám thiếu nhi trong công viên chiều chủ nhật…Có thể là một ngày trời mưa bụi một người trở về bắt gặp lại cái lãng mạn đã mất dưới những hàng sấu hay dưới trận lá bàng rơi rụng. Có thể là bát phở nóng hổi trong một quán bên đường trống gió hay những bữa ăn tập thể ở công trường nhà máy. Cũng có thể là những giờ phút kinh hoàng khi những tiếng còi hụ báo động . . . . . . . . . . . . . .  xuất hiện trên bầu trời thành phố và những hầm phòng ngự đầy ngập người lánh nạn… anh phải nói làm sao để diễn tả hết một Hà nội yêu dấu mà anh phải lìa xa; về nỗi lòng của một người con của Hà nội ra đi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ….anh phải nói làm sao những giọt nước mắt ngậm ngùi khi một đứa con của Hà nội đã bỏ lại chiến trường miền Nam xa xôi cách biệt này một phần thân thể thân yêu . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . . . . . . .. . …

Tự nhiên anh muốn rưng nước mắt. Hay buổi sáng này, Hà nội đã làm anh khóc. Hay những trận mưa lá xoan trên con đường của quân y viện, cái gây gây lạnh của một ngày chớm mùa của miền Nam đã bắt anh liên tưởng đến một Hà nội mịt mờ.

- Đồng chí nghĩ gì thế?

Người bạn nằm trên giường đã hỏi anh như thế. Anh mỉm cười không đáp và tiếp tục nhìn ra ngoài sân quân y viện. Người bạn lại nói tiếp:

- Nhờ đồng chí mang hộ cái thùng. Tự nhiên tôi muốn đi tiểu.

Lúc ấy, Đồng mới thực sự thức tỉnh khỏi giấc mơ. Anh chụp hai cây nạng, và bước từng bước khổ cực đến bên cái thùng vệ sinh. Anh nói vu vơ.

- Giờ này họ vẫn chưa mở cửa. Người bạn cười mếu máo:
- Canh gác gì mất công chứ. Với một lũ tù binh tàn phế như mình còn sức đâu mà thoát.
- Dù sao, cũng là bổn phận của họ. Đối với họ, mình là tù binh mà.
- Theo tôi, mở cửa suốt ngày suốt đêm, tôi cũng chẳng thèm ra.
- Đồng chí bị hai chân thì đi làm sao được chứ.

Anh cười lớn.

- Họ nuôi mình kể cũng tốn cơm, tốn thuốc đấy.
- Đồng chí không biết, cơm thuốc của ….mà…Người bạn chợt hỏi:
- Hình như đêm qua trời mưa, phải không đồng chí…
- Có lẽ vậy. Tôi thấy sáng nay trời bắt đầu lạnh như mùa thu.

Anh đợi người bạn tiểu tiện xong, rồi xách thùng đặt ở một góc. Anh lui cui làm vệ sinh căn phòng nhỏ hẹp bằng một cái chồi cùn xơ xác. Rồi anh đến bên giường sắt, ngồi dựa lưng vào vách. Anh nhìn khúc thịt đùi bịt băng trắng hếu, lòng tự nhiên ngậm ngùi. Nó như một chứng tích đau buồn của một thời thanh xuân của anh. Anh bỗng dưng nhớ lại cái đêm kinh hoàng, khi tổ anh chạm vào mìn cơ giới lúc cả bọn tiến sát phòng tuyến địch. Tại sao lại còn sống đến bây giờ. Tại sao anh không chết banh xác như hai người bạn cùng tổ. Tại sao họ lại không ban cho anh một viên đạn ân huệ như lời khẩn cầu của anh vào đêm hôm đó. Hay tại anh sợ chết. Vâng, anh đã thấy mình quá hèn yếu, khi anh quằn quại trong vũng máu, bật ra tiếng rên rỉ giữa lúc toán quân chính phủ tiến vào lục soát. Anh chỉ còn một cách là nhắm mắt, trước những bước giày dẫm xào xạc trên đám cỏ tranh và những tiếng hét dồn dập nổi lên. Coi chừng còn địch đấy các bạn. Bắn vào chỗ nghi ngờ đi các bạn. Và những phát súng dồn dập cày nát cả một khu vực xung quanh anh. Anh hốt hoảng la không ra hơi: cứu tôi với, cứu tôi với, anh em ơi. Bây giờ, hồi tưởng lại, tóc gáy anh muốn dựng đứng và cả người toát mồ hôi lạnh. Khi ấy, trời đã bắt đầu mờ sáng và anh đã choàng tỉnh dậy sau một cơn mê thiếp. Có lẽ những giọt sương cùng những tràng nổ dồn dập khi toán quân bắt đầu dò dẫm lục soát đã đánh thức anh dậy anh đã tuyệt vọng và không còn tin tưởng ở một sự cứu thoát nào của đồng đội. Họ đã bỏ rơi anh, hay họ đã coi sinh mạng con người trong chiến tranh như loài cỏ rác. Hay họ chỉ biết những chiến công anh dũng, những sự đề cao cá nhân anh hùng bằng những cái chết thảm như đồng đội anh. Tự dưng anh ứa nước mắt. Anh cắn răng cố lết một khoảng. Cuối cùng, máu từ vết thương đổ tuôn xối xả, đã làm anh kiệt lực. Anh lại nhắm mắt chờ đợi cái chết. Anh lại thấy rõ hơn bao giờ trong đầu óc một thành phố Hà nội. Hà nội với những con đường của tuổi thơ ấu, đầy lá bàng, đầu những lá xoan, và những hàng sấu tươi mát. Hà nội với những ngày chớm thu, với những cơn gió heo may lướt thướt. Anh không còn nghĩ đến vị trí hiện hữu của anh nữa. Anh lại nhớ đến người mẹ tóc bạc như sương ngậm ngùi khóc trong căn buồng vắng trước khi anh lên đường vào Nam. Người mẹ đã không dự buổi tiễn đưa hào hùng giữa một công trường tháng tám khi đứa con trai chí khí ngót trời quì xuống nền đất công trường……………………………………………………………Anh lại thấy người con gái, có mái tóc chẻ hai, môi tươi hồng, trao chiếc khăn tay làm quà anh trong buổi tiễn đưa. Và một thinh không vang lên lời tung hô, lời thề, cùng những lời cuối cùng của ………………..không, bây giờ anh đã nhận ra mọi sự đều đổi khác… anh đã bị bỏ rơi một cách tội nghiệp.

“ Tại sao khi đôi mắt ta nhắm nghiền, miệng rên rỉ! bắn tôi đi, và nòng súng đen ngòm chĩa vào trán ta, họ lại không bắn ta, mà cõng ta về, băng bó vết thương, mồi giúp ta một điếu thuốc của đế quốc”. Đó là lần đầu, anh nhận chân thế nào là cuộc chiến tranh mà anh dự phần. Đó là lần đầu, anh biết và thấy rõ thế nào là những tiếng nói của miền Nam, những tiếng vô cùng quyến rũ: bạn, mày, tao được trao đổi từ những người lính thù nghịch. Ôi thật vô cùng ngọt ngào và quyến rũ ở cái âm thanh của một xứ sở anh đến. Miền Nam, miền Nam anh em ruột thịt, miền Nam anh hùng. Hai tiếng ấy như tiếng gọi vô cùng của tuổi trẻ. Tâm hồn anh bỗng nhiên sôi sục. Châu thân anh phải bùng nóng như uống rượu say. Công viên Ba Đình. Bộ đại lễ của người chiến sĩ. Những anh hùng trong trận Điện biên. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . Những người bạn bỏ lại, trong chuyến vượt biên. Những hố bom sâu thẳm trên đường di chuyển. Những đơn vị mất tích trong rừng già, hoặc bị B.52 hoặc bị sốt rét của Hạ Lào gieo họa. Những đoàn quân dài dằng dặc hối hả ngày đêm dưới những tán lá xum xê. Anh và đồng đội đã nghĩ cùng một ý nghĩ diệt Mỹ cũng như cha anh của anh đã từng diệt Tây… cũng như tổ tiên anh đã diệt Tàu… Sinh Bắc Tử Nam, những lời thề vẫn còn vang dậy… Và bây giờ, miền Nam ruột  thịt đã hiển hiện trước mặt anh. Những người lính miền Nam đang đứng xung quanh anh. Trường sơn bát ngát hùng vĩ đang sừng sững sau lưng anh, anh đã tìm thấy gì khi anh trở về miền Nam này? Hay những đồng hoang cỏ cháy, hay cũng làng thôn tiêu điều mông mênh nước bạc” Hay những rừng núi chìm ngập trong biển lửa u mê… Anh đã tìm thấy gì, khi đôi mắt anh nhắm nghiền để đợi cái chết. “ Ta đã hiểu. Chúng ta là những con cờ tốt trong một ván cờ bất phân thắng bại. Một viên chuẩn úy trẻ đã nói với Đồng, khi anh được mang vào bộ chỉ huy.

“ Tội nghiệp, thằng này trẻ quá. Có lẽ nó mới vào Nam. Anh bắt gặp giọng nói chan chứa tình yêu thương anh không cầm được cơn đau đớn, bật rên.

- Hãy tiêm cho nó một mũi thuốc khỏe. Anh thì van lơn. Có lẽ anh cảm thấy quá nhục nhã, đê hèn.
- Bắn cho tôi một phát đạn, cho tôi chết. .. Nhưng họ không bắn anh. Viên chuẩn úy đã nói:
- Tôi biết bạn đau đớn lắm. Tôi cũng biết bạn đang sợ chúng tôi. Hay có mặc cảm là một tên hèn nhát… Nhưng dù sao chũng tôi cũng vẫn săn sóc bạn. Và hơn bao giờ, được muốn coi bạn là người anh em với chúng tôi. Một người Việt nam…
- Ông nói có lý. Có phải ông săn sóc tôi để tôi được cứu sống, để tôi trở thành một tù binh của đế quốc Mỹ?
- Bạn đã hiểu lầm. Bạn tưởng chúng tôi vui mừng thỏa mãn khi bắn một người anh em miền Bắc. Chúng tôi cũng như các bạn, chưa hề gây hận thù, biết được nguyên do của hận thù cũng như cuộc chiến tranh này.  . . . . . . . . . .  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . .  .  .  .  . .  .Tôi mong bạn hãy để chúng tôi săn sóc. Nếu một mai hòa bình, bạn có thể về quê hương miền Bắc…

* * *

Khúc phim của một đêm kinh hoàng đã chấm dứt khi tiếng mở khóa lách cách của viên quân cảnh. Một người thương binh chánh phủ đã mang vào hai ổ bánh mì và một lon cacao. Hắn không quên dí thêm hai điếu Bastos xanh. Tôi mỉm cười cám ơn. Chưa bao giờ tôi yêu miền Nam đến thế. Chưa bao giờ tôi nhận ra số phận của tuổi trẻ Việt Nam là đáng thương và tội nghiệp như thế. Có ở trong quân y viện, tôi mới ý thức được như thế nào là sự thực của cuộc chiến, những dòng nước mắt của những người trẻ tuổi, sự côi cút của một thế hệ như thế hệ chúng tôi. Đó là nơi chan chứa những nỗi bất hạnh cũng như ràn rụa những nỗi thương yêu. Vâng, trong nỗi đau khổ này, chúng tôi đều hiểu rằng chiến tranh là một tai họa khủng khiếp. Chỉ có tình thương mới thắng được hận thù. Vâng, nếu miền Bắc và miền Nam đều hiểu điều đó, thì chắc chắn chiến tranh sẽ không còn kéo dài nữa và bóng hòa bình sẽ phủ rợp trên bầu trời Việt Nam.

Chính trong quân y viện này, tôi đã tìm ra một sợi giây tương thân tương ái vô hình liên kết giữa tôi và những người thù địch. Tôi đã được họ mời những điếu thuốc đế quốc như Pall Mall, Salem hay những điếu thuốc quân tiếp vụ. Tôi cũng có dịp chống cặp nạng lê bước vào trại điều trị của họ cùng ngồi đánh cờ tướng, tán gẫu vu vơ cùng họ. Ở họ, là những khúc tay bị cưa lìa, những con mắt bị đui những tai bị điếc. Nhưng ở họ, là một nụ cười tuyệt đẹp và vô tư hết sức… Tôi phải cám ơn những ngày điều trị trong quân y viện này.

Cô bé học nghề đã vào phòng tù binh như thường lệ. Đồng mỉm cười chào, rồi trở về giường nằm. Cô bé hỏi thật nhí nhảnh:

- Anh bớt đau không?

Anh trả lời thật vui:

- Hết đau rồi cô.
- Như thế, khoảng một tháng nữa là anh lành hẳn, anh phải rời khỏi đây…
- Thì tôi khai đau nhức trở lại…
- Bộ anh muốn nằm đây mãi hay sao?

Anh mỉm cười không đáp. Cô bé vừa cởi băng khỏi khúc đùi bị cưa của anh, vừa nói:

- Gớm trời bắt đầu trở rét…,
- Thế này mà rét… hở cô?

Rồi anh cười:

- Như thế cô làm sao sống ở miền Bắc nổi…
- Có phải ở Hà nội lạnh lắm nhỉ?
- Vâng, những ngày cuối năm lạnh lắm.

Cô bé chợt khám phá một điều gì mới, giọng nói của co bé vẫn còn tươi mát như giọng Hà nội trộn lẫn.

- Em vừa đọc xong một chuyện viết về cái rét Hà nội chuyện, Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh. Anh biết Nhất Linh không?
- Vâng, tôi đã đọc nhiều chuyện của ông khi còn cắp sách. Như Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Hồn Bướm Mơ Tiên…
- Nhất Linh chết rồi, anh biết không?
- Có lẽ ông ta già?
- Không, ông tự tử bằng thuốc ngủ, anh không nghe ư?
- Làm sao tôi nghe được…
- Ông tự tử vào ngày 7-7-1963 để lên án chế độ Ngô đình Diệm…
- Thế ư?
- Em đọc chuyện Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh mà muốn rưng nước mắt. Có phải ở Hà nội, trời cuối năm, thật lạnh, và thật nhiều lá bàng không? Anh thấy họ nhặt lá bàng bao giờ chưa?
- Vâng, có nhiều người đêm đêm chờ gió nổi lên, rồi xách gỏ đi nhặt lá bàng. Họ mang về đốt để sưởi lạnh.
- Anh kể như Nhất Linh kể vậy,… Anh kể tiếp đi…

Cô bé thúc dục anh bằng một giọng ngọt ngào như giọng chim non.

- Cô thích  Hà nội lắm sao?
- Vâng, bởi vì Hà nội là quê hương của em…Ngày em rời khỏi Hà nội, thì quá nhỏ để không nhớ một cái gì về Hà nội cả!
- Thế cô cũng sinh trưởng tại Hà nội.
- Vâng, nhưng sống ở Hà nội không được bao năm, anh ạ.

Rồi cô bé nói thật ngậm ngùi:

- Bố mẹ em cứ mong một ngày trở lại Bắc. Còn em thì mong một ngày về xem những hàng bàng của Hà nội, để được mang áo ấm trong ngày cuối năm. Còn anh, anh mong về không? Đồng bất giác thở dài. Anh vừa nghe một kỷ niệm. Anh vừa nhớ lại thành phố thân yêu mà anh ngỡ đã xa lìa vĩnh viễn. Anh cúi đầu. Trong khi tiếng cô bé ấp úng:
- Xin lỗi anh, em đã làm anh buồn
- Không, cô có làm gì tôi đâu. Cô nói đúng đấy. Nhưng tôi không còn nghĩ đến ngày về với Hà nội nữa. Số phận của tôi bây giờ…
- Em nghe nói chính phủ sắp trao trả tù binh tàn phế. Anh chắc được về…

Cô bé vừa nói vừa làm việc. Đồng để ý đến những ngón tay thon mềm và trắng muốt đang cầm chiếc băng quấn dần vào khúc thịt vừa làm thuốc của mình, mà lòng thật xúc động. Cô bé đã khiến anh nhớ lại đứa em gái anh, cũng như Hà nội của anh. Đứa em gái của anh bây giờ đang làm gì ở ngoài Hà nội hay đang xung trong đoàn cứu thương hoặc một đoàn văn công lưu diễn khắp miền Việt Bắc? Cũng có lẽ nó đã vào miền Nam cũng nên. Làm sao nó biết được anh nó đã trờ thành một tên tù binh tàn phế cụt chân này. Còn cô bé này nữa. Anh đã tìm ở giọng nói vương vấn một chút phát âm của Hà nội, để liên tưởng đến một nơi chốn xa vời trong ký ức. Không, anh vẫn còn thấy Hà nội như in, như thể hôm nào anh đứng trên wagon tàu, vẫy tay chào thành phố lần cuối. Những con đường đầy bàng, sấu. Những vỉa hè đầy những hầm hố chống bom. Những ngã tư, đầy ụ phòng thủ, và nòng súng phòng không chĩa lên trời. Những nhà máy còn thở khói lên trời xanh. Và hồ Hoàn Kiếm, vẫn còn ngủ yên trong sương mù với những rặng liễu lướt thướt… Những mái đỏ khuất trong rừng hoa giấy… Anh tự dưng muốn ứa nước mắt. Tại sao cô bé cứ nhắc đến một Hà nội mà anh muốn quên lãng. Tại sao cô bé cứ nhắc đến một cơn gió thổi qua và những lá bàng rơi rụng xuống mặt đường? Tại sao cô bé cứ làm anh liên tưởng đến một ngày trở về, với một cặp nạng khấp khểnh giữa lòng phố? Tại sao cô bé lại không thể nhìn rõ bề sâu thẳm của tâm hồn anh vào một buổi sáng buồn bã thế này…

- Anh đang nhớ Hà nội phải không?
- Vâng..anh trả lời ngượng nghịu.
- Em mong sao một ngày hòa bình, sẽ về với Hà nội. ….đó, em sẽ nhờ anh chỉ đường đấy…
- Vâng, tôi sẵn sàng…

Rồi anh hỏi:

- Hình như cô vào quân y viện học nghề phải không?
- Sao anh biết?
- Tôi nghe những bạn bên trại kia bảo vậy.
- Vâng, em học ở đây đã gần một năm. Hết một năm, họ sẽ cấp cho một chứng chỉ…
- Cô làm ở đây, có lương không nhỉ?
- Không có anh. Em đi học mà.
- Tội nghiệp nhỉ? Thấy cô làm khổ cực quá…
- Nhưng dù sao, em cũng được an ủi, được giúp đỡ một phần nào những người bất hạnh trong chiến tranh…
- Cô không ghét chúng tôi chứ?
- Các anh làm gì mà em ghét… Vả lại, ở đây, ai cũng đang thương cũng tội nghiệp… Em nghĩ lỗi là do chiến tranh… anh có đồng ý với em như thế không?

Anh gật đầu;

- Vâng, cô nói đúng.

Cô bé nhớ ra một điều gì nên reo lên:

- Anh chờ em một tí…,

Rồi cô bé bỏ dở cả công việc, chạy ra khỏi phòng. Một lát cô bé mang vào một gói giấy nhựt trình:

- Quà Tết của em đây… Em mời anh. Rồi nàng liến thoắng mở gói giấy.
- Này, bánh cốm, này hạt dưa, này mứt gừng. Em mời anh…

Đồng nhìn chăm món quà tết rồi một động lực vô hình nào đó đã khiến bàn tay anh nắm chặt bàn tay cô bé. Anh nói như khóc:

- Cám ơn cô. Tại sao cô lại tặng tôi…

Cô bé cười thật vô tư:

- Tại em thấy anh tội. Anh ăn bánh cốm thử coi. Bánh cốm của miền Bắc đấy…

* * *

Bánh cốm của miền Bắc đấy. Những lời của người con gái nhỏ bé vẫn còn vẳng bên tai tôi; chẳng khác gì một dòng suối êm dịu vỗ về trong lòng cằn cỗi của tôi. Chưa bao giờ tôi sung sướng như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy được cái bóng hạnh phúc quả là to lớn như vậy. Nga ơi, con chim họa mi của anh ơi. Cám ơn em đã  giúp anh thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Những người bạn thương binh ngụy kia ơi, cám ơn các bạn đã giúp cho tôi thấy được tình người và nhận rõ vị trí của chúng ta trong cuộc chiến . Chúng ta không thể nào thù nghịch nhau. Chỉ có chủ nghĩa ngoại bang đã đổ xuống đầu chúng ta; bắt chúng ta lao vào con đường của thù hận phi lý ấy. Tha lỗi cho tôi, anh Hạo dù anh đã thú nhận cùng tôi anh đã bấm quả  mìn cơ giới ấy. Tại sao, tôi lại gặp anh trong quân y viện. Tại sao anh lại trở về cùng một số phận như tôi. Những kẻ bị chiến tranh đày đọa. Hai đứa đã nhận ra nhau khi ngồi trong xe ambulance để đi khám ở quan y viện tăng cường.

…. Ngày hôm nay, Hạo mang đến cho tôi một bao thuốc Pall Mall, và cười nói là quà tặng trong dịp lãnh lương. Tôi nhận cả hai tay. Tôi tự thấy tôi đã tiêm nhiễm đầu óc tư sản rồi. Dù sao, một điếu thuốc dài có vị ngon tuyệt vời như Pall Mall này, hút vào cảm thấy khoan khoái hơn thuốc lá Nhân Dân. Hạo là người bạn  thân nhất của tôi trong quân y viện này. Chúng tôi đã quên những gì của quá khứ. Chúng tôi đã thấy rõ lòng thù hận chẳng đưa con người đến đâu. Và hơn bao giờ, lòng thù hận giữa chũng tôi quả thật là phi lý. Có phải không?

Tôi đã bắt đầu viết nhật ký sau một tháng quằn quại cùng cơn đau đớn. Tôi vừa xin Tạo một xấp giấy trắng và một cây bút nguyên tử.. Tôi tập trở lại những ngày lãng mạn cũ. Nhất là những ngày cuối năm, tôi thấy hình như một làn gió khác lạ thổi qua đời tôi, bắt tôi nghĩ miên man như thể đắm chìm trong một cơn mộng.

Nga, thì lúc nào cũng dễ thương. Cô bé ấy có đôi mắt sáng trong và thật ngây thơ như đôi mắt của đứa em gái tôi. Nga, tôi phải viết trăm ngàn lần gọi trăm ngàn lần, để khỏi nhớ nhung và nhung nhớ. Nga, con chim bé nhỏ của một thành phố xa xôi, đã bay về, mang tiếng hót trong nơi tù ngục đời tôi. Tôi phải cám ơn nàng. Không biết, nay mai, khi rời nàng, tôi có đủ can đảm để dứt khoát với quá khứ không?

…Ngày cuối năm, giờ này thầy mẹ đang nghĩ gì ở thành phố Hà nội ấy. Hay thầy mẹ đang nhớ đến đứa con trai lưu lạc ở miền Nam. Hay mẹ đang khóc như một lần mẹ khóc trong buổi tiễn đưa con lên tàu. Hay thầy đang ngậm ngùi đốt thuốc lào nhìn cơn mưa bụi ngoài hè phố…, Con nhớ thầy mẹ lắm, Thầy mẹ ơi.. con muốn bay về cùng Hà nội, thăm lại con đường, ngôi nhà, hàng hiên, thăm lại căn phòng riêng của con, sờ mó lại tất cả những đồ đạc, bàn ghế, nhìn mái tóc của thầy mẹ đã đẫm sương. Làm sao thầy mẹ biết con đang ngồi trong trại tù binh, bên hai chiếc nạng gỗ, để nhìn cái chân tàn phế thế này.. Nếu thấy con, chắc thầy mẹ sẽ khóc ngất…

Thầy mẹ hãy tha thứ lỗi cho con. Hà nội hãy dung thứ cho tôi. Tại sao tôi lại không về Hà nội như người bạn của tôi cùng chung một phòng? Tại sao tôi lại từ chối trong một buổi sáng, khi một phái đoàn hồng thập tự quốc tế đến hỏi tôi xác nhận lần cuối cùng. Được hỏi lý do tại sao, có phải vì bị bắt buộc không, tôi đã trả lời: bởi vì tôi không muốn trở thành anh hùng. Vâng, tôi đã quá chán nản với cái danh từ ấy rồi.

Họ đã đặt rất nhiều câu hỏi. Họ đã cố gắng thuyết phục tôi về một hiệp ước trao đổi tù binh và sự tự do lựa chọn trở về hay ở lại. Tôi chỉ nói một câu duy nhất: tôi không muốn trở thành anh hùng. Chắc họ cũng ngạc nhiên và những người sĩ quan của miền Nam đều phải hả dạ lắm. Nhưng họ làm sao biết được những giọt nước mắt của một kẻ tàn phế như tôi. Bây giờ, tôi không còn gì để giúp ích cho xã hội nữa. Nhất là một xã hội chủ nghĩa như miền Bắc mà lao động được xem như là cứu cánh. Tôi là kẻ bị bỏ lại, như người ta đã bỏ tôi trong đêm lọt vào phòng tuyến địch.

Lạy Thầy mẹ, hãy tha lỗi cho đứa con bất hiếu.

Hà nội quê hương của ta ơi, hãy bao dung cho ta.

Sáng nay, Nga đã không đến nữa. Hình như cô bé đã nghỉ việc. Tư nhiên buồn. Hay tôi đã yêu con chim nhỏ bé ấy? Hay tôi đã bắt gặp những gì yêu dấu của tuổi thanh xuân qua hình bóng dễ thương và nhí nhảnh ấy. Nga đã không đến. Và lòng tôi bây giờ chẳng khác một bể sầu. Tôi đã không kể về Hà Nội như đã hứa với Nga. Tôi đã không mang Hà nội như một lần Nga vòi vĩnh… Tôi muốn khóc khi nhai miếng cốm mà cô bé đã tặng làm quà Tết. tôi nhớ những ngón tay trắng nhợt đang dần tháo băng khỏi khúc đùi của tôi. Nga ơi, tại sao em lại mang tiếng hót vào cõi đời bất hạnh của anh. Bây giờ là cuối mùa đông của miền Nam, mà trời như bắt đầu vào thu ở ngoài Bắc, không có em, làm sao anh mang một thành phố ngập lá và và gió theo mây về bên ô lưới sắt?

TRẦN HOÀI THƯ

“nguồn:  http://tranhoaithux. wordpress.com”.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014