SỐ 62 - THÁNG 4 NĂM 2014

 

SÀI GÒN THÁNG TƯ, HOA VẪN VÀNG NƠI ẤY

SÀI GÒN THÁNG 12 NĂM 1974

Anh hẹn tôi tại đường Trần Cao Vân, góc Hai Bà Trưng, chổ "cây điệp vàng thứ ba từ đường Hai Bà Trưng đi vô, bên phải..". Anh dặn tôi như vậy khi gặp nhau ở Bến Bạch Đằng. Cây điệp còn non, chưa ra hoa, đứng chỉ tới vai tôi. Đến giờ dù đã 40 năm trôi qua, tôi vẫn không hiểu tại sao anh lại biết cây điệp và tôi phải đứng chờ anh ở đó mà không là nơi khác?

Tan học ra, tôi đứng lơ ngơ một lát thì anh đến. Vẫn bộ quân phục màu xanh tím của Sĩ Quan Hải Quân, vẫn cái dáng cao cao phong trần, anh nhìn tôi bằng đôi mắt biết cười. Gần Noël rồi nên Sài Gòn rộn ràng lắm. Những ngọn đèn nhấp nháy. Những ánh mắt long lanh. Bên anh, tôi hồn nhiên vui, hồn nhiên cười nói. Gió chiều thổi bay bay mái tóc, phất phơ tà áo, tôi cùng anh đi qua Hồ Con Rùa, vào quán kem. Anh kêu cho tôi ly kem dâu và anh, ly cà phê đá. Từ trong quán, tôi nhìn ra con đường Duy Tân, nơi có ngôi trường Luật của tôi đang nép mình dưới hàng cây Sao đổ lá. Nhạc trong quán vừa đủ để tôi nghe: "...Trả lại em yêu khung trời Đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát...uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...". Bài hát này tụi bạn tôi thường hay hát nghêu ngao, đứa nào cũng thuộc, cứ như là Tình ca của Sinh viên Luật vậy.

Tôi và anh đã ngồi bên nhau, nói vu vơ những câu chuyện không đầu không đuôi về trường lớp, về cái nơi xa xôi, khó hiểu với tôi là Biển. Tôi nhớ mình đã hỏi anh: "Anh cứ đi hoài, biển có gì hấp dẫn anh đến vậy?" Anh chỉ cười và im lặng. Tôi khi ấy còn quá ngây thơ. Tôi không biết gì về chiến tranh. Bởi chiến tranh ở đâu đó chứ không có ở Sài Gòn. Tôi đang ở nơi bình yên hoa lệ, tôi chỉ biết học hành, vui chơi. Tôi tha hồ lãng mạn với những bài thơ tình đăng báo của mình. Tôi cho vào thơ con tàu HQ 505 chở đầy hoa bướm, với áo trắng học trò, với con đường có lá me bay, có cả tôi: tóc chấm ngang vai và..."bờ môi chưa hôn ai một lần..". Sau này tôi mới biết HQ 505 không chở hoa thơm cỏ biếc, chỉ có hằng trăm tấn đạn chất nặng những khoang tàu để đưa ra vùng chiến sự, chỉ có máu và nước mắt, chỉ có những cuộc chia ly xé nát lòng người.

Sài Gòn rực rở đèn hoa chờ đón Noël 1974, thoảng trong gió có tiếng chuông nhà thờ Đức Bà thánh thót. Anh nói về chuyến hải hành sắp tới với nhiều khả năng anh sẽ đón Noël trên biển. Bổng dưng tôi thấy ghét biển. Biển đã dành anh trong đêm an lành đó. Khi tôi nói ra điều này, tôi thấy trong mắt anh phảng phất nổi buồn.
Chia tay nhau ở một ngã tư đường sáng đèn xanh đỏ, bàn tay tôi bé nhỏ đã run rẩy trong tay anh nắm chặt. Tôi cúi mặt, mím môi, tôi sợ mình bật khóc. Còn lần nào cho mình gặp lại nhau không? Sao anh chẳng dặn dò tôi đợi? Và tôi cũng quên không hỏi bao giờ anh sẽ trở về? Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh vào một buổi chiều, giữa Sài Gòn lộng gió.

SÀI GÒN THÁNG 12 NĂM 1975

Sài Gòn vừa trải qua cơn đại hồng thuỷ. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là chiến tranh. Và cũng lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là đau thương, là chia lìa, là "vàng phai đá nát". Những điều không có trong thơ văn tôi.

Buổi chiều Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi một mình xuống Bến Bạch Đằng. Bến vắng. Nhìn qua bên kia bờ Thủ Thiêm, thăm thẳm một giòng sông chết. Những con đường dẫn về bến tàu đầy dẩy quân trang, quân dụng của những người tháo chạy. Tôi trông thấy một chiếc nón Sĩ Quan Hải Quân nằm lăn lóc bên vĩa hè đường Nguyễn Huệ. Tôi đã cúi nhặt, cầm chặt nó trong tay. Chủ nhân của chiếc nón chắc hẳn đã xuống tàu ra khơi, bỏ lại một phần đời, một phần hồn của mình bên lề đường bộn bề rác rưởi. Anh cũng vậy phải không? HQ 505 giờ này chắc hẳn đã ra khỏi hải phận Việt Nam. Anh đã đi rồi phải không?

Có giọt nước mắt nào rơi xuống nón. Tôi khóc sao? Khóc cho ai? Cho tôi và cho chiếc nón lạc loài này? Hay tôi khóc cho người đã ra đi không kịp nói câu từ giã?

Có ai đó nói Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng. Sài Gòn không có mùa Đông. Riêng tôi, Sài Gòn đã có mùa Đông dài nhất, lạnh nhất vào những ngày cuối năm 1975, lạnh hơn bất kỳ mùa Noël nào trước đó. Tôi trở vào trường với nổi tủi thân vô hạn. Không còn nữa Khoa Luật với Ban Tư Pháp, ước mơ trở thành Luật Sư của tôi vỡ vụn. Không còn nữa anh chàng Trung Uý Hải Quân đã cùng tôi hò hẹn. Chỉ  còn tôi một mình trở lại quán xưa, ngồi vào chổ cũ, tự kêu cho mình ly kem dâu, tự mình gặm nhấm nổi buồn. Co ro trong quán lạnh chợt thèm một bàn tay ấm áp, một ánh mắt dịu dàng của anh. Chợt tiếc thầm ngày ấy sao ta chẳng hôn nhau? Sao tôi không trao anh nụ hôn đầu đời con gái?

Nhà thờ Đức Bà đã đổ chuông cử hành Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Tiếng chuông nghe buồn bã và lạnh lẽo làm sao. Tiếng chuông gõ vào lòng tôi nổi đau có thật: tôi và anh đã lạc mất nhau mãi mãi trong đời.

SÀI GÒN THÁNG 4 NĂM 2014

Tôi đã đi suốt chiều dài 40 năm của cuộc đời mình với bao nỗi buồn vui. Tôi đã như con cá nhỏ từ sông hồ bơi ra biển lớn. Đuối sức. Hụt hơi. Trước những cơn sóng đời, để tồn tại, tôi phải quên đi việc mình biết làm thơ, vì thơ không cho tôi cơm áo. Tôi học hết Đại Học trong cảnh thiếu gạo, thiếu điện thắp sáng và ra trường đi làm bằng chiếc xe đạp. Sự vất vã khiến tôi nguôi dần nỗi nhớ.

Quá khứ có lẽ đã khép lại trong cái ngày tôi khăn áo theo chồng sau đó mười năm. Mười năm rồi mười năm nữa. Người đi có người đã quay về. Người về làm du khách, về tìm lại chút kỷ niệm được lưu dấu nơi mãnh đất trầm luân này. Anh có về không để nhớ lại một thời Sài Gòn có anh và có tôi?

Không biết bao lần trong 40 năm qua tôi đã đứng thẩn thờ dưới gốc cây điệp vàng ở đường Trần Cao Vân. Cây lớn lên từng ngày. Cây cao khỏi tầm tay tôi với. Cây trổ đầy hoa. Hoa nở vàng trên cây. Hoa bay trong gió. Hoa rụng xuống mặt đường. Màu hoa vàng nức nở. "Tại sao tôi phải đứng nơi này đợi anh mà không là nơi khác?" Câu hỏi đó theo tôi suốt 40 năm. Và có lẽ cả một đời người.

Sài Gòn lại Tháng Tư. Trong tôi lại man mác nỗi buồn. Anh biết không, cho dù anh không trở về, cho dù tôi đã có chồng, hoa vẫn vàng nơi ấy, nơi tôi đã đứng đợi anh, tình đầu.

KIM CHI
(Sài Gòn Tháng Tư)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014