SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

Đường Chiêm bái (4)

Thi Vũ

Con đường về trọ trong chân
Ngón đi mở lối ngón vần thời gian

Rừng thả đường xuống bình nguyên như một dòng suối khô lách ven ngàn lá. Đoàn xe lốc bụi rượt theo không nghỉ, khi uốn lượn khi lăn dài vào đáy dốc. Thành phố McLeod Ganj của Dharamsala vừa mất hút trên đỉnh đầu, tôi biết mình đang xuống núi. Trời pha sắc tía hồng trên những chòm núi tuyết Hy mã lạp sơn. Trong âm u màu lá thẩm, ngôi nhà thờ St John in the Wilderness bên đường quạnh hiu. Nơi xứ sở của nghìn triệu thần linh, gặp ngôi giáo đường đạo Thiên chúa là điều hiếm. Vào nơi góc núi càng bất ngờ hơn. Không một bóng người, toàn màu đá xám ngậm ngùi vạt tường cao và nghĩa trang lặng. Đâu đó mộ của Phó vương Lord Elgin chôn năm 1863, bây giờ cũng là mồ chôn vĩnh viễn một thời vàng son Anh quốc trị vì.

Về đến New Delhi, tôi lấy máy bay đi Patna, rồi từ đây thuê xe về Bodhgaya (Bồ đề Đạo tràng) và Rajgir (thành Vương Xá). Tôi đi vào bang Bihar nằm dọc lưu vực sông Hằng (Gange). Bang đông dân và nghèo nhất của Ấn độ. 95 triệu dân trên một diện tích bằng hai phần ba nước Việt Nam. Ngày xưa đức Phật tiên tri một kinh kỳ sẽ dựng lên nơi lưu vực này, tuy báo trước là nội loạn, lửa khói, lụt lội cũng dấy lên từ đấy. Lời tiên đoán đã thành sự thực khi vua A Xà Thế (Ajatasatru) dời kinh đô vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) từ thành Vương Xá về Pataliputra (ngày nay gọi Patna) vào thế kỷ V trước Tây lịch. Hai thế kỷ rưởi sau, triều đại huy hoàng của vua A Dục (Ashoka) tiếp nối, thống nhất dân tộc Ấn, tổ chức thành xã hội ấm no, hạnh phúc, thái hòa, văn minh và nghệ thuật. Ngày nay trước cảnh nghèo khó khốc liệt của nhân dân Ấn ở Patna và khắp bang Bihar, chẳng ai hình dung được thời xưa cảnh sống phồn vinh rực rỡ từng kéo dài đến gần mười thế kỷ.

Trước khi đến Patna, các bạn quen đều dặn phải cẩn thận khi di chuyển ở vùng này.

Họ bảo : Tuyệt đối chớ đi xe ban đêm. Giết người và cướp bóc như rươi. Tự thân vô sản, tôi chẳng sợ nạn cướp đường. Duy hôm chờ tàu ở New Delhi, tình cờ được xem một phóng sự truyền hình vùng Bihar trên đài Discovery Channel. Thấy ngoài nạn cướp còn là cuộc tranh chấp chính trị khủng khiếp. Điều không thể ngờ vào năm 1998, chế độ cộng sản và những chính quyền đầu sỏ của nó hầu như sụp đổ khắp nơi, thế mà ở bang Bihar có những vùng tự trị (những chiến khu ?) do nhóm cực tả theo chủ nghĩa Mao thống lĩnh. Họ tổ chức những cuộc tố khổ, những tòa án nhân dân để xử trị những ai không thi hành chính sách của họ. Một giáo viên sang dạy ở trường làng bên cạnh thuộc nhà nước Ấn ? một công chức phục vụ chính quyền "phản động" ? một phụ nữ liên hệ với người ngoài làng ? Tòa án nhân dân sẽ dựng lên, cán bộ Mao-ít thủ vai chánh án, bồi thẩm, ngồi sau chiếc bàn gỗ đơn sơ. Bị cáo quỳ trên sân đất, dân làng ngồi chồm hỗm bao quanh. Tố khổ xong là tuyên án, dân chúng giơ nắm tay thề, hô theo lời kết án. Hình phạt là chặt cụt tay, chặt cụt chân. Phóng viên đài truyền hình hỏi hình phạt sao nặng thế. Cán bộ cao cấp ngạc nhiên trả lời : "Nặng à ? Khoan hồng lắm đấy chứ ! Ông thấy chúng tôi có giết họ đâu, chúng tôi chỉ chặt tay chặt chân thôi. Nhẹ lắm mà!".

Vào cuối thế kỷ XX nơi lãnh thổ Bihar nghèo đói, khốn cùng, vẫn là thứ quyền bính móc trên đầu súng, treo dưới lưỡi gươm, cột nơi cùm xiềng. Gần bốn mươi năm trước, tôi từng viết chữ Bihar trên các bì thư vấn an các vị Tăng du học. Nay các ngài đều lên chức lão Hòa thượng. Thế mà nay tôi mới biết bộ mặt thật của Bihar. Một cõi thanh bình nghịch lý, đong đưa giữa đói nghèo và bạo động, giữa cướp giật và từ tâm.

Xe chạy vun vút trên con đường tốc bụi, dằn chồm qua trăm chục ổ gà ghẻ lở. Tôi mở toát cửa kính, gió lăn tay và mặt vào bụi, chiên dưới sức nóng cháy người. Bao cánh đồng khô khốc. Người và trâu chậm rãi kéo cào thành luống đất nông. Làng mạc lúp xúp những căn nhà bằng đất nện nhỏ bé, dưới bóng cây, bên độn rơm. Bò, trâu, dê, chó, người, trẻ nít, quấn quýt bên nhau trong một thế giới không phân biệt và an hoà. Dường như họ chỉ thiếu khó, nhưng không nghèo khổ ?

Như không trung tích trữ dưỡng khí, họ nhào nặn niềm an lạc lạ lùng từ đất cháy và người khô.

Tốc độ xe và động cơ gầm rú trên đường lôi tôi về cuối thế kỷ XX. Nhưng tâm tư và trí tưởng chẳng còn đây, mà ngược lên mấy nghìn năm trước. Dường như sự bất hạnh và bất công vẫn bao trùm khối quần chúng quảng đại. Duy người phụ nữ Ấn tuyệt vời tự tại trước bao tang thương biến đổi. Nghèo đến đâu, nơi thôn xóm cùng đinh nào, giữa đống rác tràn lênh ven đô, hay trên đồng áng, vườn tượt, họ kiều diễm trong tấm áo sari sắc màu lộng lẫy. Tôi cứ tự hỏi bí quyết gì những người đàn bà lam lũ kia có thể lao động trong bộ trang phục vốn dành cho vũ điệu hay biểu diễn thời trang ? Họ địu con, làm lụng vất vả, đội củi, đèo gạch hay những bó cỏ to xấp đôi người họ. Nhìn vào đâu cũng thấy họ sinh hoạt  -- những chấm sắc màu làm tươi mát cuộc sống nhọc nhằn. Họ là buồng phổi neo níu các mảng rã của hình hài và thân phận. Tôi thấy nhiều người đàn ông nằm ngủ trưa, kéo ra chiều muộn. Nhưng ít thấy người phụ nữ Ấn nghỉ ngơi. Có cái gì khoan thai mà chịu đựng, dịu dàng nhưng kiêu hãnh, qua dáng họ đi hàng dọc trên đường với đủ thứ áo màu chói dội  -- những bước đi của thời gian và thiên cổ. Xã hội Ấn sẽ còn lại gì khi thiếu những người đàn bà ấy ? Ý nghĩ này từng đến với tôi khi ở Nhật. Nhật là xã hội của đàn ông, hùng mạnh đến cứng cỏi, vững vàng đến bất động, oai phong đến sắc lạnh. Thế nhưng đó chỉ là mặt nổi của một âm bản thâm trầm và phiếu diễu : người đàn bà Nhật. Chỉ một tiếng phát âm vừa lẵng vừa nghiêm, vừa khả ái, dịu dàng của người phụ nữ Nhật qua chữ "Né" khiến diệu vợi lòng ta. Từ cung điệu âm ngữ cùng dung phong ấy, nền văn minh của mặt trời, của những cánh hoa thơm mộng dựng lên. Sắc đẹp người đàn bà là suối nguồn cho nghệ thuật. Đức hạnh người đàn bà là mẹ đẻ ra xã hội văn minh. Thần linh đều là con cái họ. Nhưng sao họ hẩm hiu trên mặt đất, tả tơi trong cuộc đời ? Ôi đám thần linh bội bạc.

Rồi tôi cũng đến núi Linh Thứu (Gridhakuta) ở thành Vương Xá (Rajgir). Thành Vương xá, trung tâm kinh tế phồn thịnh với trào lưu văn hóa mới của vương quốc Ma Kiệt Đà, nơi đức Phật thu nhiếp vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), triều đình và dân chúng. Ở đây đức Phật dừng chân và giáo hóa thính chúng suốt mười hai năm, cũng là nơi cuộc kiết tập kinh điển thứ nhất được tổ chức sau ngày Phật niết bàn.

Từ xưa cứ nghĩ  Linh Thứu cao hùng vĩ, chót vót lưng trời. Hơn hai nghìn năm trăm năm trước, nơi đức Phật thuyết giảng các bộ kinh cao thâm vi diệu cho hàng nghìn thính chúng và chư thiên. Pháp tòa trong tưởng tượng ấy thật vàng son. Đến nơi mới thấy Linh Thứu chỉ là quả đồi nằm dưới trũng trời, năm dãy núi còn non Ratgagri, Udegri, Biplagri và Baibhargri trùng điệp bao quanh xanh biếc. Đến đây, lần đầu tôi cảm nhận kích thước Người của Đức Phật. Ngài là bất cứ ai, thuở ấy và giờ này, quấn áo vải, đi chân đất, bước trên con đường nắng cháy bốn mươi độ dương, từ núi xuống, từ đồng bằng ra đi. Tôi gặp nhan nhản những người-phật như thế dọc hành trình Ấn độ. Họ đi như không biết khoa học đã phát triển, xã hội đã giao thông xa lộ với cơ khí chuyển thành tốc độ. Họ đi như chưa hề biết có quán rượu, hộp đêm, siêu thị. Bước đi như chuỗi hạt đang lần, đôi mắt không nhìn phía trước mà nhìn vào nội tâm, trí tưởng không tính toán hơn thiệt, mà giao chiến hay đối thoại với thần linh. Họ đi không ngưng nghỉ như tiếng đàn của Ravi Shankar, triền miên nơi không gian raga, và được thời gian điểm nhịp bằng tiếng trống sóng taga ầm vọng. Không cô liêu biền biệt vào hoang sa như nhạc Ả rập, mà ngui ngút theo dáng núi vút vào vũ trụ không cùng.
Khác chăng là những người đang bước bước hư vô trên trần thế Ấn độ kia cứ đi mải miết tới chân trời. Một chân trời viễn ly. Họ không là Phật, thu cả tam thiên đại thiên thế giới vào trong một hạt cải. Họ không nhìn xuống bàn chân đang nhẹ lướt những chân trời. Họ không nhìn lên cái đập cánh của núi hỏa mù vào thiên thu. Như đức Phật một thời thị hiện trên đàn tràng Linh Thứu.

Ở Ấn độ đi đến đâu tôi cũng gặp một người đã đến trước mình, đó là ngài Huyền Trang  -- con người kỳ vĩ của sự Lên Đường. Một tấm biển trên đỉnh Linh Thứu ghi : đây là nền gạch còn lại của ngôi tịnh xá, nơi danh tăng Trung quốc Huyền Trang đã đến vào thế kỷ VII Tây lịch.

Ngài Huyền Trang xuất gia năm 13 tuổi, năm 26 tuổi một mình một ngựa băng sa mạc Gobi sang Ấn độ. Học đạo với Pháp sư Giới Hiền ở viện đại học Nalanda ở bang Bihar. Sau đó chu du khắp Ấn độ chiêm bái theo dấu vết đức Phật, sưu tầm được 659 bộ kinh chữ Phạn thuộc hai dòng Đại thừa và Nguyên thủy. Về nước ngài bỏ ra hai mươi năm chủ trì một tập thể dịch các bản kinh này. Kinh điển chữ Phạn thất tán còn lại được đến ngày nay, phần lớn do công đức của ngài. Tài dịch thuật của ngài cùng với ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajìva), thế kỷ IV Tây lịch, đã đưa văn hệ Phật giáo làm rạng rỡ học thuật, tư tưởng, văn học và nghệ thuật Trung quốc, đặc biệt ở thời Đường. Ngoài tài phiên dịch, trước tác Đại Đường Tây vực ký của ngài Huyền Trang còn là một sử liệu quý báu cho thế giới thâm nhập hoặc nghiên cứu từ con Đường Lụa đến văn hóa, sử học và tôn giáo Ấn độ. Chỉ cư ngụ 16 năm trên đất Ấn mà kiến thức và công trình để lại cho nhân loại khó ai sánh kịp. Ngày nay nghĩ lại, thấy thời gian hiện đại của mình vô tích sự biết bao!

Ngọn Linh Thứu bây giờ còn trơ một nền phẳng, rộng chừng hai trăm thước vuông. Chẳng ai hương khói, tro tàn rải rác dưới chân nhang, lá cờ ngũ sắc bạc màu. Đây đó những búp sen chưa nở áp cánh trên thềm gạch, vài thẻ gỗ thông cúng dường của người Nhật, những hàng giây treo linh phù phong mã của người Tây Tạng nhạt nhoà dưới nắng. Tôi ngậm ngùi cho Phật tích vi diệu trơ gan tiều tụy trên xứ sở phiếm thần. Nắng gắt, trời xanh, cao trên phố thị xa mờ dưới ngàn lá, tôi phủ thân đảnh lễ trên nền đá, nơi đức Phật đã từng ngồi thiền định và thuyết giảng các thời kinh Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã. Hai câu thơ của ngài Cưu Ma La Thập lảng vảng trong đầu : Tâm sơn dục minh đức / Lưu huân vạn do diên (Đức sáng dưỡng nuôi nơi lòng núi /  Hương lừng vạn lý ngát mùi thơm).

Tâm thần rúng động khi vào thăm những hốc đá làm hang phòng cho các đại đệ tử Phật, như ngài A Nan, ngài Xá Lợi Phất, ngài Ca Diếp, ngài Mục Kiền Liên... Các ngài sống như thế đấy, trong các hốc đá thấp hẹp, giữa núi non khô cháy, đầy rắn độc, côn trùng. Nhưng trí tuệ linh viễn và tinh thần hùng tráng vô song. Đức Phật đã đánh đổ 95 hệ phái Bà la môn và 6 học phái phi xã hội thịnh hành thời ấy, các chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa bất tử, chủ nghĩa tiền định, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hư vô đến chủ nghĩa duy vật.

Mãi đến lâu sau khi trở lại Pháp, tôi còn bị các hốc đá trên đồi núi Linh Thứu ám ảnh. Từ những hốc đá ấy con người thể hiện sự giải thoát để giải phóng nhân sinh. Một con người tự giác và tự do. Tự do vô hạn. Tự do không do các thể chế xã hội ban phát, mà tự mình vượt thoát khỏi biên tế kiềm tỏa của vô minh và sợ hãi.

Tôi cũng không quên tình người nơi chân núi Ratgagri.

Đường lên Linh Thứu phải qua ngọn Ratgagri cao vút. Đá chởm và vực sâu, nên nha du lịch Ấn đã kéo một đường cáp treo (téléphérique) chở khách. Nơi chót đỉnh người Nhật xây bảo tháp Hòa bình (Shanti) bằng cẩm thạch trắng, cao 125 thước trên chu vi 144 thước. Tháp hùng vĩ, tượng đức Thế Tôn mạ vàng trang nghiêm trước hàng chữ thảo lẫm liệt, và bốn bức tượng bao quanh tuyệt đẹp, diễn tả đời đức Phật (Đản sinh, Thành Đạo, Thuyết pháp lần thứ nhất và Niết bàn). Tôi bỗng nhớ Lê Thành Nhơn vô hạn, một điêu khắc sư thiên tài, nhưng đất nước chưa chịu thực hiện công trình nào cho anh, kể cả giới Phật tử Việt. Người Nhật và người Tây Tạng mộ đạo và sống Phật hơn người Việt Nam. Bất cứ nơi Phật tích nào trên đất Ấn đều có chùa viện Nhật và Tây Tạng với kiến trúc cao sang, độc đáo. Đừng nghĩ vì họ giàu. Người Nhật giàu, đúng. Nhưng người Tây Tạng mất nước thì sao ? Họ có hùng tâm tráng chí đấy thôi. Họ đã vượt được đồng bạc xanh để "đáo bỉ ngạn". Họ đạt tới trí tín trong cuộc loại trừ mê tín, cuồng tín và vọng tín.

Cạnh bảo tháp Hòa bình là ngôi chùa Nhật. Suốt ngày một vị sư ngồi tụng một câu thôi : "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh". Tụng xong đánh một tiếng trống cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tiếng trống vang dội lưng chừng núi như một lời gọi bi thống trên nhân thế loạn tưởng.

Đến chân núi mua vé lấy đường cáp treo lên đỉnh. Chợt có người lính mang súng đến hỏi lên thăm bảo tháp phải không. Tôi gật đầu. Anh cho biết sẽ đi theo. Tôi hơi khó chịu đáp rằng chẳng dám phiền ông đâu, vì đã nghiên cứu và biết rõ các nơi phải tham quan. Bất chấp sự phản đối tuy nhẹ nhàng nhưng đoan quyết, người lính cứ đi theo, bỏ ngỏ bóp gác của mình. Tôi đành rút tiền trả phần vé cho anh. Nhưng anh từ chối, tự mua lấy. Ở Ấn, có cơ man những dịch vụ làm tiền, nào làm hướng dẫn viên, nào bán các món kỷ niệm... cứ như ruồi bao quanh du khách cốt vắt kiệt hầu bao. Không thể nói hết sự bực mình bị lừa đảo, bị phiền quấy, chẳng cách chi thoát khỏi. Hôm ở Bồ Đề Đạo tràng, một ông chủ hiệu làm tượng đá trao cho tôi danh thiếp, giải thích ông có một xưởng lớn hàng mấy chục nhân công. Các tiệm mỹ nghệ đều đến ông mua sỉ. Tôi may mắn lắm mới gặp được ông để mua hàng theo giá đặc biệt, rẻ không đâu bằng. Ông bám riết suốt hai giờ đồng hồ thăm viếng. Tôi dùng đủ kế, từ lễ phép xin lỗi đến xẵng lời, rồi hăm dọa. Vô ích. Ông cứ bám theo như đĩa đói, nói năng như máy hát. Cuối cùng tôi đành chọn cách thuê xe về khách sạn "lánh nạn". Một giờ sau trở ra, thì ông đã ngồi chom hõm trước cổng tiếp tục cuộc săn lùng tiêu thụ.
Bởi vậy, tôi tự nghĩ phen này ông lính muốn "làm tiền". Ông lại mang súng, có chạy đường trời cũng không thoát. Thế nhưng dọc đường quanh co trên núi, thăm bảo tháp Hòa bình sang chùa Nhật, rồi băng núi qua đồi Linh thứu dưới nắng cháy, người lính hiền từ theo tôi thuyết giảng từ tốn các Phật tích và địa lý thành Vương Xá. Thỉnh thoảng trên lối đi gặp từng đoàn tiều phu kiếm củi, cầm mác hay rựa trông bộ dữ dằn. Người lính ra lệnh tránh đường cho tôi đi, làm như mình là vua Tần Bà Sa La không bằng. Mọi người răm rắp tuân lệnh. Gặp phong cảnh hữu tình, anh lại đề nghị giúp tôi chụp ảnh lưu niệm.

Đi từ sáng đến chiều mới xuống núi. Tôi bước lên sạn đạo Bimbasara road, con đường ngày xưa vua Tần Bà Sa La lên gặp Phật. Nắng cháy và mệt lả, nên mừng rỡ khi thấy quán nước ở chân núi có cái tên rất đại sảnh «Trung tâm Trà Cà phê Amrapali» (Amrapali Tea Coffee Center). Tôi gọi trà nóng và mời người lính cùng uống. Nhưng anh chối từ. Chẳng những thế, anh còn tế nhị dặn riêng chủ quán anh bao tiền nước cho tôi. Ngỡ ngàng khôn tả, tôi hối hận đã nghi ngờ tấm lòng anh khi mới gặp.

Đến giờ chia tay, anh đưa tôi ra tận xe. Nụ cười hồn nhiên bát ngát, anh chắp tay chúc tôi chúc lên đường bình an. Tôi làm thêm một cử chỉ vụng về, thô lỗ. Vừa chắp tay xá cám ơn, vừa bỏ vào túi áo anh xấp tiền, miệng nói xin anh gia ân nhận chút quà này dùng uống trà nhớ nhau trong những ngày tới. Vẫn nụ cười tươi đôn hậu, anh lắc đầu không nhận. Làm tôi thêm trơ trẽn.

Xe lại phóng vào bụi và nắng. Duy lòng tôi ngui ngút nhớ người lính hiền từ. Cuốn phim phóng sự vùng Bihar bạo động trên đài Discovery Channel quay trở lại trong đầu. Tôi thót mình tự nghĩ, không có người lính ngẫu nhiên theo hộ vệ, biết đâu mình không bị cướp hay mất xác trên đường núi quanh co đơn độc kia ? Bất giác tôi nói lớn :

- Đó là Chư Thiên chứ gì !

Rồi ngước nhìn trời cao mường tượng tên tuổi và địa chỉ của anh mà mình quên hỏi.

(còn tiếp)
THI VŨ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014