SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

Đường phố Saigon

(tiếp theo)

Trong thời gian 150 năm, tên gọi của đường phố Saigon đã thay đổi nhiều lần, tùy thuộc vào các biến đổi chính trị, hành chánh, văn hóa và xã hội trên thành phố này.  Đầu thế kỷ XIX, Saigon chỉ có 26 con đường chính, gọi tên theo số thứ tự từ 1 đến 26. Đến năm 1865, nhà cầm quyền Pháp tiến hành đặt tên cho 26 con đường này, và một số con đường khác mới được mở mang, bằng những tên Pháp (Như đường số 14 là Paul Blanchy, sau là Hai Bà Trưng; Đường số 25 là Chasseloup- Laubat, sau là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Đến năm 1956, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa cho thay những tên Pháp bằng tên các danh nhân, anh hùng trong lịch sử, các địa danh nổi tiếng Việt Nam…Sau 30/4/1975, nhiều con đường ở Saigon bị thay tên đổi họ. Bỏ tên cũ thì phải thay tên mới vào. Tên gọi đường phố Saigon ngày càng rối nùi như canh hẹ!

Tên phố, tên phường tôi đã nghe quen
Hòn Ngọc Viễn Đông vang vọng một thời
Saigon dấu yêu còn đây kỷ niệm
Mãi mãi muôn đời không thể thay tên
Hãy trả lại tôi tên gọi ngọt ngào
Tên những con đường tôi đã đi qua – Song Thuận  

"Cũng theo tin các báo ở Sài Gòn ngày 05-7-2013, Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có tờ trình với “Hội đồng nhân dân thành phố” về mục đích lựa chọn tên đường là ngoài việc chọn các danh nhân lịch sử-văn hóa, địa danh, thì nên lấy tên một số loài hoa đẹp và các đặc sản tiêu biểu của Nam bộ để thêm vào quỹ tên đường. Đúng là “đổi mới tư duy” vô cùng độc đáo. Đề nghị Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố nên áp dụng ngay sáng kiến này để sửa đổi hoặc đặt tên mới cho một số đường trong thành phố. Hoa đẹp thì nước ta không có nhiều, xài chẳng mấy chốc sẽ hết veo. Sau đó nên mạnh dạn chuyển sang dùng tên các loại đặc sản nổi tiếng Nam bộ đặt tên cho các con đường mới như đường Lẩu Dê, đường Cá kho tộ, đường Cá lóc nướng trui, đường Bún Mắm... thì bảo đảm cả hành tinh này phải ngả nón chào thua!”-  Hoàng Huy (baotreonline. Com/ Đường Saigon)

Saigon ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Mất từng con phố đổi tên đường
Khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
Ôi, tình buồn như đã sống thêm – Nam Lộc

“ Trở lại chuyện tên đường cũng vậy. Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều khi gặp tên những đường mà đâu cũng có. Đồng cảm với chúng tôi về vấn đề này, tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ:” Theo tôi, nên giữ những địa danh dân gian để đặt tên đường phô. Vì vậy, tên các loài cây, hoa nếu là đặc điểm đặc trưng của một khu vực, một con đường, một ngõ hẻm… rất nên dùng để đặt tên. Nó sẽ làm cho người dân trân trọng và gìn giữ các loài cây, hoa đó, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên nét đẹp văn hóa đa dạng của thành phố “… Biết đâu chừng một ngày, giữa Saigon ồn ả, kẻ lãng đãng là tôi, lại được tủm tỉm nhắn nhe lũ bạn rằng:” Nhà tôi ở hẻm Cây Điệp, đường Chiêu Liêu. Sáng sáng, sau khi tản bộ trên đường Nhạc Ngựa, tôi đến đường Đủng Đỉnh, uống cà phê rồi về làm việc ở đường Long Não “ – Hàn Mai Tự (forum. Trungtamasia Gọi tên là biết Saigon)

Thành phố tôi có đường Hai Bà Trưng
Có trường học mang tên hai vị ấy
Thì cột đồng kẻ thù để lại
Kim loại nào chống được với thời gian?
Thành phố nào không có đường Trần Hưng Đạo
Bến Bạch Đằng làm nhớ Bạch Đằng giang
Bao thế hệ lớn lên từ trường học Ngô Quyền
Kiêu hãnh trước một bầy Nam Hán – Cao Thoại Châu

Đầu tháng 1/2014 có một quyết định đổi tên đường Võ Thị Sáu- Gia Định thành Lê Văn Duyệt (khai quốc công thần của nhà Nguyễn), như tên cũ trước 1975. Nhà nước đương thời khi vừa đặt chân đến Saigon, đã cho bỏ hết tên tên đường của các chúa Nguyễn, vua nhà Nguyễn, cả các vị công thần nhà Nguyễn. Công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi miền Nam của các chúa Nguyễn, thiết nghĩ phải được các “ nhà sử học nhân dân “ suy xét, đánh giá bằng thái độ khách quan, công tâm, không thể vì những việc làm sai trái, bạo ngược của vua Gia Long đối với nhà Tây Sơn, hay vì sự ươn hèn của các vua bù nhìn sau này, mà xóa bỏ hết công lao của một triều đại được.

Ngày tan trận, ta bỏ lên miền núi
Phố thay tên, em bỏ nước mà đi
Mấy mươi năm đường Gia Long trơ trụi
Hôm ta về tất cả chẳng còn chi- Nguyễn Thanh Khiết

Gần bốn mươi năm, chuyện đặt tên cho đường phố Saigon bấy lâu đã gây ra rất nhiều rắc rối, phiền toái và khó chịu cho dân chúng. Lý do là không đủ tên để đặt cho đường, lại còn đặt hầm bà lằng, vô tội vạ, không theo tiêu chuẩn chung nào. Hiện nay, thành phố Saigon có trên 1500 con đường đã được đặt tên, trong đó trên 350 con đường bị trùng tên – Trong đó có mười con đường bị trùng tên bốn, năm lần; hoặc tên tục, tên hiệu của các nhân vật lịch sử được dùng cho những con đường khác nhau như Quang Trung- Nguyễn Huệ, Đề Thám- Hoàng Hoa Thám, Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng… Chưa kể chuyện viết sai tên như Trần Khát Chân thành Trần Khắc Chân, Lương Như Học thành Lương Nhữ Học…

Ngày trước, Saigon có tám quận gọi chung là Saigon- Cholon, chung quanh là tỉnh Gia Định. Hiện nay, Saigon bao gồm Saigon, Cholon và toàn bộ tỉnh Gia Định – phía Đông là Cần Giờ đối mặt Vũng Tàu, phía Tây là Củ Chi giáp Tây Ninh, phía Nam là Bình Chánh giáp Bến Lức- Long An, phía Bắc là Thủ đức giáp Biên Hòa- Đồng Nai. Với một số quận mới được thành lập, Saigon nới rộng với hai mươi bốn quận huyện, nhiều khu dân cư mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng đông đúc, vô số đường mới mở gia tăng. Nhiều con đường mới chỉ là các con hẻm thông được đổ bê tông, gắn tấm bảng tên là biến thành đường.

Lòng hăm hở giữa Saigon quá rộng
Sợ chân đi không hết những đường quen
Từ Dakao xuống Bến Thành, Cholon
Phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên – Cao Nguyên   

Hẻm là lối đi lại nhỏ nhất từ đường phố vào sâu trong khu vực sinh sống chính của người dân thị thành. Hằng chục ngàn con hẻm tạo thành một hệ thống chằng chịt như lưới nhện, đáp ứng cho nhu cầu nơi ăn, chốn ở- là không gian sinh hoạt, nơi giao thiệp, qua lại … của khoảng 80% dân số  Saigon, mà người ta gọi tên một cách gần gũi, thân thuộc là hẻm Saigon.

" Chằng chịt như ma trận là hẻm, hẻm và hẻm. Trong những con đường nhỏ chỉ vừa vặn cho một chiếc xe đạp cũng có nhà. Thế nhưng, Saigon quyến rũ ở những con hẻm với những ngôi nhà không số nhưng chứa đựng rất nhiều thâm tình, sẻ chia vui buồn… không dứt. Hẻm Saigon như lạch nhỏ chảy ra sông, như sông chảy ra biển. Hẻm Saigon chi chít chảy ra đường cái rồi chìm vào các đại lộ lớn, nơi đã dựng xây những công trình kiến trúc được pha trộn bởi nhiều nét văn hóa của thế giới. Chính những hẻm phố nhỏ của Saigon chứng kiến những biến thiên lịch sử đủ để Saigon pha một bảng màu rực rỡ văn hóa trên đường đến một thế giới rộng lớn ".- (Trích từ các tản văn trong sách Saigon Tản Văn- Hẻm phố thông  ra thế giới)

Saigon những con hẻm
 Ngang dọc chi chít nhau
…Trong hàng trăm con hẻm
Hẻm nào đưa ra sông ? - Hà Việt Hùng

Có những con hẻm được kế hoạch xây từ trước. Có những con hẻm là những con đường làng tạo ra bởi những ngôi nhà nối nhau mọc lên từ các bờ ruộng, bãi lầy, kinh rạch… làm thành các khu quần cư nhỏ, những con đường làng này được biến dạng không ngừng vì phải đáp ứng yêu cầu của tiến trình đô thị hóa. Nhà văn Sơn Nam cho biết: " Hẻm ngày trước là con đường để dân đi bộ, sống trong hẻm thì cần gì đường to. Nó quanh co để xe ngựa chạy chở hàng hóa, chạy không được quá nhanh, nó quanh co cũng bởi nó phải chạy theo thế đất, những ngôi nhà trong hẻm ngày trước đâu có  được vuông vức như phố bây giờ…Hẻm từ xưa đến nay là đời sống, nó gần như là lõi chính cuộc sống hàng ngày của biết bao con người đã sinh ra và lớn lên, và từ mọi miền về sống trong hẻm ". 

Ngõ xưa, hẻm cũ còn đây
Tiếng rao dài với vơi đầy lo toan
Phố sang vẫn có bóng làng … - Trần Trương

Các loại hẻm

Saigon chi chít với hẻm và hẻm. Cứ nghĩ các con hẻm hao hao nhau, nhưng thật ra, không con hẻm nào giống hẳn con hẻm nào. Mỗi con hẻm được thành hình, phát triển với cấu tạo và phong cách riêng. Saigon có nhiều loại hẻm với hình dạng và màu sắc (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) khác nhau. Hoặc chia theo địa bàn thành phố, có hẻm trong thành phố (nội thành), hẻm ngoài ngoại ô (ngoại thành). Hoặc theo tính chất khác nhau của chúng như: Hẻm chính / hẻm phụ, hẻm nhỏ / hẻm lớn, hẻm rộng / hẻm chật, hẻm giàu / hẻm nghèo, hẻm cụt / hẻm thông, hẻm dài / hẻm ngắn… Hoặc theo đặc điểm của dân cư trong hẻm như: Hẻm của những người làm cùng nghề tập trung về, hẻm định cư của dân chúng vùng Quảng Nam, Quãng Ngãi… miền Trung, hẻm của đồng bào theo đạo Thiên chúa di cư từ miền Bắc vào, sau năm 1954…

Thơ chảy theo từng sóng nhớ nằm nghiêng
Buồn mưa Phú Lâm vui nắng rơi Tân Định
Thơ ở Cali mà gần như bên cạnh
Một góc Thanh Đa, nhiều ngõ hẻm Saigon - Cucvang

" Có con hẻm nằm ngay trước cửa nhà, thò chân bước ra là chạm hẻm. Có con hẻm ở sau nhà, hẻm cặp vách hông. Có hẻm thẳng đuột, hẻm quanh co, hẻm đầu to đuôi hẹp … Có hẻm từ mặt đường lộ tuôn xuống là một con dốc vừa cao vừa gắt, muốn vô hẻm phải đâm bổ đầu xuống. Mùa nắng gió thốc bụi trên đường lộ vãi ùa xuống hẻm. Mùa mưa đọng ngay dưới chân dốc là một đám lầy … Thôi thì đủ thể loại: Hẻm uốn lượn mình xà, hẻm tà tà dích dắc, hẻm bị cắt, hẻm bị bít, hẻm đầu, hẻm đít, hẻm có cây mít, hẻm xít bên cây xoài, hẻm lia thia nhà thồi ra thụt vào, hẻm bị cào đứt khúc vì giải tỏa … "- Võ Phi Hùng (Sách Saigon tản văn/ Ghiền hẻm)

Ngõ phố cao cao
Thêm bao mặt đường
Bớt vài con dốc
Phố xoay con hẻm phố ra mặt tiền - Hương Đình

Có hẻm chỉ có một lối thoát duy nhất ra đường lớn, cuối hẻm là đường cụt, chỉ có vài căn nhà quây quần với nhau, gọi là hẻm cụt. Có hẻm trổ ra đường cái bằng nhiều ngõ. Có hẻm chia nhánh thông từ khu vực này sang khu vực khác. Có hẻm dẫn đến vô số những hẻm khác, lơ mơ đi vào sẽ bị lạc, không biết lối ra như nhập một trận đồ bát quái của Khổng Minh. Có hẻm song song đối diện với nhau, kéo dài cả đoạn đường, gọi tên từng lô theo mẫu tự A, B, C… Có hẻm chạy ngoằn ngoèo như ruột gà vào sâu trong xóm, mà hai bên là những căn nhà được cất lên một cách rất tự do, tùy theo hứng của gia chủ, nhấp nhô hay xô lệch, không theo một nguyên tắc hay trật tự nào hết.

Số nhà có khi còn nhảy lộn xộn, chẵn lẻ không phân minh, có khúc lấy số theo đường này, có khúc lấy số theo đường nọ. Đã vậy, có nhà còn không có số nhà. Có nhà có ba, bốn lần " xuyệt " (sur) là do trước đây có rất nhiều xóm, ấp nhỏ với vô số đường mòn để đi lại trong xóm; Khi thành phố được mở rộng, các xóm ấp này thuộc về đô thị, và để có số nhà chính thức, các đường mòn trở thành hẻm, với địa chỉ chính và các xuyệt để chỉ dẫn vào từng hẻm.

Thương nhau lắm! Anh chờ em ghé lại
Cây xăng, con hẻm có cột đèn
Hoặc kênh đen, nhãn lồng đang mùa trái
Số nhà mang ẩn số tình em - Trần Hoàng Nhân

Có hẻm rộng rãi, bề ngang đến 5, 6m như đường cái. Có hẻm mới mẻ, sạch sẽ, đường được tráng  nhựa thẳng tấp, hai bên toàn là nhà hai, ba tầng, giống như đường phố chính của các tỉnh nhỏ. Có hẻm tráng xi măng bằng phẳng, khang trang, nhà cửa xây cất đàng hoàng, trật tự: là những căn biệt thự nhỏ, có khi là nhà trệt, có khi là nhà lầu. Có hẻm không bị khuấy động bởi tiếng xe cộ ồn ào ngoài đường phố, không có cảnh buôn bán đầu hẻm, cũng không có ai lai vãng đến dán những tờ bích chương , quảng cáo… Có hẻm yên tĩnh, tươi mát với những giàn hoa leo nhiều màu sắc. Đi vào những hẻm này người ta tưởng như lạc vào một thế giới khác của Saigon, không giống như các sinh hoạt náo nhiệt chung quanh nó.

Tĩnh lặng quá! Ô một điều thật lạ
Giữa thành phố này tĩnh lặng quý biết bao
… Hẻm nhỏ, rào thưa, ngôi nhà vắng lặng
Tiếng radio buồn gieo niềm sâu lắng - Thanh Vân

Tương phản với các hẻm được tráng xi măng hay tráng nhựa là các hẻm đất đầy ổ gà, hẻm đá sỏi lọc cọc. Tương phản với các hẻm nhà cửa ngăn nắp, khang trang là các hẻm nhà ổ chuột tồi tàn, lụp xụp- Hẻm Saigon là nơi sinh sống của đại đa số dân nghèo thành phố với mức thu nhập ít ỏi, đời sống thấp. Phần lớn là các hẻm cũ kỹ, nhà cửa san sát, chen vai nhau đứng, nhà nọ núp bóng nhà kia hay hai nhà chung vách. Lối đi chật hẹp, không đủ chỗ cho hai xe gắn máy qua lại cùng lúc. Từ các hẻm mà mở cửa nhà là đụng mặt nhau, ngồi trong nhà mình có thể thấy hết mọi chuyện của nhà trước mặt… Đến những khu nhà ổ chuột luộm thuộm, tường vách xiêu vẹo vá víu bằng ván ghép hay lưới chắn, với những phòng chia ngăn chỉ đủ chỗ cho một cái giường và một ít đồ lặt vặt cá nhân. Trần nhà thấp lè tè, nóng hầm hập, điện nước rất yếu, không có cầu tiêu lẫn nhà tắm. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa hơi nặng hột là nước ngập đến đầu gối, đồ đạc phải chất hết lên giường, rồi người ta ngồi ngũ. Mùa nắng lối đi của hẻm là chỗ phơi đầy những chai lọ, bịch ni lông, các phế liệu khác. Cuộc sống của những con người nơi đây gắn liền với rác rến và chuột bọ.

Nghĩ ra mới thấy lạ lùng
Phía ngoài đường cái một vùng khang trang
Chỉ cần vào một hẻm ngang
Là ta sẽ thấy lầm than của đời - Phạm Doanh

Lúc đầu những nhà trong các hẻm xưa cũ này là những căn nhà lá, dựng lên cho người ta tạm trú  một thời gian rồi dọn đi nơi khác. Tốp này dọn đi thì có tốp khác dọn đến thế chỗ. Đến lúc có những người không có khả năng dọn đi nơi nào khá hơn, dù muốn hay không, từ tạm bợ đã trở thành lâu dài, người ta cải thiện nơi ăn chốn ở của họ từ nhà lá ban đầu với mái lợp và vách dựng bằng lá dừa nước mau mục bằng các thùng giấy cạc tông ép dẹp; các tấm thiếc, tấm tôn; các mảnh ván thông, ván ép… rồi theo thời gian sang đến các vật liệu xây dựng lâu bền hơn.

Ngày nay, chuyện cải thiện nhà cửa đã trở thành chuyện dài lấn hẻm. Nhà mỗi ngày một đông, người ta cứ lấn dần ra lối đi chung của hẻm mỗi ngày một chút: con hẻm hẩm hiu ngày càng thu nhỏ lại. Từ chuyện de ra của các chậu bông bự bành ky, các bậc tam cấp, các hàng ba… qua cái bếp kê ra ngoài, bức tường nới rộng phòng trong nhà xây sát rào … ở dưới đất, cho đến ngước cổ lên trời người ta còn bị ban công của các nhà cơi lầu, de ra ngoài quá nửa che khuất tầm mắt. Chưa nói đến các nhà bự ngoài mặt lộ lớn, ngang nhiên xây lầu, lấn ra đường hẻm, hay chiếm một phần lề đường, xây bao luôn cột đèn hoặc cây trồng trên hè phố.

Màu chiều
vương mắc trên viền cửa nhìn ra phố nhỏ
bóng đen dưới mái hiên lấp kín ô thông gió nhà bên
đêm bò nhanh vào hẻm cụt chưa kịp lên điện
đốm sang cuối ngày lịm tắt sau mái tôn nghiêng - Đoàn Thuận

Từ thế kỷ 17,18 theo chân của những đợt di dân từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, nhiều xóm nghề đã ra đời trên đất Saigon. Đa số cư dân ban đầu là những người cùng quê quán, hay cùng làm một nghề thủ công mà cha truyền con nối- Như quận Tư có khu Xóm Chiếu, có từ đời vua Minh Mạng, nhờ tận dụng nguyên liệu cói, lác … mọc lên ở vùng này, mà dân chúng quy tụ thành một xóm làm nghề dệt chiếu, rồi lập chợ để bán; Hay khu Xóm Gà (Gò Vấp) ngày xưa nuôi nhiều gà, gà thịt cũng có, gà chọi cá độ ăn tiền như gà nòi, gà tre cũng có. Các xóm nghề này sau đó biến thành các xóm thợ dưới thời Pháp thuộc. Theo thời gian, trong môi trường kỹ nghệ hóa, các xóm nghề ngày xưa bị thu hẹp lại hay dần dần không còn nữa, nay chỉ là các hẻm nghề còn tồn tại trên thành phố Saigon, tập trung những con người còn sống chết với nghề, qua bao thịnh suy thay đổi như xóm mộc Bang Ky ở quận Bình Thạnh, làng dệt Bảy Hiền nằm trong các con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ) thuộc quận Tân Bình, hẻm đóng giày Khánh Hội khúc Tôn Đản quận 4, xóm làm mứt hẻm 290 Lý Thái Tổ quận 3 …

Hẻm của cộng đồng những người theo một tôn giáo nhất định, họ có quy tắc sống và gắn bó với nhau, như những làng theo đạo Thiên chúa ở miền Bắc (Bùi Chu, Phát Diệm…) di cư vào Nam sau  hiệp định Geneve 1954,  ở những hẻm  thuộc khu chợ ông Tạ, cư xá Bắc Hải, khúc đường  Lê Văn Sỹ (Trương Minh Ký cũ)… Hẻm của cộng đồng người Hoa ở Cholon; Hẻm của người Chăm, người Khmer với những sinh hoạt cộng đồng đặc biệt …

Căn nhà trong hẻm 333
Phố Lý, đường Sư với chợ Bà
Cận phở Tàu Bay gần Xóm Đạo
Ai về ngã Bảy ghé giùm qua - LĐ Viễn Lan

Tên của hẻm

Các con hẻm - Địa điểm tập trung dân cư đông đảo nhất, thông thường không được ghi tên trên bản đồ của Saigon, vốn dĩ đã dày đặc. Chỉ có những hẻm chính, hẻm lớn mới được gọi tên theo những con đường mà chúng nằm trên đó. Trong hẻm lớn cũng có trường học, nhà thờ, chợ búa, nhà thuốc tây, phòng mạch bác sỹ… như ngoài mặt lộ. Còn những hẻm phụ, hẻm nhỏ thường được gọi tên theo số nhà, đếm theo nhà ngoài đường phố, hay được dân chúng vùng lân cận gán cho chúng những biệt danh, tùy theo hàng quán, chùa nhỏ, miễu đình, kênh rạch, cầu cống… thậm chí đến các cây trái ở chung quanh đó.

Những đường chưa có tên trong bản đồ là những con đường hẻm nhỏ
Và những căn nhà không mang số
Cơn mưa ngập lụt cuộc đời
Bàn Cờ - Khánh Hội - Chim Trắng

-  Tên hẻm theo cửa hàng là tên của tiệm may, tiệm hớt tóc, tiệm chạp phô, tiệm chụp hình… trong hẻm.
- Tên hẻm theo quán là quán ăn và quán cà phê - Thông thường ngay đầu hẻm, hoặc cuối con hẻm này và đầu con hẻm nọ, hay có các xe bánh mì, xe nước mía, các quán cóc nho nhỏ bày bán những món ăn bình dân như: bún, mì, chè, cháo, ốc luộc… và các quán cà phê. Chỉ cần căng một tấm bạt hay dựng lên một cái lều, thêm vài cái bàn nhỏ, vài cái ghế gỗ hay ghế nhựa là thành một quán cóc. Đôi khi không cần bàn, người ta lấy ghế làm bàn, kê chúng dọc theo vách tường đầu hẻm. Khách hàng của các quán này là những bác tài chạy xe Honda ôm, những người mua rau trái trong chợ đêm để bán lại ở phiên chợ lẻ buổi sáng hay chòm xóm quanh hẻm- Như hẻm cà phê Năm Dưỡng đường Nguyễn Thiện Thuật quận 3 nổi tiếng ngày xưa, hẻm cà phê Trịnh là hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) quận Nhứt nổi tiếng ngày nay. Như hẻm 53 đường Nguyễn Huệ quận Nhứt là hẻm quán cơm bà Cả Đọi, hẻm cơm tấm Trần Quý Cáp trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) quận 3.

Lều bạt giăng ra trong hẻm cà phê
Khoảng chừng mười người ngồi
Nhìn ngày và tháng bước đi ngoài đường
Thấy mình khóc cười ngất ngưỡng trong đó
Trong đó- những ngày sóng vỗ bạo cuồng ngoài biển Đông - Từ Hoài Tấn

- Tên hẻm theo chùa là các hẻm vẫn còn những ngôi chùa nhỏ nằm ẩn mình trong lòng hẻm.Ban ngày- tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh bị các tiếng động ồn ào, hỗn tạp lấn áp, chỉ đến đêm về, chúng mới nương cùng mùi nhang thơm len nhẹ vào từng ngôi nhà trong hẻm. Đây là những ngôi chùa nghèo, sân chùa nhỏ hẹp, không có cảnh đẹp, không được  phật tử biết đến nhiều, không dập dìu khách thập phương, không phải xếp hàng giữa khói nhang nghi ngút như các chùa lớn ở mặt đường, nhưng cửa chùa luôn mở cho chúng sinh vào thắp hương, đãnh lễ hay ban đêm cho những kẻ không nhà vào ngủ nhờ. Có khi người dân trong vùng còn họp chợ mua bán gần cổng chùa nữa.

Vùng Phú Nhuận có rất nhiều ngôi chùa nhỏ nằm trong các hẻm trên đường Huỳnh Văn Bánh (Nguyễn Huỳnh Đức cũ), xưa kia gọi là đường chùa Phật, như chùa Phú Long, chùa Phú Thạnh, chùa Phổ Nguyện…  Đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ) khúc Bàn Cờ- chung cư Nguyễn Thiện Thuật quận 3 có nhiều chùa trong hẻm như chùa Đại Hạnh, chùa Linh Chưởng, chùa Kỳ Viên, chùa Phước Hòa, Niệm Phật Đường Huệ Quang, Niệm Phật Đường Liên Trì…

Sài Gòn
bát hương đền thần xá
ngãi duyên đưa
lạnh
một trở đường
Mai về phố thị
một hẻm trăng
tìm hương không tuổi - Uyên Nguyên

- Tên hẻm theo chợ như hẻm chợ Thái Bình - quận Nhứt, hẻm chợ Bàn Cờ- quận Ba, hẻm chợ   Bàu  Sen - quận Năm, hẻm chợ Bình Tiên – quận Sáu, hẻm chợ Cây Quéo- Phú Nhuận, hẻm chợ Bà Chiểu - Bình Thạnh… là những chợ bán lẻ của  tiểu thương, nằm trong các hẻm lớn. Chợ nhóm từ sáng tinh mơ, nhộn nhịp cho đến trưa thì tan. Đủ thứ mặt hàng: thịt cá, rau trái, quần áo, giày dép, chè cháo… Còn có những chợ nhỏ không tên của dân cư trong hẻm quanh đấy, họp ngay trước mặt hai bên nhà, cũng thúng mủng, quang gánh, cũng bận rộn mua mua, bán bán, mà người mua, người bán quen thuộc nhau.

con xe dập dình băng qua hẻm chợ
léo nhéo tiếng người leo nheo trả giá
 con xe dập dình băng qua phố vắng
ai rao tiếng dài chào bán hư vô - TTSH

- Tên hẻm theo kênh (kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè với xóm Nước Đen), rạch (rạch Cầu Bông – Phú Nhuận), cống (cống Bà Xếp), cầu – Hồi xưa rạch Bến Nghé có nhiều cầu ván dựng tạm cho dân qua lại như xóm cầu Ông Lãnh (tên một lãnh binh thời Tả Quân Lê Văn Duyệt), xóm cầu Muối, xóm cầu Kho, xóm cầu Học, xóm cầu Kiệu… mà phần lớn các kênh, rạch, cầu, cống này không còn tồn tại nữa.

- Tên hẻm theo những dấu tích của các thôn xóm như đình làng nơi thờ thần hoàng của làng – đình Tân Kiểng, khu Chợ Quán, quận Năm; am miễu thờ những người khuất mặt không biết tên- miễu Bà; Ngôi mộ xưa- mã Đá…

- Tên hẻm theo những địa danh mang tên các loại cây được trồng ngoài lộ để lấy bóng mát thời trước, giờ còn đâu!!! Như hẻm Cây Điệp quận Nhất, hẻm nhà thờ Vườn Xoài quận Ba, hẻm Cầu Dừa quận Tư, hẻm Cây Da Sà (cây Da có nhiều rễ nhánh sà xuống đất) quận Sáu, hẻm Xóm Cui (là loại cây gỗ tạp cứng nhưng giòn) quận Tám, hẻm ngã ba Hàng Sanh (loại cây như cây si) quận Bình Thạnh …

Hẻm này qua Phú Nhuận
Hẻm kia ra Hàng Sanh
Hẻm nọ về Bà Chiểu
Hẻm nào cũng loanh quanh
Hẻm này sang Khánh Hội
Hẻm kia tới Cầu Bông
Hẻm nọ ga Bình Triệu
Hẻm nào cũng lòng vòng - Hà Việt Hùng

Đời sống trong hẻm

Những khu dân cư sinh sống dầu tiên của Saigon từ đầu thế kỷ XIX là: khu Khánh Hội quận Tư (có chợ Xóm Chiếu, chợ Khánh Hội, bến Vân Đồn) thuộc phía Nam; phía Bắc là khu Phú Nhuận (có xóm Cầu Mới, vùng Dây Thép Gió lên tới ngã ba Ông Tạ, chợ Xã Tài là tên cũ của chợ Phú Nhuận); hướng Đông Bắc là khu Cầu Bông – Dakao (có làng Vạng Chài, chợ Tân Định, chợ Đất Hộ), hướng Tây còn hoang vu, xóm Bàn Cờ, khu Vườn Chuối còn là rừng nhỏ và thưa, sào huyệt của các tay anh chị, trộm cướp; trung tâm có xóm Ba Chợ náo nhiệt nhất Saigon, gồm ba chợ xây cách nhau chừng trăm thước là chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối và chợ Cháy.

Sau này là những khu Bàn Cờ, khu Bùi Viện, khu Hòa Hưng, khu bến Bình Đông, khu cầu chữ Y, chung cư Nguyễn Thiện Thuật, cư xá Đô Thành, cư xá Lê Đại Hành …

Vườn Chuối, Bàn Cờ qua Khánh Hội
Thương cầu Ông Lãnh gió lâng lâng
Nhớ Lê Văn Duyệt về Ông Tạ
Cầu chữ Y qua trại Tế Bần
Xuống bến Bình Đông người tấp nập
Miền Tây xa cảng bụi mù bay – Viễn Phương 

Chúng ta đặc biệt nói đến khu Khánh Hội quận Tư- Một cù lao trơ trọi, nên có rất nhiều cầu nối vào Saigon như cầu Khánh Hội, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Muối, cầu Dừa, cầu Chong (cầu Trong) …Một vùng đất sông rạch, khởi đầu người ta cất nhà sàn trên các bãi lầy, mà nước thải trong nhà chảy thẳng xuống lớp sình bên dưới. Có những ngày thủy triều dâng cao, nước gần sát sàn nhà. Một vùng đất nổi tiếng là “ căn cứ “ của nhiều băng đảng, của gái giang hồ trai tứ chiếng, của các tay cờ gian bạc lận, của các cao thủ móc túi, của các nhóm đá cá lăn dưa, của những kẻ bụi đời … Với các khu Cầu Mống- Dân Sinh, khu ngã ba Cầu Cống: đường Tôn Đản- Tôn Thất Thuyết- Đỗ Thành Nhơn (nay là Đoàn Văn Bơ), khu Xóm Chiếu…Nhiều hẻm mang số như 122, 129, 148, 226 hay mang tên như Hiệp Thành, Nam Tiến, Hãng Phân …

Nước đen trên vũng ao tù
Ánh đèn hiu hắt, tối mù bước chân
Nơi đây là chốn trú thân
Những phường quái kiệt, những dân khốn cùng – Phạm Doanh 

“Hẻm Nam Tiến đường Bến Vân Đồn, chạy cặp theo sông cầu Ông Lãnh, có rạp hát Nam Tiến, chuyên chiếu phim cao bồi Mỹ, hồi này còn phim câm, đen trắng, máy chiếu phim chạy bằng than. Lâu lâu rạp cho những đoàn hát cải lương về diễn, quảng cáo ảnh đào kép ngoài mặt tiền rạp, phát nhạc dĩa nhựa hai giọng ca nổi tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết , với bài "Gạo trắng trăng thanh" , nghe riết thuộc lòng.

Hẻm Nam Tiến chia nhiều ngõ ngách, chằng chịt, và dân cư tứ xứ hầu như ở nhà mướn cất trên kênh rạch, nước sông ra vô mỗi ngày, nhưng có những con rạch nước tù đọng cực kỳ dơ bẩn, bốc mùi hôi kinh khủng, cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Và nhà nào cũng có cầu tủm ở phía sau thải thẳng xuống kênh rạch, thậm chí là mương. Nếu nhà không có cầu tủm, thì đi cầu tủm công cộng năm ngăn hay bảy ngăn… Chính ở những khu xóm nhiều kênh mương như thế, nên tôi phát hiện có rất nhiều hang lươn, và chú lươn nào cũng to cỡ cườm tay, vàng ươm, nặng nửa ký là chuyện bình thường. Nhưng đặc biệt không ai dám ăn lươn câu dưới kênh rạch trong xóm, nên tôi chỉ bán cho mối quen ở chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh. “ – Từ Kế Tường (newvietart.com/ Câu lươn ở Saigon)

Láng giềng nửa phố nửa quê
Chuyện trò văng tục, chửi thề … đã quen
Nhà tôi không số, không tên
Ngõ ngoặc, hẻm nhỏ khó tìm đường vô – Đặng Vương Hưng

“ Nhà tôi ở gần đầu hẻm Hãng Phân, nên thường thấy các chị gồng gánh đi ngang qua. Có người thì bán dạo quamh hẻm. Có người thì ra tận chợ Saigon. Có người thì ngồi ngay dưới hiên nhà tôi. Đủ thứ mặt hàng. Người thì bán cốc ướp, ổi ngâm cam thảo … Kẻ thì hột vịt lộn, ốc luộc … Anh thì gánh hàng chè với chị vợ mang bầu chạy lạch bạch sau lưng. Chị thì bán xôi, bánh ít … Có bà xẩm đẩy xe bán bò bía dạo, với đứa con gái chẳng biết tên gì, nhưng người ta cứ gọi là Muỗi. Tôi chỉ khoái gánh đậu hũ đường của bà Bảy Bưởi.

Bà Bảy ở trong hẻm gần chùa Giác Nguyên. Ông Bảy làm mướn, ai kêu gì làm nấy, khi thì phụ xây nhà, lúc không người kêu thì ở nhà, cọc cạch làm bàn ghế cho mấy người bán hàng trong xóm. Còn bà Bảy thì phụ chợ buổi sáng, bưng đồ cho mấy gian hàng. Xế trưa, mặt trời đứng bóng thì bà phụ dọn hàng, tiện thể mua ít rau cải, thịt cá còn đọng lại sau bữa chợ, về nấu cơm cho cả nhà “ – Xê Hai (pklhp.com/ Mưa trong xóm nghèo)

Eo sèo hẻm nhỏ
Chợ trời bán mua
Mấy nghìn bạc lẻ
Con cá mớ dưa – Võ Duy Chu

Hẻm Saigon- Nơi tiếp diễn cuộc sống bình thường mỗi ngày của đa số người dân đô thị. Sinh hoạt trong hẻm là sinh hoạt của người dân trong hẻm, mà ngày càng đông đúc thêm, tưởng như lúc nào cũng sôi sục với người là người. Dân cư trong hẻm Saigon có thể là ở tạm thời hay ở chung thân mãn kiếp. Những người tứ xứ, không phân biệt tầng lớp, nguồn gốc, lưu lạc đến Saigon, thì chỗ ở đầu tiên thường là trong hẻm. Họ về đây vì đủ thứ lý do: Thời chiến tranh thì tản cư từ làng quê lên để tránh bom đạn; những học sinh, sinh viên từ miền Trung vào, từ miền Tây lên trọ học … Lúc đầu họ chỉ ở tạm một thời gian, rồi hoặc về quê cũ, hoặc làm ăn khá lên, mới tìm nơi ở mới ổn định. Một số người tạm trú có khả năng dọn đi nơi khác, một số không thể đi đâu, kéo dài năm này sang năm nọ , để con cái chào đời, rồi lớn lên, tiếp tục cuộc đời trong hẻm, trở thành nơi an cư của họ.

“ Các đợt người nghèo nhập cư đến từ làng quê Bắc Trung Bộ. Hàng trăm ngàn người đến Saigon với hai bàn tay trắng. Họ nhanh chóng gia nhập đội quân làm thuê đông đảo ở Saigon. Và những con hẻm ven đô lại mở rộng vòng tay … Hẻm nghèo, lại còn có người nhập cư nghèo hơn. Họ đã đến, đang đến và chắc sẽ còn đến dài dài… Trong đêm lặng yên, mọi nhà còn êm đềm ru giấc ngủ. Nhưng trong các con hẻm kia, cuộc kiếm sống 24/24 giờ vẫn không ngừng nghỉ “ – Võ Phi Hùng (Sách Saigon tản văn / Đời Hẻm)

Saigon trong những hẻm nhỏ
giữa những người bán gánh, chạy xe ôm
giữa những người đốt than nướng bánh kiếm cơm
Có những cô gái còn trẻ lắm
từ những tỉnh miền Trung vào ở trọ
hỏi sẽ làm gì
lắc đầu chưa biết
chưa biết làm gì nhưng vẫn cứ bỏ đi
tất cả dựa vào may rủi – Trần Mộng Tú

Từ hàng trăm năm trước, những làn sóng di cư vào Saigon mưu sinh, đã mang đến cho thành phố này những cư dân đủ mọi thành phần, đủ mọi nghề nghiệp: từ trí thức đến lao động. Với những thói quen, lề lối sinh hoạt khác nhau: từ làng quê cho đến nửa chợ nửa quê. Đi kèm theo là những điều hay lẫn điều dở, nhiều không kém nhau. Vì vậy, sinh hoạt của hẻm Saigon là kết quả pha trộn đủ kiểu, đủ cách; Là nơi gặp nhau, chốn hội tụ của người dân mọi miền đất nước, họ quân bình được những lối sống khác nhau, nhưng vẫn giữ lại những nét đặc biệt của địa phương họ. Ở Saigon, trong chừng vài con hẻm, có đủ nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo, thánh thất Cao Đài, kể cả Hồi giáo, mà dân cư  nơi đó sống bình yên, hòa hợp với nhau.

Nơi hẻm nhỏ phố sâu ngày tới
Trong thánh ca buổi sáng tinh mơ
Cuộc đi ấy sau ngày lưu lạc
Trời mưa rơi hay nở nắng nụ cười – Nguyễn Quý

Dân cư sinh sống trong hẻm thuộc đủ mọi thành phần, tính ra có đủ sỹ, nông, công, thương và binh. Nói về giới” Sỹ “ thì có mất thầy thông ngôn, thầy ký lục sự thời xưa, rồi công chức, tư chức, y tá, các thày cô giáo nghèo , kể luôn các văn, thi, nhạc sỹ chưa thành danh, hay các học sinh, sinh viên có triển vọng thành nha, y, dược sỹ… Qua giới “ Nông “ trong hẻm tuy không còn ruộng, không có vườn để là nông dân thực thụ, nhưng họ đều có gốc nông thôn, từ làng quê lên Saigon kiếm sống, làm  thuê làm mướn đủ nghề: phu khuân vác, phụ hồ, chạy xe xích lô, sửa vá bánh xe đạp …Đến giới “ Công “ thì ngoài những công nhân, thợ thuyền làm cho các hãng xưởng, ta có kể nghề thợ mộc, thợ sơn, thợ tiện, thợ xếp chữ nhà in … hay các cơ sở sản xuất thủ công trong hẻm, mướn nhân công trong xóm làm mì sợi , hủ tíu bỏ mối, đánh vẹc ni đồ gỗ, hàn xì, làm phụ tùng xe đạp … Còn giới “ Thương “ thì có buôn bán nhỏ lỉnh kỉnh từ tiệm chạp phô, quán cà phê, xe sinh tố hay sạp bánh cuốn, bún riêu, cháo huyết …  đẩy xe bán trái cây, bánh mì, gỏi đu đủ bò khô dạo hay buôn gánh bán bưng, bán hàng rong, thậm chí vài thẩu bánh kẹo hay vài cây thuốc lẻ bày trước cửa nhà bán lẻ cho dân trong xóm…Sau cùng là giới “ Binh “, những người lính một thời đã bảo vệ quê hương, nay phải buông súng, không còn ở khu gia binh nữa, họ xoay sở kiếm việc làm để sống còn. Đó là chưa kể một lực lượng hùng hậu “ thất nghiệp “, nằm chờ thời cũng có, hay nhậu nhẹt, quậy phá xóm làng cũng có …

Hai đầu gánh oằn vai nồi chè thưng
Cong dần từng ngày liêu xiêu tuổi má
Trăm nẻo đường quen nghìn con hẻm lạ
Cơm áo nhọc nhằn dẫn lối bước chân - Đaocongdien

“ Theo thời gian, hẻm Saigon hình thành nên lối sống quần cư đặc biệt. Hẻm Saigon không chỉ là con đường để di chuyển, mà còn là nơi sinh sống bằng buôn bán ngay trong nhà, trước nhà. Nếu có chút sân thì bày vài cái ghế, kê vài cái bàn thành chỗ cà phê. Nếu không, cái hàng hiên nho nhỏ cũng có thể thành chỗ cho hàng cơm tấm, gánh bún bò … “ trú ngụ “. Cột đèn gần nhà cũng có thể đặt một xe bánh mì bình dân. Hẻm Saigon mang nhiều hơi thở hàng ngày của đời sống tiểu thị dân. Ban đêm vắng lặng. Mờ sáng rộn ràng, nhộn nhịp những hàng quán bày dọn cho một ngày mới. Chính cái bận rộn sinh tồn ấy, khiến con người trong những xóm nhỏ dễ dàng gần gũi, thân thiết nhau. Người ta có thể mua chịu, ký sổ vài gói thuốc lá hay bịch xà bông. Ai cũng biết rõ gia đình, con cái người này người nọ, kẻ cố cựu hay người vừa đến. Hẻm ngõ gần gũi như thế nên va chạm cũng có, mà tối lửa tắt đèn cũng có. Nổi bật nhất ở đây là cái tình chòm xóm “ – Đỗ Trung Quân (phapluattp.vn/ Hẻm ngõ mang nhiều hơi thở cuộc sống)

Trả tôi đường phố loanh quanh
Những hàng quán nhỏ đã thành thân quen
Bao nhiêu con hẻm không tên
Bàn châm thấm mỏi không quên đường về - Hà Việt Hùng

Trong hẻm, nhà nào có tang sự hay hỷ sự, mới thấy cái nhiệt tình của chòm xóm, láng giềng. Đàn ông con trai xúm lại dọn dẹp nhà cửa, khiêng bàn ghế, che rạp … Đàn bà con gái thì phụ đi chợ, bếp núc… Những người lớn tuổi nhắc nhở gia đình, thân nhân về lễ nghi, phong tục …

“ Trong hẻm có đám cưới là vui tá lả luôn! Nhà chật nên tự nhiên phải mượn con hẻm che rạp, dựng lán để giăng đèn, kết hoa. Có tạm trở ngại cho việc đi lại, nhưng dân cả hẻm đều tự nhiên chấp nhận, theo lẽ “ giờ chuyện người, sau chuyện ta “… Nhất là sự vui lây, háo hức của đám trẻ con. Ăn nhậu, rồi đàn hát, nhất là tiết mục karaoke ... Rồi gặp khi tối lửa tắt đèn, mọi nhà đều sáng đèn, mở cửa, mỗi người săn sái phụ một tay, chỉ vẽ kinh nghiệm, chia sẻ lo âu “- Võ Phi Hùng (Sách Tản văn Saigon / Ghiền Hẻm)

Chân cứ vô tình mà mãi bước
Ta quay về hẻm vắng nào hay
Quanh sân rộn tiếng cười con trẻ
Chung cuộc vui đùa tay nắm tay – Trần Huiền Ân

Dân cư trong hẻm Saigon thuộc đủ hạng người, với đủ bảy cung bậc của tình cảm con người là vui, buồn, giận, sợ, thương, ghét và ham, nên đủ cảnh ngộ éo le, đủ sự tình xảy ra. Họ làm đủ thứ ngành nghề khác nhau nên lúc nào cũng có kẻ đi, người về, nên lúc nào hẻm cũng có tiếng động, tiếng người, từ khi trời chưa sáng cho đến tận đêm khuya.

“Các tiếng chửi tục; các lời ăn nói bạt mạng; các cuộc tranh cãi, đánh vợ, đánh con, chửi chồng, các trận đánh ghen; các lời ru con; các điệu nhạc, các câu vọng cổ, các giọng ngâm thơ; tiếng trẻ học bài; tiếng khóc rấm rức, tức tưởi của người quả phụ, tiếng khóc của trẻ thơ; tiếng gà gáy, tiếng chó sủa; tiếng xối nước tắm của hàng xóm; tiếng xe gắn máy; tiếng rao hàng lúc khàn, lúc trầm, lúc thánh thót, lúc kéo dài hay tiếng lốc cốc, cụp cắt, cắt cụp của mấy xe mì về khuya “- Phan Thanh Tâm (nguoiviet.com /)

Saigon trước năm 75
Bầy chim trên hàng sao thường xuyên dậy trễ
vực dậy bình minh trong trẻo buổi sớm mai
Người công chức già thong thả đạp xe vào nhiệm sở
Cô sinh viên ung dung đến giảng đường
Em bé học trò thản nhiên cắp sách
Chị bán hàng rong tất tả qua từng ngõ hẻm
Gã hành khất tay khảy đàn
bắt chước giọng đệ nhất danh ca Út Trà Ôn
xuống xề sáu câu vọng cổ “ Tình anh bán chiếu “
nghe buồn đứt ruột – Linh Phương

Như mọi ngày, hẻm Saigon bắt đầu từ sớm tinh sương bằng những tiếng rao hàng quen thuộc. Từ sáu, bảy giờ sáng với bánh mì nóng giòn, bánh canh giò heo, các loại xôi, cháo … Sau chín giờ trở đi là thời khắc của những người thu mua ve chai, phế liệu tổng hợp. Xế trưa là lúc bánh bò, cà rem, xu xoa hột lựu… Đến hai, ba giờ chiều là nhiều hàng quà tới tấp xâm nhập vào hẻm như  xôi vò cơm rượu, bánh bèo, chuối chưng, bắp luộc, kẹo kéo … Đêm về là âm thanh của những người đấm bóp dạo, những xe mì gõ, những người bán chè chí mà phủ (chè mè đen), chè đậu xanh bột bán nước dừa …

“ Nhiều khúc hát rao đã hình thành từ cái thuở xa xưa, khi các đợt lưu dân chưn đất tập hợp lại thành xóm nhỏ, ấp thưa trong cái thành phố đông dân nhất Việt Nam ngày nay… Người bán quà hay anh thợ dạo vào hẻm đâu chỉ cất tiếng rao, họ dùng một dụng cụ, nếu không muốn nói là một “ nhạc khí “ , để phát ra một số âm thanh trầm bỗng quen thuộc, đặc trưng cho ngành nghề của mình. Các loại nhạc khí này rất thô sơ,” không giống ai “ ấy bằng thau, đồng, gỗ, sắt, nhôm, da thuộc và cả lá cây “ – Minh Hương (Sách Nhớ Saigon/ Nhạc đường phố)

Tiếng lóc cóc của những xe hàng rong đi qua
Mùi thơm đánh thức cả con hẻm nhỏ
Náo nức những tiếng rao buổi sáng
“ Báo  đê… ê…, bánh mì nóng, xôi vò  đê … ê … - Trương Trọng Nghĩa 

“ Những hẻm thành phố Saigon chắc chắn có hồn hơn những đường thành phố Saigon. Hẻm Saigon dài và tương đối rộng, cởi mở, bùng nhùng vô số ngách. Nó đậm đặc cái chất lam lũ nhiều hảo hớn, bởi có đông dân lao động chiều chiều cởi trần ngồi nhậu trong các quán rượu cóc phảng phất Thủy Hử. Hẻm Saigon chân chất hầu như không có mùi lợm của bọn tham quan trọc phú “ – Nguyễn Việt Hà (Vietbao vn/ Ngõ của Hanoi)

Tác giả Nguyễn Việt Hà còn viết :

“Rất lâu nay và rất thường xuyên, người Hanoi tự hào về phố. Chắc không hẳn chỉ là ba mươi sáu phố cổ, nhưng tuyệt đối không thể là những phố mới được xây dựng, đang ngông nghênh trọc phú. Nó chằn chặn lổn nhổn những ngôi nhà không cá tính, giống hệt nhau bởi sự hợm hĩnh … Những kẻ sành điệu nông nổi thường tỏ ra huyên hoang về cái ăn mặc phố. Bọn họ không kịp nhớ rằng thật ra cái gọi là phố văn hóa ẩm thực của Hanoi, khởi nguyên từ thói quen ăn đêm của dân chơi khuya đến ngõ Cấm Chỉ, đầu phía hàng Bông Lờ, ra vườn hoa cửa Nam … Với cái kiểu xây dựng cuồng bạo bát nháo thời nay, chắc chừng mươi năm nữa, những người thích bâng khuâng hoài cổ, chỉ còn thấy hình hài phố của Thăng Long cổ khi đi ngang qua những ngõ. Người Saigon hình như gọi ngõ là hẻm … “

Hanoi
Em cứ lạc
Vì đường nào cũng lạ
Lạ phố và lạ ngõ
Vo vòng
Saigon
Con hẻm về nhà trọ mỗi tối – Lê Thùy Vân

Hẻm Saigon và ngõ Hanoi được thành hình trong giai đoạn đầu của tiến trình tạo đô, dựng thị, nơi những người cùng quê quán tụ lại khi sống ở đất khách quê người. Trong khi cấu trúc hẻm Saigon cải tiến, và phát triển dần dần trong việc mang làng vào phố, thì cấu trúc ngõ Hanoi, là nơi cư ngụ của những làng nghề truyền thống, giống hệt như đường làng ngõ xóm của vùng đồng bằng Bắc bộ. Ba mươi sáu phố phường là ba mươi sáu làng nghề ở quê ra, họ sống sát gần nhau, đối mặt qua ngõ nhỏ để dễ dàng làm ăn, chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau.

Phố là trục, nhánh là ngõ ngách. Phố thì ít, ngõ ngách mới nhiều. Ngõ là chính, phố có khi chỉ là phụ. Ngõ già, phố trẻ. Ngõ thì tĩnh, phố thì động. Ngõ mới là gốc, phố là ngọn, nói lên đặc thù về lịch sử và văn hoá của Hanoi- Kẻ Chợ: Đô thị hình thành từ những ô phố, phường nghề. Bên ngoài là cửa hàng buôn bán, bên trong là chỗ sản xuất gia đình. Nhà ống là tế bào cơ sở của đô thị Kẻ Chợ.

Nơi tôi sinh Hanoi
Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó
Đêm lăng nghe trong gió
Tiếng sông Hồng thở than – Lê Vinh / HPNT

Phố và đường Hanoi vẫn nằm xen kẽ nhau. Trên đường gặp phố, trên phố có đường. Trong khi ở Saigon, xưa nay không có một biểu hiện nào có chữ phố hết, tất cả đều gọi là đường. Bây giờ, Saigon có nhiều con đường chuyên mua bán các mặt hàng nhất định nào đó, thì người ta “ đặc biệt “ gọi là phố, như phố đồ cổ Lê Công Kiều ở đường Lê Công Kiều, quận Nhứt, sát chợ Bến Thành;  Phố cà phê ở bùng binh Hồ Con Rùa, quận Nhứt; Phố đàn đường Nguyễn Thiện Thuật quận Ba, Phố cá cảnh đường Nguyễn Thông quận Ba; Phố tranh sao chép đường Trần Phú (Nguyễn Hoàng cũ) quận Năm; Phố đông y đường Hải Thượng Lãn Ông quận Năm…

Do suy nghĩ và tư lợi cá nhân trước mắt, những người buôn bán nhỏ đã tận dụng và phát triển tối đa câu “ tấc đất tấc vàng “, nên hầu hết những con đường Saigon đều trở thành những khu phố thương mại, từ nhà ngoài mặt tiền cho đến nhà sâu trong hẻm, đều là cửa hàng, văn phòng dịch vụ, khách sạn mini … Nhà nhà đua nhau mở quán ăn, quán nhậu, quán cà phê, quán karaoke … làm cho cấu trúc của đường phố Saigon bị thay đổi lộn xộn, mất hết vẻ đep. (Saigon hiện nay có hơn mười ngàn quán nhậu, trong khi tổng số trường học từ mẫu giáo cho đến đại học chưa tới chín trăm) Những lề đường dày đặc người buôn bán, đi lại, ăn uống và… xả rác, từ sang đến khuya, không có một khoảng trống nào để chen chân, làm sao dám mơ tưởng đến chuyện đi dưới các hàng cây đan lá rợp xanh của lề đường Saigon thuở trước! Người ta nói lề đường Saigon hiện nay đang bị cơn sốt “ kinh tế thị trường “ xâm lấn hết cỡ!

phố căng mình chờ những đợt sóng người
màu sắc/ khói bụi/ âm thanh hỗn tạp
những cái rìu băm xuống mặt đường vô tư trồng lô cốt
con bé cầm sấp vé số như chim vào ngày tung tang
vỉa hè cơm tấm/ cháo lòng / tiết canh/ hủ tiếu/ sữa đậu nành/ bắp luộc/ bánh ướt nóng
bụi khói lala …lili …
… người ở đâu tràn ra đầy nghẹt phố
chỉ khổ con đường ta đi/ em đi/ mẹ gánh gồng/ cha đạp xe ba gác nhỏ dần … mất hút trong ồn ào xe máy
lũ buýt ngang phè nối đuôi từ phố này sang quận nọ/ vượt đủ thứ đèn- Nguyễn Trung Bình

Thành phố đã khác xưa và đang thay đổi từng ngày: các cao ốc, các tòa nhà … không ngừng mọc lên như nấm, với đủ kiểu kiến trúc khác nhau, đẹp xấu lẫn lộn. Ở Saigon, không đi qua một con đường nào đó chừng vài tháng, đến lúc tạt ngang, người ta sẽ vô cùng ngạc nhiên với các căn nhà đầy màu sắc mới toanh: cửa kiếng bóng lộn, tường lót đá ốp cẩm thạch … Sang trọng, lộng lẫy, bề thế có dư nhưng hài hòa và cân đối với nhà cửa chung quanh vùng nói riêng, và của thành phố nói chung là chuyện khác. Nó nói lên cách suy nghĩ, hành động và khiếu thẩm mỹ của các tham quan, trọc phú đương thời.

Người ta bị chóng mặt với tốc độ xây dựng nhà cửa, đường phố Saigon trong thời kỳ gọi là đổi mới, dẫn đến việc “ giết chết “ các kênh rạch, ao hồ, vùng cây xanh, biến dạng các kiến trúc cổ, thu hẹp các công viên… xóa bỏ linh hồn sẵn có của thành phố . Chưa kể đến việc cấp giấy phép kinh doanh bừa bãi; Lại không có luật lệ nào phân định rõ ràng khu vực nào là để ở, khu vực nào để buôn bán, hay làm ăn ngành nghề nào ở khu vực nào thì thích hợp.
Như trường hợp chùa Xá Lợi, nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba, là nơi thờ phượng tôn nghiêm, có một con đường nằm bên cạnh là Sư Thiện Chiếu, có” biệt danh” là đường Lẫu cá kèo cho dân nhậu, mà đường này ngó qua trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ).

Saigon tập tành lên hiện đại
bê tông lừng lững nghiến công viên
gió thốc buồn tênh hàng điệp cỗi
choàng dây đèn nặng gánh ưu phiền - TTSH 

Đường phố nào của Saigon bây giờ cũng chật nức người và người, nườm nượp xe cộ, không ngớt nối đuôi nhau để nhúc nhích, di chuyển. Đi bộ thì ít (vì băng qua đường bây giờ là cả một nghệ thuật, không có kinh nghiệm, không ai dám đi một mình), xe máy thì nhiều, đủ cỡ, nhiều kiểu, lắm màu sắc- Tiếng động của xe rồ máy, rú ga, khói từ những ống bô bay ra. Rồi thì lạng lách, thắng gấp, tưởng như sắp đâm sầm vô nhau, nhưng thường không đến nỗi nào, vì luôn luôn kẹt cứng, nên chỉ sây sát, cọ quẹt. Tai nạn tử vong chỉ xảy ra ban đêm khi đã bớt tệ nạn kẹt xe! Người ta hối hả, vội vã, nhốn nháo, sôi động như một tổ ong khổng lồ. Một tổ ong chứa trên mười triệu cá thể, lúc nào cũng quần quật, lo lắng, toan tính cho cuộc sống tràn đầy khó khăn và bất trắc. Số lượng xe tăng theo tỷ lệ thuận với số người, vì ai cũng cần một phương tiện để di chuyển. Thành phố lúc nào cũng đông đúc, ồn ào, xô bồ, bụi bặm … Người ta nói dân Saigon suốt ngày đêm ở ngoài đường!

Người ta nói Saigon hỗn độn
xe và xe / người và người / chen nhau/
đi trên đường ai cũng muốn đi mau/
ai qua đường … Cũng ào ào như xe cộ – Trần Vấn Lệ

Theo thiết kế đô thị ban đầu của người Pháp, năm 1860, Saigon là thành phố của cây xanh, nơi sinh sống cho nửa triệu dân. Chính quyền VNCH đã chỉnh trang và kế hoạch lại để thành phố  chứa được ba triệu dân. Hiện nay, Saigon có khoảng mười triệu dân, cho nên, cấu tạo kiến trúc trước đây đã bị thay đổi, với việc thu hẹp không gian xanh để xây dựng nhà cửa, bằng những công trình hỗn tạp, không thống nhất. Hậu quả là thành phố ngày càng trở nên chật chội, ngày càng ít cây xanh, ngày càng mất đi các dòng sông, ao hồ … Không khí ô nhiễm, đầy khói bụi, tình trạng ngập nước khi trời mưa … đang làm Saigon tê liệt, chết dần dần ! Chưa kể nhiều vấn đề khác, trong nhiều phương diện khác (vệ sinh, sức khỏe, văn hóa …) đã, đang và sẽ còn tồn tại, không có cách giải quyết.

Saigon vốn có ồn đâu
Ai đem ồn đến bên cầu lặng yên?
Saigon khói bụi triền miên
Ai đem khói bụi thải lên Saigon?
Saigon gấp rút bồn chồn
Ngược xuôi tất bật đâu hồn vía ta?
Saigon lắm rác nhiều hoa
Hẻm sâu, đại lộ không xa chẳng gần – Thu Nguyệt

Cơn lốc đô thị hóa tàn phá Saigon gây ra bởi hai nguyên nhân chính:

1-Sau 1975, Saigon là nơi có tình trạng thay đổi dân cư lớn nhất, và kéo dài cho mãi đến ngày nay. Người dân Saigon “ cố cựu “ bỏ xứ ra đi bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách … làm mất đi tầng lớp thị dân lâu đời, song song là sự nhập cư ồ ạt, liên tục, không ngừng nghỉ, ở khắp mọi nơi đổ về Saigon để mưu sinh, ngày càng tăng chứ không giảm, tạo nên một khoảng trống cho cơ cấu dân cư, gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng một đô thị văn minh hiện đại.

2- Chính quyền thành lập ngay sau 1975, hầu hết do những người “ kháng chiến “ ở nông thôn rừng núi về, họ nói là chưa kịp “ chuẩn bị “ thích nghi để lãnh đạo thành phố lớn nhất Việt Nam này! Nhưng sau bốn mươi năm thì phải nói:” Những thay đổi, mất mát, biến dạng … của Saigon và của con người Saigon hôm nay. Cái bộn bề, ngổn ngang, chắp vá, cùng vô vàn những cái phản thẩm mỹ, phi văn hóa … đang tồn tại của Saigon là hệ quả của sự yếu kém, vô trách nhiệm của giới lãnh đạo, quản lý thành phố nói riêng, và của cả một thể chế chính trị, xã hội nói chung gây nên  “ – Song Chi (forum. Trungtamasia/ Thương nhớ Saigon)

Saigon thời tôi mười tám tuổi
Đường thênh thang phố xá thẳng hàng
Man mác cà phê chiều váy ngắn
Tôi có bạn bè đêm lang thang
… Saigon thời tôi … không còn trẻ
Ngồi trầm tư một góc thị thành
Phố xá nguy nga dường như hẹp lại
Chẳng vội vàng cũng phải vượt lên nhanh – Trịnh Bửu Hoài

Nhà văn Trần Mộng Tú trong bài “ Saigon và tuổi thơ tôi “ có câu:” Saigon như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhó lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Saigon như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống. “

Bà còn viết:“ Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại. “

Nhà thơ Luân Hoán trong bài “ Bè bạn, bà con, Saigon và tôi “ đã viết:” Những hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất của quê hương, đối với riêng tôi, là những con đường, những lối đi. Trong mọi tầm vóc, rộng hẹp, ngắn dài, mỗi một con đường, mỗi một ngõ ngách đều mở cho tôi những thi vị. Chúng đưa tôi đến nhiều nơi, cho tôi biết nhiều chỗ, chúng tặng cho tôi những cuộc gặp gỡ với nhiều người, nhiều nhân vật. Tôi gần gũi với những con đường như những người tình “.

Ta sẽ đi cùng khắp ngã đường
Vỉa hè- góc phố- của quê hương
Tìm trong ký ức thời thơ dại
Áo lụa em bay trắng giảng đường – Linh Phương

Tính đến nay, thời gian tôi sống trên xứ người đã gần gấp đôi thời gian tôi sống ở Saigon. Saigon  của tôi là Saigon của thời niên thiếu, thời cắp sách đi học, thời ăn chưa no lo chưa tới, thời sống yên vui dưới mái ấm gia đình, dưới sự lo lắng và che chở của cha mẹ. Saigon trong tôi là những con đường đi từ nhà đến trường, đi đến nhà bạn bè, đi ra trung tâm Saigon … Những đường phố dẫn lối tôi qua, ghi lại những kỷ niệm ngày tôi mới lớn. Khi trước, mỗi ngày mấy lượt ngang qua những con đường này, tôi không bao giờ nghĩ tới mình sẽ không còn được chạy xe tà tà trên những lối đó nữa!

Đến tuổi này, tôi nhận ra được một điều: Những gì đẹp nhất đều đã nằm trong ký ức. Từ khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay … cho đến những con đường. Và con đường đẹp nhất luôn hình thành trong quá khứ, nằm sâu trong tiềm thức, đầy ăm ắp những hình ảnh xa xưa, thấp thoáng huyền ảo, nhạt nhòa lẫn lộn, làm dậy lên những bâng khuâng, những nhớ nhung ở đâu thỉnh thoảng tràn về. Nhớ lan man, nhớ đủ thứ, nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ cảnh vật, nhớ màu sắc … lãng đãng những thân tình như rất xa mà lại rất gần. Đó là nhớ Saigon với nhiều cái đặc biệt, nhất là đường phố Saigon với một vị trí không thể thay thế được, trong lòng dân Việt trên thế giới

Tôi xin chấm dứt bài viết về “ Đường phố Saigon “ với cảm nhận của một người anh – TTSH- Có khi … chỉ một con đường/ từ đâu tới, không ai biết / đi về đâu, chẳng ai hay/ mà xôn xao, mà trăn trở / con đường chạy vòng quanh ký ức/ mãi mãi đâu hề thoát ra / con đường loanh quanh trong mù mù tâm tưởng / gợi những trầm tích xa xăm / ta ấu thơ tháng năm nõn nà / như chưa từng lớn/ ta lại nhìn thấy ta trên con đường ấy/ tưởng đã thất lạc tự bao giờ/ giữa dòng đời nhốn nháo/ đường ơi, ta tôn xưng người/ dành dụm những chiêm bao.

Xuân Phương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014