SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

Montréal, Một Lần Đến

Từ độ "trao ấn từ quan", mình lập chương trình chu du thiên hạ hằng năm. Đã có ba tháng tắm biển Nice của vùng Địa Trung Hải thơ mộng, gần một tháng ở Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Năm rồi có hai tuần với nắng Miami. Năm nay đi Canada đến Montreal, viếng phố cổ Quebec, dạo phố Tàu Toronto, thăm thác Niagara hùng vĩ.

Ở Mỹ gần bốn mươi năm mình vẫn còn lộn xộn ở những đơn vị thời gian, đo lường. E-ticket ghi hãng hàng không  Alaska Airline, chuyến bay A16 cất cánh 12:15 am ngày 8 tháng 7. Có nghĩa là mình phải có mặt tại sân bay khuya ngày 7, tờ mờ sáng ngày 8 lên tàu, bay ra. Chính xác. Vây mà cứ hồ nghi. Mình dạo này sanh tật, lại có thêm tánh tự ái hảo, sợ hỏi đám nhỏ chê mình già lú lẫn.

Mới 9 giờ đêm mình đã đến phi trường. Đến hơi sớm, phi trường vắng vẻ. Hành trang hôm nay không gì quá so với những lần đi trước. Mình đẩy một valise bự, đeo túi camera. Mai, một MacBook, xách tay màu đỏ, một valise nhỏ, gọn gàng. Hai đứa đi thẳng đến nơi dành cho khách mua vé qua internet. Bấm máy, check in. Máy báo đến quầy vé. Cô soát vé lùn tịt, ngồi chỉ nhô cái đầu, tóc xoăn tít. Cô kiểm password, id hai đứa. Xong, hỏi ông bà mua vé trước tháng Tư? Mình xác nhận đúng. Cô nói tôi phải checkin bằng tay cho những người  mua vé trước ba tháng. Linh tính cho biết có sự chẳng lành. Đợi một lúc cô quay trở lại. Trao xấp giấy trên tay, cô nói đây là ticket lấy hành lý, đây là vé lên tàu đến Chicago. Cô dặn tại Chicago ông bà liên lạc quầy vé chuyển máy bay American Airline qua Montreal. Hú hồn. Cũng không tệ. Linh tính nhiều lúc không đúng lắm. Tuy vậy, mình cứ phân vân trong lòng sao lại American Airline mà không phải là Alaska Airline như trên e-ticket đã ghi rõ ràng.

Lo lắng nhưng cứ thẳng tiến. Ở phần xét an ninh, cái đuôi rồng rắn không dài như mình tưởng. Ông nhân viên người Mễ, to như bao gạo, nhìn tấm thông hành, lặng lẽ đóng lên giấy boarding một con dấu đỏ. Xong, đưa tay ra dấu mình bước qua khung máy kiểm soát. Mọi sự trót lọt, dễ dàng. Không cởi giày, không khám máy tính mang tay. Thay đổi?

Khoảng 10 giờ, phòng đợi trống rỗng. Trên hàng ghế đối diện, một bà đứng tuổi chúi mũi vào quyển sách, một cô gái trẻ tóc vàng óng, gật gù theo điệu nhạc, sợi dây earphone trắng lòng thòng, đong đưa. Mình nằm gối đẩu lên đùi Mai lim dim cặp mắt. Mai tánh ngủ muộn, ngồi viết trên phone bản text cuối cùng cho cô em gái. Free Wifi! 11 giờ đi qua, cô gái gật gù, mình bị quật ngã bởi con ma ngủ. Quá quắc. 11 giờ rưỡi, cô gái vẫn còn gật gù, tiếng loa gọi lên tàu. Mình chưa tỉnh ngủ, chân thấp, chân cao, kéo xách hành lý theo sau Mai. Kẻ trước, người sau, khách tuần tự bước qua khung cửa, như bị nuốt chửng vào trong lòng chiếc phi cơ đang gầm gừ. Lúc đến phiên Mai, bà tiếp viên đứng tuổi ôm chầm lấy nàng, cười nói ra điều như một đôi bạn chí thân, thây kệ mình đứng ngó, đôi mắt ló dương tròng, và đoàn người bỗng nhiên bị khựng lại. Lúc ngồi vào ghế, kịp gài dây an toàn mình gục ngã trước khi phi công thông báo chiếc Boeing 737 đã đạt cao độ ba mươi ngàn bộ. Không biết mình thiếp đi như vậy bao lâu. 

Những tiếng lạch cạch, lịch kịch làm mình thức giấc, cánh tay thừa thãi, vô tình hất đổ ly nước. Nước thấm ướt đẫm, lạnh cả... tổ chim. Mai nhanh nhẹn đi về phía cuối toa, trở lại với một xấp giấy, và ly nước mới. Sau khi đã dùng hết số giấy cố gắng thấm khô nước trên người, mình đứng lên, vào toilet thay đồ. Vừa đến cabin, bà tiếp viên đang pha cà phê cho khách ngưng tay, nhìn mình, rú lên cười như bị động kinh, nói "not you again!" Nhận ra bà, người ‘cố tri’ ôm Mai ngay cửa "ram", mình hùa theo, chống chế cho qua chuyện "it was an accident". Ngay lúc ấy, cô tiếp viên trẻ mắt xanh xuất hiện. Hai người đồng sự lí nhí gì đó với nhau, xong, cùng oà cười nắc nẻ. Bà đứng tuổi quay qua, ra cái điều ta đây đã biết tự sự, nói "I know. Your wife had told us". Mình mỉm cười trả, quay về ghế ngồi. Đặt người xuống, mình lập tức hỏi Mai em quen bà tiếp viên à? Mai phá lên cười, lại cười!, nói lúc đợi lên tàu, bà ấy cùng ngồi chờ tại cổng đợi, anh ngủ ngáy quá to làm bà ta không tâm trí đâu mà đọc sách. Em thấy kỳ quá, nhiều lần em lung lay đầu anh nhưng anh không thức. Anh ngáy càng lúc càng mãnh liệt. Bà bỏ sách xuống nhìn em cười, nói "he's so tired". Khi lên tàu bà nhận ra nên ôm em, nói đùa "I feel sorry for you". Rồi lúc anh làm đổ nước, em ra sau xin giấy lau, bà hỏi “what had he done this time?". Em nói anh bị ướt. Bà nghe xong, quay qua kể cho bà kia. Hai người cùng cười, nói với em đây là câu chuyện vui nhất trong chuyến bay hôm nay của hai bà. À thì ra thế! Ít ra mình cũng đã mang đến cho người một niềm vui .

Bay khoảng gần bốn tiếng đồng hồ thì đến Chicago. Phi trường này chộn rộn, kẻ qua người lại, khách lên tàu sắp hàng dài chắn cả lối đi. Hai đứa hối hả thẳng đến cổng C9, như lời dặn của người đứng ở cổng chuyển tiếp. Từ Chicago qua Montreal đường bay ngắn. Lần này mình đi CRJ200 của Canadair. Chiếc jet nhỏ khoảng vài chục ghế, một hàng bốn ghế giữa chắn một lối đi vừa đủ cho cô đầm tóc hung, đuôi ngựa thong dong. Đúng ra phi hành đoàn phải có ít nhất là bốn hay năm người, nhưng trong cabin hành khách chỉ thấy vỏn vẹn độc nhất mình cô. Cô vừa mời nước, vừa giúp đưa lên hành lý, vừa hướng dẫn an toàn. Nhưng dù bận rộn cô vẫn biết cái phần thân xác trời cho cô đã giúp cắt ngắn thời gian bay trong đầu những hành khách uể oải. Thật là thú vị mỗi khi cô di chuyển, cái vòng ba bị kềm hãm trong bộ đồng phục phi đoàn cứ lắc lư, qua lại. Khi hướng Đông. Lúc, chuyển về Tây. Bonus! Cô đáng được thưởng một số tiền phụ trội để  chi cho việc bảo trì! Chỉ một tiếng rưởi là đến phi trường Montreal. 

Tháng trước, anh bạn trong ban tổ chức gởi email nói rõ về phương tiện di chuyển từ phi trường đến khách sạn: lấy xe bus số 747, đi khoảng bốn mươi phút đến trạm Berri U-Quam, kéo hành lý một block nữa thì đến. Anh dặn đem theo tiền cắc, đúng 7 đồng. Tài xế xe bus sẽ không lấy hơn, không lấy thiếu, không lấy tiền US chỉ dùng tiền Canada. Nếu muốn, có thể dùng taxi, một cuốc $40, tiền đô tiền ‘ca’, tiền giấy tiền cắc, không vấn đề. Mình lấy taxi! Khoẻ. Xứ lạ, quê người xin hai chữ bình an. 

TAXI lăn bánh. Mình choài người về trước, nói một câu tiếng Pháp chuẩn, đã học nói đi nói lại nhiều lần, "Restaurant Holiday Inn Select quartier Chinoise". Ông tài người Algerie ốm nhom, thiếu dinh dưỡng, từ tốn, nói bằng giọng Mỹ lưu loát, xin lỗi tôi không rành tiếng Tây. Té ra không phải tất cả mọi người ở Montreal đều nói tiếng phú lãng sa! Tốt! Good! D’acord! Hảo Hảo! Đến phố Tàu thì cho dù ở đâu cũng không thể lầm lẫn. Len xen trong phố, đến khi xe chui qua cánh cổng sơn son thiếp vàng màu mè rất ư là chợ lớn, mình biết đã sắp đến nơi. Ông tài đánh một vòng chữ U, rà rà, rồi leo lên lề đường ngừng ngay trước cổng khách sạn. Mình ở lầu ba, số 342, cửa sổ nhìn ra thấy ga điện ngầm Palais des Congrès (convention center) tấp nập. Thả mắt theo con đường Saint Urbain lên đồi, chót vót nhìn mây là đôi tháp chuông nhà nguyện của thánh đường Notre Dame de Basilica cổ kính. Từ xa đã thấy đẹp. Nhưng trước khi thong dong cỡi ngựa xem hoa, câu trước đó phải là dĩ thực vi tiên. Hai đứa quyết định đi tìm một chút gì để trám cái khoảng trống trải trong lòng. Xuống phố! 

Không xa. Chỉ hai lần quẹo trái từ Đại lộ Viger. Phố Tàu Montreal hôm nay đang được trùng tu, con đường băng ngang góc hẹp, nơi có tượng bán thân Tôn Dật Tiên an toạ, ngổn ngang gạch đá. Phu lục lộ đang đổ cát, hai ba anh quỳ gối, sắp ngay ngắn từng tảng đá xanh to bằng hộp bánh trung thu. Công phu. Mỹ thuật. Dưới những gốc cây, thợ thận trọng đóng những hộc vuông vức giữ nước cho thấm đất nuôi cây, dành lại một chút xanh cho thành phố. St Laurent là chính lộ của phố Tàu. Thứ Ba, chiều, người đông nhưng thong thả. Không thấy cái hối hả quen mắt của một thành phố lớn. Tây, Tàu sánh bước. Du khách nhàn nhã. Hai bên đường, đoạn giới hạn bên trong hai cánh cổng, mọc lên cơ ngơi hàng quán, nhất là quán ăn. Restaurant Việt: Phở Bắc, Phở Bằng, Phở Cali. san sát. Thực đơn hơn trăm món. Bún chục thứ. Chỉ phở không thôi menu cũng tốn ba, bốn trang. Hình ảnh đẹp mắt. Hấp dẫn. Tiệm Bằng sạch sẽ. Mỹ Cảnh chào đón thân tình. Ông Kim, ba của Điền, chủ quán Mỹ Cảnh, niên kỷ đà 60 nhưng linh hoạt, hóm hỉnh. Vẫn còn nhớ Phong Dinh những ngày quân hành vất vả. Tiệm ăn Tàu, nếu chỉ theo tiêu chuẩn “cơm Tàu,…” thì khu phố này không thiếu. Tửu lầu, phạn điếm, nhà hàng. Buffet, Điểm Xấm, ToGo, Emporter. Dư thừa lựa chọn. Dạo bước bên kia đường mùi thức ăn bên này đã xông động khứu giác. Dưới gốc cây me tây, ba con dân thiên tử -có lẽ vừa xuống ca, tạp dề trắng còn hoen ố màu ngũ vị hương- thản nhiên phà khói. Hảo thẩu. Hảo thẩu. Một trự mập thù lù, chang bang cái bụng trần, xí xô, xí xào, chân cẳng đá tía lia, tuồng như đang bàn về một trận đá banh giải World Cup. Đi ngang khu GD, nhìn qua cửa gương thấy một anh thợ nấu trung niên hì hục làm mì. Ngưỡng mộ cách cọng mì được chế tạo tại chỗ, hai đứa bước vào. Tiệm mì Tàu. Kiểu cách chưng bày Nhật Bổn. Những chiếc dù trắng, hoa văn đen treo trên trần nhà một cách mỹ thuật. Tiệm nhỏ. Có vẻ ngon. Khách sắp thành hàng dài, vui vẻ, kiên nhẫn. Chẳng có gì ngoài mì. Mai gọi tô nhỏ. Mình, lớn. Tiệm chỉ có một cỡ: trung. Nóng. Cay. Mùi bún bỏ Huế. Một cặp vợ chồng Việt lưỡng lự nhìn nhau cùng cá cược trên kích thước tô mì và khả năng của dung lượng tích trữ. 

No bụng, cũng để nhường chỗ cho người đang chờ, hai đứa trả tiền, bước ra đường, nhập vào giòng người về lại khách sạn. Mưa!

Montreal tháng bảy có mưa. Ồ ạt, bất thường và ngắn.  Không âm ỉ, tỉ tê. Trút xuống một cơn giận rồi thôi.  Bằng những cụm mây đen lang thang theo  gió kéo đến vây kín một góc trời, chia hai khu phố. Bắt đầu bằng một cơn oi bức nhiệt đới, mưa làm ngạc nhiên người tản bộ cho dù trên tay đã có mang theo ô dù! Hai đứa nép trú mưa dưới một tiệm chạp phô, inh ỏi tiếng nhạc Thượng Hải cổ điển, thản nhiên nhìn những bong bóng nước trôi dọc hai bên con lộ, ngửi mùi mưa, mùi hơi nước quen thuộc của gần bốn mươi năm về trước. Mưa Montreal nhắc lại mưa Sài Gòn. Nhắc những ngày còn cắp sách đến giảng đường, đi trong mưa dưới hai hàng me tây đại thụ... Montreal, hôm nay, một ngày đã đi qua theo cơn mưa!

Đường du Hào
7/2014
 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014