SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

PHÓNG  SANH  

Cũng như nhiều người sống trong xã hội miền Nam trong những năm đầu của thập niên tám mươi, chồng tôi sau gần năm năm bị tập trung cải tạo, vừa được thả về anh vội dẫn tôi và đứa con năm tuổi tìm đường vượt biên. Qua bà con, bạn bè cũ và những người quen sau này cùng trong trại cải tạo giới thiệu. Nhờ vậy chúng tôi mới có không ít cơ hội tham gia vào những chuyến đi với danh nghĩa tài công, khỏi phải đóng góp tiền bạc. Tuy đã vài lần khăn gói ra đi và không thành công, nhưng cũng may mắn thoát được trở về an toàn.

Hàng ngày tôi đến nơi làm việc với tâm trạng thấp thỏm, lúc nào cũng trong tư thế chờ đợi để lên đường. Vì thời gian eo hẹp cho mỗi lần đi và trở về, tôi phải cố gắng hết sức để không bị nơi đang làm việc phát hiện mình có ý tưởng vượt biên, bởi chẳng biết đến khi nào chuyến đi thành công. Nhiều người tự tin vào việc tổ chức chắc chắn là hoàn hảo nên họ không cần chuẩn bị đường thối lui. Cuối cùng khi có trục trặc phải trở về thì mất tất cả từ công ăn việc làm, chỗ buôn bán thậm chí mất luôn nhà ở. Thời cuộc dạy cho tôi rút kinh nghiệm từ các chuyến đi trước sau mỗi lần thất bại, có thế mới tồn tại được với xã hội đương thời. Đi làm tôi chỉ chơi thân với những ai cùng tư tưởng, hoàn cảnh. Mấy chị em trong tổ ngày nào cũng thì thào với nhau, đại khái như :

- Bà hay tin gì chưa ? Hôm qua tôi ghé nhà nhỏ Ánh nghe bà má nói nó đã lên con cá lớn và gửi mật mã về rồi.

Tôi cẩn thận nhắc :

- Mấy đứa đừng vội mừng, chờ thêm vài bữa nữa đã. Khi nào có điện tín mới chắc ăn, chừng nào đến ngày nó hết phép, trên kia họ tự phát giác việc nó vắng mặt thì thôi.

Nhỏ Hòa đồng tình :

- Chị Kim nói đúng đó, kỳ trước chị đi chuyến Phan Thiết vắng mặt mới một ngày. Mấy người áp tải hàng không thấy mặt chị nên đồn lên tới công ty là chị vượt biên rồi. Con Thúy bên lao động tiền lương ở gần nhà chị,tình cờ về nhà ăn trưa nên gặp chị. Đầu giờ chiều nó vô nói với mụ Nhu trưởng phòng là tận mắt thấy chị ngồi trước nhà rõ ràng lúc nảy, chị còn nhắn nói với nó xin phép nghỉ giùm một ngày vì bị bệnh. Mà sao chị đi về nhanh vậy ? Không lẽ chị biết bay hả ?

Tôi cười lớn xua tay :

- Nhỏ này làm như ta là Tề thiên, tại lần đó may mắn khởi hành vào ngày cuối tuần. Mấy đứa hỏng nhớ là buổi trưa thứ bảy hôm ấy nhân việc đi về công ty nộp báo cáo, giả vờ lân la qua các phòng và nói dăm ba câu tào lao với con nhỏ phó phòng mình xong là chị đạp một mạch về, ở nhà chồng con chị đang chờ sẵn để ra bến xe đi liền. Đến nơi là tối rồi, ém ở đó một đêm chờ xuống bãi, thêm một ngày một đêm chủ nhật nữa, người tổ chức báo về có trục trặc nên sáng sớm hôm sau chị dắt con gái về ngay, Phan thiết chỉ cách Saigon ba bốn tiếng đồng hồ xe đò thành ra chỉ vắng có buổi sáng thứ hai thôi.

- Bị chồng bà là Hải quân nên bà bị tụi nó " canh me " dữ dội. Hễ thấy vắng mặt là đồn bà đi vượt biên liền.

Tôi chỉ biết cười trừ :

- Bởi vậy chị khó đi hơn mấy đứa nhiều. Phải biết trước chuyến đi ngày nào để xin nghỉ phép. Cũng may chồng chị có chân trong tổ chức nên biết được ngày đi trước người ta. Mấy đứa không thấy chị đi như cóc nhảy ra nhảy vô sao ? Họ đồn đoán nhiều lần bị trật lất nên riết rồi cũng chán thôi.

Tất cả chúng tôi thoải mái khi đề cập chuyện này nhờ cùng " tần số " nên rất hiểu nhau. Đứa nào gia đình cũng có người đi " cải tạo ", không là chồng thì cũng có cha hoặc anh em. Người xưa nói " Phàm làm việc gì cũng phải nhờ vào  'thiên thời, địa lợi, nhơn hòa'". Hình như ba thứ này bọn chúng tôi đều có đủ. Địa lợi ở chỗ chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ một kho hàng biệt lập bên ngoài khu ngoại ô, cách xa công ty quản lý và văn phòng chủ quản nằm tận trung tâm thành phố. Vì vậy bọn tôi tha hồ choàng việc và báo cáo " láo " về nhau khi vắng mặt. Thậm chí có đứa bị kẹt nằm chờ ngoài bến bãi cả tuần lễ mới về cũng không ai phát giác bởi công việc vẫn trôi chảy. Hết giờ sau khi khóa cửa niêm phong chỉ cần vài người ở lại bàn giao cho toán bảo vệ trực bên ngoài là đủ. Đây phải chăng là yếu tố " địa lợi ".

Mọi thứ giống như bàn cờ được xóa đi làm lại, sau mỗi lần ra đi thất bại. Hết tổ chức này, đến người khác giới thiệu mối mới. Ai tổ chức hay tham gia vượt biên đều bị quy chụp tội giống như các tổ chức phản động, chống lại chính quyền. Dù nguy hiểm như thế nhưng chẳng có ai sợ hãi, có dịp là tiếp tục tham gia. Ngày qua ngày gia đình tôi vẫn trong tình trạng chờ đợi. Một hôm tình cờ má tôi ghé tạt qua nhà, bên hông vách cạnh bộ bàn ghế bằng mây bà đang ngồi là cái kệ sách, tầng giữa có chiếc lọ thủy tinh trong đó nuôi hai con cá lia thia óng ánh màu xanh biếc đang lượn lờ bơi lội.

Hồi nhỏ thấy nhiều người nuôi cá cảnh tôi rất thích, chồng tôi kể khi còn trẻ anh cũng có thời gian nuôi chơi nhiều loại cá ở nhà. Cá bình dân là cá bảy màu, cá lia thia, còn cá vàng là loại đắt tiền chỉ dành cho giới trẻ con " quý tộc". Hôm kia có việc phải đi Chợ cũ ngang qua đường Hàm Nghi nơi chuyên bán chim, chó, cây kiểng. Bên cạnh là gian hàng bán cá cảnh bèn dừng chân đứng xem không hiểu sao tôi lại nảy ý mua về làm quà cho con mặc dù chưa biết cách nuôi. Nhưng lo gì vì chồng tôi đã từng nuôi chúng rồi.
Hai con cá mua về mới có hai ba hôm, trong lọ thủy tinh tôi có bỏ thêm một chùm rong là hàng khuyến mãi kèm gói lăng quăng. Má kêu tôi đến trước mặt và nói :

- Nè, má nghe hai đứa tính chuyện đi vượt biên, tại sao còn mua cá về giam cầm nó ? Người ta muốn đi trót lọt, may mắn còn phải mua chim, mua cá " phóng sanh ". Còn tụi bay mua cá về giam lại làm sao đi cho được ?

Tôi lúng túng chống chế :

- Cá này là cá kiểng, người ta nuôi cho đẹp mà má.

Sắc mặt má tôi lộ vẻ không hài lòng, bà nói một hơi :

- Má nói vậy bay ráng mà nghe, còn không nghe thì thôi !! Chuyện ra đi ít nhiều gì cũng có lành, dữ trong đó ! Sao không phóng sanh là một cách làm việc thiện để cầu may ! Đừng làm ngược lại.

Nghe má tôi nói thế bỗng dưng tôi có cảm giác sờ sợ bởi chưa từng nghe ai nói hay giải thích chữ " phóng sanh " và áp dụng vào trường hợp nào !

Buổi chiều chồng tôi về nghe kể lại, anh không phải là người mê tín, dị đoan nhưng cũng nói :

- Má đã nói như thế thì em làm theo lời má cho yên tâm. Nhưng cá này là cá cảnh không đem ra sông thả được, nó sẽ chết ngay.

- Vậy chứ hồi xưa anh cũng đã nuôi cá, anh nuôi chúng bao lâu và sau đó thì sao ?

- Anh nuôi cho đến lúc nhập ngũ, sau đó về phép nhiều lần, ở nhà ai làm gì và chúng không còn từ lúc nào anh cũng không để ý.

Tôi băn khoăn, vậy thì giải quyết bằng cách nào đây ?

Chợt nhớ lại thưở nhỏ, năm tôi học lớp tư, hay lớp ba gì đó, ba tôi đi làm hay mang về từ sở cuốn Thế Giới Tự Do cho chị em tôi. Nó chỉ là một quyển tạp chí loại khổ to hơn cuốn vở học trò, được in bằng loại giấy láng dầy rất tốt, hình ảnh trong đó có nhiều màu thật đẹp. Những đứa học trò như tôi đều thích lấy tờ tạp chí này bao tập học vì nó đẹp và bền. Song song ba tôi còn mang về cuốn Hương Quê hình dáng cũng tương tự nhưng bài vở bên trong thì khác cuốn kia. Tôi còn nhớ rõ, có một cuốn trong đó có một bài viết kể về cách làm món " dưa mắm " ở quê. Bức ảnh chụp một tô dưa mắm trộn có màu xanh của dưa điểm vài miếng ớt đỏ tươi chiếm gần hết trang giấy. Khi mang đi bao tập tấm hình nằm trọn bìa trước khiến ai nhìn thấy cuốn tập của tôi cũng than rằng : " trông thấy nó là đói bụng ! "

Bài vở trong Hương quê tuy chỉ viết và kể những chuyện mộc mạc đơn sơ của các vùng quê miền Nam Việt Nam, nhưng đối với tôi rất hấp dẫn, thích thú khiến tôi nhớ mãi. Không chỉ là nói về giống lúa mới, cách thức chăm sóc trồng trọt hay ghép chiết cành một loại cây ăn quả. Số báo nào cũng có kèm theo ít nhất là một truyện ngắn viết về miền quê rất ấn tượng.

Có một truyện của nhà văn Bình Nguyên Lộc tôi đọc nhiều lần nhớ mãi nội dung cho đến bây giờ. Cho dù đã trải qua nhiều năm tháng và khi ấy tôi chỉ là một con bé học lớp ba nay đã có chồng con :

… Bài viết nội dung kể về thú chơi cá lia thia độc đáo của người miền quê, cách thức người chơi đi tìm và nuôi những con cá " chiến " để mang ra đấu đá với nhau nhằm hạ bệ địch thủ cũng là người nổi danh trong làng " đá cá ". Sau khi mày mò trong các vũng, lung, bàu ở ruộng và tìm thấy con cá ưng ý ; Qua kinh nghiệm nhìn toàn thân, màu sắc, vi, vẩy, người này không mang con cá về nhà, lại tìm một bàu nước thật xa vắng vẻ, cỏ hoang rậm rạp chứng tỏ không người lui tới, khoanh vùng thả nó xuống nuôi tại chỗ với lý do nếu con cá sống tự do sẽ hấp thụ khí trời đất, sông nước thiên nhiên sẽ là một con cá mạnh mẽ hơn cá nuôi trong chai, lọ. Mang cá này ra đấu sẽ cầm chắc là thắng cuộc. Cứ vài hôm hay một tuần lễ lại ra thăm con cá một lần. Con cá nhờ vậy được nhởn nhơ bơi lội trong vũng chờ gần đến ngày thi đấu mới được vớt lên mang về nhà. Ngày cuối cùng chủ nhân con cá mang vật chứa ra đến nơi vớt nó với lòng mừng khấp khởi. Trước khi quay lưng nhìn quanh lần nữa, đánh dấu bằng mắt để sau khi đánh bại các đối thủ ông sẽ mang con cá ra thả đúng chỗ cũ đợi mùa sau. Bất thình lình ông trông thấy vạt cỏ cạnh mép vũng nằm rạp xuống chứng tỏ đã có một người khác đến nơi trước ông. Choáng váng giống như vừa bị đánh một cú vào đầu, ông biết ngay con cá ông định mang về đã bị đánh tráo, nó không phải là con cá trước kia ông phát hiện và nuôi dưỡng. Ông nhớ lần nào ra thăm nó cũng cẩn thận quan sát chung quanh, xóa hết dấu chân đề phòng có người theo dõi vì biết ông là tay nuôi cá đá có danh. Vậy mà chúng vẫn phỗng tay trên ông. Thói thường những người này hay tìm đến nạn nhân giả vờ cáp độ, dĩ nhiên họ cầm chắc cái thắng vì đã tráo vào con cá tầm phào. Chán nản ông đổ con cá trở lại chỗ cũ. Ngày mai nếu ai đó cứ kè kè theo ông đòi bắt độ, ông chắc chắn nó là thằng ăn trộm cá của ông… "

Nhớ về câu chuyện và tìm được câu trả lời cho thắc mắc tôi mừng rỡ vô cùng. Vậy là tôi sẽ mang con cá đi phóng sanh, giải thoát cho nó được tự do về vùng thiên nhiên trước kia nó sống. Tôi nhớ nếu đi xa về phía Phú Lâm sẽ thấy ngay đồng ruộng, sẽ không khó tìm cái vũng nào đó cho con cá trú thân. Từ giờ trở đi tôi sẽ bỏ luôn ý tưởng nuôi cá để làm cảnh.

oOo

Đã phóng sanh cho con cá từ lâu lắm vậy mà gia đình tôi vẫn không đi trót lọt bất cứ chuyến nào cho đến sau này. Cả đám mấy đứa cũng không ai đi được ngoại trừ hai đứa là Ánh và Hòa. Cánh con trai bên bốc xếp thì đi lọt nhiều hơn gồm có Vinh. Nam, Hà, Quốc Anh. Thư từ bên đảo gửi về kể rằng tất cả gặp nhau bên đó. Chán quá những người còn lại trong bọn tôi rủ nhau đi tìm thầy bói thử xem mình có số xuất ngoại hay không. Mấy quyển tử vi đẩu số cũ mèm của thầy Huỳnh Liên, Lốc cốc tử..v..v cũng được bọn tôi ra hàng sách cũ tìm mua về nghiên cứu tối đa. Đường chỉ tay nào là đường xuất ngoại cũng được săm soi kỹ càng mỗi ngày, đợi khi nào nó xuất hiện đường line tiếp nối kéo dài đụng vào ngón tay thì sẽ đến ngày ra đi theo lời thầy tướng số dạy thế. Có đứa còn đề nghị tôi :

- Chị Kim xem giùm gót chân em có nổi mụt ruồi không ? Mà phải là mụt ruồi son đó nha. Ai có nó ở gót chân thế nào cũng sẽ được đi xuất ngoại.

Bà Yến thì bán tín bán nghi nói :

- Sao tui nghiên cứu hết mấy tuổi trong quyển tử vi của thầy Huỳnh Liên thấy tuổi nào cũng giống nhau hết mấy bà ơi ! Nam mạng thì số được lên chức Tá, Tướng không hà. Nữ mạng thì người nào cũng nên học nghề y tá và có số xuất ngoại sống luôn bên ấy. Sách viết trước bảy lăm lúc đó chỉ có những người lấy Mỹ mới theo chồng ra nước ngoài thôi, mà số người này ít lắm. Nhưng mà tui thấy ông chồng tui tử vi nói có sao tướng quân thủ mạng nhưng đâu có lên đến cấp bậc đó đâu, sau bảy lăm lại phải vô trại hết năm năm. Còn tui thì theo sách nói tuổi tôi có số xuất ngoại mà sao đi hoài hết sạch tiền bạc giờ cũng còn ngồi ở đây ! ?

- Sách tử vi thì nói vậy hổng lẽ thế giới bao nhiêu tỷ người cùng tuổi đều giống nhau hết sao ?

Những câu chuyện vượt biên dần dần bảo hòa theo thời gian không còn sôi nổi như nhiều năm về trước nữa. Nhưng bà Yến thì vẫn cứ tin mình sẽ đi được bởi trong chuyến vượt biên cuối cùng, chồng bà được người quen trong tổ chức dẫn đi gặp một ông thầy bói mù nổi tiếng vùng đó xem quẻ kiết hung. Sau khi bảo người xem gieo ba đồng tiền xưa vào trong mu rùa rỗng ruột nằm lật ngửa. Ông thầy phán số chồng của bà sẽ được xuất ngoại và đi một cách danh chánh ngôn thuận không cần phải trốn tránh ai hết, cứ theo thứ tự lần lượt mà ra đi. Bà kể :

- Nghe thầy nói tức cười quá ! Nhưng nghe vậy để nuôi hy vọng chơi thôi chứ bản thân hai vợ chồng đâu có thân nhân bảo lãnh, chỉ có đường vượt biên mà đi mãi giờ chẳng còn chỉ vàng nào làm thuốc ! Tiền bạc còn đâu nữa mà đi. Với lại nghe nói các trại tị nạn bên đảo đóng cửa hết rồi, đâu còn nhận người nữa !

Vậy mà câu chuyện bà Yến kể hôm nào lại thành sự thật, từ năm ngoái đã nghe râm ran đồn chuyện Hoa Kỳ chấp thuận cho việc định cư các cựu tù nhân cùng gia đình sang bên ấy. Qua rồi thời vượt biên, giờ đến chuyện HO. Lần này thì không cần rỉ tai hoặc giấu diếm, cũng không cần sợ mất việc. Thậm chí có người xin nghỉ trước để khỏi vướng víu công ăn việc làm khi nộp đơn. Gặp nhau ở quán cóc trước cửa công ty có đứa nhắc lại chuyện hồi trước cùng nhau xem sách tử vi, ai cũng công nhận :

- Ông thầy Huỳnh Liên nói mình có số xuất ngoại sống ở nước ngoài đúng thiệt.

Cuối cùng rồi vợ chồng con cái chúng tôi cũng được lên đường. Trong những ngày chờ đợi chuyến bay, ra khu vực Lê Lai tìm mua mấy chiếc valy chứa hành lý, tôi bỗng nhớ lại chuyện phóng sanh con cá năm xưa. Sau thời gian trầy trật chuyện ra đi, một lần theo má tôi đi chùa, khi xong thời kinh cúng ngọ tôi thấy nhiều người mang lồng chim ra phía sau chùa cho sư thầy chú nguyện. Rất lạ là trên đường mang chiếc lồng đi những con chim bên trong cứ đập cánh nhảy nhót loạn xạ, nhưng khi nghe sư thầy đọc bài kệ phóng sinh trước khi mở cửa lồng thì những con chim lại đứng yên, nghiêng đầu như nghe ngóng. Khi sư thầy tụng hết bài kinh chúng lần lượt bay ra ngoài kéo nhau thành đàn ríu rít âm thanh nghe ra như vui mừng. Bỗng nhiên tôi nghĩ :

- Tại sao trước khi lên đường mình không phóng sanh để cầu xin cho chuyến đi " thượng lộ bình an ".

Nói là làm, tôi dặn con bé bỏ mối chim tôi gặp ở chợ Hàm nghi chở đến trước nhà ba trăm con chim sắc. Loài này nghe nói người ta bắt được chỉ đem bán để người khác phóng sanh vì nó không biết hót nên không ai nuôi làm cảnh và cũng không ăn thịt nó vì rất tanh. Hình dáng nhỏ bằng chim se sẻ nhưng đuôi dài chia hai nhánh tẻ trông rất giống những con chim én tôi từng thấy bay trên bầu trời thành phố. Không hiểu tại sao người ta gọi là chim sắc ô có lẽ vì có đôi cánh và lông đuôi màu đen.

Vì số lượng nhiều sợ chúng chết dọc đường tôi không thể mang đến chùa nhờ thầy đọc kinh phóng sanh. Mở cửa lồng tôi bắt từng con theo tiếng đếm của con bé. Bầy chim được thả cuống quýt, ríu rít rủ nhau nhanh chóng bay thoát lên hàng me bên kia đường. Chúng bay lên đậu trên bất cứ cây xanh nào chúng thấy gần nhất có chung quanh nhà. Cũng may khu nhà tôi ở có những hàng me chạy dài theo ven đường. Phía sau là một công viên um tùm. Xa hơn là khuôn viên một khu đất trồng đầy sao cổ thụ tha hồ cho chúng ẩn nấp, nghỉ ngơi khi vừa thoát cảnh chim lồng. Sau khi bầy chim tản mác một lúc, ông bảo vệ cơ quan ở góc đường gần nhà lò dò đến trao cho tôi một con đang nằm run rẩy trong lòng bàn tay và nói :

- Có lẽ nó mừng quá, quíu cánh nên bay không lên cao được.

Tôi đáp :

- Vậy cho nó nằm lên trụ hàng rào trên kia nghỉ mệt, khi nào khỏe sẽ bay về với chúng bạn.

Lúc ấy tâm hồn tôi thanh thản và cảm thấy niềm vui bất tận ùa đến khi nhìn thấy những đôi cánh vội vã vút lên hòa vào những tán cây xanh. Giống như viễn ảnh sắp tới của gia đình tôi, lên con chim sắt bay về bầu trời tự do hằng mong ước.

oOo

Vậy mà đã hơn hai mươi năm ! Khi không còn phải vất vả với những lo toan cho đời sống vật chất, người ta mới có thì giờ nghĩ về đời sống tâm linh của mình. Bây giờ hai vợ chồng tôi dành nhiều thì giờ mỗi cuối tuần đi chùa tìm hiểu về đạo pháp. Nghe qua các bài giảng của nhiều vị sư chuyên đi hoằng pháp, độ sanh tôi mới hiểu ra hai chữ "phóng sanh" cùng những ý nghĩa sâu xa của nó.  

" Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại " tôi đã hiểu ý nghĩa câu này từ lâu lắm và cho rằng nó chỉ áp dụng vào con người là loài có thức phân biệt. Ngày trước nghe má tôi nói vậy nên tôi không nuôi cá nữa, cũng như trước ngày lên đường tôi đã mua ba trăm con chim, phóng sanh với mục đích mong muốn bản thân may mắn, khi ấy tôi không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ này. Đến bây giờ tôi mới ngộ ra, phóng sanh không phải chỉ có hành động mua chim, cá thả chúng về môi trường của chúng cho tự do, thoải mái. Động cơ của việc này thường xuất phát từ tâm và do lòng từ bi mà ra, do lòng thương xót con vật đang bị giam cầm trong cảnh " cá chậu, chim lồng " không nỡ nhìn chúng chết một cách bi thương. Lòng trắc ẩn xui khiến thành hành động. Theo lời thuyết giảng, " Phóng sanh chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta trông thấy con vật bị giam cầm, sắp bị đem giết thịt, ta mua để giải thoát cho chúng khỏi cái chết. Mua xong phải mang thả ngay cho chúng được tự do thoải mái."

Thật ra hình thức mua chim cá phóng sanh cũng có nhiều chỉ trích rằng : " Vì do có cầu nên mới có cung. Nếu không có người mua chim cá phóng sanh thì không có người lùng bắt chúng để bán ". Trong quá trình chờ đợi để được phóng sanh, rất nhiều con bị chết vì bị chèn nhốt chật chội trong chuồng cộng thêm đói khát nhiều ngày. Con vật sau khi được phóng sanh quá yếu sức, cho dù người bán không cắt bớt lông cánh chúng cũng không thể bay xa nên đã bị bắt lại, mang ra bán lần nữa và cứ thế tiếp diễn không dứt. Vô tình người muốn phóng sinh tích phước lại tạo nên vòng tròn oan nghiệt. Trong ngũ giới cấm của nhà Phật, không sát sanh được xếp vào giới cấm đầu tiên. Ta phóng sanh chỉ là thả con vật về lại môi trường của nó. Sau đó tùy thuận vào nhân duyên quả báo kiếp trước mà chúng sẽ sinh hoăc tử bởi không chỉ là loài thú ngay cả loài người, tất cả cũng đều là chúng sanh sẽ không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp quả.

Nhiều người kể lại trên các báo chí, khi họ đi tìm con chó của mình bị bắt cóc đã phải vào các lò mổ giết chó và trông thấy những con chó " khóc " với tiếng rên rỉ và đôi mắt bi thương y hệt loài người. Gần đây nhất khi trên net có người đưa hình ảnh những con voọc, con khỉ bị hành hạ làm trò chơi cho thú tính của vài người nào đó. Nếu để ý đôi mắt những con vật ấy đều có tia nhìn buồn bã, như van lơn, cam chịu. Đôi mắt cho người ta biết dù là loài vật không thể nói được tiếng người nhưng chúng cũng có cảm xúc, hạnh phúc, vui vẻ khi cùng nhau sống cùng bầy đàn giữa thiên nhiên tự do, chúng cũng biết buồn bã khi phải lìa xa và đau đớn kêu la khi bị hành hạ.

Bài tập đọc vỡ lòng trong sách Quốc Văn giáo khoa thư vào thời chúng tôi còn là học trò tiểu học đã kể câu chuyện của một người thợ săn nói về tình mẫu tử của bầy khỉ. Khi người thợ săn giương súng nhắm bắn trúng vào con khỉ mẹ đang ôm đứa con trên cây cao. Bị thương rất nặng nhưng vẫn cố bám vào cành cây chờ khỉ đực chạy đến, giao đứa con nhỏ xong rồi mới buông tay gieo mình xuống đất tắt thở. Người thợ săn sau đó cảm thấy ân hận khôn nguôi. Lật lại những trang sách giáo khoa cũ xuất bản từ những thập niên năm, sáu, bảy mươi về trước rất nhiều những bài tập đọc dạy cho lũ học trò mới " nứt mắt " như chúng tôi về lễ nghĩa, biết ơn, đền ơn và phải có lòng nhân từ, từ bi ngay cả với súc vật. Giáo dục cho chúng tôi sống đời nhân bản, vị tha đối với tất cả những gì xảy ra chung quanh.

Tìm đọc trong những trang web tôi thấy có đoạn giải thích theo triết lý Phật giáo : " nghĩa bóng của phóng sanh là phóng thích tâm ô uế, tâm tham lam, đố kỵ, hơn thua và thù hận ra khỏi con người. Khi phóng những thứ ấy đi rồi bản thân mình được nhẹ nhàng, tự do, tự tại. Tâm không phân biệt khi đối xử với những người chung quanh, không còn chấp ngã, si mê, hận thù do vậy cuộc sống sẽ rất bình yên. Bởi nếu còn tâm thù hận nhìn chung quanh cũng chỉ toàn thù hận lẫn nhau. Ý nghĩa sâu xa của phóng sinh là vậy chứ không phải đơn thuần một mục đích duy nhất mang chim, cá đi thả là đủ, là trọn nghĩa của phóng sinh "

Cỏ Biển
Mùa Vu lan 2014.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014