SỐ 63 - THÁNG 7 NĂM 2014

 

THẦY  TÔI

QÚY THỂ

Thầy tôi giống như con voi ma-mút (mammouth, Khổng tượng, lòai voi thời tiền sử) Từ cả vạn năm quá khứ lạc lòai vào thế kỉ hai mươi này. Thầy tôi đổ tú tài khoa thi hương cuối cùng. Năm mấy trong âm lịch tôi không biết, nhưng dương lịch rất dễ nhớ, nó gồm hai con số 19. Thầy đổ năm 1919. Đây là một ân khoa, khoa thi ngọai lệ được nhà vua gia ân. Nó cũng đúng là khoa thi ân huệ, hay đó chính là phát súng ân huệ chấm dứt cả một chuổi dài quá khứ vàng son thi cử với biết bao nhiêu hình ảnh đẹp còn lưu lại đến ngày nay: Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, phấn vua lộc nước, vinh qui bái tổ...

Thầy được chính phủ bảo hộ cho dạy môn Hán văn. Tôi học với thầy bốn năm, bây giờ may ra còn nhớ được bốn năm chữ thánh hiền. Bốn năm cũng đã nhiều vì người xưa nói : “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy đúng là vị đại diện chính thống cho một nền văn minh muộn màng đã đến cuối thời kì tàn tạ héo hon.

Trong khi các thầy trợ giáo khác đã ngã hẳn sang phía tân học thì thầy với khí tiết của một nhà Nho chính thống vẫn một mực ươn ngạnh chống lại trào lưu mới. Thầy lặng lẽ nhẫn nhục lội một mình ngược dòng thời, đại lịch sử. Các thầy khác cắt tóc ngắn kiểu “ca-rê”, mũ cối giày vải đánh phấn trắng, quần tây áo sơ mi, hay có thầy còn diện complet đến lớp thì thầy tôi vẫn khăn đen áo the thâm, guốc mộc, cầm ô, mang trắp đến trường. Tất cả con người thầy là một sự cũ kĩ lỗi thời tồi tàn. Lỗi thời hơn cả có lẽ là cái ô đen kiểu thầy bói với cái trắp gỗ. Trong khi các thầy các cô đã biết dùng cac-tap da thì thầy vẫn còn dùng trắp gỗ. Trắp là cái hộp bằng gỗ có nắp đậy, có quai xách. Đến lớp, thầy lên bục giảng, ngồi vào ghế, mở trắp lôi ra đủ thứ giấy bảng, bút lông, nghiêng mài mực...Trong trắp có cái ngăn nhỏ để trầu cau. Trước đây thầy ăn trầu ngay trong giờ lên lớp và đã có lần nhổ nước trầu làm bẩn sân trường bị thầy hiệu trưởng khiển trách. Nay thầy không dám ăn trầu trong lớp nữa. Có ghiền trầu cách mấy thầy cũng đợi giờ ra chơi, nhổ nước trầu trong cái bình mực cũ. Trong trắp còn có thuốc rê, giấy quyến, khăn, lược và mo cơm. Quanh nămvợ thầy chỉ cho thầy ăn cơm với ruốc kho khô. Thầy ở nhà quê, xa thành phố, trưa ở lại trường để chiều còn dạy nữa. Thầy không biết đi xe đạp, mà dù có biết thầy cũng không đi, vì thầy chống lại mọi cái mới.
Các thầy khác sống theo lối công chức thời Pháp thuộc, sáng sâm banh,tối sữa bò, hết giờ rủ nhau bài bạc rượu chè. Thầy đứng hẳn bên ngòai cái tập thể nhộn nhịp đó. Có thể dù thầy muốn gia nhập cũng không ai cho, bởi dưới con mắt của những người này thầy quả là con “người cổ đại” Thầy chỉ biết ngâm nga thi phú một mình. Ở trường này thầy chẳng làm bạn với ai. Gặp ai thầy cũng cung kính vái chào. Thầy sợ, sợ bạn đồng nghiệp, sợ ông hiệu trưởng, và sợ nhất có lẽ là....học trò !

Thầy sợ lũ học trò cũng phải vì chúng xem giờ Hán học là giờ chơi. Vào giờ này lớp học hóa thành cái chợ. Thầy hiệu trưởng người Pháp đi ngang qua, mặt mày đỏ gay, lầm bầm tiếng tây trong miệng. Thế nào xong giờ, thầy cũng bị plăngtông mời lên phòng hiệu trưởng để hứng chịu cơn thịnh nộ. Lũ trẻ con chúnhg tôi vô tư chẳng quan tâm đến nỗi khổ nhục của thầy.

Sau này rất nhiều năm tôi mới biết thầy giỏi, rất giỏi, là người uyên bác, trí tuệ, thầy có cả một kho kiến thức. Những vấn đề mà nửa thế kĩ sau trên sách báo người ta đem ra khoe khoan, bàn cãi, tán dương, xem như phát hiện mới mẻ ghê gớm lắm thì thầy đã nói cho chúng tối biết từ xưa rồi. Chữ thầy đẹp lắm, không phải thứ chữ nho viết bằng phấn trắng lên bảng đen, hay bút lá tre trên giấy trắng, mà phải là thứ chữ Nho đích thực, viết bằng bút lông, mực tàu trên giấy bảng. Thực đúng là rồng bay phụng múa. Lúc đó bọn chúng tôi chưa có khái niệm gì về nghệ thuật viết chữ của người Trung quốc,nhưng khi đứng xem thầy viết mới thấy đó quả là một lọai nghệ thuật tuyệt vời. Thầy nín thở, run rẩy viết trong giây phút nhập thần, đúng là phong thái của người nghệ sĩ tài hoa. Tội nghiệp, thầy không biết chơi với ai, giờ rảnh thầy dịch thơ Đuờng, ngâm thơ Đường cho bọn trẻ con hoang như quỉ nghe. Giọng thầy, cái giọng Thanh Nghệ, mà chúng tôi kêu là trọ trẹ hóa ra dùng vào việc bình thơ, ngâm thơ hay lắm.

Chúng tôi biết thầy rất nghèo, bao năm qua chỉ mặc cái áo the thâm dán gặm, mang đôi guốc gỗ quai da bò, đế đóng miếng cao su cho đỡ mòn. Bữa ăn nào cũng chỉ ruốc kho khô, nước chè xanh. Mỗi tuần lễ một lớp chỉ có một giờ Hán Học, như vậy tuần lễ thầy dạy có tám tiếng. Thầy dạy học theo kiểu công nhật, làm ngày nào ăn ngày ấy, bảo sao không nghèo ?

Thế rồi đang giữa năm không thấy thầy đi dạy nữa. Thời khóa biểu mất hẳn môn Hán văn. Nhà trường không nói vì sao bỏ môn học này. Tại thầy không dạy hay người ta không cho thầy dạy. Tôi nghĩ chắc ấy là chủ trương cải cách giáo dục của Pháp, muốn bỏ hẳn văn hóa đông phương. Tôi tưởng thầy nghỉ dạy chắc khỏe. Để thầy lạc lõng giữa cái thế gian tây học hỗn độn này nghĩ cũng tội cho thầy. Chỉ tiếc chúng tôi không được dịp từ giả thầy.

Tôi cũng thường nghe : Tấn vi quan, thối vi sư, được thì làm quan, không thì làm thầy, thầy thuốc, thầy địa...Kẻ sĩ chẳng ngại gì. Nhưng việc đời đâu có đơn giản như ý nghĩ của đứa học trò mười mấy tuổi.

oOo

Năm đó gần tết tôi theo me ra chợ mua gạo nếp mới, gà trống thiến “tết” quan đốc học. Chợ tết đông vui lắm. Trong chợ có lão thầy bói mù ngồi xem cho mấy chị nhà quê. Mẹ tôi lo mua bán, còn tôi lân la đến xem ông thầy bói. Thầy đội khăn đóng, mặc áo the thâm, đi guốc mộc, ngồi bên cái trắp. Tôi liên tưởng đến ông thầy dạy Hán Văn. Tôi đến gần hơn, chen vào ngồi, nghe thầy nói. Không phải chỉ có vóc dáng mà cả giọng nói của ông lão thầy bói cũng rất giống thầy, tôi nghĩ, à cùng là người Thanh Nghệ cả mà. Chỉ có điều thầy tôi không mang kính đen và không mù.

Khi tôi chen vào đám đông mà ngồi ngay trước mặt, ông thầy mù tỏ ra lúnh túng. Một lúc sau ông đứng lên bỏ đi. Ông chống gậy sờ sọan chung quanh người qua kẻ lại rất đông và đi được một đọan. Mấy người đàn bà la lên :“Lấy tiền quẻ của người ta rồi sao không bói lại bỏ đi ?” Ông thầy nói một câu gì đó, chợ ồn ào quá, không nghe được và ông tiếp tục đi, đi nhanh hơn lúc trước. Mấy người đàn bà nhao nhao lên. Có người chạy tới níu kéo. Lão thầy bói mù hỏang quá vùng chạy. Chợ nhốn nháo cả lên. Có ai đó thét rất to : “ Đồ bịp bợm! Giả mù ra chợ làm thầy bói. Mù gì mà chạy như ngựa lồng thế ?”

Trong chợ có mấy thằng pu-lít (Cảnh sát người Pháp) to lớn hung tợn, mặt mày đỏ gay chạy tới. Chúng tóm được lão thầy bói, lôi xềnh xệt, làm rơi cái khăn đóng sổ cái mái tóc bối hình củ tỏi trên đầu, rớt cái gương đen kiểu thầy bói, văng đôi guốc mộc.

Trời ơi thầy giáo dạy môn Hán văn của chúng tôi ra nông nổi này sao ? Bao nhiêu người nơi đây không ai hiểu được lí do tại sao lão thầy bói lại đứng lên bỏ đi, rồi chạy trốn. Song tôi thì tôi biết nguyên do, có lẽ cũng chỉ một mình tôi hiểu. Tất cả là tại tôi. Khi thầy nhận ra có tôi ngồi ngay trước mặt, trong lớp tôi cũng ngồi bàn đầu. Đối với thầy, tôi chỉ là một tâm hồn trẻ con trong trắng và non nớt. Thầy không muốn tôi chứng kiến ông thầy của mình, thần tượng của tuổi trẻ lại héo hon khổ nhục như thế này. Hay thầy không muốn cho đứa học trò của mình phải thấy bộ mặt thật tàn nhẫn của thời kì Nho học tàn tạ này.

Quý Thể

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014