SỐ 64 - THÁNG 10 NĂM 2014

 

Đường Chiêm bái

(tiếp theo)

Người đi để lại bóng mình
Nghìn năm mưa nắng tạc hình dáng theo

Thi Vu

Bồ Đề Đạo tràng ở thôn Bodhgaya

Con người sinh ra để thành đạo. Bằng cách này hay cách khác. Nhưng cách nào thì cũng phải lên đường. Đường nối dài giữa hai chấm. Trên hai chấm đó đường dẫn về vô tận, mà người đi thường lạc lối, lang thang không biết nơi chốn thành tựu con đường. Đạo chỉ thành khi hai chấm viễn ly đụng nhập vào nhau. Phải chăng trên sông nước mênh mông quay đầu thấy bến diễn tả sự đụng nhập ấy ? Hai chấm đụng nhập, thời gian biến, không gian rụng, trầm luân chấm dứt. Con đường độc đạo tựu thành chân lý Đạo.

Thị trấn Gaya chen chúc người lam lũ, lầy lội dưới cơn mưa và bùn vũng, tôi bước vào trục lộ mười hai cây số cuối đưa về thôn Bodhgaya. Buổi chiều yên ả. Cảm nhận một thời-không êm đềm, khác lạ, như mũi tên vừa trúng đích. Nắng hanh quanh vành trời. Chiếc xe thổ mộ chạy êm trên đường đất thịt. Trẻ nít và những người phụ nữ mặc áo sari thắm sắc như từ lòng đất mọc ra. Hàng quán nhỏ hẹp bên đường dựng chòi chiêu khách, dãy chai nước ngọt, mấy thẩu kẹo, các loại bao thuốc hút với vĩ trầu têm, hàng hoá sơ sài khiến người chủ tiệm càng thêm to choáng.

Như kẻ trở về nơi cố quận. Duy thiếu vắng những khuôn mặt thân quen.

Chưa trở kịp bàn tay trời đã tối om. Đêm Á châu xuống gấp. Tiếng kinh tụng Pali vang lên một góc trời. Không gian thanh tịnh. Lòng vợi xuống, chân bước theo tai tìm nơi xuất phát. Không thể trực thẳng tới nguồn âm, tôi quanh co lối đất loang trong màu mực xạ mịt mùng.  Lần mò qua tiếng kinh tụng tràn lan khắp chốn. Bỗng tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple) dựng sững xòa ra trước mắt. Tôi lẹ làng bước lên tiền sảnh ở tầng một. Trong ánh nến lung linh mờ ảo các thầy Nam tông đang tụng kinh chiều trước bức tượng Phật đứng. Tôi chắp tay đảnh lễ, phục thân ba lần.
Lạy là ngưỡng phục, thần phục ? Hay gọi kêu lòng đất chứng giám tấm lòng thành ? Dù sao chăng nữa, lạy là cái gạch nối giữa thân và đại thể, giữa mình và người, giữa người với Phật, giữa chưa vẹn với vẹn toàn. Từ hành động phủ phục, khiêm hiến kia, con người bỗng lớn lao như vừa thoát khỏi vòng dây tự ngã kiêu mạn trói buộc. Đạp đất đứng lên, lấy bầu trời làm cửa nhà, lấy mông lung làm nơi đo đạc, biến hư vô thành linh địa. Trong cuộc chiến thắng Ma vương ngày trước, đức Phật từng dùng xúc địa ấn gọi đất làm chứng.

Đất. Quý biết bao. Có những người bỏ bạc triệu mua món đồ cổ, xưa vài trăm năm hay vài mươi thế kỷ. Nhưng đất ? Đất hiện hữu ít cũng đã bốn tỉ năm. Ít ai bỏ hết gia sản để mua một nắm đất xưa nhất trong tất cả các món đồ xưa. Dù lắm người mua đất để cất nhà. Nhưng đấy là chuyện khác. Nắm đất cầm trong tay ta có trí nhớ vô song như tạng thức. Từ nắm đất ấy mùa màng có nơi chốn đi về, vũ trụ cư trú sinh sôi. Từ nắm đất ấy loài vi sinh hiện ra muôn hình vạn trạng, với bao nhiêu lá, hoa, mầm hạt. Từ nắm đất ấy, bao nhiêu đời người thân thuộc, dòng họ, giống nòi, chúng sinh hòa quyện, cất giữ linh diệu tình yêu và sáng tạo. Khi gọi đất làm chứng, dối trá liền tiêu ma, lòng thành hiện ra trong sự thật Như Là. Như đóa sen đứng dậy giữa bùn tanh.

 Nửa khuya yên ả trở về gác trọ khuất sau tấm màn âm thanh rỉ rả côn trùng chen tiếng ểnh ương. Thân nhẹ và long lanh như sương. Tôi nếm giọt mật đầu tiên nơi đất Phật. Trần thế có chi phù du đâu, kể cả giấc chiêm bao đến đi bất chợt. Tất cả đều duyên hữu luân sinh. Tất cả đều viên thành hòa luyến. Tự tại vô ngại là như thế chăng.

Sáng sớm hôm sau tôi trở lại tháp Đại Giác. Một dương bản mà mình đã gặp trên âm bản đêm trước. Nghe nói mỗi năm vào tháng 12 dương lịch, đức Dalai Lama về đây linh dưỡng, Tăng Ni Tây tạng lũ lượt kéo đến tu học, thiền định cho tới tháng 2 năm sau. Phật tử khắp thế giới cũng tấp nập đua về chiêm bái.

Tôi đến vào cuối tháng 6. Nắng nôi ôi ả, du khách lưa thưa. Lòng có niềm vui riêng của kẻ một mình đối diện với kỳ tích, chẳng bị ngoại cảnh quấy phiền.

 Tháp Đại Giác rộng trên chu vi 44,64 thước vuông, cao 51,816 thước, xây theo hình chóp. Bốn bên dựng bốn tháp con thành một quần thể biểu tượng núi Tu di. Hai bên tả hữu và mặt hậu bao quanh dãy lan can đá hồng chu vi khoảng năm trăm bước, trang trí những hoa văn chạm tròn các hình ảnh phụ nữ, tràng hoa, thú vật, do hoàng đế A Dục (Asoka) xây ở thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Tương truyền tháp Đại giác dựng lên vào thế kỷ II trước Tây lịch theo mô hình tháp của hoàng đế A Dục xây một thế kỷ trước đó. Tháp tráng lệ như ngày nay nhờ nhiều vương quyền và Phật tử thập phương trùng tu trên đồ hình cũ vào thế kỷ VII, XI rồi XIX.

Dù cực lực chống đối Tây phương qua mọi hình thức tràn lấn và xâm lược Á châu từ thế kỷ XVII, nhưng tôi có niềm thâm ân với giới trí thức, học giả, khảo cổ Tây phương trong việc phát hiện và bảo tồn các công trình kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa cũng như cổ học Á châu. Trong hai chuyến đi Ấn Độ năm 1998 và 1999, tôi chứng kiến công ơn của giới học giả, trí thức Anh quốc trong việc bảo vệ những chứng tích nghệ thuật này. Không có họ, các Phật tích tại Ấn Độ đã tiêu hoại vì sự tàn phá của thời gian, của Hồi giáo bạo hành suốt các thế kỷ IX đến XII, và sự lấn chiếm phiếm thần hóa của Ấn giáo. Tương tự như ở nước ta, công trình của Trường Viễn Đông Bác cổ, của các học giả phương Tây và vài cá nhân đơn độc như Hoàng Xuân Hãn, Lê Mạnh Thát... đã khám phá và bảo lưu nền học thuật, tư tưởng đặc thù của nước ta trước nạn hủy diệt không nương tay của những chế độ chính trị ngoại lai, vong bản, mà hành động tất yếu của chúng đưa tới nạn diệt chủng văn hóa dân tộc.

Đến đầu thế kỷ XIX, tháp Đại Giác hoang tàn đổ nát. Dấu tích xưa nhất là Kim Cang tòa (Vajrasana) do vua A Dục cho chạm đẽo từ thế kỷ III trước Tây lịch cũng lún khuất dưới đất sâu sau bao nhiêu thế kỷ lũ lụt và ngoại đạo tàn phá. Chẳng còn ai biết đây là thánh địa Phật giáo một thời lừng lẫy. Sau nhờ Hầu tước (Sir) Alexander Cunningham làm đơn xin trùng tu tháp Đại Giác, nhưng phải chờ đến hơn ba mươi năm sau, với nỗ lực vận động mãnh liệt và kiên trì của Hội Mahabodhi, Vương triều và Phật tử Miến Điện mới được quyền bắt tay tôn tạo vào năm 1882 theo mô hình Đại tháp thu bé tìm được trong lòng đất khai quật.

Thủ tướng Nerhu không là Phật tử, nhưng đã đóng vai trò hộ pháp cho sự hồi sinh Phật giáo trên đất Ấn. Thủ tướng là một chính trị gia thiên tài và có viễn kiến thế giới. Ông trực cảm nguy cơ bạo hành do các chủ trương độc tài, phát xít đang tàn phá nhân loại ở thế kỷ XX. Nên ông thấy Phật giáo là chiếc phao cứu độ, là lực lượng của từ bi và hoá giải, có thể đối trị các chủ thuyết bạo động, khủng bố. Vì vậy, từ thời hoàng đế A Dục, sau hai mươi ba thế kỷ, mới có một vị thủ tướng Ấn lấy quyết định vô tiền khoáng hậu cử hành trọng thể kỷ niệm ngày Đản sanh Đức Phật lần thứ 2500 vào năm Tây lịch 1956 tại Bồ Đề Đạo tràng bên tháp Đại Giác. Tất cả thế giới được mời tham dự . Từ đó, tháp Đại Giác trở thành trung tâm điểm chiêm bái của Phật tử khắp năm châu.

Điều nên ghi nhớ, là dưới sự lãnh đạo của Thánh Gandhi, Ấn Độ thu hồi độc lập từ tay đế quốc Anh năm 1947, bằng phương pháp bất bạo động chứ không bằng bạo lực chiến tranh. Đây là chỗ khác nhau giữa hai phương hướng hành động Đông và Tây. Hai phương hướng lấy Á châu làm thí điểm : tại Ấn Độ, giành độc lập bằng phương pháp bất bạo động của đạo lý Đông phương ; và tại Trung quốc, giành độc lập bằng phương pháp bạo hành cộng sản của phương Tây.

Liền sau biến cố lịch sử này, hai sự kiện rất có ý nghĩa : Bánh xe Chuyển Pháp Luân của Đức Phật được chọn làm quốc huy trên quốc kỳ của dân tộc Ấn. Thủ tướng Nerhu thành công đòi Anh quốc trả lại Xá lợi của hai vị Thánh tăng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, hai đại đệ tử của Đức Phật. Năm 1948, khi Thủ tướng Nerhu quỳ nhận hai bảo vật thiêng liêng của Phật giáo đưa từ một bảo tàng viện Anh quốc trở về cố quốc, tám triệu người Ấn cùng quỳ chiêm bái. Hào khí Á châu nói chung và sự hồi sinh của Phật giáo nói riêng khai mào từ đó. Trong không khí hồi sinh, Phật giáo Việt Nam cùng với 25 nước Phật giáo khác họp nhau thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại Chùa Răng Phật ở thủ đô Tích Lan ngày 25.5.1950, với chí nguyện đem Từ Bi và Trí Tuệ tước khí giới hận thù.

Vào những năm 30 trở đi, nhiều ngôi chùa Phật giáo theo kiến trúc đặc thù của mỗi quốc gia bắt đầu dựng lên ở Bodhgaya :  Tây Tạng (1934), Miến Điện (1936), Thái Lan, Nhật Bản (với tượng Đại Phật cao 25 thước), Trung quốc, Tích Lan, Bhoutan... Nước Népal, Đại Hàn và Lào đang xây cất. Riêng Việt Nam khởi công từ gần 20 năm qua, nhưng chỉ xong phần khách xá rồi ngưng.

Bước vào cổng chính tháp Đại Giác, tôi bồi hồi nhìn trụ đá hoa cương do hoàng đế A Dục dựng lên với dòng thổ ngữ Pràkrit (tiếng Phạn - Sanskrit - bình dân) : "Đức Phật đã đại định dưới tàng cây này vào tuần lễ thứ năm sau khi thành đạo. Nơi Ngài khai thị cho một người Bà la môn, rằng địa vị Bà la môn do tu học mà chứng chứ không do huyết thống mà thành".

 Công lao hoàng đế A Dục lớn biết bao trong việc ghi dấu chính xác các Phật tích.

Sau khi thống nhất đất nước bị các thế lực cát cứ phân chia manh mún, thiết lập công bằng xã hội, xây dựng một nhà nước thanh bình, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân, và phát huy thời đại hoàng kim cho văn hóa, nghệ thuật Phật giáo Ấn kéo dài tới mười thế kỷ sau, hoàng đế A Dục khởi hành cuộc chiêm bái qua tất cả các nơi Đức Phật đã sống và truyền đạo. Từ nơi sinh đến nơi ngài tu luyện, từ lúc thành đạo đến các nơi giáo hóa tăng đoàn và quần chúng, từ nơi an cư kiết hạ đến lúc nhập Niết Bàn. Mỗi nơi nhà vua dựng lên những cột đá ghi chép sử tích. Nhờ thế mà ngày nay, sau mười thế kỷ đạo Phật vắng bóng trên đất Ấn, các nhà khảo cổ cũng như Phật tử khắp năm châu tìm lại được dấu vết hành hương y như thời Phật còn tại thế.

Ban đầu là một hoàng đế nổi tiếng ác độc, mang hỗn danh A Dục vương hung ác (Candasoka), dùng chiến tranh thôn tính đất đai, dùng bạo lực chà đạp tự do và nhân phẩm, giết 99 người anh em của mình để cướp giữ ngôi vua, giết 100.000 người và bỏ tù 150.000 dân trong cuộc chiến thắng Kalinga. Nhưng sau bốn năm chấp chính, nhờ  một Tăng sĩ khai thị, ông theo đạo Phật, đem hết cuộc đời còn lại xây dựng một Nhà nước phục vụ người, và trở thành A Dục vương của Chánh Pháp (Dharmasoka), lấy chính sách thuần phục theo Chánh Pháp thay cho chủ trương chinh phục bằng bạo lực.

Dưới triều đại Phật giáo của hoàng đế A Dục, bộ máy nhà nước biểu trưng cho sở hữu trí tuệ, chứ không là sở hữu quyền lực, độc tài chuyên chế.

Vào đến tháp Đại Giác, theo truyền thống, tôi đi vòng theo hướng trái đất quay, lần đến Kim Cang tòa dưới gốc Bồ Đề. Trước kia đọc kinh sách thường nghe nhắc tứ động tâm, tức bốn nơi Phật tích làm chấn động tâm thần kẻ hành hương : nơi Phật giáng sinh ở Lâm Tì Ni (Lumbini) nước Népal, nơi Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo tràng (Bodhimandala) thôn Bodhgaya, nơi Phật thuyết pháp lần đầu  - chuyển pháp luân -  cho nhóm ông Kiều Trần Như ở Vườn Nai (Lộc uyển) tại thành Ba La Nại (Sarnath, Varanasi),và nơi Phật nhập Niết bàn ở Câu Thi Na (Kushinagar).

Quỳ bên Kim Cang tòa, tôi bị chấn động lạ kỳ như có luồng điện xuyên suốt vào mọi động mạch trong cơ thể. Một nghìn mặt trời vừa chắp cánh bay lên trong tôi. Cơn ba động bùng vỡ liên tục, thốn từ ruột đến tim. Nước mắt tôi trào dâng chẳng cách chi ngăn cản, dù vận khí liên hồi đưa hơi thở vào lòng đáy, điều khiển khoan thai nhịp máu. Cả người tôi đảnh lễ đức Thế Tôn. Dập đầu vào Kim Cang tòa, tôi quán nguyện xin Đức Phật hộ trì cho nhân dân Việt sớm được tự do, thanh bình, no ấm ; chư Tăng, Ni, Phật tử sớm thoát vòng lao lý, tù ngục và Giáo hội phục hồi quyền sinh hoạt cứu khổ. Rồi đọc lớn : Natthi me saranam annam buddho me saranam varam etena saccavajjena hotu me jayamangalam - Buddham saranam gacchami - Dhamman saranam gacchami - Sangham saranam gacchami.

 Qua ánh mắt mờ lệ, đối diện phía bên kia Kim Cang tòa, tôi thấy một vị bạch y Cư sĩ cũng dập đầu đọc lớn theo tôi.
Được cha mẹ đưa lên chùa quy giới từ lúc sơ sinh ;  đời tôi chưa từng chứng kiến lễ quy y nào đơn giản, hùng tráng mà độc giác như hôm đó. Xong lễ tôi đứng lên quán đảnh cội Bồ Đề, cụng trán vào cây phát một lời đại nguyện. Về khách xá thấy vết đỏ hiện lên giữa trán, một tuần lễ sau mới lặn. Thoạt đầu nghĩ là vết son mà người Ấn phết lên khi thờ cúng dính sang. Nhưng bao lần tẩy trần, tắm rửa vẫn không phai. Thời gian sau không lâu, đại nguyện ấy linh ứng đến tám mươi phần trăm.

Kim Cang toà là một phiến sa thạch dài 2,28 thước trên 1,5 thước bề rộng và cao 9 tấc. Trên mặt và bốn bên khắc chạm hoa văn. Do hoàng đế A Dục dâng cúng, đánh dấu nơi đức Phật ngồi đại định suốt 49 ngày cho đến khi Thành Đạo.

Hai mươi ba thế kỷ trôi qua, Chỗ Ngồi của đấng Giác Ngộ vẫn lưu li tồn tại.

Hôm lấy máy bay từ New Delhi đi Patna, tôi đọc dòng chữ ghi trước mặt ghế ngồi : 8, có nghĩa là “Chiếc áo cứu độ đặt dưới hạ toạ của ngài”. Tôi giật mình suy nghĩ đến điều mình quên ngờ tới : chỗ ngồi của mình chính là nơi giải thoát mình, cứu độ mình ra khỏi sự chết. Miễn phải biết ngồi, biết toạ như bàn thạch. Ngồi như núi trên ngòi hoả diệm. Ngồi vững vàng trên mọi khuynh đảo, ồn động của số đông. Ngồi và thở đậm đà vào buồng phổi tất cả gió trời và thiên thanh vũ trụ. Thở cho đến lúc mỗi hơi là một kiếp người hồn nhiên trăm tuổi, mỗi hơi là một kiếp người hiên ngang không sợ hãi. Biết ngồi như thế mới tìm ra chiếc áo cứu độ.

Người đời thích mặc áo giáp. Nhưng chiếc áo giáp vững chắc bao nhiêu vẫn không che chở được bệnh ung thư đang tàn phá thân thể hay sự vong tính đang ruỗng mòn, tha hoá thần trí con người, đang huỷ diệt những nền văn minh bị bứng gốc như nước Việt ta ngày nay.

Có ai thiếu một chỗ ngồi trên trái đất này đâu ?  Nhưng làm sao cho chỗ ngồi ấy là Kim Cang toà.

Cội Bồ Đề cạnh Kim Cang toà rộng gần ba vòng ôm. Trên đấy tấm y vàng rực quấn quanh. Một thánh địa không xây bằng đá, gạch, mà bằng sức sống của nghìn vạn chiếc lá tràng phan ngọc bích phất phơ thơ mộng giữa hư và thực. Nơi đây, dưới gốc cây này, tu sĩ Tất Đạt Đa đã trải nắm cỏ cát tường ngồi đại định bốn mươi chín ngày cho đến khi Thành Đạo. Cũng cây Bồ Đề ấy, vì lòng sân hận, ghét bỏ, A Dục vương hung ác (Candasoka) đã đốn chặt, chẻ ra muôn lóng đốt thành tro. Nhưng lạ chưa, từ gốc tro tàn cây đâm chồi mọc lớn làm lay động tín tâm hoàng đế, khiến ông quy y theo Phật, và trở thành A Dục vương của Chánh pháp (Dharmasoka). Cây còn bị vài tà tâm chặt đi chặt lại đến mấy lần nữa. Nhưng nơi Đất Phật ấy cây vẫn không ngừng lớn dậy như sức mạnh, như sự chiến thắng của từ tâm và trí nhớ. Hoàng đế A Dục đã nhờ các đoàn truyền giáo ban đầu chiết giống đem sang trồng ở Tích Lan. Cây Bồ Đề hiện nay ở Bodhgaya là giống chiết từ cây ở Tích Lan mang về trở lại như sự luân sinh mầu nhiệm.

Người bạch y Cư sĩ tiến lại chào tôi, hàn huyên về Phật tích. Chốc chốc ông lượm mấy chiếc lá, mấy hạt bồ đề, hay cành khô vừa rụng tặng tôi. Ông bảo vào mùa hành hương khó kiếm được các thức này và khuyên tôi giữ lấy làm linh bảo. Ông có dáng dấp như Chư Thiên theo bảo vệ tôi suốt cuộc hành trình Ấn Độ qua nhiều hoá thân dung dị. Tôi tin chắc như vậy. Ấn Độ bao lấy tôi một khí hậu huyền bí, linh thiêng. Tôi như gặp lại rất nhiều điều chưa gặp tuy đã hiện hữu từ bao trong tôi.

Chia tay ông, tôi tiếp tục kinh hành quanh tháp Đại giác theo hướng trái đất quay và tụng đọc Tâm Kinh.

Chợt nhớ con rồng già trong động đá cách Bồ đề Đạo tràng một do tuần [1]do ngài Huyền Trang kể trong Đại Đường Tây vực ký về chuyến đi chiêm bái Ấn độ vào thế kỷ thứ VII. Đó là tiền trạm nhập định của Đức Phật, trước khi dứt khoát đi về cội Bồ Đề. Vì cảm thấu ngày thành đạo sắp đến, nên rồng xin đức Phật tương lai hãy tiếp tục ở lại động đá cho rồng được chứng kiến phút hiển linh có một không hai nơi tam thiên đại thiên thế giới.

Quyết chí rời động đến cội Bồ Đề. Nhưng để vui lòng rồng, đức Phật đã để lại bóng mình trên vách cho rồng bớt đơn côi.

Ngày nay bóng ấy vẫn còn lưu.

(còn tiếp)
THI VU



[1] Do tuần (Joyana) bằng 16 dặm hay lý của Tàu, tính theo thước tây là 9216 thước.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014