SỐ 64 - THÁNG 10 NĂM 2014

 

LÀM  MAI

"...Tình yêu có từ nơi đâu, êm êm một dãy ngân hà. Sao trời lọt qua mắt lưới, rơi đầy xuống dòng sông sâu..."

Vừa bước qua cửa đã nghe loáng thoáng câu hát nho nhỏ của Ngân, tôi thấy hôm nay con nhỏ có vẻ là lạ khác thường bèn lên tiếng :

– Mới sáng sớm làm gì yêu đời lắm thế hát hò ỏm tỏi lên vậy cô nương ?

Đang khom lưng lục chồng hồ sơ trong tủ Ngân quay ra trả lời :

– Làm người ta hết hồn, đến hôm nay mới chịu về. Chiều thứ bảy hôm kia họp phòng, chú Đoàn kêu ông Tải gọi điện đến công ty Đại Dương kêu bà cùng với nhỏ Đào về họp, ở đó họ trả lời hai người về từ trưa rồi.
– Thôi chết ! Nguyên buổi sáng hai đứa ráng hoàn tất cho xong bảng kê khai để “ lặn “ luôn chiều thứ bảy, ai dè tổ trác bọn này rồi, chắc lát nữa bị kêu vô kiểm điểm quá !

Tôi chép miệng than, lòng hồi hộp, con nhỏ thấy vậy trấn an :

– Hổng sao đâu.
– Làm sao Ngân biết là không có sao ?
– Chắc mà, chiều hôm kia thấy ổng bình thường không có vẻ giận dữ khi tan họp, cũng không nghe nhắc nhở gì đến hai người.

Chắp tay xá lia lịa tôi nói :

– Cầu trời cho ổng ngủ dậy sáng nay vô đây quên hết chuyện này.

Nhỏ Ngân le te đến bàn tôi ngồi khều tay nói nhỏ :

– Có chuyện này hay lắm, xuống quán dì Hai tui kể bà nghe.
– Chuyện gì mà trông Ngân có vẻ quan trọng và bí mật vậy, chờ tôi bày xong cái hàng xén này rồi mình đi.

oOo

Giống như mọi ngày, tôi có thói quen vào nơi làm việc chừng dăm phút là kẻng đánh báo giờ làm, không phải là tôi siêng năng mà hầu như mọi người đều như thế vì ngay cổng ra vào có đặt bàn bảo vệ để kiểm tra và ghi sổ khách ra vào công ty. Việc chính là thế nhưng bà Tám nhân viên bảo vệ ban ngày này lại ngầm kiêm thêm việc ghi tên những nhân viên hay công nhân đi trễ, bà ta chép thành một danh sách báo cáo ngày tháng những ai đã đi làm trễ để mỗi sáu tháng đưa ra khi bình bầu công nhân viên “ tiên tiến “ theo lệnh của ban giám đốc. Ban đầu danh vị này chỉ là hữu danh vô thực nên ít ai quan tâm nhưng về sau lại được kèm theo để người ta phân loại khi chia tiền thưởng cuối năm nên nó trở thành quan trọng. Số tiền được lãnh nhiều hay ít được căn cứ một phần vào việc này.

Sáng nào cũng vậy, vào đến nơi tôi đều lôi các chồng hồ sơ trong tủ bày lên bàn ngay chỗ mình ngồi, xong xuôi chờ nhau rủ rê những ai thân thiết ra ngoài ăn sáng hoặc đi lòng vòng trong cái chợ nhỏ nhóm trên bãi tha ma bị giải tỏa nằm cuối con đường cả tiếng đồng hồ mới chịu trở vô làm việc. Chồng hồ sơ đặt trên bàn là để ngầm báo cho tất cả biết rằng : “ tôi đã có mặt đúng giờ ở đây rồi nhé ! “. Đầu giờ làm việc, muốn tìm ai đó người ta hay ra các quán cà phê và hàng ăn nằm rải rác gần đó. Ở đây tụ tập hầu như gần đủ mặt các nhân viên trong văn phòng chung quanh khu vực, người có tiền ăn các món sang như phở, hủ tiếu mì, uống cà phê sữa. Ít tiền thì khúc bánh mì với lát chả hay thịt mỡ mỏng như tờ giấy hoặc không ăn thì uống ly cà phê đen chút xíu bằng nắm tay.

Mua xong gói xôi cho phần mình tôi đến ngồi cạnh Ngân trong khi con nhỏ đang xì xụp tô hủ tiếu mì đang bốc khói. Vừa ăn nhỏ này vừa hỏi :

– Bà uống gì không tôi kêu cho.

Lắc đầu tôi khoác tay :

– Không cần đâu, chút vô làm mình uống nước trà trong phòng được rồi.

Thấy tôi ngồi trầm ngâm, ít nói theo thói quen cố hủ con nhỏ cong môi thì thầm :

– Mấy ngày bà đi công tác bên Đại Dương có người mới vô làm bên Trạm sửa chữa, thu mua.

Lơ đãng tôi trả lời lấy có :

– Ừ, chắc họ vừa chuyển công tác về hả ?
– Không phải, anh này mới được nhận vô làm việc, là tuyển vô hẳn hoi kìa.
– Cũng là chuyện bình thường thôi đâu có gì lạ đâu.
– Có tui mới nói chứ bà, anh này không giống như những người khác ở đây trước kia.

Tôi bật cười :

– Ngân nói anh ta không giống người, vậy chứ không lẽ giống …..ma, thôi tôi không dám nói nữa đâu.

Nhỏ đập vai tôi :

– Bà này tưởng tượng bậy bạ quá. Ảnh không giống những người khác vì ảnh đi “ học tập cải tạo “ mới về. Ảnh là sĩ quan mới được thả về đó.

Tôi nghiêng đầu tròn mắt chăm chú nhìn mặt Ngân :

– Nói thật hay nói chơi vậy ?

Ngân lấy tay che miệng nói nhỏ :

– Thiệt mà, anh Ánh nói riêng với tui đó, gia đình ảnh nhờ anh Ánh lo lót với ông Thành cán bộ phòng tổ chức xin cho anh ta vô làm công nhân bên trạm. Chính anh Ánh còn chở nguyên cái Ti vi 19 inch cửa lùa đến tặng nữa đó.

Tôi hạ giọng :

– Sao chuyện bí mật này anh Ánh nói tùm lum vậy, không sợ anh … gì đó mới vô làm bị ảnh hưởng à, tội nghiệp người ta lắm.
– Chuyện này chỉ có mình tui biết thôi.
– Vậy Ngân nói với tôi là thêm một người biết nữa rồi !

Ngân ngúng nguẩy :

– Bà này làm như tui nhiều chuyện lắm vậy. Chỉ có mình tui chú ý tới ảnh nên tìm hiểu thôi. Bà biết hôn ảnh rất đẹp trai và trông trí thức lắm mặc dù cố tình làm ra vẻ lam lũ với bộ quần áo bảo hộ lao động.

Tôi cười lớn :
– Ha ha bây giờ mới thấu rõ tim đen của cô nương rồi nha, tự mình khai ra chứ không ai tra khảo hết.

Cũng như bất cứ những ai sau hơn ba năm sống chung trong chế độ cộng sản, ngoại trừ những người nhà gần chỗ làm buổi trưa có thể về nhà ăn cơm, đa số đóng tiền ăn trong bếp ăn tập thể hầu hết đều là cán bộ. Còn lại những người như tôi với một lon guigoz trong đựng một ít cơm hay mì sợi cũng đủ qua ngày và chỉ cần mười lăm phút là xong bữa cơm trưa cho dù có nguội lạnh. Liên tiếp mấy buổi trưa Ngân cứ rủ tôi qua quán dì Hai nằm trong khu đất trống của một hãng dược phẩm ngưng hoạt động đối diện công ty, chủ quán nước là vợ người bảo vệ của hãng này. Hai vợ chồng che thêm tấm tăng dưới mái hiên mở quán bán cà phê, thuốc lá cho cánh đàn ông và nước ngọt, bánh kẹo cùng các thứ cốc, ổi, trái cây ướp đá cho đám đàn bà con gái. Khách hàng thường xuyên là đám thanh niên dì Hai cho mua thiếu và những đứa chưa có gia đình ăn cơm nhà nuôi, tiền lương chỉ để ăn quà vặt, Ngân cũng trong số này. Bất đắc dĩ tôi phải đi theo ngồi chơi cho đến hết giờ nghỉ trưa.

 Ngồi trước quán, dưới bóng râm mát của tàng cây trứng cá suy nghĩ vẩn vơ, im lặng nhìn bóng nắng lay động chiếu xuống từng chùm trên mặt đất, tôi khẽ giơ tay hứng bắt từng tia nắng xiên qua kẽ lá rơi xuống khi có ngọn gió thổi qua, ngoài kia là khoảng không đầy nắng. Bỗng từ đầu con hẻm một thanh niên đạp xe đi vào, anh ta mặc một bộ đồ công nhân bằng vải ka ki màu vàng đất nhạt màu nhưng tươm tất, khuôn mặt hơi trắng trẻo hơn so với cánh đàn ông khắc khổ vì lam lũ lại mang thêm chiếc kính cận nhờ vậy trông anh ta không những đã đẹp trai mà còn thêm vẻ trí thức nữa. Chưa đến giờ làm việc sau khi dựng chiếc xe đạp trong nhà để xe, anh này đứng lóng ngóng trước sân bên cạnh đống sắt thép phế liệu ngổn ngang trước trạm. Nhỏ Ngân bấu tay tôi thì thào :

– Đó, là anh sĩ quan mà tui nói với bà đó.
– Vậy anh ta đã đi làm được hơn cả tuần lễ nay rồi bây giờ mình mới trông thấy.
– Để kêu anh ấy lại đây ngồi chơi,
– Ngân quen chứ tôi đâu có quen mà kêu người ta vô ?
– Thì cùng làm chung trước sau gì cũng biết mà. Gặp nhau vài lần ở nhà để xe tui gật đầu cười, anh ấy cũng chào lại nhưng chưa nói chuyện thôi.

Ngân dạn dĩ hăm hở gọi :

– Anh Hà, anh Hà ! Lại đây ngồi cho mát anh ơi, chưa đến giờ làm đâu.

Không gian yên ả nảy giờ bị xao động bởi vẻ hoạt bát của nhỏ Ngân :

– Giới thiệu với anh đây là chị Thiện Oanh, cũng cùng làm trong phòng kế toán với Ngân.
– Chào anh, mấy hôm nay tôi bị điều đi công tác bên ngoài nên chưa biết anh.

Hình như anh hơi ngỡ ngàng với sự thân thiện của hai chúng tôi nên dè dặt :

– Chào hai chị

Kéo ghế mời anh này ngồi xuống bên chiếc bàn xếp kế cạnh, tâm trạng chắc là hồi hộp nên nhỏ Ngân bỗng dưng lúng túng chưa biết nói gì thêm, còn tôi vẫn với vẻ im lặng cố hữu, tay chấm những giọt nước đá đọng chung quanh thành ly vẽ thành những nét ngoằn ngoèo vô nghĩa trên bàn. Anh Hà ngoài tiếng chào cũng chỉ biết ngồi nhìn bâng quơ ra ngoài sân nắng. Bỗng kẻng báo hiệu hết giờ nghỉ trưa vang lên, chúng tôi chia tay nhau ai về vị trí nấy. Vào phòng làm việc vẫn chưa ai đến, Ngân kéo ghế ngồi cạnh tôi tâm sự :

– Bà biết hôn bữa kia tui xuống mua miếng thơm ăn và ngồi xem dì Hai gọt vỏ trái đu đủ chín, dì nói dì nghe đám con trai trong này ngồi uống cà phê bàn nhau xem đứa nào cua được tui đó bà. Họ nói trong số mấy đứa con gái chưa chồng giữa con Chi, con Hồng tui là số một vì đẹp hơn hai đứa kia. Thằng Xuân Lâm tự tin đánh cá với thằng Phương Trinh là nó sẽ cua được tui.
– Trong hai đứa Ngân thích đứa nào, Xuân Lâm nổi tiếng đàn giỏi hát hay trong ban văn nghệ nên con Hồng “ mết “ thằng này ra mặt.
– Tui không thích thằng Lâm đâu bà, tui nghe nó nói với người khác chỉ cua mấy đứa con gái có tiền, tui cảm thấy nó thích tui vì thấy tui giàu thôi. Ra quán dì Hai ăn chuyên môn nó để con Hồng trả tiền không hà.
– Vậy Ngân thích thằng Phương Trinh hả ?
– Thằng Trinh chiều chuộng tui lắm nên tui thấy cũng thích thích, nhưng ngặt nổi hắn không đẹp trai vì hàm răng hô giống hệt ba hắn. Mấy ông trong phòng tổ chức chiếu cố hắn vì có ba là cán bộ tập kết cấp cao. Quen anh ta thì dựa vào thân thế cho dù đi trễ hay chỉ đi lòng vòng chờ lãnh lương cũng không ai dám kẻ vạch vì bản thân Phương Trinh chỉ chờ dịp được đề bạt cái ghế phó phòng trong tương lai. Nhưng bây giờ trái tim tui đổi ý thích rồi.

"Ngân mà ưng thằng Phương Trinh thì giống bông hoa lài đem cắm bãi phân trâu." Cũng may tôi dừng lại kịp thời không nói ra điều tôi đang nghĩ.

  Ban đầu khi Ngân mới được điều vào làm chung phòng tôi không thích làm thân với con nhỏ, khi nghe chính miệng Ngân kể về đời sống gia đình mình thuộc hàng khá giả sống tại thị xã ven biển miền Tây. Ngân lên Saigon theo người anh bà con đi tập kết về và được vô hộ khẩu sống với gia đình ông này gần ba năm, vì không thích bà vợ ông là dân gốc Bắc 75 keo kiệt tính toán nên Ngân mới mướn nhà chuyển ra ở riêng một mình mấy tháng nay. Chỉ kém hơn tôi ba tuổi nhưng tôi cảm thấy mình đạo mạo già hơn nhỏ này cả chục tuổi ! Tính Ngân liếng thoắng hay cười, lời nói chơn chất, thẳng thắn đặc trưng của người miền Tây nên dễ hòa đồng với người chung quanh khác hẵn với tôi. Có lẽ vì nạn tai của đất nước khiến tôi sống khép kín, dè dặt từng lời ăn tiếng nói, nhất là với những người có gốc gác là “ gia đình cách mạng “. Có thể ác cảm sẽ kéo dài nếu không phải có một lần Ngân nói với tôi :

– Hồi mới chuyển công tác về làm chung phòng tui không ưa bà mấy, lúc nào cũng thấy vẻ mặt bà lạnh tanh, buồn buồn như đang đưa đám. Sau này nhiều lần thấy bà đạp xe qua bên căng tin chở cả giỏ nhu yếu phẩm lãnh giùm cho toàn phòng, vậy mà bà không chọn lựa trước. Người ta xúm vô chọn thứ tốt, cái ngon, chừa lại phần đầu thừa đuôi thẹo mà bà cũng không nói một tiếng. Bữa kia nhu yếu phẩm chia mỗi người được một chai bia, tui thấy con Chi nó lấy phần của nó đi ra cửa lát sau trở lại đổi chai còn lại của bà, bà cũng cho nó đổi ! Bộ bà không biết chai nó lấy không có nhãn khó bán hơn sao mà vẫn cho nó đổi lấy phần của mình.Tui thấy tội nghiệp cho bà quá. Nhìn mặt con Chi tui thấy ghét. Con gái con đứa gì khi cười thì mắt nhắm hít, khuôn mặt thun lại xếp nếp. Người ta khi cười thấy mặt sáng sủa rạng rỡ, còn nó thì thấy mặt nhăn như đang đi cầu bị táo bón.

Nhớ ra tôi cười gượng :

– Ngân nói gì quá đáng dữ vậy, tại Ngân ghét nó nên nhìn mặt thấy xấu thôi. Lúc đó không lẽ tôi chạy đi giựt lại, thôi kệ bán có rẻ một hai đồng chỉ là mất mát thứ ít, còn những thứ quý hơn trong đời sống mình bị mất mới là đáng kể.
– Bà hiền quá người ta cười bà “ ngu dại “ đó.

Lời nói khiến tôi nghĩ đến câu "...Khôn em dễ bán dại này khó mua" trong bài mẹ Mốc của cụ Tam nguyên Yên Đỗ trong buổi giao thời đất nước rơi vào tay giặc. Chắc chắn Ngân vẫn chưa hiểu sâu xa lời tôi nói. Tự do là thứ quý nhất mà cả toàn dân miền Nam bị cướp mất, bao nhiêu người đã sống chết đi giành lại nó, sá gì những thứ nhỏ nhoi như Ngân nói. Thấy tôi ngồi im không trả lời, dường như hối hận vì đã quá lời với tôi con nhỏ cười mơn man :

– Nè bà cứ xem như lời tui nói với bà là “ vô giá trị “ đừng giận tui nghe bà.Tại tui nóng ruột giùm bà thôi, bị bà hiền như vậy nên tự nhiên tui đâm ra mến bà.

Tôi mĩm cười cho Ngân yên lòng :

– Tôi không có giận Ngân đâu, tôi đâu có để ý đến những lời nói “ vô giá trị “ như Ngân vừa nói đâu.

Hai chúng tôi đồng cười to lên. Kể từ lúc ấy tôi và Ngân thân nhau dần, tính con nhỏ thẳng thắn nên đám con gái chưa chồng không thích, nhưng vì có ông anh họ là Phó giám đốc Tổng công ty nên không đứa nào dám ra mặt ghét Ngân.

Mấy hôm sau khi qua trạm sửa chữa kiểm kê vật tư cho báo cáo sáu tháng đầu năm, Ngân trở về quýnh quáng nói với tôi :

– Chết rồi bà Oanh ơi ! Mấy con nhỏ trong công ty tụi nó cứ kiếm chuyện qua bên trạm lượn quanh anh Hà quá chừng bà ơi, tui phải làm gì đây ? Không khéo tụi nó “ cua “ mất anh Hà ! Bà nghĩ ra cách gì để giúp tôi đi.
– Anh Hà là dân “ cải tạo “ mà cũng còn có giá quá chừng vậy sao. Bộ mấy cô không sợ bị đuổi đi kinh tế mới theo anh ta à ?
– Bà không nghe câu “ Khi yêu mấy núi cũng trèo “ hay sao.

Nhìn thấy vẻ thiểu não của con nhỏ tôi tội nghiệp nhưng chưa nghĩ ra cách gì để giúp nó. Ngay chiều hôm sau lấy cớ đi thống kê đánh giá lại số vật tư máy móc tồn kho tôi kéo Ngân theo tôi qua bên trạm sửa chữa. Chậm rãi từ từ tôi đọc các nhãn mác dán trên máy để Ngân ghi chép số liệu, xuất xứ. Trưởng trạm hôm nay dẫn toàn bộ công nhân đi lắp đặt cho công trình nhà hát thành phố nên chỉ còn một mình anh Hà và chị Hoa thủ kho là ở lại. Thỉnh thoảng tôi nhờ anh Hà giúp hai chúng tôi lật ngược các moteur tìm nhãn của máy bị nằm phía dưới. Lợi dụng lúc nghỉ tay ngồi uống nước tôi hỏi :

– Anh Hà nè, nghe nói anh đi học tập mới về vậy anh học ở trại nào vậy ?

Ngập ngừng phân vân một chút nên tôi biết nếu anh không trả lời câu hỏi thì bất lịch sự nên đành trả lời nhát gừng :

– Trại nào hả ?..... nhiều trại nên biết nói trại nào đây.

Để tạo niềm tin cho anh tôi cố vớt vát thêm :

– Anh có ở trại nào trên Long Khánh không ?
– Có một thời gian.

Tôi nhẹ giọng :

– Ông xã tôi cũng có ở trại đó, không biết lúc đó anh có quen với người nào tên Kim là Trung úy hải quân hồi trước học bên Mỹ.

Ngẩn người anh nhìn tôi hỏi lại :

– Phải anh Kim có người anh em cột chèo tên Lê không ? Hai người cùng ở chung với nhau.

Mừng quá tôi đáp ngay :

– Đúng đó, anh ấy là chồng của chị tôi.
– Chị là vợ của anh Kim ?
– Dạ phải.
– Anh Kim có cho tôi xem tấm hình chị chụp chung với đứa con gái sinh vào đêm 30/4. Tôi không ngờ chị là vợ của anh ấy. Tôi với anh ấy thân lắm, cùng chia nhau từng miếng cơm cháy và cùng ở chung nhà. Thật tôi không thể ngờ chị là vợ của anh Kim.

Nghe anh nói vậy tôi biết anh đúng là bạn của chồng tôi khi nhắc đến ngày sinh của con gái tôi, nếu không phải quen thân với nhau anh không thể nào biết được.

– Anh Kim giờ ra sao rồi chị ?
– Nhà tôi bây giờ đang ở tận Phước Long, trại đó tên Bù gia Phúc tận bên kia núi Bà Rá.

Nhỏ Ngân giơ ngón tay dứ dứ trước mặt tôi kêu lên :

– Trời ơi! Chồng bà đi cải tạo mà bà nói với tui là đi làm rẫy khi tui hỏi đến. Quen nhau hơn một năm mà tui không biết, công nhận bà này giữ bí mật lâu thiệt.
– Thì ảnh cũng đang lao động, cuốc đất trồng cây mà, tôi đâu có nói láo.

Còn anh Hà thì cứ nhắc đi nhắc lại bằng giọng  cảm động :

– Thật không ngờ chị là vợ anh Kim.

 “ Trái đất tròn “, câu nói luôn thốt ra khi xảy ra việc gặp lại bất ngờ giữa những người trước kia đã từng quen biết. Từ khi biết mối quan hệ của anh Hà và chồng tôi thì nhỏ Ngân cứ theo lẽo đẽo nài nỉ :

– Tui không biết đâu đó, ảnh với chồng bà là bạn, bà phải làm mai anh Hà cho tui à, nếu để đứa khác cua mất tui bắt đền bà cho xem.
– Trời đất, tự nhiên tôi bị bắt đền chuyện này !

 Trên đời có bốn cái ngu, bỗng nhiên tôi bị cột cái ngu thứ nhất vào cổ. Bà mai theo như tôi biết là những người mồm miệng lanh lẹ, ăn nói và giao thiệp rộng, thường kiêm thêm cố tật “ nhiều chuyện “ người đời gọi là “ bà tám “. Hồi nhỏ tôi thường nghe mấy vở cải lương ngắn diễn tả nghề làm mai phải nói sao cho hai bên vừa ý hài lòng để đi đến chuyện kết hôn. Chú rể thọt chân đi cà nhắc thì nói với bên đàng gái là không chân đứng khiến người ta nghĩ là không có người đỡ đần giúp vốn làm ăn. Cô dâu sứt môi, ngọng nghịu thì nói là đứa không mồm mép khiến đàng trai nghĩ rằng cô là người ít nói, thật thà. Đó là chuyện ngày xưa cưới hỏi hai bên đều không biết mặt nhau trước, còn bây giờ thì khác hẳn rồi.

Thanh niên nam nữ đâu cần mai mối mới quen nhau. Tôi nói với Ngân chuyện này, con nhỏ giãy nảy.

– Không lẽ tui chạy đến nói thẳng ngay anh Hà là tui thích anh, tui yêu anh rồi. Mà như vậy thì tui còn giá trị gì nữa, “ nát giỏ cũng còn bờ tre “ chứ. Dù sao tui cũng là con gái. Bà mà chậm tay là mấy đứa kia tụi nó “ dzớt “ ảnh liền.
– Không có anh này cũng còn anh khác, Xuân Lâm với Phương Trinh đó. Tụi nó mê Ngân như điếu đổ kìa.
– Thôi bà ơi, bà không thấy thời buổi bây giờ trai thiếu gái thừa sao, thanh niên có học thức vừa tầm lớn hơn tui bốn, năm tuổi hầu hết đều là sĩ quan đã bị tập trung hết vô các trại cải tạo rồi sao ? Con gái cỡ tui đang ế xưng ế xỉa cả đám.

Tôi ỡm ờ trêu chọc :

– Tôi thấy ngoài đường bộ đội trẻ đi đầy ra kìa, ế đâu mà ế.
– Nhắc đến họ tui vái cả nón. Yêu nhau mà phải trình qua tổ chức tui phát chán. À, mà bà biết chuyện con Thủy thủ kho bên Khánh hội không ?
– Chuyện gì ?
– Công nhận con nhỏ “ chì “ thiệt. Nó cặp bồ với một anh là công nhân trong xưởng trước đó đã đi lính VNCH cấp bậc chuẩn úy, hai người mỗi chiều đợi chờ nhau cùng đạp xe về chung đường. Minh Thủy bị cha Hồ nguyên gốc là bộ đội miền Bắc được phục viên về làm cán bộ phòng tổ chức kêu lên chất vấn ; tại sao “ tìm hiểu “ nhau mà không báo cáo cho hắn. Con Thủy “ xì nẹc “ vô mặt chả liền “ Tui đâu phải là đảng viên, đoàn viên lại càng không ! Đừng đem mấy chuyện khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ ra để “ lên lớp “ tui. Tụi tôi quen nhau mắc mớ gì phải báo cáo ông ? Ba má tụi tôi mới cần tụi tôi xin phép, còn ông thì là cái “ thớ “ gì chen vào chuyện tình yêu riêng tư của tụi tui “. Tên này ú ớ bèn lôi lý lịch Hạnh ra, nhỏ Thúy “ đớp “ luôn. “ Anh Hạnh học tập cải tạo ba ngày chính sách nhà nước đâu có cấm ảnh không được yêu đương hay lấy vợ. Ông chỉ là phó phòng tổ chức cơ sở, ông có quyền đổi thay chính sách nhà nước hả ? “. Con Thúy nói với mọi người : “ Với mấy cha “ lôm côm “ lớp ba trường làng này, đầu đội chính sách, miệng nói chế độ như con vẹt mình phải dùng đòn phủ đầu mới chịu ngậm miệng ”.

 Thực tình chính tôi cũng thấy các cô càng ngày vây chung quanh anh Hà càng nhiều. Không chỉ là nhân viên văn phòng mà ngay cả các tổ trưởng hay thống kê phân xưởng cũng hay ghé qua trạm mỗi lần về lãnh lương để phát lại cho công nhân. Tiếng là nói chuyện với bên kia nhưng mắt thì liếc bên này chỗ anh Hà đang loay hoay sửa máy, có phải là vô tình hay do tôi chủ quan nên thấy thế ?. Không muốn làm bà mai cũng không được, cho dù bất đắc dĩ tôi vẫn không biết phải mở đầu bằng cách nào.

Từ khi biết tôi là vợ của bạn, anh Hà không còn dè dặt với hai đứa tôi như trước kia. Trưa nào bọn tôi cũng ngồi chơi bên quán dì Hai chờ kẻng báo giờ làm. Tôi đánh bạo bắt đầu chạm vào cái ngu đầu tiên khi nghĩ đến tên của hai người :

– Ông xã hồi đó quen tôi ổng hay nói tên hai đứa tôi kết hợp lại nghe giàu lắm.
– Sao mà giàu ?
– Thì chồng tên Kim vợ tên Oanh, Kim Oanh là con chim bằng vàng có phải là có giá không.

Cả hai nghe tôi nói thế bèn ôm bụng cười nắc nẻ. Tôi cố chai mặt nói tiếp :

– Cũng như tên hai người nếu đặt cạnh nhau có phải là một dòng sông bạc không ? Bạch kim là vàng trắng còn mắc tiền hơn vàng hai mươi bốn của tôi nha.
– Sao là vàng trắng ?
– Ngân Hà không phải là dòng sông bạc sao ? Cả một dãy ngân hà sáng quắc trên bầu trời bao la, hai tên kết hợp còn giàu hơn vợ chồng tui à.

Nhỏ Ngân xấu hổ đỏ mặt đấm thùm thụp vào lưng tôi trong khi tôi giả bộ cười to để che giấu việc cáp đôi vô duyên trắng trợn của mình. Có lẽ anh Hà đoán được thâm ý nên anh ngồi tủm tỉm cười. “ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e “ Tôi mong sao cho mình đang suy nghĩ đúng. “ Gẫm thay muôn sự do trời.” Tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ trong truyện Kiều.

Thuyết nhà Phật nói :” Tất cả là do duyên sinh …” vì vậy cơ hội vợ chồng kết hợp thường cũng do duyên mà ra. Buổi chiều trời bỗng đổ mưa to. Tháng mười chưa cười đã tối. Kẻng báo hết giờ làm, ai cũng hối hả ra về thoáng một cái nhà để xe trống trơn, Ngân vẻ mặt bí xị khi nhìn bánh xe của mình xẹp lép nên chắc lưỡi than :

– Điệu này phải dắt bộ tận ngã ba mà trời đang mưa không biết có tìm được chổ vá xe không nữa !
– Thì phải đi thôi chứ trời cũng đang tối dần kìa.

Không muốn bỏ lại nó một mình tôi đành dắt chiếc xe đạp của mình ướt lướt thướt đi theo. Mới đi chục bước chúng tôi nghe tiếng anh Hà sau lưng :

– Ủa, hai chị chưa về à.

Ngân than thở :

– Xe bị xẹp bánh anh ơi, đang đi tìm chỗ vá đây. Mưa gió như vầy không biết tìm được không ! Hỏng biết chừng nào mới về đến nhà.
– Tôi phải về vì còn đứa con nhỏ, nếu không tôi bảo Ngân bỏ xe lại tôi chở về giùm. Ngày mai hãy mang đi vá.

Ra tay nghĩa hiệp, anh Hà mau mắn :

– Vậy thôi để tôi chở Ngân về giùm cho.
– Có tiện cho anh không ?

Tôi biết miệng Ngân giả vờ hỏi vậy chứ trong bụng mừng hết biết, đúng là trời giúp rồi còn gì.

Sau đêm mưa trời cũng rạng sáng, tôi vừa đến cổng đã gặp nhỏ Ngân ngoắc tay rủ qua quán dì Hai. Nhìn nó cười toe toét tôi hiểu chuyện chiều hôm qua chắc làm nó vui, lần đầu tiên tôi thấy Anh Hà ăn sáng ở đây có cả Ngân mới đáng nói. Cả ba ăn xong Ngân kêu tính tiền mới biết anh Hà đã kín đáo trả rồi. Vào phòng làm việc tôi vừa đi vừa nói:

– Ước gì chiều nay trời mưa nữa, tôi sẽ lén đi xì bánh xe một người để được khao thêm chầu ăn sáng nữa.

Nhỏ Ngân lỏn lẻn cười nói :

– Công nhận bà mát tay thiệt, hôm qua ảnh hứa sáng nay đến chở tui đi làm khiến cả đêm tui mất ngủ.
– Hèn chi đêm qua tôi nghe văng vẳng ai đó hát câu “ Suốt cả đêm qua thao thức … vì anh ! “

 Tuần sau tôi xin nghỉ phép ba ngày, những lần trước tôi nói dối với Ngân là về quê, nhưng lần này tôi nói thật là mình vừa nhận được giấy phép cho thăm nuôi. Hai ngày đi đường một ngày được ở lại thăm 24 giờ. Ngày xưa tôi hay hát bài hai mươi bốn giờ phép : “ Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về …! Thời gian còn lại ta cho nhau tất cả anh ơi ! …. Ta đưa nhau đến vùng tuyệt vời …. “ còn đến bây giờ chỉ có niềm vui phù du đầy thương nhớ sinh ly đau đớn.

Trở về, giờ nghỉ tôi hỏi Ngân mấy ngày qua tình  cảm tiến triển đến đâu rồi, nhỏ tâm sự với tôi :

– Anh Hà nói bây giờ ảnh là người không có tương lai, vậy mà có một người con gái xinh đẹp, trẻ trung chịu thương ảnh thì ảnh hạnh phúc và  cảm động biết bao nhiêu. Ngày nào ảnh cũng đến nhà hai đứa cùng đạp xe đi về song song bên nhau. Chủ nhật này bà chở con gái đến nhà tui đi, má có gởi người ta đem lên cho hai con gà, ký tôm khô với chai mỡ nước, tui tính rủ anh Hà cùng đến, mình nấu cái gì ăn cho vui.

 Vây mà ngày vui không kéo dài được bao lâu, nó ngắn ngủi quá. Ngân nói với tôi nét mặt buồn rười rượi :

– Phòng tổ chức kêu tui đến tra gạn chuyện đang cặp bồ với anh Hà. Chắc có ai báo cáo, mét moi chuyện này. Họ cảnh cáo tui về chuyện lý lịch và cấm tôi không được tiếp tục quen với ảnh. Sợ ảnh hưởng đến anh Hà, tui phải chối là tui với ảnh quen nhau chỉ vì cùng cơ quan thôi. Tui còn phải nói thêm anh hai tui đâu có cho quen như vậy, nhưng tui buồn quá bà ơi.
– Có chuyện này nữa sao ! Rồi Ngân tính thế nào ?
– Tui không dám ra mặt chống đối như con Thủy. Trời có đánh tui cũng không sợ nói gì đến việc bị cấm cản, tuy bây giờ chưa biết tính cái gì hết nhưng tui không nản lòng đâu.

Không phải chỉ có mình tôi hiểu, ai cũng biết con gái khi đã yêu gặp ngăn trở của gia đình hay từ những tác động bên ngoài hễ càng bị cấm đoán lại càng khiến tình yêu trở nên mãnh liệt hơn. Bản thân tôi cũng đâu kém gì Ngân, tuy vẫn hồi hộp mỗi lần đối diện với tên trưởng phòng tổ chức của công ty, bởi khi khai lý lịch xin việc làm tôi “ chơi chữ “ bằng cách chỉ viết chồng tôi “ đã học tập cải tạo “ chứ không phải “ đang cải tạo “. Có lần đụng mặt khi hắn ghé xuống cơ sở giả vờ quan tâm hỏi tôi : “ Sao chị ? Ảnh có viết thơ về không ? “ Lanh trí tôi trả lời với vẻ mặt thờ ơ : “ Ảnh đang ở trên rẫy, có đi đâu xa mà thư với từ “. Sau lần đó tôi không thấy hắn nói năng gì nữa nên tôi nghiệm ra hắn chỉ thăm dò hú họa để tự tôi khai ra, tự mình tố cáo mình. Tôi an ủi nhỏ Ngân :

– Ráng cẩn thận đợi qua thời gian này rồi tính tiếp, mình chưa biết họ đã hiểu chuyện hai người đến mức độ nào ! Nếu gặp nhau thì hẹn xa xa đừng nhan nhản trước mắt những tên ghen ăn tức ở, hết rủi sẽ đến may thôi, mà Ngân đừng cho anh Hà biết chuyện này, ảnh mặc  cảm tội nghiệp.

 Nhưng câu “ Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí “ là có thật. Tiếp theo bỗng nhiên anh Hà có quyết định cho thôi việc, tốn nhiều tiền đút lót nhưng thời gian vào làm chỉ được ba tháng ngắn ngủi. Buổi chiều tan tầm hai đứa tôi hẹn gặp anh ở một quán nước xa lạ. Anh được biết qua người trung gian trước kia xin việc cho anh, ông cán bộ phòng tổ chức phân trần chuyện này không phải do ông quyết định, trước đó ba tháng chính sách mới chưa ra. Bây giờ có lệnh mới là đuổi hết những ai gốc gác là sĩ quan cải tạo ra khỏi các cơ quan, xí nghiệp để họ chỉ có con đường duy nhất là phải hồi hương về quê làm ruộng hoặc đi kinh tế mới mà thôi.

Cám cảnh hai người tôi hỏi :

– Giờ tính sao đây !
– Tôi cũng chưa có hướng nào rõ rệt. Không có xác nhận là đang làm cho một cơ quan hay xí nghiệp quốc doanh thì không được cấp giấy tạm trú. Công an khu vực có lệnh kiểm tra đuổi mình đi, đành rằng phải chung chi cho họ nhưng chỉ kéo dài thời gian ngắn thôi.

Ngân ngồi im nét mặt đăm chiêu, bỗng hỏi anh Hà :

– Bây giờ chỉ có ra đi là đường thoát duy nhất, tại sao anh không tìm đường đi ?
– Tìm ở đâu bây giờ ? Anh mà bị bắt thì đời tàn thêm tập hai trong trại cải tạo, với lại tốn kém không ít đâu sợ không kham nỗi.

Tôi góp lời :

– Có ý định là một chuyện, nhưng làm sao mình biết được tổ chức nào thật, tổ chức nào giả chuyên gạt người khác để lấy vàng.
– Nhà em ở thị xã ven biển, mấy lần em nghe nói có hai ba chuyến tổ chức cho người Hoa đi bán công khai rồi. Tháng rồi về thăm nhà em có nghe anh rể nói vậy, để em dò hỏi xem sao.
– Hiện tại giấy tạm trú ba tháng tại nhà anh chỉ còn hiệu lực một tháng nữa thôi rồi phải báo cáo khu vực là đi hồi hương, nếu không sẽ bị đuổi đi kinh tế mới.
– Ngày mai em sẽ giả bệnh nghỉ vài hôm để về dưới. Chị Oanh xin phép giùm, nói với bà trưởng phòng là em bị cụp xương sống khi khom lưng ngồi xuống là đứng dậy không nổi.

Quay sang tôi Ngân quyết định như thế.

oOo

Người ta hay nói : “ Sau lưng người đàn ông thành công thường hay có người phụ nữ yêu mình và hy sinh hết mực vì mình “. Câu triết lý nghe qua có hơi hướm cải lương nhưng vào trường hợp cặp đôi của Ngân Hà thật chính xác. Nhỏ Ngân trở về với kết quả : "Ba má Ngân nghe kể hai đứa thương nhau và muốn gia đình giúp anh Hà nên anh rể cũng sẵn lòng. Hiện ở dưới đã đóng gần xong tàu, người anh rể đảm nhận phần sửa máy và sẽ nhận với chủ tàu anh Hà là người phụ việc. Cuối tuần này Ngân sẽ lại giả bộ chưa hết bịnh xin nghỉ thêm một tuần để về quê châm cứu, uống thuốc nam. Anh Hà sẽ cùng về và ẩn náu trong nhà Ngân chờ chuyến đi."

– Cho chị hỏi cái này. Trước kia chị nghe em nói gia đình em có công với cách mạng nuôi giấu cán bộ, bây giờ nghe em nói chuyện tổ chức vượt biên nên chị hơi thắc mắc, vậy là sao ? Còn ông anh bà con đi tập kết của Ngân nữa.
– Gia đình chỉ có công hồi thời kháng chiến chống Pháp thôi. Công nuôi giấu cán bộ là ông anh họ của tui thôi chứ đâu có ai, nhờ ổng ký giấy xác nhận kể công để khỏi bị địa phương ăn hiếp thôi. Mà ông anh họ tui khác người ta bà ơi ! Vì quá biết chính sách nhà nước nên khi mới về ổng kêu bà con họ hàng dẹp hết tiệm tùng, gở hết bảng hiệu, tẩu tán cất giấu hết vàng bạc đi nơi khác. Nhờ có ổng nên đám ba mươi tháng tư không dám làm quá với họ.
– Nhưng bây giờ liệu anh Hà về dưới ở có bị gì không ? Chị nghe nói những vùng ven biển xét hỏi rất gắt gao nếu có người lạ vãng lai.
– Những nhà có bảng gia đình cách mạng ai mà dám xét, với lại ba má tui nói mấy đứa công an địa phương toàn là bà con với vai vế cắc ké không hà. Có khi tụi nó đảm nhận luôn phần canh chừng bến bãi để được chia phần. Đã nói “ Tiền là tiên là Phật mà, là cái lọng che thân, là cán cân công lý … “ còn là hàng trăm thứ chưa kể hết bà ơi.
– Vậy chuyến đi này Ngân có đi chung không ?
– Có chứ sao không ? Nhưng tui thì phải chung đủ, anh Hà do nhận phần sửa máy nên chủ tàu giảm giá phân nửa. Anh rể được dẫn bà chị với đứa con nhỏ đi ké nên khỏi trả chi phí. Chuyến này tổ chức bán công khai, tui về lấy cái thẻ cử tri để nộp làm danh sách bà làm sao sửa giùm tui trên đó chữ “ Kinh “ thành chữ “ Hoa “ được không ?

Cầm cái thẻ cửa tri màu đỏ lợt in bằng giấy bìa trên đó chữ viết tay ghi tên tuổi, địa chỉ xiên xẹo, sơ sài chứng tỏ trình độ người viết không chuyên nghiệp. Tôi quan sát chữ “ kinh “ rồi quyết định dùng cạnh sắc của chiếc lưỡi lam cạo nhẹ ba chữ đầu và chừa lại chữ “ h”. So sánh dấu mực phù hợp tôi chỉ cần thêm hai chữ “ oa “ cạnh chữ “ h “. Thế là thay đổi một quốc tịch. Dùng bề mặt móng tay, miết xuống chỗ cạo cho giấy trở về độ láng bóng giống nhau. Tấm thẻ đã dùng qua hơi cũ nên nhìn qua không nhận ra có gì khác lạ. Ngân nói đưa thẻ để ghi tên vào danh sách chứ chẳng có gì quan trọng.

Mấy tháng sau tôi nhận được lá thư đầu tiên gửi từ đảo Bidong. Trong thư Ngân kể mọi người đã đến nơi an toàn sau ba ngày lênh đênh trên biển. May mắn chỉ bị cướp một lần chủ yếu mục đích bọn hải tặc là vơ vét, vàng vòng người trên thuyền mang theo chứ không xâm phạm đến người. Có lẽ vì tai tiếng với nước ngoài về việc thu vàng bạc tổ chức các chuyến ra đi bán công khai một cách rầm rộ của nhà nước Cộng sản Việt Nam nên những chuyến bán công khai kế tiếp đã bị ngưng lại từ những ngày tháng đầu của thập niên tám mươi. Nhưng không vì thế ngăn trở được dòng thác người đổ ra biển tìm kiếm tự do ; dù rằng sau này với những chiếc thuyền như chiếc lá mỏng manh giữa đại dương, phải đương đầu sóng gió bão tố và đám hải tặc ngày càng tàn bạo.

Tôi không ngờ trong đời tôi dù phải làm bà mai bất đắc dĩ, một đôi đã được kết thành vợ chồng. Là lần đầu và cũng là lần duy nhất. Cũng may tôi chưa thật sự bị mang tiếng là “ ngu “, cái ngu đầu tiên một trong bốn cái ngu ở đời.

Cỏ Biển
Mùa thu 2014

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014