SỐ 64 - THÁNG 10 NĂM 2014

 

Phiếm luận văn chương: Thơ và nhạc

Huỳnh Kim Khanh

Trong bài đầu tiên trong loạt Phiếm Luận Văn Chương, tôi đã bắt đầu bằng Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An. Bây giờ xin nói tiếp về nhạc tình Trịnh Công Sơn. Tôi không muốn đề cập về những bài nhạc phản chiến của ông trong thập niên 60s. Ở đây tôi chi xin bàn về thơ và nhạc. Thơ không bao giờ nên thiếu nhạc và nhạc không nên thiếu thơ. Đã có nhiều nhạc sỹ phổ nhạc từ những bài thơ. Thế nhưng đó không phải là một sáng tác tự nhiên. Nó vẫn còn vương nét gượng ép. Những bài nhạc phổ thơ của Phạm Duy nằm trong loại đó, mặc dù có vài bài rất đáng ghi nhớ.

Bài Mùa Thu Chết của Phạm Duy khá nổi tiếng, thế nhưng vẫn chưa diễn tả được tinh thần của bài thơ của Apollinaire, vẫn chưa diễn đạt nỗi hồn thơ. Odeur du temps…Brin de bruyière..

Nhạc Trịnh Công Sơn đã từng được yêu thích trong đám sinh viên Việt Nam thời 60s. Lúc bấy giờ tình hình chiến tranh Việt Nam đang bắt đầu leo thang. Việt Nam đang bị giằng co, xâu xé giữa hai thế hệ tư tưởng. Và Việt Nam là một chiến trường thử thách. Thời đó, thanh niên ở miền Nam nếu không đủ tiêu chuẩn học vấn thì sẽ phải ra đi, quân dịch làm lính hoặc sỹ quan. Sỹ quan thì chỉ có một chọn lựa, trường bộ binh Thủ Đức. Đa số những người tốt nghiệp trường Thủ Đức không thọ quá hai năm. Cái thời loạn lạc 60s là bối cảnh của nhạc Trịnh Công Sơn.
Lời nhạc của Trịnh Công Sơn vương nét Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An. Có thể đó là nơi hẹn hò của hai nhạc sỹ tài hoa.

Nói về thơ, thì trong thơ đã có nhạc, đã có những qui luật tự nhiên bằng trắc, trầm bỗng.

Nói về nhạc thì nếu muốn diễn tả những dòng âm thanh tuyệt diệu thì lời cũng phải thảnh thót như thơ.
Lời nhạc Trinh Công Sơn lúc nào cũng chan chứa ý thơ. Tiếng Anh gọi là lyrics.

Nhạc Tây Phương, Âu Mỹ cũng có những thí dụ tương tự.

Cùng một bài nhạc nhưng với những lời khác thì cũng có nhiều khác biệt về ý tứ của bài nhạc. Chẳng hạn bài La Paloma.

Ngoại trừ lời nhạc Tây Ban Nha vương nét tình tự tự nhiên, lời kế tiếp bằng tiếng Pháp do Mireille  Mathieu hát, đôi khi song ca với nàng ca sỹ người Hy Lạp  Anna Mouskouri.

Lời Pháp của bài ca này nghe hay hơn lời Anh. Thế có nghĩa muốn đạt được cái hồn của nhạc thì phải dùng đúng lời thơ để diễn tả âm điệu (melody) của bài nhạc, là vì thơ khác hẳn với văn ở chỗ âm điệu, cũng giống như nhạc. Không phải muốn tự tâng bốc, nhưng chỉ muốn nêu ra một thí dụ, cách đây trên 30 năm, một người bạn và cũng là một thi sỹ thời đó, Bắc Phong đã nói với tôi:

- Trong thơ Khanh có nhạc..

Nhận xét đó rất đúng theo thiển nghĩ của tôi. Trong văn cũng có thể có nhạc nếu quí vị để ý thể Văn Tế của Việt Nam ta: lúc nào cũng có sự trầm bổng, đối đãi của câu trước và câu sau.

Hy vọng sẽ có một dịp bàn về thể thơ Việt Nam trong một ngày gần đây.

Trở lại vấn đề thơ và nhạc, tôi phải công nhận lời nhạc của Trịnh Công Sơn nhiều khi quá siêu thoát, vượt đến tột đỉnh hồn thơ. Chỉ có những đấng nghệ sỹ tài hoa mới đạt đến trình độ đó. Từ những bài tình ca mới đầu trước khi anh nổi tiếng như Chiều Một Mình Qua Phố cho đến những bài ca bất hủ khác như Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Rừng Xưa Đã Khép, Như Cánh Vạc Bay…Lời nhạc Trịnh Công Sơn nói lên niềm đau nhức tâm hồn khắc khoải, trằn trọc sau nhiều đêm không ngủ ( hay khó ngủ).

Hát nhạc Trịnh Công Sơn thì chỉ có Khánh Ly.

Tôi còn nhớ buổi trình diễn ngoài trời của Khánh Ly ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn thời 60s.

Nàng mặc áo dài xanh da trời, quần lụa trắng, đi chân trần trên sân cỏ trường Đại Học.

Mặc dầu lúc đó tôi chưa là một khán giả điên cuồng, thời thượng  của Trịnh Công Sơn, tôi đã nhận thấy nhạc của anh “có hồn”. Trong thời chiến tranh dồn dập ngay sau đó, tôi bắt đầu yêu những bài tình ca của anh và tôi chỉ nghe lướt qua những bài nhạc phản chiến.

Những bài tình ca sau đó như Biển Nhớ, Hạ Trắng, Cát Bụi, Mùa Thu Mắt Nâu..etc đưa lời nhạc của anh lên đỉnh cao chót vót.

Chỉ có những tâm hồn khắc khoải, trằn trọc, lăn lộn giữa hai vùng ý thức thực và siêu thực mới có thể viết lên những lời nhạc bất hủ đó.

Tôi có thể trích những lời nhạc đó để chứng tỏ những gì mình đã nhận xét vế nhạc Trịnh Công Sơn, thế nhưng độc giả cũng có thể tìm hiểu những điều đó. Ở đây, tôi chỉ muốn nói ngắn gọn và chỉ dẫn chứng rất ư là tối thiểu.

Một điều nên để ý, nhạc Trịnh Công Sơn thường là ở cung Major (Gọi Tên Bốn Mùa, Nhìn Những Lần Thu Đi) hoặc bắt đầu từ Minor, rồi cuối cùng chuyển sang Major (Tuổi Đá Buồn, Cát Bụi)

Sự khác biệt giữa Minor và Major thì cũng như cuộc tình dở lỡ và cuộc tình trọn vẹn.

Đa số những bài Tango bất hủ đều thuộc âm điệu Major.

Nếu nói theo âm điệu thì sự khác biệt chỉ là một nửa “tone” mà thôi.

- Chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai!

- Ôi cát bụi phận nầy, cát bụi nào xoá bỏ không hay
...
- Anh nằm xuống..
- Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa..
- Đứa con xưa đã tìm về nhà…
..
- Thương ai về ngỏ tối ( Minor/ Mineur)
- Thương ai về xóm vắng
- Thương ai mờ áo trắng..

- Đôi khi trên mái tình ta ( Minor)
Khi bước chân ta về đêm khuya..
Đôi khi trên mái tình ta ..

- Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ ( Minor/ mineur)
..
Thành phố mắt đêm đèn vàng

…Trời cao níu bước Sơn Khê..( Biển Nhớ)

- Ru mãi ngàn năm.. ( Minor)

The list can go on and on …

Nói về thơ trong nhạc hoặc nhạc trong thơ thì cũng chỉ nói về cùng một đề tài.

Thơ và văn cũng có âm điệu riêng của nó.

Âm điệu tức là những trầm bổng khi đọc ra bài văn hoặc bài thơ.

Trong văn thơ Việt Nam có thể văn tế.

Thường thì những bài văn tế được viết và đọc lên để tán thán hồn người chết.

Sự trầm bổng của mỗi chữ mỗi câu đều theo một luật bằng trăc, trầm bổng

Nếu phần đầu của câu theo vần trầm, phần cuối phải theo vần bổng ( Vần đối với Trắc)

Bài văn tế Thập Loại chúng sinh của Nguyễn Du cũng không ra ngoài thông lệ đó

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường Bạch Dương bóng chiều man mác
Nhịp đưòng lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…

Tuy Nguyễn Du dùng thể Song Thất Lục Bát đặc biệt độc nhất vô nhị của Việt Nam, ta cũng có thể nhận thức được luật trầm bổng nhịp nhàng của bài văn tế.

Thường thì một bài văn tế có bốn phần:

  • Bắt đầu bằng Lung Khởi i.e than ôi!
  • Kế đến phần thích thực: i.e. nhắc đến nỗi buồn hiện tại, nhung nhớ người xưa
  • Ai vãn: Nói rộng hơn về nỗi niềm thương tiếc
  • Kết cục: Nguyện cầu cho cô hồn

Xin lỗi quí vị vì quá nhiều sách vở, bề bộn nên không thể tìm ra một bài văn tế bằng thể văn biền ngẫu.

Thế nhưng một điều quá ư là chính xác khi nói văn hay thơ đều cần có nhạc, đều cần những sự trầm bổng như những chấm phá trong một bức tranh, có những màu sắc lạnh, có những màu sắc nóng. Âm thanh, màu sắc phải theo nhịp điệu dung hoà, đối đãi, cũng như hai lẽ âm dương trong vũ trụ…

Mục đích của bài này, có lẽ lần thứ bảy bàn về văn chương, nghệ thuật, là để nói về sự liên hệ mật thiết giữa thơ và nhạc, giữa nhạc và thơ…

Trong những lần kế tiếp, sẽ mời quí vị duyệt qua những sang tác của những nhạc sỹ tài hoa của Việt Nam, và sẽ bàn về nhạc và thơ…

Thời gian quá hạn chế…

Có lẽ phải chờ một lần tới để nói nhiều hơn…

(Còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014