SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Dưới vầng trăng tết

Tôi rời Sài Gòn trở về nhà trong lúc thành phố này đang cuồng quay đón Tết.

Khuya trước chuyến bay, ngồi dưới hiên nhà mẹ ở ngoại ô xa thành phố, tôi tần ngần nhìn ánh trăng  rằm tháng Chạp rụng qua tàng cây trứng cá lổ đổ chạm lên khoảng gạch trước sân. Trăng Sài Gòn treo vướng víu giữa những hàng dây điện chằng chịt như con cá mắc câu nằm đuối lờ trong lưới. Thời gian gần một tháng thăm quê tuy qua nhanh cũng vừa đủ để mắt biết buồn  theo cơn buồn ngủ rập rềnh lẩy nhịp nửa khuya. Sự nôn nao về lại nhà và nỗi buồn sắp rời xa mẹ khiến lòng tôi cũng chênh vênh lơ lửng như trăng. Ngôi nhà im lặng. Đàn cháu trẻ trung năng động đến thăm tiễn bác Hai, cậu Hai của chúng đã ồn ào đến rồi đi trên bầy xe gắn máy, lúi húi nhấp nhô dưới những chiếc nón bảo hiểm đủ màu. Bóng đèn nhỏ góc phòng lờ mờ soi dáng mẹ tóc bạc phơ, gầy bọc xương da đang chìm trong giấc ngủ nặng liều thuốc an thần. Có lẽ bà sẽ chẳng còn nhớ gì về những cơn mơ khi tỉnh giấc. Trí não già nua xấp xỉ chín mươi của mẹ có thừa chỗ cho nhiều chuyện xưa sáu bảy mươi năm trước nhưng khép kín ngu ngơ về những việc vừa mới xảy ra. Cô em út chăm lo việc thuốc thang cho mẹ, lắc đầu nhìn tôi cười buồn khi mẹ cứ theo hỏi về những viên thuốc nhỏ màu hồng mà em vừa cho mẹ uống chỉ hơn nửa giờ trước đó. Thế mà mới chiều hôm trước, qua câu hỏi khéo gợi của đứa cháu nội từ xa xôi theo bố về thăm, bà nội đã nhớ kể từng chi tiết chuyện đời mình từ thuở thanh xuân.                       

Những năm cuối thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Cô nữ sinh nội trú Đồng Khánh từ xứ dừa Bình Định và mối tình đầu với chàng thi nhân mang bút hiệu sầu vay nỗi buồn vong quốc giống dân Hời. Trong cái nóng bức của buổi chiều cúp điện, cha con ngồi thay nhau quạt mát cho bà nội và nghe kể chuyện tình xưa. Mắt rạng lên theo trí nhớ trở về, mẹ đọc lên những câu thơ của Baudelaire mẹ vẫn nằm lòng và cũng chẳng hề quên từng dòng thơ người thi sĩ viết khóc than cho mối tình đầu nghiệt ngã...Chao ôi! mong nhớ! Ôi mong nhớ! Một cánh chim Thu lạc cuối ngàn (CLV)... Cháu nội đang viết luận án về văn học Mỹ Việt trong thời kỳ chiến tranh nên hứng khởi biết được phần đời lãng mạng của một trong những thi sĩ "chống Mỹ cứu nước" nổi tiếng. Ngồi trong chiều cuối năm Sài Gòn, bố con luận bàn về những bài thơ trước và sau Cách Mạng Tháng Tám của nhóm những nhà thơ này. Từ Xuân Diệu, Thế Lữ đến Chế Lan Viên, Huy Cận... Đọc những câu thơ của một Xuân Diệu tiền chiến lãng mạng, rồi một Xuân Diệu "lột người", "trở dạ" lao động thơ phục vụ Đảng mà nghe xốn lòng đau. Sự tàn bạo trong văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa phi dân tộc khi đề cao cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu đã trào lên tới mức man rợ phi luân nhất.  

Trăng treo trên vời tận khuya, thoát vượt và thanh thản. Có bóng chim lẻ loi vừa vỗ cánh bay bỏ lại những hàng dây điện rũ chùng qua màu trăng bàng bạc như dòng nhạc kẻ buồn thiu.  Tiếng nhạc từ quán xá ở đầu phố vẫn bập bùng vọng về lẫn trong tiếng nói cười chẳng ngại thâu đêm.  Tôi nghĩ tới hàng nghìn vạn quán xá cùng loại trên khắp đường phố Sài Gòn và khắp cùng đất nước.  Phải cần đến sự giải thích qua tiếng cười cợt của đứa em trai, tôi mới hiểu được hàng phấn viết nguệch ngoạc trên bảng giấy cạc-tông treo vội trước quán.  Cần tuyển nhiều NPV, lương cao. Những cô “nữ phục vụ” đếm thu nhập của mình sau mỗi canh khuya qua những nắp vỏ chai đổi lấy vồ vập lả lơi.  Trên nhiều đường phố Sài Gòn, cứ trung bình chừng chín mười gian phố là có một quán ăn hay quán cà phê, giải khát. Phải sống được họ mới mở. Tôi thầm nghĩ và đành phải đồng ý với nhận xét nghe thì "ngoại lai" mà sâu sắc của con trai.  Người Việt Nam sống cho bao tử của họ.  Từ giai cấp thống trị tư bản đỏ ở nội thành đến giai cấp tư bản mới ở Phú Mỹ Hưng tới những người cùng cực lượm rác bên bờ kinh Nhiêu Lộc, tất cả đều tất bật sống cho bao tử của mình. Người dân oan mất đất mất nhà kêu gào trong mưa, chị bán hàng rong, anh phu xe ba gác sắp mất phương tiện mưu sinh những ngày Tết đến vì ủy ban nhân dân  thành phố muốn làm đẹp Sài Gòn để chào mời du khách. Tất cả đang sống cho cái bao tử của mình. Điều khác nhau về ly cà phê mười đô la Mỹ uống vào buổi sáng trong một khách sạn cao tầng ở khu Đồng Khởi và tô hủ tiếu một ngàn rưởi đồng bên lề đường Gò Vấp chính là sự chịu đựng câm nín không còn chỗ biện minh và bất công đang là công thức sống trong xã hội.  Chính sách qui hoạch thành phố, nhà đất đang diễn ra trên toàn quốc là cuộc cải cách ruộng đất mới, tuy không có đấu tố đầu rơi nhưng tinh vi quỉ quyệt và toàn diện hơn nhiều so với lần cướp đất năm mươi năm trước ở miền Bắc.  Trên vài thành phố tôi có dịp ghé thăm, quán xá, bần cùng, dựng xây, hào nhoáng, đều hao hao giống nhau nơi sự vội vã, tranh ăn, hỗn tạp. 

Trên chuyến về Huế thăm quê viếng mộ, chúng tôi quyết định lái xe qua đèo rồi sẽ "chun" Hầm Hải Vân khi trở về. Đỉnh đèo sớm mai vắng vẻ. Tôi bâng khuâng đứng nhìn non nước, chợt cảm thấy già nua trong lòng một thoáng mưa bay. Chiều chiều mây phủ Hải Vân. Súng rền Non Nước bâng khuâng dạ người... Con trai tôi muốn mua tấm bản đồ Việt Nam bán rong trên đỉnh đèo. Tôi bật cười nhìn anh chàng lúng túng đối phó với cả ba chị bán hàng ai cũng tranh bán cho bằng được món hàng của mình.  Cuối cùng thì chàng ta đành phải mua cả ba tấm với giá "cắt cổ" để khỏi phải bị nghe rỉa rói vì đã rờ hàng "me xưa" mà không mua. Các tấm bản đồ được in từ nhiều năm trước, tấm nào cũng có đủ Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Chi Lăng, thác Bản Dốc, suối Phi Khanh... Rồi ai sẽ "liệu bồi" mảnh giang san này?                                                                   

Buổi chiều hôm đó, từ giáo xứ Nguyệt Biều tôi đứng nhìn qua bên tê sông Hương. Tháp Thiên Mụ già nua xa vời trong bóng chiều. Hàng phượng dọc bờ sông chìm khuất nhỏ nhoi. Trước mắt tôi cả một khoảng đời niên thiếu trở về.  Mùa hè ở Huế, ướt đẫm từng cơn mưa nồng nàn hơi đất. Mùa hè náo nức bầy xe đạp từ Bến Ngự qua Bạch Thổ, Kim Long, Xuân Hòa chua giòn từng trái dâu non xanh ngắt vườn trưa. Những bồi hồi kỷ niệm vẫn không làm ngoai được nỗi thất vọng lúc đi thăm Thành Nội. Con đường Mai Thúc Loan gần Chợ Xép với những ngôi nhà vườn cổ kính ngày nào nay đã biến thái theo "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" trở thành một khu phố mới chật chội kém qui hoạch, nhìn chẳng khác chi một khu phố ở ngoại ô Sài Gòn. Người Hội An biết giữ gìn Phố Cổ của họ và sống với Phố với tấm lòng nâng niu, trang trọng hài hòa.  Đường về Cửa Đại qua cầu Phước Trạch khác xưa nhiều. Nhà lồng chợ đã được xây lại khang trang, dòng sông Đế Võng uốn quanh ôm khu nghỉ mát Thuận Tình xanh bóng dừa. Nhìn bóng mình lung lay trong dòng nước, tôi bâng khuâng nhớ về dĩ vãng quá nửa đời người bơ phờ chinh chiến.  Gần bốn mươi năm.  Người lính trẻ đứng trên chiến thuyền ngoái nhìn doanh trại bốc cháy ngày nào sao giờ chợt ôm lòng lính thú tơi bời mối chung cuộc nhục vinh ?

Những ngày còn lại ở Sài Gòn hai bố con thường la cà ở các tiệm sách, nhất là những nơi bán sách cũ thời An Tiêm, Lá Bối. Những tiệm sách sang trọng nhiều tầng với rất nhiều nhân viên phục vụ khăn áo chỉnh tề, xoi bói, khiến tôi có cảm giác như bị theo dõi rình rập.  Tìm mua sách ở khu chợ sách cũ càng khiến tôi tiếc nhớ khu chợ sách Lê Lợi ngày xưa. Những người buôn sách cũ này rất chuyên nghiệp trong việc đánh hơi khách hàng và "chém" thẳng tay khi cơ hội đến.

Từ mấy năm nay tôi thích đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, một nhà văn nữ trong nước quê ở Cà Mau. Cô là một văn tài với lối viết giản dị, mộc mạc, mà sâu.  Không như người khác bị (hay được) bóng đè một lần rồi thôi, NNT viết vững chãi, đều, và có tư cách. Tôi thích lối ví von của NNT về “văn chương của mình sao giống trái sầu riêng quá trời, có người thích, khen thơm, có người bưng mũi quay đi vì chê nó nặng mùi. Nhưng khi bắt đầu kết trái, sầu riêng đâu định trước sẽ dâng tặng cho riêng ai, nên chẳng bẻ mình bẻ mẩy để lấy lòng người...". Có điều gì thân quen trong văn phong NNT giúp tôi không bị khựng lại khi nghĩ về Cánh Đồng Bất Tận trong chừng mực nào đó như một tiếp nối đằm thắm với Rừng Mắm (Bình Nguyên Lộc)  hay Hương Rừng Cà Mau (Sơn Nam)... Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng ... (Cánh đồng bất tận - NNT)                                                                   

Ý nghĩ khiến lòng tôi ngập tràn xúc động như có lần đọc thơ Phan Nhiên Hạo, một người viết trẻ ở hải ngoại, lớn lên sau bảy lăm, “Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong”.

...chúng ta lớn lên bơ vơ buồn khổ
cha chết mất thây, thân thủng mấy lỗ đạn?

câu hỏi chảy máu suốt đời, không đọng lại thành tiết canh
buổi chiều trên động cát
ông nội chúng ta bỏ xứ ra đi chết vùi thây chốn này
cát trắng lóa, gió không khoan nhượng
trời không mây, mắt trẻ đầy mây
cơn giông chui xuống đất trốn vào địa ngục
người ăn cá nhưng đây là thời cá ăn người
trên biển cả cùng lúc chúng ta hiến mình cho tự do và thần chết...

 ...phải, chúng ta đã nói về giết người tuổi lên mười,
về bom nguyên tử, thuật độn thổ, phép tàng hình
làm thế nào để thiến bọn lợn và thoát
nhưng thường chúng ta mơ một buổi sáng
thức dậy thấy cha đã trở về
cái chết người chiến binh đẹp như ngọn đồi trong sa mạc,
bông hoa khô, tiếng mõ chiều,
nhưng cái chết để lại những đứa trẻ bơ vơ
kêu tên cha trên đồng vắng
kêu tên mẹ trên bờ đê
khóc tuổi thơ bầm giập sân ga
lỡ chuyến tàu Thống Nhất...

Tiếng nhạc xập xình đầu phố đã tàn lịm tự lúc nào. Những người đàn bà ngủ ngày đã trở về nhà. Trăng tháng Chạp Sài Gòn tròn vành vạnh lung linh đỉnh trời. Con lộ nằm vắt qua đêm thâu, ngái ngủ bóng hàng cây trứng cá rủ lá dưới trăng. Tôi bước loanh quanh trong khoảng sân nhỏ chơ vơ chậu mai nở không chờ Tết đã tàn nụ. Dáng mẹ nhỏ nhoi sau chiếc mùng tuyn xanh, im lìm trong giấc ngủ sắp rã thuốc an thần. Mỗi sớm mẹ vẫn ngu ngơ đánh thức con cháu dậy từ lúc trời còn tờ mờ rồi cứ quay lại sau mỗi vài phút tiếp tục nhắc cho tới khi chúng tôi thật sự ngồi vào bàn. Chị người làm bày thức ăn mua từ chợ sớm mời mọc. Cậu Hai ăn một miếng đi chớ không Bà Nội cứ đi quanh nhắc hoài. Tui không biết bửa nào hai cha con cậu về bển thì sao đây ? Bà Nội quanh theo hỏi hoài, chắc tui hết biết luôn...                                                                             

Nhìn mấy túi hành lý khẳm nặng quà cáp gia đình ở góc phòng rồi nhìn chồng sách mới trên bàn, tôi tiếc rẻ vẫn chưa tìm mua được tập truyện Mối tình màu hoa đào và Giấc mơ của đá của Nguyễn Mạnh Côn.  Lúc nhét tập truyện mới của Nguyễn Ngọc Tư và Phùng Quán vào túi xách nhỏ để mang theo đọc trên máy bay, tôi buồn muốn khóc nghĩ tới lần cuối cùng mẹ sẽ đánh thức con dậy vào buổi sáng.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015