SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

Gọi đò một tiếng lạnh hư không

THI VŨ

Đề huề đầu bạc lòng son
Trăm năm dẫu hét vẫn còn Nghìn Thu
                                              Q.T.

Liên tiếp nhiều đêm không ngủ vì chuông điện thoại. Tình hình cuối năm sôi động nơi tôi làm việc. Máy nói vọng từ các châu. Vọng từ Việt Nam. Bốn giờ sáng ngày 24.12.1992 chuông lại reo. Tôi xuýt không trả lời, vì vừa qua một cuộc điện đàm dài lúc 2 giờ rưởi. Nhưng rồi lúc nào cũng vậy, linh thức quán âm luôn gọi mình tỉnh thức.

Bốn giờ sáng ngày 24.12.1992, tiếng nói lảnh lót người con gái thi hào Quách Tấn tự đầu giây xa xăm bên kia buông ra tám chữ : “Ba cháu mất hôm 21 tháng 12 rồi !”. Tôi lặng người. Thi sĩ cuối cùng của một thời đại thi ca đã mất. Người tri kỷ cuối cùng của đời tôi không còn. Bốn ngày trước đây, lần đầu tiên tôi mơ thấy về Nha trang thăm anh Tấn. Mặt anh ốm o và buồn. Anh vừa nói vừa dẫn tôi ra khỏi nhà : Chú ra ngoài nói chuyện tiện hơn. Sáng dậy không nói ra, tôi có phần lo khi kể cho Ỷ Lan nghe. Linh cảm chuyện không hay. Song lòng tự thắng lướt với lý luận, sắp Tết mình nghĩ tới anh mà nằm thấy đó thôi. Đâu ngờ ngày ấy anh sắp đi.

Tôi gọi giây nói qua tổng đài Paris nhờ đánh điện tín về Nha trang cho Quách Giao, người con trai anh : “Vô cùng đau đớn được tin Ba mất. Ngôi sao Bắc đẩu thi ca vừa rụng. Tất cả nhân loại mồ côi. Chia buồn và cầu nguyện cùng gia đình”. Dưới ký tên Quách Vũ như một cử chỉ thọ tang. Sau đấy viết lời khấp báo gửi các đài phát thanh BBC, VOA, RFI và các báo Việt ngữ ở Hoa kỳ và Úc.

Qua thư từ, tôi làm quen với thi hào Quách Tấn đúng 33 năm. Nhưng chưa từng được gặp. Thoạt đầu là người bạn vong niên tôn kính. Sau thành người anh kết nghĩa. Tuy mãi mãi là một người thầy về thơ, về nghĩa khí sống trong đời.

Thời ấy, tôi bỉnh bút cho tạp chí Liên Hoa ở Huế do hai Thầy Đôn Hậu và Đức Tâm làm chủ nhiệm và chủ bút. Một người nay đã mất, và bây giờ phải gọi là Đại lão Hòa thượng Đôn Hậu và Hòa thượng Đức Tâm mới đúng. Nhưng thời tôi ở Huế chỉ có hai danh xưng độc nhất để gọi các Tăng sĩ đã thụ giới Tỳ kheo là Thầy hoặc Ôn. Ôn dành cho chư vị lớn tuổi thuộc hàng trưởng lão. Tiếng Thầy vừa tôn kính, trang nghiêm, cao cả, vừa bình dị, thân gần, thương mến. Cấp vị đạo đức rất bình-đẳng-pháp ấy, ngày nay ít người ưa vì ý thích danh vị cao sang.

Nhân đọc tạp chí Liên Hoa số tháng 5.1959, tôi gặp một bài thơ ký tên Quách Tấn :

Mặt mắt muôn xưa lớp bụi mờ
Sao mai đã mọc vẫn nằm mơ
Chờn-vờn nẻo bướm canh canh mộng
Quằn-quại lòng dâu kiếp kiếp tơ
Biển thức lênh-đênh thuyền viễn-vọng
Lòng trần quanh-quẩn bước vong-cơ
Phước duyên được thấy hoa Đàm nở
Lòng Đạo nguyền dâng trọn ý thơ.

Bài thơ làm hôm 15.5.59 (mồng 8 tháng 4 âm lịch) nhân ngày thi hào Quách Tấn quy y theo đạo Phật.

Đọc bài thơ Quách Tấn nơi phương Tây xa lạ, nhưng trí tưởng tôi dựng lên dãy trường thành cổ kính Cố Đô. Sáng lên bao đóa sen hồng chúm chít giữa những vòng lá lục trên mặt hồ dưới chân Cửa Đông Ba. Nhớ những trưa hè oi ả, nằm trên căn gác với Trần Mạnh Hòa ở phố Gia Long ngó xuống hồ sen. Hòa có giọng ngâm thơ trầm ấm, luyến lòng. Những câu thơ theo tôi không dứt :

Gió rủ cành đi ngàn liễu khóc
Sông đừa lạnh tới bóng trăng run
Thuyền ai tiếng hát bên khuya vẳng
Ghé lại cho nhau gửi chút buồn

Đó là khoảng cuối 48 đầu 1949, một ít lâu trước ngày tôi bị bắt vào tù vì tham gia phong trào học sinh kháng chiến. Từ đó xa mãi hồ sen, xa mãi giọng ngâm thơ tuyệt vời Trần Mạnh Hòa, xa mãi thơ Quách Tấn...

Mãi tới năm 1959 nhân đọc thơ tôi liền biên thư thăm thi hào Quách Tấn qua tòa soạn báo Liên Hoa. Tình bạn nẩy sinh từ đó.

Bây giờ giấc mộng gặp nhau nơi vườn mận ở đầm Xương Huân Nha trang đã tan thành mây khói. Nơi một thời tấp nập giới thi nhân Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Yến Lan...

Bây giờ tôi sẽ phải đi một mình tới cuối cuộc đời này với mọi rủi ro, bội bạc, đơn côi. Tuy không sợ hãi, than van. Bây giờ tôi mới lọn hết tâm sự Bá Nha đối với Tử kỳ.
Bây giờ, sau khi làm những việc khấp báo cần thiết, tôi ngồi đọc lại mấy tập thơ Quách Tấn gửi sang năm ngoái : Áo Đắp Tâm Tư, Giàn Hoa Lý, Trăng Hoàng Hôn, Tràng Hạt Ngũ Ngôn.

Một đời thơ tài hoa như thế sao lại hẩm hiu ? Được Tản Đà tán thưởng. Cụ Phan Bội Châu khen tặng. Nhà bình thơ nổi tiếng Hoài Thanh gọi Quách Tấn là “sứ giả đời Đường”. Chế Lan Viên, vào năm 1941, hết lời ca tụng :

“Qụách Tấn đã đi gần cái thể đọng của thơ thuần túy... Tưởng là khô khan của Cao-đạo, nhưng thật ra trong-suổt của Tượng Trưng... Tập Mùa Cổ Điển bé bỏng nhưng quá đầy đủ, trước hết, đã giải cho ta một mối lầm ác-nghiệt là phân chia bờ-cõi Thơ bằng hai chữ MỚI, CŨ chẳng có ý-nghĩa gì. Và cũng không thể gọi là sau hết, cái việc nó đem lại — ngoài những ý hay, tứ mới, ngoài những cảnh đẹp, tình sâu — một cái quý-báu nhất là HỒN THƠ, mà chưa một ai định nghĩa cho rành mạch”.

Năm mươi hai năm sau Chế Lan Viên, giở tuyển tập “Áo đắp tâm tư” [1] sáng tác từ 1955-1990, tôi gặp ngay bài Rụng tiếng vàng :

Nắng nhạt chiều thu quạ rộn ràng
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
Tro tàn thư viện duyên ngao ngán
Đá nát hoàng cung bước ngỡ ngàng
Gầy gọ gió sương tùng Thế Miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương Giang
Trông vời Thiên Mụ mây man mác
Lơ lửng chuông hôm rụng tiếng vàng
Huế, 1957

Tôi chợt hiểu bởi đâu Tản Đà đã không ngần ngại đặt Quách Tấn bên Yên Đỗ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...

Khí thơ hàm súc và diệu xứ trên đây không riêng khi thả tình vào cảnh, là sở trường của thơ Đường, Tống, mà ngay lúc đề cập tới thời sự, là điều thơ tối kỵ, bản lĩnh thơ Quách Tấn vẫn không nghiêng chao :

Nắm giềng mối nước nhóm con lai
Chẳng tựa lòng dân tựa nước ngoài
Vì lợi vì danh da xáo thịt
Sẵn quyền sẵn thế ngựa là nai
Máu xương để lạnh trời biên tái
Son phấn riêng trau gót vũ đài
Thanh kiếm diệt thù tay chữa vững
Lòng thơ nửa khép cánh thư trai

Lòng thơ nửa khép
Để Quách Tấn cạnh Yên Đỗ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, hẳn vị trích tiên Tản Đà muốn đề cao chất thơ rặc Việt của những nhà thơ này. Dù họ sử dụng thể Đường luật.

Rặc Việt là ngôn ngữ thơ Quách Tấn. Chỉ mới hai tập thơ đầu “Một Tấm Lòng” (1939) và “Mùa cổ Điển” (1941) nhà bình thơ thâm hậu Hoài Thanh đã nhận ra một phần sắc thái ấy trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam” : “Quách Tấn đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn cái lối chơi chữ nó vẫn là môn sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ”.

Càng về sau, với những tập “Đọng Bóng Chiều” (1966), “Mộng Ngân Sơn” (1967), “Giọt Trăng” (1973), ngôn ngữ Việt của Quách Tấn càng định hình cho một nền thơ không lai căn.

Đưa vào thơ những chữ bình dị địa phương như hường, rựng, đàng, xuýt, đậm lợt, rặc, lục lìa... mà vẫn trợ thủ tài tình cho thơ thành thơ, là đặc sắc của Quách Tấn :

Mặt trắng đêm nao bút điểm hường
Tóc hoa rày đã nở đầy gưong
Mái tóc hoa

Xuống thềm đứng đợi sao hôm rựng
Ríu rít từng đôi én liệng quanh
Tinh thu

Tai ách khi không mắc giữa đàng
Vườn xưa mai mận xuýt thành hoang
Vườn xưa mai mận

Biết bao đậm lợt màu dâu bể
Mây trắng nghìn thu vẫn trắng ngần
Ất sửu thu hoài

Quên tính trăng thu mấy độ tròn
Mùi quê quen thú lợt mà ngon
Mùa thu quen thú

Buồn nhúm cỏ hoang tàn lại mọc
Nhớ theo triều biển rặc liền dâng
Dạ quế gừng

Trách ai chẳng biết ai mà trách
Lồng lộng trời xanh biển lục lìa
Lắt lẽo cầu tre

Trách ai chẳng biết ai mà trách, là tuyên ngôn của người thi sĩ trên mặt đất và trước bạo chế cường quyền. Giới thi sĩ đã thoát ly được sự lừa gạt chính trị, đem thơ làm trò bưng bốc, xỉ vả, hay tuyên truyền. Ngay những lúc bị chà đạp, khủng bố, loại triệt, tiếng thơ họ vẫn hiên ngang, tuy gạt bỏ từ thâm căn, bản năng thù oán hay vạch mặt gọi tên kẻ hãm hại mình. Họ đứng cao, đứng xa, đứng trên đầu kẻ thù ác, đỡ thơ lên cao xanh. Họ thừa biết việc vạch mặt chỉ tên là tự hạ mình đứng ngang hàng với kẻ bất xứng. Những thi sĩ như thế, gần đây tôi thấy có Tô Thùy Yên, có Thanh Tâm Tuyền... Nhưng đã từ lâu trước, có Quách Tấn.

Trách ai chẳng biết ai mà trách. Một đời khổ hạnh, nát tan, nhưng vẫn buông được lời nhàn hạ, kiêu hãnh, đại lượng như thế với kẻ thù. Chín năm Việt Minh kháng chiến chống Pháp, Quách Tấn bị nghi ngờ, bị quản thúc, bị cấm dạy học, phải thắt gióng đi bán rong. Người thi sĩ ấy, năm 1946 đã cùng với Chế Lan Viên ra Huế gặp Tố Hữu ở Tổng bộ Việt Minh “xin” đem thơ và thân phụng vụ quê hương. Nhưng Tố Hữu chê thơ Quách Tấn, chê luôn trái tim và con người [2].

Mười bảy năm sau ngày “giải phóng” và “thống nhất” đất nước, thân phận Quách Tấn vẫn bị chà đạp, khủng bố, tiếng thơ Quách Tấn vẫn bị bóp siết. Thế nhưng thi nhân xem thường :

Ta chẳng thù ai chẳng chống ai
Ích chi nuôi ý hại ta hoài
Khúc hát đưa bôi

Chưa đội đá vá trời, thì chiếc bàn con cũng đủ cho thi nhân khép mở mười phương :

Thơ lỗi thời, văn chẳng thích thời
Ngày ngày cặm cụi viết văn thôi

Chi hèm trước ngõ đời chung chợ
Một chiếc bàn con một góc trời
Viết văn

Viết gì ? Hẳn không viết truyền đơn, dù là truyền đơn bằng thơ. Quách Tấn nối tiếp nguồn thơ thiên cổ, thi tả nỗi lòng mình và người trước những biến thiên :

Tưởng chừng ai nấy vẫn nằm mơ
Bánh vẽ thay cơm cứ phỉnh phờ
Mặc ý theo hùa khen diệu kế
Nỡ lòng ngồi cạnh ngắm nguy cơ
Hò rập nhịp

Lẽ đâu việc nước dám làm ngơ
Thấp trí khôn mong gỡ thế cờ
Đành phải treo gươm cầm lấy bút
May ra thiếu mật những còn tơ
Thế cờ

Dù đôi lúc tâm hồn thi nhân hết dồn nén :

Dân chủ vừa thành dân chửi khắp
Chửi hoài không xuể phải tung đao
Dấu xe qua

Ấy cũng bởi thi nhân với toàn dân bị đẩy mãi vào thế bí :

Tiếng quyên mùa phượng chưa khô huyết
Trận lá rừng ve đã rụng thu

Làm người xưa khó nay thêm khó
Khó học tài khôn khó giả ngu
Lòng thơ ngập bóng
Đành đoạn cá cua chung một giỏ
Sụt sùi cốt nhục cách đôi phưong
Đìu hiu

Lời ngay là tội người không thế
Lẽ phải trong tay kẻ có quyền
Buổi tàn niên

Thời Việt Minh bị đưa đi an trí, thời Xã hội Chủ nghĩa bị tịch thu sách đem đổt, bị lùa đi kinh tế mới, bị bắt bỏ tù. Chỉ vì Quách Tấn không biết làm thơ ca tụng chế độ, ca tụng “hòa dởm dân tộc”, ca tụng chiếc lồng son văn nghệ đang “hồ hởi” giết chết thi ca. Nỗi trầm thống này chỉ phớt nhẹ qua thơ :

Dù chẳng phải chiên dù chẳng ghẻ
Biết ai là ngụy biết ai chân
Đường về bến cũ thân cô nhạn
Mây kéo chiều hôm bóng cổ nhân
Tránh khách

Cảnh tù tội nhét gọn vào vài ba điển cố :
Đời những xót xa câu nhất nhật
Ngày càng thấm thía nghĩa tam đa
Đìu hiu nắng hạ ve Tây Lục
Trăn trở mây ngàn đá Nữ Oa
Qua vòng khổ lụy

Câu nhất nhật là câu truyền ngữ, ví một ngày trong tù bằng nghìn năm ngoài tự do. Ngày Tết, ta thường chúc ba chữ tam đa (nhiều phúc, nhiều lộc, nhiều thọ), nhưng với tù nhân, tam đa lại là đa ưu, đa cụ, đa nhục. Còn tiếng ve rền qua song ngục làm thi nhân nhớ Lạc Tân Vương đời Đường thuở bị giam ở Tây Lục, ông làm bài thơ nổi tiếng vịnh ve sầu lúc thu sang (Tại ngục vịnh thiền). Còn Nữ Oa ai cũng biết là người nữ kiệt đội đá vá trời.

Những lúc đau thương, khổ ách mới biết chẳng còn ai là bạn, kể cả những kẻ có học hành, biết suy xét phán đoán [4]:

Có việc chớ mong nhờ kẻ trí
Sa cơ đành chịu gánh phần ngu
Bóng trung du

Bạn bè còn chăng, là đôi cuốn sách, một tiếng đàn hờ, giọng sáo thổi lúc chiều lênh, hay chim hót buổi tàn xuân :

Giải buồn mở đọc lòng thiên cổ
Từng trận hoa thơm rụng bóng mành
Rụng bóng mành

Đàn ai chợt thoáng qua song lạnh
Lòng chẳng quen nhau vẫn ngậm ngùi
Mưa gió đầu thu

Giải buồn vịn đá lên am vắng
Lạnh thấu hư không địch bến chài
Nỗi lòng sâu cạn

Đâu nơi chẳng tục để tìm thanh
Không học Cuồng Dư [5] học Quảng Thành
Nghìn dặm gió thu đùa tóc bạc
Xuân còn rơi rớt tiếng chim oanh
Xuân còn rơi rớt

“Áo đắp tâm tư” gồm 164 bài thất luật (thể thơ Đường gồm tám câu bảy chữ), đi từ thơ tâm sự tới thế sự. Tâm và thời nhất quán hòa nhau trong thơ. Thơ không bị lôi kéo vào mối uẩn ức nhất thời, hay khí dụng cho những âm mưu. Thơ đẩy lên thành tư tưởng như một sinh thức. Thơ hiển hiện Người.

Nỗi thao thức Kẻ thừa (de trop, en trop) trong triết học Hiện sinh Pháp đã được sinh thức bất nhị của Quách Tấn giải mã :

Có còn thơ nữa không còn nữa
Không cũng không sao có chẳng thừa
Xuân không thơ

Biện chứng tả khuynh Tây phương lập tổng thể (synthèse) từ phủ định của phủ định (via Negativa), chắc chắn sẽ viết câu thơ trên thành “Không cũng không sao, có cũng thừa”. Nhưng tính chất nhị nguyên của triết học hư vô tây phương (nihilisme) đã bị đánh đổ bởi chữ chẳng của thi ca Việt : “Không cũng không sao, có chẳng thừa”. Diễn dịch tư tưởng ấy xuống thấp vào thực tiễn của một bộ môn, như bộ môn chính trị chẳng hạn, ta mới thấy câu viết chơi chơi này mang sinh thái cực kỳ hòa hiệp và xây dựng : anh không khứng vào đảng tôi cũng chả sao, sự kiện anh hiện hữu đã là quý, đã không thừa cho dân và nước rồi. Hóa ra thơ là tư tưởng, là sinh thức, giúp ta nhìn thấy rõ cuộc đời vàng thau :

Ngại thiếu thay thừa, thừa vẫn thiếu
Lấy chân làm giả, giả thành chân
Ất Sửu thu hoài

Bạn thiết không gần, gần chẳng thiết
Tuổi già

Thiết chi sự giả tạo và đồng lõa, khi chưa gặp tri kỷ, khi chân lý đã nắm giữa lòng tay, trong cách sống, ở hiện thì :

Rằng chân rằng giả tâm vô ngại
Nghìn trước nghìn sau phút vĩnh trường
Sạch bụi phố phường

Nghĩ lại sá gì thân hạt thóc
Mà đem hình dịch bận tâm linh
Hé cánh dư sinh

Từ năm 1988 tới bốn năm cuối đời, Quách Tấn bị mù. Không còn tự đọc và viết như trước. Bên mình không ai giúp đỡ. Một mình vò võ trong căn phòng trống lạnh, ẩm ướt. Mái dột không tiền sửa. Trên sàn gạch la liệt thau, lon hứng nước giọt. Có đêm Quách Tấn một mình chống dù ngồi viết, “viết mò theo thói quen, chữ được chữ mất, hàng xuống hàng lên”, nhưng thư cho bạn, thi nhân vẫn lạc quan nói “may là tinh thần vẫn sáng suốt”. Những vần thơ giai đoạn này khá não nùng, bộc lộ nỗi khổ đau nghèo khốn và bệnh tật.

Bình minh bỗng chốc ngập hoàng hôn
Cảnh tối tăm may tỉnh táo dần
Tiếng địch cô thôn

Gió bụi đi về xe ngựa đó
Sắt son chờ đợi giống nòi đâu
Qua Hưng Thạnh

Từng cơn gió bấc thổi mưa dầm
Xa tối tăm gần cũng tối tăm
Đêm mưa bấc

Chợ đông3 thêm thấm lòng hiu quạnh
Nhà dột riêng thương nghĩa cũ càng
Tiết thu sang

Tấm thân bảy chín giữ không tròn
Hai mắt nay còn được nửa con
Một tiếng chim chiều kêu trước giậu
Mai già nở lạnh bóng trăng non
Mai già nở lạnh

Chuyện xưa lắm chuyện đã xa lơ
Chẳng nhớ khi không nhớ bất ngờ
Muốn chép mắt mù không thể chép
Làm lơ nghĩ tiếc chẳng đành lơ
Nhờ được chút nhờ

Tuổi tác già nua mắt lại đau
Nhờ con nhờ rể hết lòng nuôi
Cũng may mũi, óc, tai còn nhạy
Ổi chín bên song gió thoảng mùi
Dư sinh

Có đui mới biết đui là khổ
Không lẫn là may lẫn mới phiền

Ước ao có kẻ vui lòng dắt
Lên núi tìm thăm bạn cửa chiền
Buổi tàn niên

Bốn bể tri âm tình tản mát
Sáu mươi tác phẩm phận mồ côi

Lệ không ngăn nổi thường rơi lệ
Ngươi có còn đâu sợ hổ ngươi
An sở ngộ

Đui nhưng cũng từ đây Quách Tấn nhìn bằng tai, bằng cảm xúc. Nhìn bằng trí và nhìn bằng tâm. Người yêu thơ chỉ buồn cho sự kiện Quách Tấn ở quá lâu trong hiu quạnh và bội bạc. Dễ bốn mươi năm có thừa. Bội bạc vì đôi lớp thi sĩ trẻ hãnh tiến. Bội bạc vì những chính thể phi dân tộc. Hay chỉ vì vận số của những thiên tài bị bỏ quên giữa đời sổng ô tạp hôm nay hay đã từ bao nơi dương thế ?

Ẩn thân mà vẫn khó an thân
Bắt nhốt rồi tha đã mấy lần
Chẳng khứng theo hùa cam chịu khổ
Để cho sống sót cũng là ân
Vợ con lòng cứ lo âu mãi
Bè bạn ngày thêm thỏn mỏn dần
Bầy trẻ dại khờ còn bắt chước
Rằng thơ Quách Tấn chẳng bằng phân
Cam chịu

Phân hay không phân ? Người có văn hóa đâu đem uế khí nói chuyện văn chương bao giờ ! Ta cứ nhàn nhã đọc thơ, những lúc không bon chen mộng công hầu, chính khách, những lúc không lượt là siêu thị. Để thơ thăm viếng trái tim đang lão hóa, như hình bóng một tình xưa thoáng tới. Biết đâu ta không khám phá một nguồn thơ đã khuất sau giọng lưỡi líu lo ngoại ngữ. Biết đâu ta không giàu lên nhờ thân cận với một tâm hồn khiêm tốn như thỏi ngọc dưới bao tầng đá :

Danh dù tro trấu bôi lem lọ
Tánh chẳng phô ra giấu vụng về

Bạn gần chưa thấu xa chưa tỏ
Chớ vội vàng khen chớ vội chê
Âm thầm

Tự đảnh giá mình, Quách Tấn viết giới thiệu 164 bài trong “Áo đắp tâm tư”, cho rằng “sau khi cho tái bản «Mùa Cổ Điển» (1960) thì thơ mỗi ngày mỗi xuống dốc, đáng lẽ phải dừng bước, nhưng ngựa quen đường cũ nên tôi cứ buông cưong”. Quách Tấn tự ví mình như Giang Lang [6]  :

Giang Lang tuổi đã về già
Bút đâu còn sức cho hoa thắm màu

Tôi không nghĩ vậy. Ai lại không thương đứa con đầu lòng hơn hết, song mỗi đứa con về sau đều mang sắc thái khác với tính khí riêng. Với những tập “Mùa Cổ Điển”, “Mộng Ngân Sơn”, “Đọng Bóng Chiều”... thơ Quách Tấn đạt tới diệu mỹ. Qua “Giọt Trăng”, “Áo đắp tâm tư” v.v... thơ Quách Tấn đi từ diệu mỹ qua diệu chân. Cái Đẹp (Beau) đi vào Chân lý (Vrai) bằng sự Hồn hậu (Einfach) của Thơ.

Thơ Quách Tấn giải thoát ta khỏi những ràng buộc, hệ lụy, xích nối tâm thân ta vào cột mốc những ngày thường đơn điệu. Thơ man mác. Gọi ta lên đường, chuyển vận lại cuộc hành trình vũ trụ. Thơ mênh mông. Trả lại ta không gian ngun ngút, vừa man dại vừa hùng vĩ, làm đổ sụp những phòng ốc hộp chật, những phố phường chui rúc, những đụng chạm chán chường. Tại sao cứ hòm im cuộc đời dịch chuyển nồng say hôm nay ? Thơ là múa và bay, cao mãi với thinh không. Hẳn là thơ ấy gợi buồn. Nhưng không buồn, làm sao rứt áo ra đi ? Rứt áo ra đi, mới biết có tự do, biết mình là CÁI gì chưa bị xay thành bột. Thi sĩ là kẻ lên đường...

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng
Gọi đò một tiếng lạnh hư không
Tĩnh mịch

Ý thức hệ và triết học đã chết ở Tây phương, tiếc thay cái đà vọng ngoại nhị nguyên vẫn còn quay tít ở Việt Nam ! Khiến người thơ lâm lụy :

Nước chia đôi nhà cũng chia đôi
Anh nam em bắc bạn phương trời
Sụt sùi dòng thu

Nước loạn đã không tài cứu nước
Thân già chưa sẵn chước an thân
Bờ chia thế hệ thêm heo hút
Ruột rút văn chương lắm ngại ngần
Bên sách

Khiến hồn thơ quạnh quẽ :
Thôi đừng thắp nến chi thêm lệ
Giếng ngậm trời khuya trăng chứa chan
Tiểu hàn

Giọt nến như lệ chảy dưới ánh sáng bập bùng. Trăng chứa chan trời, song lòng giếng thẳm đành ngậm mối cảm thông trong âm u. Như Quách Tấn giữa quê quách hoang vu :

Mưa tạnh non cao đọng bóng chiều
Tiếng chuông chùa cổ vọng cô liêu

Đá hẹn : mùa rêu xanh nấn ná
Lòng quê : dặm bấc thẳm đìu hiu
Sau mưa

Sống tải vào mối chờ mong. Dù nỗi chờ mong tối hậu Quách Tấn đã đạt : lòng mình, áo mình không nhàu bẩn trước cuồng phong :

Những mong vận hạn khi qua khỏi
Áo đắp tâm tư nếp chẳng nhàu
Vô đơn chí

“Thi sĩ là người đứng mãi trên núi cao, bên sông nước gọi đò. Thi sĩ làm gạch nối cho sinh diệt chuyền hơi hiện hữu. Người thi sĩ đứng đó, dưới hố bom, bên làng cháy, giữa cuộc tình duyên hay chết chóc, để thiên đàng và địa ngục khỏi nghiêng lệch. Để thiên đàng và địa ngục chỉ là ý niệm. Vì sự sống mới là hơi thở tồn sinh. Tồn sinh thơ”.

Mấy dòng trên tôi viết trong bài giới thiệu Quách Tấn đăng ở tạp chí Văn số đặc biệt về Quách Tấn phát hành tháng 9.1970 tại Saigon. Nay xin chép lại làm mộ chí nơi tâm tưởng cho thi hào Quách Tấn, cùng mọi thi sĩ đã vượt thoát chốn trần gian.

THI VŨ
Paris, 4.1.1993
(trích “Gọi Thầm Giữa Paris” sắp tái bản)


[1] Khởi đầu tác giả đặt tên “Sau Mùa cổ Điển”. Nhân đọc bài Vô Đơn Chí tôi rút ba chữ “Áo đắp tâm tư” xem như hợp với hồn thơ Quách Tấn, viết thư đề nghị và đã được Quách Tấn đồng ý qua thư ngày 22.5.92.

[2] Thảo nào, đàn em văn nghệ của Tố Hữu nằm trong đài Việt ngữ RFI Pháp nhận được tin Quách Tấn qua đời, vẫn không loan tin, dù dư giờ ra rả chuyện “hòa hợp hòa dởm dân tộc”, chuyện văn học hợp lưu, dù vẫn ra rả chuyện các nhà văn Hà Nội.

[3] Trước nhà thi sĩ ở Nha trang ngày xưa có đầm nước gọi đầm Xương Huân, sau này thị xã lấp đất xây chợ.

[4] Chế Lan Viên có thể là một trong những kẻ trí này. Chuyện sau đây có thực. Chế Lan Viên là bạn tâm giao, là em kết nghĩa của Quách Tấn. Hai người xem nhau như ruột thịt. Thế mà sau 1975, khi Chế Lan Viên đến Nha Trang diễn thuyết. Được tin, dù không được mời Quách Tấn vẫn đi nghe, đứng chờ ngoài cửa đón thăm. Nhưng Chế Lan Viên lướt qua thấy Quách Tắn, chỉ nói hai chữ Pháp : “C’est toi!” (Bạn đó à!) rồi đi thẳng, không hỏi han thăm viếng.

Vào những năm 1968, Chế Lan Viên đi công tác tuyên truyền sang Paris. Tôi vì mối tình với Quách Tấn ngỡ họ là anh em, nên bắn tiếng qua ông ông Trần Văn Khê xin gặp thăm riêng Chế Lan Viên. Chế từ chối, dặn rằng muốn gặp thì đến hội trường Maubert nơi ông diễn thuyết cho Hà Nội. Tôi không đến, tuy nhờ ông Khê trao tặng Chế hai tập « Mộng Ngân Sơn » và « Đọng Bóng Chiều » của Quách Tấn. Cũng qua ông Khê, Chế nhờ nhắn với Quách Tấn là : « Vẫn nhớ thương nhau như xưa. Hồi qua Trung quốc có hái 3 lá liễu ở Hàng Châu chờ ngày đoàn tụ trao nhau ». Thuở ấy tôi xúc đụng chân tình và nhân đạo của một thi sĩ dù đã theo Cộng sản. Sau 75, tôi hỏi Quách Tấn, thì anh chưa bao giờ thấy mặt 3 lá liễu !

Một Phật tử đi nghe Chế Lan Viên về khen hết lời với tôi vì câu nói của Chế : « Trên chiến hào, dưới trận bom, tôi luôn mang trong người cuốn kinh Lăng Nghiêm ». Số là thời ấy phong trào Phật giáo tại miền Nam là lực lượng lớn cộng sản cần ve vãn. Tôi nhớ làm phiền lòng người Phật tử khi phản ứng : « Coi chừng mưu mô Việt Cộng ! ». Hoá ra mưu mô thật. Với người Cộng sản duy vật và duy lợi, thì lá liễu, thi ca, tình nghĩa… tất đều như món hàng trao đổi, hầu thu vét cho đấng Chí Tôn là Đảng.

[5] Tiếp Dư người nước Sở, giả cuồng để được sống yên ổn, đời gọi là Sở Cuồng. Quảng Thành là một cao nhân đời Đường, sống an nhàn trong xã hội, nhiều khi ra ngồi giữa chợ xem bói xem tướng hầu tìm người tài đức.

[6] Tên là Giang Yêm, lúc trẻ nằm mộng thấy hoa nở nơi đầu ngọn bút. Từ ấy văn chương ngày càng rực rỡ. Lúc tuổi già, mộng thấy một bà lão đến đòi hoa đã cho mượn. Từ đó văn chương suy sút dần.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015