SỐ 65 - THÁNG 2 NĂM 2015

NHỮNG CON CÁ CỦA GIÀ SAM

SONG THAO

Thường tối thứ sáu tôi hay ra ngồi ở Tim Hortons. Cà phê cà pháo cuối tuần. Gọi là cà phê nhưng tôi là người ngoại đạo, có bao giờ có ly cà phê trước mặt đâu. Thường chỉ là ly trà nhạt nhẽo vô duyên gọi cho lấy có. Hai vỉ sữa nhỏ kèm theo ly trà chẳng bao giờ tôi dùng tới. Tưởng là thứ đồ bỏ ai ngờ lại là một thứ mồi câu tốt. Con cá cắn câu là già Sam.

Ông già ngồi một mình nơi chiếc bàn nhỏ ở góc phòng lệch thệch bước qua bàn tôi.

'' Chú mày không dùng cái này à?''

Tôi lắc đầu, mắt vừa rời khỏi cuốn sách.

'' Uống trà đường thôi à?''
'' Cũng không đường nữa.''

Mắt già Sam nhướng lên.

'' Uống trà không? Tao chưa thấy ai uống như chú mày. Mà vậy cũng được. Tao thầu thứ này nghe?''

Chỉ chờ cái gật đầu của tôi, già Sam kéo trong túi áo vét ra chiếc bao nhựa nhàu nát, cẩn thận bỏ hai vỉ sữa vào, nhét lại sâu trong túi áo.

'' Để uống cà phê buổi sáng, đỡ phải mua.''

Chiếc bao nhựa vừa chui vào túi áo bên trái, già Sam lôi từ túi bên mặt ra một bao nhựa khác, tay run run nhón ra một tấm hình cũ kỹ vàng khè đưa cho tôi.

Tôi lơ đãng cầm tấm hình, chưa biết là hình gì, già Sam đã nhoẻn miệng cười giơ ra một đống lợi.

''Tao đấy!''

Tấm hình chụp trên một con thuyền câu, già Sam đang xách trên tay một con cá khá lớn. Già nói tên một loại cá. Tôi nghe bằng đôi tai lơ đãng.

'' Chú mày có biết con cá nặng bao nhiêu không? 23 kí 257 gam.''

Bằng vào nước ảnh nhạt thếch, bằng vào tấm hình không phải màu mà là trắng đen, bằng vào anh chàng cầm con cá có bộ râu cá chốt trẻ trung, tôi biết tuổi của tấm hình chắc cũng đã xưa lắm. Vậy mà còn nhớ tới từng gam sức nặng của con cá, cầm chắc đây phải là một thành tích huy hoàng.

'' Chắc đây là con cá lớn nhất ông câu được phải không?''

Già Sam gật đầu.

'' Phải vất vả lắm mới lôi nó lên được. Kéo vô, buông ra cả nửa tiếng cho nó mệt, rồi nhờ bạn bè giúp một tay chứ dễ dàu gì!''

Mắt già Sam nhíu lại xa vắng. Khuôn mặt nhăn nheo giãn ra. Cả khuôn mặt như biết cười. Tôi thổi phồng niềm vui của một người chắc rất hiếm niềm vui.

'' Cả đời người đi câu chắc chi có một lần vớ được chú cá như thế này. Ông hên lắm đấy!''

Già Sam vỗ vai tôi đốp một cái. Nghe vậy nhưng cái vỗ nhẹ hều. Giọng nói leo lên hết cỡ.

'' Chú mày nói một câu nghe được quá!''

Mấy ông già bà cả ngồi quây quần quanh mấy chiếc bàn kế cận quay sang nhìn. Một ông giơ ngón tay cái lên, nheo mắt với tôi, nói vọng sang.

'' Hình con cá phải không?''

Mọi người cười ré lên. Chắc già Sam đã triển lãm lưu động tấm hình này cùng khắp rồi. Con cá mấy chục kí đã nuôi được niềm vui của già dễ cũng đã được mấy chục năm. Già Sam quắc mắt nhìn lại đám người hẳn nhiên đã là những khán giả bất đắc dĩ của cuộc triển lãm thường trực của già.

Tiệm nằm trong một khu bình dân có nhiều người già cả cư ngụ. Mỗi tối thứ sáu họ tụ tập nhau chuyện vãn, đánh cờ, đánh bài ầm ĩ. Mấy cô cậu sinh viên hẹn nhau ra quán làm bài phải trấn thủ trong một góc xa tít tránh cái ồn ào của những người có bệnh lãng tai khá nặng. Bạn bè tôi lại ưa chiếm cứ chiếc bàn sáu chỗ ngồi kế bên đám già nhiều tiếng động. Chẳng là có mấy ông bạn là những ống khói tàu không mệt mỏi nên đành phải ngồi trong khu được phép hút thuốc. Mà già cả, ai lại chẳng hút thuốc. Không hút thuốc biết làm gì cho hết giờ chờ chuyến bay cuối cùng về cái miền xa lắc xa lơ chẳng ai muốn tới.

Già Sam là một người giận lâu. Tiếng cười cợt của đám già đã cản đường về của già. Mấy ông bạn tôi chưa thấy ông nào rời vợ ra được nên tôi ngồi trơ một mình với cuốn sách. Cũng tiện cho già Sam ngồi nán lại ba hoa về cá với tôi bằng cái giọng khao khao mệt mỏi. Tôi nghe bằng một tai , thầm thương cho nỗi cô đơn xa bày của một lão già cố chấp. Độc thoại mãi chắc cạn hết nước miếng, già Sam đưa tay chùi miệng hỏi.

'' Chú mày có bao giờ đi câu chưa?''

Ánh mắt nheo nheo bắn bắn như có điều giễu cợt. Ra cái điều tay tổ đang hách xì xằng với một tay mơ. Tôi không ưa cái vẻ trịch thượng què quặt đang run lẩy bẩy trước mặt. Tôi nhếch miệng cười. Như một võ sĩ đang tinh quái dấu nghề trước một địch thủ tưởng có thể ăn tươi nuốt sống mình được. Tôi vứt ra một câu lãnh đạm.

'' Câu như ông ấy à?''

Đôi mắt quấn lấy tôi như mắt rắn thôi miên con mồi ánh lên vẻ thách thức cùng với cái gật đầu nhẹ nhưng đầy đe dọa.

'' Vậy thì chưa.''

Già Sam ngửa người ra ghế thú vị. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu gân cốt của con rắn anh chị bỗng giãn ra ngơi nghỉ. Hóa ra chú mày cũng chưa được là một thứ tay mơ nữa. Vẻ kẻ cả lộ liễu của già Sam trông dễ giận. Tôi nhẩn nha.

'' Quăng sợi giây câu ra xa rồi quay cho chiếc mồi nhảy dần về phía mình một cách cầu may như vậy cũng gọi là câu à?''

Già Sam nghênh mặt.

'' Chứ sao? Không câu thì là cái gì?''

Tôi buông thõng.

'' Là đánh bạc cầu may. Như anh mù quờ quạng may ra mới vớ được một chú cá. Lập đi lập lại mãi một động tác. Chán phèo!''

Hai tay tì vào thành bàn, già Sam dí mũi vào sát mặt tôi, chiếc bàn xộc xệnh di chuyển phát ra tiếng kêu kèn kẹt.

'' Chú mày chưa bao giờ được sờ tay vào chiếc cần câu, đừng nói thánh nói tướng. Cứ giật được một con cá chỉ bằng nửa con cá của tao thôi thì chú mày mới biết. Thiên đường nằm trong cái nằng nặng của đầu cành câu. Chưa biết thì đừng mở miệng!''

Động tới cái đạo cá của ông già này là điều không thể tha thứ được. Biết vậy nhưng tôi vẫn điềm nhiên giỡn với lửa.

'' Ai bảo ông tôi chưa sờ tay vào chiếc cần câu?''
'' Thì chú mày vừa mới nói xong đó.''

Chẳng cần chi phải gân cổ với ông già năng nổ này, tôi tỉnh bơ.

'' Tôi nói là tôi không câu giống kiểu của ông chứ tôi có nói là tôi chưa đi câu bao giờ đâu.''

Mặt già Sam đanh lại, đôi mắt gân guốc thách đố.

'' Chú mày câu ra sao, nói tao nghe coi!''

Chẳng hứng thú đối đầu với một ông già khó thương, tôi định đuổi ông về với bày già của ông để tiếp tục đọc nốt những trang sách dang dở, nhưng trông cái bản mặt sừng sộ của già Sam dễ ghét quá, tôi húc đầu.

'' Tôi chẳng câu sông câu biển, tôi chỉ câu ở ao từ hồi niên thiếu.''

Già Sam cướp lời tôi.

'' Ao nhỏ xíu ấy à? Chắc đứng bên bờ này liệng, giây câu dám nằm trên bờ bên kia lắm đấy nhỉ?''

Câu nói mỉa mai chỉ đủ cho tôi cười khẩy.

'' Ông không biết thì chịu khó ngồi yên tôi nói cho mà nghe. Đâu có phải câu là phải lên gân nách liệng giây cho xa. Cành câu của tôi chỉ là một đoạn tre nhỏ cột một sợi giây cước, đặt xuống nước câu. Chẳng tốn kém bao nhiêu. Nhưng ông để cho tôi nói có đầu có đuôi về cái thú đi câu của tôi. Trước hết phải tìm một chỗ ngồi tốt, có bóng cây hoặc bụi tre cho bóng mát, mở hộp thính ra. Ông có biết thính là cái gì không? Là gạo rang cháy lên giã nhỏ thành bột, thơm phải biết! Vát một chút nước, nhồi thính với nước thành những cục nhỏ bằng đầu ngón tay, ném xuống chỗ nước sẽ đặt cần câu. Chờ một lúc, cá ngửi thấy mùi thơm sẽ bơi tụ lại cả đàn. Muốn biết đàn cá đã quẩn quanh giữa đám thính chưa chỉ cần nhìn những bọt nước nổi lên. Càng nhiều bọt đàn cá càng đông. Lúc đó mới đặt cần câu xuống. Thứ cá tôi câu là cá diếc, chỉ thích mồi bằng giun đỏ. Những con giun mỏng manh như một sợi máu được ngắt đôi ra, xỏ vào lưỡi câu, cái đầu hay cái đuôi ló ra ngoài ngoe nguẩy kéo cái nhìn của mắt cá. Giữa giây câu có một chiếc phao làm bằng lông ngỗng hoặc lông ngan, lông vịt, lông gà cũng được. Nhưng lông ngỗng là tốt nhất. Chiếc phao dài cỡ hai đốt ngón tay, được canh theo độ sâu của nước. Canh cho chiếc phao nằm chổng đứng lên trời là mồi giun vừa nằm sát dưới đáy ao. Cá tìm ăn trên bùn, dễ chú ý tới chú giun động đậy, đớp mồi ngay tức thời. Khi mồi vừa chui vào miệng cá, cá nghếch miệng lên nuốt, chiếc phao sẽ bềnh lên nằm ngang trên mặt nước. Đúng lúc đó, búng nhẹ đầu cần câu, lưỡi câu sẽ dính vào môi cá. Phút này mới là phút sinh tử, câu nghề hay không là ở phút này. Cái búng phải thật nhẹ nhưng cũng phải vừa đủ cho lưỡi câu xuyên thủng môi cá. Búng xong phải nhẹ nhàng và khéo léo rút thẳng giây câu lên liền. Không được chậm trễ một giây. Nếu chậm để con cá vùng vẫy sẽ làm náo động xua cả đàn cá đi. Nhấc giây không nhẹ nhàng và khéo léo cũng làm hoảng sợ đàn cá và chúng sẽ bỏ chạy tứ tán hết. Làm sao lôi được chú cá mắc mồi lên mà làn nước không xao động mạnh, đàn cá vẫn không biết gì mới là câu nghề. Gỡ chú cá ra, mắc mồi khác, thả giây câu xuống, lôi chú cá khác lên. Cứ như vậy là câu lên hết cả đàn cá không sót một con. Khi thấy hết tăm cá thì bỏ qua chỗ khác, ném thính nhử một đàn cá khác.''

Mặt già Sam căng lên, môi thõng xuống, mắt dán vào miệng tôi. Chuyện câu cá đầy nghệ thuật của tôi coi bộ hấp dẫn. Tôi dứt câu mà cái mặt hóng chuyện như vẫn chưa hồi tỉnh. Già Sam giật mình khi chiếc gậy dựng vào mép bàn rớt xuống đất. Tôi cúi nhặt chiếc gậy lên, chống nghiêng vào chỗ cũ. Già Sam ôm lấy đầu gậy.

'' Câu như vậy đâu có phải là thể thao. Thì cũng thú đấy nhưng tao thấy không đã. Câu như tao sinh động hơn. Mà này, cá của chú mày câu được bao lớn vậy?''

Tôi giơ bàn tay ra.

'' Lớn nhất cũng cỡ bàn tay này.''

Già Sam bĩu môi.

'' Vậy thì tạo kỷ lục với ai? Thứ nhãi ranh đó có câu cả trăm con cũng chẳng ra gì. Gặp tao thì vứt toạch xuống nước như liệng một cọng rác! Chẳng lẽ chụp hình với con cá nằm gọn thon lỏn trong lòng bàn tay!''

Tiếng cười sảng khoái của già Sam nghe khùng khục như tiếng nước chảy tức tưởi trong lòng ống nhỏ hẹp. Nghe dễ giận. Tôi nổi nóng ngang xương.

'' Cần gì chụp hình. Cá ngon là được rồi. Cá diếc nấu gì cũng ngon!''

Già Sam trợn ngược mắt lên.

'' Mày ăn những con cá mày câu à?''

Tôi vênh mặt lên.

'' Ngu gì mà không ăn. Câu một buổi ăn cả tuần không hết.''

Chân tay già Sam run lên, máu kéo lên mặt đỏ rần, bàn tay chống trên chiếc gậy quắp lại, cần cổ chằng chịt những đường gân vươn lên theo tiếng hét giật giọng.

'' Mày ác lắm!''

Cả thân hình run run vịn vào chiếc gậy đứng lên. Tôi ngồi chết trân trên ghế ngẩn ngơ chẳng biết phản ứng ra sao. Cái lưng già Sam quay ngoắt đi trong khi cặp mắt đỏ ngầu còn cố đốt khuôn mặt ngơ ngác của tôi bằng cái nhìn sắc lẻm.

Mấy cái thứ sáu tiếp theo, già Sam làm ngơ như không biết có tôi trong quán. Có chăng chỉ là những cái liếc mắt bực bội vội vàng những lúc tôi vô tình đụng vào đôi mắt trì chiết của già. Cái tội ăn những con cá diếc câu được của tôi xem ra là tội nặng đáng quăng xuống sông xuống biển. Mấy ông già thường có những cái chướng ngang xương. Đây chắc chẳng qua cũng là một kiểu chướng. Tôi tặc lưỡi cho qua. Chấp chi cái dáng xiêu vẹo ngật ngưỡng đó!
Một tối thứ sáu, tôi đang đứng ở quầy mua ly trà như thường lệ thì già Sam cũng vừa tới đứng xếp hàng sau lưng tôi. Gáy tôi nhột nhạt. Chắc cặp mắt giận dữ đang như mũi tên lửa đốt phía sau tôi. Cầm ly trà, tôi nhích sang một bên. Già Sam mua một ly cà phê đen. Tôi trả tiền cả hai ly. Già Sam giơ tay lên định khoát đi nhưng rồi bàn tay riu ríu hạ xuống. Già nghiêng mặt nhìn tôi cười như có ý cảm ơn. Nhìn cái dáng lẩy bẩy trên chiếc gậy chống tiến lại phía bàn tôi, tôi biết đã mua được cơn giận của già Sam bằng một giá hời. 79 xu cộng thuế.
Cái miệng móm mém xã giao.

'' Chú mày khỏe không?''

Tôi gật đầu.

'' Khỏe! Còn ông cũng khỏe chứ?''

Già nhăn nhó.
'' Khỏe gì nổi! Trời trở là mình trở theo. Mấy hôm nay, tao đau ê ẩm cả người. Mẹ kiếp, như cả xương cốt lẫn thịt gân hè nhau hành hạ tao. Tuổi già ấy mà! Mặc xác nó. Nó không điệu với mình thì cứ quên béng nó đi - già Sam cười khục khục - Vậy mà nó cứ gõ vào đầu mình bắt phải chú ý tới nó. Chán lắm. Lúc nào chú mày già như tao mới biết. Ấy, cho tao xin lỗi, già làm chó gì cho cực!''

Tôi phì cười.

'' Cực hay không cực thì việc nó tới nó cứ tới chứ. Nó sợ chi mà không tới. Ông cản được nó à?''

Già Sam bày cả hàm răng thưa thớt ra, cười.

'' Không cản được nhưng khi nó tới thì mình chạy trốn. Như bà vợ tao ấy.''

Anh già này coi bộ cũng có khiếu tán dóc, tôi hùa theo.

'' Chắc bà ấy nhanh chân lắm.''
'' Chà! Còn phải nói!''
'' Bà ấy trốn ở đâu?''
'' Ngoài nghĩa địa ấy!''

Tôi không nhịn cười được trước bộ mặt tỉnh bơ của già Sam. Kể ra thì miệng móm đôi lúc cũng có duyên đấy chứ! Cái miệng vừa tếu xong bỗng xịu xuống ngon lành.

'' Bà ấy nằm xuống làm tao hụt chân hụt cẳng. Đang ra vào có nhau bỗng tao trơ thân cụ ra một mình. Căn phòng rộng hẳn ra, lạnh như một nhà mồ. Buồn thối ruột ra chú mày ạ.''

Già Sam nghiêng người thọc tay vào túi. Chắc lại tìm tờ giấy lau. Tôi mềm lòng, lúng túng chờ đón một tình huống bi thương. Nhưng già Sam lại lôi ra chiếc bao đựng hình ảnh. Tôi chong mắt ngỡ ngàng. Lại hình con cá nữa sao? Già Sam run rảy lôi ra một tấm hình đưa cho tôi. Phúc bảy mươi đời! Hình một người đàn bà tươi tắn, có nụ cười hiền dịu và đôi mắt thông minh. Tôi ngước mắt lên dò hỏi.

'' Vợ tao đấy.''

Mùi ngậm ngùi tan vào giọng nói trầm trầm thảm thương.

'' Bà ấy mất hồi nào vậy?''
'' Mới hơn một năm. Cũng đủ cho tao thấu được nỗi cô đơn đứt ruột.''
'' Tôi xin lỗi đã khơi lại chuyện buồn của ông.''
'' Lỗi phải gì! Cứ trút được chút nùi tâm sự với ai là tao thấy khuây khỏa được một chút. Này...''

Già Sam ngập ngừng. Trước mặt tôi là một đống cô đơn vừa lên men. Hai bàn tay gày guộc úp lên nhau chống trên đầu gậy, chiếc má nhăn nheo ngoẻo qua một bên tì lên tay. Đôi mắt ráo hoảnh nhưng toát ra một vẻ cầu khẩn thiết tha. Tôi lắng tai chờ già Sam nói tiếp.

'' Chú mày có rảnh không? Lúc nào cũng được.''

Tôi ngạc nhiên.

'' Làm chi vậy?''
'' Tới thăm mộ của tao một chút cho biết.''

Tôi nhướng mắt không tin ở tai mình.

'' Mộ ông?''
'' Ừ! Mộ hay nhà cũng thế thôi. Lạnh lẽo như nhau. Tới nhé!''

Chỗ buồn tình như vậy mà rủ nhau tới làm chi. Ông già này thiệt! Bụng nghĩ vậy nhưng đầu tôi gật lúc nào chẳng biết. Sao cái mặt già Sam thảm hại đến phiền, lắc cái đầu chẳng được.

Nhà dành cho người già là một khu nhà bề thế chiếm trọn bốn góc phố, cao chắc cũng cả chục tầng lầu. Tầng dưới cùng là một dãy cửa hàng cung cấp đủ các dịch vụ thông thường cho người già. Mỗi cửa hàng chỉ chiếm một diện tích khiêm nhượng nên hàng hóa bày bên trong chen lấn nhau chật chội. Bánh kẹo, sách báo, thuốc men, hớt tóc, uốn tóc, sửa quần áo, sửa giày dép, giặt ủi... dĩ nhiên là có rồi. Nhưng chỗ bán hoa,sửa móng tay, tóc giả cho các bà xí xọn cũng có nữa. Nói chi tới quầy chỉ dẫn các dịch vụ cho người già của nhà nước. Cuối dãy là đường xuống métro giúp các ông các bà dễ dàng đi đây đó khắp thành phố. Tôi ghé mua một hộp chocolat rồi vội bấm nút chờ thang máy. Giở tờ giấy ghi địa chỉ già Sam cho bữa trước coi lại. Phòng 808. Tôi đã cẩn thận điện thoại trước, chắc già Sam đang nóng ruột chờ. Tiếng gõ cửa vừa dứt đã nghe tiếng dép lệt xệt di chuyển bên trong. Cửa mở, mùi ẩm mốc lưu cữu xộc vào mũi tôi. Căn phòng lộn xộn dưới ánh đèn vàng nhệch. Giày tôi rít kịt trên sàn nhà chắc lâu ngày không lau. Tôi định thần ngó kỹ. Đủ thứ lỉnh kỉnh nằm xô bồ chiếm gần hết căn phòng khách. Chẳng thứ nào ra thứ nào. Tôi như đang đứng trong một nhà kho lủng củng.

Già Sam kéo ra một chiếc ghế, miết tay lên mặt ghế, giơ sát vào mắt nhìn, chùi vào ống quần, mời.

'' Chú mày ngồi tạm xuống đây. Nhà không có đàn bà như nhà vô chủ. Lộn xộn vô kể. Tao thì vật vờ như một con ma. Có chỗ chui ra chui vào là được rồi. Dẹp làm chi cho khổ cái thân. Cà phê nhé? Quên, chú mày thì cà phê nỗi gì! Trà thì tao không có. Uống tạm miếng nước lạnh vậy. Nước ngọt, bậy quá, tao lại không uống. Uống vào nó cứ đưa lên cổ chịu không nổi.''

Tôi đưa mắt về một góc phòng. Chắc cũng cỡ hai chục cái túi gói hàng của các siêu thị căng phồng những vỏ lon nước ngọt nằm chồng chất lên nhau. Già Sam nhìn theo ánh mắt tôi, phân trần.

'' Chú mày đừng có nói là không nghi ngờ tao nghe! Đống lon đó không phải tao uống đâu. Có là bụng ngựa mới uống dữ như vậy. Tao lượm đó. Buồn tình chẳng biết làm gì, tao lang thang ngoài đường, thấy lon thì lượm. Chất đống đó. Tiền không đấy! Chú mày tính, năm xu một lon chứ ít sao. Mười tám lon là một ly cà phê. Bốn mươi bảy lon là một túi bánh mì. Năm mươi ba lon là một hộp sữa hai lít - già Sam tinh quái quay sang tôi - Còn hộp chocolat chú mày mang tới cho tao đây, không biết bao nhiêu lon?''

Tôi cười xòa xí xóa những con tính tội nghiệp.

'' Chẳng có lon nào cả, ông ơi. Con nhỏ bán hàng ở dưới nhà nó cho không tôi đó.''

Cổ họng già Sam khục khục tiếng cười.

'' Con nhỏ đó xinh đấy chứ. Cạn láng như tao mà mỗi khi đi ngang vẫn phải quay đầu vào ngó một cái mới yên tâm. Chú mày có duyên nhỉ?''

Mắt già Sam như có thần khí óng ánh hẳn lên. Tôi chép miệng.

'' Duyên gì đâu mà duyên. Tôi bảo nó là tôi mua cho ông Sam trên lầu 8 là nó chối đây đẩy không chịu lấy tiền.''

Già Sam khoái chí vỗ đùi cười rung cả người. Chiếc miệng trễ ra quá lố không kịp ngăn được dòng nước dãi chảy qua khóe mép. Già vội đưa tay quẹt rồi lau vào vạt áo. Tôi ngó lơ qua chỗ khác.
Giá Sam lệch thệch đứng dạy rủ.

'' Vào đây. Tao cho chú mày coi cái này.''

Căn phòng ngủ nhỏ nhắn sáng trưng. Một dãy ba hồ cá lớn nằm nối tiếp nhau chiếm cả một vách tường. Đèn đuốc ánh từ trong nước ra làm rực sáng một phía phòng. Dãy hồ cá sạch bóng. Có lẽ cà nhà chỉ có chỗ này được già Sam bỏ sức ra chùi. Chiếc giường ngủ nằm ở phía vách đối diện trông tang thương bề bộn. Một chiếc ghế đu nằm ngăn giữa chiếc giường và dãy hồ cá có hai tay dựa bằng gỗ lên nước bóng loáng. Già Sam chỉ chiếc giường bảo tôi ngồi. Già thượng ngay vào ghế, đu đưa ngắm bày cá đang lội tung tăng. Mỗi hồ là một loại cá. Loại nào cũng đẹp, uốn lượn mềm mại. Già Sam không rời mắt khỏi những con cá dễ thương, cất tiếng hỏi.

'' Chú mày thấy đẹp không?''

Ngắm bày cá nhịp nhàng theo nhau luồn lách qua những viên đá và cây cối chìm sâu trong nước được ánh sáng soi rọi sáng trưng, tôi quả thấy mê mẩn thú vị.

'' Đẹp thiệt! Tôi thấy ít ai mê cá như ông.''
'' Ai không mê cá là mất một cái thú lớn trên đời. Tao không bao giờ chán nhìn cá nhởn nhơ trong nước. Nó có cái vẻ lạ lắm. Vừa như một tiếng reo vui, vừa như một bức tranh ngoạn mục lại vừa như có cái tự do lơi lả. Nó là một sự kết hợp tài tình làm mát con mắt, thoải mái tâm hồn và khoan khoái con người. Tao mê cá từ hồi nhỏ và chắc sẽ còn mê cho tới ngày xuống lỗ. Ngày đó chắc chẳng còn xa đâu. Tao sẽ để di chúc cho chú mày mấy hồ cá này nghe.''

Giọng nói thì ngậm ngùi mà ánh mắt già Sam thì tinh ranh nghịch ngợm.

'' Ông không còn ai thì để tôi nối nghiệp cho. Nhưng còn ngon như ông thì chắc tôi còn phải dài cổ mới ôm được mấy hồ cá này về.''

Già Sam buồn bã.

'' Trước sau gì thì cũng tới lúc thôi. Bà này đã bỏ đi, bà kia cũng vậy.''

Tay già Sam chỉ lên những tấm chân dung treo trên vách tường. Hình vợ ông thì tôi đã biết. Còn người đàn bà có mái tóc ngắn, bờ vai tròn trĩnh, mặc chiếc áo tay bồng phô ra cánh tay săn chắc trên vách bên trên chiếc hồ cá nằm chính giữa kia thì tôi chẳng biết là ai. Già Sam thấy tôi nhìn tấm hình, ngước mắt chăm chăm nhìn theo.

'' Mẹ tao đó. Bà chết thảm thương lắm!''

Tôi ngồi im lặng không muốn làm xao động nỗi buồn đọng trong đôi mắt xa vắng của già Sam. Bày cá vẫn lượn lờ theo nhau tạo thành những hình thể bắt mắt. Giọng già Sam đều đều rầu rĩ.

'' Mẹ tao bị lùa đi cùng với đám đàn bà trong thành phố. Tao bất lực núp ở một bụi cây nhìn ra. Đoàn người di chuyển như một đàn cá. Không hiểu sao lúc đó tao không nghĩ tới một đàn cừu, đàn nai mà lại nhìn ra như một đàn cá. Có lẽ tao bị ám ảnh bởi cái thú coi cá lượn lờ trong hồ từ hồi nhỏ. Cũng có lẽ tao thấy mẹ tao đẹp như một con cá tao say mê ngắm nghía nhất. Cũng có lẽ tối hôm đó trăng sáng, gió lộng, vạt áo của đám đàn bà bị lùa đi vẫy vùng như những đám vây cá yểu điệu, như những chiếc đuôi cá mềm mại lững lờ theo dòng nước. Và đàn cá tội nghiệp đó đã bị lùa vào lò hơi ngạt, chẳng bao giờ bơi ra được nữa!''

Mặt già Sam căng lên, tròng mắt như muốn nhảy ra, hơi thở hổn hển. Tiếng la như muốn kéo tai tôi ra.

'' Tụi Quốc Xã ăn thịt đàn cá mẹ tao! Mày biết không, chúng nó ngấu nghiến ăn thịt mẹ tao!''

Tôi rùng mình. Sống lưng tôi nổi gai. Mặt mũi tôi như bị dán kín cặp mắt đọng máu của già Sam. Bềnh bồng trong tôi những con cá diếc thời niên thiếu.

Song Thao

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015