SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

Chuyến Vượt Khổ Sau Cùng

Đường Du Hào

Tháng Tư, trời đất chuyển mùa. Những ngày trời mây xám và lạnh lẽo đi qua nhường chỗ cho nắng ấm. Tháng Tư, mùa hoa tố quyên của Tiểu Bang Washington nở. Trên con dốc-Dốc Gió, Windy Hill-đường 240, Thành Phố Kent, hoa đủ cỡ lớn nhỏ, đủ màu đỏ vàng tím đua nhau phô sắc. Đủ giống, đủ nguồn như cư dân trong xóm: Ấn, Thái, Miên, Việt, Tàu… trà trộn sống đua chen vui vẻ trong một trật tự theo luật định một cách yên bình. Họ đến đây mỗi người một hoàn cảnh, mang theo một câu chuyện bên trong-đằng sau, tùy góc độ gần gũi, trong cuộc hay ngoài-dẫy đầy hạnh phúc và chất ngất bi thương. Như họ, tôi cũng có một giai thoại, giai thoại của tôi-mà có lẽ của hầu hết những người Việt sống quanh đây-gắn liền với tháng Tư, Ba mươi tháng Tư. Ngày này đất nước tôi, Việt Nam Cộng Hòa chính thức bị xóa mất trên bản đồ thế giới.

Tháng Tư năm nay là ngày kỷ niệm-nhiều người gọi là Ngày Quốc Hận-đánh dấu bốn mươi năm tròn ngày tôi trôi dạt ra khỏi nước Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên phần đầu của đời tôi. (Phần đầu vì khi rời quê hương đất mẹ tôi vừa qua cái sinh nhật thứ hai mươi sáu). Lịch sử của đất nước cũng là một tập hợp, gom góp của nhũng sự kiện xảy ra trong cuộc đời từng cá nhân. Một sự thật đáng gìn giữ. Do đó, tôi quyết định ghi lại đây những thời khắc, những đoạn đường tôi đã đi qua, chi tiết và trung thực, trong hành trình vào Nam cuối cùng của bốn mươi năm trước.

Tháng Hai, 1975 tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Giang Pháo Hạm HQ329, sau gần hai năm phục vụ tại Hải Đội 2, Duyên Đoàn 22 Duyên Phòng, trong Bán Đảo Cam Ranh. Nhiệm vụ của HQ329 là hộ tống các thương thuyền đi từ Việt Nam qua Campuchia trên dòng Cửu Long từ cửa biển Định An-Sông Hậu đến biên giới, Quận Tân Châu-Hồng Ngự. Sau khi hoàn tất chuyến đi cuối cùng, HQ329 được lệnh cặp Bến Chương Dương, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Sài Gòn trên lịch đại kỳ, sửa chữa toàn diện.

Trung tuần tháng Ba, 1975 tin chiến sự nóng hổi tràn ngập, tới tấp hàng ngày từ radio, đài truyền hình, báo chí. Đài BBC cho biết lãnh thổ Ban Mê Thuột đã rơi vào tay cộng sản, Bộ Tư Lệnh Cao Nguyên Pleiku đã di tản chiến thuật rút xuống Thành Phố Nha Trang. Trung Đoàn 53 của Sư Đoàn 23 Bộ Binh tan rã, binh lính các cấp tan hàng trong đó có anh tôi, Hoàng, không tin tức và chẳng biết sống hay chết. Cũng theo đài BBC, Thành Phố Quảng Trị không còn dưới sự kiểm soát của chính phủ, hỗn loạn. Chính quyền và những cơ chế dân sự hay bán quân sự như Chiêu Hồi, Phượng Hoàng đã di tản. Dân chúng khắp nơi bỏ chạy tìm đường vô Nam. Có tin biên giới được vẽ lại, lằn phân ranh mới giữa hai miền đất nước sẽ vào đến tỉnh Bình Tuy.

Tin chiến sự Miền Trung càng lúc càng dồn dập, và nó trở thành câu chuyện trao đổi không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Trong một buổi cơm tối với vợ chồng anh tôi, Bình, Mai, và Chi, cô em út, chúng tôi rất lo lắng về hoàn cảnh của Má và Chị tôi ở Ninh Hòa, một quận lỵ nằm phía bắc thành phố Nha Trang, khoảng 35 cây số. Mấy anh em đưa đến quyết định phải tìm cách đưa hai người vào Sài Gòn trong lúc tình hình chưa đến nỗi bế tắc. Tôi sẽ đi làm nhiệm vụ đó bởi vì trong giai đoạn tàu đang sửa chữa, mặc dù tôi là một sỹ quan coi về tiếp liệu, nhưng cũng chẳng khác nào một công chức “sáng vác ô đi tối vác ô về”.

Với lý do này tôi trình bày và được vị Hạm Trưởng đồng ý ký giấy cho đi phép. Nhận giấy phép, tôi đến phòng Tiếp Vận Hải Quân xin phương tiện máy bay quân sự. Không như những lần đi phép trước, giấy xin của tôi được chấp thuận ngay trong ngày, không trở ngại!

Sáng ngày 28 tháng 3, tôi có mặt tại căn cứ Không Quân Biên Hòa. Chừng một tiếng đồng hồ sau tôi đã ngồi trên chiếc máy bay quân sự trên đường ra Nha Trang. Chiếc C-47 rộng thênh thang, ngoài tôi còn có một số hành khách dân sự mà tôi đoán là phóng viên chiến trường ngoại quốc ra Trung để lấy tin. Tôi ngồi kế bên một anh phóng viên người Đại Hàn.  Qua câu trò chuyện trên máy bay, tôi mới biết điều tôi đoán đã đúng. Cả hai sư đoàn Đại Hàn, Bạch Mã và Mãnh Hổ, đang giữ an ninh Quận Ninh Hòa và Thành Phố Nha Trang đều đã nhận lệnh rời vùng trú đóng để về nước.

Máy bay đáp xuống phi trường quân sự Nha Trang khoảng giữa trưa. Ghi nhận đầu tiên của tôi là phi trường đông đảo máy bay và lính tráng một cách lạ thường. Chánh, người con của Dì tôi ở Vạn Giã, cũng là một sĩ quan Không Quân, đến phòng đợi, rước tôi, đưa ra bến xe Ninh Hòa. Trên đường đi, tôi bất ngờ gặp một người bà con. Anh này mang cấp bậc Trung Tá, là Tham Mưu Phó Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Kom Tum. Anh cho biết BTL của anh được lệnh về Nha Trang tái phối trí. Như vậy tin đồn rút cao nguyên là có thật. Tôi hỏi qua về tin tức anh Hoàng, anh trả lời không biết, chỉ nói rằng đơn vị anh tôi đã bị tấn công, tràn ngập và tan rã.

Nha Trang, thành phố biển, thùy dương cát trắng của thời đi học, đẹp và thơ mộng, nhưng hôm nay đổi khác. Dọc con đường biển, dưới mấy hàng dương, lều trại mọc lên ngổn ngang, quần áo, chăn màn treo lung tung. Phố Nha Trang, trên vỉa hè đường Duy Tân khắp nơi đầy ắp người. Những tấm màn che tạm kín đầy công viên trước Phòng Thông Tin thành phố. Tình trạng ở xóm Sinh Trung, Hà Ra cũng không khác, kẻ đứng người ngồi, con nít bu quanh các vật dụng. Gồng gánh mang theo chất đầy cả trên lề đường. Tôi cảm thấy lo lắng, hối hả tạm biệt Chánh, đón xe về Ninh Hòa. Ngồi chờ có hơn một tiếng đồng hồ xe vẫn không có khách. Xe thì nhiều nhưng xe trống, không người đi. Phải mất mấy giờ sau anh tài mới gom đủ khách cho chuyến ra.

Cuối cùng thì chiếc xe cũng rời bến. Cây cầu Xóm Bóng nối liền Hà Ra qua Tháp Bà dài như không dứt, và cảnh chiều trên bến sông không một chiếc thuyền câu về bến. Ảm đạm, thê lương. Trời nắng nhưng biển không xanh. Xe tôi chạy vụt qua rồi quanh co vượt nhanh qua hai con đèo gió cũng rù rì như tên gọi. Tôi ngồi trên xe lắc lư, mắt nhìn cảnh quang hai bên đường dọc theo biển Đông đầu óc trống rỗng.

Lúc xe chạy ngang qua khu Hòn Sầm, tôi vô tình ngước nhìn về phía bãi tha ma nơi có hai ngôi mộ của Tía tôi và người anh thứ hai. Một ngọn gió chiều thổi lạnh từ hướng những ngôi mồ. Xe qua ngôi trường cũ. Hàng dương cao hai bên cánh cổng sắt đứng im lìm. Cây phượng đỏ e ấp những bông hoa học trò. Giữa sân trường, cây cột cờ chúng tôi chào mỗi sáng thứ Hai trong đồng phục nam trắng, nữ áo dài xanh cây, vắng bóng lá cờ vàng ba sọc đỏ. Rồi xe về đến Ngã Ba, trên con đường lên Dục Mỹ, trước sân vận động nhà của anh em Khoa Cử, nơi tôi nhiều lần ngủ lại để học thi, nhà của Gia, cô bạn thường mặc chiếc áo lạnh màu xanh lá mạ, đã chìm trong bóng chiều. Dọc theo con Đường Trần Quý Cáp, độc lộ xuyên phố chợ, nhà nhà cửa đóng kín. Im, vắng. Thứ vắng im rờn rợn da người.

Tôi xin bác tài cho xuống trước đồn G.I. nơi có cây bàng nhiều năm tuổi, lá to và cứng như chiếc quạt mo cau. Từ đây xuôi theo đường Võ Tánh về Xóm Rượu. Im lặng, ngột ngạt. Một cảm giác có gì đó chực chờ để bùng phát cũng có thể tắt ngúm. Một vài người lớn nhận ra tôi, phạc phờ trên gương mặt, hỏi cùng một câu tưởng như một lời trách nhẹ vào thời điểm đó: “Sao về lúc này?” và câu kế tiếp không khác một điệp khúc ngắn thay câu tạm biệt: “Có nghe tin gì không?” Hỏi xong là mau chóng nhanh bước không chờ câu trả lời.

Má và chị tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi đột ngột xuất hiện. Chúng tôi bàn đến việc đi vô Sài Gòn. Sau nhiều lần chần chờ, Má tôi đồng ý, không còn hy vọng gì ở anh Hoàng tôi trở về, sau lần đơn vị của anh bị tan tác. Nghe tin anh đã bị bắt làm tù binh rồi. Bữa ăn tối vội vã. Câu chuyện cũng mau và nhanh, gọn như những gì cần phải làm cho chuyến từ biệt ngôi nhà thân yêu này vào ngày mai. Má tôi hình như suốt đêm không ngủ. Bà trăn trở, nhiều lúc tôi nghe được cả tiếng thở dài.

Sáu giờ sáng ngày hôm sau, 30 tháng Ba, tôi không nghe được tiếng gàu khua vào thành giếng nước như bao năm qua. Cô Ba, người láng giềng và gánh bánh canh cua hôm nay cũng nghỉ việc. Phải là một sự kiện to tát lắm mới làm thủ tục này ngưng trệ. Hình như tôi lớn lên cùng tiếng khua của gàu múc nước mỗi sáng của Cô Ba. Nhà Má tôi và Cô chia nhau một giếng nước. Mặn ngọt nông sâu có nhau. Tiếng gàu khua từ lâu trở thành tiếng báo thức thay cho chiếc đồng hồ suốt thời tôi theo học ở ngôi trường công lập độc nhất trong quận lỵ.

Sáng sớm, chiếc xe thuê của một người quen đã nổ máy chờ trước nhà. Má tôi là người ra sau cùng. Bà cẩn thận khóa cửa. Trên tay mang theo hai tấm ảnh trên bàn thờ của Tía, và anh Hai tôi, anh đã chết trong lần Việt Cộng tấn công vào thành phố năm 1967. Cô Ba buồn bã đưa tay tiễn người bạn già xuống hết ba bậc tam cấp, nơi góc vôi bể lòi cục gạch. Lưu luyến kéo dài ra đến tận xe. Hai người bạn già thầm thì vài câu cần thiết trước chuyến đi xa.

- Tui gởi Cô Ba chìa khóa nhà. Thằng Hoàng nếu cao số, trời thương được che chở, sẽ trở về. Nhờ chị đưa nó chùm chìa khóa nhà. Gạo và đồ khô tui chứa tạm đủ dùng một thời gian. Nói giùm nó tui vào Sài Gòn lánh nạn.
- Chị Tám cứ yên trí. Chị đi bình an.
- Thôi tui đi nghe Cô Ba. Ở lại mạnh giỏi.

Chiếc xe lăn bánh, chạy lên hướng bờ dốc. Tôi ngoảnh lại nhìn cho đến khi cây trụ đèn trước nhà, bàn tay vẫy, và dãy hàng rào với hàng dâm bụt hoa chỉ vừa chớm nụ mất hút sau ngả rẽ.

Tôi nhất quyết đưa gia đình đi bằng máy bay vì hãng Hàng Không Việt Nam, Air Vietnam vẫn còn hoạt động. Phòng vé tại nhà Ga Nha Trang vẫn mở cửa làm việc, tuy có hơi đông đảo khác thường. Máy bay vào Sài Gòn vẫn thỉnh thoảng cất cánh, nhưng bay vô nhiều hơn ra. Và, để có một vé trên chuyến bay thì rất là gian nan. Phòng vé đông nghẹt người. Chen lấn. Người ta giành nhau từng chỗ đứng, từng tấm vé. Hình như mọi người bắt đầu nhận thức ra rằng đây là một phương tiện cuối cùng để vào được nơi bình yên. Người mỗi lúc một đông. Khoảng hai giờ trưa có tiếng nổ. Lớn, chát chúa. Một quả lựu đạn nổ tung giữa chỗ đông người. Ngay tức thì hỗn độn, xáo trộn xảy ra. Trật tự bị mất. Người mạnh ai nấy chạy. Tôi thoát ra ngoài đám đông, nhanh chân chạy về hướng phố. Một cảnh tượng không bao giờ có tại thành phố Nha Trang hiền hòa: tù nhân, từ các lao xá, còn nguyên áo quần tù chạy tới lui trên đường, nhan nhản đầy phố, vai vác gạo và trong tay là của vừa cướp được ở một nơi nào đó. Có người mang theo súng. Thỉnh thoảng bắn vài phát lên không thị uy. Cảnh Sát, nhân viên công lực lúc này đã hiếm thấy.  Phố đóng cửa. Tiếng bánh xe ken két kêu vang lảnh lót khi những cánh cửa sắt được đồng loạt kéo kín. Con đường Duy Tân, khúc Phương Sài mới bình yên đó trở thành nơi tụ tập của đám bất hảo. Tôi lập tức đưa gia đình về nghỉ tạm tại nhà vợ chồng Chánh, hẻm Trần Quý Cáp. Đêm đến thành phố giới nghiêm. Chánh quyền đang ra sức lập lại trật tự. Thật ra không ai dám ra đường vào lúc này ngoại trừ những người di tản sa cơ lấy lề đường công viên làm nơi tạm trú, hay lính tráng thất lạc đơn vị trở về thành phố chưa biết chỗ ra trình diện, và số đông đám lao tù thoát ngục, ngoài vòng kiểm soát. Đài BBC tiếng Việt nói Thành Phố Nha Trang rơi vào tay Việt Cộng. Lúc này tôi mới để ý đến những bản tin trên đài phát thanh này. Tôi đã nghe họ cho biết mất Ban Mê Thuột, mất Đà Nẵng, mất Huế, và bây giờ đến thành phố tôi đang có mặt. Có thể nói tình hình nghiêm ngặt, mất trật tự, nhưng mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt thì không đúng. Chúng chưa có mặt tại đây! Đêm nay chúng tôi tạm ngủ tại nhà của vợ chồng Chánh. Đêm cuối cùng, bây giờ mới biết đó là đêm cuối, phần lạ nhà, phần lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao, không ai trong chúng tôi có thể đánh giấc. Chúng tôi quyết định, còn nước còn tát, tiếp tục đi về hướng nam bằng đường bộ. Tôi may mắn thuê được một chiếc Daihatsu mà người lái xe đang trên đường trở về lại Phan Rang. Quốc lộ chật ních xe. Tất cả kết thành một đoàn convoy dài cả mấy cây số, nối đuôi nhau chậm chạp tiến về phía trước. Khuya đó đến Phan Rang. Vì chỗ nơi chật hẹp, chúng tôi buộc lòng chia hai để ngủ trọ tại hai nhà quen khác nhau.   

Cả đêm tôi không tài nào nhắm được mắt vì lạ nhà và lo lắng cho Má và Chị tôi phải phân tán tại một thành phố lạ. Suốt đêm, đầu óc tôi bị hình ảnh hỗn loạn của thành phố Nha Trang, của đoàn xe cộ và đám đông người chen chúc trên Quốc Lộ Số 1 hòa trong tiếng súng nổ, tiếng đạn pháo gầm gừ làm tôi hoang mang và hoài nghi cho sự thành công của cuộc hành trình vào Nam của gia đình. Mất đi cả ngày trời, chiếc xe Daihatsu chúng tôi thuê mới đến được Phan Rang, cách xa Ninh Hòa hơn trăm cây số. Ở đây, Má tôi chỉ có một gia đình bà con xa. Căn nhà này không đủ lớn để chúng tôi tất cả trú qua đêm. Tôi tìm đến ngôi nhà cô bạn gái ngày xưa ở cạnh nhà trước khi lấy chồng.

Khoảng chừng một giờ sáng, có tiếng gõ cửa dồn dập. Ban đầu có vẻ ngần ngại, nhưng sau thì liên tục, hối thúc làm tôi thức giấc.

Vợ chồng chủ nhà, Hòa và Diện, có lẽ cũng như tôi bị đánh thức bởi tiếng đập cửa, cũng vừa xuất hiện từ căn buồng kế bên. Hòa, trên tay lăm lăm cây súng ngắn, ra dấu cho tôi nằm im trong lúc anh ta núp sau chiếc bàn gỗ, ngoái người nhìn qua khe hở nơi khung cửa sổ. “Hình như một người đàn bà.” Hòa nói nhỏ. Rồi hướng về cửa chính, Hòa lớn tiếng:

- Ai?
- Chị đây, chị Diệp đây Hòa!

Hòa kéo thanh gỗ mở hé cánh cửa đủ lớn cho một người vào rồi lẹ làng đóng ập lại ngay. Như một cơn gió, chị Diệp trên tay mang một túi xách lớn, vừa vào bên trong đã hổn hển nói trong cơn thở:

- Hào, em đi ngay. Má sai chị đem túi đồ cho em, bảo em bằng mọi cách trở lại Sài Gòn trước khi không còn kịp.
- Đi bằng phương tiện gì bây giờ? Còn Má? Và chị nữa?
- Tối qua, Má và chị ở tạm tại nhà một người quen. Ngày mai tất cả sẽ tìm đường đến nhà chị hai Ngành ở cửa biển. Má tính nếu không vào Sài Gòn được thì sẽ chờ em ở bãi biển Ninh Chữ. Đêm qua trong phố tụi nó đã có mặt rồi. Em cứ đi. Chị phải trở lại lo cho Má.

Chị Diệp đặt một túi xách xuống nền nhà. Bằng một cữ chỉ nhanh nhẹn, Chị luồn ra sau cánh cửa, thoát ra ngoài trong bóng đêm.

Đến giờ Hòa mới lên tiếng, nói anh thay đồ đi với tôi, coi chừng không còn kịp. Tôi làm như một cái máy. Hòa chở tôi trên chiếc xe Honda, vụt ra khỏi nhà, lạng lách giữa đêm tối. Thành phố Phan Rang đêm ba mươi tháng ba không một ánh đèn, đèn nhà hay đèn đường. Nhiều tiếng súng nổ, tiếng máy bay gầm, tiếng trái sáng hỏa châu xa xa. Tiếng xe cộ đủ loại gầm thét dồn dập trên nhiều ngả đường. Xe của Hòa tiến vào trong dinh tỉnh Phan Rang, ở đó tôi mới biết những cán bộ Phượng Hoàng đang tập họp để lên xe vô Sài Gòn. Qua sự giới thiệu của Hòa, tôi được gởi gắm trên một chiếc 4x4. Chúng tôi bắt tay từ giã. Hòa trở lại nhà. Hai vợ chồng anh đã quyết định ở lại. Đoàn xe tiến ra cổng trong lúc dinh Tỉnh Trưởng ngùn ngụt trong biển lửa. Lửa liếm sang vài khu phố. Nhiều tiếng súng nổ. Bọn nằm vùng cố tình gây khó khăn, cản trở hành trình.

Đêm tối đen, nhưng qua ánh sáng của đèn xe, tôi biết rất nhiều xe, đủ loại cũng đang đi vô hướng Nam. Trên Quốc Lộ Số 1, xe chỉ còn chạy một chiều. Tiếng máy nổ, tiếng bánh xe sắt nghiến mặt đường của những chiếc xe tăng, xe cơ giới ầm ĩ, náo động đêm tối. Ánh đèn pha của đoàn xe quét sáng một giãi ngân hà trên bộ. Gió lạnh thổi vù vù trên chiếc xe mui trần. Mấy con côn trùng nhỏ, phù du, muỗi, đom đóm đập vào đầu, tấp vào mặt đau điếng. Tôi kéo chiếc áo gió trùm kín đầu. Thành phố Phan Rang chìm ngập trong biển lửa xa dần, bị bỏ lại đằng sau trong đó có Má và Chị tôi. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Chiếc xe dằn mạnh làm tôi tỉnh giấc. Cả đoàn xe bị khựng lại, ngừng hẳn. Đã có vài tia nắng sớm xa xa nơi chân trời. Nhiều tiếng súng nổ phía trước đoàn xe. Súng nhỏ, súng lớn. Có cả tiếng trọng pháo. “Bị chận. Pháo Binh đang phá mô ở Bình Tuy". Anh tài xế nói với người ngồi kế bên “Mình quay trở lại Phan Thiết". Ngay tức thì, chiếc xe chồm tới, rú ga làm một đường vòng trở lại hướng ngược chiều. Lúc này tôi mới định thần nhìn kỹ. Đoàn xe không phải chỉ hàng trăm mà là hàng ngàn chiếc. Đủ loại, như tôi đã phỏng đoán lúc đầu, từ xe hai bánh, xe tư nhân, Toyota, 4x4, Dodge, buýt, đến xe quân đội Jeep, tăng, trọng pháo từ nhẹ đến nặng. Tôi còn được biết thêm không chỉ có dân và các đoàn công nhân viên chính phủ các tỉnh thành miền Trung mà còn có cả Trung Tâm Dục Mỹ, Quân Trường Đà Lạt, Đồng Đế, Biệt Động Quân...

Lúc xe ngừng lại tôi mới nhận ra mình đang ngồi trên một chiếc bàn nhỏ. Tiếng động bên dưới làm tôi chú ý. Dưới bàn là ba cô gái tuổi độ mười mấy ngồi cong người giữa ngổn ngang túi xách, bao bị chất đống như một hầm tránh đạn. Tôi xách túi đồ, nhảy xuống xe, nói vói lên: "Mấy cô xuống đứng một chút cho ngay chân cẳng, ngồi túm rụm sáng giờ chắc đã tê chân." Người lái xe lúc bấy giờ mới lên tiếng, giọng Huế đặc sệt: "Phải đó. Tất cả xuống. Chừ đang ở Phan Thiết. Chờ xem tình hình rồi đi tiếp".

Theo lời ông lái, mọi người lần lượt xuống xe. Tôi đếm sơ có tất cả bảy người trên xe, cùng với bàn ghế giường chiếu, túi cá nhân. Cô gái lớn bẽn lẽn đứng nép sát vào thành xe, che phần sau bị loang vết máu đỏ. Mái tóc che kín gần hết khuông mặt. Tôi nghe loáng thoáng người đàn bà, có lẽ là má của ba cô gái, thầm thì với người đàn ông "Đạn mô mà đạn. Có chi mô, hắn đang có kinh".

Cùng với chiếc xe của chúng tôi, rất nhiều xe đã quay trở lại. Điều này làm ứ nghẽn giao thông và thặng dư dân số. Dân di tản và quân nhân chỉ trong một đêm ngập tràn thành phố Phan Thiết. Các sinh viên sỹ quan khóa cuối cùng của quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cũng có mặt tại đây. Quân nhân người nào cũng súng ống đạn dược đầy đủ. Tất cả đang tìm đường vô Nam. Với Bình Tuy đang bị đụng độ, quốc lộ bị cắt đứt, con đường cuối cùng và độc nhất vô Sài Gòn là đường biển. Hoảng hốt, tất cả tranh nhau ra khơi bằng mọi phương tiện với hy vọng tàu của Hải Quân sẽ cứu vớt. Những chiếc ghe câu thuyền cá chất đầy, người giẫm đạp lên nhau. Ghe thuyền bị quá tải lật nhào. Ghe chìm. Người hò hét kêu gào trong tuyệt vọng. Tiếng kêu tan vào hư không.

Chưa đến một tuần xa đơn vị, và chỉ trong vài ngày của loạn lạc, tôi suýt quên đi mình là một quân nhân hải quân. Biển Phan Thiết là vùng trách nhiệm hải tuần của tôi khi còn là một thuyền trưởng Coast Guard ở Vùng Hai Duyên Hải. Tôi sực nhớ đến một đơn vị Hải Quân tại đây: Duyên Đoàn 27 Phan Thiết mà ngày còn đi tuần tôi vẫn thường liên lạc và nhiều lần đã cặp bến đi bờ. Lòng tôi hân hoan, mừng rỡ. Tôi chạy  như bay, vượt qua cây cầu, phăng phăng qua con hẻm. Cổng Duyên Đoàn hiện ra trong tầm mắt.

“Đứng lại. Đứng lại. Giơ tay lên. Không, chúng tôi sẽ bắn.” Cùng với tiếng lệnh, tiếng súng lên đạn nghe răng rắc, lạnh lùng. Tôi liệng xách tay, vừa giơ cao tay, vừa nói lớn: “Đừng bắn. Tôi là sĩ quan Hải Quân đây. Xin phép được vào Duyên Đoàn.” Ngay lúc đó tôi nghe tiếng vọng ra từ bên trong cổng gác: “Hải Quân. Hải Quân. Trung Úy Hào! Mở cổng. Cho vô.” Tiếng lệnh của vị “thần hộ mệnh” vừa dứt, lập tức, những vòng rào concertina bén như dao cạo được các anh lính gác kéo dạt qua một bên vừa đủ cho tôi bước chân vào sinh lộ.

Người nhận ra tôi không ai khác hơn là Hải Quân Trung Úy Nguyễn Văn Minh. Anh Minh cùng học hải nghiệp với tôi tại Naval Officer Candidate School ở New Port tiểu bang Rhode Island. Anh ra trường trước tôi vài khóa, nhưng có một thời chúng tôi phục vụ cùng một đơn vị tác chiến trong Lực Lượng Thủy Bộ tại Cà Mau, trước khi tôi về Hải Đội và anh đi Duyên Đoàn. Phải nằm trong thế kẹt, đường cùng như cá chậu chim lồng mới biết được hạnh phúc vô biên của tôi lúc bước chân vào bên trong căn cứ của Duyên Đoàn Phan Thiết. Vào trong căn cứ, tôi lập tức mặc vào quân phục và kể từ giờ phút này, tôi coi như nhập quân số của đơn vị này, một cách không chính thức. Đài BBC nói Phan Thiết mất. Không bóng dáng một đôi dép râu, một chiếc nón tai bèo trong phố.

Hôm sau, khuya ngày 3 tháng tư, tôi nhập vào quân số cơ bản của đơn vị di tản trật tự từ thuyền ra chiến hạm HQ404 về Sài Gòn. Trên đường rút ra chiến hạm, xác người chết đuối lềnh bềnh, nhiều xác còn mang nguyên quân phục. Trong lúc  đó Má và Chị tôi đang lang thang ở một nơi nào đó trong thành phố Phan Rang xa lạ. Một nhiệm vụ không thành. Tâm trí tôi bị dày vò, cắn rứt. Có những nỗi buồn không vẽ thành trên giấy, không viết ra nên lời. Mỗi ngày đi qua chất đầy lên tâm thần tôi một tảng đá nặng hơn sức chịu đựng con người có thể gồng gánh. Câu nói sau cùng trong đêm tối trời tại nhà Hòa Diện, của Chị Diệp lúc nào cũng lảng vảng như một lời kinh công phu: “Má và Chị sẽ chờ em ở bãi biển Ninh Chữ”.

Hai tuần lễ trở lại Sài Gòn trôi qua trong tuyệt vọng. Một hôm, bất ngờ tôi được tin quân đội sẽ ra tái chiếm Phan Rang. Chiến Hạm HQ406 sẽ chở mấy trăm Cảnh Sát Dã Chiến tăng cường mặt trận với trách nhiệm tái lập trật tự cho thành phố tuyến đầu. Tôi mừng rỡ theo HQ406 ra Phan Rang. Tàu đến Ninh Chữ chỉ nhìn lửa rực cháy trên bãi biển quê hương của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Dự định đổ bộ vào bến Ninh Chữ bất thành. Bãi biển Ninh Chữ bị Cộng quân tràn ngập. Người bạn sỹ quan tùy viên trên Soái Hạm Mặt Trận Phan Rang cho biết Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh mặt trận Phan Rang và Chuẩn Tướng Phạm ngọc Sang, Tư Lệnh SĐ6KQ bị địch bắt. Quân đội không tái chiếm được Phan Rang. Giấc mơ được đón Má và Chị tôi vô Sài Gòn tan theo bọt biển. Tôi theo tàu trở lại Sài Gòn. Tâm tư rối bời, thêm một lần nữa.

Bến Chương Dương trong những ngày giữa tháng Tư tàu bè, chiến hạm lớn nhỏ tấp nập cặp bến ra vô. Các sinh hoạt sửa chữa, nhận xăng dầu, tiếp tế lương thực, đạn dược hoạt động liên tục ngày cũng như đêm, hình như để sửa soạn cho một công tác đặc biệt nào đó. Khẩu lệnh của Hạm Trưởng cho phép sĩ quan cũng như đoàn viên có nhà tại Sài Gòn có thể về nhà nghỉ qua đêm, nhưng khi tàu rời bến phải có mặt đầy đủ. Chúng tôi được lãnh phần lương của tháng Ba. Lẽ ra đây là một dịp vui, nhưng kể từ chuyến đi Phan Rang về, đầu óc tôi bị chấn động. Tôi cứ lẩn thẩn, đêm ngủ không tròn, chiêm bao thấy toàn ác mộng: tôi thấy tôi trên đường chạy nạn, thấy khu phố lửa cháy ngút trời, thấy súng nổ, thấy xác người trôi lềnh bềnh ngoài khơi, có những xác sóng đánh tấp vào bãi biển vào ghềnh đá.

Ngày 19 tháng Tư, như có một linh tính, tôi bàn giao chìa khóa kho tiếp liệu cho người phụ tá, Tuệ.

- Tất cả phiếu xuất tôi đã ký. Trong kho có một cái máy khoảng một triệu đô, tôi không biết đó là máy gì vì còn nguyên trong thùng, anh giữ cho kỹ.
- Ông đi đâu? Xuất ngoại như Trung Úy Kim?
- Không. Chỉ phòng khi tôi không có mặt.

Tôi cầm số lương mới lãnh, mời tất cả sỹ quan trên HQ329 có mặt hôm đó, lên câu lạc bộ ăn sáng. Ăn xong, tôi chào tạm biệt mọi người, lững thững đi về hướng Chợ Cũ để đón xe về nhà anh tôi. Anh Bình lúc đó làm cho DAO (văn phòng defense attache). Người Mỹ họ đang hối hả di tản nhân viên và thân nhân, những người làm việc hay liên hệ đến họ. Lúc chiếc xe lamb. bỏ tôi ở đầu hẻm Đường Trần Hưng Đạo, chiếc xe của DAO trên có gia đình ông anh, vì một lý do gì đó lại chạy ngược vô hẻm. Nhờ đó họ mới thấy tôi. Tương tự như lúc “ông thần hộ mệnh” tên Nguyễn Văn Minh mở rào đón tôi vào Duyên Đoàn 27 ở Phan thiết, lần này, Anh Bình xuống xe, mở cửa. Tôi như một người mộng du, bước lên, chui vào. Trên xe hai vợ chồng anh, ba đứa con, và Chi, tất cả im lặng, mặt mày buồn xo, ngơ ngác. Xe chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất. Ở đó họ làm giấy tờ, sắp xếp chuyến bay. Tôi vẫn trong trạng thái nữa mê nữa tĩnh. Khi lên máy bay, chân tôi không đủ sức bước lên cánh cửa ram của chiếc C130. Rồi máy bay cất cánh. Mọi người thổn thức khóc. Riêng tôi, cặp mắt ráo khô, nóng đỏ lửa như cơn nóng tháng Tư của Sài Gòn. Đầu tôi ngây ngất, nghe như từng đợt sóng biển Ninh Chữ thi nhau, đập rạc rào.

Tôi có mặt tại Đảo Guam ngày 23 tháng Tư. Ngày 30, truyền hình chiếu trực tiếp cảnh xe tăng bộ đội Bắc Việt ủi sập cổng Dinh Độc Lập, chấm dứt nền dân chủ của miền Nam. Thủ đô Sài Gòn bị đổi tên. Nước Việt Nam Cộng Hòa chính thức bị xóa trên bản đồ thế giới.

Đường Du Hào
Dốc Gió, đêm 30 tháng Tư 2015

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015