SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

Người ở quê đâu?

tạp ghi
THI VŨ

Đến trước nắng và lá, một màu hoa. Đông chấm dứt. Khuôn vườn tòa soạn hồng thắm những nụ đào đầu. Rồi hồng phớt cánh sen trên tầng trăm đóa đèn mộc lan. Đăng quang rực rỡ. Chừng tuần sau, phấp phới bay về những cánh trắng biếc tuyết đào.

Hương thoảng. Hương lay thức. Thấm đẫm khoảng không trung thành từng vuông hương nhẹ lâng, thắt bằng sợi chỉ mắt.

Mỗi năm một cữ, thủy chung, đúng hẹn. Mỗi lần hương là một lần thứ nhất. Mỗi lần hoa vẫn ngần ấy ngạc nhiên, mới lạ. Vẫn xao xuyến như lần đầu một tình yêu.

Tình yêu, nét gạch nối người. Mảnh mai nhưng bền bỉ. Khác chi sợi tơ tằm cột trái đất như cột con diều chơi vơi giữa vũ trụ. Hóa ra nỗi buồn là sự vắng người. Quạnh hiu khi người không người nối. Không tình yêu.

Điệu nhạc từ góc xưởng bật lên. Lảng đảng. Trầm vợi như cuộc đời chân phương bình lặng hải ngoại. Trầm và vợi. Có phải nhạc của Ngô Càn Chiếu ở đoản khúc Sẽ đưa em về ? Thì thầm hơi thở. Mộng im hơi. Vì sao Sẽ đưa em thôi ? Thời gian của chữ sẽ còn mơ hồ se sẻ. Sẽ đưa em về giữa cơn mộng lành. Chuyện dễ, đơn sơ, thế mà sao cứ hát sẽ. Sẽ đưa em về hát câu thanh bình giữa khung trời chiều, ngắm lũy tre làng với bao êm đềm tiếng tiêu mục đồng. Dản dị, khó chi, sao cứ hát sẽ ? Sẽ đưa em về giữa quê hương Việt có non sông đẹp, có con đò chiều lửng lơ xuôi gỉòng... Chuyện thanh bình muôn thuở, sao cứ phải hát sẽ ? Ngô Càn Chiếu giải thích : Sống quê hương người đã bao năm dài, cách bao biển nước, nhưng ta sẽ về xóa tan gông cùm. À ra thế.

Nói gì, nghĩ gì, làm gì, vẫn không rứt được nguồn cội quê mẹ trong lòng. Dù thời gian xói mòn bến đợi cuối cùng. Lòng vữa trên dòng sông chảy. Sông thôi chảy ngược. Biển ich chi, khi nước hết ngọt ?

Quê hương, ừ, nhưng quê hương là gì ? ở đâu ? Người xưa “thấy” quê hương sau đám mây, dưới bóng chiều. Hồn quê theo ngọn mây Tn xa xa... Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Tâm sự những người đi xa. Đi rồi về thôi. Vài tháng, vài năm là cùng. Người từ Ba Vì, Bất Bạt lên Hà nội. Người từ Nong, Truồi lên Kinh. Người từ sông Tiền, sông Hậu ra Bắc. Hay người bôn ba Trung quốc. Chẳng xa xôi chi mấy, mà mây Tần vẫn hun hút. Duy họ biết chắc đâu đó nơi một hướng trời có làng nước mình.

Tâm sự người hải ngoại ngày nay khác. Quê hương không là nơi, là hướng. Quê hương chuyển thành người. Nghĩ xem. Nếu chẳng còn ai yêu dấu trên quê hương ? Từ mẹ cha, ông bà, anh chị em tới bè bạn, người yêu cũ. Quê hương có còn là quê hương không ? Chợt lên niềm thương nhớ mới. Đang đi đâu đó, thoắt nhớ Cali, thoắt nhớ Paris, Montreal, Melbourne, London... Những nơi ấy, từng gia đình nhỏ lập lên, từng cộng đồng vầy tụ, từng thân nhân mới đến.

Ngày nào trở lại quê hương, nhà cũ, phố cũ, làng cũ… quan niệm đó như hết rồi.

Gia đình nơi đó chẳng còn ai, bạn bè thất tán. Ta còn về lại nơi ấy không ? Nơi thường xuyên diễn những chuyện lạ lùng, quái đản ?

Câu hỏi quê hương là gì, ở đâu, bỗng thành quê hương là ai ? đâu còn có đất đai chứng giám. Nhưng ai, mong manh, ngắn ngủi, vô thường.

Thuở nhỏ quãng những năm 40, nghe bài hát quê nhà lưu luyến, thiết tha. Bức tranh mộc mạc, nhưng chân xác và thơ như mộng : Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm đợi chờ, con mắt trông về phía trời xa. Ôi chiều quê, chiều tha thiết êm đềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên...

Chiều, nắng, gió, cây, chim... cứ từng cặp nhởn nhơ chốn trần gian. Đâu chả có. Khác nhau chăng, là ở đám người ngồi hay đứng bên thềm, đợi chờ, mắt trông về phía trời xa, hay cảnh chuyện trò chung với nhau. Làm cho đời sống thần tiên là khóm người thân mến, không tranh cãi, an nhàn sống bên nhau mỗi khi chiều xuống — tiền trạm của sự chết, nếu không là sự sống mộng, nhưng đều sống nằm.

Giải thích nơi chôn nhau cắt rốn, Bùi Giáng có hai câu thơ dung dị lạ kỳ :
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.

Đố ai tìm thấy một chữ thơ nào trong ấy. Mười bốn chữ hỏi đáp sơ sài. Thế sao lay thức ta mối bồn chồn khó tả ? Phải chăng thơ làm vỡ chữ. Thơ đánh mất ngữ nghĩa đã trầm luân, nháy lên tín hiệu. Mở rộng thinh niềm bát ngát mà mỗi từ đang giới tuyến.

Đã hỏi, phải đáp. Nhưng hỏi rằng là bắt đầu cuộc thơ. Giữa hai lối hỏi “Xin hỏi ông” hay “Tao hỏi mày” với “Hỏi rằng”, sự dung tục nhường bước cho điều chi khác, ra chiều trọng thể. Hỏi rằng người ở quê đâu ? — Thưa rằng tôi ở bên cầu chữ Y, (hay Thưa rằng tôi ở dưới cầu Long Biên). Thì hẹp và trệ. Cho dù rộng lớn hơn : Thưa rằng tôi xứ nhiệm mầu Việt Nam. Cũng xệ. Chẳng thơ mộng tí nào, dù chính xác, chính thức, chính đáng. Hóa ra mọi cái rõ ràng chưa hẳn đã hay. Đã là thơ thì phải :
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.

Đảo lại thành Thưa rằng tôi ở quê nhà rất lâu cũng không xong. Chả là chuyện trật vần. Mà là vị trí mặt trời của ngôn ngữ. Ở quê nhà rất lâu, lắm khi vẫn làm chân khách trú. Trái lại, ở rất lâu quê nhà, mới thiết tha, bám, bấu, như ngoạm vào cành cuối trên vực hố. Khác lắm, giữa sự thể ở quê nhà rất lâu, với ở rất lâu quê nhà. Quê thôi chưa đủ thành quê hương. Vì quê đó phải là quê nhà. Chữ nhà quan trọng, độc đáo trong sinh hoạt và tư tưởng người Việt. Nhà là nơi cư trú, nghĩa kiến trúc của các từ maison, house, haus, cư thất v.v... trong ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Trung Hoa... Nhưng trong tiếng Việt, nhà còn là người (nhà văn, nhà nghệ sĩ, nhà chính trị, nhà báo...), là cơ sở (nhà xuất bản, nhà thương, nhà trường...), là tình yêu (nhà tôi), là tổ quốc (nước nhà). Góp lại tất cả đó, nhà thành Quê Nhà. Quê mà không có nhà, tất thiếu người, không có tình yêu, nên chưa là quê hương.

Phải ở lâu nơi quê nhà ấy, mới gốc với quê, mới không mất quê hương. Ở lâu và quê nhà, hai yếu tổ lập thành mảnh đất cho người cư ngụ và sống. Thiếu một mất cả hai.

Ở lâu như nhiều người Việt bỏ nước ra đi lưu lạc nước ngoài, vẫn không tìm thấy quê nhà. Nơi tha hương ấy, sẽ hoài mãi một quê người — quê người chưa có người thương.

Quê nhà mà thiếu người thân thích mến yêu, dù có ở lâu bao nhiêu, vẫn là cõi lạ xa.

Thế thì xin cho tất cả, không bỏ sót một ai, được cùng nhau êm đềm trò chuyện rất lâu nơi quê nhà. Để khi tha phương thất sở, có ai vô cớ
Hỏi rằng người ở quê đâu

ta có thể ung dung
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Nơi quê nhà thần tiên, tha thiết ấy, bỗng mất mọi lằn ranh quốc thổ.  Trở thành quê chung con người. Con người, bạn bè của chư thiên.

THI VŨ
Paris, tháng 5.1992

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015