SỐ 66 - THÁNG 4 NĂM 2015

 

TIẾNG HÁT BÊN ĐỜI

Cũng giống như hầu hết những xóm nghèo của dân lao động, xóm Chùa ồn ào khởi sắc nhất là buổi chiều bởi ban ngày người lớn đi làm ăn, buôn bán, trẻ con chia nhau đi học sáng trưa nên không giáp mặt nhau. Trời vừa tắt nắng có mặt trước hết là các bà mẹ có con nhỏ, tay bưng chén cơm bước theo bàn chân chập chững của con. Quăng cặp sách mới đi học về, giữa khoảng trống thời gian chờ đợi bữa cơm chiều những đứa trẻ trong nhà đều túa ra phía trước tụ tập lại trên khoảng sân nhỏ nhoi chung của xóm, có khi dù chỉ đủ khoe nhau những món đồ chơi theo mùa, con trai thảy banh, chọi đáo, vích hình. Con gái đánh đũa, ôm búp bê nhựa, búng thun. Điễm sơ qua những khuôn mặt quen thuộc nhiều nhất là đám con trai hơn mười tuổi trở xuống, cộng thêm năm sáu đứa con gái được rảnh rang nhờ có bà chị phụ với má trong bếp thay cho mình, tôi là một trong số may mắn đó. Vì học buổi sáng nên buổi chiều được nghỉ, có mặt trước hiên nhà sớm nhất cũng là tôi.

Ngồi chễm chệ trên đống cây lèn chặt thành cái sạp, bày trước mặt tôi là những cuốn truyện tranh mua được bằng tiền nhịn ăn sáng, sau khi xem xong tôi cất lại để chiều chiều rỗi rảnh lấy ra nâng niu, sắp xếp bày hàng giống như người ta đang bán báo. Người lớn chẵng ai ghé mắt chú ý chỉ có vài đứa tầm tuổi tôi, đứng nhìn một cách thèm thuồng trước sự hãnh diện của chủ nhân vì mình đang sở hữu một đống truyện tranh hấp dẫn. Còn đang ngồi lật đi lật lại quyển truyện, 'Con quỷ truyền kiếp', tôi đang chờ mua tiếp số mới nhất trong đó hứa hẹn một cuộc tranh hùng gay cấn bằng mưu mẹo và phép thuật giữa con quỷ và ông thầy Tàu có cái đuôi sam sau ót dài lủng lẵng. Hai bên đang dành nhau đứa bé mồ côi ông này đang bảo vệ vì nó là người duy nhất còn sót lại của một dòng họ trót gây oan trái với con quỷ.
Bỗng nhiên mấy đứa con nít bỏ dở cuộc chơi í ới, kéo nhau rần rần vô cánh cửa bên hông chùa :

– Dô, dô nghe thằng Dư hát.

Đứa khác ca tụng :

– Tao khoái nghe anh Dư ca, ảnh mà ca cải lương là bá chấy con bò chét.

Tôi cũng bị lôi cuốn theo đám nhỏ nên vội vàng gom mớ sách lại, thảy lên bộ ván trong nhà rồi ba chân bốn cẳng phóng vô chùa. Qua khỏi hậu liêu là nhà trù, thằng Dư đứng ở giữa, trước mặt nó một đám người đứng ngồi thành hình vòng cung tôi thấy trong đó có bà sư cô là vợ sư thầy, thằng Đồng là cháu ngoại sư cô cũng là bạn thân của thằng Dư, chắc do thằng này yêu cầu bạn nó hát cho bà ngoại mình nghe. Vì vô trễ nên Dư đã hát được một lúc nên tôi chỉ nghe được khúc sau của bài Đội gạo đường xa. Bài này thằng Dư cũng hay hát trong lớp mỗi khi cô giáo gọi nó lên hát vào những lúc sắp hết giờ học nên tôi thuộc nằm lòng câu “nói lối” mở đầu:
“Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử, gục đầu nức nở khóc như mưa ! Nhớ những ngày rau cháo muối dưa, con đội gạo đường xa nuôi mẹ ! … Mẹ ơi nhó linh xưa …”

Bài hát tiếp theo của nó là bài Gánh nước đêm trăng, mọi người khen nó hát mùi quá, ai cũng thích và nhớ câu chót:
“… Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ngờ đâu giếng cạn nên tiếc hoài sợi dây ...”

Hôm sau tan hoc trên đường về, nhớ lại câu ca tôi kêu nó vừa đi vừa nói :

–  Ê Dư, bữa qua mày ca bài Gánh nước đêm trăng. Tao mới nghe tưởng sợi dây bị đứt rớt xuống giếng nhưng mà đâu có phải, giếng cạn thì sợi dây vẫn còn dính trong thùng chứ có mất đi đâu mà tiếc nuối, bữa nào mày gặp ông soạn giả viết bài mày hỏi ổng giùm tao coi.

Nó nhe răng cười :

–  Chắc đợi chừng nào tao nổi danh như Út Trà Ôn tao mới có cơ hội gặp ổng.
–  Tới lúc đó hả, vậy là còn lâu chắc mày không nhớ để hỏi giùm tao đâu. Mà tao nghĩ lúc mày nổi tiếng thì lấy tên gì? Sau ông Út Trà Ôn là Út Hiền, Út Hậu vậy hỏng lẽ mày lấy tên Út Trà Cú là quê ba mày.

Con em nó xen vào :

–  Quê má em ở Trà Vinh, lấy tên Út Trà Vinh đi nghe đẹp hơn Út Trà Cú.
–  Ê, có cô đào tên Ba Trà Vinh rồi nghen, coi chừng trùng tên người ta tưởng mày “lại cái”.

Một đứa nói xong cười hí hí. Con Nhạn nói với cả đám :

–  Xời ơi, chưa gì đã lo đặt tên, tao không thích ca cải lương, tao khoái tân nhạc. Lớn lên tao sẽ đi hát giống mấy ca sĩ hát trong mấy buổi xổ số Kiến thiết quốc gia.

Tôi lên giọng giảng giải :

–  Mày muốn làm ca sĩ tân nhạc bắt buộc mày phải qua vòng thi tuyển lựa ca sĩ. Ngay bây giờ có ai kêu thằng Dư ca vài câu vọng cổ nghe chơi là nó hát liền, còn mày tao chưa nghe mày hát câu nào ! Chừng nào mày mới dô làm ca sĩ đây ?

Thằng Dư hỏi tôi :

–  Còn mầy sau này mày thích làm gì ?
–  Ca hát thì ba tao ổng không cho đâu, mà tao cũng không thích mấy. Tao chỉ mong sau này làm cô giáo đi dạy học, tao sẽ đổi đi nhiều chỗ. Tao thích đi xa thiệt là xa, mỗi lần về thăm nhà mua thiệt nhiều quà tay xách, nách mang tặng cho mọi người là lòng tao thấy vui.

Con Bé con cô Hai tu ở trong am, gần miễu Năm Bà Ngũ Hành xế bên chùa thấy tôi nói vậy nên học lại :

–  Bữa kia má chị nhờ má em lật sách tử vi coi tuổi. Má em nói số chị lớn lên phải đi xa gia đình, vậy chắc là đúng đó.

Tôi nửa tin nửa ngờ gặng hỏi :

–  Mày nói thiệt hôn ?
–  Em nói láo cho “bà bắn” em đi.
–  Mày thề nghe thấy ghê, mày có thấy sao xẹt xuống ngay miễu Năm bà ngũ hành chưa mà thề ? Bữa đó giờ khuya lắm tao nhìn ra ngoài thấy rõ ràng đó.

Cùng học ở trường Sở Rác nên trên đường về mấy đứa trong xóm hay đi chung với nhau, cả nhóm có thêm con Tuyết, con Nga, con Hương, thằng Liêm chưa kể mấy đứa em tụi nó học lớp nhỏ hơn. Chúng tôi hay đi con đường tắt băng ngang khu vườn ổi bỏ hoang bên cạnh nghĩa địa không phân biệt ranh giới nằm đầy những nấm mộ lúp xúp dọc theo đường mòn, có cái bị sạt lở xói mòn phẵng lì không thể nhận biết nếu không có tấm mộ bia. Mặc dù được xếp hàng thứ ba sau quỷ và ma nhưng bầy học trò con nít vẫn sợ chúng như thường. Dù sợ nhưng đứa nào cũng thích đọc hay nghe kể truyện ma nên mỗi lần về ngang không chịu chậm chân thua kém đi cuối hàng, tất cả đều dành nhau bỏ chạy trước. Chỉ có mấy đứa nhỏ hơn lẹt đẹt chạy sau miệng luôn niệm ỏm tỏi khấn câu “Án ma ni bát di hồng”do cháu ngoại sư ông dạy.

Xóm nhà cất phía sau chùa đều giống nhau vẻ đơn giản bởi sống trong đó là những gia đình không khá giả. Mái nhà thường lợp lá dừa nước, vách lá hoặc ván. Vài căn mới cất sau thì khá hơn có vách tường quét vôi trước mặt tiền, nóc lợp tôn. Nhưng đặc biệt nhất có một căn nhà khác hẵn nằm đầu dãy, diện tích rất lớn vì có bề ngang rộng hơn ba bốn lần và cao gấp đôi những gian nhà khác, nó dùng để làm xưởng vẽ của một gánh hát thuộc loại đại ban nhất nhì Saigon. Phần lớn phía trước và bên trong gian nhà người ta bày những khung vải, vẽ lên những hình ảnh cây cối, nhà cửa, cung điện, sau đó mang lên sân khấu dựng cảnh tùy theo yêu cầu của mỗi vở tuồng. Do nhà còn nhiều khoảng trống nên có vài gia đình nhân viên đoàn hát chia nhau che che chắn sơ sài làm chỗ ở tạm.

Mỗi lần đi ngang để vào xóm trong mua chè, mua cốm ngọt cho ba tôi ăn sau giờ nghỉ trưa trước khi ông đi làm, tôi đều nghe lanh lảnh những câu ca đối đáp của đứa con gái trong nhà đang diễn tả trích đoạn một vở hát. Tuồng Nửa đời hương phấn là vở hát mấy đứa con nít trong xóm thuộc làu làu tình tiết, nhưng hình như tôi chỉ nghe con nhỏ này lập đi lập lại một đoạn duy nhất. Một mình nó vừa hát vừa nói lối trong cả hai vai nam và nữ. Công nhận nó diễn tả và bắt chước giọng nói trong trẻo thật tài tình của nam vai chánh :

– “… kìa cô Hương cô còn đến đây để làm gì ?”

Kế tiếp nó đổi thành giọng của một nữ danh ca nổi tiếng sầu thương cất giọng ai oán :

–  “…đến để trả cho Tùng một bức thư …..!”
Một mình nó đối đáp và cuối cùng xuống câu vọng cổ ngậm ngùi mùi rệu :
–  “ …dù biết em thành hôn với ai đi nữa.. thì chị cũng ráng về với em … ư…ư..…để mừng ngày em xuất giá ….a…a....cho vui lòng ba má …”

Cái xóm nhỏ vùng ngoại ô quanh chùa ít nhiều cũng bị ảnh hưởng của đoàn hát này. Vở tuồng nào sắp ra và công diễn tụi nhỏ rành rẽ hơn là những bài học ở trường. Có lẽ ước mơ và định hướng tương lai của mỗi người bắt nguồn từ bối cảnh chung quanh vào quãng thời gian thơ dại này đây chăng ?

 Trong xóm sát hậu liêu chùa cách nhà tôi vài căn có một gia đình ông thầy đờn dạy ca cổ nhạc cư ngụ. Không biết có phải ông bị mù không nhưng mỗi lần trông thấy ông đi đâu, ông đều mang cặp kính đen thui. Học trò ruột là một đôi nam nữ, chỉ có cô gái học hát còn anh chàng đi theo chở cô bằng chiếc Vélo Solex mới toanh. Mấy đứa nhỏ bâu chung quanh ngồi dọc theo ngoài vách cót nghe ngóng như nuốt từng lời ca của cô gái, tôi ít khi có kiên nhẫn ngồi lâu để nghe hết những câu hát bởi hầu như ông thầy chỉ dạy cô này ca độc nhất một bài, sở dĩ tôi biết vì sau đó thế nào tôi cũng được nghe câu : “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi …..lão” trong bài cô ta ca. Con nhỏ Lùn ở sát vách nhà ông thầy đờn mỗi lần cô gái hát nó ráng chép theo để học lóm, vậy mà cuối cùng cũng góp nhặt đủ hết bài đem khoe và bắt chước ca cho tôi nghe.

Một hôm bà chị tôi mở radio vào giờ ca cổ nhạc vì chị tôi rất mê cải lương tôi bổng nghe đúng bài hát cô gái tập hát với ông thầy mù nhờ câu “Tích cốc phòng cơ …..” Không biết người ca trên đài phát thanh lúc đó có phải là cô ấy hay không.

Nhà có hai chị em gái, chị tôi mỗi tối thứ bảy nghe truyền thanh tuồng cải lương chị đứng ôm sát cái radio nghe say mê. Nhiều lần như vậy nên ba tôi trông thấy, sau đó ông cấm tuyệt và giảng giải nhiều điều với chị tôi, câu cuối cùng tôi còn nhớ là : "Xướng ca vô loại". Lúc ấy tôi không hiểu tại sao ba lại ngăn cấm ý thích của chị tôi ! Mãi cho đến sau này lớn lên tôi mới hiểu rõ nguyên do về những thành kiến của người đời qua bốn chữ này, cũng như vì sao có câu hát ru con :

“Ầu ơ … … Trồng trầu trồng lộn dây tiêu. Con theo hát bội mẹ liều con hư …”

Từ ngàn xưa xã hội đã có định kiến khe khắc về nghề ca hát nếu ai đi theo nó, ngay từ câu hát ru khi con còn trong trứng nước; bởi luật vua quy định con cái của người theo nghề ca hát sẽ không được tham gia thi cử, bước đầu cơ hội dấn thân vào chốn quan trường.

Năm đó tôi và mấy đứa lớn trong xóm học chung trường làm đơn thi vào Đệ Thất trường công. Ba tôi tuy chỉ là công chức bình thường nhưng đời sống gia đình cũng phải ngăn nắp, mực thước theo khuôn phép. Con cái tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ theo kiểu “Phụ xử tử vong …”, thi đậu đệ thất là bổn phận chị em tôi bắt buộc phải đạt được. Cũng may năm trước chị tôi đã thi đậu, năm nay đến lượt tôi. Thằng Dư và con Nhạn đều bị rớt nhưng cả hai đều không hề buồn vì gia đình tụi nó không tha thiết gì mấy đến chuyện học của hai đứa.

Thằng Dư được ông thầy dạy đờn giới thiệu vô một đoàn hát và rày đây mai đó đi lưu diễn. Con Nhạn thì khá hơn, nó nhờ có bà chị cả đi làm sở Mỹ nên gia đình có khả năng cho nó học Đệ thất ở một trường tư thục nữ nằm kế bên rạp hát cải lương. Ba tôi nói sở dĩ bắt buộc chị em tôi phải thi đậu trường công vì chỉ có nơi này học không tốn tiền, với kỷ luật khe khắc chúng tôi sẽ học hành đến nơi đến chốn, điều này khiến ba tôi yên tâm về tương lai con mình. Trước đó lúc nào ông cũng răn đe : “Mai mốt lớn lên muốn làm thầy, làm cô mặc áo dài ngồi bàn giấy làm việc được mát mẽ sung sướng hay là mặc quần cùn, áo cụt gánh cái gánh dầm mưa dãi nắng, còn không thì đi quét rác chọn cái nào ?”

Tôi thấy những gia đình lao động quanh xóm, cha đạp xích lô, mẹ gánh hàng bán rong kiếm sống nên không có thì giờ quan tâm nhiều đến con cái. Nhìn thấy tụi nó sung sướng muốn làm gì thì làm, rủ nhau bày trò chơi tối ngày trong khi chị em tôi thường bị nhốt trong nhà bắt học bài. Tối ngày cắm đầu học, sau giờ học ở trường về nhà lại phải làm bài, sướng đâu chưa thấy, chỉ thấy hiện tại không được tự do đi chơi, khổ thật !

 Không còn đi học chung nên từ lâu tôi và hai đứa nó rất ít khi gặp nhau. Mới đây nghe con Nhạn kể thằng Dư bây giờ tương lai rạng rỡ lắm, nhờ có giọng ca hay nên chỉ trong một thời gian ngắn đã được cho đóng vai kép phụ trong đoàn hát ca được vài câu vọng cổ trên sân khấu, chứ không như ban đầu toàn là đóng vai quân sỉ hay tiểu đồng chỉ biết dạ thưa. Còn Nhạn học dở dang lớp Đệ Ngũ thì nghỉ học lo học hát thôi. Một buổi chiều đi học về tôi gặp ông Năm Thọ là ba con Nhạn qua thăm ba tôi, hai người nói chuyện ở quê nhắc đến nhiều người quen khi trước còn ở cùng xã Trường Bình. Tôi nghe ông khoe với ba tôi :

–  Anh Sáu biết không, con gái út của tôi là con Nhạn, nó được vô bán kết trong chương trình tuyển lựa ca sĩ đó anh.

Ba tôi cũng ừ à cho qua chuyện chứ tôi biết ông có bao giờ quan tâm đến việc hát hò, còn tôi biết được chương trình này nhờ sáng chủ nhật nào cũng có nghe truyền thanh trên radio. Không biết có ai nhờ chương trình này tuyển lựa sau đó làm được ca sĩ không ? Chứ tôi thấy ca sĩ nổi tiếng đang hát đâu có ai xuất thân từ chương trình này mà ra.

o O o

Lần đầu tiên tôi tận mắt trông thấy ngôi sao chỗi, đang ngũ nghe tiếng lao xao của hàng xóm tôi thức giấc bước ra đứng ngoài bao lơn nhìn lên. Giữa bầu trời đêm in hình một ngôi sao sáng rực có ba cái đuôi dài giống hệt như những bức hình tôi trông thấy trong quyển sách truyện, ánh sáng của nó soi rọi cả một khoảng trời. Người ta nói nếu sao chỗi xuất hiện là một điềm xấu trong năm ấy ? Có phải là trùng hợp bởi chỉ năm sau biến cố Mậu Thân xảy ra, chúng lướt qua giống như cơn bão lửa quét gần hết xóm Chùa thành bình địa. Riêng phía trước chánh điện nơi tượng Phật yên vị, xóm bên nhà thằng Dư, con Nhạn và một phần nhà trù là còn nguyên. Từ hậu liêu đối diện với nhà tôi lửa bủa vây, chạy vòng qua những dãy nhà kéo dài xuống phía nam đến tận vành đai phòng thủ Saigon biến tất cả nhà cửa thành tan hoang nham nhở tro tàn. Cả tháng sau gia đình tôi mới trở về dọn dẹp đống gạch đá là dấu tích còn lại của ngôi nhà. Tôi tình cờ gặp lại Dư sau hơn bốn năm từ khi nó theo đoàn hát. Hình ảnh một thằng nhỏ mặt mày đen thui ốm nhách, lêu khêu trong chiếc quần xà lỏn biến mất tăm. Thằng Dư bây giờ trở thành một “bạch diện thư sinh “với gương mặt trắng trẻo, khôi ngô trong bộ pyjama và đang ngồi trên đống gạch xem mấy đứa con nít trong xóm câu cá trong hồ nuôi ếch sau nhà tôi. Nó nhận ra tôi trước tiên nên lên tiếng hỏi :

–  Phải bà Kim không, chèn ơi chút nữa là tui nhận không ra.

Chợt thấy nói chuyện với nó mà kêu mày tao như trước là không ổn vì bây giờ tôi đã là cô gái mười lăm và nó không còn là một đứa con nít trong mắt tôi như xưa. Tôi cười nói với nó :

– Dư cũng vậy chứ khác gì tôi, “ông” bây giờ cao lớn phát ghê. Trước Tết tôi có nghe người ta nói ông được làm kép chánh rồi phải không, chúc mừng ông nghe. Ông với con Nhạn thì đã “đạt thành sở nguyện” rồi. Con Nhạn nghe nói nó được một ông chủ báo ưu ái viết bài lăng xê cho nó nhiều lắm, Dư có đọc chưa, có kèm theo hình của nó nữa.

Tôi thấy Dư lúng túng phân bua :

–  Bị đi hát xa Saigon hoài nên đâu có đọc báo, mà nó lấy tên gì để đi hát vậy.
–  Nó lấy tên là Đài Trang, tôi hỏi sao lấy tên này vậy, nó nói thích bài Giọt lệ đài trang.

Dư đổi giọng hỏi :

–  Còn bà giờ học đến đâu rồi, người ta lục tục về cất nhà lại. Sao lâu quá chưa thấy gia đình bà trở về.

Lòng tôi chợt buồn :

–  Ba tôi nói thôi gia đình mình đi luôn không về lại xóm này nữa. Nhà cửa cháy hết nên ông buồn quá, tôi về xem còn chút gì còn sót lại thôi. Mai này ba tôi kêu người ta sang lại cái nền nhà cho người khác. À qua hè này tôi lên lớp Đệ Tứ rồi, thời gian trôi qua nhanh thật. Dư thì kiếm được tiền xài và giúp được gia đình, còn tôi thì vẫn chưa học xong. Gia đình tôi đang cơn hoạn nạn, tôi không biết phải làm gì để giúp ba má tôi gây dựng lại. Bây giờ vật giá leo thang, lương công chức của ba tôi cộng với bầy con nheo nhóc, nên đời sống không như xưa nữa đâu.

Nghe tôi than khiến Dư nhớ lại :

–  Hồi đó phải chi bà theo tui học ca vọng cổ, bây giờ có khi được làm đào rồi. Hồi tui mới theo đoàn hát, trong đó nhiều đứa nhỏ bằng tui đã đi hát trước tui rồi tuy chỉ đóng vai tì nữ thôi. Hết vai thì cùng mấy anh kép hay đào phụ vô ăn cháo đêm vui lắm.
–  Hát hò cũng phải có năng khiếu ông ơi, với lại hồi đó ba tôi mới nghe chị em tôi ca hát đã rầy rà rồi. Ông xúi dại tôi đi theo ông học hát là ba tôi ổng đập cho què chân và từ tôi luôn hả ông ?

Nghề nào cũng có mặt trái, tôi hay nghe người ta than qua sách báo rằng đời ca hát nhiều đắng cay nhưng đã trót mang “kiếp tằm phải nhả tơ để trả nợ dâu”. Có bao nhiêu người thành công gặt hái vinh quang trong nghề nghiệp. Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ là hậu trường với bóng tối buồn hắt hiu. Tuy gia đình tôi rời xóm cũ nhưng thỉnh thoảng có dịp cũng ghé về, có lần tôi chở má về cúng rằm ở am cô Hai luôn tiện ghé thăm nhà cô Bảy chuyên cạo gió giác hơi. Tình cờ nghe được chuyện thằng Dư bây giờ đã thành một danh ca tiếng tăm lừng lẫy trong đoàn hát, được ký “công tra” lên đến cả triệu bạc, trong khi lương công chức của ba tôi cao lắm không đến mười lăm ngàn kể cả phụ cấp cho một vợ bảy đứa con. Tôi nói :

–  Vậy là mừng cho thằng Dư, ba má nó được nhờ rồi.

Cô Bảy chắc lưỡi lắc đầu :

–  Nhờ đâu mà nhờ, Anh Tư ba thằng Dư than với cô là nó bị con vợ lớn hơn nó mười mấy tuổi nắm đầu quản lý hết tiền bạc, nên đâu có giúp gia đình được gì đâu.

Tôi ngạc nhiên :

–  Ủa Dư có vợ rồi hả, sao không nghe đám cưới.
–  Cưới hỏi hồi nào ? ba má nó nói cô này nghe đâu là người theo đoàn hát cho vay tiền góp. Hổng biết làm sao mà bắt xác thằng nhỏ, bây giờ nó giống như bị cầm tù, nó bị con này ghen đến nỗi thằng Dư sợ nó hơn ông bà ông vãi.

Hồi nhỏ chơi với nhau trong xóm tôi biết bản tánh thằng Dư rất hiền không lớn tiếng với ai bao giờ, ai nói sao nghe vậy. Chẵng lẻ số thằng Dư tương ứng vào câu thơ “… Chữ tài liền với chữ tai một vần.”
Còn đang buồn buồn về chuyện thằng Dư tôi tiếc rẻ than :

–  Xóm mình có hai người theo nghề ca hát, một người bây giờ thành danh, nổi tiếng rồi. Còn người kia sau mấy bài báo “lăng xê” giờ vẫn lặng im chưa nghe tiếng tăm gì ?

Cúc con cô Bảy xen vô :

–  Chị muốn nói chị Nhạn con bác Năm Thọ phải không ?

Nhỏ giọng xuống nó nói :

–  Trời ơi, cả nhà muốn giấu nhưng con nhỏ ở cho bà chị lớn của nó học cho em nghe. Chị Nhạn lấy biệt danh Đài Trang đâu có hát hò được bao nhiêu đâu mà nổi danh. Viết được mấy bài giới thiệu bên trong trang kịch nghệ, ông chủ báo “dớt” ngay đời con gái chị Nhạn, để lại cái bầu rồi rút dù im ru, chỉ cũng biết ổng có vợ con rồi mà. Rốt cuộc chị ấy phải về quê lánh mặt chờ sinh con, sau đó bà chị ôm về nói là con của bả.

Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm nhiều nên mới có câu : “Càng cao danh vọng càng nhiều gian nan.” Tôi biết thêm một chút khía cạnh cuộc đời khi nghĩ đến Nhạn và hiểu rằng “Khó có ai tử tế giúp không cho người khác chuyện gì nếu không có hậu ý sau đó.” Như vậy, câu nói “Thi ân bất cầu báo” chẵng lẽ chỉ xảy ra vào đời xửa, đời xưa và trong sách vở thôi sao ?. Thảo nào ba tôi khe khắc với con cái, ngay cả mong ước sau này vào nghề giáo ba tôi cũng không đồng ý mặc dù anh họ tôi và nhiều bạn bè cũng ở trong ngành giáo dục. Ông nói : “Làm giáo học sẽ bị đổi đi xa, là thân con gái bộ con muốn một mình đi đến Bà Rá, Côn Đảo  'khỉ ho, cò gáy' ở hả ?” Vậy là tôi dẹp luôn ước mơ đi xa của mình, lòng thầm nhủ … tất cả chỉ là cơn mộng mà thôi !

o O o

Ai cũng có một thời ấu thơ để nhớ về nó cho dù vui hay buồn, bất hạnh hay may mắn bởi càng ngày quỹ thời gian đời sống tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Sau cơn bão mất nước cuộc sống tôi cũng bập bềnh theo nó cả chục năm. Vô tình tôi trở thành một nhân viên phòng kế toán. Người không chọn được nghề thì nghề chọn người vậy. Một người quen nói có khóa đào tạo kế toán mở ra tôi nhờ họ xin vào và may mắn được nhận. Nhìn lại không ngờ tôi đã ở trong nghề nghiệp bất đắc dĩ hơn chục năm rồi.

Mấy ngày rày người ta xôn xao khi báo chí đăng tin về nhiều nghệ sĩ được nhà nước tuyển chọn đưa đi lưu diễn các nước Âu Châu bị đám đông Việt kiều sống ở đó vây kín khi đến nơi trình diễn. Những người này phối hợp tổ chức lôi kéo, đánh tháo được vài nghệ sĩ và mang đi giấu, cuối cùng chỉ có một người trốn ở lại được. Truyền hình thành phố cũng cho chiếu lại vở hát khi đoàn này lưu diễn. Thiếu mất kép chánh trong đoàn người ta đổi vai cho nhau và ông trưởng đoàn không phải là nghệ sĩ thực thụ phải vào một vai thay thế, ông chỉ cần xuất hiện nói vài lời chứ không ca dù chỉ là một câu vọng cổ. Truyền hình cũng phát hình bài phỏng vấn những nghệ sĩ nổi tiếng khi được mời kể lại chi tiết. Dĩ nhiên là đã được kiễm duyệt kỷ càng. Khi đọc báo hoặc xem buổi phát hình tôi nhận ra tư cách rất riêng của những người nghệ sĩ chân chánh yêu nghề, yêu sân khấu mặc cho thời cuộc quay cuồng giới hạn và chi phối. Không còn những công tra bạc triệu mà chỉ còn là những đồng lương ít ỏi hàng tháng như bao người. Họ vui vì còn được đứng trên sân khấu dưới ánh đèn màu, hằng đêm cất tiếng hát bên đời cho người mua vui dù biết rằng đời nghệ sĩ nhiều bạc bẽo, đắng cay.

Một chị bạn đồng nghiệp làm chung phòng kế toán với tôi có mẹ làm việc và đi theo đoàn hát. Chị kể vanh vách tên các nghệ sĩ trẽ nổi danh thưở mới vào nghề ra sao và đời sống riêng của gia đình họ bên ngoài sân khấu. Chị kể lại với con nhỏ thủ quỹ ngồi bên kia bàn đối diện với tôi, nhắc đến nghệ danh của thằng Dư, chị nói :

–  Đáng lẽ chuyến đi có nó vì được chọn lựa bởi tài năng nhưng con vợ già của nó ghen quá không cho đi, tạt nước sôi vào người nó. Nếu nó được đi chắc chắn nó sẽ trốn luôn không trở về.

Nghe vậy tôi thấy tội nghiệp cho thằng bạn thời thơ ấu của tôi quá. Nếu nó không có tài ca vọng cổ có thể bây giờ đã có một đời sống gia đình khác hẵn hiện tại. Tôi chắc rằng nó chưa bao giờ có mối tình đầu với chút lãng mạn để yêu như những người trẻ tuổi khác. Người đời thường bảo nghệ sĩ là những người thay vợ đổi chồng như thay áo, là “Xướng ca vô loại” nhưng riêng với nó tôi tin rằng thằng Dư không bao giờ có cơ hội để trở thành một người trong số đó.

Cỏ Biển
Tháng Tư 2015

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015