SỐ 67 - THÁNG 7 NĂM 2015

 

BÓNG DÁNG MÙA HÈ

Hà Bạch Trúc

Sáng nay thức dậy trong tiếng chim hót líu lo, bên ngoài cửa sổ những tia nắng ấm đầu ngày nhè nhẹ len vào. Nhìn ra vườn, cả một bức tranh tươi mát với nhiều màu sắc trong đó màu xanh lá non là chính. Tự nhiên tôi cảm thấy rộn rã trong lòng một niềm vui nhỏ và nôn nao như có điều gì thú vị đang chờ.

Rồi tiếng con tôi reo vui khi ùa vào phòng: “Hôm nay trời đẹp quá, mình đi đâu chơi hả mẹ?”

Ðúng rồi, mùa hè đã trở lại. Hết rồi những ngày mùa đông dài lê thê và lạnh lẽo như cướp hết sinh khí con người. Những ngày mà người ta chỉ muốn trùm chăn ở ẩn để trốn lạnh chờ xuân, chờ hè và chờ nắng lên. Ở đây, ánh nắng có sức mạnh nhiệm màu làm cho vạn vật đâm chồi nảy lộc, khiến mọi người bước ra khỏi giấc ngủ mùa đông để bắt đầu sống dậy tận hưởng những ngày hè rực rỡ. Các con tôi sinh trưởng ở đây cho nên hiểu thấu được sự quý báu của ánh nắng mặt trời, cũng như sự ngắn ngũi của mùa hè. Hôm nào trời đẹp là chúng tôi tận hưởng tối đa. Có ít thì giờ thì tôi cho các con đi chơi gần. Chỉ cần một ổ bánh mì với chai nước ngọt và một chiếc chiếu là đã có một bữa picnic chạy nhảy thoải mái ngoài trời trong một công viên nào đó. Có nhiều thì giờ thì chúng tôi đi xa hơn, nhưng đi đâu thì đi cũng phải chọn chỗ nào thích hợp cho bọn trẻ.

Cứ mỗi độ hè về là tôi lại nhớ đến thời thơ ấu của mình. Ngày xưa, cả năm tôi chỉ nôn nao chờ đợi hai dịp lễ, đó là tết và hè. Hè đồng nghĩa với bãi trường, với rong chơi suốt ngày vì không phải đi học, không phải cặm cụi học bài.  Buổi sáng tha hồ nằm nướng, có hôm ra khỏi giường thì mẹ đã đi chợ về, được gói xôi bắp hay trái chuối gói nếp nướng hoặc bịch chè bột khoai nước dừa, ngon làm sao. Hôm nào may mắn thì được đi theo xách giỏ cho mẹ, và như thế có nghĩa là ra chợ được mẹ cho ăn quà thỏa thích. Nào bún chả giò, bún riêu, hủ tiếu, sau đó tráng miệng với đu đủ ướp lạnh hay đủ loại chè, chè đậu, chè thưng, chè bắp, xương xa hột lựu v.v… Tha hồ chọn lựa. Món nào cũng hấp dẫn đối với một đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học.

Ba tháng hè thênh thang, ôi sao hấp dẫn! Càng hấp dẫn hơn mỗi khi được đi Vũng Tàu tắm biển hay đi Ðà Lạt hưởng không khí mát mẽ, trong lành. Nhưng đi đâu thì đi, năm nào cũng phải về quê thăm bà nội vài tuần. Quê nội tôi ở miền sông Tiền sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long cho nên đất đai trù phú. Sông nhiều tôm cá, vườn nhà xum xuê đủ loại cây trái, nào là xoài cát, bưởi, nhãn, mãng cầu xiêm, và nhất là chuối và dừa.

Thoạt đầu nghe nói phải về quê, mấy anh chị em tôi không thích lắm. Làm sao thích được khi mới 3 giờ chiều đã ăn cơm để sau đó chuẩn bị đi ngủ khi trời vừa nhá nhem tối. Thời đó ở dưới quê chưa có điện cho nên ban đêm trời tối lắm vì chỉ đốt đèn dầu leo lét, vì vậy  phải đi ngủ sớm.

Ba mẹ chở mấy anh chị em tôi về quê nội, ở chơi vài ngày rồi phải trở về Sài gòn để đi làm, hẹn vài tuần sau sẽ xuống đón chúng tôi. Trong thời kỳ chiến tranh, mấy ai được rời nhiệm sở lâu. Mấy ngày đầu ở nhà nội, tụi tôi hơi buồn vì chỉ ăn rồi ngủ. Nội rất hiền và thương cháu; nội chiều chuộng chúng tôi dữ lắm vì sợ chúng tôi buồn và nhớ nhà. Ở nhà quê, buổi sáng chợ nhóm rất sớm. Người ta đi chợ khi trời còn tối om, phải đốt đuốc, đốt đèn dầu đi chợ. Nhà nội ở ngay bên kia chợ cho nên sáng nào tôi cũng thức dậy trong tiếng nói chuyện rì rào của người đi chợ và tiếng xe lam nổ máy bành bạch. Tất cả những âm thanh nhộn nhịp đó hòa với ánh đuốc lập lòe xa xa đã tạo nên một bầu không khí đặc biệt cho những ngày hè của tôi.

Rồi bình minh ló dạng, chợ cũng bắt đầu tan. Người đi chợ thưa dần, trả lại sự yên tỉnh cho buổi sáng miền quê. Mấy anh chị em tôi cũng vừa thức dậy và được nội chia cho món điểm tâm. Món tôi thích nhất là bánh chuối hấp chan nước cốt dừa. Từng lớp chuối xiêm chín cây ngọt lịm xen kẽ với lớp bột gạo mỏng thật mềm, chan nước cốt dừa vừa được nạo và thắng sáng nay. Tất cả hương vị tự nhiên và đậm đà của quê hương miền Nam được gói ghém trong món quà mộc mạc này.

Khoảng 10 giờ sáng thì nội dọn bữa cơm trưa. Ăn xong một hồi thế nào nội cũng bắt đi ngủ trưa. Tụi tôi nằm hết trên cái đi-văng lớn ở nhà trên. Ði-văng làm bằng miếng gỗ lớn và dày, láng bóng như gương và mát lạnh. Ðứa nào cũng nằm ngửa để áp lưng xuống đi-văng cho mát. Ngủ dậy, thấy nội đã chuẩn bị sẳn một thau nước dừa xiêm ngọt lịm, có “cái” dừa non bơi chung quanh cục nước đá to tướng.

Có hôm ngủ trưa dậy, nội bày cho làm bánh lá thúi địt (lá mơ). Lá này bọn trẻ chúng tôi ra ngoài vườn hái vô cả rỗ, rửa sạch rồi lau khô từng lá. Nội trộn bột (gạo hay nếp?) với nước cho vừa dẻo, sau đó cho tụi tôi tha hồ nặn bột lên lá thành một lớp mõng rồi vấn lá lại, đâm cái tăm hay cái gai cam để giữ lá, rồi đem hấp. Vì lá nhỏ và bột mõng nên rất mau chín. Chúng tôi gỡ lớp bột ra, bây giờ đã thành hình những chiếc lá bằng bột mõng và mịn, xếp vào dĩa rồi chan nước cốt dừa vô, ăn ngon lành. Nước cốt dừa thắng với đường ngọt lịm nhưng phải dằn thêm chút muối mới đậm đà. Ðồng bằng miền Nam quá nhiều dừa cho nên dừa được tận dụng tối đa, hầu như món ăn nào dù mặn hay ngọt cũng mang hương vị ngọt và béo tự nhiên của dừa.

Sau đó nội cho ra sông tắm cho mát. Nội biểu mấy đứa trẻ lối xóm đốn vài cây chuối để làm phao cho chúng tôi bám vào tập bơi. Ngày nào tụi tôi cũng bơi lội vùng vẫy đã đời dưới sông, nội phải kêu năm lần bảy lượt và hăm dọa ngày mai không cho tắm sông nữa mới chịu lên.

miền quê có nhiều thú vui cho trẻ con lắm. Mấy đứa trẻ hàng xóm thấy tụi tôi về nên sau vài ngày tò mò quan sát, thế nào tụi nó cũng qua để làm quen và rủ rê tụi tôi đi chơi. Tụi nó  bày đủ trò, dẫn tụi tôi đi khắp nơi, mà đi đâu cũng phải qua cầu khỉ. Những cây cầu chỉ bằng một thân cây nhỏ bắt ngang rạch nước, vậy mà hấp dẫn tôi quá chừng. Ði mà sợ té gần chết, sợ mà vẫn thích đi. “Tụi dưới quê” lấy làm thích thú khi thấy “tụi Saì gòn” lúng túng và khó khăn lắm mới làm được cái việc mà đối với chúng thật dễ ợt: qua cầu khỉ mà không té xuống nước.

Một trò chơi nữa mà tôi rất khoái, đó là đi xuồng. Ở dưới quê hình như nhà nào cũng có một chiếc xuồng; đó là phương tiện di chuyển của người dân quê. Ði chợ xa, đi công việc hay chuyên chở đồ đạc, người ta đều dùng xuồng. Ði câu cá, lưới cá, lưới tôm cũng bằng xuồng. Thậm chí đám cưới đi rước dâu cũng bằng xuồng. Ở Saì gòn làm gì có xuồng mà chèo, mà cũng có sông có nước đâu mà cần xuồng. Cho nên chiếc xuồng có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với bọn con nít thành thị chúng tôi. Vả lại đứa con nít nào mà không thích nghịch nước, bây giờ được ngồi chòng chành trên xuồng, hai tay tha hồ vọc nước … ôi còn gì thú hơn.

Thường gặp “tụi dưới quê” là tụi tôi hỏi liền: “Nhà mày có xuồng hông?” Dĩ nhiên nhà đứa nào cũng có, nhưng không phải đứa nào cũng được phép lấy xuồng đi chơi. Ðứa nào “uy tín” lắm mới được. Có hôm chỉ có được một chiếc xuồng mà đứa nào cũng đòi đi, làm xuồng “khẵm”, nước ngắp nghé tràn vô xuồng khiến đứa nào đứa nấy ngồi nín thở không dám nhúc nhích. Trẻ quê đứa nào cũng chèo xuồng rất “nhuyễn”. Tụi nó chở tụi tôi đi dọc bờ sông, thấy chỗ nào có cây trái mọc sà mé nước là tụi nó tấp xuồng vô rồi lấy cây dầm quơ cho trái rụng, thường là trái bần hay mận hay ô môi. Ðã có dự tính trước nên tụi nó đem theo chén muối ớt. Trái bần vừa chát vừa chua vậy mà chấm muối ớt ăn ngay trên xuồng vẫn thấy ngon nhớ đời. Còn trái ô môi dài cả nửa thước, giống như cây sáo (kèn) vậy, đem chặt từng khúc ngắn chừng độ gang tay rồi chia mỗi đứa một khúc. Muốn ăn phải lắc lắc khúc ô môi cho từng khoanh mỏng rời ra. Ô môi có vị ngọt đậm đà nhưng ăn không ngon lắm vì có mùi thum thủm.

Có hôm “tụi dưới quê” dẫn tụi tôi đi bắt ốc. Gì chứ vụ này thì tụi nó quá “rành nghề”. Chỉ cần ngăm mình dưới nườc chừng một lát để gở ốc bươu ở mấy chân cầu bằng gỗ là đã có một rỗ ốc đầy. Nhưng tụi nó không cho tụi tôi ăn liền mà bắt phải ngăm qua đêm cho sạch. Tụi nó bỏ ốc vô một cái chậu rồi chế nước vo gạo vô, nói cho ốc béo, và bỏ thêm vài trái ớt đâm nhuyễn, nói cho ốc vì cay mà nhả nhớt. Sau đó lấy cái rỗ đậy lại, trên dằn cục đá nặng cho ốc khỏi bò ra. Dĩ nhiên tụi tôi nôn nóng chờ đợi đến ngày hôm sau để được thưởng thức món ốc bươu luộc. Tụi nó hái lá xả bỏ vô nồi nước luộc ốc cho nên nồi ốc thơm lừng. Ngồi trước nồi ốc luộc bốc khói, tụi tôi được phát mỗi đứa một cái gai cam to như cái kim băng để lể ốc. Tụi nó dặn khi lể phải xoay tròn con ốc mới lấy được nguyên phần thịt ốc, và phải nhớ ngắt bỏ phần đen ở cuối. Sau đó chắm ốc vô tô nước mắm me sả ớt pha đặc xệt. Ngon tuyệt !

Ban ngày thì rong chơi khắp xóm với “tụi dưới quê”, chèo xuồng bắt ốc ngụp lặn dưới sông vui đùa thỏa thích, nhưng đêm nào thằng em tôi cũng khóc lóc đòi “về Saì gòn” vì “muốn ba mẹ”. Khóc đó rồi quên đó, sáng ra nó lại tung tăng chạy nhảy chơi đùa.

Và rồi những ngày hè ở miền quê cũng kết thúc. “Tụi Saì gòn” lưu luyến chia tay với “tụi dưới quê” hẹn năm sau sẽ về nữa. Tôi nhớ hoài lời dặn dò tha thiết của tụi nó “Năm tới tụi bây nhớ dìa nữa nhen”.

Biết bao mùa hè đã trôi qua, tôi đã đi qua bao nhiêu danh lam thắng cảnh, đã thưởng thức biết bao món ngon vật lạ, nhưng không có hình ảnh nào ở lại thật lâu trong ký ức bằng ánh đuồc bập bùng của những buổi chợ sớm mai miền quê nội, không có cao lương mỹ vị nào sánh nổi với món ốc bươu luộc mộc mạc của thời thơ ấu.

Bây giờ mùa hè tôi đi chơi khắp nơi … nhưng đâu còn quê nội để về. Còn chăng là bóng dáng mùa hè.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015