SỐ 67 - THÁNG 7 NĂM 2015

 

MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA

  
Đêm qua, kỷ niệm ngày quân lực, trong tiếng nhạc hùng tráng quen thuộc khởi đầu buổi lễ chào quốc quân kỳ, trong hàng người đứng yên tay giơ ngang mày trong tư thế chào kính, màu áo trắng tinh của anh nổi bật khi đứng giữa những bộ quân phục của các chiến hữu quân binh chủng khác. Khung cảnh trang nghiêm khiến trái tim người tham dự bất giác toát ra một ngọn lửa say sưa của bầu nhiệt huyết thời còn trai trẻ, sôi nổi với tình yêu đất nước. Dường như tất cả đều đắm mình vào hồi ức, hình ảnh của một thời trong quá khứ từ tiềm thức nào đâu phải của riêng ai bỗng nhiên lũ lượt trở về. Lúc ấy tôi bỗng như mê chìm về khoảng không gian thời còn đi học đầy mộng mơ lãng mạn, thuở trái tim của người con gái bỗng nhận ra đang nhung nhớ về một “người dưng khác họ”. Cảm thấy hãnh diện khi được sánh vai là người yêu của lính,yêu người nên yêu cả màu áo, yêu luôn giấc mộng hải hồ khi anh là người lính biển.

“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ ngây thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ ….”

... Ngày ấy tôi biết được mình đã gặp người ước mơ qua những lá thư khi mới quen nhau! Hành trình của nó nhờ KBC theo đường chim bay ngắn nhất từ thành phố gửi đến căn cứ của anh, có lúc phải di chuyển theo con tàu tuần duyên dọc ven biển, lời lẽ trong thư đã thổi hồn cho tình yêu cả hai chúng tôi lớn dần cùng ngày tháng. Những xôn xao rộn ràng cảm xúc qua vài lần về phép hiếm hoi của chàng, bàn tay mềm mại dịu dàng với vòng ôm từ phía sau lưng điển hình cho niềm hạnh phúc vô biên vào những buổi tối chở nhau dạo quanh qua các con đường của Saigon. Trước khi đưa nhau về, không phải chỉ “uống ly chanh đường” ở Duy Tân như lời một bài hát mà còn chia xẻ thêm vắt mì, viên hoành thánh nổi tiếng của xe mì ông Tàu nơi góc đường, đến nỗi thần ái tình đang ngự trị quanh đâu đó trên cao nhìn xuống cũng phải bật cười khi thấy hai người chỉ thiết tha nhìn nhau cũng đã đủ no. Niềm hạnh phúc ấy giống như nhà thơ quân chủng Hải quân trong tập “Chuyện chúng mình” đã phải thốt lên với trạng thái choáng ngợp “Tình yêu ! Ôi tình yêu ! Trọn đời anh mang theo. Trọn đời anh giữ lại. Cho đẹp tình thơ dại.”

 Năm tháng trôi qua, với người khác có thể những thời khắc và cảm xúc ngày ấy đã đổi thay. Nhưng trong trái tim tôi vẫn thấy xúc động y hệt như những ngày yêu nhau hơn bốn mươi năm về trước, vẫn nhẹ nhàng và đầy ắp hương vị của tình yêu giống như cảm xúc của một nhà thơ khi “lần đầu ta ghé môi hôn”. Bây giờ tôi mới nhận ra và đồng cảm với ai đó khi họ viết rằng “Ký ức là mùi hương vĩnh cửu”.

 oOo

Không phải cho đến bây giờ tôi mới mong muốn may lại một bộ lễ phục gồm đại lễ và tiểu lễ cho anh. Những thứ mà anh và bạn bè không đánh rơi lại bị mất sau những ngày của tháng tư đen tối.

Nhớ lại những năm còn trong nước, ngày đầu tiên nhìn thấy những người lính hải quân của “quân đội nhân dân” mà chán mớ đời ! Bộ quân phục lùng nhùng với cái quần kaki xanh dương bạc phếch, phía trên là chiếc áo trắng bằng vải thô với tấm “tả” trắng kẻ sọc xanh to đùng phía sau cổ trông xấu tệ. Cũng có thể do ánh nhìn của tôi có thành kiến khi đã quen nhìn những đoàn viên quân chủng Hải quân VNCH gọn gàng với chiếc quần pat bằng vải jean xanh sậm, chiếc áo chemise xanh nhạt trông hài hòa và “ton sur ton”, dù có cũ mèm nhạt phai vì nắng gió biển cũng tạo thành vẻ nhuốm chút phong trần giống y những tài tử ciné tôi đã được xem trong các cuốn phim nói về chiến tranh. Bộ đồ đại lễ của họ lại càng đẹp hơn, màu trắng tinh của chiếc quần loe ống, thắt lưng màu trắng lấp ló dưới lưng áo ngắn với chiếc cà vạt màu đen được thắt quanh cổ áo to bản truyền thống của lễ phục tạo dáng nhẹ nhàng vui mắt khiến bước chân người lính biển tượng hình giống như những bọt sóng trắng tinh khôi đang nhún nhảy trên mặt đại dương xanh ngắt.

Cuối cùng tôi cũng may mắn sang được bên này sau mười bảy năm ! Lần đầu tình cờ được xem cuộn phim nội dung kể về một nữ ca sĩ có người yêu là thủy thủ, anh chàng mất tích trong trận hải chiến để lại cô gái khắc khoải mong chờ trong buồn đau tuyệt vọng vì thất lạc nhau. Người lính sau khi được cứu thoát trở về không tìm thấy người cũ, buồn rầu một mình lang thang trên bến vắng. Ghé tạt vào một quán bar ven bờ định uống vài ly rượu quên sầu. Đảo mắt nhìn quanh bất ngờ nhìn thấy người yêu đang đứng hát. Trên sân khấu cô ca sĩ nhận ra người lính ngay tức khắc vì anh đang mặc bộ quân phục màu trắng nổi bật giữa đám đông khán giả. Đang trình diễn nửa bài hát nên không thể đến với nhau chỉ biết thể hiện nỗi vui mừng, cảm xúc cất cao lời hát trầm bổng, da diết “Smoke gets in your eyes” gửi đến anh. Cả hai nhìn nhau bằng ánh mắt đắm say qua khói thuốc của chàng thủy thủ.

Đối với người khác chuyện phim chỉ là một câu chuyện bình thường, nhưng riêng với tôi hình ảnh trùng phùng khiến tôi thật xúc động bởi chạm vào nỗi nhớ những ngày tháng cũ. Có thể do bộ quân phục anh ta đang mặc khiến người xem liên tưởng đời hải hồ rày đây mai đó của người lính biển, giống như vì sao Bắc đẩu xuất hiện trong đêm đen soi đường, họ trở về giữa thắc thỏm đợi chờ của người ở lại đã làm tình yêu bỗng thăng hoa trở thành lãng mạn và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Chuyện phim làm tôi nhớ lại trong thời gian yêu nhau,lúc đó trận chiến Hoàng Sa bùng nổ nhiều chiến sĩ đã hy sinh bên cạnh vị hạm trưởng theo truyền thống ở lại để cùng chết theo con tàu. Ngoài ra còn một số phải trải qua mười mấy ngày trôi dạt trên biển bằng chiếc bè cao su khi gặp lại người thân, bạn bè mới biết mình còn sống sót. Người lính biển không chỉ đêm đêm thao thức trên đài cao đơn độc canh gác biển khơi, hoặc nằm nghe sóng vỗ dập dềnh nhịp sóng róc rách ru êm giống như những bài hát tác giả đặt ra để ca ngợi họ. Đời thủy thủ không chỉ có biển xanh, nắng vàng, cát trắng. Họ cũng có lúc đối diện bão tố ngày đêm với những con sóng cao ngất phủ chụp khiến thốc tháo mật xanh, mật vàng khi ấy nhìn về đất liền chỉ có ngọn hải đăng cô đơn bè bạn.

 Nhiều năm sau này khi có điều kiện, lần đầu tiên tham dự đại hội của OCS tổ chức tại một tiểu bang gần thành phố mình cư ngụ khoảng ba giờ lái xe tôi mới có dịp nhìn lại bộ quân phục qua các bạn anh trong những ngày hội tụ nơi này. May mắn thay tôi lại được tham gia vào chuyến viếng thăm hàng không mẫu hạm USS ABRAHAM LINCOLN ( CVN 72 ) đang trong thời gian đại kỳ nên neo tại căn cứ Everest ở tiểu bang Whashington. Đâu phải bất cứ thân nhân nào của những người lính Hải quân đều may mắn được biết sinh hoạt và mục sở thị về những gì xảy ra bên trong các chiến hạm người thân mình đã từng gia nhập thuở nào. Phái đoàn được đón tiếp như những thượng khách ngay khi bắt đầu đặt bước chân lên hạm kiều nối từ đất liền. Qua những hàng lính đứng dàn chào với áo trắng lóa mắt, đứng đầu là vị nữ thiếu tá trưởng toán với bộ tiểu lễ đón tiếp bằng nghi lễ trang trọng tôi tưởng như đang trong mơ. Chạm tay, cúi đầu bước qua vòm cửa sắt tròn và hẹp, dọc theo hành lang leo lên chiếc thang sắt đi hết khu vực này lại xuống chiếc thang ốc xoắn tròn đến khu vực khác. Cuối cùng phái đoàn được hướng dẫn đến một gian hầm to rộng mênh mông như một sân bóng, ở đây trước kia là nơi dành cho các phi cơ nằm sắp hàng chuẩn bị đến lượt di chuyển ra chiếc thang máy lộ thiên thật to để được đưa lên boong tàu.

Không biết đã có bao nhiêu chuyến phi vụ được chiếc thang này nâng lên hạ xuống, mặc dù không phải là phi cơ nhưng chúng tôi cũng được đưa lên phía boong giống như vậy. Sàn tàu ở đây rộng mênh mông với đường băng thẳng tắp giống như các phi trường trên mặt đất. Đứng ở đây nhìn lên phía đài chỉ huy lô nhô đủ loại dạng radar ngang dọc mới khâm phục trí não con người tuy chỉ là những mô tế bào kết hợp với hình thức thật mong manh, nhỏ nhoi nhưng lại là trung tâm duy nhất sản sinh những phát minh, khám phá biết bao điều kỳ diệu bao la vượt không gian, thời gian ; ngược về quá khứ và hướng đến tương lai không hề ngừng nghỉ.

 

Hai mươi năm cũng là cột mốc thời gian dài trong đời người. Lần thứ hai tôi ghé thăm Cali trong chuyến rong ruổi từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Tôi thúc giục ông xã :

–  Nhân dịp này anh phải may một bộ quân phục, lúc trước anh nói các bạn anh mua ở đây vì chỉ nơi đây mới có mà thôi.

Anh ngần ngừ :

–  May làm gì vì đâu có mặc nữa đâu, tốn tiền vô ích.
–  Mấy khi mình về đây, sẵn dịp mua luôn. Nếu không có dịp mặc thì để đó làm kỷ niệm. Có những kỷ niệm trở thành vô giá, tiền bạc không thể nào mua lại được.

Mấy tháng trước hội cựu chiến sĩ thành phố mình trong dịp khánh thành khu Little Saigon có đoàn rước quốc quân kỳ diễn hành, ông chủ tịch phải cầu viện hai anh bạn OC ở tỉnh khác về giúp cho đầy đủ hình ảnh của quân binh chủng Hải, Lục, Không quân.

Thấy anh có vẻ xiêu lòng tôi bồi thêm một câu :

–  Ngạn ngữ có câu “Cái áo không làm nên thầy tu” Nhưng người ta quên rằng “Đã là thầy tu thì không thể không có chiếc áo”.

Vậy là anh bấm phone hỏi một người bạn địa chỉ nơi cung cấp quân phục. Cứ tưởng nơi đây có sẵn các số đo theo yêu cầu nhưng không phải vậy ! Chỉ có nón, giày và các phụ tùng đính kèm mà thôi. Quần áo phải oder và chờ đợi may sửa cần rất nhiều thời gian. Cuối cùng anh chọn bộ tiểu lễ theo size cần thiết. Tôi đề nghị và pha trò :

–  Sao anh không mua luôn chiếc áo đại lễ cho đủ bộ. Tới luôn đi bác tài. “Dân chơi sợ gì mưa rơi”.

Cuối cùng khi tính tiền con số lên đến chóng cả mặt, tôi thúc anh đã đi tới nơi chẳng lẽ lại về không ! Đã vậy chiếc áo đại lễ phải chờ một tuần sau mới có. Chúng tôi đành phải nhờ địa chỉ một anh bạn đến nhận giùm và gửi sau cho mình bằng đường bưu điện.

Nhà tôi là người thước tất khiêm nhường, bộ quân phục lại theo size tiêu biểu của người Mỹ, quần áo thì dài lê thê và rộng “thùng thình”. Hèn gì thợ may người ta chỉ thích may quần áo mới chứ không nhận sửa lại, những tiệm giặt đa phần chỉ nhận lên gấu quần, váy đầm ! Không chỉ ở Bắc Mỹ tiền công may hoặc sửa lại toàn thể một cái áo hoặc quần rất đắt. Cũng giống như chị vợ một anh bạn OC ở cùng thành phố với chúng tôi đã thốt lên :

–  Trời ơi, sửa bộ đồ cho anh ấy không biết mình đã bắt ảnh mặc thử mấy chục lần !!

Bởi chúng tôi chỉ là những người thợ may “tay ngang” bất đắc dĩ. Nhưng phải công nhận người phụ nữ Việt Nam là những người vợ, người mẹ cao cả. Bắt chước câu ngạn ngữ Tây phương nhưng phải đổi lại cho hợp với thời thế : “Phía sau lưng bộ quân phục của người chồng đều có bàn tay tuyệt vời của người vợ”.

Riêng với nhà tôi không chỉ là mấy chục lần mà phải nhân lên gấp bội. Cho dù chưa bao giờ làm người mẫu nhưng lần này bắt buộc anh phải làm một “ma nơ canh” bất đắc dĩ, khoác lên người bộ quần áo và đứng yên để tôi nâng trôn, bẻ gấu. Kẹp chỗ này, kết chỗ kia một chút. Người mẫu chỉ biết đứng trợn tròn mắt hãi hùng nhìn theo bàn tay cầm cây kim của tôi không dám nhúc nhích vì sợ tôi sẩy tay là có ...đổ máu !

Áo tiểu lễ thì dễ chỉ cần lên lai tay, gấu áo và bóp hông. Áo đại lễ khó hơn bởi tay dài và gấu áo thuộc dạng veston. Nhưng đến cái quần thì tôi phải “đánh vật” không biết bao nhiêu đêm ! Phải tháo “tất tần tật” mới có thể vẻ lại “đường chính trung” định hình hai ống quần mới. Vẽ đường ngang mông ngang gối, ngang ống rồi hạ đáy, hạ gối ..v..v.. Cũng may khi sang bên này hành trang mang theo có quyển tập dạy cắt may tôi mới có thể mò mẫm sửa theo số đo thực tế. Không có máy vắt sổ phải vắt bằng tay toàn bộ. Nhiều đêm ngồi tỉ mẩn với đường kim mũi chỉ trong không gian vắng lặng bỗng tôi nhớ lại những câu thơ khi xưa đã từng đọc, cảnh “bên chàng đọc sách, bên nàng quay tơ” thơ mộng của thời còn là nữ sinh giờ đã thành cổ tích. Chàng bây giờ đã là ông già hơn “sáu bó” nằm ngáy o o còn nàng thì mắt mũi kèm nhèm đôi kính lão đang lần mò nhướng mắt với cây kim sợi chỉ, suy nghĩ khiến tôi bật cười khúc khích một mình.

Bàn tay đang thận trọng từng mũi chỉ tôi bỗng nhớ đến ngày xưa có lần anh thuyên chuyển về đơn vị mới, mỗi nơi lại có những huy hiệu khác nhau nên anh phải mang về để tôi kết vào bên cánh tay áo của bộ quân phục màu xám mặc mỗi ngày khi ra đường.

Xếp lại bộ đại lễ sau khi hoàn tất, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc của văn chương Việt Nam diễn giải, người chinh phụ dõi mắt vời trông ngày về của chồng chỉ để “...Xin vì chàng xếp bào cởi giáp ...Vì chàng tay chuốc chén vàng. Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng...”

Cuối cùng thì mọi thứ cũng đã sẵn sàng. Ngày 19/6 anh trang trọng mặc bộ đại lễ tham dự ngày quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Con gái tôi gần bốn mươi năm từ khi sinh ra đời lần đầu tiên mới được trông thấy cha mình mặc bộ quân phục của quân chủng ông. Thật xúc động khi con tôi trầm trồ :

–  Ba mặc bộ quân phục trông oai hùng quá.

Tôi tiếp lời :

–  Ngày xưa khi ba con còn trẻ oai hơn gấp bội bây giờ.

Đứa cháu trai mới tám tuổi chỉ tay vào ông ngoại nói :

-  You look like soldiers.

Có nhiều quá khứ người ta khuyên nên quên nhưng cũng có những quá khứ lãng quên lại là một tội lỗi. Không một bài học thực tế nào hay hơn để giảng cho con cháu thế hệ sau biết quá khứ đẹp đẽ về cha ông mình đã hy sinh tuổi trẻ chiến đấu dưới lá cờ vàng gìn giữ tự do cho đất mẹ, qua hình thức bộ quân phục của quân binh chủng người cha đã từng khoác lên. Dù mọi thứ đã là dĩ vãng nhưng thay vì xếp vào một góc để dần dà quên đi, tại sao chúng ta không nhân dịp mỗi khi có cơ hội mặc vào để nhắc nhở và nâng niu quá khứ dù chỉ với một chút hãnh diện để người khoác áo thể hiện mình không bao giờ hối hận với lý tưởng theo đuổi ngày xưa.

oOo

 “… Ngàn sao đến đây, về soi sáng khung trời, đưa ta về kỷ niệm.Hôm nay anh là lính, tàu anh đi bốn phương.
... Bao la đêm biển vắng làm sương rơi áo anh,
Trên boong nhiều gió lộng tàu còn đi khắp miền.
Anh xin người yêu anh đừng khóc và xin em đừng buồn.
... Lênh đênh đài cao chiến hạm, anh nhìn vì sao rơi nhắc nhở tên em...”

Trên sân khấu cô ca sĩ đội chiếc nón Hải quân đang nhún nhảy hát bài Sao rơi trên biển.

Bài hát rất xưa gần nửa thế kỷ nhưng lời hát vẫn giống như mới ngày hôm qua vì tình yêu không có tuổi với những người yêu lính biển.

Hơn bốn mươi năm người lính Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn hãnh diện với quá khứ một mình đơn độc, không được bất cứ sự trợ giúp của ai cho dù là quân binh chủng bạn, đã can đảm khai hỏa đương đầu với kẻ thù phương Bắc có hỏa lực mạnh gấp chục lần khi chúng xâm lấn vùng biển đảo nước nhà. Lịch sử đã trả lời cho dân tộc Việt Nam biết ai có công, ai gây tội. Có những cái chết theo con tàu tên tuổi được lưu truyền mãi với danh thơm. Đối lại là ô nhục cho những ai cam tâm ký kết công hàm mở lối cho ngoại bang chiếm giữ biển trời của tổ tiên. Hiện tại cho dù sự thật vẫn bị cố gắng che đậy nhưng “một tay vẫn không che nổi trời” khi hậu sinh lần giở lại ngày tháng của từng trang sử giữ nước. Biển mãi xanh và mặt đại dương vẫn phẳng lặng hiền hòa nhưng trên đó hình ảnh của những chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 của quân chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn bềnh bồng muôn đời bất tử.

Cỏ Biển.
Ngày quân lực 19/6/2015.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2015